Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

MỐI DUYÊN MƠ





Xem trước

         Chị đã đến nhà tôi thăm chơi và cũng đúng lúc “ăn một cái Tết Việt nam” như lời đã hứa. Và chị không đi một mình, mà đi với người đàn ông Mỹ da trắng tên JAY, trẻ người và vui tính, hiện là chồng của Chị.
          Thật là chuyện “khó tin mà có thật”, một duyên tình cứ như trong mơ ở thế kỷ 21 này, mà ngay cả những người trẻ, đẹp có bằng cấp mơ ước, chắc gì đã toại nguyện.
          Chị là người đàn bà hiện đã có tuổi, không có điểm nổi bật về sắc vóc.
        
           Từ lúc sinh ra ở một tỉnh lỵ miền duyên hải, đến khi vào trường trung học, chị chưa hề có mối tình lớn nào hầu đem cất giữ trong ngăn kéo con tim để làm kỷ niệm, ngoại trừ những người bạn cùng trường lớp theo chọc phá tán tỉnh, ghép đôi như hầu hết những cô cậu học trò tuổi vừa mới lớn ở cùng thời..


       Năm mười bảy, nghe theo lời cha mẹ, chị lên xe hoa với một “Lính trận miền xa”. Đó là người con trai độc nhất trong gia đình người bạn của cha mẹ chị. Nhà anh khá giả, hai gia đình thuộc dạng “môn đăng hộ đối”. Có điều “con nhà giàu-học dở” nên anh thuộc nằm lòng câu vè: “Rớt tú tài anh đi Trung sĩ” và anh bình thản thi hành nghĩa vụ quân sự mà không “chạy chọt” trong điều kiện có thể.. Chị lấy chồng mà không hề biết gì về tình yêu- theo lời chị kể.




      Cuối năm  mười tám, chị đã có đứa con trai đầu lòng, trong khi vẫn còn theo anh đang đóng quân trên miền cao nguyên đất đỏ.



       Chị là một thành viên trại gia binh với nhiều người vợ lính khác. Nếu người Lính ra ngoài mặt trận chiến đấu một mất một còn vào những giờ phút “đụng trận”, thì những người vợ lính cũng thấp thỏm chờ đợi, đọc kinh cầu nguyện cho những người chồng, người cha được trở về nhà bình yên. Trại gia binh cũng là một đơn vị Lính hậu cứ theo lời chị kể, mỗi khi đơn vị đi hành quân sắp về, là cả khu trại nhôn nhao, nhốn nháo, chạy tới chạy lui để bắt tin xem “ai còn ai mất”. Hôm nào đơn vị trở về an toàn, coi như hôm đó khu trại gia binh làm tiệc ăn mừng, hôm nào có người tử trận, cứ y như rằng nguyên khu trại cùng để tang cho người chiến sĩ anh hùng đó. Còn chuyện bị thương vào nằm quân y viện, thì họ giúp nhau đi tìm thăm trong mọi điều kiện có thể.


     Tình tương thân tương aí có, mà nhiều chuyện phức tạp cũng có, có nhiều trận …đánh ghen vô tiền khóang hậu cũng đã xảy ra, khi mà người hàng xóm sát vách cứ nghe tiếng đàn bà la oai oái bên hông nhà mình, định tông cửa vào can, kẻo “thằng chồng vũ phu lính tráng” uýnh cô bạn mình, không sứt gọng gãy càng cũng gãy răng, bầm mặt. Nhưng khi cửa nhà hàng xóm bung ra, thì hỡi ơi! người chịu sưng vù bên má, trầy trụa một cánh tay không phải cô bạn yếu đuối của mình, mà là người ‘chiến sĩ can trường” vừa trở về nhà từ vùng lửa đạn. Đánh ghen mà, người nào có tội thì phải ..chịu ăn đòn cho đối phương hả dạ.


