Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

TẠ TÌNH

Cổng Long Vân một chiều thu nhạt nắng.
Đến tìm tôi trong áo trắng học trò
Cầm tay em nhưng cứ ngỡ trong mơ
Nên ngớ ngẩn “Chiều nay em không lớp?”

Má ửng hồng - em , nụ cười e-ấp
“Thầy bịnh rồi, giờ trống đến thăm anh
Vừa rời trường nên không mặc áo xanh
Màu hy vọng dù ngày mai tận thế!”

Tình yêu đến không ngại ngùng ước thệ
Em nữ sinh. Tôi người lính tàu bay
Đã bao lần nguyện ước tay trong tay
Dù sóng cả có ngập tràn lên biển cát.

Đường Duy Tân hàng thông dài râm mát
Bãi cát vàng, từng đợt sóng lăn tăn
Gió thổi lùa lay nhẹ ngọn lông măng
Trên làn má chưa vết hồng trang điểm

Ngày tháng dần trôi đong đầy kỷ niệm
Chắt chiu tình nồng ấp ủ trong tim
Tình yêu trong em tựa ánh trăng rằm
Tôi THẦN TƯỢNG- mãi trong em trân quí(?)

“Đời Phi công …không bao giờ chung thuỷ
Mỗi lần bay… thay một cánh hoa tươi”*
Em trong tôi hình ảnh mảnh tơ trời
Mong manh quá làm sao tôi nỡ bứt?

Tháng ngày qua là chuỗi dài ray rứt
Phụ tình em! Tôi đã phụ thật rồi.
Nén lệ buồn sao vẫn mặn bờ môi
Em quay mặt nuốt vào lòng giọt đắng(?)

Gặp lại đây trong ngỡ ngàng xa vắng
Mắt nhìn nhau mà cay đắng, xót-xa
Em bây giờ đã là của người ta
Và tôi nữa đâu còn là Thần Tượng(?)

Nhận dùm tôi lời “Tạ Tình”dẫu muộn
Trọn đời này khất nợ cuộc tình vay
Tôi mất rồi ngay cả những đường bay
Thì em hỡi, hiểu dùm tôi em nhé!

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Thơ :TRỰC THĂNG HỘI NGỘ

Kính thưa Anh! người Không quân năm cũ
Một thuở nào thật uy vũ hiên ngang,
Vượt không gian không nhờ cánh đại bàng.
Nhưng gan dạ với trực thăng U-H.

Quê miền Tây với ruộng đồng bát ngát,
Trường sơn kia xanh rừng núi bạt ngàn,
Dọc miền Trung vùng đất sỏi khô cằn,
Này Bến hải, miền địa đầu giới tuyến.

TRỰC THĂNG bay, khác nào chim én liệng,
Quân bạn cần, Anh tình nguyện giúp ngay,
“Bắc Bình đây! cần quí bạn cứu nguy,
Vô khéo nhé coi chừng phòng không địch!”

Thám sát, Nhảy dù, Sư đoàn, Biệt kích,
Mỗi lúc hành quân “trực thăng vận” góp phần,
Tiếp tế, tản thương các Anh quá ân cần,
Quân Bạn thắng, Anh chung niềm hãnh diện.

“Song Chùy” (213) đây! bạn “Thiên Ưng”(223)
hãy cùng bay tiếp viện,
“Lôi Phong”(247)-“Sói Thần”(253) hay
Pilot “Cứu Tinh”(257)
Với “Hoàng Ưng”(239) những tên gọi thân tình.
Căn cứ vùng Một, Anh đi về sớm tối.

Đây Nha trang “Long Mã”(219) xưa chói lọi,
“Thần tượng”(215) một thời cũng đã lên ngôi
Muốn biết về Anh chỉ nhìn ảnh Chú Voi
Là nhớ mãi, người “không quân yêu dấu!”


Tôi biết về Anh, người Anh hùng một dạo,
Những trận đánh kinh hồn ở An-Lộc, Bình Long,
Trực Thăng- Anh, nguồn hy vọng sau cùng,
Giúp quân Bạn giữ niềm tin chiến đấu.

“Lôi Thanh”(237),“Lôi Thiên”(251),
“Lôi Bằng”(245),“Lôi Vũ”(221)
“Lôi Điểu”(223),“Lôi Vân”(231)là tên gọi phi đoàn,
Những đơn vị góp chiến tích vẻ vang,
Vào Quân sử của Vùng Ba chiến thuật.

Người lính Bộ binh quá nhiều cơ cực,
Đồng ruộng bạt ngàn nước nổi quanh năm,
Mỗi bận hành quân áo trận ướt dầm
Vùng Bốn đó, nơi quá nhiều kinh rạch.


“Trực thăng vô!” cánh quạt kêu xành xạch,
Lính reo mừng đâu phân biệt “Ác Điểu”(225)
hay “Xà Vương”(255),
“Thần Điểu”(217),“Thần Chùy”(211) hay
“Hồng Điểu”(259) thân thương,
“Mãnh long”(249),“Hải Âu”(227) Ôi những
người bạn quí!

Rừng núi Pleku, Anh “Sơn Dương”(235) vừa ý(?)
Sao“Lạc Long”(229)...vương cũng bỏ biển lên rừng?
Rồi “Mãnh Sư”( 243) cũng tìm chỗ tạm dừng,
Phù Cát đó, nơi “Thiên Bằng” (241) thẳng tiến.
*
* *
Bao năm qua từ khi tan cuộc chiến,
Anh mất rồi thuở én liệng trời cao.
Nhưng trong tôi, Anh còn đó chiến bào,
Dù Pilot hay Mê-vô, Xạ thủ.

Ba mươi hai năm, quãng đường dài quá đủ,
Để Anh – Tôi cùng hội ngộ một lần,
Thời gian qua dù thân xác hao mòn,
Nhưng kỷ niệm vẫn trong Anh nồng thắm (?)

Về đây Anh! miền Houston nắng ấm,
Chào đón Anh bằng tất cả chân tình.
“Một thời không quên” thuở trai trẻ chúng mình,
Cùng các chị. Hãy về tham dự nhé!!!
31/3/2007

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

xin góp lời cầu nguyện

Cậu bé con hơn mười tuổi, ôm cứng lấy người mẹ không muốn rời, hình như bé biết lần ra đi này khó còn cơ hội gặp lại mẹ mình, khó mà nghe được tiếng mẹ gọi về ăn cơm dù là những chén cơm độn bắp độn khoai, không còn được đùa giỡn cùng lũ em mới lớn, không còn nghe cha gọi ngồi vô chỗ học bài…, trong khi người cậu đứng bên cứ cầm tay hối thúc: nhanh lên, nhanh lên, không chần chờ được nữa!.
Cậu bé buông mẹ ra, vừa bước đi được vài bước. lại chạy a trở vào lòng mẹ mà giùng giằng nói :Con không muốn đi! Con không muốn đi!


Người mẹ cắn chặt hai hàm răng không để nước mắt mình tuôn chảy, hai tay ôm xiết chặt đứa con vào lòng, một cử chỉ vuốt ve trìu mến, nửa muốn giữ con lại, nửa muốn con ra đi, một giằng co xâu xé mãnh liệt từ trong tận cùng sâu thẳm của buồng tim, cuối cùng, gượng nhẹ ôn tồn dỗ dành đứa bé:- “Hãy theo cậu đi chơi, để ba má lo cho mấy đứa em con rồi ba má sẽ gặp con sau, nhớ nghe lời cậu nghe con, cố gắng học hành cho nên người, đừng để cậu phải lo lắng và ba má buồn nghe con!” Trong khi người cha đứng bên trong khung cửa, mắt cứ ngước lên trời, như thầm van vái trời cao hãy ban phước lành cho đứa con trai đầu lòng của họ ra đi được xuôi chèo mát mái, cùng lúc ngăn giòng nước mắt chực chờ rơi .
Và Trời đã thương tình, đẩy đưa chiếc thuyền con mong manh có cậu cháu đứa bé vượt cả một đại dương mênh mông với muôn vàn sóng cao gió cả nguy hiểm trùng trùng , cuối cùng cũng đến được bến bờ Tự Do.

Thời gian trôi nhanh. Cậu bé con tên Nhân ngày nào bây giờ là một thanh niên tuấn tú. Sống trên đất Mỹ nhưng nhớ lời mẹ dặn và nhờ sự khuyến khích của người cậu, nên đã chăm chỉ học hành, và công việc đang làm là “Phó giám đốc” một ngân hàng trong thành phố. Nhân đã lập gia đình và có một cháu gái vừa lên hai tháng tuổi, và Nhân chính là con trai đầu lòng của anh chị Nghĩa - Hạnh, những bạn học cũ năm nào.
Bao nhiêu năm qua, từ những ngày anh còn trong trại tù Cộng sản với tội danh “ngụy quân”, mà là tên ngụy quân hắc ám, vì đã được “đế quốc Mỹ” huấn luyện để về “chống phá nhân dân”. Chị là con nhà “tư sản mại bản”, nên bị tịch thu tài sản, bị đấu tố liên miên. Trong sáu năm ròng rã đó, chị một mình tất tả đi thăm nuôi chồng, lo lắng cho đàn con bốn đứa còn rất nhỏ dại. Tuy anh chưa được trả về, nhưng chị đã lăn lộn tìm đường, bắt mối để cả gia đình vượt thoát theo làn sóng người vượt biển theo lời anh dặn. Nhưng số mạng trớ trêu, những dấu chỉ tay trong bàn tay năm ngón của chị không có đường “xuất ngoại”, nên cả chục lần đi, lúc thì chạy trốn thục mạng, lúc bị bắt giam hàng tháng trời, cuối cùng chị được rời khỏi nhà tù trở về nguyên quán nhờ đám trẻ thơ. Nhưng chính trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn đã không phải là chốn dung thân cho một gia đình nhỏ đã nhiều lần trốn bỏ ra đi. Khi anh ra tù, anh chị tìm về miền Nam làm thuê làm mướn để sống qua ngày, vì số tiền dành dụm được đã mất sạch vì những chuyến vượt biên…


Trong những năm gần đây, dù “nước nhà đã được đổi mới”, nhưng anh chị cũng đã vượt không biết bao gian lao, cơ cực, nhiều khi phải trốn chui trốn nhủi vì những hệ lụy trong quá khứ cứ mãi đuổi theo, cùng lúc tìm kế sinh nhai để nuôi dưỡng ba đứa con còn lại được nên người và hiện tại hai cháu gái đã thành gia thất .
“-Bây giờ, nhờ Trời thương, tụi tao đã đỡ khổ lắm rồi, tin cho mày mừng!”
Tôi mừng lắm, vì sau bao nhiêu năm trời xa xứ, ngóng về quê xưa tìm kiếm bạn bè, nghe tin kẻ mất người còn, người ăn nên làm ra thì ít mà kẻ khốn khó thì nhiều, nên nghe chị báo tin vui, tôi vui lây niềm vui với chị, chị còn nói cháu Nhân hiện đang có nhà ở cùng thành phố với tôi, sau một thời gian đi đi về về Cali huấn luyện người cho cơ quan xong thì sẽ ở luôn bên Houston. Và cũng “hẹn hò” sẽ đến ở với chị vài hôm để kể chuyện …đời xưa, khi tôi có dịp về lại VN.

Nhưng, ngay ngày sau, chỉ một ngày thôi, cú điện thoại viễn liên từ trong nước gọi ra của chị làm tôi giật bắn người : “Thằng Nhân vừa bị tai nạn xe hơi trong lúc đi làm về ở Cali, nghe nói nặng lắm, không còn biết gì nữa! vợ chồng tao đang làm đơn xin đi Mỹ thăm nuôi con..” Những cuộc gọi viễn liên từ Texas sang Cali thăm hỏi, cũng chỉ để biết tin “Cháu đang nằm trong phòng cấp cứu, vì đốt xương sống cổ của cháu bị hư, mặc dù não bộ vẫn nhận thức tốt, nhưng cháu nằm liệt và không nói được, chỉ mấp máy đôi môi, thở bằng ống ..tình trạng nguy ngập….”
Một gia đình ở tại Mỹ, nếu gặp hoàn cảnh thương tâm như vậy cũng đã xất bất xang bang, huống gì anh chị Nghĩa, vừa chân ướt chân ráo đến xứ Mỹ là phải vào túc trực trong nhà thương. Nhà cửa không có, xe cộ cũng không, tiếng nói xứ người tịt mù, chỉ biết nương nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình người em, mà nhà người em thì xa bệnh viện cả giờ lái xe, lại phải đi làm ca hai. Thế là mỗi sáng anh chị phải nhờ người chở vào nhà thương, ngồi bó gối nhìn con thoi thóp, một miếng cháo cũng không màng, còn đau xót nào hơn cảnh cha mẹ già sau bao năm gặp lại con, chỉ đươc nhìn con mấp máy đôi môi mà đoán xem con muốn nói câu gì, để nhìn đứa con nằm liệt giường, đến bàn tay ấp ủ yêu thương của cha mẹ cũng không còn có cơ hội nắm lấy …!
Một may mắn tình cờ, một người bạn, một đồng hương: Anh chị Bổng, những người có tấm lòng rộng mở như dòng sông Ba mùa nước nổi, sau khi biết được hoàn cảnh của anh chị Nghĩa, đã đón hai vợ chồng về nhà trú ngụ, anh chị phụ đưa đón tới bệnh viện gần nhà và cơm nước sẵn sàng vào mỗi tối. Một nghiã cử cao đẹp vô vàn, trong thời buổi kinh tế khó khăn. Một bông hồng cho người đồng hương tốt bụng.

Hôm nay cháu nóng sốt hơn hôm qua, tình trạng không mấy khá!...” chẳng phải vì bác sĩ xứ Mỹ này không giỏi, nhưng tình trạng bệnh lý của cháu quá ngặt nghèo, lại thêm tâm bệnh nữa cũng không chừng, nghe nói- mới nghe nói cũng đã thấy tím ruột người nghe: rằng người vợ trẻ của cháu Nhân đem gửi đứa con vừa hơn 5 tháng tuổi cho .. ông Nội trông coi (dù đang ở nhờ nhà bạn, cũng chẳng biết cô sang Ca ở tại đâu?), để đi làm. Cô ấy phải làm gì khi người chồng đang trong cơn hoạn nạn thập tử nhứt sinh, khi mà công ty đã trả mọi chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình đã được hơn 3 tháng? Nhiều lúc chị Hạnh ngồi chờ mãi chẳng thấy bóng dáng cô con dâu, mà anh thì bảo không vô nhà thương được vì bận giữ cháu cho má nó vào thăm chồng(?) Hình như cháu Nhân biết. Nhưng cháu không nói được nên lời, chỉ ứa nước mắt mà mơ mơ màng màng nhìn vào cõi xa xăm, cháu có suy nghĩ gì làm sao cha mẹ biết(?), nhất là những lúc cháu nghe được lời người vợ trẻ, muốn Bác sĩ …rút ống, để cháu sớm ra đi được nhẹ nhàng. Chỉ thương cho anh chị Nghiã, thương cho cháu Nhân, bao nhiêu năm trời, tưởng con gặp được cha mẹ trong niềm hân hoan vui sướng, đón đưa cha mẹ đi đó đi đây, cho cha mẹ hưởng trọn niềm vui đoàn tụ trên đất nước tự do, dân chủ, một xứ sở giàu mạnh nhất hành tinh này, một ước muốn mà ngày xưa cha mẹ cậu đã không bao giờ vươn tới được ….


