Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Viết theo lời kể: BỐN MƯƠI BA NĂM VẪN NHỚ ĐẾN NGƯỜI




Anh thương!


Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyển thành màu vàng rực, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đổ dài trên những tàng cây tạo thành bức thanh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.
Và anh, cũng không có đây để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình của mùa thu đông bắc Hoa Kỳ

Còn gì nữa đâu, đã hơn bốn mươi ba năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi nợ duyên đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền mãi mãi đến khi răng long đầu bạc, mà anh nỡ bỏ em để ra đi biền biệt không về khi chúng mình còn quá trẻ?!.




Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone, người bạn cho biết khoá 16 sĩ quan Trừ bị Thủ Đức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này. Em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh, bây giờ đã bạc. Và tên anh cùng một số anh em đồng ngũ khác vẫn còn được nhắc nhở với những “nén hương tưởng niệm”!. Em nghĩ mình không còn nước mắt để khóc nữa vì đã trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ! Tuy không rũ rượi, thất thần như ngày nào em nhận được tin anh và anh ruột của em đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền Nam.

Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em đi trình diện nhập ngũ cùng ngày với anh, để rồi anh Xuyên của em và anh vào cùng khoá 16 SQTB Thủ Đức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã sẻ chia từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buối thăm nuôi của gia đình. Đến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại theo anh của em chọn về đơn vị Địa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Đại Ngãi-Sóc Trăng.

Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ những ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khoá, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết giữa hai người bạn đã đưa đường dẫn lối cho anh dành nhiều cảm tình cho cô em gái nhỏ của bạn. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường Trung học công lập Kiến Hoà đã có người Lính lẽo đẽo theo sau làm...bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng trong lòng vì biết anh đã để ý thương em, cô em út dễ thương của người bạn đồng ngũ của mình, và ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một Thiếu Úy tốt nghiệp từ quân trường Thủ Đức, đâu phải là chuyện dễ!

Thật tình Ba Má em không muốn em lấy chồng là Lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian 64-65, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và cả gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rể.


Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rể dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ can trường mà em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghĩa quân Hưng Điền. Lần nầy hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau cùng làm huấn luyện viên cho lính.

Nhưng anh đã bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng và em đã ngất xỉu khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ sức bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Còn anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Đêm ấy, đêm 23 tháng 3 năm 1966, với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện nghiã quân với 13 vị Sĩ quan huấn luyện viên, chỉ còn sống sót một Đại úy vì …vắng mặt có phép(?). Năm ấy, anh và anh trai của em cũng vừa tròn hai mươi ba tuổi.

Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa nhà, những tiếng khóc than não nuột của gia đình đã không đem hai người con yêu trở về với đời sống được. Má em đã chết ngất mấy lần, và em, bước đi sau hai cỗ áo quan như kẻ không hồn. Em đã thành goá phụ khi vừa tròn hai mươi tuổi. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã mang đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống những con người “tự vệ” một cách tàn nhẫn và vô lý.

Để hôm nay, bốn mươi ba năm có lẻ, em ngồi đây viết những hàng chữ này trong ngấn lệ để nhớ về anh:


Cố Trung úy NGUYỄN TẤN KẾ! người yêu tuổi nhỏ và người chồng chưa trọn hai năm. Anh đã yên phần anh trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, hình bóng với tên anh thôi lởn vởn trong đầu em? Có chăng là ngày em xuôi tay nhắm mắt!. Nếu có kiếp sau, không biết mình có còn cơ duyên gặp lại.?

Maryland, tháng 10, 2009
Nguyễn Thị Hoài Trang. Quả phụ cố Tr/Úy Nguyễn Tấn Kế.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ Tại HOUSTON :TRI ÂN CHIẾN SĨ VIỆT -MỸ

THIẾU TÁ CHRIS PHAN và Dược sĩ DIỆU THẢO
        Sáng chủ nhật, ngày 11 tháng mười năm 2009, trời bỗng dưng tạnh hẳn cơn mưa kéo dài rỉ rả suốt đêm trước. Không khí lành lạnh để người đi ra ngoài khoác chiếc áo lạnh mỏng thêm duyên.

        Bầu trời không nắng hẳn, không gian dịu nhẹ những vầng mây. Hôm nay là ngày những người Việt tị nạn cộng sản ở Houston sẽ tham dự một cuộc diễn hành rầm rộ, biểu dương lực lượng do nhóm người trẻ: “Young Vietnamese American Professionals Salute - Veterans Of Freedom” đảm trách để CẢM ƠN và VINH DANH những chiến sĩ Việt-Mỹ đã chiến đấu chống kẻ thù cộng sản xâm lược năm xưa, Trưởng ban Tổ chức là Dược sĩ Nguyễn Khoa Diệu Thảo và Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ CHRIS PHAN.

       Cuôc diễn hành bắt đầu lúc một giờ trưa, nhưng những người đi xem đã đứng hàng hàng dọc theo lề đường trên đại lộ Bellaire, một khoảng đường dài đã được cảnh sát ngăn không cho xe cộ qua lại.


(Con gái) US Navy Đại úy Laura Le



Thật không ngờ giữa thành phố xứ người, những người Việt tị nạn cộng sản lại có thể tổ chức một ngày “vui” đáng nhớ như vậy.

      Đoàn diễn hành có 49 đơn vị, gồm đủ quân dân cán chính, đã được ghi danh từ khi BTC gửi giấy mời. Hình như tất cả mọi đơn vị quân đội ngày cũ đều góp mặt trong đoàn người đi kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ.




Những tiếng hô vang Việt nam cộng Hoà, những tràng pháo tay, những lời chúc tốt đẹp, đều được những người đi xem hô to làm nức lòng những người đã bỏ công sức làm xe hoa, tuy đơn sơ nhưng gợi nhiều kỷ niệm, những bộ quân phục ngày nào ngỡ rằng không bao giờ nhìn thấy nữa, nhưng tất cả đã xuất hiện nơi đây.





Hai chiếc Trực thăng bay lượn trên bầu trời làm nôn nao trong dạ, khiến người xem hồi tưởng những kỷ niệm năm nào..



Sau cuộc diễn hành, tại tượng đài Tử sĩ, là buổi lễ truy điệu dành cho Tử Sĩ Việt-Mỹ và tặng vòng hoa tượng trưng cho một số chiến sĩ Người Mỹ. Những giọt nước mắt chực rơi trong nụ cười rạng rỡ.





Lâu lắm rồi, những người lính già tìm thấy lại chút niềm vui từ đám con cháu, những đứa bé ngày nào đặt chân đến xứ sở này mới chập chững biết đi, và những cháu đã …chôn nhau cắt rốn tại nơi này. Lời của một Thiếu tá hải quân trong quân đội Mỹ hiện diện điều khiển chương trình (CHRIS PHAN), đã làm nhiều người đỏ mắt: “Chúng cháu có được ngày hôm nay, là nhờ công ơn của quí bậc cha chú cả Việt lẫn Mỹ,…những người đã hy sinh suốt cả một đời vì chinh chiến, chống kẻ thù xâm lược…. Và khi đến được nơi này, những người bản xứ đã cưu mang, giúp đỡ. Chúng cháu phục vụ cho xứ sở này, là góp phần gìn giữ cho sự an toàn của chúng ta, cũng là đền trả một phần ơn nghĩa …”

         Suốt buổi chiều tối là một ngày hội. Phần văn nghệ với sân khấu ngoài trời đã do các anh chị em “Amerasian ” phụ trách. Ở đó có sự xuất hiện của nghệ sĩ Nam Lộc, người luôn sát cánh để giúp đỡ các em- cháu trong mọi tình huống. Người đi dự đông nghẹt, để nghe những tiếng hát từ trái tim của những người con lai như Trường Thanh, Randy… và rất nhiều ca sĩ ở Houston. Ghế ngồi do các em cháu “Lend A Hand” sắp xếp. Đã vậy còn có những hội cựu quân nhân Mỹ -Việt tặng thức ăn, nước uống thả dàn.


       Bên trong hội trường Ocean Palace, lúc 7 giờ chiều, cũng đã khai mạc buổi dạ tiệc, với một thành phần khách mời “chọn lọc”.
USAF MAI  Nguyễn-USN Đại úy TÍN TRẦN-USN Đại úy LAURA LE-USN Thiếu tá CHRIS PHAN
MC VIỆT DZŨNG và Th/tá CHRIS PHAN

     Chương trình đã được US Navy Thiếu tá Chris (Chinh) Phan điều khiển cùng Ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Phần chào cờ ngắn gọn nhưng rất trang nghiêm, bản quốc ca Việt nam được toàn thể những người có mặt trong hội trường cùng cất tiếng hát, âm thanh quyện chặt vào nhau vang rền cả hội trường, như đang tạo nên một sức mạnh tiềm tàng, khác hẳn mọi lần chỉ vài ca sĩ ôm mi-cờ-rô lãnh xướng.

      Sau bản quốc ca Hoa Kỳ là một phút mặc niệm im lặng hoàn toàn, nếu con ruồi bay qua cũng nghe thấy được, thật đúng với ý nghiã để người sống có lời cầu nguyện dành cho người đã khuất, hoặc đang bị giam cầm tù tội hay thất lạc ở chốn nào? (khác hẳn với những buổi lễ trước đây do nhiều hội đoàn tổ chức, đã là “phút mặc niệm-A moment of silence” mà ồn ào, nào nhạc rú gọi hồn, nào ngâm thơ vang dội cả đến năm phút đồng hồ cũng chưa xong)

       Lần đầu tiên những người Việt nam tị nạn được chứng kiến một giờ phút “tưởng niệm” dành cho những quân nhân thuộc diện POW-MIA với song ngữ Mỹ-Việt (do Th/T Chris Phan và Việt Dzũng dẫn giải, USN Đại úy Tín Trần sắp xếp).

       Ở đó, hai người Sĩ quan đứng trong tư thế nghiêm, đang hướng về nơi chiếc bàn nhỏ, chỉ có một chỗ ngồi, dành cho một “tù nhân” nhỏ bé, bị “yếu thế” trước kẻ thù, một chiếc ghế trống không người ngồi, trên bàn trải một tấm khăn trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, tâm hồn trắng trong của người chiến sĩ, sẵn sàng phục vụ cho Tổ quốc. Một đóa hồng lẻ loi, đơn độc, màu hồng tượng trưng cho màu máu của những chiến sĩ, và đóa hoa là sự tin tưởng rằng họ sẽ trở về.





        Một ngọn nến lung linh, là nguồn sáng hy vọng. Một ru-băng màu vàng, là niềm tin người về không thiếu sót một ai. Một cái ly úp ngược xuống, rằng người chiến sĩ đã không thể uống cạn chén với đồng đội đêm nay. Một lát chanh để trên một cái đĩa nhỏ, nói lên dùm số phận đắng cay, chua chát của người chiến sĩ, và những hạt muối rắc lên lát chanh kia, là những giọt nước mắt của người thân, của gia đình rớt xuống hằng giờ để chờ đợi bóng người chiến sĩ trở về… Cảm động vô ngần dưới ánh đẻn mờ ảo, nên khi đèn thắp sáng, những bàn tay đã vội quẹt ngang vầng mắt.


          Những người dân bản xứ đã giúp vui bằng những màn vũ với tiếng hú như tiếc thương , hối tiếc một thời tung hoành ngang dọc trên một xứ sở rộng mênh mông, mãi đến khi có bóng dáng người da trắng xuất hiện. Trong chiến tranh VN, họ cũng đã hy sinh cả hàng ngàn con cháu của nhiều bộ tộc.





       Chương trình văn nghệ do các em, các cháu trong “Lend A Hand” biểu diễn thật sống động, nên nhận được nhiều tràng pháo tay không dứt, xen kẽ với những lời phát biểu, tặng Plaque lưu niệm của nhiều Hội đoàn, dân biểu, quân nhân Mỹ-Việt được mời do trưởng ban Tổ chức D/S Diệu Thảo điều hợp,.

        Một màn đốt pháo bông sáng rực cả một khu vực sinh hoạt sau khi mọi chương trình đã kết thúc. Tiếc rằng, lá cờ Việt nam được đốt lên từ đầu, nhưng vì đặt quá thấp nên nhiều người xem đã không thấy được. Những tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt dành cho BTC . Người đi xem ra về vẫn còn xuýt xoa khi tiếng hát của ca nhạc sĩ Việt Dzũng từ trên khán đài còn vọng lại với những bản hùng ca.

Xin cảm ơn Ban Tổ Chức, những người trẻ và rất trẻ, nhưng đã tổ chức, điểu khiển mọi sinh hoạt nhịp nhàng, xuôi chèo mát mái, khiến “Ông Trời” cũng thương tình, dành một ngày nắng êm, không mưa, chỉ gió nhẹ, để người đi xem không thấy nắng đầu và không chảy một giọi mồ hôi, dù ngồi mấy giờ đồng hồ ngoài trời cũng không thấy mệt.

Một người Vợ Lính và Mẹ Lính, rất hãnh diện về thế hệ con cháu của mình.
Lê thị Hoài Niệm

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

TÂM CẢM

Sáng nay, tình cờ nghe đài phát thanh phát đi từ nước Pháp (RFI), có đoạn xướng ngôn viên phỏng vấn “nhà nghiên cứu Nguyễn đắc Xuân” về vụ Bát Nhã ở bảo lộc Lâm đồng. Ông ta nói.. “ngày trước dưới chế độ “Thiệu”, khi quân lính tấn công vào chùa ở Huế, ông đã lãnh đạo một số phật tử đánh trả lính VNCH, còn bây giờ thì các em, các cháu chỉ biết cầu nguyện, ông rất phục và ông là một đảng viên cộng sản, có bổn phận phải bảo vệ họ”.

Ai không biết NĐXuân là một trong những tên “đồ tể”, đã đưa VC vào để giết hại gần sáu ngàn đồng bào tại Huế trong dịp tết Mậu thân, bây giờ ngồi một chỗ để “bảo vệ” những tăng thân làng mai Bát nhã, không biết ông bảo vệ bằng cách nào ? Chẳng lẽ cũng ngồi cầu nguyện như những em, những cháu mà ông …phục?.

Quào, nếu cầu nguyện mà linh thiêng thì tại sao ngày trước NĐX phải dùng tới sức người, tới vũ lực để …đánh trả lại Lính VNCH? Có lẽ tại hồi đó lính VNCH quá hiền, lại có tình người, có "tâm", không nỡ “đàn áp “ cái bọn phá rối nhưng mang tượng Phật ra làm bia đỡ đạn, bọn “ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản” , vì dù sao chúng cũng là “đồng chủng”! chỉ khác là bọn chúng không có óc nhận xét,không bao giờ biết phân biệt đúng hay sai.

Nếu cầu nguyện “linh thiêng”ở chế độ này, tại sao các tăng thân làng mai tu viện Bát nhã lại bị ‘đuổi “ ra khỏi chùa, đã vậy , tới trú ngụ chuà phước Huệ cũng đang bị đuổi luôn? Để đến nỗi “giáo sư Nguyễn Lang” ( bút danh của Nhất Hạnh) phải viết thư kể công với Tên cộng sản Nguyễn minh Triết nhỉ?
Có phải chăng vì bọn cộng sản vô tâm? loại chuyên môn “ăn cháo đập bát”, dụ được thiền sư Nhất hạnh “giải oan” cho chúng, giờ chúng hết bị…oan rồi nên hất cẳng Thiền sư một cách ngon ơ!

Không biết đến một lúc không còn “cầu nguyện” được linh thiêng nữa, ông NĐX có dám bảo vệ các em , các cháu bằng cách …nhào ra đánh Công an cộng sản không nhỉ? Hay là chưa ra tới nơi đã bị chúng thộp cổ, còng tay tẩn cho một trận vì tội…phá rối cách mạng, âm mưu lật đổ nhà nước! Chỉ còn một cách là câm mõm lại, ăn năn niệm Phật là vừa. chế độ này dã man, tàn ác, độc tài, vô nhân đạo, chứ đâu có dễ dãi, tự do, có 'tình người" như thời VNCH!!!