     Trại gia binh nói chung là vui buồn lẫn lộn, nhưng cố nương nhau mà sống, vì chị không muốn ở một mình nhà mướn bên ngoài, trong khi anh cứ theo đơn vị đi hành quân liên miên. Cho đến một ngày, toàn khu trại gia binh đến căn nhà của chị để chia buồn. Anh là một trong bốn quân nhân hy sinh trong trận đánh kỳ đó, với nhiều người bị thương. Lúc này địch quân lần lần lấn chiếm các tỉnh miền cao nguyên. Chị đưa xác anh về lại thành phố cùng với đứa con chưa đầy 4 tuổi đầu đã quấn khăn tang trắng, từ giã hẳn miền cao nguyên đất đỏ mà không hy vọng có ngày trở lại, trước khi xảy ra cuộc triệt thoái cao nguyên chừng vài tháng.


      Thành phố chị ở cũng hứng chịu những cảnh tượng tang thương, mất mát buồn khổ khi mà “quân giải phóng”" tràn vào thành phố đầu tháng tư năm đó. Gia đình chị bị ghép vào thành phần “tiểu tư sản nên phải đi “kinh tế mới”, cộng thêm tội danh có chồng là “lính ngụy” dù đã tử trận. Nhưng nhờ cha mẹ chị đã lớn tuổi, lại có nhà cửa, đất đai bị nhà nước tạm “quản lý”, trưng dụng làm văn phòng hành chánh, gia đình chị coi như tạm thời “có công với cách mạng”, được phép ở lại thành phố, chị lại được thu nhận vào làm công nhân cho một “tổ hợp mì sợi” mà phần vốn cũng phải tự công nhân góp vào.


      Rồi một ngày chị đành ôm con đi vượt biên, vì không thể chịu đựng nổi sự hà khắc của chính quyền mới, sự dòm ngó, theo dõi của những người “cách mạng ba mươi” đối với gia đình chị, dù đã “cống hiến tài sản” quá nhiều, khi cha mẹ chồng chị cũng đã cho phép chị đưa cháu nội độc nhất của họ ra đi. May mắn thuyền của chị đi cùng nhiều người khác cũng xuôi chèo mát mái đến được bờ biển nước Phi, và xin tị nạn theo diện “đoàn tụ gia đình” với người thân đang ở Mỹ.


     Sau khi được định cư ở đất Mỹ nhờ có người chị bảo trợ. Chị một mình đi học nghề thẩm mỹ và chí thú làm ăn dành dụm tiền để nuôi con ăn học.


    Duyên phận đưa đẩy chị gặp người đàn ông thứ hai trong đời. Một đám cưới hẳn hoi để họ làm lại cuộc đời, vì người chồng hiện tại cũng từng ly dị vợ.


    Một đứa con trai chung của họ ra đời. Cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc sau mười năm chồng vợ chia xẻ vui buồn. Nhưng sau khi có cơ hội về thăm lại cha mẹ bên VN, chuyện như nhiều chuyện buồn khác thời nay, chồng chị lại có người đàn bà khác do bạn bè giới thiệu. Thế là có màn lục đục trong gia đình xảy ra, có cả chuyện tiền bạc bởi người chồng nuôi cô gái trẻ ở VN.


    Cuối cùng chuyện phải đến đã đến, họ chia tay, đường ai nấy đi. Con trai chị có quyền được giữ.


     Chị đi làm quản lý cho một Saloon tóc& nail và sống với đứa con trai nhỏ, đứa con lớn của chị đã có được công việc làm tốt và có một gia đình đàng hoàng, tử tế.


     Nhiều tháng đi qua, một người đàn ông Mỹ trắng bản xứ vẫn đến cắt tóc ở tiệm chị làm, ông ta tử tế với tất cả những người thợ trong tiệm, từ cô Maryan tóc vàng  xinh xắn dễ thương, tới bà Michell da đen phục phịch, làm chậm mà chắc, hay cô Hiền người Việt nam nhỏ nhắn nhưng không nhỏ lời…, tất cả hay đùa vui với ông, vì biết ông vẫn còn độc thân, vui tính chưa hề có gia đình, và hiện tại cũng đã giã từ cô bạn gái mắt xanh. Họ cố gán ghép ông cho cô Maryan, dù gì họ cũng đồng màu da chủng tộc, đồng tiếng nói chắc dễ thông cảm hơn. Và người thợ nào trong tiệm cũng hy vọng có ngày ăn tiệc mừng của họ, trong đó có chị.