Nhưng không, ngày ngày anh chị phải nước mắt đoanh tròng, ngồi nhìn con mà bất lực, dù y khoa xứ Mỹ tiên tiến nhất trần gian. Người ngoài cuộc biết làm gì hơn là dâng lời cầu nguyện đến những đấng tối cao dù Đức Chúa hay Đức Phật hoặc Đức Thầy….Nhưng tất cả đã vượt thoát khỏi tầm tay, bao nhiêu buồn thương, đau xót đã dồn cháu Nhân đến đọan cuối cuộc đời, cháu đã nhắm mắt buông xuôi trong tiếng nấc nghẹn ngào chết lịm của người mẹ già, cái đau xé ruột của người cha và sự bàng hoàng của những người quen biết, nhưng vẫn chưa thấy bóng hình của người vợ trẻ(?). Cháu Nhân đi nhưng mắt vẫn mở trừng trừng, như nuối tiếc, như uất hận, như biết mình bất lực không còn làm được gì trước sự vắng mặt của người vợ đầu ấp tay gối mấy năm qua. Có lẽ cháu Nhân chờ, chờ đợi một tiếng gọi thân thương từ bờ môi người vợ trẻ, một ấp ủ thương yêu của mối tình đầu trân quí với một đám cưới rộn ràng, rình rang từ xứ Mỹ về lại tận Việt nam, vì cha mẹ chú rể không thể hiện diện trên xứ sở này. Nhưng tất cả đã muộn.

Ngày tang lễ “hỏa thiêu” cháu Nhân, rất đông bạn bè, thân hữu đến đọc kinh cầu nguyện tiễn đưa. Và cả những người chưa từng quen biết, nhưng nghe đến câu chuyện tai nạn thương tâm cũng tìm đến đốt nén nhang tiễn biệt, làm ấm lòng anh chị Nghiã nơi đất lạ quê người. Qua điện thoại viễn liên tôi biết được điều đó..
 
Nhưng nỗi đau mất con còn đang cháy nát tâm can, thì nỗi buồn xa cháu tưởng chừng như vĩnh viễn. Người con dâu sau tang lễ của chồng, đã bồng đứa con thơ đi mất dạng, không để cho anh chị Nghĩa có cơ hội bồng ẵm, nâng niu đứa cháu nội của mình dù một ngày một buổi, thay thế hình bóng đứa con trai không bao giờ tìm lại được.
Mày tìm dùm tao thử con dâu tao nó ở chỗ nào? nghe nói nó cũng ở Houston, căn nhà thằng Nhân đã mua chừng một năm nay trước khi nó bị tai nạn, mua để đem con vợ và cha mẹ vợ của nó sang ở…” Bộ chị đùa sao? Ở xứ Mỹ này muốn tìm một người có địạ chỉ hẳn hòi thì may ra, còn nói khơi khơi biết đâu mà kiếm.

Tôi hỏi chị có biết chút manh mối gì không? chỉ còn nghe tiếng khóc. Chị nói, ngày cháu Nhân còn sống, cháu chỉ gọi điện thoại về, và nói đã mua nhà rất lớn ở Houston, và đưa vợ với gia đình nhà vợ sang ở, còn mở tiệm “Nail” cho người mẹ vợ nữa, vậy thôi! Giờ thì cháu Nhân đã nhắm mắt xuôi tay đi mãi không về, còn biết tìm ai để hỏi, khi mà người vợ trẻ và gia đình nhà vợ của cháu như muốn cắt đứt mọi liên hệ với gia đình chồng? cho nên ngay từ những ngày cháu mới vào bệnh viện, chưa bao giờ thấy bóng dáng họ, hoặc một câu hỏi thăm nom, an ủi., một điều mà anh chị cứ thắc mắc tuy chưa tìm ra câu giải đáp, dù rằng đến ngày ‘hỏa thiêu” cháu Nhân , họ có đến để…khóc đưa tiễn biệt!

Trước khi anh chị từ giã nước Mỹ trong tâm trạng buồn-thương, tiếc-hận để trở lại VN, mang theo phần tâm linh với hộp tro cốt của người con trai yêu quí. Chúng tôi, một nhóm bạn cũ, cùng tất cả mọi người quen biết dù thân hay sơ, đã chia xẻ niềm đau cùng tận, hết lòng dâng lời cầu nguyện, nguyện cầu cho anh chị giữ vững được niềm tin, niềm tin vào sự huyền diệu của các đấng tối cao, trợ giúp anh chị có đầy đủ nghị lực để vượt thoát được mọi khó khăn đang quyện chặt vào cuộc sống hằng ngày trước mặt.

Nguyện cho linh hồn của cháu Nhân đừng lưu luyến chi chốn dương trần đầy bi hận, được sớm siêu thoát về chốn vĩnh hằng, nơi mà cháu sẽ không còn chờ đợi, không uất ức thương tâm trước bất cứ một cảnh ngộ nào, cháu hãy buông hết để nhẹ nhàng thanh thản mà ra đi, hãy xem nơi này chỉ là cõi tạm, và hãy tha thứ cho những người đã làm cho cháu buồn khổ. Với cuộc sống thế gian, tiền bạc có thể là nhu cầu cần thiết nhất trong đời, người trần tục sao chẳng vướng lòng tham(?). Nhưng trước cảnh ngộ của cháu, bạc tiền chỉ là những thứ phù du, có đó rồi mất đó, “khi ra đời không mang tới, chết không mang theo”, nên khi lìa khỏi cõi trần, chỉ có mỗi một bộ quần áo tẩm liệm trong chiếc quan tài buồn, chứ có thêm được gì đâu!!!

Mong rằng anh chị Nghĩa cố tìm kiếm trong mớ giấy tờ liên hệ đến cháu Nhân, may ra tìm được cái địa chỉ nhà cô con dâu. Chừng ấy, biết đâu những bức thư tình cảm, từ VN gửi qua thăm hỏi, sẽ khiến cô con dâu …nghĩ lại mà nhớ đến cha mẹ chồng, đến gia đình nhà chồng với lòng thương cảm, hối hận. Để rồi mai kia mốt nọ đứa bé gái mồ côi cha khi mới ngoài sáu tháng tuổi, lớn lên còn biết được dòng dõi, tông đường, mà tìm về nguồn cội. Mong lắm thay!!!

HUN HÚT ĐƯỜNG BAY

Anh thương!

Văng vẳng trên không trung là tiếng động cơ của chiếc phản lực đang bay xa dần thành phố, mang theo những người vừa rời bỏ quê hương thêm một lần trong đời, và có khi không còn dịp quay về lần nào nữa cả, cùng lúc mang theo một ít người lần đầu tiên được ngồi máy bay tìm đến vùng đất mới, để cho người ở lại muôn vàn nỗi nhớ thương, thèm thuồng, ước muốn. Như người bạn mà em vừa đưa tiễn ra đi, dù cô ấy khóc, nhưng giọt nước mắt lại lóng lánh niềm vui, cô ra đi theo diện đoàn tụ gia đình, một người đàn ông tốt bụng, tuy có hơi lớn tuổi, về quê nhà cưới vợ và đã làm đơn bảo lãnh cô ta đem sang xứ Mỹ.

Em ra về hòa nhập vào lòng đường ngổn ngang, bận rộn. Người đâu mà đông quá, kẻ lên người xuống dập dìu, tấp nập, ồn ào không lúc nào ngưng nghỉ. Đủ mọi loại xe cộ chen lấn nhau, từ chiếc xe đạp cà tàng, chiếc xe Honda hai bánh, chiếc xe tải chất đầy hàng hóa, đến chiếc xe hơi đắt tiền mới tinh, tất cả đều tranh giành lối đi bóp còi inh ỏi. Bụi đất, khói xăng chờn vờn, lởn vởn đầy khắp không gian khiến những người đàn bà–con gái, thậm chí có những đứa nhỏ cũng bịt cả mặt mày, chỉ chừa có hai con mắt y như những tay võ sĩ NIN-YÀ trong phim kiếm hiệp.

Người đông, đất hẹp, nắng bụi, mưa lầy lội, dơ bẩn v.v.v., là những gì mà những người nghèo khổ, bình dân đang hứng chịu ở cái thủ đô này, nơi mà em vừa đến đây để tiễn đưa một người bạn ra đi nước ngoài, và cũng để chờ đón một người bạn từ xa về thăm lại quê nhà. Dù người bạn có vô tình than vãn: “sao bà ở chi trong hẻm để tôi phải tìm mãi mới tới được nhà?”, em chỉ biết cười nhưng cổ họng thì nghẹn cứng nên tiếng cười tắt lịm, để rồi sau đó một làn sương mỏng tự giăng ngang tầm mắt, đôi tay không lạnh nhưng cứ run run như người đang lên cơn sốt rét kinh niên.

Em cầm phong thư trong tay nhưng hồn lại bay bổng đâu đâu, nửa tin nửa ngờ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận một sự thực phũ phàng. Em cố mở thư ra đọc và những hàng chữ thì cứ nhảy múa nhạt nhòe, dù với thật nhiều cố gắng, cũng phải một lúc lâu mới đọc hết được vài lời thăm hỏi ngắn gọn của anh. Ôi nét chữ thân thương quen thuộc ngày nào em từng ấp ủ, nâng niu, mừng vui, sung sướng mỗi lần người phát thư dừng lại trước cửa nhà để réo gọi tên em ra nhận thư xa, những bức thư viết từ những trung tâm huấn luyện Lackland Air Force Base, Fort Wolters, Fort Hunter… trên đất nước Hoa Kỳ xa lắc xa lơ, đến những lá thư gửi từ khu bưu chính trên đất nước nhà khi anh thuyên chuyển về miền Nam, những lời thư nồng nàn ấp ủ yêu thương, những nhớ nhung tha thiết, những chờ đợi lo âu, những hứa hẹn tương lai sẽ có nhau trong đời, không bao giờ xa cách…


Nhưng mãi đến hôm nay, sau ngần ấy năm dài không nhìn thấy nữa, em lại nhận được lá thư tay này, lá thư do người bạn tìm đến trao tận tay, kèm theo một tấm thiệp cưới và hai tờ giấy bạc một trăm đô la Mỹ. Em mừng! mừng lắm anh ạ! nhưng hai hàng nước mắt cứ lăn dài xuống má, làm mặn cả bờ môi, làm chẹn ngang vòng khí quản. Phải chăng đây là một lần chợt nhớ từ ngõ ngách nào đó của trái tim anh còn sót lại? một xót xa; áy náy; một an ủi đắp bù? Và rồi em lại ngậm ngùi nuối tiếc: phải chi những đồng tiền này có thể mua được thời gian! Anh biết đó: “Thời gian, thời gian luôn vô tình đối với cuộc sống thế gian, nhưng lại dài vô tận đối với người mong đợi!”.Em vô tình nên chẳng nhớ được câu nói đó của ai.




Mới đó mà đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ khi anh hốt hoảng tìm đến nhà em để từ giã ra đi, phi đoàn anh phải “di tản” sau một thời gian dài bị cuốn hút vào cơn trốt xoáy. Đã bao phi vụ “cứu lính, cứu dân”, cuối cùng anh cũng phải ra đi, anh đi xa vẫn còn ngoái cổ lại nhìn để thấy em chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn như kẻ không hồn, khi giật mình tỉnh ra, em đã phóng xe Honda chạy vội theo, dù đường sá lộn xộn, người chạy tới kẻ chạy lui tìm đường lánh nạn, lính từ xa đổ về thành phố quá đông, và nạn cướp giật, bắt hiếp đàn bà con gái đã xảy ra ngay trên đường phố nên nguy hiểm trùng trùng. Vậy mà em cũng đã chạy đến nơi, đến để thấy cổng phi trường đóng chặt, để thấy cả rừng người chen lấn, dẫm đạp lên nhau, để nghe những tiếng la hét, kêu réo, khóc kể, hăm dọa, dữ dằn với nhau, để thấy mạng sống con người vô cùng nhỏ bé, thừa thãi trước họng súng đen ngòm, để thấy nỗi bất lực, tuyệt vọng khi người thân yêu phải chia cắt nhau chỉ có mỗi một cổng rào, và bàn tay thì quá ngắn để nắm lấy bàn tay. Em co ro đứng lặng nhìn những chiếc phi cơ rời bãi đậu cuối cùng đến hun hút đường bay, và cũng ngần ấy năm em cứ mỏi mòn trông mong dù trong vô vọng. Em biết! nhưng sao cứ mãi ngóng chờ.

Tấm thiệp cưới quá đẹp, anh gửi bạn mang về để báo tin sắp gả con gái lấy chồng. Em mừng cho cháu gái, cho hạnh phúc của cả gia đình anh, nhưng sắt se, tê dại cả cõi lòng mình. Kỷ niệm xưa không mời gọi sao cứ mãi hiện về, ước mơ nào không xóa sao đã vội tan, phải chăng vì những dòng chữ cứ hoài nhảy múa nên em không nhìn rõ, chỉ lờ mờ thấy được tên anh và những tên người hoàn toàn xa lạ, em đâu có muốn khóc, em sợ cả những giọt nước mắt dù tủi hờn hay nuối tiếc.

Cũng tại em ngày đó đã quá ngu ngơ, khờ dại, đã sợ sệt vu vơ, do dự trù trừ nên đã để vuột mất anh. Em đã không nỡ từ bỏ gia đình cha mẹ anh em, từ bỏ quê hương, để rồi chính trên quê hương, nơi từng cưu mang nuôi lớn em, đã giết em lần mòn trong lo âu, sợ hãi. Giờ còn lại gì ngoài một tấm thân tàn tạ và một tình yêu trống vắng? Dù em có gọi tên anh đến ngàn lần thì cũng là những tiếng kêu trong gió, có ngọn gió nào dài hơi giúp mang những tiếng kêu của em vuợt cả một đại dương, hay sẽ rơi rớt vào lòng biển cả?


Không biết vô tình hay cố ý mà người bạn ngồi kể cho em nghe về cuộc sống “đời thường” của anh bên đó, người Pilot Trực thăng thuở nào, em đã rất hãnh diện được ngồi sau yên chiếc xe Honda cũ, cùng anh rong chơi khắp mọi nơi, khoe với bạn bè rằng “người hùng không gian” của ta như thế đó, Bạn nói anh bây giờ là “Ông chủ cửa hàng tạp hóa” nhưng em vẫn chưa hình dung ra nổi, cô ấy còn khen anh là một ông “nội trợ tài tình”. Em gặng hỏi mãi chỉ nghe được tiếng cười dòn và câu đùa : “số mày xui nên không được Ổng nấu cơm cho ăn hàng bữa!”.


Thật thế sao anh? Ngày đó, mỗi lần anh đến nhà chơi, những bữa cơm nhà em đã là điều mơ ước trong anh, em sẽ là người vợ đảm đang “cơm bưng nước rót” để bù với những bữa cơm nhà bàn trong những tháng ngày huấn luyện ở quân trường, và những gói gạo sấy, những gói mì nước nóng sau những hôm đi bay về muộn. Vậy mà…!

Bao năm qua em vẫn ao ước được biết tin tức về anh, hay mơ ước xa hơn là được gặp anh một lần trong đời, để được gục đầu trên vai anh mà khóc, mà kể lể hết những nỗi nhớ mong, những vui buồn đau đớn, xót xa tủi nhục trong những tháng ngày nghiệt ngã ở quê nhà, những tháng ngày các anh ra đi bỏ lại phố thị tiêu điều, hoang vắng. Em nhớ quay quắt những kỷ niệm trong suốt tháng anh hành quân biệt phái về đây, ngày nào cũng nghe anh kể chuyện, rằng các anh đã “bốc” không biết bao nhiêu người trên đường di tản về đến N.T. Có những hoàn cảnh thật thương tâm, có người sanh con rơi rớt dọc đường v.v.v., những Pilot trực thăng, “người đến bãi đáp đầu tiên và là người rời chiến trận cuối cùng” như lời anh vẫn tự hào về những phi vụ của các anh ngày đó, những chiếc trực thăng cũng là bạn của dân, nhất là những khi cộng quân nã pháo vào thành phố, tiếng “xành xạch’của trực thăng bay lên, làm người dân mừng rỡ, tin tưởng và vững lòng đi vào giấc ngủ muộn.


Những ngày các anh từ giã ra đi, thành phố tiếp với nỗi đau mà người dân phải chịu đựng, sợ hãi từ những kẻ bên kia vừa la oang oang chiến thắng, để đến nỗi những người may mắn được ra đi cùng một lượt với các anh, đã làm “lễ truy điệu” cho Thành phố đã chết, (khi họ về thăm lại chốn xưa đã kể cho nghe) trước khi cả nước bị chôn mất hoàn toàn.

Nhưng thôi anh ạ! Dù tưởng rằng em đã chết mà không chết thật sự ngoài đời từ tháng Tư năm đó, thì trong anh, em cũng đã chết tự lâu rồi. Lời thư muộn hôm nay, với em, khác chi ngọn đèn dầu bất lụn chợt bùng lên và sẽ tắt ngấm tức thì…


Bây giờ quê em là mùa biển động, anh có còn nhớ biển Nha trang, nơi chốn một thời anh đã đóng quân trước khi về miền Nam nước nổi?, Và đã bao nhiêu lần chúng mình hẹn hò nhau, nơi bắt đầu cho một mối tình của chàng không quân đi thuê nhà trọ và cô cháu gái bà chủ nhà.

Ngày đó, những ngày thơ mộng nhất, đã bao năm qua em vẫn ấp ủ những kỷ niệm yêu thương như là những báu vật lớn nhất trong đời. Mỗi chiều về, nếu có chút thời gian rảnh em thường tìm ra bãi biển, để tìm lại dấu chân trên cát, để nhớ ngày ấy anh hay nhìn làn sóng lăn tăn vuốt nhẹ đôi chân trần, đôi bàn chân anh vẫn mân mê, ve vuốt và ước ao có một ngày, dù chỉ là lời dỗ ngọt bông đùa rằng “anh sẽ xây hồ bán nguyệt cho em vào rửa chân”. Anh còn nhớ không? và cũng đôi bàn chân ấy bây giờ em đang dẫm bừa lên làn cát mỏng, dẫm đạp luôn lên cả những hang ổ của con dã tràng, những con dã tràng cứ thích xây lâu đài trên cát, và anh thì thích nhìn em chạy bắt đem về nâng niu, vuốt ve, và thì thầm vào tai chúng “sao chúng mày quá dại?” Em và con dã tràng hình như có quá nhiều điểm tương đồng, dã tràng vẫn kiên tâm xây lâu đài trên cát dù biết rằng chỉ một cơn gió mạnh từ ngoài xa thổi vào, là lâu đài tạo dựng bao lâu sẽ đổ ụp tan tành, rồi bị dòng nước biển cuốn ra xa mất hút. Còn em, sao cũng một mình đi trên biển vắng để nghe đắng cay xé nát tim mình, em thích đến nơi này vào mùa biển động anh ạ! có mấy ai trọn tình lại thích nhìn biển dậy sóng bao giờ?...

Lời thư của Mẹ






Việt Báo Chủ Nhật, 12/16/2007
Tác giả: Lê thị Hoài Niệm
Bài số 2178-1970-745vb8161 207*Tác giả tên thật là Lê Phan Tuyết, hiện là cư dân Houston, Texas. Trước 1975, dạy học tại Nha Trang. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà là thư gửi con gái, một Nữ sỹ quan hải quân Hoa Kỳ đang phục vụ trên tầu U.S.S Gunston Hall, thuộc hạm đội Năm ở Đại tây dương.

* Con yêu,Houston hôm nay nắng vẫn lung linh như khi Ba Má tiễn con vào tận trạm cuối cùng cho hành khách lên phi cơ hôm ấy. Trong nắng, Má như đang thấy lại giọt nước mắt buồn của người Mẹ phải xa cách con gái mình, nhưng cũng thấy lại nỗi vui, niềm hãnh diện về con của Ba Ma. Má vẫn nhớ mãi buổi chiều đẹp trời tại thính đường của trường đại học Rice, nơi mà Ba Má vừa ngừng xe nơi bãi đậu, đã thấy bóng dáng oai hùng của những quân nhân Mỹ trong bộ lễ phục trắng đi tới đi lui. Trước đây, Má chưa bao giờ dám nghĩ tới việc một trong những Sĩ quan của quân đội Hoa kỳ, một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới, lại là đứa con gái đầu lòng của Má và Má đã khóc, nhưng là giọt nước mắt sung sướng, hãnh diện khi vị Đại úy tuyên đọc tên con, rồi họ mời Ba Má lên khán đài gắn cấp bực "Thiếu úy hải quân" cho con.





Má đã xúc động đến run tay khi gắn cấp bậc trên cầu vai bộ đại lễ màu trắng Hải quân của con. Và rồi sau đó, được nhìn con mặc bộ quân phục nữ Sĩ Quan Hải quân Mỹ oai nghi, trong tư thế đứng nghiêm chào vị Đại tá, cất lời tuyên thệ trước hàng trăm ánh mắt đang hướng về con, và khi tiếng kèn thúc quân cất lên, con đã hiên ngang bước đi dưới hàng kiếm chào uy dũng. Chỉ mới hai tuần trước đó thôi, Má đã thức dậy lúc năm giờ sáng, co ro trong chiếc áo lạnh, ngồi lên xe, cùng con chạy đến văn phòng "Navy R.OT.C" trong "Rice University", để con dự thi lần chạy cuối cùng. Má đã ngồi yên trong xe, nhìn theo con nhập vào toán Marine và Navy đang chạy ra bãi tập, chắp tay cầu nguyện cho con "pass" cuộc thi. Và rồi, sau những giờ chờ đợi, Má đã lặng người khi thấy con từ xa về lại mà miệng không có nụ cười. Mãi đến khi con ôm chầm lấy Má và nói khẽ: -”Con đã pass rồi! Con không dám mừng to vì cô bạn kia bị trượt, cô ấy khóc quá trời!" Ôi con gái của Mẹ, con đã ý thức được niềm vui của con và nỗi buồn của người khác trong cùng một thời gian, không gian se lạnh ấy.

Nhìn theo bước con đi, ký ức Má quay về với kỷ niệm ngày xưa. Má nhớ Bà Ngoại. Nhớ ngày Má ra đi vượt biên. Ngày ấy Bà Ngoại của con đã nuốt ngược nước mắt vào lòng. Dù tim gan có nát tan vụn vỡ, Bà đã không dám khóc thành tiếng vì sợ hàng xóm họ nghe, họ đi báo với công an, Bà đã rứt ruột rứt gan nhìn con cháu trốn chui, trốn nhủi đi xuống thuyền vượt biển - vượt biên, dù không biết có đến được bờ bến tự do, hay phải vùi thây trong lòng biển cả, làm mồi cho cá mập. Bao năm qua, bà ngoại đã không còn trên đời, để Má được sung sướng khoe với Bà rằng đứa cháu ngoại của Bà nay đang làm việc trên một chiếc tàu Hải quân Mỹ thật lớn, chiếc U.S.S Gunston Hall, thuộc hạm đội Năm ở Đại tây dương, với năm bảy tầng lầu, có sân máy bay, có phòng ăn, phòng ngủ, có nước nóng, nước lạnh, có ti-vi, tủ lạnh v.. v., khác hẳn với chiếc thuyền con mong manh Má ngồi trên ấy ngày nào để vượt biển.



Chuyến đi của Má sao quá hãi hùng, khủng khiếp, không như Con của Má hôm nay. Tàu của con đã lướt sóng ra khơi đi về hướng Phi châu xa tắp, đi sang bờ Hồng hải khó khăn kia, chiếc "Dương vận hạm" chuyển tải cả tình thương và sự sống đến giúp đỡ người dân ở những vùng đất đói khổ, nghèo nàn, giúp đỡ ngay cả những chiếc thuyền con đang lênh đênh trên sóng nước đang cần thực phẩm, khi lên bờ lại coi sóc cho kẻ ốm đau, và đó cũng là lý do con của Mẹ muốn trở thành một Hải quân Y-sĩ. Những người Lính Mỹ dù già hay trẻ, hay mới ra trường đi... tập sự như con, tất cả hầu như đã mang sẵn trong người một tình thương không biên giới. Con bảo: "Khi họ tình nguyện vào Quân đội là biết trước hiểm nguy mà! Đơn vị điều động đi đâu là mình phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, và làm tròn chức năng công việc của mình"! Cũng như những ngày qua ở đây, khi cơn bão Katrina hãi hùng chụp xuống thành phố New-Orleans, hình ảnh những người Lính Mỹ đã mang lại niềm tin, sự sống cho những kẻ không may. Ở đâu có khó khăn thì nơi ấy có bóng dáng những người lính, dù họ là Vệ binh quốc gia, hay người lính chính qui Nhảy dù, mà trong đó đã có người mang dòng máu Việt nam như con, họ có mặt ở khắp các đơn vị, ngay cả chiến trường IRaq.

Tự dưng Má muốn khóc, Má nghĩ thương những người Lính của quân đội Mỹ bây giờ đang chiến đấu khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những người đã hy sinh trong chiến trận ở Việt nam mình. Ngày đó họ chắc cũng trẻ như con và có khi còn nhỏ hơn con, họ đã từ giã Cha Mẹ, Anh chị em, từ bỏ căn nhà thân yêu với chăn êm nệm ấm, bỏ lại chỗ ngồi trên chiếc xe hơi êm ái, bỏ những bữa ăn với bánh thịt ê hề, bỏ, bỏ lại hết để đi sang một vùng đất xa xôi bên kia bờ Thái bình dương xa thẳm, vùng đất mà chắc gì trước đó họ đã nghe nói đến tên, đừng nói chi có được một người quen nơi đó. Họ chiến đấu trong rừng sâu núi thẳm, trong đồng tháp sình lầy, cực nhọc thể xác, bất ổn về tinh thần, để rồi cuối cùng hy sinh không tròn thân xác, vĩnh viễn đi về lòng đất lạnh trong nỗi đau chỉ của người thân trong gia đình, và sự thờ ơ; lãnh đạm, hất hủi của một số người đồng chủng, kể cả sự thù hằn của đám người "phản chiến".

Má nhớ có lần Má đưa Con đi tham dự một buổi họp mặt đơn vị cũ của Ba Con, Con đã hỏi Má một câu thật bất ngờ khi Con nhìn thấy một "toán lính trẻ" với quân phục đứng làm dàn chào và được người xướng ngôn dõng dạc giới thiệu: Thế hệ thứ hai!-"Tại sao Lính Việt Nam mình mà trẻ quá vậy? Nếu là quân đội Mỹ thì họ phải có phù hiệu đơn vị chứ, sao con không thấy?" Má không biết hỏi ai để trả lời cho con, đứa con gái biết quá nhiều điều, đứa con gái mà lúc mới lên năm tuổi đã hát thuộc bản nhạc "Tình ca" của nhạc sĩ Phạm Duy và biết cãi lại khi Bác Lợi thử sửa sai: "Con phải hát: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới... qua đời chớ!” - Không, phải hát là ra đời, chớ qua đời là chết rồi còn hát gì được nữa!" Đứa con gái có lúc cứng đầu khiến Má buồn, Má khóc, nhưng trước khi con ra trường "Navy R.O.T.C" đã mang niềm hãnh diện không những cho gia đình ta, mà một phần cho cả người Việt Nam mình khi con được trao tặng đến 7 phần thưởng trong cùng một buổi lễ, ngay cả thanh gươm biểu tượng của Hải quân, từ tay Hải quân Thiếu tướng (rear Admiral) Edward Masso. Thanh gươm đó lại là món quà do một gia đình cựu quân nhân Mỹ chiến đấu ở Việt nam mình bảo trợ.



Hai người đàn bà Mỹ lịch sự, một già, một trung niên trong gia đình đến tham dự cả thảy bảy người, đã nghẹn ngào cầm chặt tay Má mà nói rằng: Con - Chồng của quí Bà đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Việt nam năm 1967, mãi đến bây giờ họ vẫn không quên tinh thần dũng cảm của Người Chiến Sĩ đó, nên họ vẫn âm thầm ủng hộ quân đội, hàng năm họ "bảo trợ"cho trường một món quà, họ không thể ngờ được món quà họ trao lại dành cho một cô gái Việt Nam, họ vô cùng hãnh diện và biết rằng người thân của họ đã không hy sinh vô ích.! Con yêu, hôm nay Con xa Má đến nửa vòng trái đất, Má khó mà nhận được những cú điện thoại hàng ngày, để nghe Con la hét reo mừng vì đội football trường OU. của Con thắng trận, nhưng Má không ủ dột, lo rầu, vì ít ra Con đã thay Ba Má mà đền đáp một phần nào ơn nghĩa mà người dân xứ sở này đã giúp cho Ba Má, đã tạo ra Con.

Má cứ ước ao một ngày nào đó, Má cũng gặp một người Mẹ chiến binh Mỹ, Bà ấy cầm tay Má mà rằng: "Tôi rất hãnh diện khi người Việt Nam của Bà đến sống ở nước tôi, đã có nhiều người Việt trẻ tuổi đã và đang tình nguyện phục vụ cho đất nước này, góp sức gìn giữ cho quê hương này được trọn vẹn, bình yên, và ngay cả những người lớn tuổi, Họ đã cử nhiều tổ chức đến ủy lạo, ủng hộ cho người Lính và gia đình của họ, một lá thư gửi cho người ngoài mặt trận , một gói quà nhỏ cho gia đình binh sĩ trong dịp lễ lớn như Thank Giving, Christmas, hay một vài phonecard gửi cho người lính phương xa (như Má đã từng mua gửi mỗi khi đến bưu điện) ôi những nghĩa cử đẹp và tình nghĩa vô cùng... " Có mấy ai từ chối một ân tình? Ân tình ngày trước họ rước đón giúp đỡ chúng ta, và bây giờ chúng ta ân đền nghĩa đáp, như đã từng góp công, góp của mỗi khi xứ sở này có một thảm nạn 9-11 và hai trận bão Katrina, Rita chẳng hạn.

Con yêu, tâm tình Má gửi cho con khó mà chấm dứt, nhưng con đâu thể ngồi lâu để đọc mãi thư nhà (con đã được US Navy trả lương phụ trội hàng tháng với sinh ngữ phụ là tiếng... Việt Nam đó mà!), chiến hạm con đang đi nhưng Con vẫn đang làm việc, Con đi xa nhà, Con buồn - Má biết, nhưng "Lính" dưới quyền Con cũng rất cần sự giúp đỡ, an ủi của Con, như người Lính vừa nghe tin "Vợ sanh con" ở nhà, đã vui mừng, hồi hộp làm đánh rơi cây súng trong khi đang đứng gác. Rớt xuống đất còn cơ may nhặt lại, chứ rơi tõm xuống nước biển rồi thì chịu khiển trách thôi. Hãy gắng lên Con nhé, hãy xứng đáng là niềm hãnh diện của gia đình, và cho cả quốc gia Con đang phục vụ. Ba Má thương nhớ Con nhiều và luôn cầu chúc cho Con, cho những đồng đội của Con được vạn điều may mắn, thắng lợi. Má của Con.
LÊ THỊ HOÀI NIỆM
__

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

XIN ĐỪNG ĐỂ HUƠNG PHAI


Từ lúc chiếc tắc-xi dừng lại trước cửa quán, người đàn ông đã có vẻ phân vân khi đẩy cái cửa kiếng bước vào, tôi đoán ông ta là người Việt nam, nhưng hơi ngạc nhiên sao ông lại vào đây, vì quán này khộng phải của người Việt, và những đồ ăn thức uống cũng không hợp khẩu vị của người mình, vì tôi làm ở đây vài năm qua biết chắc điều đó.
Người đàn ông ngoài tuổi lục tuần, nhưng trông vẫn còn tráng kiện, đẹp lão. Từ lúc bước vào quán, ông cỏ vẻ sốt ruột, bồn chồn, hơi có chút khó chịu hằn trên nét mặt, thỉnh thoảng lại nhìn vào cái đồng hồ trên tay, rồi lại nhìn ra cửa, như đang chờ đợi ai, sau khi gọi một chai Heniken, được thằng Thomas đem đến tận bàn gật đầu chào lễ độ.
Ấy chết, sao trông ông có vẻ quen lắm, không sai, dù sao trí nhớ tôi vẫn còn tốt, và tôi đã nhận ra ông, vì chính hình ảnh ông đã ngự trị ở bìa sau một vài quyển sách, mà tôi là đọc giả hâm mộ. Và ô kìa. mắt ông sáng lên khi có tiếng động ở cửa, ông đứng dậy thật nhanh và đón vội người đàn bà mới đến, đưa vào bàn, ông kéo cho bà cái ghế cạnh ông. À thì ra người ông chờ đợi là đây.
Tôi biết chắc bà cũng là người Việt dù chưa nghe bà lên tiếng, Bà cũng không còn trẻ lắm, với cái áo sơ-mi vàng viền đen thanh thoát, đi liền với cái váy vải xếp đen rất dịu nhẹ, mái tóc buông lưng chừng bờ vai, nhất là khuôn mặt, nhìn không đẹp nhưng có nét nhu mì, đôn hậu, và cặp mắt biết cười. Người đàn bà nhỏ nhẹ lên tiếng sau khi né người gỡ đôi tay người đàn ông cố gắng ôm bà thật chặt
-Em xin lỗi đã để anh chờ, Anh không có đi lạc chứ?
Người đàn ông lộ vẻ bất bình, hơi một chút bực dọc trong lời nói:
-Gã tắc-xi thật tài tình, hắn biết cái quán này rành lắm, hắn chạy đến đúng phóc, nhưng sao em lại chọn cái quán lạ này, mà không là…
-Hotel hay một nhà hàng sang trọng?
-Em thông minh lắm mà!
-Em có lý do để hẹn anh đến chỗ này.
-Tại sao lại ở một nơi chẳng có chút gì tình tứ, thơ mộng?
-Nhưng sẽ không ai bắt gặp chúng mình, và câu chuyện mình trao đổi hôm nay, nếu họ có nghe họ cũng chẳng hiểu gì, chẳng biết mình là ai.
Tôi định hả họng lên tiếng nói Bà lầm rồi, có tôi ngồi sát đây và nghe lời nói của quí vị rõ mồn một, dù quí vị đang thầm thì tâm sự.
Người đàn ông nhìn đắm đuối vào mắt người đàn bà rồi lên tiếng:
-Em càng ngày càng đẹp ra, so với lần đầu mình gặp, sợ rằng anh không chịu nổi phải cách xa em lâu nữa.
Người đàn bà cười nhẹ, vẻ đùa cợt:
-Mới đến đây sao vội nói chuyện chia xa.
-Anh có linh cảm như vậy, khi anh bước qua cánh cửa cái quán này, anh vượt đường xa mấy trăm dặm đến đây, chẳng lẽ chúng mình…?
-Thì mình không đang tâm sự, trao đổi câu chuyện đây sao?
-Nhưng anh muốn được ôm em vào lòng, anh muốn được hôn lên đôi mắt em, anh muốn… , nhưng ở đây.. Người đàn ông dừng lại với vẻ hậm hực, bức rức.
-Em đã từng nói với anh là đừng có đến, nhưng anh cứ cả quyết anh sẽ làm chuyện muốn làm, có đúng vậy không?
-Em biết mà, Anh yêu em, anh nhớ em quay quắt, chuyện đến đây gặp em là chuyện dĩ nhiên rồi, nhưng mà…! Chợt người đàn bà cười phá lên:
-Anh làm như mình là cậu trai mới lớn, mới biết yêu lần đầu nên nôn nóng đi gặp mặt người yêu.
-Chuyện tình cảm đâu phân biệt trẻ hay già, trái tim ngày nào còn nhịp đập, mạch máu còn dẫn máu về tim là còn rung động trước tình yêu, em tưởng anh đùa sao? người đàn ông hơi lớn tiếng
-Anh chẳng đùa và em cũng đang nói thật, nếu anh thật sự thương yêu em hãy giữ cho em cuộc sống như hiện tại, cũng chẳng phải em thủ tiết thờ chồng như những người đàn bà tiết hạnh khả phong ngày xưa, dù chồng em mất đã hơn năm năm rồi, nhưng em còn đứa con gái và người chồng bản xứ của nó, từ lâu rồi chúng vẫn quí trọng em.
-Em phải có cuộc sống riêng của em chứ, Em là cánh hoa còn đẹp với đầy đủ sắc hương, tại sao em không chấp nhận tình yêu của anh, chẳng lẽ em cứ để thời gian cuốn trôi, và em chịu sống âm thầm như vậy, cho đến một ngày hoa héo, hương phai. Em đừng để mùi hương phai chứ! Một thoáng nín lặng, bỗng người đàn bà ngước mắt, đôi mắt biết cười lên tiếng:
-Cảm ơn anh, cảm ơn nhà văn của em, tự nơi anh đã mớm cho em suy nghĩ rất độc đáo, chỉ một câu nói của anh thôi, em có thể áp dụng vào cuộc sống những ba người, anh đoán thử đi!
-Anh đã dành trọn tình cảm cho em rồi còn đoán, giải gì nữa!
-Em vui vì tình anh trao tặng nhưng em sẽ không nhận mà sẽ trả lại cho anh, để anh đem về tặng lại cho chị nhà. Đúng, hãy “đừng để mùi hương phai” anh ạ. Chính chị ở nhà mới là đoá hoa có đầy đủ sắc hương mà anh phải cố giữ đừng để mùi hương phai!
-Anh chưa hiểu hết ý em?
-Đơn giản thôi, anh đã biết nhưng có lẽ anh không muốn nhắc: ngày nào anh đi lính trận miền xa, bỏ chị ở lại nhà với mỗi năm có vài tuần đi phép. Chị một thân một mình phải lo nuôi dạy 3 đứa con của anh trọn vẹn, rồi hơn mười năm anh đi tù cộng sản, chị một thân bương chải, cực nhọc trăm bề, để kiếm miếng ăn vừa nuôi con lại lo tiếp tế cho chồng, phải làm tròn bổn phận dạy dỗ con thế cho anh, cả việc chống chọi với những áp bức, bất công của chính quyền mới, chực chờ để đè lên đầu lên cổ những người đàn bà mang danh “vợ nguỵ”, ngay cả những cám dỗ rất “đời thường” mà một người đàn bà còn trẻ đẹp phải quyết tâm lắm mới vượt qua…,. Ngần ấy những nhọc nhằn chị cam chịu đựng, nhưng chị vẫn đứng thẳng đến lúc anh về và sang đến bên này. Đoá hoa tuy có tàn phai sắc thắm, có rũ cánh đài trang, nhưng hương nhụy vẫn kết tụ thành một khối thơm nồng, vẫn một lòng chung thủy với anh, sao anh nỡ quay đi rồi thổi ngược luồng gió mạnh trở về, sao anh không nâng nui đóa hoa cho trọn, vun thêm chất ngọt tình yêu, và luôn tâm niệm: đừng để mùi hương phai mới đúng. Và nữa, chính anh, anh cũng phải giữ mùi hương của riêng mình chứ, anh ngạc nhiên và sẽ hỏi: anh làm sao có hương mà giữ? Anh lầm rồi, một nhà văn mà nhiều người biết tiếng quen tên, tác phẩm đầy dẫy bên ngòai, chính là hương thơm tiềm ẩn, không lẽ chỉ vì một người đàn bà tầm thường như em mà anh chịu hy sinh tất cả, cả tiếng tăm để bị đời chê trách. Không! chính anh cũng phải tự nhủ lòng: “Đừng để mùi hương phai”!, Và cho cả em nữa, nếu anh cho rằng em là đóa hoa còn đủ sắc hương, sao nỡ bẻ cành cho hoa héo hương phai, cũng phải giữ cho em và đừng để em phải mang tiếng phá hoại hạnh phúc của người trong khi tuổi đã về chiều, có phải từ nơi em “đừng để mùi hương phai” cũng được trân quí? `
Người đàn ông ngó sững người đàn bà, đôi mày nhíu lại, ông thở ra một hơi dài, dường như muốn trút bớt cơn giận:
-Tại sao cái gì em cũng có thể xoay chiều được hết vậy? Anh đã nói với em từ lâu rằng bà nhà anh đối với anh..
-Như hai người bạn, chỉ còn nghiã chứ không có tình, nên không có cảm giác để gần gũi nhau… người đàn bà hớt ngang câu nói.
-Lần đầu tiên gặp em, anh đã có linh cảm mình sẽ yêu nhau, chỉ tiếc rằng..
-Gặp nhau quá muộn màng và ai cũng đã bị ràng buộc.
-Em lanh quá! Và cũng vì cái sự lanh lợi, tính đôn hậu của em đã khiến anh yêu em, yêu vô cùng, càng yêu anh lại càng sợ mất em…
Người đàn bà lại cười và hỏi:
-Nếu không để mất em, anh sẽ làm gì?
Trầm ngâm hồi lâu, ông ta lên tiếng:
-Xét về tình cảm, anh không có tội vì yêu em, nhưng lý trí thì không cho phép anh, nên anh đang bị dằn vặt, khổ sở, cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào, nên anh liều bay sang đây để gặp em, anh muốn được ôm em vào lòng một lần cho thỏa nhớ mong, nhưng nơi đây…
-Dù nơi đây hay nơi nào khác cũng không có gì khác nhau đâu. Tình yêu anh trao, cứ coi như cho một nhân vật trong tiểu thuyết của anh, những nhà văn như các anh, khối óc tưởng tượng và hiện thực, khoảng cách chắc cũng chẳng xa xôi gì , có phải vậy không?
-Hình như em đang đùa giỡn?, anh đã bay gần ngàn cây số đến đây chẳng lẽ chưa chứng minh được tình yêu của anh, đâu phải đến để nghe em đùa.
Hớp một ngụm nước trắng từ lúc mới vào bà đã gọi, trầm ngâm hồi lâu, bà thong thả lên tiếng:
-Em không đùa, nhưng từ trước đến giờ em vẫn giữ ý riêng em. Tin anh ư? Để làm gì? Dù không phải là một người biết tính toán, nhưng em còn suy nghĩ để biết mình phải làm gì, tại sao phải lao đầu vào ngõ cụt?
-Chấp nhận tình yêu của anh mà vào ngõ cụt sao? Em nói gì kỳ lạ vậy? Người đàn ông gằn giọng.
- Anh cho là kỳ lạ, nhưng với em đó là sự thật. Tại sao em lại chen chân vào cuộc sống hiện có của gia đình anh trong khi em biết rất rõ…?
-Nhưng anh đã nói rồi, anh yêu em mà!
Người đàn bà nhoẻn miệng cười nhưng không thành tiếng, bà ngó chăm bẳm vào mắt người đàn ông, từ tốn chậm rãi nói:
-Anh yêu em, đó là quyền của anh, của những người đàn ông muốn có thêm tình cảm với người đàn bà khác ngoài vợ nhà. Nhưng từ chối tình yêu lại là quyền của em. Đâu ai có quyền áp đặt tình yêu của mình vào kẻ khác, có đúng vậy không?
-Tại sao bao nhiêu lần nói chuyện qua điện thoại, em đã không từ chối thẳng thừng, em vẫn luôn khen ngợi nội dung những tác phẩm tình cảm của anh, để rồi hôm nay…
-Hôm nay, ngày qua hay ngày kia thì cũng vẫn một câu em đã nói vừa rồi: Xin đừng để hương phai! Từ lâu, anh đã không chịu lắng nghe lời em nói, anh cứ cả quyết để anh làm điều anh muốn làm, anh vẫn giữ cá tính “chỉ huy” của ngày nào khi còn cầm quân ngoài chiến trận, nên em để tùy anh , sao lại trách em? Nói thật một lần rồi thôi và mong rằng anh đừng giận, em thích văn của anh viết đâu bắt buộc em phải…yêu người?
-Hóa ra từ trước đến giờ tình yêu anh chỉ một chiều? Vậy mà anh luôn có cảm nghĩ em cũng đã yêu anh nhưng còn ngần ngại nên chưa thổ lộ. Mỗi lần nói chuyện với em, là một lần anh thấy đời đáng yêu quá đỗi, tình trong anh như thác lũ tràn về, trước mặt anh ngùn ngụt lửa đam mê, truyền qua đôi bàn tay anh gõ đều trên phím chữ, em truyền cho anh sức sáng tác dồi dào, đến nỗi những nhân vật trong truyện đều phảng phất hình bóng em, sự hiện hữu của em cùng khắp, thậm chí có nhiều nữ đọc giả còn hỏi thẳng anh: nhân vật nữ đó là ai? Vậy mà…
-Vậy mà anh không chịu cảm ơn em, người đã luôn mang niềm vui, sự sáng tạo đến cho nhà văn. Nhưng em cũng xin anh thông cảm cho một điều: mang niềm vui đến cho người đâu có nghiã là phải yêu người trong tình yêu nam nữ? còn nhiều thứ “tình yêu” trải rộng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu ai cũng hiểu như anh về em, thì thân này ví xẻ làm bao nhiêu cho vừa? Vì với em, cuộc sống cần phải biết san sẻ những gì hay- đẹp mình có cho tha nhân, biết chia xẻ nỗi đau của người khác, và đem niềm vui đến cho người cần, nếu được. Rất tiếc nhà em vắn số, không cùng đi hết quãng đời còn lại với em, nhưng em còn có đứa con, còn người rể quí. Tuy là người Mỹ bản xứ, nhưng cháu có một giá trị gia đình bền vững. Những người Mỹ có nề nếp, có văn hoá, họ cũng có một nền tảng đạo đức gia đình rất cao, không như một số người mình nghĩ, để rồi vội vã lên án khi làm chuyện sai lầm rằng…học theo lối Mỹ! Người đàn bà nói một hơi dài, trong khi người đàn ông ngó sững bà ta như bị thôi miên trong trạng thái vừa ngỡ ngàng, nửa hụt hẫng.Và tôi cũng nghe không sót một câu nào. Tự nhiên tôi ước ao phải chi tôi là bạn của bà, để hỏi bà ở nơi nào trong thành phố, mà biết cái quán nhỏ này để sắp xếp cuộc hẹn kỳ thú hôm nay?
Người đàn ông đứng dậy, vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt, như lốp xe bị xì hơi:
-Có lẽ anh nên tìm một chỗ thanh vắng để suy gẫm lại lời em nói. Bao nhiêu háo hức, nôn nao, rạo rực trong lúc ngồi máy bay đến đây, chỉ trong thời gian ngắn đã bị em thiêu hủy, đem ngâm vào thùng nước đá lạnh. Hãy cho anh thời gian, anh sẽ không làm điều gì để em buồn và mất sự quí trọng nơi anh. Có lẽ anh sẽ nhớ mãi câu “Xin đừng để hương phai”!......
Họ ra về, nhưng tôi vẫn còn thấy phảng phất đâu đây một mùi hương. Phải chi mỗi một người trong chúng ta đều biết quí trọng, nâng nui giữ lại mùi hương của riêng mình như lời người đàn bà mong muốn thì xã hội này sẽ đẹp biết bao nhiêu?

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

thơ: Nếu Thế Giới Ni Không Đàn Bà

Nếu thế giới ni không đàn bà
Làm sao có kẻ được làm…cha?
Lấy ai chửa đẻ sinh con cái?
Truyền giống cho ông lúc tuổi già?

Nếu thế giới ni không đàn bà
Cảm hứng nào cho những Tình ca?
Tìm đâu đối tượng cho Thi sĩ
Chả lẽ nhạc, thơ tặng …ông già?

Nếu thế giới ni không đàn bà
Đàn ông chỉ tổ đi lông nhông
Đi rồi về lại nằm co quắp
Làm sao biết được xuân hay đông?

Nếu thế giới ni không đàn bà
Đàn ông sẽ sống như bóng ma
Ra vô bếp núc hoang tàn lạnh
Là chốn mồ hoang đâu phải nhà?

Nói vậy chơi thôi chút vậy mà.
Nếu mà thế giới không đàn bà
Triệt nòi triệt giống triệt hết thảy
Triệt cả đàn ông, còn than(thở) không????

Thơ: NHỚ MẸ

Nha trang, Phù đổng con về,
Tưởng nhìn dáng Mẹ đứng chờ bên hiên.
Trong vòng tay ấm Mẹ hiền,
Con miên man kể nỗi niềm nhớ thương,
Từ ngày con bỏ quê hương,
Từ giã Cha Mẹ xuống thuyền ra khơi.
Mẹ buồn , ngăn giọt lệ rơi.
Từ trong ánh mắt vạn lời yêu thương.
Tim gan quặn thắt, tình vương.
Vì đâu con - Mẹ hai đường chia xa?
Thu tàn, đông đến, xuân qua ,
Ngần ấy năm tháng Mẹ già đơn côi
Mẹ đau . Ruột thắt gan rời.
Vượt ngàn cây số qui hồi chốn quê.
Nhưng con đau đớn thẫn thờ ,
Sao Mẹ nỡ bỏ đi về cõi nao?
Nhìn di ảnh Mẹ trên cao ,
Nén hương khấn nguyện mắt trào lệ rơi.
Con về đây Mẹ thương ơi!
Nghìn thu vĩnh biệt không lời từ ly.
Nguyện cầu Phật tổ từ bi.
Phóng quang tiếp độ, hộ trì Mẹ con !!!

thơ: Nhớ về quê xưa

Hôm gặp tôi Anh ân cần khẽ hỏi:
Quê nơi nào sao không kể Anh nghe,
Là làng quê bao bọc bỡi lũy tre,
Hay phố thị với đèn đường rực sáng?
Quê Em là vùng đồng khô nước cạn,
Chốn cao nguyên gió núi buị mờ,
Bờ biển xanh, hàng thông đứng lặng lờ,
Như chờ đợi tiếng reo từ trong gió?
-Vâng ! tất cả là quê hương tôi đó,
Biển hướng đông, núi ôm lấy ruộng đồng,
Con sông Ba nguồn mạch nước thong dong
Xuôi ra biển, lượn vòng Tuy hòa phố thị.
Cầu Đà Rằng nối tình người vạn lý,
Núi Đá Bia thi vị chuyện tình buồn,
Kề Hảo sơn, Bàn Thạch của Hòa Xuân,
Núi cô độc nên trọn đời Núi Một (?).
Đứng chênh vênh giữa cánh đồng lúa tốt,
Hoà Thịnh, Hoà Đồng, Hoà Mỹ, Hòa Vinh.
Mỹ Lệ thôn nguồn mạch sống Hòa Bình.
Đập Đồng Cam xuôi dòng qua Mỹ Thạnh.
Núi Nhạn , Sông Đà mãi là thắng cảnh
Nguyễn Huệ trường xưa đưa lối Em về,
Bên này Anh dưới hiên vắng Bồ Đề
Đang dõi mắt theo gót hồng nhẹ bước.
Gió nam cồ thổi lồng qua Tuy Phước,
Nắng Hòa Vang, mây phủ ngọn Chớp Chài,
Êm đềm sao cảnh rừng núi La Hai.
Sông Cầu ấp ủ rừng dừa, biển lặng.
Thôn xóm điêu tàn, tình người xa vắng
Xuân Lộc mãi còn là nơi chốn bình yên (?)
Mỗi chiều về Anh ra đứng ven biên,
Nhìn đèo Cù Mông chia lằn ranh Bình –Phú.
Quê hương tôi ngòai nông dân bám trụ .
Còn bãi biển dài sóng nước bao la,
Ngư dân hiền hòa với vựa cá Lò Ba,
Xuyên Hòa Trị Anh sẽ về miền núi.
Đây Củng Sơn với mưa nguồn, khe- suối
Hoang dã thú rừng , nổi tiếng nai khô.
Tuy An xưa người cứ mãi đợi chờ?
Qua Chí Thạnh , đầm Ô Loan lặng sóng.
Quê hương tôi mãi là nguồn hy vọng
Là niềm tin, qua bao tháng năm dài,
Thương bây giờ và vọng mãi tương lai
Càng hãnh diện Phú Yên – Quê tôi đó!

thơ:Mời Anh Thăm Lại Khánh Hoà


THƠ:
MỜi ANH THĂM LẠI KHÁNH HÒA


Nhớ chăng Anh, tỉnh Khánh-Hòa,
Bắc giáp đèo Cả, Nam là Cam-Ranh
Đại Lãnh cát vàng, biển xanh,
Vũng Rô nước lặng bức tranh hữu tình.
Tu-Bông rạng ánh bình minh,
Đồng lúa thẳng tắp đượm tình nông dân.
Phố Vạn-Giã xa mà gần,
Xuyên Quốc Lộ Một, chẳng cần xuống lên.
Đâu đây vài quán không tên,
Nằm kề trường học, cạnh bên quận đường.
Xuôi Nam theo bước đường trường,
Ninh-Hòa ngả rẽ ba phương đi về.
Hòn Khói giáp biển Đông bờ,
Ruộng muối, đánh cá chính nghề ngư dân.
Vẳng đưa tiếng “Sát” như thần,
Đây khóa tập huấn “quân nhân sình lầy”.
Đường lên Dục-Mỹ hướng Tây,
Núi non hiểm cứ “Lam Sơn” đây quân trường.
Qua đèo Phụng Dực, Khánh-Dương,
Muốn đi nhưng ngại người thương đang chờ.
Suối Nước Nóng cảnh nên thơ,
Nước tuôn róc rách chảy về phương Nam.
Ninh-Hòa nổi tiếng món nem,
Nem chua, nem nướng ... nhem thèm khách du.
Đêm về dưới ánh trăng lu,
Qua đèo Ruột (Rọ) Tượng tiếng ru não nề.
Anh đi sao chẳng quay về,
Bỏ trường Phong Thạnh, bỏ bờ đất khô!
Phú-Hữu anh nhớ ghé vô,
Hay là Anh muốn quay về Lương Sơn.
Đường lên đèo kíp nhanh chân,
Tuy “Rù Rì” nhưng cũng có phần hiểm nguy
Xổ dốc, đường thẳng Anh đi.
Quân trường Đồng-Đế, ngại chi không vào?
Vừa nghe tiếng sóng rì rào,
Vừa xem chiến sĩ luyện thao chí hùng.
“Em nằm xỏa tóc đợi mong,
Anh đứng thao diễn: nghỉ trong muôn đời.”
Núi Bia ghi khắc chuyện Người,
Riêng Anh từ tạ phải dời chân xa.
Tháp Bà Thánh Mẫu A-Na,
Di tích lịch sử khiến ta chạnh lòng.
Qua cầu Xóm Bóng nước trong,
NHA-TRANG phố biển ngóng trông Anh về.
Anh có biết “Lính tàu, ghe”,
Đã từng thụ huấn Hải Quân quân trường.
Anh thích tung cánh muôn phương?
Không Quân cũng có quân trường cho Anh.
Nhưng Anh lại vội lên Thành,
Phải qua cầu Dứa, Phú Vinh, Đại Điền.
Tới đây ngả rẽ chia duyên,
Tây “Thành Diên Khánh”, Suối Tiên Nam vào.
Suối Dầu là vùng đất cao,
Cam Lâm quận lỵ nhớ vào thăm nghe.
Ngồi thêm một đoạn đường xe,
Qua cây số 9, lối về Cam-Ranh.
Bãi biển cát trắng, núi xanh,
Điểm tô phong cảnh hữu tình nên thơ.
Tới đây Em xin quay về,
KHÁNH-HÒA cuối nẻo, xứ kề: PHAN-RANG.
Người; quê tình quyện chứa chan,
Chúc Anh thượng lộ bình an! Em chờ!!!

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Nhạc Sĩ CS Trần Long Ẩn


Tác giả ĐÀN SÁO HẬU GIANG.


Trong sinh hoạt hàng ngày, có rất nhiều bộ môn giải trí như đọc sách, xem phim nghe nhạc v.v….Nhưng có lẽ âm nhạc là môn nghệ thuật gắn liền với đời sống con người nhất. Âm nhạc được có mặt cùng khắp: từ trong chiếc xe hơi đang chạy trên đường phố, một quán nhỏ bên đường, trong lớp học, trong phòng khách sang trọng hay ngoài công viên đông người…. Đối với người Tây phương, hình như họ chú trọng vào dòng nhạc, sự hoà âm của bản nhạc, nên nhiều khi ngồi nghe một bài hát chỉ có vỏn vẹn vài câu nhưng họ cứ hát đi hát lại mãi. Trong khi nhạc nhạc Việt nam, thường thường lời ca làm cho người nghe cảm thấy gần gũi, như tác giả đã nói lên được tâm sự của chính mình, nên thường lấy lời ca làm nền cho một vài trường hợp chưa tìm ra lối thoát, thậm chí có lúc người ta còn lấy lời nhạc làm …kim chỉ nam trong đời sống vốn dĩ rất nhập nhằng giữa hư hư -thực thực, giữa chính và tà. Và chính lời ca đã rót vào lòng người nghe những cảm xúc buồn hay vui chứ không phải nốt nhạc.

Dù rằng có nhiều nhạc sĩ rất tài ba, họ viết nhạc mang âm hưởng Tây phương, có thể viết nhiều giai điệu, nhưng chỉ chọn lựa được một số thính giả mà không thể đi sâu vào quần chúng. Trong khi đó, có những nhạc sĩ, thật ra nhạc của họ rất đơn điệu, chỉ một ít nốt nhạc đều đều, điệu Bolero, hay Rumba đơn giản, âm giai không cầu kỳ, nhưng lời ca, vâng chính là lời ca đã đem người nhạc sĩ đến gần với người nghe, nên một số nhạc sĩ trước năm 1975 viết nhiều nhạc phẩm rất được nhiều người ưa chuộng.

Trong những năm miền Nam chiến đấu chống cộng sản vừa qua, một số nhạc sĩ nổi tiếng cũng nhờ cảm hứng trước những bối cảnh xảy ra chung quanh, người lính trận miền xa nhớ vợ ở nhà, người “em gái hậu phương” nhớ về “anh trai nơi tiền tuyến”, hoặc một chuyện tình cảm trên một chuyến xe lam, hay người ta…không thành chồng vợ được vì chuyện nghèo –giàu v..v... Dù nốt nhạc, điệu nhạc, lời ca trong bài hát “bị” một số người cho là nhạc “Sến”, nhưng chính những lời ca đó đã đem lại cho người nghe những xúc cảm, những tâm sự mà chính họ không tự nói lên được, nhiều khi họ vừa nghe vừa rơi lệ, vì với họ, lời ca đã chuyên chở dùm tâm sự của chính mình (ai dám bảo là nhạc dở?). Và cũng chính từ những đời thường tình cảm đó, mà một vài nhạc sĩ ( có một thành phần học sinh, sinh viên “TRỐN LÍNH” theo Cộng sản, không thể gọi là phản chiến, vì họ chỉ phản đối chính phủ Việt Nam Cộng hoà, chứ họ có phản đối Cộng sản đâu, lại còn ca tụng giặc Cộng nữa mà!) đã “lợi dụng” sự dễ dãi của người nghe, để làm lợi khí tuyên truyền cho giặc, dù đang sống và được học hành dưới chính thể Cộng hòa ở miền Nam, điển hình là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tác giả bản nhạc mà nhiều ca sĩ đương thời ở hải ngoại vẫn rên rỉ: “Đàn sáo Hậu Giang”, hay “Xin làm người hát rong”.


Khoảng 12 giờ trưa ngày 24/5/2008, tôi đang trú ngụ tại một khách sạn ở Sài Gòn để chờ đợi chuyến bay trở lại Mỹ sau khi về VN đưa đám tang người thân vừa thất lộc. Trong lúc buồn quá không biết làm gì, lại tò mò muốn biết “đài truyền hình Việt cộng” nói những chuyện chi chi. Vừa bật nút mở điện, đã thấy trên màn ảnh cuộc nói chuyện giữa ba người đàn ông cùng một nữ phỏng vấn viên. Câu chuyện bắt đầu từ bao giờ thật tình tôi đâu có biết, nhưng khi nghe họ giới thiệu bài hát “XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG”, tác giả là nhạc sĩ Trần long Ẩn. Chính cái tên tác giả đã gợi sự tò mò nơi tôi, vì đã nhiều lần tôi nghe trên những làn sóng điện địa phương phát thanh oang oang bài hát “Đàn sáo hậu giang” của ông nhạc sĩ này. Và chính những lời nói “rất thật” từ cửa miệng của ông đã không làm tôi ngạc nhiên, nhưng cảm thấy chua chát, xót xa.

Vì thời gian trước 1975, tại miền Nam, có quá nhiều tên “ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản”. Tôi cũng rất buồn, thật băn khoăn, trăn trở trước tinh thần đấu tranh của những người Việt quốc gia chân chính, những người yêu chuộng tự do, muốn tranh đấu cho một quốc gia Việt nam không cộng sản. Nhưng chính những cơ quan truyền thông lại cứ…vô tình đi làm công cụ tuyên truyền cho những tên Cộng sản chính hiệu, các ca sĩ thì cứ…nhắm mắt mà hát nên không hề biết phân biệt địch-ta, và những người nghe thì cứ thờ ơ và tự do tuyên bố: “ nhạc quê hương mà, người ta chỉ nói lên tình yêu quê hương chứ có nguy hại gì đâu!”. Và thế là ...biết đến bao giờ trở lại quê hương trong tự do dân chủ không Cộng sản?

(Lời nói của phỏng vấn viên và những người được phỏng vấn tâm sự, tôi ghi âm lại được. Dĩ nhiên có lúc không nghe rõ và đọan đầu tôi không biết đươc.)
Lời của -…
*TVT: ….Trong đó rất nguy ngập, nếu không có tiếp tế thì sẽ bị chết đói, chết khát. Cuối cùng trời mưa tầm tã tiếp kiến những người lính Cảnh sát của Sài Gòn đã kiếm cách chọn một mớ đưa đi, nhiều bà mẹ chạy ra hàng rào kẽm gai đó, lâý nước đập vào trong vách tường để cho nó có một lỗ hổng như thế này và đưa bánh mì, cơm nắm, gạo sấy vào tiếp tế, và nước vào tiếp tế cho anh em ở trong tòa đại sứ đó. Lúc đó là một hành động vô cùng can đảm của người mẹ Bàn cờ, người chị bàn Cờ, của những em Bàn Cờ. Anh Nguyễn phi Khanh ảnh thấy hình ảnh đẹp, xúc động, anh nghe như thế, ảnh đã viết bài Người mẹ bàn Cờ, mà sau đó anh Trần Long Ẩn nhận được bài thơ thấy xúc động, anh Trần Long Ẩn phổ nhạc ngay bài hát đó, mà khi nhận bài thơ thì tôi đã chỉnh sứa chút đỉnh thôi, bài hát từ đầu đến cuối được ghi lại rồi ngày hôm sau mình đến mình hát, thì có một anh bạn, hiện nay anh là dược sĩ, ảnh cầm cái tape(?)… mình tới mình hát với ảnh và ảnh lên tới chỗ ủy ban nhân dân quận ba bây giờ, chỗ tên là trụ sở Tổng hội sinh viên miền nam Việt nam lớn lắm, thì ảnh gửi được vô trong, anh em trong đó có dàn âm thanh mạnh lắm, phát, chính mình hát, chính tôi hát và .. thế thì mấy mẹ, mấy chị chợ vườn chuối người ta nghe người ta thích lắm, người ta bảo cái đám sinh viên học sinh này hay ghê, chưa chi hết trơn mà đã có bài hát rồi, mà nó không có nói gì về chúng nó mà nó nói về tụi mình, cũng hay héng? Vậy thì chị em mình về sau phải quyên góp tiền bạc, rồi lương thực, thực phẩm gì cho tụi nó, để nó chết đói thì tội nghiệp nó quá . Chính nó đã có cái tác động thực sự, thấy tình cảm của cuộc chiến, cái việc gì mà sinh viên trong lúc đó, sinh viên đang đấu tranh, chính anh Trần long Ẩn là người ôm cây đàn ghita và đứng hát ngay giữa đường, hồi xưa là đường Cường Để, bây giờ là Đinh Tiên Hoàng.

*PVV: Những ca sĩ ở thế hệ trẻ như chúng tôi, chắc khi cầm một phiên bản mà hát như Người mẹ bàn cờ, chắc chỉ đọc đuợc và hiểu nội dung để mà hát thôi, chứ khi mà nghe nhạc sĩ… kể….sự chuyển tải chắc là còn sâu hơn nữa …?.

*TLA: Năm 1970 trong chương trình tiếng hát gửi vào Nam sau giao thừa, thì trong đó có bài Người mẹ Bàn cờ vang lên rất xúc động.

*PVV: Thưa ông nhạc sĩ TlA là trong câu chuyện của ông, ông có viết rằng: năm 1970 là cái mốc rất quan trọng đánh dấu kỷ niệm của ông đó là năm ông được kết nạp vào đảng phải không ạ?

*TLA: Ở Sài gòn lúc đó….,(không nghe rõ) , tui có hỏi các anh là tui vô đảng nhân dân này có phải “cái đảng của bác Hồ hông?’thì các anh nói đúng là nó, tui theo cái đảng của Bác chớ đảng nào nữa. Mà người phụ trách trực tiếp không ai khác hơn là nhạc sĩ Tôn Thất Lập và một đồng chí đại diện cho là đảng đoàn và ban cán sự đảng phụ trách các trường đại học, thì lúc đó anh em chúng tôi và các anh đến một chỗ nào thì nó lộ, cho nên mới bàn nhau thôi bây giờ mình đến một cái nơi mà không ai ngờ đến, vì cách mạng mình luôn luôn chiến thắng vì tạo ra được những yếu tố bất ngờ, và lúc đó đi vào một cái quán, tôi nhớ trên đường Nguyễn Tri Phương, đó là cái quán bar, quán bar của Mỹ, mà phía trước là Mỹ nó vào nó uống, còn mình vào phía sau, mình cũng kêu bia ra uống, để nghi trang, để cho cảnh sát với công an Sàigòn họ không có theo dõi, theo dõi là nó bắt ngay. Vào đó anh em để mà chính thức công nhận tôi, hai anh nói hôm nay chúng ta làm lễ chào cờ, chính thức thừa nhận đồng chí đứng vào tổ chức, thế là tôi tưởng chào cờ không biết cách nào ổng móc trong túi ra cái cờ hay cái gì mình đoán không ra, thì một anh mới lấy ra một bọc diêm, ảnh sơn bên trong là vẽ một cái cờ búa liềm, sơn màu đỏ, tôi nhớ lần đó khi mở cái quẹt ra là ảnh rất xúc động, gần như khóc, chính mình nghĩ đến điều thiêng liêng, nghĩ đến điều cao cả, mình nói chung với anh ấy… không thể giam cầm cái lý tưởng của mình được.


*PVV: Nếu không có chương trình ngày hôm nay thì chắc chắn rằng khán giả trẻ của chúng tôi không thể tưởng tượng được là ngày xưa trong những năm tháng…. người nghệ sĩ lại có nhiều kỷ niệm đến như vậy. Và tôi tin rằng bây giờ quí thính giả muốn dành một chút thời gian để nghe một ca khúc nữa của nhạc sĩ TLA…(Cây cuốc cong mình chờ mong cây cuốc gãy- Cây cuốc gãy để mình khỏi ra đồng…Nhà nước ơi! Ăn khoai mì ớn quá …lời hát được thay chữ của người viết)

*PVV:Thưa ông TLA là..(phần này không quan trọng)
*TLA: Dạ đúng vậy, ca sĩ Thanh Thúy(ca sĩ mới trong nước) là một trong những ca sĩ có giọng hát...một số sáng tác của tôi….là một trong những ca sĩ đã chấp cánh cho nhiều sáng tác cuả tôi..

*PVV:Nhạc sĩ TLA .. ca khúc kế tiếp trong chương trình ngày hôm nay?
*TLA:…Chắc là nhờ chị Thanh Thúy sẽ hát dùm bài “Đàn sáo hậu Giang”(Từ trên những rạng đông, con chim sáo nó bay ra đồng…)

*PVV: Cuộc đời của nhạc sĩ TLA được đánh dấu bằng những mốc …Nhạc sĩ nói gì về chuyến ra bắc, cử ra bắc học?

*TLA: Sau hiệp định Ba-lê, thì chúng tôi được “tổ chức thành phố Hồ chí Minh” cử đi học, cho đi học. Trên đường ra, cái ấn tượng mà đẹp nhất là nhìn ra được cái nơi, nơi mà bom đạn tàn phá, những cây đại thụ ngã gục xuống hết, tang thương lắm. Thì ở đó lại mọc những cụm lan rất là đẹp, làm mình mới nghĩ ra một điều, té ra là phải có nhiều thế hệ hy sinh gian khổ mới có tuổi trẻ mọc lên được như vậy (xạo!).

*PVV: Ông còn nhớ rằng thời gian đó là lần đầu tiên ông trực tiếp học những cái môn âm nhạc một cách chính thống…ông học những thầy giáo nào?

*TLA: học sáng tác…, sáo…, học hoà âm..,học viết tác phẩm…,vv…vv và một số các thầy khác nữa. Có thể nói rằng học mà nước mắt cứ chảy, bởi vì sao? nếu những năm ở Sài gòn, anh là con nhà đại tư bản cũng không thể nào mời được những vị thầy như thế…, huống chi tôi, mình được đào tạo có thể nói rằng cách mạng đào tạo, “đảng và nhà nước” đào tạo mình như thế, hãy biết những xúc cảm đó làm mình cứ mang theo, lòng biết ơn đó cứ mang theo suốt đời..

*PVV:..Và ông đã ra bắc học sáng tác, gặp…., Thế là lúc đó nhạc sĩ Trần văn Tiến ở lại Sài gòn hay là đang làm…?

*TVT: Lúc đó đi ra ngoài đường thì Sài gòn nó đang bắt lính, tổ chức mới đưa ba anh em vô trong cái chùa ở Tây ninh, còn một số anh nữa, anh Tôn thất Trí, anh Tôn thất Lập nữa, vô cái đạo CAO ĐÀI và lúc đó là vô mấy thầy nấu cơm, tại vì biết đây là những NHẠC SĨ nòng cốt của phong trào đấu tranh sinh viên đô thị. Nhưng mà thời gian tui thấy là ông Danh với ông Ẩn biến đâu mất, sau đó mới biết là đi vào chiến khu rồi. tôi nhận nhiệm vụ sau đó là ở lại thế để mà tiếp tục lãnh đạo phong trào. (Hóa ra chùa Cao đài hồi xưa cũng đã chứa chấp mấy tay cộng sản nằm vùng? để rồi từ 75 trở về sau chúng nó… vùng lên phá Đạo?. Thiện tai! Thiện tai!)

*PVV: Thưa ông nhạc sĩ Tôn thất Lập, ông là một người gắn bó rất là lâu cùng với nhạc sĩ Trần long Ẩn thì ông có một cái nhận xét gì không với những ca khúc của nhạc sĩ TLA mang rất nhiều nét DÂN CA, những nét dân gian của từng miền mà nhạc sĩ TLA đã đi qua, đặc biệt đối với làn điệu của miền đông nam bộ

*TTL: Âm nhạc của anh TLA luôn luôn có cái sự nhẹ nhàng, trữ tình và cả cái chiều sâu ở trong đó, đặc biệt là CA TỪ , mỗi một tác phẩm là một vấn đề, một câu chuyện như là một cái triết lý trong cuộc sống hơn… Trịnh công Sơn khi còn sống, ảnh nói anh TLA là một nhạc sĩ luôn luôn viết kể chuyện bằng ghi ta và âm nhạc.

*PVV: Tôi xin giới thiệu ca khúc Đi qua vùng…, với tiếng hát…(những bông hoa của mai sau…)
*PVV: Nhạc sĩ TLA đã đưa cả những nốt nhạc mới vào âm nhạc hiện đại và cũng có thể nói là trong những ca khúc của ông khán giả cũng có thể hát theo được, đó chính là ca khúc…ông nói sao về ca khúc này của mình?

*TLA: bài hát này thật sự là khi sáng tác, thì người ta ĐẶT HÀNG mình, yêu cầu mình sáng tác về thành phố Biên hoà, nhưng mà khi đưa về tpHCM thì mọi người hát lên, cứ tuởng bài đó là viết cho “tpHCM của chúng ta”, có người ở thành phố khác lại nghĩ là viết về thành phố của người ta, thì tôi nghĩ tính khái quát của một ca khúc của một tác phẩm nghệ thuật đôi khi nó cũng lạ, mình viết cho vùng đất này nhưng người ta tưởng tượng là vùng đất kia, thì cái đó là cái sự sáng tạo của công chúng và có lẽ mình cũng không dấu nổi cảm xúc thật, tức là mình viết cho chỗ này , cảm xúc mình lại là rất là thật cho những nơi khác

*PVV: Còn đối với giới trẻ như chúng tôi thì ngày hôm nay cất tiếng hát về ca khúc này thì tôi có cảm giác rằng mình như đang ca ngợi đất nước mình sau nhiều năm đổi mới (bọn tư bản đỏ giàu, nhưng cỡ TLA chắc cũng …nghèo rạc gáo!), và tôi tin chắc rằng quí vị khán giả sẽ lắng nghe ca khúc này và sẽ có chung những cảm nhận như tôi …

*TLA: Qua thực tiễn cuộc sống của mình trong những năm tháng đấu tranh ở các đô thị miền Nam, chúng tôi thấy là nơi nào có một đồng chí đảng viên, nơi nào có một người Cộng sản thì ở đó có phong trào, bây giờ chúng ta lại so đo một cái chuyện việc này nó nặng quá việc kia nhẹ quá, có cái việc nào nặng hơn cái giá MÁU, cái giá của cả tuổi xuân đã trả cho sự nghiệp cách mạng không?( Tiếc quá hồi trước cơ quan Cảnh sát sao không bắt mấy tên này đem ra pháp trường cát, để chúng nó sống rồi làm tay sai cho giặc cộng, góp phần đem miền Nam tự do bán cho loài quỉ đỏ!) Ngưng trích.

Là một người Việt nam, không ai là không yêu thương quê hương, nhớ về những nơi chốn mình được sinh ra và khôn lớn, bởi thế nên những bài hát, lại bài hát- nói về quê hương của mình, từng “đàn sáo bay qua cánh đồng nước nổi…”, tiếng kêu của sáo như xoáy vào tim gan, muốn lộn lui trở về ngay để nhìn lại quê hương ngày cũ, để hít thở mùi lúa mạ non, để thần trí thả dài theo con đường xưa mà tìm dấu chân kỷ niệm…, nhưng quên rằng nơí đó đang được thống lĩnh bởi một tập đoàn ăn cướp có hệ thống, có quân đội, công an, chúng giàu nức đố đổ vách, tiền xài như nước mùa lụt, trong khi người dân quê thì khổ hơn trâu bò( Bò nuôi phải tìm gạo nấu cháo cho ăn, để chúng mau lớn rồi đem bán kiếm chút tiền đóng tiền học phí cho con đi học..). Và cũng chính vì lẽ đó, mà những tên Cộng sản chính hiệu đã viết nhạc Quê hương, đánh động vào lòng nhớ thương quê của người xa xứ (những người hời hợt, nhưng lại là số đông). Họ kêu gọi: Cứ về quê đi, “quê hương là …chùm khế ngọt,… những ai không nhớ quê hương, sẽ không lớn nổi thành người” (?)(khế được bón phân độc của bọn Tàu cộng nên ăn khế xong là nằm dãy đành đạch, miệng ngáp ngáp. Còn những người không cần khế Cộng sản, vẫn sống ung dung ở một xứ sở tự do, lại sống rất khoẻ mạnh).

Có phải những bài “nhạc quê hương của nhạc sĩ Việt cộng” cũng là môt trong những yếu tố góp phần kêu gọi càng ngày người về càng đông hơn (?)(những người về vì cha mẹ anh em, điều bắt buộc, nhờ vậy mới có được bài viết này), đem tiền về nhiều hơn, nên “nhà nước ta” rảnh tay cứ nắm đầu đè cổ người dân, tự do lấy đất của dân, lấy đất của những cơ sở tôn giáo đem bán cho ngoại bang làm sân chơi, sân Golf, người dân có khiếu nạị thì bắt bỏ vô tù. Bắt dân làm nô lệ cho bọn Tàu cộng bắc phương, đem đất, biển bán cho Tầu hết thảy. Không hiểu tại sao đến bây giờ mà những tên “tay sai” ăn cơm miền Nam mà làm hại miền Nam, chúng vẫn chưa “sáng mắt”? Chúng vẫn u mê, vẫn theo đuôi hít bã của “cái đảng bác Hồ”?, những tên tự nhận mình là nhạc sĩ như Trần long Ẩn, văn sĩ như ông nhà văn Sơn Nam chẳng hạn, chuyên viết chuyện miệt vườn- lại cũng vườn- người đã viết cái quyển “Hồi ký Sơn Nam-Hai mươi năm giữa lòng đô thị” mà đã được nhà văn kỳ cựu Hoàng Hải Thủy, nhà văn chống cộng triệt để, và cũng biết nhiều những nhà văn miền Nam …triệt để, mà tôi là đọc giả trung thành của ông (nên biết rõ ông viết cái gì) đã gọi bọn chúng là bọn “ĂN CHÁO ĐÁ BÁT” (đã đăng trên The Little Saigon news of Houston số 525, ngày 20/9/2008-xin tìm đọc), đọc để thấy chính quyền miền Nam ngày đó quá “nhân hậu” (?) với bọn …ăn cháo đập bát, rồi liệng ngay vô mặt những người đã tử tế cho chúng ăn.(cũng như người Việt hải ngoại đã nuôi sống một số ca nhạc sĩ, giúp họ ăn nên làm ra, bây giờ trở về trong nước, hưởng được mốt tí “ân sủng” của “nhà nước ta” là quay lại chửi vào mặt những người từng nuôi mình, vậy thôi!)

Dù do sự tình cờ mới có bài viết này, nhưng cũng xin được góp chung tiếng nói với những người đang đấu tranh cho một VN không Cộng sản, những người đang cố gắng tranh đấu chống lại nghị quyết 36 cuả đảng CSVN, tránh tình trạng “Giao lưu văn hoá” với những tên ăn cơm quốc gia mà thờ cha già Hồ giặc cộng, cùng lúc cảnh báo với những trung tâm băng nhạc, những chủ “ bầu Sô”, nếu mai kia mốt nọ có mời nhạc sĩ Trần Long Ẩn sang Mỹ để …"giao lưu âm nhạc" thì hãy đề cao cảnh giác, coi chừng ông ta rút…hộp quẹt ra, rồi giương lên “cái cờ búa liềm sơn màu đỏ” thì chắc chắn quí vị không còn cách chi chống đỡ !!!

Thư Quán Bản Thảo giới thiệu VMTLNVT

Do nhà văn Phạm Văn Nhàn phụ trách

Tập truyện Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng, của Lê thị Hoài Niệm. Do Hoà Đồng phát hành. Bià và phụ bản :Lê Vũ. Giá 12 mỹ kim.
Lê thị hoài Niệm là bút hiệu. Tên thật là Lê Phan Tuyết(ghi ngoài bià sách). Tập truyện dày 240 trang, gồm 17 truyện ngắn.Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng là những kỉ niệm đã đi qua trong đời, được tác giả viết lại dưới ngòi bút mang nhiều hoài niệm, tiếc nuối những gì đã qua. Nhất là sau ngày 30 tháng tư năm 1975là cái mốc để nhà văn hình thành những triuyện ngắn, trong đó, có những hình ảnh, những sự việc đã xảy ra, mặc dù những sự việc ấy đã có nhiều người viết đến, kể đến , tuỳtheo từng góc độmà mỗi người chứng kiến trong mỗi ngõ ngách của cuộc sống đời thường.
VMTLNVT của Lê thị Hoài Niệm cũng không ngoài:… “chỉ là sự gợi nhớ từ chuỗi dài tâm tư tình cảm của chính người viết và cuộc sống rất đời thường của những người chung quanh”. Đọc được trong thay lời tựa ngắn ngủi của tác giả nơi trang đầu
Với 17 truyện ngắn, tc giả ghi lại những kỉ niệm ở Nha trang, một ít ở Tuy hoà, Qui Nhơn cùng với những điạ danh đã một thời nổi tiếng. Cũng như trong truyện Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăngmà tác giả chọn làm nhan đề cho tập truyện, ghi lại một góc sự sinh hoạt của các “cô nội trú sinh Sư phạm Qui Nhơn”. Hình ảnh ấy cứ “lởn vởn”trong tpôi những năm còn đóng quân ngoài đó. Sáng chủ nhật nào cũng đến thăm cô bạn gái, và nhờ các cô trực nhật đi gọi giùm, nhìn các cô nhưn những bầy cim sẻríu rít trước sân trường. Hay vào nhà của thầy Bồn chơi với nhà thơ LVT và ăn cơm ở đó(trong khuôn viên của trường).
VMTLNVT văn phong trong sáng, dẫn người đọc thích thú. Có nhiều chỗ dí dỏm, khôi hài như câu chuyện kể đời thường, thường xảy ra trong cuộc sống có quá nhiều “bế tắc” sau ngày chuyển đổi cơ cấu xã hôi mới. Muốn có sách liên lạc:Lê phan Tuyết
Email:lethihoainiem@yahoo.com
<

Y Lang làm thơ tặng

Làm thơ dựa vào tiêu đề của nhà ngươi mà ta tâm đắc .đọc và góp ý ha...Thân mến
VÉN MÂY TÌM LẠI NỬA VẦNG TRĂNG
Người ơi ! một nửa vầng trăng Ngày xưa lỡ bước mây giăng ước thề
Tạ từ luống cả tái tê
Ngậm ngùi một thuở chân quê học trò
Vì ai ngại bước sang đò !
Ngập ngừng hai tiếng dặn dò nhớ nhau
Tìm về nhặt nụ hoa cau
Cài chen lọn tóc niệm sầu luyến thương Hôm nay đi lại con đường
Quyện đầy nỗi nhớ mùi hương thuở nào
Mây trời vương vấn ngàn sao
Biển xanh sóng vỗ rì rào bên tai
Dòng đời vẫn hẹn ngày mai
Bềnh bồng một cõi bi hài xa xăm
Lạc nhau nửa kiếp ươm tằm
Dây tơ khéo nhả tháng năm bạc đầu
Vầng trăng một nửa nơi đâu ?
Có nghe ước nguyện nhiệm mầu tình yêu
Đưa tay vén hết mây chiều
Lung linh trăng sáng diễm kiều tình xưa.
Y Lang. mồng 8 âl tháng 5 Mậu Tý

Nhạc sị Vĩnh Điện góp lời

LTHN,
Đã vào Blog HoaiNiem, thành thật chúc buổi ra mắt sách thành công, nhiều người yêu mến HN.
Cũng đã đọc thêm nhiều truyện trong Vén Mây, thật hay đó, nhiều lúc tôi cười khúc khích, vì cái dí dỏm, tuy rất bình thường, nhưng dược dùng đúng lúc, đúng nơi. Cũng có khi thấy mắt mình ươn ướt, khi tới đọan cao trao..
Không ngoài lời cảm ơn, dã cho người đọc những truyện ngắn sâu sắc, thật hiếm có ở bên ni địa cầu.
Chúc anh chị vui và cháu gái thành đạt.
VinhDien.

Nhà văn Nguyên Nhung giới thiệu tác phẩm

Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng.
Trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài gòn Houston 900AM

Tuyển tập truyện ngắn mới xuất bản gần đây mà theo tác giả thì chỉ là những hàng chữ gợi nhớ từ chuỗi dài tâm tư tình cảm của chính người viết và cuộc sống đời thường của những người xung quanh .Mong rằng sau khi trang sách khép lại, nỗi buồn sẽ chẳng vương mang và nụ cười sẽ nở trên môi người đọc
Theo hàng tiểu sử của tác giả, tên thật là Lê Phan Tuyết, cựu học sinh Nguyễn Huệ Tuy hoà, Võ Tánh Nha trang, cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn, cựu Giáo chức tại Nha trang Khánh Hoà. Đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học tại hải ngoại. Tương lai chị sẽ cho in tập truyện Tạ Tình trong thời gian gần nhất. Hiện nay tác giả đang sống tại Houston.
Cũng như Lê thị Hoài Niệm đã viết trong lời mở ngỏ của cuốn tuyển tập này, cuốn sách gồm 17 truyện ngắn không ít thì nhiều đã cho đọc giả đọc được cuộc đời của tác giả qua những câu chuyện thời đi học, tuổi tình yêu gia đình và qua những biến cố thời cuộc xảy ra trước và sau năm1975.
Nếu không lầm thì ở tuổi nữ sinh hoa mộng tác giả đã từng là người yêu của lính. Chị nhắc lại thật nhiều hình ảnh của người lính xuyên qua những chuyện ngắn của chị và người bạn đời của chị cũng là một phi công trong binh chủng hào hoa của quân đội VNCH, cho nên đâu đó lại bắt gặp chút văn phong không quân qua ngòi bút của tác giả.
Cô em gái hậu phương năm xưa trong những câu chuyện như Bến mơ, cái tuổi học trò nghich ngợm mà dễ thương được tác giả cho sống lại, cùng với hình ảnh người lính tác chiến mà những bì thư gửi từ chiến trường là những hoài niệm dễ thương gần gũi với cái tên Lê thị Hoài Niệm của chị.
Khi hết bậc trung học, Hoài Niệm theo đuổi nghề giáo cho nên sau đó chị tiếp tục là một nhà giáo, mà sau tháng tư 1975, với một cuộc đời ảnh hưởng luôn đến nghề nghiệp cao quí của những nhà giáo Việt nam. Trong câu chuyện : Phiên trực đêm giao thừa, với nhiều tình tiết và đối thoại đã diễn tả gần hết cái khổ, cái chán chường của một nhà giáo xã hội chủ nghĩa.
Xen lẫn tiếp cuộc đời của tác giả được diễn tả trong câu chuyện Nắng đã lên rồi,
kể chuyện vượt biên với một chiếc ghe con dài không quá mười hai thước, trong đó là những gặp gỡ của những người đồng cảnh, họ kết thân với nhau trên con tàu bé như lá tre giữa dòng nước xoáy của đại dương. Nước tràn vào buồng máy và họ phải chiến đấu để sinh tồn, cuối cùng cũng đến được bến bờ tự do. Như một cuộn phim, lồng trong những đối thoại khi kể lể, lúc vui lúc buồn, thân phận của mỗi người vượt biển hình như cùng hội lại với nhau trong chuyến tàu vượt biển ấy. Chuyện viết có hậu khi con tàu gặp được chuyến tàu vớt người biển đông, cuộc tao phùng của đôi tình nhân tưởng đã nghìn trùng xa cách, nhưng họ đã gặp lại nhau như trong một giấc chiêm bao.
Nói chung Lê thị Hoài Niệm đã góp nhặt lại những chuyện trong cuộc đời của chị, hay của những người xung quanh khi ở quê nhà cũng như ở quê người. Phần sau của tác phẩm, Lê thị Hoài Niệm đi vào đời sống ở hải ngọai với một loạt chuyên như “Vết nứt”, viết cho mẹ trong “Giọt lệ cuối cùng” với những kỷ niệm thời quá khứ có người mẹ hiền của mình, rồi tác giả lan man viết cho ông thầy cũ của mình trong câu chuyện: “Xin một lần gợi nhớ” trong tâm tình tuổi trẻ sống cho tương lai, tuổi trung niên sống cho hiện tại và tuổi già thường tìm về quá khứ. Trong tuyển truyện Vén mây tìm lại nửa vầng trăng của lê thị Hoài Niệm, quả là tác giả đang làm cuộc hành trình đi tìm quá khứ vui buồn chất chứa trong từng câu chuyện ngắn, hay vừa vừa với nhiều đối thoại mà có khi chỉ là những hồi ức viết cho chính mình, cho những khuôn mặt đã một thời hiện diện trong tâm hồn tác giả. Nguyên nhung xin ân cần giới thiệu tuyển truyện Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng của tác giả Lê thị Hoài Niệm.
Muốn có sách xin liên lạc với tác giả qua điện thoại 281-933-6076

Nửa Vầng Trăng

NỬA VẦNG TRĂNG
Phạm Đức Hiền
Trong văn chương Việt Nam, "nửa vầng trăng" đồng nghĩa với chia ly, biểu tượng của cảnh kẻ ở người đi, như ca dao Việt Nam hát rằng:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.
Đưa nhau một bước, một đàng,
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.

Trong bài thơ "Một Nửa Trăng", thi sĩ Hàn Mặc Tử vừa mỉa mai, vừa đau đớn khóc rằng:

Đêm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi,
Ta nhớ người xa thương đứt ruột,
Gió làm nên tội buổi chia phôi.

Trong bản nhạc Nửa Vầng Trăng, ca sĩ Như Quỳnh cũng đau khổ vươn cổ lên ca "6 câu" vô cùng thương tâm:

Chỉ mình em đêm ôm cô đơn,
Ánh trăng non ai chia đôi vầng
Buồn rơi mãi dẫu có đớn đau
Vẫn ôm tình anh….

(Xin bấm vào những links mầu đỏ để xem chi tiết)

Trong Truyện Kiều, Thi hào Nguyễn Du đã mượn tâm sự Thúy Kiều ly biệt Thúc Sinh để mô tả hoàn cảnh "đoạn trường" của mình:

Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Thế nhưng trong tập truyện ngắn "Vén Mây Tìm Nửa Vầng Trăng", nhà văn Lê Thị Hoài Niệm chẳng hề than thân trách phận, cũng chẳng có một giọt lệ nào, mà còn diễu cợt "rap" rằng:

Đường vào tình yêu có trăm lần thua, có một lần huề,
Đôi khi giận giữ, chén bát bay vèo hết…
(Vén Mây Tìm Nửa Vầng Trăng, tr. 8)

Hoặc:

Con quỳ lậy Chúa trên trời,
Sao cho con trúng được vài triệu thôi
Là con mãn nguyện lắm rồi,
Từ nay con sẽ không phiền Ngài, Chúa ơi!
(Mình Ơi, tr. 299)

Hầu hết những truyện ngắn của Hoài Niệm đều chêm vào những bài hát, vì chính bản thân cô cũng là một nhạc sĩ. Trước kia tôi đã từng giới thiệu một bài Thơ Vui của cô gồm hàng trăm tựa đề của những bản nhạc Việt Nam, đủ biết là cô thuộc rất nhiều bài hát.

Khi vào học trường Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa, Lê Thị Hoài Niệm tên là Lê Phan Tuyết, không phải là bạch tuyết, mà một cô bé nhà quê vừa đen đủi và vừa nhỏ bé như cô tự tả trong truyện ngắn "Xin Một Lần Gợi Nhớ". Nhưng cái cô học trò ngồi bàn đầu này có một memory rất dai. Trước đây tôi từng giới thiệu bộ nhớ của cô phải đến vài trăm terabytes (1 tera = 1000 giga), và nhờ trí nhớ này mà chúng ta có cơ hội sống lại những ngày xưa thân ái ấy.

NỬA VẦNG TRĂNG mà cô muốn VÉN MÂY TÌM là những kỷ niệm xưa đã bị cắt ra làm đôi, một nửa phải để lại ở quê nhà, là nơi mà cô từng là nữ sinh, giáo sinh, rồi nhà giáo, và sau đó lên máy bay với một anh chàng phi công trực thăng sống tại Nha Trang, là quê hương của những con đại bàng nón sắt (không phải là những con kên kên nón cối).

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 cũng là một nhát dao chặt đôi vầng trăng, để nữ văn sĩ này sang sống lưu vong tại Houston, Texas, là nơi cô dùng thời gian còn lại của đời mình sáng tác những câu chuyện dí dỏm và những bài thơ vui để hoài niệm và hoài hương.
Đọc truyện ngắn của cô chúng ta tìm lại được hình ảnh của những cô nữ sinh nghịch ngợm chọc quê những chàng sĩ quan non nớt như:

Thiếu Úy nhìn em Thiếu Uý cười,
Bồ em Trung Úy, Thiếu Uý ơi.
(Món Quà Đầu Năm, tr. 118).

hoặc phải sống cảnh gian nan khổ cực, nhưng cũng không mất đi óc khôi hài:

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời xập xám,
lại thấy tiền nó bay đâu mất,
rồi nuối tiếc, rồi chịu đói…

Cô đã trải qua một cuộc đời thiếu thốn từ nội trú Sư Phạm, đến cảnh sống chung với Việt Cộng, rồi vượt biên sang Mỹ và hiện nay là mẹ của một Nữ Hải Quân Hoa Kỳ

Hoài Niệm sẽ tổ chức một buổi ra mắt tập truyện ngắn "Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng":

Vào lúc 8:00 PM Thứ Sáu
Ngày 1 tháng 8 năm 2008
Tại Mini Club
9410 Richmond, Houston, Texas
(xin xem Thiệp Mời đính kèm)

Nếu quý thầy cô và các bạn dó dịp viếng thăm Texas, hoặc có điều kiện, xin hãy đến tham dự, đặc biệt là những bằng hữu ở Texas, nhất là anh Phạm Phích, xin hãy quá bước đến, trước tiên là để chiêm ngưỡng dung nhan của Cái Tuyết này xưa không còn là một cô bé đen đủi ốm nhom, mà đã trở thành văn sĩ, nhà thơ Lê Thị Hoài Niệm.. trắng.. trẻo.. tròn.. trịa, và nhất là được cô trình diện ông xã "sans pantalons" cùng 17 đứa con tinh thần của cô trong tập truyện ngắn "Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng".

Vì không đến được, nên tôi đã vận động Hội Ái Hữu Phú Yên Bắc California đặt mua 20 cuốn. (Nếu anh Lữ Đức Kỳ cảm thấy thích thú thì xin trả tiền giùm, cám ơn !)

Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc
lethihoainiem@yahoo.com
hoặc (281) 933-6076.
Trân trọng giới thiệu,San Jose ngày 24 tháng 7 năm 2008




Lê thi Hoài Niệm Ra mắt tuyển tập truyện ngắn




Lê Thị Hoài Niệm Ra mắt Tuyển tập truyện ngắn
VÉN MÂY TÌM LẠI NỬA VẦNG TRĂNG

Phóng viên Xây Dựng

Thời tiết của Houston trong những ngày đầu tháng 8 hình như đã mát mẻ đôi phần trong đêm sinh hoạt văn học tại vũ trường CBC, vì tuyển tập truyện ngắn “Vén Mây Tìm Lại Nửa vầng Trăng” của nhà văn Lê thị Hoài Niệmlong trọng trình làng. Trăng tháng 8 không thấy xu61t hiện trên bầu trời , vì đêm thứ sáu 1 tháng 8 cũng là ngày mồng một tháng 7 âm lịch, nhưng các “ngôi sao ca nhạc” của Houston hầu như tập trung tại đây, để cùng góp tay làm sinh động ngày đứa con tinh thần của nhà văn Lê thị Hoài Niệm ra mắt đọc giả.
Trong thiệp mời là 8 giờ khai mạc, nhưng buổi ra mắt tác giả và tác phẩm của nhà van đất Nha thành đã mở đầu lúc 9 giờ 15 tối với lời chào mừng ngắn gọn của Trưởng ban Tổ chức(Nhạc sĩ Hoàng Cầm) và phần điều hợp dí dỏm của MC Nguyễn văn Năm, là khuôn mặt quen thuộc của các giáo xứ và cộng đồng. Có vào khoảng 200 người hiện diện trong giờ khai mạc, đa số là thân hữu của Tác giả và một vài cơ quan truyền thong trong vùng. Ban Tổ chức chu đáo lo cho phần tiệc trà với các thức ăn nhẹ trong thời gian quan khách thưởng các tiết mục văn nghệ xen kẽ các phần phát biểu ngắn, gọncủa các than hữu.
Lê thị Hoài Niệnm là bút hiệu của bà Lê Phan Tuyết, là thành viên cốt cán của hội đồng hương ái hữu Nha trang –Khánh hoà. Người ta biết Lê phan Tuyết với tài điều hợp chương trình lưu loát, với cách đọc số loto truyền thống của dân Nha trang trong những ngày mừng xuân của hội, nhưng ít người biết về tài viết văn của bà, mãi cho đến khi “Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng”trình làng. Thật sự, bút hiệu quen thuộc này đã hiện diện trên đặc san Nha trang Khánh Hòa, đã có lần xuất hiện trên báo xây dựng từ hơn hai mươi năm về trước.
Lê Phan Tuyết tức nhà văn Lê thị Hoài Niệm, là cựu học sinhtrường Nguyễn Huệ (Tuy Hoà), cựu học sinh Võ tánh (nha trang –Khánh hoà), là cựu giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn. Bà hiện định cư tại thành phố Houston cùng chồng (KQ Lê văn Lắm, cựu pilot Trực thăng) và hai cô con gái. Một trong hai cô là Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ.
Tham dự phần giới thiệu “than thế của Tác giả” có: Kỹ sư Lý Cương quyết, nhà văn Tam Thanh, tức Bác sĩ Nguyễn tam Thanh (Tác giả hai tác phẩm Đốc Hà, Đồng Thuyền), nhà văn Tuý Hà , Giáo sư Đàm quang Hưng, KQ Lê văn Lắm (Phu quân của Bà)…, nhưng rất tiếc không ai đi sâu vào phần giới thiệu “tác phẩm” gồm 17 đoản văn, là nội dung trong tuyển tập Truyện ngắn “Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng”.
Khách chỉ được nghe các vị phát biểu có nội dung đại khái như sau: nhà văn Lê thị Hoài Niệm tên thật là Lê Phan Tuyết gốc Nha trang (Khánh hoà) xuất sắc trong việc nấu ăn , may vá trồng cây, hoạt bát trong tài hát về loto…Có người còn đi sâu vào trong việc mổ xẻ tựa sách( GS tơán Đàm quang Hưng), tại sao tác giả lại dung chữ Vén mây, rồi so sánh Bà với Đại thi hào Nguyễn Du trong một trích đoạn của tác phẩm Kim Vân Kiều!!!Trừ nhà văn Túy Hà có lướt qua đôi chút về tập truyện, ngoài ra các phát biểu khác đều ngắn gọn than thế tác giả và ví von về tựa đề của cuốn sách.
Lướt qua tập sách trước giờ khai mạc, chúng tôi thấy trong tuyển tập này có 17 đoản văn, tác giả đã dung đoản văn thứ 8, để làm đề tựa cho cuốn sách. Nội dung kể lại mối tình của một Nữ giáo sinh với môt phi công VNCH với nhiều trắc trở. Ch amẹ cô gái không thuận cho cô lấy chồng lính chiến, chàng xin thuyên chuyển về miền nam. Bạn bè của nàng true chọc: “Chàng đang lướt gió tung mây tận miền Nam, thì mày lén vén mây mà đi tìm, coi chừng có nhiều tiên cô thừa cơ hội quơ cây phất trần cuốn lấy chànglúc nào không biết…(trang 140)
Rồi xảy ra biến chuyển tháng tư đen, cô giáo trẻ gặp nhiều cay đắng, nhưng cô luôn cầu nguyện chàng phi công kia được thoát ra khỏi nước, không bị đi học tập cải tạo để bị Cộng sản trả đòn thù. Sau đó cô giáo lưu lạc đến Chicago(Hoa kỳ)và đọan kết của đỏan văn này như sau: “Trời đã chuyển gió đến giúp tôi vén lệch những áng mây, cho tôi tìm thấy lại nửa vầng trăng thất lạc năm nào. Cảm ơn Trời cao đã không nỡ phụ kẻ có lòng.”
Thật sự đó là câu chuyện tình đôn hậu đã xảy ra trong đời của Lê thị Hoài Niệm, được dàn trải trong đoản văn dài 15 trang với kết cuộc thật vuông tròn.
Như lời tác giả trình bày, tác phẩm này là đứa con mà bà “thai nghén” suốt 25 năm, nay mới trình làng. Sách dày trên 200 trang, ghi lại cảm nghĩ riêng tư về những phần đời đã trôi qua của tuổi học trò (Vô duyên đối diện) tung tăng với bạn bè trong một khung cảnh đất nước Việt nam trong thời chinh chiến. Thành phố Nha trang là nơi tập trung nhiều quân trường Không quân, Hải quân, Đồng đế, Trung tâm huấn luyện Dục Mỹ..v..vlà cái lò đào tạo, rèn luyện các thanh niên trẻ tuổi Việt nam thành những người lính, để bảo vệ đất nước trong thời tao loạn. Do vậy có nhiều cuộc tình xảy ra với những người con gái đất Nha thành. Kế tiếp tác giả kể lại những kỷ niệm về cuộc đời khi đang là nữ giáo sinh ở trường Sư phạm Qui nhơn. Câu chuyện nói về hiện tại của cô con gái nay là một Sĩ quan hải quân của Quân lực Hoa kỳ( Nói với Laura trong thời gian phục vụ tại USS GUNSTONE HALL), tâm sự đau buồn của người em trai đã quá vãng (Giọt lệ cuối cùng), chuyện vui buồn của đại gia đình trước năm 1975 (Nhà tôi) (Chuyện từ căn nhà ngói đỏ).
Tác giả có lối hành văn đơn sơ, mộc mạc, kể lạ chuyện mình ,chuyện người với văn phong giản dị và như tác giả đã viết trong mục “Thay lời tựa:..
“Những hàng chữ trên trang giấy trắng, chỉ là sự gợi nhớ từ chuỗi dài tâm tư , tình cảm của chính người viết , và cuộc soiống rầt đời thường củqa những người chung quanh. Mong rằng sau khi trang sách khép lại, nỗi buồn sẽ chẳng vương mang và nụ cười sẽ nở trên môi người đọc.”
Quả đúng như lời Lê thị Hoài Niệm xác định trong trang đầu, dù là truyện vui hay truyện buồn, ta cũng đều thấy sự yêu đời, yêu người của tác giả sau khi trang sách khép lại. Với tác giả, những chuyện được kể lại, chỉ là sự hoài niệm của một quá khứ và người ta phải đứng lên, tiến bước trong cuộc sống với sự lạc quan.
Mười giờ ba mươi, tác giả lên sân khấu, cảm ơn toàn thể mọi người tham dự và gây ngạc nhiên cho cử toạ, khi bà tuyên bố tặng một ngàn đô la, để giúp cho các Thương pphế Binh Quân lực VNCH. Số tiền này được trao ngay cho bà Nguyễn thị Thanh, tức Vân Thanh, chủ nhân Thiểm hưng sandwich (downtown Houston), người thường đóng góp văn nghệ với các hội đoàn quân đội. Tác giả nói rằng, được biết Vân Thanh lâu nay, thường âm thầm quyên góp bạn bè, đích than trao tặng cho qnh em thương phế binh ở quê nhàtrong mỗi chuyến về thăm gia đình. Bà Vân Thanh cảm động nghẹn ngào khi nhận chi phiếu gửi trao. Cả hai phự nữ này thường sinh hoạt gắn bó trong hội đồng hương Nha trang –khánh hoà từ mấy năm nay.
Tiết mục thứ hai của chương trình là phần dạ vũ do ban nhạc CBC phụ trách với các ca sĩ địa phương. CBC có ban nhạc hay với các tay đàn điêu luyện., âm thanh tuyệt hảo, vì vậy các thân hữu và quan khách đã có một đêm vui cuối tuần với các giọng ca: Ngô Cương, Phương Nga, Nguyễn Văn Năm, Kim Loan, Thuỵ Mai, Quốc Việt, nguyễn Tuấn Chương..
Chúc mừng nhà văn Lê thị Hoài Niệm và trân trọng giới thiệu đọc giả xây dựng: Tuyển tập truyện ngắn “Vén mây Tìm Lại nửa Vầng trăng” dày trên 200trang, giá bán 12 đô la. địa chỉ liên lạc:lethihoainiem@yahoo.com, hoặc điện thoại (281)933-6076