Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Thơ xướng hoạ

Đông Cảm
(Xướng)


Phố choàng áo lạnh gợi sầu Đông
Gió đẩy Thu đi thấy xót lòng
Cành tiễn lá vàng thương phận số
Trời gom mây xám chạnh non sông
Đầu thềm tuyết phủ than hiu quạnh
Đỉnh núi sương rơi nhớ viển vông
Thấy cảnh thêm đau buồn biệt xứ
Phương trời mẹ có tủi trông mong?

Uyên Phương Minh Nguyệt





XA QUÊ
(họa)


Năm ấy Thu rời chớm gió Đông
Biệt ly đau ruột xé tan lòng
Lời than vọng lại nơi đầu ngõ
Tiếng khóc vang rền tận cuối sông
Xóm dưới khăn tang che núi đá
Làng trên nước mắt ngập rừng vông
Quê hương đất Cộng chưa về lại
Để mẹ cha già mãi ngóng mong

Hoài Niệm

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Thu về trong căn nhà nhỏ


Qua rồi những cơn nóng đổ mồ hôi hột khi bước ra sân. Nhưng sống ở thành phố nóng riết rồi cũng quen với khí hậu. Nóng thì chạy vào nhà có máy lạnh. Lên xe đi khỏi nhà có máy lạnh. Vào chợ , vào shopping có máy lạnh..., máy lạnh ở mọi nơi mọi chỗ nên xua cái nóng đi chỗ khác chơi, con người vẫn sống khơi khơi, không than van , rên rỉ. Nhưng khổ nỗi , vườn cỏ, bụi hoa mà không đủ nước tưới thì một sớm một chiều sẽ về lại với đất. May sao mùa hè đã qua, và thu lại đến, những chậu hoa sống sót đã rực rỡ muôn màu. Âu đó cũng là niềm vui cho người giữ vườn.











NGƯỜI VỀ

Xem trước











Người về thăm lại biển xưa
Mênh mông nước biếc nắng trưa đứng nhìn
Dã tràng khép nép dấu mình
Gió đùa mây nhẹ bồng bềnh xa xa
Vi vu sóng nước hoà ca
Nhìn qua biển nắng đôi tà áo bay
Nhớ ngày hạnh ngộ duyên may
Cát vàng ghi dấu đôi tay ngọc ngà
Cành dừa lả ngọn la đà
Che nghiêng đôi bóng tình hoa đổ dài
Giờ đây cũng ở nơi này
Tình xưa biệt lối, tình bay phương nào
Biển buồn bởi dạ xuyến xao
Biển than bởi tiếng ôi chao nhớ người!
Nhìn biển xa tít chân trời
Nên chăng nhờ biển gửi lời trao ai
Tình tan bởi ngọn gió xoay
Tình tan cũng bởi đổi thay thế thời
Một mai dẫu chẳng gặp người
Thì dù biển cạn vẫn hoài nhớ thương!!!
Houston 15/10/11

NHỚ VỀ SƯ PHẠM QUI NHƠN

Bốn mươi năm chưa về qua lối cũ
Chắc bây giờ đường phố đã đổi thay
Nhớ những ngày lang thang ở khu Hai?
Chiều xuống vội, nhanh chân vào nội trú.

Ngôi trường xưa giờ thay tên đổi chủ?
Biết làm sao tìm lại nụ hoa đời
Không gian xưa còn lưu lại tiếng cười
Hay đã xoá bởi thời gian xa cách?

Trường xưa ơi, nơi bao nhiêu bè bạn
Hai năm dài ngồi chung lớp chuyên tâm
Đời Giáo sinh, người ương hạt gieo mầm
Cho bao trẻ khi vào nghề Giáo học

Hai năm qua biết bao là khó nhọc
Phải dùi mài nhiều môn học khó trôi
Thể dục thể thao vừa học vừa chơi
Vẫn cố gắng để xứng danh nhà giáo!

Thế cuộc đổi thay, tràn vào giông bão
Bục giảng bỏ rời, quê mẹ lìa xa
Trả nợ áo cơm, ngoảnh lại quê nhà
Thấy tiếc nuối, thương từng viên phấn nhỏ

Nhớ trường xưa biết cùng ai để tỏ
Bạn hữu đâu rồi kỷ niệm đã phai?
Ở nơi đây với những tháng năm dài
Dù thương nhớ cũng chỉ còn hoài niệm!!!!

Houston15/10/2011

Đi "cộng đồng" ở làng quê Mai-Tuyết-Thuận-Tiến


Tuyết-Sửu-Lành

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

CHUYỆN HÔM NAY

Trời Houston vẫn còn đang nắng gắt dù đã sắp sang mùa Thu, trời nắng và nắng suốt mùa nên cây cỏ cháy khô và những đám cháy lớn đã xảy ra , thiêu huỷ cả hằng ngàn căn nhà ở 3 county kế cận thành phố HT . Biết bao nhiêu người thóang chốc đã thành trắng tay, cũng may người chạy thoát được , nhưng thương tâm biết bao khi nhìn người đang tạm cư khóc than vì mất trắng bao nhiêu năm tạo dựng sự nghiệp chỉ trong chốc lát.

Hôm nay là ngày 11 tháng 9. Sau mười năm hai toà tháp đôi, biểu tượng kinh tế của nước Mỹ tại New York bị bọn khủng bố dùng máy bay đâm sầm vào để huỷ diệt.
Đúng là hành động của một bọn người "Không bình thường". Chỉ có những con người không bình thường mới có thể nghĩ ra những việc hãi hùng như vậy, và những con người trong đầu cứ nghĩ sau khi chết sẽ được lên thiên đàng và có ...72 tiên nữ phục vụ nên không ....ngán cái chết, có khi còn ham chết nên mới hành động như vậy.

Tại sao người ta cứ phải giết nhau mới được sống vui nhỉ? ngay cả một đám người ở tại Việt nam nước tôi, cái ngày toàn thế giới rúng động vì cả hằng ngàn người vô tội bị chết thảm trong tức tưởi , người ta khóc thương, buồn đau , thì tại VN có hình ảnh từ một phóng viên người Đức ,có một số người đã nhảy nhót la ó reo hò, mừng vui. Thì ra , đâu phải chỉ những người Hồi giáo quá khích tại Trung đông dã man , mà một số người tại VN tôi cũng dã man như vậy.(?)

Hèn chi , hồi những năm miền Nam phải chống lại sự xâm lăng của miền Bắc , có quá nhiều người dân lành của miền Nam cũng bị chết tức tưởi như vậy vì những trái lựu đạn quăng vào đám đông đang xem hát , những gói chất nổ đặt bên vệ đường chờ những chiếc xe hàng đi qua nổ tung lên , người người văng xác. Giờ nghĩ lại cũng còn rùng mình.

Tưởng rằng họ giết dân để "ăn mừng" và mãi mãi ăn mừng vì "đuổi" được "đế quốc Mỹ" ra khỏi nước để đưa Liên Xô và Tàu cộng vào. Nhưng qua thời gian , một số người dân đã chết oan vô lý, vì cuối cùng bọn "ăn mừng" đó cũng "thích " đi với người Mỹ, thích Đô la Mỹ , thích hàng Mỹ...cái vòng đi xa những hai mươi mốt năm . Dài quá! Vô lý quá!
Hiện tại con cháu bọn họ cũng đang tìm cách sang MỸ ở và ...mong cho người Mỹ đến VN ngày càng nhiều , bằng chứng là rất nhiều cửa hàng ở VN ngày nay đều có bảng hiệu chữ MỸ. Đúng là bọn háo chiến.

Chiến tranh xảy ra nhiều khi cũng vì lòng Ghen tị và cái mặc cảm Tự Ti.? Thấy người ta ...hơn mình nên tức tối , và tìm đủ mọi cách bẩn thỉu nhất để hạ người ta xuống và...lấy hết những gì đối phương có, để làm của riêng mình.

Ngày xưa, khi thủ tướng độc nhãn Do Thái đến thăm VN , đã nói một câu để đời " muốn thắng CS phải để cho CS thắng?" thì ra , ý nghĩ quá cao siêu, nếu ngày ấy miền Nam thắng được miền Bắc , bọn chúng sẽ chạy qua Tàu qua Nga, và lập chiến khu chống đối hoài chắc gì dân chúng sống yên , mà không bị những trận "khủng bố" giết hại cả khối người lương thiện.
CS thắng,? nhưng chúng đâu có thắng được lòng dân , ngày nay người dân chưa vùng lên được , vì bao tử còn đói quá , phải lo kiếm ăn để sống cái đã, vì bao nhiêu cuả cải đã lọt vào tay bọn chóp bu hết rồi. Vả lại bọn chúng đã nuôi béo ở một số công an sẵn sàng ra tay đàn áp bắt bớ giết hại những người có ý đứng dây phải đối sự cai trị của bọn chúng.

Nhưng , chuyện đời mà, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, như những người đi làm việc sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 , họ đâu nghĩ rằng đó là lần cuối họ từ giã người thân , và mãi mãi không bao giờ gặp lại. Những người Lính cứu hỏa dũng cảm , họ đâu nghĩ rằng họ xông lên cứu người là đi vào cõi chết trong vòng năm phút sau đó. Mãi mãi và mãi mãi những điều gian ác không thể làm người ta quên, dù có muốn nói theo thuyết nhà Phật "láy óan báo oán -oán chất chồng" chỉ có tha thứ! nhưng liệu mình tha thứ sẽ đem lại điều tốt , hay sẽ mang họa thêm vào thân? Đời thật khó lường. Nói thì dễ, nhưng liệu có làm được hay không khi mà con người chứ không là ...Bồ tát??????

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

NGƯỜI HÀNG XÓM

 


Tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu như vừa phạm phải một lỗi lầm lớn, còn tự trách mình sao lại cho hắn địa chỉ nhà làm chi, liệu hắn có làm phiền chúng tôi khi lại nhà thăm viếng?

Tôi không ngờ hắn cũng về đây dự buổi họp mặt mừng Xuân của hội đồng hương. Lẫn trong những tiếng reo vui mừng rỡ, những tiếng chào hỏi tíu tít, những lời hỏi thăm ân cần của những người bạn cũ gặp nhau, là tiếng hét gọi tên tôi thật lớn của hắn khi tôi vừa rời bàn đứng dậy. Phải mất mấy giây đồng hồ sau tôi mới nhận ra người đàn ông có khuôn mặt bành bạnh, dáng người phục phịch, cái bụng to phì như thùng nước lèo của mấy chú Ba Tàu Chợ Lớn kia là ... hắn! Thấy hắn vồn vã hỏi lung tung mọi chuyện, mọi người, tôi cũng quên bẵng chuyện ngày xưa, dù gì hắn cũng từng là người hàng xóm.

Từ thuở nhỏ, Má tôi há chẳng thường hay nói: “Bà con xa không bằng xóm láng giềng gần” đó sao? Lại nữa từ ngày lưu lạc đến xứ Mỹ này, lâu lâu tìm gặp được một người quen sơ sơ ngày ấy cũng đã mừng lắm rồi, huống chi đối với tôi, hắn có quá nhiều chuyện để nhắc nhở, để ôn lại kỷ niệm một thời. Hy vọng lần gặp gỡ sau nhiều năm xa xứ, hắn sẽ có nhiều thay đổi tốt đẹp hơn những ngày tháng cũ mà tôi biết.


Hắn là con trai lớn trong bốn người con của ông bà Mẫn, chuyên làm nghề thầu đổ xe rác Mỹ, nên trong xóm tôi, nhà hắn giàu nhất chẳng làm ai ngạc nhiên. Ông Mẫn cất một lúc hai căn nhà đúc, chiều dài đến cả ba chục thước, với hai tầng lầu cao, để một khoảng rộng trên sân thượng trưng bày vô số cây kiểng quí, và cũng là chỗ cho ông quí tử chiều chiều ngồi trên đó nhìn xuống đường chọc phá bà con. Bởi nhà giàu nên hắn đi học với chiếc Honda 90 phân khối còn mới toanh, cứ tha hồ lạng lên lạng xuống, lạng tới lạng lui trước cổng trường con gái, và cũng bởi nhà hắn ở đầu đường, còn nhà tôi ở cuối xóm, nên chi mỗi buổi đi học về, tôi đều phải đi ngang qua nhà hắn, thỉnh thoảng tôi thấy hắn ôm cây đàn Guitar ngồi ngất ngưởng trên ban-công đập rầm rầm, như báo động cho bà con biết ta đây cũng biết đờn như ai, còn thường thì hắn tụ tập cả một đám con trai cỡ phá làng phá xóm như hắn, bọn chúng núp trong cánh cửa sắt, chờ bọn học trò con gái chúng tôi đi qua, là bắt đầu đếm một-hai-ba, rồi tha hồ phát ngôn bậy bạ, chọc phá nhiều câu nham nhở, nên bọn con gái trong xóm tôi chẳng đứa nào ưa hắn, nhất là nhỏ Thúy Diệp, con nhỏ đi học ưa mặc cái rupe ngắn, chỉ đến chừng đầu gối, hở cả đôi chân ra ngoài. Thế là bọn chúng cứ khen con nhỏ có đôi chân “thảo bình” rồi cười một cách khả ố. Con nhỏ nghi ngờ về hỏi lại ba nó, được ông Chính giải thích: thảo là cỏ; bình là bằng, cỏ bằng là... cẳng bò chứ có đẹp đẽ chi đâu. Từ đó Thúy Diệp thù hắn dữ lắm, hễ có dịp là tìm cách trả thù.

Cả nhỏ Hoa con bà Bảy Quới cũng vậy, nhà Hoa cách nhà hắn độ mười căn, hắn mê nhỏ Hoa hầu như cả xóm đều biết, nhưng nhỏ coi hắn như pha. Có lần nhỏ tâm sự với tôi:

-Ngân à, bồ nghĩ sao về tên Lưu Manh, con ông Mẫn hả? Cái tên mặt gà mái đó coi thật khó ưa, vậy mà nó cứ đeo theo Hoa như đỉa, thật bực mình hết sức, nhưng không lẽ cứ chửi vào mặt nó hoài, xóm láng giềng gần mà cứ chửi rủa mãi bà con họ nghe được, lại nghĩ Hoa giống bà già thì kẹt quá phải không bồ?

Cũng lạ, không biết tự bao giờ người trong xóm tôi lại đổi tên cho hắn, thật ra tên hắn là Lưu văn Minh mà! rồi còn gán cho hắn danh hiệu “mặt gà mái”.

Trông tướng hắn cũng cao ráo, mặt mày sáng sủa, không mắt hí, mũi tẹt, môi dày, chỉ hơi bành ra ở hai bên gò má và cái trán trẹt lét vậy thôi. Nhưng tại sao lại là mặt gà mái? Có lần bà Mười quán nổi sùng vì câu thắc mắc của tôi.

-Cái con Ngân này thiệt! Cái thằng đó mặt gà mái tại vì nó giống... gà mái chớ sao!
Ơ hay! Mặt gà mái là tại vì giống gà mái, không giống gà cồ, phải chăng vì bản mặt của hắn như vậy nên tính tình cũng ảnh hưởng, hắn ưa bươi móc chuyện người ta và cũng chưa bao giờ bà con ở xóm tôi thấy ở hắn có một cử chỉ hào hiệp, hay cái uy dũng của giống gà cồ.

Gần tới mùa bãi trường năm đó, vì nghĩ đến chuyện sau kỳ thi tú tài một sẽ có kẻ đậu người rớt, bạn bè sẽ phân tán, nên bọn con gái chúng tôi mới lăng xăng trao cho nhau cuốn tập để viết... lưu bút ngày xanh, tặng nhau tấm hình làm kỷ niệm, không ngờ tên Minh mặt gà mái cũng bày trò như con gái.
Hắn chận tôi ngay trước cửa nhà hắn, vốn đã không ưa nên tôi hỏi gắt:

-Nè, làm gì chận tôi ngay giữa đường vậy? Bộ bữa nay mới nghĩ ra trò chọc phá khác nữa hả?
Hắn cười cười, một tay đưa lên gãi tai, một tay cầm quyển vở bìa cứng đưa ra trước:

-Tôi đâu có phá Ngân, Ngân làm ơn giúp dùm tôi một lần này đi! Tôi...
-Mà giúp cái gì mới được chớ? Tôi còn giọng gắt gỏng tiếp:
-Đừng có biểu tôi trao gì cho Hoa nghe, tôi không làm đâu! Tôi nói vậy vì hắn vẫn chận bọn trẻ trong xóm nhờ đem thư cho Hoa hoài đó.
-Không phải vậy đâu, tôi nhờ Ngân viết dùm trang đầu trong quyển lưu bút của tôi vậy mà! Tôi biết Ngân làm văn hay, lại viết báo ở trường bển nên tôi mới nhờ!

Tuy có ngạc nhiên, nhưng nhìn hắn nói năng chậm rãi, có vẻ quan trọng nên tôi hỏi trổng:
-Viết cái gì bây giờ?
-Thì Ngân viết sao hay hay để bọn bạn tôi đọc rồi lấy ý viết cho tôi vậy mà. Chắc cuối năm nay tôi không còn có dịp đi học nữa, thi rớt phải đi lính là cái chắc rồi!

Tôi lại nhìn kỹ hắn lần nữa. Nét mặt hắn có vẻ trang nghiêm lại buồn buồn, chả bù với mọi lần, hắn ngồi vẹo nẻo trên chiếc Honda phóng một cái vút qua mặt bọn con gái chúng tôi đang đi bộ trên lề đường Nguyễn Hoàng, rồi thắng lại một cái rét, quay đầu bánh xe trước đủ 360 độ, lại rề rề chạy theo, nói năng vài ba câu chẳng ra hồn, rồi phóng vụt đi, vọng lại chuỗi cười ha hả khó ưa.

Có khi tôi gặp hắn ngồi trên chiếc xe dzíp với ông Mỹ to tướng, chạy chậm chậm qua cổng trường của con gái lúc tan học, đã vậy hắn còn dạy ông Mỹ nói những câu tiếng Việt vô duyên, để hắn có dịp cười thích chí.

Nhưng bữa nay, hắn có vẻ tội nghiệp thật, biết đâu lời hắn nói là đúng. Dù gì hắn cũng lớn tuổi quá rồi mà, học lại lớp mãi được sao, dù là học trường tư thục “Kim Yến”. Thấy tôi còn do dự, hắn xuống giọng nài nỉ:

-Ngân nhận viết dùm đi, chắc mai mốt tôi không còn dịp phá các bạn nữa đâu!
Trao quyển sổ cho tôi xong, hắn vui ra mặt. Nhưng khi tôi vừa quay lưng bỏ đi thì cùng lúc hắn cũng đi vào nhà, và cất giọng oang oang:

“Rớt tú tài anh đi... trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ sinh con
Một mai tan việc nước non ,
Anh về anh có... Mỹ con anh bồng!”


Tôi khựng người lại, giận vô cùng, tôi muốn quăng trả lại quyển sổ cho hắn, nhưng cánh cửa sắt sau lưng đã kéo kín lại rồi. Đứng một chập nghĩ kỹ hơn, tôi bỗng bật cười thành tiếng và bước vội về nhà, vì thật ra mấy câu hát vừa rồi đâu phải hắn là tác giả. Chẳng qua hắn cũng bắt chước mấy đứa con nít trong xóm tôi, chuyên môn chạy theo sau mấy cái xe nhà binh Mỹ, rồi hát chọc mấy “Chị Em ta” vậy mà.

Nhà tôi ở thuộc khóm “Phù Đổng Thiên Vương”, nhưng không hiểu có phải vì ngài Thánh Gióng đã bay mất về Trời(?) nên đám con cháu ở lại trần thế quên mất chuyện gìn nòi giữ giống? Kể từ ngày có phong trào lính ngoại bang tràn vào thành phố, thì tất cả những căn nhà hai bên đường phố đã đổi khác. Nhà trệt thì xây lên lầu cao, nhiều nhà có sân chơi rộng rãi, từng là sân vũ cầu của bọn trẻ, mỗi chiều rủ nhau ra quần thảo hơn thua, bỗng chốc mọc lên những căn phòng vuông vức như những chuồng cu, trước cổng rào bỏ thêm chữ Mỹ “Room For Rent” hay “House For Rent” mà khách hàng không ai xa lạ, lại chính là chị Bảy gánh nước mướn, cô Chính người làm của Bà Tư v.v...và những người tình của các “Chị Em ta”, những người lính viễn chinh Mỹ, Đại hàn, Phi v.v…

Bởi thế; chính tôi cũng nghe bọn con nít nhai đi nhai lại câu hát trên đến mòn cả lỗ nhĩ.

Nhưng rồi mùa Thu năm ấy, những người cùng tuổi hắn không có tên trên bảng vàng, đã phải vội vã xếp bút nghiên lên đường vào “Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm nhụt chí nam nhi...." thì hắn, dù không đậu, cũng chẳng thấy hắn buồn phiền, hay chuẩn bị đi lính tráng gì ráo, hắn vẫn phây phây, nhởn nhơ phóng xe Honda lạng tới lạng lui. Để rồi một hôm tình cờ tôi gặp hắn từ trong quân y viện Nguyễn Huệ đi ra, khi tôi vào thăm người nhà bị thương vừa đưa vào nhập viện. Thấy tôi, hắn dừng xe cất tiếng:

-Ngân đi đâu vào đây vậy?
-Tôi đi thăm người cậu bị thương, còn ông đi đâu đây?
Do dự một chút, hắn nói nho nhỏ:
-Tôi đi tái khám để ra hội đồng giám định y khoa lấy giấy hoãn dịch!
-Cái gì? Ông bị gì mà xin giấy hoãn dịch?Tôi ngạc nhiên ngó châm bẩm vào mặt hắn.

Tướng tá hắn như con voi mà bị bịnh gì đây trời? Chả lẽ? Tôi thầm nghĩ và cười một mình.

-Cái chân của tôi! Hắn vừa nói vừa đưa cao cái chân mặt phía bên kia chiếc xe. Lúc ấy tôi mới để ý đến cái bàn chân đang quấn băng trắng của hắn.
-Ủa! Bị thương hồi nào mà cả xóm mình không ai biết hết vậy? Có nặng lắm không?
-Cũng mới bị đây thôi, chả có gì nặng lắm, có điều phải đi tái khám hoài mới lấy giấy hoãn dịch được. Thôi tôi đi trước nghe.

Tôi tò mò muốn hỏi hắn về cái vụ giấy hoãn dịch gì đó, nhưng hắn đã phóng xe một cái vù, để lại cho tôi một lớp bụi mù và một lô thắc mắc về cái chân của hắn.Tôi muốn hỏi bà Mười quán, trung tâm tin tức của cả xóm, về tai nạn của tên Minh, thời may Má tôi lại sai xách thùng đi mua dầu lửa.

-Dì Mười ơi! Con ông Mẫn bị thương hồi nào, mà sao phải vào quân y viện xin giấy hoãn dịch vậy? Dì có biết không?

-Sao mày biết? Dì Mười có vẻ ngạc nhiên.
-Cháu vừa gặp hắn trong quân y viện Nguyễn Huệ.
Dì Mười kề tai tôi hỏi nhỏ:
-Bộ nó nói gì cho mầy nghe hả?
-Có nói sơ sơ, nhưng cháu chưa hiểu.
Bỗng dì Mười phất tay một cái, giọng chê bai:
-Ý dà! Cái thứ làm giấy tờ bịnh… giả để khỏi bị đi lính đó mà, mầy để ý thắc mắc làm chi!
-Bộ Dì biết tên đó định trốn lính thiệt hả?
-Chớ lớn tồng ngồng rồi, hai-ba lần làm giấy khai sanh lại, đi thi tới thi lui, có cái bằng tú tài cũng không đậu. Năm nay ông Mẫn đổi cách, không làm khai sanh lại nữa, mà mua bằng cho nó, nếu có bị đi lính thì cũng làm được Sĩ quan như người ta, nhưng chạy sao đó lại chật chìa mầy ơi! Tiền mất mà... tật mang, bởi vậy ổng mới nghĩ ra cách khác đó chớ!
-Vậy Dì biết hắn bị thương làm sao mà khỏi phải đi lính vậy? Tôi lại tò mò thêm.
-Thì... chặt đại một ngón chân cái ở bàn chân phải đó, nghe mấy ông lính nói: mất ngón chân cái rồi thì làm sao mang giầy lính mà chạy nhanh được! Mà lỡ có bị đi lính thì cũng khỏi ra trận quýnh giặc như người ta. Bởi vậy nó mới phải vào quân y viện. Đồ thứ tiền... rác Mỹ mà cháu, nghe nói ba má nó chạy chọt tốn đâu cỡ triệu mấy chớ có nhiều nhỏi gì đâu cháu ơi! Bà Mười kéo dài giọng rồi xì một cái trong lúc đi đong dầu cho tôi.
Tôi sững sờ trong nỗi kinh ngạc lẫn ghê sợ. Kể ra tên Minh cũng thuộc loại gan gốc cùng mình, hay ai đó đã chặt dùm cho hắn cũng vậy. Eo ơi! Tôi lại nhắm mắt và tưởng tượng một ngón chân tự nhiên rời ra khỏi bàn chân năm ngón, máu chảy linh láng, rồi gì gì nữa..., chỉ vì không muốn đi lính cầm súng đánh giặc như muôn ngàn thanh niên khác khi đến tuổi. Tự nhiên tôi rùng mình, tự nghĩ: hóa ra hắn là một tên hèn, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vốn đã ghét tôi lại càng khinh ghét thêm.


Cuối năm sau đó tôi phải đi học xa, cả năm tôi chỉ được về nhà vào dịp tết và nghỉ hè. Mùa hè năm đó, mỗi lần qua nhà hắn, lỗ tai tôi như muốn bùng ra vì tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng kèn v.v.v. thật ồn ào từ trong nhà phát ra. Thì ra hắn đã chiêu mộ được một đám đờn sĩ và lập ra ban nhạc “Sao Xẹt” mà không phải là sao băng, sao xanh, sao đỏ như những ban nhạc nổi tiếng khác, và hiện đang ra quân hàng đêm ở “Club Mỹ” trong thành phố (nhà hắn quen với Mỹ nhiều lắm mà!) Không biết tài đờn địch hiện giờ của hắn đã đạt tới mức nào rồi, cứ như cái giọng ếch nhái, ễnh ương của hắn mà cất lên thì chỉ có người Mỹ mới nghe nổi, chứ người mình thì chắc phải đầu hàng.

Ấy vậy mà tôi đã phải ngồi nghe hắn hát một lúc mấy bài mới là đau.Số là ông bà Bảy Quới gả cô Hoa cho chàng Trung úy không quân hào hoa, đám cưới tổ chức tại nhà, cũng rình rang xôm tụ lắm. Và muốn cho mọi người nể mặt, cũng để cho con-cháu, bạn bè, bà con cô bác có một đêm vui trọn vẹn. Ông Bảy Quới có ý nhờ một ban nhạc về giúp vui. Nghe được tin đó, hắn liền ngỏ lời tình nguyện chơi nhạc mà không nhận thù lao, dù sao thì cũng là tình hàng xóm láng giềng mà. Ông bà Bảy sau khi suy nghĩ kỹ thấy cũng tiện và…lợi nên vui vẻ nhận lời và cảm ơn hắn rối rít. Sau cái mục ăn uống no nê là phần giúp vui của ban nhạc.

Mở đầu ban nhạc chơi vài bản nhạc Mỹ rộn rã, vui tươi, bà con nghe lấy làm khoái chí lắm. Tiệc vui là phải vui chứ! Bỗng từ phía mi-cờ-rô, dõng dạc lời tuyên bố của hắn:

-Mở đầu chương trình nhạc Việt để giúp vui đêm nay, tôi: ca sĩ Hùng Minh, trưởng ban nhạc Sao Xẹt, sẽ trình bày nhạc phẩm... (Ngưng lại một chút để lấy giọng) kính thưa quí vị: đó là nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” của Dzũng Chinh!

-Chết! sao đám cưới mà hát hò gì kỳ vậy? Nhiều người bắt đầu bàn tán khi nghe tên bản nhạc.
Điệu nhạc trổi lên, bà con bên dưới, ngay cả cô dâu chú rể, hầu như đều ngồi chết trân, có kẻ há mồm, trợn mắt ngó về phía sân khấu (nhà có sân rộng, làm lều có sân khấu đàng hoàng), hình như chưa bao giờ có một số đông khán giả ngồi im thin thít để nghe ca sĩ trình diễn đến như vậy, ngoại trừ một vài ca sĩ thượng thặng hát những bài độc đáo.
Thời gian trôi, bầu không khí bắt đầu xôn xao, lời qua tiếng lại:
-Sao đám cưới mà hát hò gì cà chớn vậy?
-Bộ nó... khùng hả ?
-Hát tiếng Mỹ riết rồi quên hết ý nghĩa trong bài hát tiếngViệt sao?
-Nó tức con Hoa nên trù ẻo không chừng!
Thôi thì có muôn ngàn lý do thắc mắc nêu ra, nhưng tiếng nhạc vẫn cứ xập xình, và giọng hắn vẫn oang oang :
“Nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương...”

Rồi hắn cũng phải chấm dứt bản nhạc. Có nhiều tiếng hét từ đám ăn cưới:
-Thôi đi cha nội! Hát gì kỳ vậy, không chừng chả còn hát “Đồi thông hai mộ” nữa bây giờ.
-Thôi đi! Thôi đi!
Nhưng nhạc lại trổi lên, và không hiểu vì không nghe được hết lời than phiền của người nghe, hay hắn đã có chủ tâm, nên hắn dõng dạc nói tiếp:
-Dạ cám ơn quí vị, thể theo lời yêu cầu của quí vị, sau đây Hùng Minh xin trình bày nhạc phẩm “THÔI” của nhạc sĩ Y-Vân :“... Thôi em đừng khóc, em đừng khóc đừng khóc nữa, mà làm gì, giọt lệ sầu...”
Hắn rên rỉ trong khi ban nhạc cứ đập điệu cha-cha-cha rầm rầm nghe điếc cả lỗ tai. Có nhiều bà con tức cười quá, nhịn không được bèn cười hô hố, hích hích...

Thấy hắn hát hết bản nhạc, bà con thở dài nhẹ nhỏm, không ngờ hắn ôm mi-cờ-rô hỏi vọng xuống:
-Bà con còn yêu cầu Hùng Minh hát bài gì nữa không?
-Không! Không! Không! Có quá nhiều tiếng phát ra cùng một lúc.
-Dạ! Xin đa tạ tấm thạnh tình của quí vị, một lần nữa, thể theo lời yêu cầu tha thiết của quí vị, Hùng Minh xin hân hạnh trình bày bản “KHÔNG” của Nguyễn Ánh Chín: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi....'"

Thế là bà con bên dưới tha hồ cười, mạnh ai nấy cười, cười hô hố, cười ha hả, cười hích hích, cười ngã nghiêng, cười ngặt nghẽo, cười chảy cả nước mắt, chỉ trừ có gia đình cô dâu chú rể là méo mặt.

Cũng may, đến ngày tan cuộc năm 75, con gái và chàng rể cưng của bà Bảy Quới không hề hấn gì, cả nhà bà ấy còn đeo được cánh trực thăng của chàng rời khỏi thành phố, rồi sang tận bên Mỹ. Nếu có chuyện gì xảy ra, bà già đã... cào nhà tên Minh lâu rồi, bà đã tuyên bố với cả xóm từ sau bữa đám cưới lận. Ở trong xóm tôi ai mà không biết bà Bảy dữ như sư tử cái, bà chửi rủa được xếp hàng thượng thừa, mà mỗi khi bà sắp sửa xung trận, đối phương vẫn thường nghe câu mào đầu: “Bữa nay tao mà không...ăn chay, tao sẽ đào mồ, cuốc mả ba đời, chín kiếp thằng cha con gái mẹ bay ra...” nghe hãi lắm.


Đầu năm 73, tên Minh đem ban nhạc ra làm ăn ngoài Đà Nẵng, và một thời gian ngắn đã thấy người nhà hắn đem trầu cau đi hỏi vợ cho hắn. Vợ hắn là cô giáo Tường Vi, giáo sư ban lý hóa trung hoc đệ nhất cấp. Nghe đâu tiệc cưới làm lớn lắm, có lọng che, kiệu rước cô dâu từ nhà gái về đến khách sạn hắn thuê. Còn mẹ của cô dâu thì vui mừng hớn hở, khoe khoang cùng khắp bà con, làng nước chung quanh rằng thì là : “Con rể bà là con nhà giàu, lại có nghề nghiệp hái ra tiền, và nhất là khỏi bị đi lính!” Sau đó ít lâu, hắn đem vợ con về lại xóm tôi, và mua lại căn nhà ông Năm Thìn cũng gần nhà hắn.

Với chiếc La- Da-lat, hắn lái chạy ào ào, cũng là lúc bà con bắt đầu lo lắng, hốt hoảng vì có tin bọn giặc Cộng bắt đầu tấn công ở nhiều nơi...Rồi việc gì đến cũng đã đến, không hiểu vì lý do gì, với phương tiện xe cộ sẵn có mà hắn lại không chịu chạy, mặc dù nguyên gia đình ông Mẫn đã di cư từ nửa tháng trước và ngày thành phố Nha-Trang bị bỏ ngõ, là ngày hắn bắt đầu lập công với “Chính Phủ Cách Mạng”. Hắn đem xe hơi có cắm cờ nửa xanh, nửa đỏ (cờ của bọn Giải Phóng Miền Nam), chạy tít ra tận đèo Rù-Rì để đón “đoàn quân chiến thắng” (theo hắn). Hắn hô hào, rồi hăm doạ, bắt dân xóm tôi phải đi cùng với hắn để đón tiếp “cách mạng”, vì đã “giải phóng” cho mọi người khỏi làm nô lệ cho Mỹ Ngụy (cha hắn làm nô lệ đi đổ rác Mỹ và hắn phải phục vụ cho Mỹ hàng đêm). Hắn “hồ hởi, phấn khởi” tham gia mọi công tác của “ban quân quản” đề ra.

Mọi người trong xóm tôi bắt đầu sợ hắn ra mặt. Rồi hắn được giữ chức “Đoàn Trường Đoàn thanh niên” băng đỏ, có quyền sanh sát trong tay, hắn muốn xông vào nhà ai thì vào, muốn tịch thu tài sản của ai thì cứ tự tiện lấy. Hắn làm việc gắn bó với tên “Phường trưởng”, nguyên là trung sĩ Không quân của Việt Nam Cộng Hòa và là một tên Cộng sản nằm vùng vừa... đứng dậy. Tên này ngày trước nghe nói chuyên môn đi biểu tình, xuống đường, đả đảo chính phủ, rồi trốn chui trốn nhủi, vô công rỗi nghề, không biết cơ duyên nào, đã được một ngài Quận trưởng của một quận miền duyên hải bao che, rồi gả cho hắn nàng con gái đẹp như... Chung-Vô-Diệm. Tên đó lại về đầu quân làm lính Không quân, được phân phối gác cổng Long Vân, lần mò cũng lên tới chức Trung sĩ.

Giờ đây bọn hắn hợp tác chặt chẽ để làm khổ bà con trong xóm tôi. Bà Tuân có con chạy ra nước ngoài, bị gọi lên phường làm tờ khai báo hàng ngày, con ông Tám Chơn là “cảnh sát chìm có tội với nhân dân”; nhà ông Thịnh là tư sản mại bản, nhà ông Tư Cầu làm tay sai cho Mỹ ( ngoại trừ gia đình hắn). Và công to lớn nhất của hắn là đem bọn công an phường đến bắt trọn ổ nhà chị Thanh đem nhốt với tội danh giữ ‘lá cờ Ngụy’. Tội nghiệp anh Thanh, mới được thả về từ miền Bắc sau nhiều năm bị giam cầm, kể từ khi thất thủ trận Hạ Lào. Thành tích hắn càng đầy, thì người dân trong xóm tôi càng khinh bỉ hắn, ghê tởm hắn. Họ chửi thầm, chửi lén, không dám chống đối công khai sợ cái đầu đi thẳng, rồi cũng đến tai cô Tường Vi, cô giáo rất bực mình nhưng không làm gì được hắn. Cho đến một ngày « cách mạng » của hắn giải phóng luôn cái xe hơi La-Da-Lat. Hắn làm chủ tập thể được, chứ không làm chủ được cái xe hơi.

Hắn bực mình, bất mãn và bỏ phường nhào ra chợ trời chạy mánh.Trong khi mọi người khốn đốn, gia đình ly tán, bữa ăn chỉ là cơm độn, mì sợi thì hắn vẫn nhởn nhơ ra vào nhà hàng, quán nước (hình như có tiền Mỹ gửi về). Và cô giáo Tường Vi vẫn phải bù đầu với mớ giáo án và những giờ lên lớp cực nhọc, kèm theo việc chăm lo ba đứa con gái sinh năm một, thế nhưng lâu lâu hắn lại về nhà khảo tiền cô Vi, Cô không chịu đưa, thế là có một màn đấu khẩu, chửi bới thậm tệ, nhiều lúc cô Vi bị hắn rượt đánh, bọn học trò núp hàng rào coi trộm, nhưng cũng chẳng giúp gì được cho Cô. Tin cô giáo bị chồng rượt đánh đi nhanh hơn gió, cả làng nước đều hay khiến cô Vi xấu hổ, ngượng ngùng và cuối cùng cô quyết định nạp đơn lên “tòa án nhân dân” tỉnh để xin ly dị hắn. Ba đứa con được mẹ nuôi, nên căn nhà cô Vi cũng được quyền giữ. Người ta lại biết hắn trở nghề chạy mánh vượt biên.

Thì ra người như hắn trở nghề như người ta trở bàn tay vậy. Những người xóm tôi thì không ai dại gì mà nghe theo lời hắn. Vậy mà hắn cũng lọt được sang đất Phi, dắt theo cô thâu ngân quán nước ở đường Hoàng Tử Cảnh, cùng hai đứa con nhỏ của cô ta, trong khi ba đứa con của hắn không hề biết gì về chuyện cha chúng nó đã vượt biên.



Tôi cầu trời cho hắn làm rớt địa chỉ nhà tôi. Ở tiểu bang khác tới, hắn đâu dễ quen đường biết lối thành phố này, vậy mà hắn lại đến đúng lúc tôi chẳng mong chút nào.

-Ngân biết mà! Hồi đó qua tới đảo là phái đoàn Mỹ nhận tôi liền, vì tôi có thời gian làm việc cho Mỹ mà. Có mấy thằng Mỹ quen, tôi còn giữ địa chỉ của nó nữa đó!
-Ủa, hồi Cộng sản mới vô, ông hô hào “chống Mỹ cứu nước” dữ lắm mà! Tôi không thể nào đổi cách xưng hô với hắn.
Hắn cười đểu cáng:
-Thì mình cũng phải tùy cơ ứng biến chớ!
-Nếu ai cũng như ông thì dân miền Nam có lẽ không còn ai sống sót đến ngày nay. À! Mà vụ bà Kim Hương, ông dẫn đi hồi đó nay ra sao rồi?
-Rõ là đồ đàn bà khốn nạn! Tôi lo cho nó đủ điều, vậy mà ...
-Sao ông chửi dữ vậy? Bộ bà ta cho ông dze rồi hả?
-Vừa qua đến Mỹ, học nói bập bẹ được năm bảy tiếng Mỹ là nó đã phản bội tôi đi theo thằng khác!
-Kể ra bà ấy coi vậy mà khôn dữ há. Tôi nói móc.
-Thứ đàn bà cà chớn, chứ khôn con mẹ gì!
-Rồi bao nhiêu năm nay chắc Ông đã làm ăn khấm khá, có trở lại nghề đờn địch không? Xứ này nghệ sĩ nổi lắm mà. Chắc ông cũng đã có gia đình mới? Đã làm đơn bảo lãnh cho mấy đứa nhỏ sang chưa?
-Ối! Chúng nó theo mẹ, đâu coi tôi ra gì, để cho chúng nó theo bả luôn đi, bảo lãnh làm gì? Hiện tôi cũng đang sống chung với một vài bà. Hề hề, vừa là một nghệ sĩ, lại làm thương mại giỏi như tôi, lại có tiếng sinh hoạt chống Cộng hăng say trong cộng đồng, nhiều người biết tiếng, có khối bà muốn vô, nhưng kỳ này tôi quyết chí về Việt Nam kiếm bà trẻ thích hơn!
-Anh nói sao? Chồng tôi khó chịu hỏi giật ngược.
-Có khó gì đâu ông! Hề hề, sồn sồn cỡ như tụi mình bây giờ về bển là có gái mười bảy hầu hạ ông ơi!Tôi đã về mấy lần rồi, nhưng bận làm áp phe, nên chỉ đi du hí thôi , chứ chưa có tính chuyện lâu dài được
-Ủa, ông đã về Việt nam nhiều lần rồi hả? Tôi hỏi là hỏi vậy thôi, chứ người như hắn chắc là phải về trước hơn ai hết.
-Dại gì không về, “nhà nước” đã mở cửa rồi, ở bển bây giờ ăn chơi bạo lắm, gái ghiếc đầy dẫy, có tiền mua tiên cũng được, huống hồ gái tơ! Chồng tôi đã bắt đầu nóng mặt:
-Tôi có nghe nhà tôi kể qua về anh, tôi cứ tưởng sau nhiều năm sống ở xứ sở này, học được văn minh của người, và thấm thía thân phận của người tị nạn, anh sẽ có ít nhiều thay đổi, nhưng…
-Ối! ông bà sao còn hũ lậu quá, mình sống là phải biết liệu gió phất cờ chớ! Gió chiều nào mình xoay theo chiều đó mới là kẻ thức thời. Ông bà coi, nhiều ông Tướng, ông Tá còn về bển ăn chơi hà rầm, huống gì tui. Nhưng ông nên về Việt nam một chuyến đi, có quá nhiều cảnh “nhất dạ đế vương”, ăn uống còn có người ngồi cạnh…đút cho ăn nữa kìa, cái gì người ta cũng dành sẵn cho Việt kiều hồi hương hết đó ông ơi!

Mặt chồng tôi đỏ rần, có lẽ cơn giận dành cho người khách không chờ mà đến đã lên cao đến tột đỉnh:
-Xin lỗi ông Minh! Nể tình ông là người hàng xóm ngày trước của vợ tôi, nên nãy giờ tôi cố gắng ngồi tiếp chuyện với ông. Nếu ông còn một chút liêm sỉ, còn một chút tư cách của một người tị nạn Cộng sản, thì ông không nên tuyên truyền ba cái trò hưởng thụ tồi bại đó. Ai lại không có lòng tưởng nhớ quê hương? muốn về thăm lại một lần, nhất là thăm những thân tình, ruột thịt. Nhưng vể để hưởng thụ, để dẫm đạp lên nỗi đau khổ của đồng bào mình, thì xin lỗi ông, may mà những người như ông trong cộng đồng người tị nạn ở đây không có là bao. Tôi mong rằng lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp mặt ông.

Và thật đúng như ý muốn chồng tôi, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp hắn, tôi vừa nghe tin hắn chết một cách thảm thương trong lần về thăm Việt nam vào dịp tết vừa rồi.
Thư Ba tôi viết từ bên nhà sang, có đoạn:…“Thằng Minh con ông Mẫn bị bắn hai phát đạn vào đầu, rồi bị liệng xác sát đường rầy xe lửa, gần Khu Máy Nước. Khi người ta phát giác ra, thì một phần tay chân bị chó tha mất rồi. Nó mới về lại Nha-Trang đâu được tuần lễ, không biết ai giết nó? nó chết cũng vừa rồi, chỉ tội con vợ cũ của nó và mấy đứa con, lúc nó sống sung sướng ở Mỹ không giúp gì cho tụi nhỏ hết, nay chết rồi phải lãnh xác về chôn. Ba đứa nhỏ cứ hy vọng có ngày ba nó hồi tâm làm đơn bảo lãnh sang Mỹ, nhưng bây giờ thi không còn gì để hy vọng nữa…"

Nắng!Nắng!

Trời sắp vào Thu rồi đó sao?
Nơi đây cơn nắng vẫn đổ nhào
Áo thưa dáng mỏng đùa với nóng
Chẳng thấy thơ về nghiêng cánh chao

Vừa thoáng qua đây một dáng gầy
Hình như có lọn tóc bay bay
Nhưng sao trong tóc mùi ...khét nắng
Nắng hỡi! làm sao vuốt tóc đây?

Tháng chín- bình minh nắng đong đầy
Đang chờ mưa hạt mớm cho cây
Để cho cây giữ mầm xanh lá
Nhưng mưa vẫn không về trong áng mây

Dù biết người chẳng về nơi đây
Vẫn nghe xao xuyến tiếng ai cười
Vẫn nghe văng vẳng lời tâm sự
"Nóng quá!" sao mình vẫn ...phây phây???

XIN ĐỪNG QUÊN NHAU

           Hình như thi sĩ...ăn gian
Lời chào dẫu có muộn màng...OK?
Vinh Hồ "thỏ thẻ" mọi bề
Nhưng còn quên chuyện bên lề hôm nao
Người đi để lại biết bao
Tiếng cười thoải mái...đi vào, đi ra
Một người với hai thành ba
Chỉ có "Thi sĩ Đốc nhà" ra quân.
Cảm ơn và có lời mừng
Hẹn ngày tái ngộ xin đừng quên nhau
Ngày vui đến- đi thật mau
"Một thời để nhớ" ghi sâu trong lòng
Xưa anh bay bổng trên không
Hay đang lướt sóng bềnh bồng trùng khơi
Nhảy dù trận điạ khắp nơi
Biệt động , thám kích sáng ngời uy danh
Sư đoàn , hay Điạ phương quân
Những người chiến sĩ anh hùng khó quên
Tuyến đầu mũi đạn lằn tên
Quê hương gìn giữ cho nền Tự Do.
Cảm ơn Anh! nếu tình cờ
Gặp nhau ngay giữa xứ người tạm dung
Xin anh ghi nhận đôi dòng
Của người đồng cảnh tấm lòng BIẾT ƠN!!!!!
HNiệm.8/6/11

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

LỐI VỀ XỨ VẠN


"Lối về Xứ Vạn" nên thơ                                 
 Hai hàng cổ thụ đứng chờ gió sang                                      
Lòng đường hun hút , thênh thang                                  
 Lá xanh đối mặt che ngang nắng chiều                                     
 
Dẫu cây ôm ấp bao điều                                    
Chứng nhân thế sự từ nhiều năm qua                                       
Vẫn vươn lên thẳng mượt mà                                 
 Reo vui múa hát  câu ca thanh bình                                       

 Người đi dưới hàng cây xinh                                     
Có nghe rung cảm chút tình từ cây?                                     
  Mặc cho bão táp qua đây                                   
 Hiên ngang cây đứng không lay, chẳng sờn                                      
 
Ước chi có được một lần                                      
Ghé ngang nơi đó làm  thân lữ hành                                       
  Tỉ tê cùng hàng cây xanh                                   
 Đừng chùng cây nhé mặc nhanh gió lùa                                       

 Thương ơi! nói sao cho vừa                                 
 Trút bao tâm sự cũng chưa cạn nguồn                                      
  Nhắn người nhẹ bước trên đường                                                                               
"Lối về Xứ Vạn" có vương chút tình?                                                                        
HN.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

GIỌT LỆ CUỐI CÙNG



Má ơi! Má ơi! Con thấy Má đi ngang qua, Má đi nhẹ nhàng thanh thản quá, người Má nhẹ như gió như sương, Má đi mà cứ như lướt trên gió trên mây, con tưởng chừng như bước đi của những bà Tiên trong chuyện cổ tích ngày nào Má kể và con rất muốn chạy đến ôm lấy Má nhưng con không thể thực hiện được ý muốn của mình. Má ơi!
Hình như có một sức nặng hàng ngàn cân buộc chặt đôi chân con lại ở quãng đường này, nên chỉ biết thống thiết cất tiếng gọi Má ơi Má ơi với ràn rụa nước mắt, may ra Má nghe tiếng con mà dừng lại, cho đứa con khốn khổ quì lạy dưới chân Má, cầu xin Má tha tội cho con. Má ơi! Má ơi! Con đã đứng đây chờ Má đúng bảy tháng một ngày rồi, so với thời gian hơn hai mươi bảy năm dài Má đợi chờ con, đâu khác chi hột muối bỏ biển, con biết thế nào rồi Má cũng sẽ đi ngang qua đây, cửa tử cuối cùng của một đời người, Má từ lâu chẳng khác gì chiếc lá tre già khô nước chỉ chờ một cơn gió nhẹ thổi qua là rụng cuống lìa cành, chỉ là không sớm thì muộn thế thôi.

Nhưng con đã không thể về nhà để thắp trước linh cửu Má một nén nhang, không thể quì sụp lạy ba lạy để đền ơn đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục nuôi lớn thân con, đứa con trai ngày nào Má đặt biết bao hy vọng ở tương lai, nhưng làm sao Má ngờ được giờ này con đứng chờ ở đây gọi Má để Má quay lại nhìn con, Má có nghe tiếng gọi của con không? Má quên con rồi sao? Không trăm lần không vạn lần không, Má không bao giờ quên con đâu, chỉ có đứa con bất hiếu này quên Má, mà dù Má có nghe làm sao Má nhận ra tiếng nói con của Má, khi đã hơn hai mươi bảy năm rồi con chưa một lần ngồi đối diện nói chuyện với Má, nhưng ơ kìa con thấy hốc mắt Má hũng sâu, chắc Má khóc nhớ thương con nên mắt Má mờ, người Má ốm, tội lỗi con quá nặng nên dù con cố sám hối hàng ngàn hàng vạn lần chắc gì con thoát khỏi nơi này, con muốn về thăm Ba Má một lần cũng không được nữa rồi. Thời gian qua với quá nhiều cơ hội, bước chân con đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng con chưa một lần về lại quê hương, thăm lại gia đình, để thấy Ba, tuổi già chồng chất nhưng chắc vẫn còn nét khang kiện năm nào, Ba vẫn thích ngồi trên chiếc đi văng giữa nhà kể chuyện đời, chuyện nắng chuyện mưa rồi cất tiếng cười sang sảng, để nhìn thấy Má lưng còng, má hóp, mặt mũi nhăn nheo, mắt mờ, tay quờ quạng lần đi giữa ban ngày mà nào khác chi trong đêm tối, Má sẽ ôm con vào lòng như ngày nào con còn bé mọn, Má sẽ sờ đầu con, xoa cái đầu tóc ngắn có nhiều sợi bạc hơn đen và cố hình dung ra vóc dáng thằng con rồi Má mừng, Má khóc.

Má ơi! Má ơi! Dù Má không nghe, không thấy nhưng con vẫn quì mãi nơi đây đến khi nào không còn quì được nữa để ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Khi con nhận biết đích thực mình là ai, từ đâu đến và phải làm gì thì con đã sa chân vào cửa tử, muốn quay đầu lại thì trời ơi cơ hội đã không còn, Má ơi! Má ơi! Làm sao Má có thể ngờ được chính con đã tự hủy đời con, đã phá bỏ bao công khó Ba Má từng cưu mang nuôi dưỡng, kỳ vọng một ngày con được nên người. Má ơi! Một chiều mưa tầm tã, ảm đạm, cơn mưa lớn khủng khiếp với những tiếng sấm ầm ầm kinh hãi rung chuyển đất trời, kèm theo những lằn chớp sáng lòa làm giật bắn người, những cơn gió mạnh làm cây đổ, cột nghiêng, điện tắt, nước đọng ngập đường, con đường mà những ngày trời nắng xe cộ qua lại dập dìu, hôm nay thì vắng lặng đến thê lương, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe ì ạch rọi sáng quãng đường. Con đi bộ dưới mưa, cơn mưa cuồng nộ mù trời, tối đất cứ như có người lấy tấm vải đen phủ chụp lên đầu con, nên chẳng có ai ngoài con chịu hứng những hạt mưa dồn dập cứ đập vào mặt, vào thân thể, hình hài như những lằn roi da của tên cai tù, quất mạnh vào người của tên tù khốn khổ, mưa gió sấm chớp bão bùng khiến cho nỗi buồn chán trong con tăng lên gấp bội:” người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”, huống hồ gặp phải cơn mưa buồn da diết, buồn nẫu ruột, người con vừa ướt vừa lạnh, hai bàn tay con không thể vuốt hết những giọt nước chảy dài trên mặt, vì nước mưa đã trộn lẫn với nước mắt của con, con đâu muốn lang thang mãi trong mưa, nhưng hình như có bàn tay vô hình cứ xô con đi tới, đi tới, chung quanh con không một bóng người nhưng con lại nghe cả hàng trăm thứ âm thanh hỗn tạp chen lẫn vào nhau, không chỉ là tiếng những giọt mưa đập mạnh xuống nền đường xi măng cứng ngắt, trên mái nhà rần rật, trên những vũng nước đọng bùm bùm, tiếng gió rít rào rào, tiếng những cành lá rên la vì phải oằn thân theo từng cơn gió mạnh, con còn nghe được cả hàng bao thứ tiếng kêu than, khóc kể, rên xiết, những tiếng hú não nuột thê lương vọng về từ cõi âm nào xa thẳm, rồi có tiếng réo gọi dụ dỗ, có cả lời hăm dọa lẫn lộn vào nhau, và rồi như có bàn tay của ai đó khẳng khiu, dài ngoằn vươn ra thật dài, thật dài, những chiếc móng nhọn hoắt như móng diều hâu túm lấy đầu con, tiếp theo là những tiếng cười khoái trá, man rợ, những tiếng thét hãi hùng, ghê rợn, lạnh người. Và rồi họ nhảy múa, ca hát, mừng rỡ, họ vừa đi vừa ngoắc con theo, phải chăng con bị “ma đưa đường, quỉ dẫn lối” dẫn dắt con đi, và con đã nhắm mắt đưa chân đi theo bọn chúng mà không cần biết mình phải đi đâu, mà suy nghĩ làm sao được nữa khi cơn mưa hãi hùng đã cuốn trôi, lôi theo bộ óc của con, con ôm đầu cố níu kéo, kềm giữ nó lại, nhưng càng giằng co, những hạt mưa vô tình càng cuốn đi thật lẹ. Con mất rồi trí não nên nào có định hướng được việc mình làm, làm sao phân biệt được sự việc đúng hay sai, con đã buông xuôi đời con như những chiếc lá khô trôi theo dòng nước đang chảy xiết xuống lòng đường, bởi mất trí nên con quên công sinh thành dưỡng dục của Mẹ Cha, bởi mất trí nên con đâu nhớ gì đến sự cưu mang lo lắng của các chị và anh. Má ơi! Má ơi! Cũng chỉ vì cơn hoảng loạn trong một buổi chiều mưa cuồng nộ mà con đã tự đi tìm lối giải thoát cho đời con, con muốn phủi sạch những nợ nần từ những sòng bài khốn nạn đã dụ dỗ con sa chân vào nơi đó, mà bao ngày qua con cứ ngỡ như đã tìm thấy niềm vui.
Từ những ngày thơ dại, đã nhiều lần Má khóc khi con chơi hoang phá phách gây phiền lụy cho gia đình, trong khi Ba la rầy đánh mắng thì Má âm thầm đi dỗ dành con, và rồi Má kể cho con nghe trong muôn vàn khổ ải nào má sinh nở ra con. Giặc Tây đóng quân ở núi Hiềm, cứ lâu lâu dẫn lính đi ba trui qua các thôn làng, những tên Tây đen gạch mặt vô cùng dữ tợn, hung ác, bước chân chúng đi đến đâu là ở đó có giết chóc, hãm hiếp, cướp của, bắt người vv... Cho nên hễ nghe còi báo động “Tây lên” là dân làng phải kéo nhau đi lánh nạn. Đêm tối mịt mùng, bến đò sông Ba người đông nghẹt, ai cũng muốn dành một chỗ trên thuyền để sang bên kia sông tìm nơi trú ẩn, thuyền - đúng hơn chỉ là những chiếc ghe nhỏ - người đông, chiếc ghe con mong manh nhỏ bé mang quá tải có Má và cả con trong bụng, gần như muốn chìm xuống dòng nước đang nổi cơn thịnh nộ, muốn cuốn trôi bao nhân chứng của cuộc đời. Ba sợ quá phải phóng mình bơi theo níu lấy mạn thuyền và năn nỉ lái thuyền quay về lại bãi, để rồi Ba dìu Má, cậu Tám gánh mấy chị cùng một số người làng hối hả chạy ngược về hướng núi Thạnh Phú, vào rừng lánh nạn. Má sinh con không cần bà mụ, không bác sĩ sản khoa, chỉ nhờ một số bà con cùng đi lánh nạn múc nước suối, dùng củi rừng đun sôi để tắm rửa, cắt rốn cho con chào đời. Bà con đốt lửa, đập thùng thiếc, đập vào quang gánh, lấy cây gõ vào nhau tạo càng nhiều âm thanh ầm ĩ càng tốt, để chào mừng đứa trẻ ra đời trong tận cùng khốn khổ, cùng lúc đuổi đi con cọp dữ đang giương đôi mắt đỏ đứng rình bên kia bờ suối, nơi Ba vừa bắt cái võng bên này bờ để Má nằm, hầu tránh bớt khí độc của núi rừng ban đêm nơi đống lá mục.
Khoảng nửa tháng sau, nghe được tin giặc rút đi, đám người chạy trốn giặc lục tục kéo về làng, nhưng Má lại cực nhọc vì thằng con sinh non bệnh hoạn, trong căn nhà trống trước hở sau, mỗi lần con đau con khóc suốt đêm, cả xóm nhà chung quanh hầu như không ai ngủ được, nên nhiều bữa Má phải ôm con ra ngoài đồng trống mà ru, mặc cho sương đêm, gió lạnh. Con vừa đầy tháng, tưởng giặc đã rút đi vì có hiệp định Giơ-Never, nhưng nào đã được yên đâu. Má kể buổi trưa cả nhà đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng máy bay càng lúc càng đến gần, thế là Ba và cậu Tám vội vã phóng mình chạy đến đình làng, nơi những người đàn ông trai tráng tập trung theo đoàn thể, chỉ còn lại Má bồng con, tay kéo mấy chị, hối bà vú già chạy nhanh ra hầm trú ẩn dưới gốc bụi tre già, nhưng bà vú chậm chân vì tiếc chén cơm đang ăn dở, nên đã biến thành cây đuốc sống khi trái bom xăng rớt trúng ngay nhà. Nhà tan cửa nát lần thứ bảy (từ khi bị giặc đến thả bom), với bầy con có đứa còn đỏ hỏn, vậy mà Ba Má vẫn đứng dậy được, cũng nhờ bà con chòm xóm tiếp tay và mớ ruộng vườn không bị tàn phá. Ba Má đã dựng được căn nhà khác tuy bằng đất sét lợp tranh nhưng sạch sẽ, rộng rãi vô cùng. Con tập đi trong những ngày thanh bình nơi thôn dã, con lớn lên chưa biết trèo ổi, hái xoài, chỉ biết theo mấy chị bì bõm lội mương mùa nước cạn, được chị dẫn đến chùa ngồi dưới gốc cây thị chờ cho gió thổi mạnh làm rụng trái thị chín cây vàng hườm, óng mượt để tụi con chạy lượm đem về cất dấu chờ cô Tấm hiện hình ra gặp hoàng tử. Con chưa biết theo Ba đi để lờ, câu cá ban đêm để thấy ánh sáng lập loè của con đom đóm mà mấy chị khi kể chuyện, hay tưởng tượng là bóng ma trơi. Con nhớ quá ít về những tháng ngày thơ dại ở làng quê.
Con lớn lên ở thành phố, ngay những bước chân chập chững vào lớp mẫu giáo, con đã sống với ánh điện hoàn toàn. Con sống trong an bình thanh thản, trong căn nhà gạch có sân tráng xi măng, ngày hai buổi cắp sách đến trường, chiều xuống cả bọn con trai trong xóm kéo ra đường lộ đá banh, mặc cho xe cộ chạy qua bóp còi inh ỏi, tuổi thơ vô tư quá con đâu có để ý đến những nhọc nhằn khổ cực Ba Má đã trải qua, từ người chủ ruộng, giờ Ba thành người làm thuê, làm mướn, Má phải buôn tảo bán tần để con được vào học trường dòng Lasan, với những vị thầy mặc áo chùng đen nghiêm khắc.

Ba Má nuôi con ngày mỗi lớn, trường học cho con chữ nghĩa đầy đầu, biển Nha trang vun bồi cho thân thể con ngày thêm cường tráng, có ai biết được con đã từng bịnh hoạn sinh non, những người bạn Phỉ, Hùng, Hiền, Linh... và cả người bạn gái từng là hoa khôi của trường Nữ trung học nổi tiếng trong thành phố, tất cả cho con quá nhiều ngày vui. Con nhớ nhất là những ngày Tết đến, nhà mình đông vui quá cỡ, đêm ba mươi cả bầy kéo đi hái lộc ở Tháp bà, lúc trở về nhà xông đất đã thấy Ba cúng kiến xong xuôi, Má bày sẵn một bàn thức ăn, nước uống cho cả bọn tha hồ no nê. Sáng mồng một, bọn chúng con mỗi đứa mặc bộ áo dài khăn đóng rồi leo lên xe ngựa kêu bác tài chạy cùng làng khắp xóm thăm hết bạn bè, rồi lên tận nhà Công ở trên Thành hái trái thanh long. Sự học của con cũng cao dần theo tuổi lớn, con bỏ lại thành phố biển về thủ đô để tập tành bước vào ngưỡng cửa giảng đường trường Luật. Ngoài những buổi đến trường, đời sống của con gắn liền với mọi sinh hoạt ở đại học xá M.M., nơi có nhiều bạn đông vui nhưng cũng quá xô bồ.

Con chưa được vun bồi đầy đủ kiến thức, nghị lực để tránh cạm bẫy cuộc đời nên khó phân biệt sai, đúng, hư, nên. Thiện, ác, xấu tốt nhập nhằng khiến thằng bé từ tỉnh lên thành dễ bị choáng ngợp trước sự xa hoa phù phiếm. Con đã học đòi theo lũ bạn, những người bạn học ít hơn chơi, con tập tành theo những bước nhảy xập xình dưới ánh đèn màu quay tít ở vũ trường, với những tiếng hát ngọt ngào ru ngủ, bằng những đồng tiền mồ hôi lao động của Ba, bằng những hạt gạo mà đêm đêm Má phải lén về làng nhờ người ta thồ lén ra khỏi vùng địch chiếm. Và thằng thanh niên mới lớn, ngu ngơ khờ khạo nhưng cứ vênh mặt với đời, xem thiên hạ rồi sẽ chẳng bằng ta, nên dễ dàng bị lợi dụng mà nào có biết. Người ta rỉ tai bảo chúng con hãy... xuống đường chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, ngưng chiến, dù rằng chỉ kêu gọi một bên, họ bày hát hòa bình ca, những lời ca phản chiến, đi đâu cũng... nối vòng tay lớn. Họ tuyên truyền cho “mặt trận G.P.M.N. có tinh thần dân tộc”, họ kêu gọi xuống đường bãi khóa, họ chửi chính quyền tham nhũng đã đành, còn xem thường những người Lính cỡ tuổi con, nhỏ hơn và ngay cả những người đáng tuổi cha tuổi chú, những người đã và đang hy sinh tuổi xuân và chính mạng sống của mình, đang lặn lội tận rừng sâu núi thẳm, sống khổ cực ở những tiền đồn heo hút vv..., để bảo vệ làng xóm, bảo vệ những người sống ở thành phố như họ, như con được yên ổn học hành, cốt sao lấy được chứng chỉ lên lớp để khỏi bị động viên, và tha hồ nhởn nhơ hò hẹn, phè phỡn ăn chơi, ban ngày đi biểu tình, tối nhảy nhót theo điệu nhạc xập xình trong phòng trà, quán nhạc với những lời ca khóc mướn thương vay làm nản lòng chiến sĩ.
Tháng tư đen ụp đến, trong cơn bấn loạn con đã lao theo đoàn người di tản, cũng chen lấn được lên tàu đưa người đến bờ đến bến. Con không có dịp về lại nhà để gặp cha mẹ, chị em nói lời từ giã. Thằng con trai tứ cố vô thân, bơ vơ nơi xứ lạ quê người, gặp lại người quen, những người mà ngày nào còn ở đại học xá M.M., họ rù quến chúng con tham gia biểu tình nhiều hơn tới lớp học, và bây giờ họ cũng có mặt sẵn nơi đây. Họ thổi phồng tầng lớp sinh viên hơn những người tị nạn khác. Với trại hè gần cả mấy trăm người, dù rằng mới chân ướt chân ráo tới thành phố gió Chicago, họ kêu gọi chúng con hãy về tiếp tay “xây dựng lại quê hương”, vì nước nhà đã “độc lập, thanh bình”.

Trong nỗi buồn xa xứ, nhớ nhà, nhớ cha mẹ chị em, con cũng đã ghi tên vào danh sách. Nhưng chờ mãi chờ hoài con cũng vẫn là con, thằng dân Việt tị nạn đang sống trong căn chung cư một phòng với hơn mười mạng người, rất chật chội xô bồ. Con bắt đầu đi làm nơi hãng kẹo, cùng lúc cắp sách đến trường. Ở trường học Mỹ, con gặp được người bạn gái bản xứ tên Janet, nhờ bận rộn việc học, việc làm, lại thêm thì giờ hẹn hò với cô bạn Mỹ, con dần dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của đám người sống trong mộng tưởng, ăn cơm dưới đất nhưng thích nói chuyện trên trời, vẽ vời toàn lý thuyết, khi gặp thực tế khó khăn lại trốn chạy đầu tiên.

Và rồi con phải theo Janet đến nhà thờ, con quên mất Má đã từng ăn chay niệm Phật, quên luôn chuyện nghiệp quả ở đời, con nghe lời cô ta lúc nào cũng “Thank God!”, trước bữa ăn con phải làm dấu thánh giá, cảm ơn Chúa, nhờ Chúa có được chén cơm, dù bằng sức lao động của chính mình. Con nghĩ giận đám người cùng nòi giống từ lâu đã phỉnh gạt con, khi thấy người Việt tị nạn cộng sản đến đây càng lúc càng đông, họ quy tụ lại thành nhóm, thành hội, họ hô hào, kêu gọi đấu tranh cho một ngày về không còn giặc cộng, họ lên án cả những người từng “ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản”, đã là một trong những nguyên nhân đem giặc vào nhà. Tự trong sâu thẳm của suy nghĩ riêng con, con thấy mình có phần tội lỗi khó lòng hòa chung nhịp thở với họ. Từ mặc cảm này kéo theo mặc cảm khác nên càng lúc con càng muốn lánh xa không thiết tha gì đến cộng đồng người Việt, và cũng vì sống với Janet suốt ngày nói tiếng Mỹ nên con cứ tưởng mình là người Mỹ chính tông.

Rồi một ngày con nhận được tin các chị đã vượt biên đến trại tị nạn, sự mừng vui oà vỡ trong con, con hồi hộp đợi chờ, con ngóng trông tin tức, dù chẳng biết chia xẻ cùng ai. Ngày các chị bước chân xuống phi trường xứ Mỹ vĩ đại, những người Việt Nam ngơ ngác, sợ sệt bâng quơ kia, đã làm cho con xao xuyến, bàng hoàng xúc động trong tim, con hy vọng đây là cơ hội cho con tìm về với cội nguồn, gốc rễ của mình. Nhưng rồi sau những bữa cơm đoàn tụ chị em, thăm hỏi cha mẹ, bà con làng xóm láng giềng, con đã bị Janet, hiện là vợ của con, kéo con ra khỏi vòng dây thân tình cốt nhục, trở lại đời sống vị kỷ, riêng tư của con người tị nạn lai căng, mất gốc, đã khiến các chị buồn nhiều. Cũng có những đêm về sáng, con giật mình thức giấc, bị dằn vặt trong tâm, con muốn chạy ào đến nhà các chị, xin các chị cho con tiếp tục được làm đứa em khờ.

Nhưng Má ơi! Tính tự cao tự đại từ lâu chiếm ngự trong con đã ngăn cản bước chân con. Ngày con rời khỏi thành phố có gió lạnh, tuyết rơi để đi sang vùng sa mạc với thành phố có điện sáng hơn sao trời, là con đã vô tình cắt đứt vòng dây thân ái đó. Đời sống thằng con trai Việt có vợ Mỹ với hai con, mà có nhiều lần vợ con đã không để cho các chị được tự tiện ẵm bồng, nâng niu trìu mến vì sợ tay dơ. Với công ăn việc làm dành cho những người có chữ nghĩa, gia đình con đâu khác chi người dân bản xứ, những ngày tháng huy hoàng của đời con được ở nhà rộng, đi xe sang du lịch khắp xứ người, ăn toàn những món ăn của người dân bản xứ, con đã quên bẵng những giọt nước mắm quê hương, những chén canh rau thập tàn ở mỗi bữa cơm ngày con còn nhỏ dại, tự con quên thì ít, nhưng con cố tập quên, cố biến mình thành người Mỹ chính tông, dù hình dáng bên ngoài con cũng vẫn là thằng mũi tẹt, da vàng.

Vợ Mỹ, con Mỹ, hoàn toàn sống đời sống Mỹ, con của con chưa một lần được con kể cho chúng nghe nguồn gốc chúng ở đâu, chưa hề bập bẹ gọi được một tiếng Cha thân thương, trìu mến. Và rồi trước sự cám dỗ của một thành phố ăn chơi huy hoàng, tráng lệ, những sòng bài nổi tiếng nhất thế giới mà nếu con có kể ra cũng không thể nào Má hình dung nổi, ở nơi đó, người vợ Mỹ của con bắt đầu đi vào hưởng thụ, rồi nàng kéo theo con. Ban đầu chỉ thử thời vận ở những ngày cuối tuần rảnh rỗi, dần dà đến mỗi chiều sau lúc đi làm về, và rồi từ những lá bài vui chơi giải trí, chúng con đi đến chỗ ghiền từ lúc nào không hay.

Con và cả vợ đều bắt đầu bỏ bê công việc làm, vùi đầu vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng, chỉ một lần ăn nhưng mấy chục lần thua nhẵn túi, nên bao nhiêu tiền chúng con dành dụm được đều đổ hết vào các sòng bài, mà hễ càng thua thì càng muốn gỡ vốn, làm sao con có thể kể cho Má nghe hết những mánh lới ở sòng bài họ dụ dỗ người chơi, có lần con may mắn thắng được rất nhiều tiền, nhưng con không thể nào thoát ra khỏi cửa sòng bài của họ. Họ đưa con lên tận lầu cao, có hồ tắm lộ thiên sang trọng, có quầy rượu hàng trăm thứ quí nhất trên đời, nơi mà họ phục vụ, chìu chuộng, săn sóc cho con khác nào ông hoàng, bà chúa, không những họ đưa con lên tận chín từng mây, mà cả vợ con của con họ cũng đem xe hơi sang trọng đi rước đến nơi để cùng hưởng thụ.

Má ơi! Những giờ phút huy hoàng đó qua mau lắm, nên con đâu có thì giờ nghĩ đến Mẹ Cha, con quay cuồng theo những lá bài cơ rô chuồng bích với lời khích tướng, khuyến dụ của mấy tay đầu nậu, chơi điếm, cho đến khi con biết mình không còn gì nữa cả, con khác nào một thằng ăn xin bệ rạc, ngửa tay lạy lục, năn nỉ chúng cho con vay mượn ít tiền để mua bữa cơm chiều cho hai đứa con sau giờ tan học. Nhưng Má ơi! Thật khốn nạn cho những thằng bài bạc, hư thân mất nết như con, chúng đã thâu tóm hết tiền của con, chúng không bố thí đã đành, bọn chúng còn đuổi con đi, ở đó luôn có những kẻ xấu, những băng đảng tội lỗi, những tổ chức gian lận sẵn sàng bỏ tiền ra cho vay nặng lãi, và những thằng người thua bạc như con đây, sẽ trở thành những con cờ để chúng sai khiến đi làm những công việc tội lỗi, hèn hạ, gian trá, phạm pháp trong đường dây của chúng, nói chi đến chuyện sẵn sàng bán vợ đợ con nếu có người mua, đằng nào cũng đi vào chỗ chết hết Má ơi. Nếu không ưng thuận, chúng sẽ xách đầu quăng ra khỏi cửa như quăng một con chó ghẻ không còn sức để giữ nhà.
Lần đó vì con thua nhiều quá, cùng đường đâm liều mạng ngồi lì, nên bọn chúng đã sai du đảng đánh con ngất đi, đến khi con cảm thấy cả người như bị phỏng lửa, ê ẩm khắp mình mẩy, tai ù miệng đắng, cố mở mắt ra thì thấy mình nằm giữa sa mạc nóng cháy, khô cằn, con rùng mình biết đã thoát chết, có lẽ chúng nghĩ con đã chết rồi, nên đem quăng xác cho xong, như chúng đã từng quăng xác không biết bao nhiêu người từ trước. Miệng khô, mắt hoa, da bỏng, thương tích đầy người, nhưng như có phép lạ từ trời nên con vẫn còn sống được Má ơi! Con đã cố bò ra đường lộ và người đi đường tốt bụng đã kêu dùm xe cứu thương, giữ lại mạng con.
Thoát kiếp từ địa ngục trở về, con ăn năn, sám hối cố gắng làm lại cuộc đời. Trong những ngày nằm chữa trị vết thương, con đã cố gắng theo học những lớp cai cờ bạc, ở nơi đó có quá nhiều người dân bản xứ cũng bị hoàn cảnh như con, toàn là người có chữ nghĩa, bằng cấp đầy người, nhưng muốn thoát ly ra khỏi những con bài vô tri vô giác còn khó hơn người chèo thuyền qua vùng biển có quá nhiều cá mập.

Má ơi! Con đã mừng vui khôn xiết khi được chị Sáu giang rộng vòng tay hứng lấy thằng em vừa lồm cồm bò ra từ cửa tử. Con đã khóc, những giọt nước mắt mừng vui, sung sướng của con người đã vuột khỏi tay thần chết, và con cố làm lại cuộc đời từ đây, cũng chính là lần đầu tiên sau hơn một phần tư thế kỷ con được nói chuyện với Ba Má qua đường dây điện thoại. Má mừng Má khóc, con ăn năn cũng khóc, những giọt nước mắt mà từ lâu con đã bỏ quên trong hốc mắt vô tình. Sau thời gian dài con đánh mất chính con, bỏ quên nguồn cội, xa lánh gia đình, tách rời đồng chủng, đam mê bài bạc, ngần ấy vết nhơ con cứ ngỡ mình sẽ dễ dàng xóa sạch nếu có quyết tâm, như một quyển vở đã sang trang không có một vết mực dơ nào trên trang giấy mới. Con đã tìm lại được sự nồng ấm của tình người đồng chủng, tình thương gia đình, mà lâu nay con cố tình đánh mất từ gia đình các chị và anh rể, của người bạn gái mới quen cùng giống cùng nòi, có thể cùng con ăn chung chén cơm trắng với hũ tương cà, và cả những người đồng hương năm cũ.

Hai đứa con của con giờ đã gần đến tuổi trưởng thành, chúng cũng mừng thấy con thoát ra được khỏi vũng lầy tội lỗi. Nhưng Má ơi! Những ngày tháng bình an trong con sao vô cùng ngắn ngủi, sao cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, sao con đã cố gắng lánh xa, rời khỏi thành phố đã đưa con vào vòng tội lỗi, con thật sự muốn làm lại cuộc đời mà! con quyết chí ngẩng cao đầu để cha mẹ không còn buồn khóc vì con, ở quãng cuối cuộc đời, để các chị thôi rơi nước mắt vì thằng em hư thân đồi trụy, để những người đồng chủng với con không nhìn con bằng đôi mắt xa lạ, rẻ khinh. Con muốn, con muốn lắm Má ơi! Nhưng sao thằng người con cứ như là thỏi sắt vô tri và những lá bài cơ rô chuồng bích vô hồn kia là thỏi nam châm có cường độ cực mạnh cuốn hút con vào, con càng vùng vẫy muốn thoát ra bao nhiêu thì nó lại càng quấn chặt lấy con, nó xiết con cơ hồ muốn nghẹt thở, con đã lạy lục nhờ các chị, ngay cả người bạn gái mới hãy kéo con ra, giữ lấy con lại đừng để con bước chân đến cửa sòng bài, nhưng con cứ như là con thiêu thân, biết ánh đèn nóng rồi sẽ thiêu đốt xác thân, nhưng sao cứ nhắm mắt lao vào, vòng tay những người thân đã không đủ mạnh, ý chí trong con đã bị đám sương mù phủ kín, con đã không thấy gì hết ngoài những con “chip” và những lá bài tội lỗi mỗi khi con lên cơn ghiền, để rồi chính những lá bài đó như một chiếc bánh xe nghiền nát lên thân thể con, con đã thật sự vỡ vụn ra từng mảnh nhỏ từ buổi chiều có cơn mưa nghiệt ngã đó Má ơi! Con đã đi như một tên mất trí, con đã vô cùng tuyệt vọng khi bị người bạn gái đuổi xua sau khi con thất thểu ở sòng bài về, con thất tình, thất chí, trước mặt con là một màn mưa dày đặc ảm đạm thê lương, để rồi con đã yếu hèn nghĩ đến cái chết, “chết quá dễ dàng dù có đau trong một khoảnh khắc so với sự sống đang bị dày vò, khổ não như con”. Chết! Chỉ có chết mới giúp con xóa đi bao nhiêu tội lỗi trong ngần ấy năm dài, và cũng chỉ có chết mới khỏi tiếp tục làm phiền hà những thân tình đã hết lòng lo lắng cho con.

Má ơi! Má ơi! Những lá bài vô hồn kia như đã biến thành cái dây thòng lọng xiết lấy cổ con, đến khi con bừng tỉnh, muốn trở về với sự sống thì đã muộn quá rồi, con càng vùng vẫy, càng muốn thoát ra thì nó càng siết chặt hơn nữa, chặt hơn nữa, con muốn hét thật lớn, gào thật to lên rằng: “con sẽ lánh xa vĩnh viễn những sòng bài tội lỗi, rằng những ai đam mê cờ bạc hãy can đảm từ bỏ nó đi, để khỏi thiệt thân, làm khổ gia đình”, nhưng cổ họng con đã nghẹn cứng nghẹt thở mất rồi, con khóc, con đã tuôn hết những giọt nước mắt cuối cùng trong cuộc đời với ngần ấy năm chưa đem lại cho Má một ngày vui, con lạnh lắm rồi. Má ơi! Má ơi! Có phải nước mưa hòa với nước mắt đang từ từ thẩm thấu vào từng tế bào da thịt của con, hay con đã hết thật rồi dòng máu ấm trong tim. Má ơi! Má ơi!
.



Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

MÌNH ƠI

Mình ơi!...                             

Con quì lạy Chúa trên trời
Sao cho con …trúng được vài triệu thôi!
Là con mãn nguyện lắm rồi,
Từ nay con sẽ không phiền Ngài Chúa ơi!
Tấm lòng thành con van nài,
Giúp con thêm tí… tiền xài Chúa ơi!,
Nhiều thứ phải chi quá trời,
Không tiền sao đáp ứng nổi lời mời …Chúa ơi! Chúa ơi!



-Ha ha ha !...Ha ha ha!
Bà Tá giật thót người vì một tiếng cười phát ra ngay trong căn phòng khách vắng vẻ, phá tan bầu không khí yên tĩnh, cái không gian u-tịch, im ắng, mà bà nghĩ chỉ dành cho lời cầu nguyện của riêng bà. Ngơ ngác đưa mắt nhìn quanh, bà gặp phải khuôn mặt …hắc ám của ông chồng già đang núp sau cánh cửa gỗ và đang còn há họng ra cười, hở cả mười mấy cái răng …giả. Nổi quạu, bà Tá hét toáng lên:

-Làm gì mà núp trong đó cười dữ vậy?
-Mèn đéc ơi! Bài hát “Con quì lạy Chúa trên trời” lời thơ của thi sĩ Nhất Tuấn, lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc rất hay ho, tình tứ, mà bà đem sửa lời để cầu trúng số. Ha ha ha ! nghe qua nhịn cười hổng nổi.
-Cầu gì mà chả cầu, em đâu có cầu trúng gió mà mình lo.

-Bà ơi! Cầu xin cái chi cũng được, nhưng xin trúng số coi bộ không được đâu, Chúa đâu có…quỡn mà chứng giám cho mấy kẻ tham tiền như bà đây chớ, nhất là đêm nay, đêm Nô-ên, đêm Chúa sinh ra đời, Chúa đang còn bận rộn lắm!
-Chứ không phải mình có ý ganh tị? Rõ ràng từ trước đến nay ai ai cũng có quyền cầu xin Chúa ban ơn, ban phước lành kia mà, chả dzậy mà hồi còn trẻ, chúng mình đi tới đâu cũng nghe ‘con quì lạy Chuá trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”…


-Ấy ấy, đúng rồi! người ta xin Chúa ban cho tình yêu, cái phần tâm linh, tình cảm, phần thiêng liêng, cao đẹp, chứ ai như bà đi xin Chúa cho trúng số triệu. Dỡm! đồ trần tục!
-Xí! Tình hay tiền gì cũng bắt đầu bằng chữ T thôi! Ngày xưa còn trẻ, hay bọn con nít mới lớn lên bây giờ cầu xin tình yêu là đúng rồi, còn bọn già như mình đi xin tình để …tế mồ à? Phải xin tiền để tiêu xài chứ!


-Nhưng bà hổng nghe người ta thường bảo: tiền tài hổng đem lại hạnh phúc đó sao? nhất là thứ tiền trúng số thường đem lại những chuyện xui xẻo.
-Xạo hoài! tại hổng có tiền nên nói an ủi cho đỡ tủi thân thì có, mình nhớ hồi còn bên nhà thường nghe bọn con nít nó hát vè : Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà tiến thân, là cái cân công lý. Mình nghĩ thế nào cứ tự nhiên…góp ý !

-Nhưng có nhiều tiền quá cũng… kẹt!
-Ha ha ha, chưa có tiền mà sợ bị thiên hạ làm phiền! Nhưng dù sao có tí tiền cũng đỡ khổ mình ơi! nhất là thời buổi “NGÂN QUYỀN” được đề cao tối đa.

-Dừng lại, dừng lại! bà có nói lộn không? Nhân quyền chứ sao lại Ngân quyền? Nhân quyền làm gì chen vào chuyện tiền nong của Bà?
-Nhân quyền là quyền được làm người, được đủ thứ, em đây không có khả năng bàn tới, em chỉ nói… ngân thôi, kim ngân là dzàng bạc đó mà!

-Nhưng mà!..
-Thói đời…xưa người ta thường nói : “Bần cư náo thị vô nhơn đáo, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Rõ ràng là nếu mình giàu có thì người ta sẽ đến với mình dù ở tận trên núi đèo heo hút gió, muốn đến nhà phải leo đến bở hơi tai (ở Mỹ này đường sá lên núi được làm thẳng băng cho người giàu đi, nên chẳng ngại), vậy thì mình đừng có nhưng nhị gì ráo trọi. Nếu kỳ này mà em cầu xin được toại nguyện, rõ ràng là em đã được Chúa gọi về, ủa nói lộn, là đã được Chúa ban phước lành!

-Tiền mà lành à?
-Phải chớ! Có nhiều tiền thì em sẽ không còn lo lắng nhiều nữa, không cảm thấy bứt rứt, khó chịu, không tính toán li chi, sẽ thoải mái vô cùng, ăn ngon, ngủ yên, sức khỏe dồi dào, da mặt hồng hào (chắc chắn phải đi sửa sắc đẹp), ăn nói sẽ ngọt ngào, được lắm kẻ mời chào, nhất là sẵn sàng giúp đỡ đồng bào…

-Nhưng bây giờ mình hổng có nhiều tiền, mình vẫn có cuộc sống ấm no, cũng giúp người khốn khổ, nhờ chịu khó làm lụng, chớ có đói rách gì đâu, đời sống cũng ổn định mà!.
-Mình chẳng chịu nhìn xa thấy rộng gì ráo trọi, ổn là ổn trong nhà mình thôi, đi làm chỉ đủ tiền trả tiền nhà, tiện điện, nước, gas, bảo hiểm, tiền xe, tiền lời…rờ đít, v…v , nhưng muốn ra khỏi cửa thì phải nhíu mày suy nghĩ, tính tóan trước sau, nếu mà mình có được nhiều tiền hơn….

-Nè nè, bộ đầu óc bà trống rỗng mọi thứ, ngoại trừ chữ…Tiền?
-Lầm to! bởi em yêu đời, yêu người, thương người như thể thương thân, nên em mới xin trúng số.

-Tui chưa hiểu hết ý bà.
-Để em nói vắn tắt, không nói chuyện xa vời về quốc gia, tổ quốc, thế giới gì ráo trọi, chỉ nói chuyện “ĐỜI SỐNG QUANH TA”, hằng ngày mình có nghe đài, đọc báo không?

-Dĩ nhiên, cái gì cũng nghe cũng biết hết, ngay cả thông báo !
-Vậy thông báo thường kêu gọi làm gì?

-Để coi…! À thông báo thường kêu gọi sự hảo tâm đóng góp (tuỳ hỉ) để cứu trợ nạn nhân bão lụt ở mọi chỗ, mọi nơi từ đất Mỹ đến tận bên xứ Phi châu xa tắp, chạy khắp trên đất nước Việt nam, rồi sắp tới đây là cho …niềm mơ ước mùa Giáng sinh (hổng biết mấy cô cậu nhỏ sống đầy đủ trên xứ Mỹ này có còn …mơ không?), rồi cho mấy người già ở quê nhà(?) cho mấy trẻ mồ côi, hổng nói tới thời gian qua góp tiền để xây đài tưởng niệm Chiến sĩ, rồi đài tưởng niệm thuyền nhân ( không biết có một số người bị xui xẻo chết ngoài biển cả đã có công gì với TỔ QUỐC ?, hay đã từng cầm súng bắn lại người Lính VNCH? Có cả những tên từng nối giáo cho giặc?), rồi đóng tiền để thuê xe đi biểu tình, góp tiền cho quĩ cộng đồng, góp tiền để xây Thánh đường, xây phòng họp của Chùa, đi tham dự “dạ vũ” để gây quĩ y-tế, để giúp quí ngài…Nghệ sĩ sắp gần đất xa trời (dù hồi đương thời thì lãnh sô…cắt cổ), rồi đi tham dự ra mắt sách phải mua ủng hộ, chưa nói đến cái quĩ cần thiết nhất là giúp Anh Em thương phế binh còn sống ngặt nghèo ở quê nhà..v…v...., ủa sao nhiều quá vậy trời, hảo tâm thì có thừa , nhưng hảo tiền làm sao cho đủ?

-Vậy sao em cầu trúng số mình lại bảo em tham tiền?

-Nhưng người ta bảo tiền trúng số không bền, bà hổng nghe câu: “tiền của làm ra để trên gác, tiền cờ bạc để ngoài sân, tiền của phù vân để trước ngõ” sao?
-Ý cha! tiền có được từ trúng số là do mình làm việc thiện từ… kiếp trước, bây giờ thừa hưởng, coi như được ông Trời ban thưởng, chớ sao lại coi như của phù vân?

Trầm ngâm một hồi lâu, bà Tá già rầu rầu lên tiếng:
-Mình ơi! Em…cầu cho trúng số, đó cũng chỉ là “niềm mơ ước mùa Giáng sinh” vậy mà. Em đây rất xót xa khi nghe người ta kêu gọi đóng góp này nọ, mà túi mình thì rỗng. Đâu phải mình hổng thương người, có con tim sắt đá? Như hiện tại có quá nhiều nạn nhân bão lụt tại nước mình, bà con mất nhà mất cửa, thiếu cả miếng ăn, phải chi em trúng số - lại trúng số, em sẽ đem một số tiền lớn về giúp cho họ, rồi em sẽ được mời làm …mạnh thường quân cho nhiều hội, nhiều cơ quan, nhiều đình đám…., Chà! Coi bộ oai dữ à nha!.

-Cái bà tào lao, bá láp! Đã giúp đỡ người mà lại cầu danh!
-Thời buổi này khó nói lắm, ngay cả trong nước mình bây giờ, có những tên chuyên “lái lợn” mà có nhiều tiền cũng có thêm quyền, hét ra lửa, mửa ra khói, cũng được người xưng tụng, huống gì…

-Ờ, mà bà nói cũng chí lý, ngẫm nghĩ cho cùng TIỀN coi dzậy mà có nhiều quyền hạn dữ à nha. Đi coi đại nhạc hội mà có nhiều tiền thì ta mua vé VIP (very important person), ((cũng có một lọai vip khác đó là… very impolite person)), làm mạnh thường quân, sẽ được ngồi sát sân khấu, được nghệ sĩ ưu ái quàng vai, chụp hình, tâm tình tuýt xuỵt, đi dự bữa cơm gây quĩ mà ủng hộ nhiều tiền là sẽ được M.C “xin cho” những tràng pháo tay không dứt ( dù có lòng mà chỉ tặng sơ vài chục tờ đồng thì chịu khó…ngồi chơi!), đi vào tổ chức, hội hè mà tặng một xấp nhiều nhiều thì được tặng danh hiệu ân nhân, góp cho nhà thờ, đền, chùa thì được bia tạc sử xanh (vàng, đồng hay bạc tùy theo số tiền đóng góp), có khi không cần biết đồng tiền đó phát xuất từ đâu (có khối anh chị làm ăn sao đó có tiền, tới đâu cũng làm …mạnh thường quân, giờ đang ngồi trong khám bóc lịch chơi đỡ buồn), Ha ha ha! vậy bà cứ tự do cầu xin trúng số!
-Ấy là mình chưa nói tới chuyện xử thế hàng ngày, chuyện quan hôn tang tế. Mình thử tính xem, nếu một tháng mà mình nhận 4 tấm thiệp mời …dự tiệc cưới, có phải tiền già mình sắp đi đong không? Nhỡ tháng nào mấy bạn già mình rủ nhau đi về trển, mình cũng phải tốn tiền đặt vòng hoa, nếu không thì bỏ vào thùng để …gây quĩ gì gì đó …


-Nhưng mình có quyền từ chối đi dự đám cưới mà!
-Nói thì dễ, nhưng khó làm. Ai cũng là bạn bè, quen biết cả, người ta …nể mình lắm, mới mời mình đến dự ngày vui của đôi trẻ để chúc trẻ trăm năm hạnh phúc ( dù rằng ít tháng hay vài năm sau bọn trẻ ca bài “đôi ngả chia ly” mà chả cho mình biết tí ti gì cả), sau đó có chút gì mừng để trẻ trang trải tiền nhà hàng cho phải phép, mà mỗi lần cứ chơi tờ trăm (giá biểu trung bình không biết phát xuất từ đâu, coi bộ càng ngày càng lạm phát), ấy là đi dự ở đại tửu lầu của Ta, chứ khách sạn Tây thì phải chi cỡ mười nhăm tờ chục, mà người lĩnh tiền già mỗi tháng cỡ năm trăm, chắc cả tuần phải nhịn ăn để chờ đi dự tiệc cưới ! Chưa nói tới tiền chi dụng cho chính bản thân.

-Cái gì, mắc chi mà bà lại…tốn tiền cho bà ?
-Thì phải sắm quần áo để đi dự tiệc chớ, hổng lẽ có cái áo mặc hoài…

-Nhiều chuyện, người ta đi dự tiệc cưới chỉ nhìn ngắm cô dâu, chú rể chứ ai quỡn đâu mà để ý đến mấy bà, mắc chi mấy người phải hao tiền tốn của để sắm sửa ?
-Nói như mình đâu có được, đần ông của mình thì một bộ đồ “Sáng nhà quàn, chiều nhà hàng” cũng chẳng ai để ý, chứ liền bà con gái tụi em thì phải khác chứ !

-Bọn trẻ thì được, chúng cần diện đẹp để tìm…đối tượng, hay đẹp lòng đức lang quân của chúng. Chứ còn mấy bà già cúp bình thiếc, miễn sao ăn mặc đàng hoàng, lịch sự là được rồi, ai mà dòm ngó mần chi !
-Già thì dành cho lão ngắm. Tuần rồi đi dự đám cưới con chị Vân-xanh (Vincent), bà Helen mặc cái váy đầm cứ như là người cá, nổi ác, ai cũng xuýt xoa, trầm trồ, khiến bà ta cứ phải đi tới đi lui hoài (chắc mỏi chân dữ ?). Ấy là chưa kể tới xâu chuỗi hột…xoài đeo sáng choang trên cổ. Đến nỗi mấy bữa sau bà “Hảo Ngọt” cứ gọi điện thoại tới nhà rủ em đi sộp (shopping).

-Để làm gì ? Ăn nhậu gì tới bà ấy ?
-Bà muốn rủ em đi tìm dùm cái đẹp hơn… cái của bà Helen.

-Tui đây cũng nghĩ lại rồi, Trời sinh đàn bà là phải đẹp, dù cỡ tuổi nào cũng phải làm đẹp cả, nhưng phài…kín đáo một chút, chớ để hở thì…kẹt cho con mắt của bàn dân thiên hạ, và cũng nhờ quí bà mà kinh tế xứ này luôn luôn phát triển, nên lắm.

Bỗng ông Tá đổi ngay đề tài.
-Sao năm nay tui không thấy bà sắm quà Nô-en cho bọn trẻ ?
Bà Tá rầu rầu :
-Tụi nhỏ nói mình lúc này làm hổng ra nhiều tiền, nên phải… kiệm ước! Dù gì tụi nó ở đây cũng quá đầy đủ, sung sướng lắm rồi. Quà cáp chỉ thêm phí phạm. Tiền mua đồ chơi nên dành để đóng góp giúp đỡ mấy Bác mấy Chú “Thương phế binh” như trước giờ nhà mình vẫn giúp, họ bây giờ già quá rồi, có được chút đỉnh để an ủi trước khi về bên kia thế giới, sẽ mỉm cười mà nghĩ rằng còn có người nghĩ đến sự hy sinh của họ từ những năm xưa. Rồi còn quyên góp cho đồng bào mình bị bão lụt ở bên nhà nữa, bao nhiêu tai ương đang đổ ụp xuống đầu những người dân lành khốn khổ, làm sao có nhiều tiền để giúp đủ cho ngần ấy người?...

-Hoan hô tụi nhỏ có ý nghĩ và việc làm tốt, hoan hô bà già trầu. Chừng nào …trúng số thì mới xài sang, giờ thì hãy liệu cơm gắp mắm, giúp ai được chuyện gì trong khả năng của mình, mà thấy “thực tế”, đến tận tay người nhận thì nên giúp. Đêm nay là đêm Chúa sinh ra đời, hãy chấp tay nguyện cầu:
“ Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bằng an dưới thế cho người thiện tâm!”

Bà Tá già quay vào nhà trong…uống nước, bỗng nghe tiếng rên rỉ của ông chồng từ ngoài phòng khách vọng vào:
Chừng nào qua chết đi, em tiễn đưa qua tận dưới mồ, nghe dặn lời: Rằng có cúng thì đừng mần gà , rằng có cúng thì đừng mời thầy , đừng … xài phí tiền , nghe em” !!!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

MƯA XUA NẮNG HẠN

Nắng reo đùa mãi bao ngày
Nghe như trong nắng cơn say mỏi mòn
Nắng rơi trên những chồi non
Héo hon xác lá cuộn tròn mầm xanh

Buồn thương nhìn hoa héo cành

Thoảng nghe trong gió mong manh mưa về
Chiều trôi, gió thổi nặng nề
Không gian xoay động bốn bề mưa qua

Hạt mưa bong bóng vỡ òa
Trôi theo dòng nước ngân nga nhạc tình
Trong mưa gió chẳng đứng nhìn
Đùa qua đẩy lại uốn mình khóm hoa

Mưa rơi ngỡ giọt lệ nhoà
Mưa xua nắng hạn sao ta không cùng
Mảnh tình duyên thả lưng chừng
Tìm đâu sợi chỉ tơ hồng nối duyên?

Thời gian quên mặt người thương
Gieo chi nỗi nhớ nửa đường chia đôi
Trăng rơi nửa mảnh cho đời
Nhớ thương rồi cũng đôi nơi bụi mờ


Mưa ơi! Mưa chớ hững hờ
Rót vào vạt nắng đang chờ mưa qua
Ví dầu như cuộc tình ta
Quen nhau ngày ấy có là...hư không????!



Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

TTKH....PHÓNG TÁC

 

















Nếu biết rằng em đã có chồng
Anh về đem vứt ...lá diêu bông
Không còn chịu cảnh mè nheo nữa
Tình nợ thôi mang, nhẹ cả lòng

Nếu biết rằng em đã có chồng
Anh về tập hát bản nhạc "không"
Không còn yêu nữa, không yêu nữa
Thoái mái còn hơn chim sổ lồng

Nếu biết rằng em đã có chồng
Từ nay anh khỏi tới bến sông
Thuyền em tách bến về đâu đó
Anh chẳng cần đưa, khoẻ vô cùng

Nếu biết rằng em đã có chồng
Anh về chạy bộ ...Ma-ra-tông
Lỡ ai có rượt, anh dông lẹ
Khỏi kiện, khỏi thưa, đỡ mích lòng.





Lê thị Hoài Niệm

THƠ : ANH VẪN LÀ ANH



Anh vẫn là Anh như thuở nào
Dù rằng đã mấy chục năm sau
Từ Anh giã biệt đời bay bổng
Bởi bão Bắc phương, bão tràn vào

Ngày đó bên Anh, em tự hào
Đời Anh gắn bó với trời cao
Áo bay , nón ca-lô đội lệch
Oai dũng, hiên ngang biết dường nào

Thoáng nghĩ đời như giấc chiêm bao
Trải lòng thương nhớ, nỗi xuyến xao
Không gian , Tổ quốc xa nghìn dặm
Níu lại thời gian có được nào.

Níu lại thời gian? chỉ chiêm bao!
Tóc xanh giờ đã đượm muối tiêu
Dáng xưa còn lại đôi nét cũ
Anh vẫn là Anh! vẫn tự hào!.





Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

VANG MÃI BÊN TÔI NHỮNG TIẾNG CƯỜI

Từ buổi đi Orlando dự Họp Mặt Ninh Hoà_Dục Mỹ.

Khi tôi vào hãng máy bay để mua vé, là tôi đã có quyết định hẳn hòi, dù hơi chậm, bởi nghe theo lời "dụ dỗ" chí tình chí lý của người bạn tại Orlando. Thật ra, thông báo Đại hội Ninh Hoà-Dục Mỹ được anh Nguyễn Văn Thành, trưởng ban Tổ chức gửi đến từ lâu, nhưng tôi chỉ cười khi gặp nhau anh hỏi: đi tham dự sao không chịu trả lời cho biết?

 Tôi không dự định đi lúc ban đầu. Vì NH-DM đâu phải quê hương của tôi dù sinh quán hay trú quán. Tôi chỉ đến đó làm nghề gõ đầu trẻ chưa trọn một năm. Những chiếc xe đò cà rịch cà tang chở đủ loại khách từ Nha trang-Ninh Hoà, hằng ngày vẫn ưu tiên dành cho cô giáo một chỗ ngồi ngay ghế trước, dù cô giáo chỉ phải trả …nửa tiền. Phố Ninh Hoà tôi chỉ có dịp ghé ngang, mấy tiệm nem nổi tiếng bên kia cầu sông Dinh, tôi cũng không là khách hàng thường xuyên của họ. Nhưng tiệm “chè chuối…ngon ơi là ngon”  trên con đường làng, lối về trường T/H Phong Ấp vẫn dành một chỗ thường xuyên cho cô giáo, có bữa thêm mấy cô chú học trò nhỏ theo cùng, thỉnh thoảng có vài chiếc Honda đèo theo những người Lính, những người sẽ …trả tiền cho những bữa ăn dù nhiều hay ít cho cả đám người có mặt.

Mới đây, có một lần tôi đi ngang con đường cũ, nhưng không còn thấy cái quán Cà-phê mang độc nhất một tên: Cà-phê HẠ! Hồi đó không hiểu sao tôi thương  tên Hạ vô cùng. Cái tên nghe sao hiền hoà, dù có phảng phất cảnh chia ly của lứa tuổi học trò, lại có vẻ nhún nhường nhưng chắc là không hèn yếu.

Dù chưa bao giờ bước chân qua khỏi ngưỡng cửa của quán cà phê, nhưng những thân tình từ những người Lính, những khi họ từ Dục Mỹ xuống, vào đó ngồi chờ chiếc xe đò đỗ xịch bên đường cho một người bước xuống. Từ đó, quán cà phê như có sợi dây ràng buộc gì đó đến trong tôi. Tôi thương Ninh Hoà qua những hình ảnh đó, cũng như căn nhà của “ông Nội”, Cha chồng của cô tôi, "ông Thầy Ba", nơi có khu vườn rất rộng với rất nhiều cây cảnh lẫn cây ăn trái, nhưng tôi thích nhất cây hoa Ngọc Lan có tàn rộng bằng căn nhà ngói đúc, lúc nào hoa cũng nở trắng cây, mùi thơm ngát mũi, mà thỉnh thoảng tôi vẫn hái để ép vào trang vở cho thơm mỗi khi phải vào đó trú ngụ qua đêm, nếu buổi tan trường về muộn, không còn xe trở lại thành phố Nha Trang....


Hai vợ chồng người bạn ( chưa biết mặt) đón tôi ở phi trường Orlando vào lúc chạng vạng của một ngày tháng sáu, và đem về nhà cho …ở nhờ mấy hôm, dù không có chút dây mơ rễ má gì với Ninh hoà-Dục Mỹ. Bạn cười và bảo với tôi như thế, nhưng bạn quá sốt sắng với các anh chị em ở xa về. Lý do đơn giản vì chúng tôi sinh hoạt với nhau trên cùng một trang mạng ảo: hội VNTD, người đẹp của Đà lạt thuở nào: Tuyết Nga.

Sự xuất hiện hơi trễ của chúng tôi ở nhà anh chị Vinh Hồ-Thủy Tiên, có làm cho một số thực khách thân hữu ngạc nhiên(?) Tuyết Nga thì mọi người cũng đã biết, nhưng tôi thì, cứ cho như mình có chút văn chương chữ nghiã trao đổi với nhau trên diễn đàn, nên từ lâu “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, hôm nay là ....mạng thật chứ không còn ảo nữa.


“Sao đến dự đại hội mà không báo cho ai biết hết, đến một cách đột ngột..?” Một câu hỏi rất thông thường từ những anh chị em trong ban tổ chức lẫn gia chủ- một người mà từ lâu tôi vẫn nhận: Người bà con, có một chút giao tình từ những ngày xa lắm ở Nha trang, anh vinh Hồ là em họ của Chồng cô Bảy tôi, mỗi lần vào Nha trang thi cử đều trú ngụ nhà Cô, chúng tôi có lần gặp và quen biết.

Đến đột ngột mới vui! nhất là anh bạn tên Sanh có bút danh NXV, một “ nhân tài xuất chúng” của xứ Vạn Ninh dưới mắt của tôi, cứ thắc mắc: sao nói không đi mà lại đi? Ừ thì nói làm chi! dù trước đó tôi vẫn hay đùa để "dụ" anh đi sang Mỹ: "Ước gì có chuyến đò ngang, Để người bên ...Úc chèo sang bên này?"

Và dù rằng chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi thơ văn, còn nhờ "Sư phụ" hướng dẫn cho cách làm thơ đường, thơ mật gì mà không ngọt tí nào, khó dàn mây, nhiều khi phải suy nghĩ thật lâu để tìm lời đối cho chỉnh, không như thơ thẩn thông thường, muốn viết xuống là ra chữ, còn hay-dở lại là chuyện khác. Không trả lời bởi tôi rất ngại khi tên mình được viết lên đâu đó cho nhiều người đọc thấy. Dù biết rằng với những người ở xa xôi về tham dự, ban tổ chức có ưu ái …rao lên cho mọi người cùng biết, để, biết đâu kêu gọi thêm được một số bà con, bằng hữu, vì thấy có người quen, ham vui mà đến gặp. Nhưng tôi chẳng có mấy người quen ở xứ Ninh Hoà này, ngoại trừ chị Phan Kiều Oanh, mà chúng tôi đã liên lạc rồi.


Buổi tiệc nhà anh chị Vinh Hồ đông vui quá, có đủ đàn ca tân nhạc, vọng cổ bài chòi, mỗi người một nét hay riêng. Với tài …anh-xi(MC) duyên dáng, có khi hơi trịnh trọng của Vinh Hồ, mọi người phải.....xướng tên và có khi phải nêu thành tích! Một bàn tiệc với công khó của chủ nhà, chị Thủy Tiên đã phải nghỉ cả...tuần lễ để chuẩn bị cho một đêm vui, đủ biết công phu và ngon lành tới cỡ nào, thêm món gỏi của Tuyết Nga, làm đặc biệt dành cho NXV thưởng thức (nhưng chúng tôi vẫn ăn ké như thường), một lối giới thiệu độc đáo về tài nghệ nấu ăn.


Anh Cung Đàn, một “nghệ danh” của NXV, lại trổ tài đánh đàn cho bà con cất giọng hát, từ Thanh Sơn đến Phi Ròm , anh Đích, …..v…v.., nhưng chính anh lại được mọi người “yêu cầu” nhiều nhất, người đâu mà hát vọng cổ y hệt danh ca...Út Trà Ôn, nếu so sánh chàng Ngô trưởng Tiến, với người em Đình Thành là Minh Phụng với Thanh Tuấn. Đêm càng khuya, tiếng đàn càng réo rắt, khiến một người, nghe nói từ lâu nay mang một nỗi buồn khó khuây, vậy mà cũng vui vẻ cất lên giọng hát, một làn hơi truyền cảm, thiết tha: anh Đỗ Xuân Hùng. Và bạn Tuyết Nga cười vui vì được Cung Đàn hát tặng bản nhạc Đà Lạt sương mờ, chỉ có người trong cuộc mới “thấm thía” đuợc lời nhạc lời thơ mà say mê, thích thú. Nghệ sĩ Cung đàn sâu sắc đến thế là cùng! Lại những cánh hoa …ny lông nhà anh chị Vinh Hồ được những khán giả đem lên tặng cho người trình diễn. Cười vui quên mệt.

Nghe thấy người ta hát hay mà giật thót mình, sợ bị nêu đích danh, mà mình thì không có tài cán chi để “đem chuông đi đánh xứ người” một kiểu nói đùa cho những người xa về tham dự đại hội. Nhưng ….chạy trời không khỏi nắng! biết có từ chối thì cũng không ra khỏi chỗ được an toàn, bèn xin phép hát chơi mục …bài chòi xứ nẫu!.. không ngờ lạ tai, nên được bà con vỗ tay tán thưởng, điểm khuyến khích dành cho mầm non dzăn nghệ chưa lên mà là gốc tre già trong đời sống.


Đêm vui, vui thật, có quá nhiều tiếng cười, giọng nói góp vui, nhưng rồi cũng phải tan để ngày hôm sau chúng tôi còn phải đi thăm Disneyland, dưới sự sắp xếp và hướng dẫn của Thổ địa Tuyết Nga, và cái mục khỏi mua …vé là khoái quá chừng chừng (?) Tuyết Nga, người bạn quí đã lo sẵn cho chúng tôi, không phải mình ên ai mà đến những sáu người. Tuyết Nga vạn tuế!!! Có lẽ cũng có công khó của NXV (?). Vì chỉ có NXV ở tận xứ Úc xa xôi, lần đầu tiên mới đến nơi này, nên bạn bè phải lo thật chu toàn, để người còn …trở lại lần nữa? Nhờ vậy, chúng tôi được hưởng lây ân huệ không chừng.















Phái đoàn có hơn chục. Có anh chị Nguyễn Văn Thành, cháu Kim Loan, Thầy Cô Lê văn Ngô, cô Phi ròm ( mà có thấy ròm gì lắm đâu), anh chị Nguyên Chất(?). Cái mục này khỏi phải lên khuôn đỡ kéo dài …ký sự, vì có Thầy Lê Văn Ngô và NXV tả chân quá sức rồi. Chỉ tiếc rằng, người “hư tim, nghẽn mạch” như tôi, không thể xem trò nhào lộn trên không, nên đành nhắm mắt toạ thiền, hít lấy không khí để thở,  chờ cho qua cơn khốn khó, nhẹ người. . 

Nhưng đi chưa trọn nửa trưa thì quí Thầy Cô, anh chị đã ra về, để buổi chiều còn dự buổi họp bầu hội trưởng cho NH-DM, bỏ ba chúng tôi…bơ vơ ở lại đi xem show, mà quí anh chị sau đó, có cả anh Văn Hùng Đốc, đã đề 4 câu thơ:  một người đi với hai người!.... (và mấy hôm  sau đó,  thi sĩ Vinh Hồ còn kiêm luôn …nhạc sĩ, đã phổ bốn câu thơ thành bài nhạc, hát thật hay trong đêm hội ngộ do anh chị Song Hồ khoản đãi tại nhà hàng Lạc Việt).


Ngày qua nhanh và chân cũng đã mỏi, mặc dù tiết mục cuối cùng, chúng tôi đã thoải mái ngồi xem họ biểu diễn nhiều hình tượng trên nước thật tuyệt vời. Đường về đêm se lạnh, không biết bạn Tuyết Nga có thấm lạnh vào người tí nào không mà lái xe lạc lối về, phải gọi điện thoại về hỏi anh Hùng, chồng chị, nguyên là sĩ quan chiến tranh chính trị của quân lực VNCH, một người cũng rất sẵn lòng với tất cả bạn bè của vợ, anh ngồi một nơi mà chỉ dẫn đường đi rất rành rọt, để chúng tôi khỏi lang thang …nửa đêm ngoài phố. Bụng đói, chân mỏi, nên khi về đến nhà bạn, bữa cơm với canh cá nhà bạn được NXV chiếu cố tận tình, khen ngon đáo để.

Khi TN đưa trả NXV về lại nhà anh Vinh Hồ, chúng tôi đã gặp anh Văn hùng Đốc, dù nghe đến tên anh ở mọi chỗ, mọi nơi, và có lần đã …thấy anh, nhưng chưa một lần gật đầu chào hỏi, vì ngại cái cảnh “chào hỏi người ta mà người ta không biết mình là …ai?” nhưng bữa nay không hỏi cũng biết rồi, thôi thì lại một màn chuyện vãn thân tình. Nhưng phải …hò hẹn lại đêm Đại hội sẽ gặp nhau.


“Một công ba bốn việc”.  Một câu nói khi người ta muốn sắp đặt một chuyện gì đó cùng một lúc cho tiện và lợi. Và tôi cũng lợi dụng để tính chuyện riêng mình. Phải tìm thăm chị Hoàng Yến và anh Tiến( LMST) khi nghe tin anh vừa vào bịnh viện mổ tim và đã về nhà.Từ Palmcoast, anh chị Tiến đổ đường lên Orlando để tham dự đại hội, và cũng là cơ hội để gặp gỡ những người xa chúng tôi như NXV, chàng Hai Lúa ( mà chẳng Lúa chút nào).

Những tiếng cười vui khi chúng tôi gặp nhau vào chiều hôm thứ bảy, khi anh Hùng, chồng chị Tuyết Nga làm tài xế, đưa dùm tôi đến nơi … hẹn, để sau đó chúng tôi cùng đi đến nơi dự đại hội. Nhưng tiếc quá, vì đường sá trở ngại, mà anh chị Hương, đôi bạn thân của anh chị Tiến, người quen đường biết lối đến đón dùm chúng tôi, đã bị kẹt xe trên đường, đành lỡ dịp xem một tiết mục hấp dẫn mở màn của chương trình: bài hát Quê tôi, nói về Ninh Hoà, lời thơ của anh Vinh Hồ và anh LMST phổ nhạc, với mấy mươi anh chị em Ninh hoà trình diễn mở đầu chương trình đêm hội ngộ!  Tiếc thay!

Dù thế nào đi nữa, đi trễ là một thiệt thòi. Chúng tôi vào đến nơi  chỉ kịp nhìn thấy mấy chị ngồi ở bàn tiếp tân và mấy anh chạy lăng xăng đưa khách vào bàn. Ban Tổ chức đã ưu ái dành cho chúng tôi vô bàn ngồi, vị trí quá đẹp. Nhìn chung quanh chẳng thấy mấy người quen, nhìn lên sân khấu thấy một người trông phốp pháp đang đứng nói chuyện. À thì ra đó là anh trưởng ban tổ chức Nguyễn Văn Thành. Nhìn qua bên kia, thấy quí annh chị trong ban Văn nghệ đã hân hạnh được gặp tại nhà anh Vinh Hồ.

Đêm đại hội có khác, quan khách đông và lịch sự quá trời, nên từ MC, diễn viên người nào cũng ăn mặc đẹp cả. Nhất là cô MC Tố Anh, thật rực rỡ, duyên dáng thướt tha trong tà áo dài truyền thống, đứng cạnh  Cung Đàn trong bộ vest lịch sự, đang thao thao bất tuyệt. Và rồi thấy cháu Kim Loan xuất hiện trong một điệu vũ Ấn Độ. Trời ạ. một mình một cõi trên sân khấu, vậy mà lôi kéo được sự chú ý theo dõi của mọi người. Tôi cũng ráng dán mắt vào những động tác của cháu đang biểu diễn, từ hai bàn tay chụm lại đưa lên, hất cái chân, lắc cái đầu sao cho thân mình vẫn thẳng đứng, điêu luyện quá, Cháu đã giới thiệu có …mười bảy năm theo học múa đó mà.  Chứ đâu như chúng tôi khi còn trẻ, cũng bày đặt múa vũ khúc …Hận đồ bàn, cũng chụm hai bàn tay hất qua hất lại, cũng lục lạc đeo chân, cũng lắc lư cái đầu mà nghĩ lại …trật lấc, chắc chẳng giống …Chiêm thành tí nào. Người VN mà, làm sao múa cho giống khi không có Thầy hướng dẫn?  Thôi để nghe tiếp Kim Loan đàn Tì bà.


Ca sĩ có Quỳnh Thi,  Mỹ Thiện, Quốc Phú, Hoàng Tiên và nhiều nữa nhưng xin lỗi đã không nhớ hết ,... và màn Cải lương Hòn Vọng Phu, một truyền tích bi hùng biểu tượng của Khánh Hoà, được chuẩn bị thật công phu với trang phục lính thú thời xưa, áo tứ thân của ngưòi  vợ đợi ngóng tin chồng, người tráng sĩ ra đi đã không hẹn ngày trở lại, được các nghệ sĩ Ngô Trưởng Tiến, người đẹp giai, vui tính, cùng Thu Tuyết và một số anh chị em trình diễn thật tuyệt vời. Có bài chòi do hai anh Đích và anh Thi trình bày.

Không dám nói bị “bắt các bỏ diã”. Nhưng người từ xa đến, lại không tập dợt cũng không có trong chương trình, vậy mà “bị” lôi lên sân khấu ngang xương. Điệu bài chòi “Trách thân” của Nguyễn Hữu Ninh, người Phú yên viết ra, và Phan Bá Chức để tí âm điệu vào, được chúng tôi hay hát đùa chơi, đêm nay tôi được vinh dự góp mặt trên sân khấu đại hội NH-DM. 

Một cái áo bà ba đen mượn của anh Đích, một cái bút chì vẽ…râu, một cái nón rách, Tôi không là tôi nữa, một người đàn ông nghèo nàn, thất nghiệp bị …vợ bỏ, vậy mà anh MC Cung Đàn lại giới thiệu chị ..LTHN. “Chơi cắc cớ không hà, tui như dzầy mà dám giới thiệu là chị!” Những tiếng cười vang rân trong hội trường vẫn quyện mãi bên tôi. Vui mà!


 ( Khi chấm dứt chương trình bị …lạc mất cái áo mượn, đi tìm quá trời mà không thấy, làm chủ áo buồn không ít, vừa cảm ơn lại xin lỗi lia chia. Cuối cùng anh cũng cho tôi địa chỉ, để khi về lại nhà, …may cái áo khác gửi trả cho anh. Nhưng trời thương, mấy cô em xếp nhầm, tìm ra, trả cho đương sự. Chủ áo cười! cảm ơn và xin lỗi đã làm phiền!)

Văn nghệ tiếp nối, anh Thương Anh và Tố Anh và hai ca sĩ trong “tứ ca” sao mà tuyệt thế! nhiều tiết mục thật hay, có cả màn vọng cổ do anh Cung Đàn trình bày. Nghe rồi mà nghe lại vẫn thấy nao nao…

Nhờ “bị” lên sân khấu, mà có người nhìn ra cô bạn nhỏ năm xưa. Có cô bé đến hỏi “có phải cô là cô T không? Có người muốn gặp”. Rất vui khi gặp lại chị Thùy Dương, con Bác Phụng, cháu nhà văn NXH, bạn học ở Võ Tánh năm nào. Chị vẫn trẻ đẹp, dù đã hơn bốn chục năm qua, giờ mới có cơ hội gặp lại. Và cũng nơi đó, tôi gặp được chị Quí, một trong những người đẹp của TH, ngày xưa tôi chỉ biết đứng xa nhìn trầm trồ khen, bây giờ gặp, chị em nói chuyện rất thân tình Tiếc quá, chị Phan Kiều Oanh đến nơi lại bỏ về, dù chị đã đổ đưòng từ Boston xuống dự Đại hội, vì chị không nhìn thấy người quen nào ở đó, ngay cả anh trưởng ban tổ chức NVT., là người đã liên lạc với chị trước khi đi.


Màn dạ vũ bắt đầu, khi những người tham dự đã lần lượt ra về, chúc mừng cho đêm hội ngộ thành công mỹ mãn.Cái mục nhảy lò cò, nhảy dây hay nhảy mương thì tôi nhuyễn, chứ nhảy đầm thì xin miễn, vì mấy chục năm rồi có ôn luyện chi đâu, vậy mà vì …ham vui, cũng ào ra sàn nhảy để….dẫm chân thiên hạ cho dzui. Cuối cùng thì tiệc cũng phải tan, và những người ở xa phải đi …lang thang về chỗ trọ.

Cảm ơn anh Đỗ Xuân Hùng, đã tình nguyện chờ cho tan tiệc, để đưa dùm tôi về chỗ trú cuả anh chị Yến-LMST, vì gia đình anh là chỗ thân tình của  anh chị Tiến từ rất lâu. Chúng tôi lại ngồi ngay trên cầu thang nói chuyện tiếp, nhưng rồi cũng phải nghỉ ngơi để ngày hôm sau tôi sẽ về nhà của anh chị thăm chơi cho biết.

 Đường về Palmcoast cũng khá xa, nhưng xe vừa chạy chúng tôi vừa hàn huyên tâm sự, nên xa cũng hoá gần. Hoàng yến và chúng tôi là “đồng môn” ở Nguyễn Huệ Tuy Hoà, chưa một lần quen tên biết mặt trước kia. Nhưng khi vào diễn đàn VNTD, anh LMST thấy có người xuất thân từ NH, thế là anh báo cho Hoàng Yến, và chúng tôi đã trở thành thân quen lúc nào không rõ sau mấy lần trò chuyện. HY rất thương quí bạn bè, và anh Tiến rất lịch lãm, tài hoa văn nghệ,  nên cứ hay mời gọi bạn bè xuống ở lại thăm chơi. Tội lệ gì không đi?

Xin cảm ơn anh Vinh Hồ, cựu Hội Trưởng hội VNTD, nhờ anh …rủ tôi vào hội, mà tôi có thêm được người bạn cùng quê. 

Ngôi nhà lý tưởng nhìn ra con kênh đào cho thuyền vào khi nước lớn, những con cá cũng theo vào để …chào đón những chủ nhân ông, nếu hôm nào vui thì thả vợt xuống vớt lên dăm ba con dãy đành đạch. Nhưng anh chị Tiến nói vớt cá cho …vui, rồi thả xuống lại để cá trôi về biển. Những đời sống chưa tàn trong ngõ hẹp của bụng dạ con người!


Lại có những người khách đổ đường xa đến thăm LMST. Chiếc xe Van dừng lại ngay trước sân nhà, chàng Hai Lúa người trần đời thật đã xuất hiện. NXV và  Hai Luá hoạt bát, vui vẻ, bên cạnh anh Nguyên Bông điềm đạm, chừng mực. Có thêm hai người khách đến thăm …đột xuất: nhà văn nữ Xuân Dân và hoạ sĩ Vũ Quang Minh.


Cái mục “chớp bóng” ở đâu cũng thịnh hành. Bà con cứ bắt đứng sắp hàng vào để.. chớp! Nhất là khi anh NXV và anh Tiến “trao đổi con tin”. Một con cá sấu Florida từ tay anh Tiến trao đi, và NXV trao lại con “Kangkuru”..không biết nhảy(Kangaroo). Cá nhân chúng tôi xin nói lời cảm ơn đến NXV, nhất là Hồng Loan , “nửa bên kia” của bạn, đã chu đáo đi mua từng món quà nho nhỏ, xinh xinh, có dấu hiệu Kangaroo - nước Úc, để NXV đem sang Mỹ tặng cho bạn bè. Quí hoá vô cùng tấm chân tình của hai bạn.

Tôi đã nói trước với chị Yến là tôi ..chưa muốn mua nhà để ….retire. Vì nơi chốn đẹp đẽ này dành cho những người vừa có tiền, lại không còn lo toan cho cuộc sống. Nhưng chị Yến vẫn bảo chúng tôi leo lên xe để đi dạo quanh vùng. Từ câu lạc bộ với những người Mỹ nghèo ăn mặc ít vải, mà anh chị Tiến-Yến là thành viên, đến khu bãi biển dành cho những người giàu thật sự, mua nhà để …nghỉ mát. Chị cứ lái chạy vòng vòng để chúng tôi tha hồ nhìn ngắm. Khổ nỗi, nhà thì nhiều và đẹp thật, nhưng chúng tôi cũng ngại ngùng lắm lắm, vì ở cạnh bờ biển quá, nhỡ một cơn sóng thần cao ngất trời,  nó lừng lững bò vào, thì ôi thôi, làm sao chạy thoát, chừng đó mất đi những người vui vẻ trong hội VNTD và NH-DM, buồn lắm. Cuối cùng chẳng ai chịu …chọn lấy căn nhà nào cả, dù tôi có đề nghị mua …tặng làm quà, nhất là thiên tài NXV từ bên nước Úc xa xôi! Không chịu thì….đỡ hao!!!! Những tiếng cười vui khiến cho tài xế phải nắm chặt tay lái mới chạy tiếp tục được. Cảm ơn anh chị Hoàng Yến và LMST đã có lòng đón tiếp chúng tôi.


“Chưa vơi nỗi nhớ lại sầu chia ly”. Chúng tôi đành bịn rịn chia tay anh chị Yến-Tiến để trở lại Orlando, buổi chiều phải có mặt ở nhà anh Thương Anh, Hội Trưởng hội VNTD, một buổi họp mặt thân tình để tất cả ACE trong hội có dịp làm quen với người phương xa đến.Xe Anh Nguyên Bông lại có thêm một người khách. Đi xe mà có người nói chuyện, cười nói, tài xế sẽ đỡ buồn. Nhưng xe chúng tôi có đến sáu người, tha hồ mà nói. Anh VQMinh kể chuyện làm hoạ sĩ, Hai Luá kể chuyện trong ….dòng tu, chị Xuân Dân kể chuyện tình. Chuyện tình chị kể thật hấp dẫn, ru NXV lạc vào cõi thiên thai, nên hồn anh đi mà người thì cứ gật gù ra chiều đang theo dõi, thỉnh thoảng một hòi còi tàu thê thiết vang lên, hay toa xe đang leo lên đèo nên phải cất tiếng than dài từng chặp, và mừng vui khi xe đổ dốc xuống đèo, làm mọi người cười mà cố gắng không cười lớn tiếng.. Hình như mỗi người trong chúng ta khi ngủ đều phải …ngáy mới ngủ ngon. Chúc mừng.


Anh Nguyên Bông đưa chúng tôi ghé vào thăm nhà anh chị. Những chậu cây Bonsai đủ kiểu đủ cành được gia chủ ân cần giới thiệu. Nhà anh rất nhiều bông hoa nơi sân trước, nhưng có một cây hoa thật đơn sơ, nở những bông hoa màu hồng nhạt đập vào mắt tôi, tự dưng tôi  thấy nhớ nhà, nhớ da diết những ngày còn nhỏ vào mùa tết. Nơi đó có rất nhiều hoa màu sắc sặc sỡ, đẹp rục rỡ, nhưng những cây hoa Móng tay, nó bình dân, không kiêu sa, sắc sảo, nó hiền hoà tươi mát, nó có thể vươn lên ở bất cứ nơi nào, sang hèn không cần biết,  những bông hoa nở ra từ những nách thân cây, nhẹ nhàng mà quyến rũ, như cô gái quê nép mình bên khung cửa, nở nụ cười thật tươi chào đón người quen, làm người thấy ấm lòng. Tôi thương cây hoa móng tay quá đỗi, và đưa mắt tìm …hột về trồng. May quá chị NB đi hái cho một nắm. Và bây giờ, khi tôi đang viết những dòng chữ này, chậu hoa Móng tay đã vươn lên mơn mởn, chờ ngày ra hoa. Cảm ơn anh chị NB nhiều lắm.. 


Đường đến nhà Hội Trưởng T.Anh sao xa quá, anh NB đã một lần đến, nhưng vẫn không nhớ lối đi, cứ điện thoại liên tục nhờ chỉ đường. Qwào! Nhà gì mà giống dinh Thống đốc tiểu bang của tôi, cả con đường đi cũng đẹp nữa. Xe chạy ven bờ hồ, nước xanh ngút mắt, hàng cây xanh lả ngọn thơ mộng vô cùng. Đông người quá, dù được giới thiệu nhưng cũng khó nhớ hết một lần. Nhưng khi ngồi vào bàn để hàm răng làm việc, thì chúng tôi bắt đầu …quen nhau. Bàn tiệc đầy ắp thức ăn, từ gia chủ và một số anh chị em đem đến, trong đó có món nem chua của Tuyết Nga, ngon ơi là ngon. Từ phía ..bên kia rộn tiếng cười vui, chuyện vãn. Có cả văn nghệ giúp vui. Hình như những thành viên của hội VNTD đều là những nhân tài ( trừ người viết). Có bao nhiêu người hát nhỉ, tôi không thể nào nhớ nổi, chỉ nhớ người trẻ tuổi, đẹp trai Hoàng Nam ngồi đối diện, có cả người đẹp bên cạnh, họ vừa đẹp đôi lại hát hay, thật hiếm!.

Hình như ai trong bàn cũng phải có vài lời tâm sự. Một thân tình gắn bó dù mới gặp gỡ lần đầu. Có cả nhà thơ lớn Triều Hoa Đại! Nghe tên cũng đã thấy lớn rồi. Có cả vợ chồng người phi công Trực Thăng một thời, và bây giờ là “đại gia” của thành phố Florida, anh trai của nữ gia chủ, người Lính năm xưa cùng đơn vị với chồng tôi: anh Phong.

Phái đoàn của anh Thành đến chậm nhất, nhưng thấy người nào cũng phờ phạc, hết…pin. Hỏi ra mới biết có nhiều người hôm nay ra khơi, chẳng thấy …mắt em nhuốm buồn gì cả, mà chỉ thấy trời đất quay quay, lòng người say say…sóng, cá thấy cá lặn, người thấy người …buồn nôn. Đi về, không có …câu câu gì cả!!!!!!.

Nói chuyện một hồi lại tìm thấy người quen biết một dạo ở Nha Trang. Khánh Yên, là bạn của bạn thân tôi, cùng uống một nguồn nước Nha trang qua không biết bao ngày, gặp lại nơi đây thấy có điều gì quyến luyến. Nhất là cô ca-sĩ trẻ Quỳnh Thi, cháu có giọng hát thật truyền cảm, nhưng tình cảm chính từ tâm đã làm người đối diện thêm quí mến. Cháu theo tôi để hỏi về một người, một người từng nổi tiếng đẹp ở Tuy Hoà, người em họ không may của tôi, bây giờ sống trong nghèo nàn, bịnh tật. Nhưng đã có một thời làm khốn khổ không biết bao trái tim người hùng, trong đó có cậu của QT. “Một quả lựu đạn  sẽ nổ tung, nếu người không ưng thuận”. Nhưng rồi người Lính đã hy sinh. Một nén nhang cầu nguyện muộn cho Người!


Ăn ngon, nghe hát hay, ngắm phong cảnh hữu tình với gió hiu hiu thổi…Nhưng đêm đã khuya, nhiều người phải đi làm việc sáng hôm sau. Quí anh chị lần lượt ra về, anh chị Vinh Hồ, chủ nhà cho chúng tôi trọ đêm nay, cũng đã về sớm. Ham nghe ca nhạc, thích xem nhảy đầm, nên khi tiệc tan, người tình nguyện đưa chúng tôi và NXV ra về lại là Anh Đỗ xuân Hùng. Không quên ngỏ lời cảm ơn tấm thạnh tình của Thương Anh-Tố Anh, sao mà “xứng lứa vừa đôi” đã đành, mà còn có lòng với tất cả bè bạn gần xa, đã tổ chức một buổi tiệc tư gia rất chu đáo, có dạ tiệc-dạ vũ với ban nhạc sống hẳn hòi. Hội trưởng hội VNTD muôn năm!!!!!

Anh Hùng, người mới nhìn qua thấy ít nói, vì có tâm sự trùng trùng? Nhưng anh cũng vui lắm khi có người bắt chuyện. Anh luôn nhớ thương về người vợ tài hoa của anh đã ra đi, bỏ lại anh…bơ vơ giữa chốn hồng trần. Có lẽ vì lo ra sao đó, mà đường về anh lạc lối.  Trời hỡi! nửa đêm về sáng mà xe của chúng tôi cứ giữa rừng mà thẳng tiến. Đi đâu đây anh Hùng? Có biết đâu là đâu .

Rừng mênh mông, rừng mờ mờ ảo ảo dưới ánh trăng khuya. Trăng  khuya đẹp, gió khuya se lạnh làm mát dịu hồn người ở thời khắc nào kia, chứ lúc này tôi ngỡ mình đang đi trên chín từng mây, và tôi lo sợ hình ảnh mình sẽ được …đăng lên trang nhất của tờ báo địa phương: TIN CƯỚP : Có chiếc xe chở ba ông bà già người Á Châu…, cũng bởi có lần tôi lỡ xem phim kinh dị, thấy cảnh cướp xe ở giữa quãng đường rừng. Dù biết rằng, nếu đem quăng chúng tôi cho bọn cá sấu nổi tiếng nhiều ở Florida, chúng cũng sẽ …nhả ra vì sợ gãy hàm răng non của chúng. NXV cứ nói rằng tại tôi…nặng vía. Nói gì thì nói, cuối cùng nhờ …máy móc hiện đại, anh Hùng cũng đã tìm thấy lối về, nhưng thay vì về nhà anh chị Vinh Hồ, chúng tôi lại là khách trọ của nhà anh ấy. Hú viá! Bà con mình khỏi phải “đọc tin trên báo” là hạnh phúc lắm rồi. Cảm ơn anh Hùng nhiều lắm lắm, dù bị đi ….lạc.

Khi anh Hùng đưa chúng tôi về lại nhà, đã thấy anh chị Vinh Hồ- Thủy Tiên đã chuẩn bị sẵn sàng các thứ cho buổi đi biển Daytona. Sau đó chị Kiều Oanh cũng đến, và chúng tôi hẹn với anh chị Thành, anh chị Song Hồ, chị Tuyết Nga tại chợ gì đó.

Anh Vinh Hồ làm “tài xế” cho bốn người chúng tôi. Dù cảm ơn anh, nhưng tôi vẫn thầm cầu nguyện mỗi khi ngồi trên xe mà nghe anh nói chuyện điện thoại với ai đó. Mới ra xa lộ đã lạc đường rồi. Quanh lại, đi tới, đi lui, cuối cùng cũng tìm được đường ra. Chị Thủy Tiên cười vui quá, làm chúng tôi cũng cười theo và bắt đầu làm thơ tếu. Chị Thủy Tiên bình thường thấy như ít nói, hiền khô, nhưng máu tếu trong người tràn đầy chờ cơ hội bùng phát, và trên xe này, cơ hội để chị trổ tài. Hoan hô Thủy Tiên. Bài thơ đã được đăng trên diễn đàn rồi, xin miễn ghi lại.


 Biển nóng, trời yên, gió hình như đi chỗ khác chơi, ai có muốn làm thơ trời và  biển chắc cũng chẳng có nguồn thơ. Sau  khi ba chiếc xe dừng lại trên bãi, hình như có ai đó đề nghị xuống biển tắm? Trời đất! tôi lại phải nhủ thầm, ai tắm thì cứ tắm, chứ cỡ tôi mà xuống biển chắc nước tràn bờ, phải không anh Thành?. Cuối cùng là đoàn người tháo chạy trốn nắng. May mà có Kim Loan, cháu đã tìm được nơi chốn bình an, mát mẻ cho mọi người có nơi tụ họp đùa vui mà khỏi chơi với …mặt trời.















Buổi sinh hoạt văn nghệ bắt đầu sau một màn ẩm thực dư thừa. Các chị Giỏi, cô Ngô, chị Tuyết Nga, Thủy Tiên,  nhất là chị Yến, vợ anh Song Hồ, đã đem theo quá nhiều bánh mì, vịt quay, trái cây, xôi, bánh… Vẫn là người tài Cung Đàn muôn điệu, người đã không nhịn được cười khi đọc thơ đi biển từ xe của chúng tôi. Tôi đã nói rồi, người nghe cứ tự do cười,  nhưng người đọc phải…nín cười! Người diễn kịch vui mà cười, khán giả sẽ cho mình …cười cò mòi. Hình như chẳng ai nhịn được cười. Anh Thành cứ cầm máy quay phim mệt …không nghỉ, chị Kiều Oanh thì ..rình chụp những tấm hình độc đáo, nhất là lúc NXV ngâm thơ, và chị Tuyết Nga thì say mê theo dõi. Khi Thầy Ngô làm thơ xướng với vần ô, cả nhóm người cùng họa, vui đáo để.


Anh Thành lại yêu cầu NXV hát ..Tình anh bán chiếu. Lại một lần nữa tôi nghe mà cũng cảm thấy buồn buồn, chạnh nghĩ đến người đàn ông vì nghèo mà không níu lấy được tình yêu. Đời sống có lắm điều nghiệt ngã, nghèo giàu sang hèn xấu đẹp sao cứ quẩn quanh, vây chặt mỗi một con người. Phải chi những lằn ranh đó không còn hiện hữu, nhưng nếu không còn thì làm sao có ..tình anh bán chiếu? để hôm nay có người hát thật hay cho chúng tôi nghe.

Anh Thành lại yêu cầu tôi hát bài nẫu…trách thân. Thôi thì mượn đại cái mũ ai đó vừa hát vừa đi xin tiền, nghèo, bị vợ bỏ đi…xin là hợp lý quá rồi.Vui thật là vui khi cả chúng tôi đồng ca những bản nhạc, mà câu hát có lúc nhớ khi quên, ai nhớ câu nào thì cho vào câu đó, Phi ròm, chị Oanh, Tuyết Nga, Thủy Tiên…ai cũng góp tiếng hát của mình.


Chiều về, lại một bữa tiệc do anh chị Song Hồ khoản đãi tại nhà hàng Lạc Việt. Trên xe, mọi người nghĩ đến món quà gửi tặng lại cho anh chị. Nhưng rồi, một bài thơ đường luật do hai thi tài Vinh Hồ và NX V làm  nhanh, được viết trên một tấm thiệp với chữ ký của tất cả mọi người trong bữa tiệc vui, đã làm anh chị Phước -Yến cảm động vô ngần.

Nơi đó có đôi uyên ương Song Anh, cặp đôi Ngô Trưởng Tiến, đôi  thi sĩ Vinh Hồ-Thủy Tiên và những người xa đến. Chị Tuyết Nga thật khéo léo khi xếp vị trí cho những người tham dự. Lần đầu tiên chúng tôi nghe anh Vinh Hồ hát nhạc phẩm do anh phổ từ bốn câu thơ của quí anh làm để tặng NXV. “Một người đi với hai người”, vậy mà cũng được vào ..thơ và có người phổ nhạc và trình bày! Cảm ơn các tác giả lẫn người trình diễn đã cho chúng tôi những chuỗi cười không dứt.  

Đêm về khuya. Tiệc tan, mọi người bịn rịn chia tay. Có lẽ có người trong nhóm sẽ không còn cơ may gặp lại. Một lần đến rồi đi, buồn vui lẫn lộn. Cảm ơn anh chị Song Hồ: Phước -Yến.

Trước khi ra về, người đẹp Tố Anh còn ưu ái tặng cho mỗi chị một món quà lưu niệm. Cảm ơn Tố Anh với những kỷ niệm đẹp khó quên.Đoàn xe về lại nhà anh chị Vinh Hồ có thêm Ngô Trưởng Tiến- Thu Tuyết và anh chị Song Hồ. Coi bộ NXV được bà con ưu ái quá. Người tài có khác, một buổi văn nghệ bỏ túi nữa lại bắt đầu.

Tiếng đàn guitar của bạn vang lên với tiếng hát của Tiến, của Cung Đàn, và thỉnh thoảng chúng tôi cũng …nhào vô ăn có. Cười vui quá đỗi!

Vui trọn đêm nay rồi mai lên đường”. Người đến rồi đi có gì mang theo nếu không ngoài niềm vui có được. Xin cảm ơn anh Thành, trưởng ban tổ chức hội NH-DM và cảm tạ những ân tình của quí anh chị em ở Orlando của hội Ninh Hoà-Dục Mỹ và hội Văn Nghệ Tự Do. Cảm ơn Tuyết Nga và anh Hùng, cảm ơn anh chị Vinh Hồ-Thủy Tiên nhiều lắm lắm. Và cũng cảm ơn NXV, có lẽ nhờ có anh bạn mà chúng tôi được dịp đùa vui(?). Quí anh chị em đã cho chúng tôi những ngày vui đáng nhớ, và bên tai tôi luôn vang mãi những tiếng cười …