      Và một ngày ông Jay đến tìm chị khi biết chị đã ly dị hẳn hoi với người chồng bội bạc, qua lời kể của mấy cô thợ trong tiệm. Ông ngỏ lời muốn được phép đưa chị về nhà sau khi tiệm đóng cửa. Chị ngạc nhiên đến nỗi không tin vào lỗ tai mình, còn ngại vốn anh ngữ ăn đong, nên hiểu lầm câu nói. Nhưng không đâu, cả mấy cô thợ cũng đều trố mắt ngẩn tò te như chị, vì ông đã chọn chị trong nhóm người trẻ già cùng làm việc trong saloon đó. Và họ trở thành một đôi “tình nhân” chênh lệch về tuổi tác, ngôn ngữ, có khác biệt màu da, văn hóa, nhưng ông Jay lại thương quí chị  vô cùng. Và hôm nay ông đang có mặt tại nhà tôi.


     -Jay! Ông có thể ăn được những thức ăn Việt nam nào? chồng tôi hỏi khi mời ông ngồi vào bàn cho bữa tiệc tất niên.


     -Ồ, tôi có thể ăn nhiều thứ, kể cả “nước cờ mắm”.


     Ông Jay hãnh diện trả lời, và ông nhấn mạnh chữ nước mắm với lối phát âm của đa số người Mỹ khi nói về món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Việt Nam. Và ông đã thực hành những điều ông nói trong bữa ăn đầu tiên ở nhà tôi, từ cuốn chả giò, nồi canh măng kho thịt, hũ dưa món vừa dòn vừa mằn mặn ngọt ngọt ăn với bánh tét, đến nồi canh khổ qua, v.vv..  mà không có trở ngại nào, ngay cả việc cầm đũa để và cơm, gắp thức ăn ông còn biết …trở đầu đũa.


      Chưa bao giờ chúng tôi được gặp gỡ và nói chuyện thân mật với một người Mỹ bản xứ mà không phải là bạn cùng sở, lại nói chuyện một cách thân mật, thoải mái giống anh chị em trong gia đình như đang nói chuyện với ông Jay, nhất là nói chuyện về Phật giáo.


      Ông Jay được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc giới “thượng lưu”. Cha ông là một Bác sĩ có phòng mạch riêng trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Wisconsin. Mẹ ông là một Giáo sư trường trung học. Gia đình ông có đến 5 người con mà ông là trai út. Lại được thừa hưởng vài nông trại bạc triệu từ dòng họ ông bà. Người anh cả là một giáo sư đại học, còn những người khác  đều làm giáo sư như mẹ ông, chỉ có ông là …lang bạt kỳ hồ sau khi ra trường 4 năm ở Đại học. Ông làm nhiều ngành nghề, kể cà ..tài xế xe lửa. Ông nói vì thích “mạo hiểm” nên đi cho biết. Và hiện tại ông đang làm nghề “buôn bán chứng khoán” mà khách hàng của ông là những ông bà người Mỹ lớn tuổi giàu có bạc triệu.


       Trước khi ông gặp và thương  chị, Ông không hề để ý đến những người “tị nạn Việt nam”. Đối với ông,  đó là những người Á châu đến “ăn nhờ ở đậu” trên xứ sở của ông sau cuộc chiến tranh mà chính quyền của ông đã tham dự vào, chưa đến nỗi “kỳ thị” ra mặt. Cho đến một ngày ông té ngựa, khi đi vào nộng trại của một người bạn thân. Con ngựa từ trước đến giờ vẫn quen để cho ông ngồi lên đua nước kiệu chung quanh nông trại rộng chừng 5-7 mẫu gì đó, nhưng bữa đó nó trở chứng, hất tung ông lên trời, và ông đã té bất tỉnh nhân sự, phải nằm mê man đến 13 ngày trong phòng cấp cứu, khi tỉnh lại rồi phải một một thời gian dài mới bình phục hẳn. Trong thời gian này ông vào thư viện, và ông tìm đọc sách, sách nói về sự sống và cái chết. Những triết lý về cuộc sống, luật nhân quả, sự chuyển hóa luân hồi của kiếp người, tất cả đều tìm thấy trong những sách Phật giáo. Ông đọc nhiều sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh ( sau này, khi liên lạc với người VN tị nạn CS, ông biết thêm th/s Th. N.H là một người "phản bội" đất nước đã nuôi ông ta lớn lên và ăn học có bằng cấp). Ông bắt đầu nghiên cứu về Thiền, và ông hiểu ra rằng Thiền định là một nghệ thuật và tiến trình chuyển hóa tâm để tránh mọi ưu tư phiền não và có cái nhìn sáng suốt, thông cảm hơn giữa người và người, tránh  bớt mọi tham sân si…. Ông tò mò tìm đến ngôi chùa Việt nam trong thành phố ông đang ở, và ông đã thấy nhiều người VN, nên ông đã bắt đầu tìm hiểu, đến gần với họ hơn, đến khi ông vào tiệm cắt tóc gặp chị, nói chuyện với chị, biết rõ hoàn cảnh và tính vượt khó để lập thân. Ông cảm phục chị và tình thương nẩy sinh từ đó.


      Và năm rồi, chị đã có cơ hội đưa ông trở về thăm quê hương Việt nam của chị sau khi họ chính thức kết hôn. Chị đưa ông về thăm một vài vùng quê hẻo lánh, ở đó có những người nghèo khổ, dù nước nhà đã “thống nhất” bao nhiêu năm, đã “ đuổi Mỹ cút, Ngụy nhào”, nhưng sao bao nhiêu năm qua vẫn khổ sở vô cùng, ngày làm quần quật cũng chưa đủ tiền mua gạo để nấu cơm, có người cũng từng thuộc thành phần “gia đình liệt sĩ”  có chồng, cha hy sinh cho “cách mạng”. Nhưng sự hy sinh của họ chỉ giúp cho đám “cán bộ” chóp bu ăn trên ngồi tróc, ăn hối lộ, bóc lột sức lao động của người dân, nơi nào có “nhà cán bộ” thì con đường trải nhựa đến tận cổng rào, còn nhà dân, thì đường đất sình lấy lồi lõm sau trận mưa qua. Và từ chuyến đi đó, ông đã có phần hiểu biết về “bản chất” của Cộng sản. Để giúp đỡ những kẻ bần cùng của xã hội VN, ông đã bỏ tiền ra mua hằng tấn gạo và phân phát cho họ, một người Mỹ trắng tốt bụng được mọi người trong làng tán dương, khen ngợi, nhưng đó không phải là điều ông muốn. Ông bảo thế.


       Ngày tiễn họ ra về sau một tuần đến thăm chơi nhà tôi. Chị và ông Jay, nhất là ông Jay hứa hẹn sẽ trở lại…nhiều lần nữa, vì thành phố nơi chúng tôi ở có nhiều người VN, đi dự lễ Chùa đầu năm, đi chợ Tết VN, vui quá. Ông Jay thật sự là một người Mỹ hiếm thấy, chúng tôi đã đưa ông đi ăn nhiều hàng quán VN, nơi nào ông đến đều tấm tắc khen ngon, ngay cả “quán Ông già’ quán cà phê nổi tiếng nơi chúng tôi ở, ông cũng thích đến ngồi vỉa hè để “xem ông đi qua, bà đi lại”.


       Ngày trước ở bên nhà, mỗi khi có mối tình “dị chủng”, người đời vẫn dòm ngó xì xầm, gán ghép danh nọ, tội kia, có lẽ vì ..thành kiến, mà cũng vì nhiều lý do khác nữa, nên mới có từ “Me Mỹ- Me Tây”. Nhưng thời buổi bây giờ khác rồi, đã sống ở xứ người, con trẻ lớn lên trên “quê hương của chúng- nơi chôn nhau cắt rốn mà”! nên chuyện kết hôn với người bản xứ không còn là vấn đề đáng nói. Nhưng những người lớn tuổi như chị, gặp được một người bản xứ quá tốt về gần cuối cuộc đời, họ lo lắng cho đủ mọi vấn đề trong cuộc sống, ngay cả tờ “di chúc”cho mai sau. Đúng là chị đã gặp được mối duyên lành! Xin chúc mừng cho chị.
Lê thị Hoài Niệm


Xem trước
ngồi thiền (internet)








Không có nhận xét nào: