Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

TÌNH ẤY BAY RỒI

Ảnh internet
















Buổi chiều tôi đón chị ở phi trường. Chị đến thăm và sẽ ở chơi với gia đình tôi khoảng hai tuần lễ trong thời gian ba tháng chị viếng thăm xứ Mỹ. Chuyến bay đến đúng giờ, người xuống gần hết nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng chị đâu. Dõi mắt kiếm tìm, mắt tôi đụng tia nhìn từ đôi mắt một người đàn bà Á đông đã đứng sẵn trong lối nhận hành lý. Chị vẫy tay, tôi ngờ ngợ, chị đó sao?

Tôi không ngờ chị đổi thay nhiều quá: người nhỏ đi, khuôn mặt túm rụm lại, mái tóc thì xơ xác. Tôi giật mình và xót xa cho sự xuống sắc diện nơi con người chị. Nhưng lối nói chuyện nhát gừng từ những ngày sau tháng tư năm đó vẫn còn đâu đây:
-Tới lâu chưa? Máy bay hạ cánh rất đúng giờ.
-Em sợ chị đi lạc, nên đến sớm mà vào trong đâu có được, cứ lẩn quẩn gần đây mà lại..vuột mất chị.
-Theo người ta mà, tiếng tây tiếng u dốt, nhưng con mắt còn lanh, chị cười hì hì sau câu nói. Rồi tiếp:
-Thấy thay đổi nhiếu quá, có giật mình không?
Tôi cười. Trời! chị đoán đúng quá, nhưng ngại nói ra.


Trên xe về nhà, chị nói ít, vẫn những câu không chủ từ gì cả
-Cảm ơn đã mua vé đón về đây chơi. Bạn bè như thế này quí hoá quá!
Tôi hỏi thăm về những ngày ở trên đất nước Mỹ vừa qua, khơi nguồn cảm hứng cho chị bắt đầu trải lòng ra một chút:
-Từ bữa qua đây ở với cậu Tính, cũng có đi thăm mấy nơi, mấy cuối tuần cậu ấy được nghỉ. Nhưng chị em lâu năm không gặp lại nên cũng thấy sao sao. Trời ơi xứ Mỹ văn minh quá, chỗ nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ, nhà nào cũng ngon lành, xe cộ sáng trưng mà chạy có đường có lối, không loạn cào cào như bên mình, nghĩ mà ..
Chị bỏ lửng câu nói, tôi tiếp lời:
-Chị đã gặp lại người bạn năm xưa nào chưa?

Chị nín lặng một hồi, tôi biết đã khơi lại một niềm đau nào đó nên chị chưa muốn nói. Tôi lặng lẽ lái xe về nhà và chị đang dõi mắt nhìn quang cảnh hai bên đường đang bỏ lại vùn vụt phía sau, không biết chị có nhìn thấy gì hay đang tưởng tựợng về một cuộc gặp gỡ, nếu có thể xảy ra trong một vài ngày tới, nơi thành phố tôi đang ở, mà chị sẽ là nhân vật chính..

Sau những ngày tháng tư buồn. Không phải một mình chị buồn mà tất cả mọi người miền Nam lúc đó, nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhất là những người vợ Lính.

Khi tôi đang lúi húi nấu bữa cơm chiều với những hạt gạo mốc vừa mua được từ cửa hàng lương thực. Chị trở về thành phố và đến nhà tôi chơi, lại đòi ở lại ăn cơm chung. Tôi hơi ngại không muốn mời, vì biết chị không thể nào nuốt nổi những hạt cơm như thế. Nhưng chị cười:
-Bây giờ ai cũng giống nhau mà, phải cố gắng “khắc phục” thôi.
-Nhưng chị khác, chị có “tiếp tế lương thực” từ bên ngoài, của Anh.
-Ừ, thì cũng nhờ đó mà chị đỡ khổ. Em đã biết anh mà, anh thương và lo lắng cho chị đủ mọi thứ từ ngày anh chị kết hôn, bây giờ xa nhau anh càng lo lắng hơn nhiều. Chị nhớ thương anh quá mà chưa biết chừng nào gặp lại?
-Nhưng em vẫn thắc mắc tại sao ngày đó chị không đi với anh?


Tự nhiên chị bật khóc, ban đầu chị hơi sụt sịt, bỗng chị ôm mặt khóc oà làm tôi phát hoảng.

Một hồi lâu như vơi bớt niềm u uẩn, chị vừa nói trong nước mắt.
-Cũng tại chị một phần. Chị hối hận lắm lắm. Buổi sáng hôm đó anh đi vào đơn vị, nhưng đã dặn trước chị mọi điều với tình huống xấu nhất xảy ra, nhất lá mấy ngày qua nhiều chuyến máy bay di tản gia đình vợ con Lính đi quá nhiều. Anh cũng lo sợ lắm, có điều không thể đem chị theo vào phi trường được, nên cứ dặn hờ, nếu có gì bất trắc xảy ra, anh sẽ về đón chị, lỡ không được nữa, anh sẽ đón bằng trực thăng nơi điểm hẹn.
Trước khi đeo túi bay lên vai, ra xe rồi anh vẫn còn dặn đi dặn lại chị phải đến đúng giờ ở chỗ hẹn gần nhà đèn có bãi đất trống, lại không phải là địa điểm quan trọng nên mọi người ít chú ý, nơi Trực thăng có thể đáp và bốc chị đi ngay. Nhưng chị cứ vùng vằng nửa ở nửa đi, cứ nghĩ đến Mẹ Cha đang từ ngoài kia chạy lánh nạn vào đây bỏ lại sao đành. Đến khi Má chị thúc hối đi nhanh lên gần tới giờ hẹn rồi, chị mới quyết định xách túi hành lý nho nhỏ nhờ thằng Tâm chở chạy, thì em ơi, đường sá nghẹt cứng rồi, em của chị lái chiếc Honda lách luồn rồi cũng đến nơi hẹn, nhưng đến để mà đứng chết trân, nhìn theo chiếc Trực thăng cứ bay vòng vòng trên đầu mấy lần mà không thể nào đáp xuống, vì số lượng người đứng chen chúc dưới đất quá đông, ai cũng muốn mình có một chỗ trên chiếc tàu cứu mạng đó. Để rồi cuối cùng chiếc trực thăng với tiếng kêu xành xạch, xành xạch sà xuống thật thấp rồi nặng nề buồn bã nhấc mình lên như đang bịn rịn, luyến lưu không muốn rời xa, nhưng bắt buộc phải nói lời từ giã với đám người đang la hét, kêu khóc, buồn rầu thất vọng đứng chật nơi đám đất nhìn theo, không hy vọng có ngày gặp lại.

Hai chị em chị ra về mang cùng một tâm trạng buồn lo và sợ hãi. Vừa lo cho anh và sợ hãi ở chính bản thân mình. Và những ngày sau đó thì cuộc sống chị em mình cũng có phần giống nhau. Đều là những người đàn bà độc thân tại chỗ, đều vắng xa chồng, vừa bương chải lo cho cuộc sống mới, có người phải lo nuôi con lẫn cha mẹ già, lại cứ phải dệt thêm bộ lông nhím bao quanh mình để tự vệ. Chồng em đi tù dù không biết ngày về nhưng biết phải đi, còn chồng chị đi đâu, về đâu, sống hay chết đều bặt vô âm tín. Mãi đến một hôm.
-Mừng quá trời chứ gì? Đoạn này em biết rõ, lúc Bác gái trong ấy về kể cho em nghe, khi chị được tin anh, chị mừng hét toáng lên thiếu điều bức tường nhà nức ra luôn. Chị cười hì hì, có vẻ bẻn lẽn thố lộ:
-Cha mẹ sinh lại chị lần thứ hai mà!. Suốt một thời gian dài như chết đi giờ sống lại mà không mừng hả? Lại được anh tiếp tế cho chút đỉnh để sống còn sao không vui mừng hả em?
-Lêu lêu vừa khóc vừa cười ăn mười….

Chị đập vào lưng tôi một cách trìu mến, người bạn đã chia xẻ buồn vui với chị trong thời gian khốn khổ vừa qua.

Đầu những năm 80, phong trào vượt biên nở rộ, cùng lúc có những cuộc ra đi rất huy hoàng của những gia đình có người thân nước ngoài bảo lãnh. Chị về lại thành phố ở luôn, vẫn liên lạc với anh và cũng nôn nao chờ đợi được gọi đi phỏng vấn để đoàn tụ với chồng.

Niềm hân hoan luôn hiện trên nét mặt. Chị yêu đời, chị xinh xắn hơn, chịu khó sửa soạn quần áo với những xấp vải ngoại của anh gửi về, một ít phấn son chị có cũng đem khoe với tôi, thỉnh thoảng chị biếu tôi chai dầu xanh, món quà quí hiếm thời đó làm tôi cảm động vô cùng. Bạn bè, nhất là những người có chồng đi tù về, nghèo xơ nghèo xác, rất ao ước và thầm mơ được ở vào hoàn cảnh của chị.

Bẵng đi một thời gian, chị đến nhà tôi, ngồi thừ một đống, như kẻ mất hồn, cặp mắt nhìn lơ láo, thất thần. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, ngỡ ba má chị có chuyện buồn, nhưng phân vân chưa dám hỏi, vì đâu có nghe họ bị bịnh đau gì…
-Bộ Hai bác bên nhà có việc…?
-Không sao!
-Hai bác bình yên, em mừng, ủa bộ chị có chuyện gì hả?
-Mất sạch! mất hết! Hết thật rồi!

Tôi hốt hoảng, cứ ngỡ ăn trộm vào nhà chị. Nhất là mấy thời gian sau này, trộm cắp nổi lên nhiều lắm, người ta nghèo đói quá mà, cái ăn vẫn làm cho con người tốt trở thành xấu như lật bàn tay sấp ngửa. Nhớ những ngày “quân giải phóng” mới vào thành phố, người nào bị bắt vì tội ăn cắp vặt thôi chứ đừng nói vào nhà ăn trộm, cứ bị đem ra “xử bắn” ngay ngoài bãi biển, mặc dù có vợ con, cha mẹ quì lạy van lơn xin xỏ, ngay cả những người bị mất cắp cũng nhủ lòng thương lạy lục xin tha, vậy mà xử bắn vẫn là việc “bộ đội” đã nhẫn tâm làm. Một phát súng nổ, một mạng người ngã gục trước mắt nhiều người, thân nhân cũng không được quyền khóc. Người ta sợ sệt một thời gian, nhưng khi đói thì đầu gối bò đi …ăn cắp tiếp tục. Và nhà chị, có người thân ở nước ngoài chắc là mục tiêu của bọn họ. Nhưng không..
-Đồ phản bội! Đồ ăn cướp!

Ngồi nghe chị chửi mà không hiểu đầu đuôi gì cả. Chị chửi ai? Ai ăn cướp? chắc chắn không phải mình. Cuối cùng chị bật khóc, chị khóc còn thảm thiết hơn lần chị hụt chuyến bay anh đón chị năm nào. Thì ra, người chồng yêu quí, chị nôn nao chờ giấy bảo lãnh để chồng vợ có nhau, đã có người đàn bà khác sống kề bên thế chỗ, và đó lá lý do anh không thể nào làm đơn bảo lãnh cho vợ. Đúng là đoạn cuối cuộc tình bi thảm. Tâm tính chị trở nên bất thường và nói chuyện nhát gừng từ dạo đó.


-Nhà đẹp! có bãi cỏ cũng đẹp!
-Đẹp thì có, nhưng cũng cực lắm chị ơi, phải tưới nước bón phân đều đều. Chị mà lỡ để cỏ cao một chút là có giấy cảnh cáo gửi tới nhà ngay.
-Chắc đây là lần đầu và cũng là lần cuối được gặp lại em út, bạn bè. Nhờ các em, chị được mở mắt và nhìn thấy quá nhiều cái hay cái đẹp, sự văn minh tiến bộ xứ người, có điều….phải chi..
Tôi nghe có tiếng thở dài sau câu nói, vội đánh trống lảng:
-Chị đến chơi cũng gần đúng vào dịp Tết ta của mình, nên em xin nghỉ phép nguyên hai tuần luôn, sẽ đưa chị đi nhiều nơi để xem cho biết, và hưởng một cái tết xứ người, để xem chị có cảm tưởng như thế nào.
-Cảm ơn trước! tốt quá, ước gì…..

Một buổi tối, sau bữa cơm, chuyện vãn thế sự một hồi, tôi thấy chị cứ nhìn chiếc trực thăng đồ chơi (toy) mà chồng tôi để trên nóc tủ, chiếc máy bay vô hồn nhỏ xíu hình như đã đưa chị trở về một khoảng thời gian đẹp đẽ nào đó trong quá khứ, những kỷ niệm khó quên, nên chị đứng lên và ngần ngừ hỏi chồng tôi có thể cho chị được không? Chị mân mê món đồ vật vô tri rồi nói chuyện như đang nói với chính mình

-Tình ấy bay rồi! Tình ấy bay rồi! Hồi tưởng lại lúc được ngồi ké trên trực thăng do anh lái bay về nhà cha mẹ để ăn tết. Hãnh diện, lo sợ và thích thú làm sao! Những giờ phút được đi trên mây cùng anh. Biết đến bao giờ…?

Dù không muốn khơi lại nỗi đau trong chị, nhưng tôi cũng muốn chị có quyết định cuối cùng trước khi về lại chốn xưa âm thầm lặng lẽ sống chờ ngày nín thở xuôi tay. Tôi mạnh dạn đưa ý kiến:
-Chị có muốn gặp người ta một lần không? Em sẽ cố gắng tìm cơ hội, nhưng hình như bà vợ sau này ghen nổi tiếng đó.
Nín lặng một hồi, bổng chị bật cười, lúc đầu nho nhỏ, rồi cười khan làm tôi chưng hửng.

-Có thấy ai đi đánh ghen lầm chưa? muốn nghe kể không? Hình như chị cởi mở hơn trong lối nói chuyện so với ngày mới đến.
-Gì nữa đây, chị không đi đánh ghen thì thôi, làm sao thấy người khác? Tôi cũng vừa nói vừa cười.
-Chuyện trong khu cư xá Sĩ quan KQ hồi nẳm ấy mà. Vui lắm, cũng tại cái tên và giọng nói ba miền.
Hình như quá khứ gợi lại trong chị nhiều kỷ niệm vui, tôi khều thêm tâm sự:
-Hấp dẫn à nha, chị chứng kiến chuyện đó hả?
-Hồi đó có giờ rảnh, chị hay vào khu cư xá thăm vài người bạn. Một bữa đang ngồi chơi, thì nghe bên ngoài rần rần, có nhiều tiếng nói cười xôn xao, giọng mấy ông thì ít mà mấy bà thì nhiều, hình như mấy căn cư xá phía bên kia đều mở cửa chạy qua. Bọn chị cũng ào ra, thì mới hay có một vụ suýt…uýnh ghen lầm người, mà những “ hung thủ ” là quí phu nhân của các ngài …Pilot, vừa trở về sau trận chiến…không đánh mà bỏ chạy.

-Cái gì đi đánh ghen mà lầm là sao?
-Bốn bà, mặc quần “ống pat” đủ màu, áo thun bó sát người, chân đi đôi dép “sa-pô”. Tất cả ngồi trên một chiếc xe zeep do anh tài xế của ngài quan Tá nào đó làm việc bên quân tiếp vụ lái đi….hành quân, mà “chỉ huy trưởng” là bà vợ của quan ngài từ trong Sài gòn ra. Lý do: ông Tá tù ti tút tít với một nàng tên H nào đó. Nhưng khổ nỗi, vì bà nói giọng miền Nam, nên phát âm chữ H đầu thành chữ Q. Một pi-lot phu nhân lanh chanh, nghe ba chớp ba nháng, chỉ rõ trong khu cư xá gia binh bên trong cổng trại có người đàn bà tên đó. Thế là đoàn quân trực chỉ đi đến mục tiêu, quyết chí phen này tìm cho ra cái …“con khốn nạn giật chồng bà!” để tẩn cho một trận nên thân, cho bỏ cái tật giật chồng người.

Nhưng khi đến nơi gõ cửa với thái độ quyết chí “ăn tươi nuốt sống tình địch”, người nào cũng đứng chống nạnh xăn tay áo chờ đợi mần thịt con mồi, lành chớ ông Trung uý KQ chủ căn nhà mở cửa thò đầu ra giới thiệu tên Q. đây, hỏi chuyện chi mà ồn ào thế, cùng lúc bà vợ ông ở dưới bếp cầm con dao đang xắt thịt lở dở nghe ồn ào đi lên. Bà Tá thủ lãnh tái mặt, vì người trước mặt hoàn toàn không giống tí nào với người trong ảnh mà bà có, mà trên tay lại còn cầm con dao cứ múa tới múa lui. Bà Tá hoảng kinh bỏ chạy thụt lùi ra phóng tuốt lên xe, mấy bà kia cũng lót tót chạy theo thiếu điều sút dép. Trong khi ông Tr/U Q. thì không biết gì cả, ngơ ngác hỏi với theo với giọng miền Bắc: Này chuyện chi thế? Chuyện chi thế nhỉ?

Trời ạ, cũng tại cái tên bắt đầu bằng phụ âm H. đẹp đẽ mà mấy bà cứ gọi …cu(Q) tuốt luốt nên mới ra nông nỗi.
Bốn bà vừa kể lại cho bọn chị nghe mà vừa cười sặc sụa làm mọi người cũng cười theo gần bể bụng. ..Một chuyện đánh ghen để đời trong khu cư xá hồi nẳm.
-Hồi đó ở cư xá coi bộ vui quá chị há?
-Thời buổi chiến tranh mà, có chồng Lính mà không có việc chi làm thì phải theo chồng mà sống, không nhiều tiền thì xin cư xá mà ở. Lính nào cũng lo nhưng lính không quân bọn chị càng lo bạo. Buổi sáng tiễn chồng đi ra xe, có người cũng đi làm việc, nhưng có nhiều bà chỉ ở nhà chờ chồng, hồi hộp và lo sợ, lo sợ nghe báo tin …tàu vừa bị bắn! Nhiều lúc rảnh rỗi quá hổng có chuyện chi làm, nên cũng xảy ra nhiều chuyện vui lắm, nhờ vậy mà những giờ phút chờ đợi qua mau. Dĩ nhiên cái gì rồi cũng qua, chỉ còn lại tình nghiã sau bao năm tháng chất chồng, vậy mà…..

Nhìn chị ngồi nhớ lại chuyện xưa, tôi thật sự chạnh lòng. Tôi gợi ý muốn chị có một cuộc gặp gỡ với người đã bỏ quên tình nghiã lại đằng sau. Dù gì anh ta cũng ở trong thành phố này, cũng rất ăn nên làm ra. Bà vợ làm chủ một tiệm cắt tóc, ông trông coi một tiệm bách hóa không nhỏ với mấy người phụ giúp. Nhưng chị cứ vùng vằng, giằng co, lo sợ đủ điều.

-Tới đây rồi Chị lại không muốn gặp nữa. Chị không muốn anh ấy nhìn thấy chị sa sút như thế này đâu, không muốn…..
-Tại chị sống với …Việt cộng mà, cuộc sống kham khổ thiếu trước hụt sau, cũng phải lao động quần quật mới có cái ăn, làm sao so sánh với mấy người ở xứ văn minh, giàu có, dù phải làm việc nhưng vẫn sung sướng gấp trăm lần!
-Nhưng rồi gặp để làm gì? Anh ấy đã chọn con đường cho riêng mình, sống yên ổn với vợ con. Vơí chị chỉ còn là quá khứ, chắc gì anh ấy đã nhớ vì từ lâu lắm đã im bặt mọi thư từ liên lạc rồi mà.

Ừ nhỉ! chắc gì anh ấy đã nhớ hoặc có khi không muốn nhớ?. Ở đây, ngoài chồng chị, tôi cũng còn biết mấy người cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngày “tan hàng tháo chạy”, nhất định đòi leo xuống tàu trở về để gặp lại vợ con, sống chết có nhau. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, đã ôm tình yêu khác, mãi đến bây giờ, Vợ con sống chết ra sao không cần biết đến, vì người đàn bà sau cấm đoán, và ông thì …chìu vợ cho nhà yên cửa lặng, chỉ khi nào gặp bạn rồi uống rượu thật say mèm, mới gục đầu khóc và nhắc chuyện nhớ vợ thương con..

Với chị, trong nhiều thư viết cho tôi, vẫn ao ước có cơ hội gặp lại người chồng cũ một lần, để được gục đầu trên vai người mà… khóc cho vơi những nỗi niềm u-uẩn chồng chất bấy lâu. Nhưng khi đến gần thì lại như quá xa xăm, ái ngại đủ điều, lo sợ vu vơ, mặc cảm ngay cả sắc diện của chính mình. Còn lo cho người ta gặp khó khăn trong cuộc sống nữa. Thật khó hiểu.

Ngày tôi đưa chị ra phi trường về lại nhà Tính, để trở về quê hương sống nốt những ngày buồn bã còn lại mà lòng vẫn thấy nao nao.
Nhìn dáng chị đơn độc nhỏ nhoi lủi thủi bước đi qua lằn ranh giới hạn người đưa tiễn, tự nhiên tôi bật khóc. Thương cho hoàn cảnh chị, hoàn cảnh nghiệt ngã của những người đàn bà sinh nhằm thời chinh chiến, đến khi không còn lửa đạn binh đao lại bị chồng bỏ rơi một cách tức tưởi, nhưng vẫn ôm ấp hình bóng người xưa mà không một lời trách móc. Văng vẳng bên tai tôi là những lời cam phận chịu đựng của chị trước đêm từ giã: “….Cuộc đời này vô thường em ạ, có đó rồi mất đó, mỗi người đều có một số phận. Thôi thì số phận của chị chỉ hưởng được có ngần ấy ngày hạnh phúc với chồng, nên chị trân quí nó cho đến ngày nhắm mắt. Chị đến được nơi này, một lần, gặp lại các em và những người bạn thân tình, nhìn và thấy được những điều hay, nét đẹp, sự văn minh….,chị cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, âu cũng có sự phò trợ của ơn trên. Kỷ niệm đẹp mấy rồi cũng chỉ là kỷ niệm, khơi lại làm gì khi vết thương liền mặt đã lâu . …Phải cố quên thôi, cứ coi như tình ấy đã bay rồi
Mùa Xuân 2011.
Ảnh internet

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

TẠ ƠN

Ngày lễ Tạ ơn qua rồi trên đất Mỹ
Đọc bao lời thơ thú vị của Thi nhân
Lời tạ ơn đến tất cả những người thân
Đến bè bạn, ân nhân và ….Thượng đế!

Những mỹ từ được dùng nhiều vô kể
Những …ơn em như trời bể mênh mang
Ơn Mẹ cha lời cảm tạ muộn màng
Ơn Thầy giáo, ơn Quốc gia cứu nạn!

Những ân tình giúp ta khi hoạn nạn
Lời tri ân đâu phải đến hôm nay
Nhưng bởi ta đã ở đất nước này
Nên cảm tạ “Lễ Tạ Ơn” truyền thống.

Xin Tạ ơn tình người như biển rộng
Đến những người chiến sĩ chống quân gian
Những người hùng không quản ngại nguy nan
Để bảo vệ sự bình an cho đất nước.

Lời cảm tạ từ lâu chưa nói được
Tưởng dễ dàng nhưng vướng vấp tựa trèo non
Đại diện gia đình Mẹ xin Tạ ơn Con
Đến con gái, những đứa con yêu quí.

Con gái lớn, tâm hồn tràn nghiã khí
Tuổi vào đời, đã chọn nghiệp binh đao
Đời Lính gian lao, Con vẫn tự hào
Thay cha mẹ đáp đền ơn nước Mỹ.

Con gái út cũng noi gương cuả chị
Thiện nguyện giúp người tự ý từ tâm
AMERICORPS, những “chiến sĩ âm thầm”
Đem ánh sáng, ấm no cho người khốn khổ.

Lời Tạ ơn, Mẹ thành tâm thổ lộ
Đường các con đi mẹ ủng hộ hết lòng.
Ngày lại qua ngày Mẹ vẫn cầu mong
Cho thế giới HÒA BÌNH, người người HẠNH PHÚC!!!!

Xem trước

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

MƯA CHIỀU








Mưa chiều tí tách rơi 
Gõ xuống những mạch đời 
Khơi lòng người viễn xứ
Giọt sầu lên chơi vơi 

Mưa chiều đường sũng nước
Đôi chân bước ngập ngừng 
Sợ đạp nhằm hồi ức 
Một chiều mưa xa xăm 

Mưa chiều, mưa lạnh căm 
Không gian đắp chăn nằm 
Dấu mình tìm hơi ấm 
Phố buồn, Người đến thăm  

Mưa chiều thật dễ thương 
Muá vũ khúc Nghê thường 
Bỗng trầm từng bong bóng 
Thành tình ca du dương 

Mưa chiều nép bờ tường 
Lén nhìn đôi uyên ương 
Chụm đầu cười rúc rích 
Chan hòa mộng yêu đương  

Mưa chiều buồn vấn vương 
Người từ giã lên đường 
Khoác vai màu áo trận. 
Ngăn cộng, giữ  quê hương.                

Mưa chiều ôi thê lương! 
Tin dữ từ chiến trường 
Oai hùng! Người chiến sĩ 
Hy Sinh. Đời tiếc thương 

Mưa chiều chốn tha phương 
Mưa xóa sạch bụi đường 
Có cuốn trôi tâm sự 
Nhân sinh cõi vô thường? 

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Ngày ấy, bây giờ















Tuổi trẻ đã qua một thời
Mong sao cho được cuối đời bên nhau
hạnh phúc , sung sướng, sang gìàu(?)
Cũng không níu lại được màu thời gian!

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Vịnh Văn Phong


















Đường về xứ Vạn xa xôi
Xin cho tôi gửi đôi lời nhớ mong
Hôm nào trên vịnh Văn Phong
Biển xanh, mây trắng mênh mông ngút ngàn
Quê ta biển bạc, rừng vàng
Dân nghèo vẫn sống cơ hàn quanh năm?




TÂM TÌNH
Vinh Hồ

Người Bà Con ơi xin đừng buồn nữa!
Nếu có buồn, chỉ một mình tôi thôi
Đừng buồn người ở tận cuối chân trời
Là Xứ Vạn, sông Hiền Lương êm ả
Cùng mạch đất băng qua đèo Cổ Mã
Chạy đến Hòn Hèo, Rọ Tượng, Cam Ranh
Vịnh Vân Phong, Dốc Lết nước trong xanh
Ngọn gió biển qua Nha Thành mát lạnh
Qua ngôi trường có con đường rợp bóng
Của những ngày xưa ba chúng ta qua
Mơ một ngày đất nước tự do, và
Quy cố quốc, gặp nhau ngoài bãi Trũ
Hay trên Vọng Phu có nàng chinh phụ
Chờ chồng sau một cuộc chiến tranh dài
Nhìn sông Dinh lờ lững giữa chiều phai
Rồi tấm tắt quê hương mình đẹp quá!
Nhưng chúng ta vẫn còn nơi xứ lạ
Nỗi buồn càng cao như núi, như non
Không đường về trong danh dự, hân hoan
Kiếp lưu lạc tím vàng mùa lá rụng
Sống lây lất từng ngày trong vô vọng
Mượn vần thơ buồn bã đổi thành vui
Sáng sáng, chiều chiều viết gởi đến người
Lại hy vọng, rồi âm thầm chờ đợi
Cảm ơn thơ, cảm ơn người, dịu vợi
Đã cho tôi tiếp tục sống, làm thơ
Để quên đi đời cơm áo ơ thờ
Và chịu đựng những mùa đông băng giá.
Vinh Hồ
11/10/10










Dưới chân đèo Cổ Mã

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Thơ TIỄN BẠN

TIỄN BẠN

Buồn quá! vừa nghe điện thoại nhà
Bạn hiền thuở nhỏ đã lìa xa
Người đi chốn ấy buồn thương tiếc
Kẻ ở phương này nhớ thiết tha
Tuổi trẻ hy sinh cho lý tưởng
Thân già cam phận chịu phong ba
Nén nhang khấn nguyện hồn siêu thoát
An lạc thân tâm chốn Phật Đà.
Lê thị Hoài Niệm

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Bài xướng :NGƯỜI LÍNH GIÀ

BÀI XƯỚNG

Người Lính Già Chỉ Còn Ngọn Bút

Nửa đời gắn bó với quê hương
Thời loạn đem thân gởi chiến trường
Nếm mật bảo toàn từng tấc đất
Nằm gai trấn giữ chốn biên cương
Chẳng may nước gặp hồi mạt vận
Vô phước nhà lâm cảnh đoạn trường
Mất hết chỉ còn đây ngọn bút
Xứ người vầng nguyệt khói sương vương.


Vinh Hồ
3/10/10



BÀI HỌA

NGƯỜI LÍNH GIÀ


Giật mình, tỉnh giấc, kiếp tha hương (?)
Nhớ quá ngày qua giữa chiến trường
Oai dũng xua quân giành mảnh đất
Hiên ngang đuổi giặc trấn biên cương
Nhà tan thất thế ôi cay đắng
Nước mất sa cơ thật đoạn trường (NXV)
Chiến đấu thân già nhờ ngọn bút
Anh hùng há để tháng năm vương?

Lê thị Hoài Niệm

THU VỀ GỢI NHỚ



Hoa Tigon trong vườn














Quanh ta trời đất giao mùa
Gió thu nhè nhẹ khẽ lùa qua đây
Lung linh giọt nắng trên cây
Mơn man cành lá đơm đầy nụ hoa
Mây vờn tận phía xa xa
Trời như đứng đó nhìn ta mỉm cười
Xốn xang ta tự hổ ngươi
Chợt quên chợt nhớ mấy mươi năm rồi
Thời gian ta đã gặp người
Trăng thu năm ấy sáng tươi chừng nào
Vầng trăng lơ lửng trên cao
Giúp ta lơ lửng trèo vào tình yêu
Ngọt thơm như kẹo hạt điều
Vi vu như tiếng sáo diều chiều quê
Tìếng yêu thánh thót lời thơ
Mát như nước suối đón chờ tay tiên
Nhưng rồi, thoáng chốc mất liền
Để rồi ta khóc triền miên tháng ngày
Giờ này thu lại về đây
Gợi ta nỗi nhớ hao gầy con tim
Kiếp sau chắc phải đi tìm
Hỏi người sao nỡ nhận chìm tình ta?????



Lê Thị Hoài Niệm

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

NGÀY VUI QUA MAU


Các bạn khóa 8, niên khóa 69-71












Thời gian vẫn làm cho người ta e dè, phải nhìn ngó lại nếu là một khoảng quá dài cho một đời người. Bốn mươi năm! Một con số thật lớn để những người bạn tuổi nhỏ năm nào phải ngỡ ngàng nheo mắt: Mày đó sao? -Ừ thì tao đây chứ ai! Mày lớp 4-tao lớp 2, tụi mình cùng chung một dãy nội trú đó..

Vẫn là mày tao mi tớ thân quen như những ngày xưa, lúc tuổi đời vừa đủ để bước chân vào ngưỡng cửa trường Sư phạm Qui Nhơn học làm Cô giáo!

Cuộc hội ngộ lần thứ mười chín tại nhà hàng Paracel của gia đình Sư phạm Qui Nhơn rất đông vui nhưng thật đầm ấm.
Ban tổ chức đã dành cho mỗi một khóa là một bàn riêng để các bạn tha hồ tâm sự. Từ các chị khóa một đến các em út của khóa 13. Con số 13 thật không may chút nào ở trường Sư phạm QN. Vì kể từ ngày đó, ngôi trường thân yêu đã thay tên, đổi chủ.











Khoảng không gian xa cách cũng làm cho những “cô giáo già mất dạy” phải ngại ngùng .Từ Houston sang Cali dự họp không là chuyện dễ, nên mười tám lần họp mặt của trường xưa, do các chị bên Cali tổ chức, những người ở xa như chúng tôi đành...chờ tin trên báo.











Nhưng kỳ này phải đi, chẳng lẽ những người bạn xưa phải vượt cả một đại dương đến được, mình chung một mảnh trời lại không thể đến được sao?. Tôi và Sửu, người bạn cùng một lớp đã về tham dự hội.
Hoàng Yến, cô bạn ngồi cùng phòng nhưng chỉ vào nội trú …chơi ké, đã đón chúng tôi đến Cali vào một buổi tối trời. Bạn bè gặp nhau chưa vơi tâm sự thì trời đã vào khuya.                                      



 

(Sương , Sửu, Dung , Tuyết)









Trời chưa bảnh mắt, Bích Ngọc-lớp 4, đã xuất hiện trước cửa phòng. Thế là nhập bọn, đi lòng vòng để chờ các bạn từ Bắc Cali xuống.Cuộc “tiền hội ngộ” bắt đầu khi Sương và Hạnh đến. Quào! người từ nửa vòng trái đất đến đây đâu khác kẻ ở bên này. Chị Hiếu- chị đầu đàn và cũng là cô giáo sư phạm thực hành, một thời bọn giáo sinh cũng sợ..sốt vó nếu đến giờ thực tập, nhưng hôm nay chị đến với đàn em trong tinh thần người chị cả bao dung, thân mật và dễ thương vô cùng, chị còn làm tài xế cho cả bọn thiếu…chân đi.

Buổi tối cả bọn còn gọi điện thọai về VN thăm hỏi những ngưòi bạn cùng lớp chưa có cơ hội gặp lại bao giờ. Kỷ niệm vẫn là những cuộc vui đáng nhớ!

Sáng chủ nhật, buổi hội ngộ chính thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa ngày 22 tháng 8 năm 2010..









 





Nhưng mới muời giờ là cả bọn đã nôn nao mong đến nơi cho sớm. Ban tổ chức buổi hội ngộ toàn là những người đẹp. Các chị đương nhiên phải đẹp!!!Phòng hội trang trí rất lịch sự, đẹp mắt. Các chị lại làm văn nghệ rất hay, múa quạt, múa nón gì cũng nhuyễn như hồi còn trẻ(?), dù bi chừ đã là Bà nội- Bà ngoại, có người mau mắn đã sắp vào hàng Cố!

Có điều quí anh sao…ít quá, cứ y như rằng mái trường Sư phạm năm xưa chỉ toàn là nữ giáo sinh. Thực sự khi đi học, ngay khóa của chúng tôi, nam nữ đề huề,năm lớp bên nam và năm lớp nữ, nên mới có giờ học cộng đồng, một lớp nữ ..cộng với một lớp nam, nên có khi cộng luôn..chỉ số! Vì ít Thầy giáo, nên hình như bữa đó quí anh Vũ Hùng, anh Học (từ VN sang) và vài anh nữa lỡ …quên tên, coi bộ nổi giữ!

Đặc san năm nay in đẹp quá chừng, lại dày cộm (nếu tôi biết không sai, thì phu quân của chị An đã có công rất lớn?). Ai cũng có trên tay, nhưng người xa chúng tôi không đủ chỗ để mang về nhiều vì  sức nặng của hành lý hạn chế. Duy có cái màn chụp ảnh thì vô cùng thoải mái, tha hồ chụp, từng khóa, từng lớp, từng bàn, người nào cũng nhanh chân chạy đến trước ống kính để còn có mặt mình trong đó đem về làm kỷ niệm.Chưa kể đến màn “tìm nhau trong kỷ niệm”. Nơi đây đã có cả vợ chồng cô bạn Liên “ốc tiêu” thường được tôi qua phòng nội trú….tập hát. Ừ thì ngày đó hầu hết đều vào ở trong nội trú mà, tên nào có nhà cửa ở ngoài, lâu lâu cũng phải vào nội trú để tìm niềm vui.

Thôi thì kể đủ thứ chuyện, chuyện vãn râm ran, đi tới đi lui, đôi lúc cũng ..quên nhìn lên trên sân khấu xem đang diễn đến mục nào ( xin lỗi quí chị nghệ sĩ nhé!), nhưng khi bạn Sửu của lớp hai, khóa tám chúng tôi lên trình bày màn “Hò Huế”, thì bọn tôi nín thinh theo dõi, và vỗ tay cổ vũ quá chừng chừng, ồn ào cả một góc. Nhưng đâu có sao, tình chị em cùng trường cùng lớp lâu ngày gặp lại phải vậy mới nhớ đời chứ!

Tiệc nào rồi cũng tàn. Nhưng tàn ở nhà hàng thôi. Mỗi nhóm chúng tôi còn kéo nhau đi chỗ khác nữa. Các bạn thổ địa cùng khóa như Vân, Trang, chị Khải Anh(7), Hồng, Ngọc, Yến…, cả chị Hiếu nữa, đã không ngần ngại mang thức ăn, nước uống đến chỗ ở của chúng tôi để tha hồ nhắc về kỷ niệm.




Hồng,Vân,Khải Anh (K 7, Tuyết(đứng)Sương,Ngọc(đứng)Trang,Sửu





Những nụ cười vui không tưởng khi Vân kể chuyện ngày xưa đi dạy học gặp ngài …tỉnh trưởng đến thăm trường mà cứ tỉnh bơ. Chuyện Yến kể trong trường có anh chàng theo dính cứng. Các bạn kể lại chuyện trong nội trú có…ma, chuyện những buổi trực nội trú cứ phải chạy mỏi giò, chuyện làm văn nghệ rồi được nhà trường đưa sang bên …Hải đội hai duyên hải( căn cứ Hải quân) trình diễn, để rồi các cô có mối dây cột chặt với các chàng Lính của sông nước hải hồ, ….Đúng là mỗi người một chuyện, buồn vui đều có cả, cười ha hả rồi nín lặng người khi nghe đến quãng đời buồn của các cô giáo sau ngày thành phố đổi tên,  nước nhà đổi chủ!

Để các bạn S.và H. về lại quê nhà có dịp “nổ” rằng mình cũng đã đặt chân đến chốn ăn chơi nổi tiếng xứ Mỹ, chúng tôi đã đi xe đò Lộc đến Lasvegas, và anh chủ xe đò tử tế đưa thẳng đến khách sạn Palm’s. Dù là một tài tử nổi tiếng của Hollywood, hay mấy chị giáo già của trường SPQN ngày nào cũng được đối xử ngang nhau, miễn sao có tiền, dù họ có đi xe Limo hay chúng tôi với những cái túi xách nilông xập xệ.

 Nhiều người vẫn bảo nhau đến chốn cờ bạc là chỉ có nước ….đóng tiền đèn. Chưa chắc! Nhóm chúng tôi cũng …kéo máy như ai, vui quá chứ. Nhưng nhờ “thần bài tôi” nghiên cứu cách chơi, mà tiền vốn bỏ ra chơi mãi lại lấy về đủ vốn, đến nỗi mấy nhân viên sòng bài, nghe tiếng…tiền rơi rổn rảng liên miên, cứ ngỡ kỳ này chủ casino phải mất thêm ít bóng điện. Nhưng họ phải lắc đầu cười vui, bỏ đi chỗ khác khi nhìn vào máy, thấy mấy chị đàn bà Á châu này chơi chỉ có …một cent! Ha ha ha.





Hạnh , Sửu, Tuyết, Sương







Buổi tối lại có dịp đi xem đèn, đúng là thành phố ánh sáng. Rực rỡ như hoa đăng. Sang Paris hotel để nhìn bầu trời đêm trong khách sạn. Đi xem múa nước trong hồ, xem hải tặc cầm gươm …uýnh lộn. nhiều và nhiều cái hay và đẹp nơi đó.


Về lại nhà chị Yến(khóa 7) lúc đêm về. Chị là chị của bạn Trần Tuyết, cô bạn cùng lớp rất thân tình, lại cùng ở Nhatrang. Chị nhớ em và quí bạn của em mình. Chị lo cho bọn bạn em đủ thứ, chị nhẹ nhàng,dễ thương và sống thật tình cảm. Chuyện vãn đến khi mắt mở lên không nổi mới chìm vào giấc ngủ muộn.

                               

Tuyết, H.Yến, Sương, chị Hiếu, Hạnh, chị Yến.


Ngày vui qua mau! Có đến rồi có đi. Họp rồi tan là lẽ thường tình. Chúng tôi về lại nhà mình mà tình còn vương vấn. Nhớ Hoàng Yến , Bích Ngọc, chị Hiếu, chị Yến..bèn gửi lời cảm ơn theo gió gửi về thêm vài lần nữa. Những người bạn, người chị tử tế và thân thương vô cùng.

Dĩ nhiên phải cảm ơn các chị An, chị Lợi, chị Nghiã, chị Thanh, chị Thoa...., và các anh chị khác trong ban Tổ chức, hằng năm đã bỏ công sức tổ chức những buổi hội ngộ, để các anh chị em có dịp tìm về với nhau, kỷ niệm thân thương của những ngày xưa cũ vẫn là đề tài bất tận. Chuyện cơm áo bây giờ không thể làm phai mờ hình bóng thân thương của ngôi trường xưa và bạn các bạn Giáo sinh ngày cũ. Cho nên BTC không quên kêu gọi các bạn giúp đỡ những  Giáo sư, những đồng môn đang bị hoàn cảnh khó khăn , nghiệt ngã nơi quê nhà.

Xin cảm ơn tất cả. và nhớ mãi những ngày vui. 

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

BUỔI LỄ VINH DANH

BUỔI LỄ VINH DANH NHỮNG CHIẾN SĨ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TRONG QUÂN ĐỘI HOA KỲ ĐÃ HY SINH            
DO HỘI WAAFA:VIETNAMESE AMERICAN ARMED FORCES ASSOCIATION TỔ CHỨC
















    
        Tình thương và sự cảm phục xen lẫn với niềm tự hào dành cho những con em- thế hệ tiếp nối của người Việt nam tị nạn Cộng sản đang sống trên đất nước Hoa Kỳ, đã và đang phục vụ, chiến đấu trong quân đội Mỹ trên khắp các chiến trường, góp phần vào sự gìn giữ, bảo vệ đất nước được bình yên, một xứ sở với đầy tình người đã giang rộng vòng tay cưu mang, giúp đỡ, nuôi nấng cả hàng triệu người Việt nam từ những “bước chân tị nạn”.

        Hơn hai trăm đồng hương và cả người Mỹ bản xứ, đa số là những cựu quân nhân thuộc các quân binh chủng của Việt nam Cộng Hoà năm nào, có cả phóng viên của nhiều đài truyền thanh, truyền hình Mỹ-Việt, đã không quản ngại cơn nóng hằng trăm độ bên ngoài ở xứ Houston, họ đến để tham dự buổi lễ “VINH DANH các chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã anh dũng hy sịnh tại các chiến trường IRAQ và AFGHANISTAN” cùng lúc phát học bổng cho các em học sinh thiếu điều kiện tài chính nhưng giàu lòng hy sinh để giúp đỡ kẻ khác nhưng vẫn học giỏi. Những học bổng này mang vinh dự của những anh hùng tử sĩ có tên gọi rất Việt Nam, do hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt, có tên tên gọi tắt là VAAFA tổ chức. 

Nhiều cư dân thành phố chưa nghe hoặc biết về hội non trẻ này nên chẳng mấy quan tâm. Hội VAAFA được gợi ý và hình thành cách đây khoảng ba năm bởi một vài chiến sĩ lúc ban đầu. Hải quân Thiếu tá CHRIS (Chinh) Phan, khi phục vụ tại chiến trường IRAQ trong chức vụ một Luật sư của Hải quân, một hôm gặp một vị Thiếu tá, người chiến sĩ oai hùng của binh chủng Thuỷ quân Lục chiến, hai người Việt nam gặp nhau rất mừng rỡ, nhưng chạnh lòng vì thấy mình sao …lẻ loi giữa hàng hàng lớp lớp người Lính Mỹ-Mễ, tuy tiếng nói không trở ngại, và mọi quân nhân Hoa Kỳ ra mặt trận đều được chu cấp đầy đủ về vật chất, nhất là thức ăn, thức uống, nhu cầu sinh hoạt…, nhưng họ vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì, à thì ra là một tô phở bốc khói tại khu Phước lộc thọ, một tô bún bò thơm nức mũi ở nhà mẹ nấu, kém phẩm chất hơn là một tô mì gói cay cay…một chút gì Việt nam vẫn tiềm tàng đâu đó trong tâm khảm người lính Hoa Kỳ gốc Việt.

Tại sao không thành lập một hội để an ủi tinh thần lẫn nhau, chia xẻ những buồn vui, những khó khăn nếu có, một chút quà hoàn toàn Việt nam từ những người bạn ngòai gia đình??? Và hội VAAFA được hình thành mà Hải quân thiếu Tá CHRIS là con chim đầu đàn.

Họ đã thực hiện được một phần nào những mong muốn khi thành lập hội. Những người Lính Mỹ gốc Việt đã tìm về với nhau, những giọng nói tiếng Việt lơ lớ lúc ban đầu đọc không rõ một cái tên mang họ Việt Nam, bây giờ đã lưu loát hơn, thùng mì gói (không rõ xuất xứ) được gửi sang chiến trường IRAQ, mà Trung úy Bộ Binh MICHAEL TRƯƠNG ( người vừa về từ chiến trường AfGhanistan và trở lại ngày 15/8/10) đã không được gói nào, vì các bạn đồng ngũ người Mỹ đã …dành ăn trước.

  













Hội trường nhà hàng Kim Sơn đã lắng đọng một khoảng thời gian khi lời và nhạc của bài Quốc ca VNCH được vang lên, sau đó là quốc ca Hoa Kỳ, với đội hình lễ kỳ do các em cháu người bản xứ trong “SEACADETS” dưới sự điều khiển của vị sĩ quan chỉ huy... 

 












Bùi ngùi xúc động khi nhìn lên bàn thờ trước sân khấu, mười hai ngọn nến lung linh và tên tuổi bài vị của 12 chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã hy sinh, được xướng lên trong buổi lễ bởi Nữ Hải quân Đại úy LAURA LÊ (tiếng Mỹ) và MC NAM LỘC (tiếng Việt), với tiếng kèn truy điệu bi thương nhưng hùng tráng:












 





USMC LCPL JEFFERY LAM
 USM CLCP LALAN DINH LAM 
 USMC LCPLANDREWS.ĐANG   
USASSGTDUHAITRAN 
USAF TSGT THANH V. NGUYEN
USA PFC TAN Q. NGO
USASFC TUNG M.NGUYEN 
USA SPC ĐAN H NGUYEN             
USA SGT LONG N.NGUYEN  
 USMC LCPL Victor H.LU
 USA SPC BINH TRÂN
 USMC CPL BINH N. LE







 












 Cạnh bên là bàn thờ khác, một cái nón sắt đơn độc cắm trên đầu súng của người lính còn sót lại khi linh hồn và thể xác đã vĩnh viễn về an nghỉ một nơi nào đó.  Với giọng nói thật trầm buồn của MC Nam Lộc, một người thế hệ trước và một cháu sinh sau (Đại úy Laura-con gái của Hoài Niệm), đã đưa người tham dự hiểu phần nào những cảm nghĩ của người hiện hữu dành cho người đã hy sinh hoặc mất tích.

 















         Bên kia, nơi chiếc bàn nhỏ, chỉ có một chiếc ghế trống úp xuống không người ngồi, dành cho một “tù nhân” nhỏ bé, bị “yếu thế” trước kẻ thù, trên bàn trải một tấm khăn trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, tâm hồn trắng trong của người chiến sĩ, sẵn sàng phục vụ cho Tổ quốc. Một đóa hồng lẻ loi, đơn độc, tượng trưng cho màu máu của những chiến sĩ, và đóa hoa là sự tin tưởng rằng họ sẽ trở về. Một ngọn nến lung linh, là nguồn sáng hy vọng. Một ru-băng màu vàng, là niềm tin người về không thiếu sót một ai. Một cái ly úp ngược xuống, rằng người chiến sĩ đã không thể uống cạn chén với đồng đội đêm nay. Một lát chanh để trên một cái đĩa nhỏ, nói lên dùm số phận đắng cay, chua chát của người chiến sĩ, và những hạt muối rắc lên lát chanh kia, là những giọt nước mắt của người thân, của gia đình rớt xuống hằng giờ để chờ đợi bóng người chiến sĩ trở về…
         Cảm động vô ngần dưới ánh đèn mờ ảo, nên khi đèn thắp sáng, những bàn tay đã vội quẹt ngang vầng mắt. 


         Mười hai học bổng được trao ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Ở Houston đã dành cho  Quân Nguyễn, người học sinh xuất sắc, mới theo gia đình sang Mỹ theo diện HO được ba năm, em đã tham gia rất nhiều sinh hoạt trong cộng đồng, và em nói rất hãnh diện khi được hội VAAFA trao tặng phần thưởng này, và  em hứa  sẽ cố gắng thật nhiều... Phần học bổng được trao bởi cha mẹ chiến sĩ DAN Nguyễn, người chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường IRAQ năm 2007.



















Buổi Vinh danh Chiến sĩ và gây quĩ của hội VAAFA được Đại uý DƯƠNG LÀNH tiếp lời nói về ý nghĩa và việc làm của hội. Với giọng tiếng Việt thuần thục, vị Đại úy người Mỹ gốc Việt này đã cho người tham dự hiểu được rằng, thành viên của VAAFA là những người :
1-ƯU TÚ
2-TRUNG TRỰC
3-ÁI QUỐC
4-TỰ HÀO
5-TƯƠNG TRỢ


Người tham dự buổi gây quỹ thật hoan hỉ đóng góp và nức lòng khi ban Tổ chức muốn đấu giá khung hình có hai lá cờ Việt-Mỹ xếp lồng vào nhau. Dĩ nhiên giá trị Lá quốc kỳ vô giá, không ai có thể mua được, nhưng ở đây, giá trị tinh thần dành cho hội, nên được ông bà (?) trao tặng cho hội một số tiền không nhỏ, để rước khung hình cờ về làm kỷ niệm..  

        Chương trình văn nghệ thật sống động, gợi nhiều kỷ niệm cho lớp người đi trước lại do những ca sĩ rất trẻ hát những bài nhạc về LÍNH, được điều khiển bởi hai MC: nhạc sĩ Nam Lộc và Cô Pha Lê của đài truyền hình Van TV, xen kẽ là mục sổ số lấy hên , trúng xổ số là những khung hình với đầy đủ những huy hiệu của các quân binh chủng trong quân lực Hoa Kỳ.

 












 
Xin cảm ơn Ban Tổ chức, những người Lính trẻ trong quân đội của xứ sở này. Trong tâm tình lắng đọng, các cháu là những người con anh hùng của đất nước Hoa Kỳ, và là niềm hãnh diện của những người Việt Nam tị nạn Cộng sản. Xứ sở này vẫn cần những người cầm súng chiến đấu bảo vệ, dù không một ai muốn chiến tranh chết chóc. Nhưng những người đi chiến đấu để bảo vệ cho người hậu phương được sống yên bình là những anh hùng, mà người người phải biết ơn.

Dù các cháu vào quân đội Mỹ với bất cứ lý do gì, vẫn là niềm tự hào của những người Việt tị nạn, các cháu đã thay thế cha mẹ, lớp người tuổi đã về chiều, muốn đền ơn đáp nghiã phần nào cho xứ sở này, nhưng không còn điều kiện...

        Nguyện cầu anh linh những chiến sĩ đã hy sinh sớm được về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh của các cháu không bao giờ bị lãng quên. 
       Cầu chúc những gia đình có chiến sĩ hy sinh sẽ có nhiều nghị lực trong cuộc sống, khi biết con mình không hy sinh vô nghiã, ở cái xứ sở mà hằng ngày có hằng trăm cái chết thật vô duyên như đụng xe, bắn lộn giành gái, thanh toán vì nạn “găng tơ”, hay chết vì “chơi thuốc” quá liều… 

T/T CHRIS-Đ/U LAURA-Tr/U MICHAL. D/S DIỆU THẢO
 
Xin cảm ơn những mạnh thường quân đã âm thầm giúp đỡ cho Hội VAAFA, để có buổi lễ rất thành công này. Cũng không quên cảm ơn … tôi, một trong những người đã đi tham dự. Lê thị HoàiNiệm. 











                                                                     

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

VÀI HÌNH ẢNH "PHÁO BÔNG" LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ

NGÀY QUÂN LỰC...



Những bước chân oai hùng của đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô để tham dự ngày diễn binh những ngày tháng cũ vẫn in đậm nét trong tâm khảm những người Việt tự do đã từng có dịp được xem qua.Họ là những chiến sĩ oai hùng lập được chiến công từ những đơn vị chiến đấu, hay là những khóa sinh,  Sinh viên Sĩ quan đang thụ huấn tại các quân trường. Những bước đi của những người trai trẻ hùng dũng hiên ngang quá. Họ là niềm tin , là hy vọng của người dân trong những tháng ngày miền Nam phải chiến đấu tự vệ để gìn giữ cõi bờ trước nạn Bắc Cộng  xâm lăng. Vậy mà…..


Hôm nay , cũng những bộ quân phục đó, những sắc cờ đó vẫn ngạo nghễ tung bay (tuy trên ...xứ sở của Người), nhưng  những người trai trẻ năm xưa đã theo bước thời gian làm tiêu hao sức lực, bước đi đã không còn nhanh nhẹn,  lắm khi chân thấp chân cao, hình hài thay đổi, vết hằn in dấu tuổi đời,  mắt nhoà trong nắng (?)…Vậy mà đến ngày 19 tháng 6 họ vẫn có những buổi diễn hành tuy …ít ỏi, nhưng vẫn làm chạnh lòng những người đến ủng hộ.

Vẫn có những tràng pháo tay vang lên khi những  lá cờ quân binh chủng được các …Cụ giương cao đi tới….
TINH THẦN!!!! Chỉ có tinh thần mới khiến những người Lính cũ không cảm thấy nắng nôi , nhất là nóng Houston có khi lên gần 100 độ F . Họ đã làm khán đài để làm lễ, đã tập dợt diễn binh…

Xin cảm ơn những người Lính! ngày trước giữ nước, ngày nay cố gắng giữ lại nét hào hùng…..



Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

NỔ

Buổi chiều, họ đến, chúng tôi mời lên phòng khách sạn có máy lạnh, tránh cái nóng oi bức của thành phố đang trong cơn sốt …nắng.
Người vợ mở lời tâm sự:
-Nói cho “tụi mày” mừng, sau bao nhiêu năm lăn lộn cực khổ, trốn chui trốn nhủi, đến cái “hộ khẩu” cũng phải bỏ tiền làm giả mạo, bây giờ “tuị tao” cũng khấm khá lắm rồi, con cái có cơ sở làm ăn riêng, có xe hơi và tài xế lái…
-Chúc mừng cho anh chị! thời buổi này mà nghe bà con mình “khấm khá” là mừng lắm lắm!
-Sao bảo tới nhà tao ở, mà không tới?
-Ừ thì tiện đâu ở đó, xin cảm ơn và hẹn lần tới, nếu có dịp.
Người chồng lên tiếng:
-Hồi qua bển, cũng cảm ơn mày lắm, với những bài viết tình cảm, xúc động nên bạn bè cũng quan tâm, tụi tao cảm động và nhớ hoài..
-Chuyện nhỏ mà, để ý làm chi.
-Mày nói nhỏ, nhưng đó chuyện tình nghiã. Mình sống phải có tình nghiã! Bạn Lính năm xưa của ổng dzìa đây , tụi tao ..lo cho hết, nhiều khi họ dzià 5, 7 cặp, tụi tao tổ chức họp mặt, bỏ ra một lúc năm, bảy triệu là thường..
-Ồ! Như vậy anh chị tốt quá, đúng là : đại gia cuả xã hội này!
…...
-Thôi tụi tao kiếu từ..
-Khoan! Cũng đã đến giờ cơm chiều, tụi tôi xin mời anh chị bữa cơm!
-Thôi tụi tao dzìa, để cho ông bà nghỉ ngơi chuẩn bị lên đường…
-Đằng nào tụi tôi cũng phải đi ăn, không lẽ …nhịn đói, xin mời anh chị.
Người chồng lên tiếng:
-Nếu đi ăn phải để tụi tao trả tiền, nếu không tao không đi!
-Đâu có nhiều nhõi gì bữa cơm, ai trả không được, ai không biết quí dzị là …đại gia!
-Đồng ý thì đi!người chồng quả quyết.
Chúng tôi đi bộ đến nhà hàng nổi tiếng ..ngon! họ bảo họ biết chỗ này sau khi hỏi thăm từ nhân viên khách sạn.
Nhà hàng chưa đông khách. Cô tiếp viên vừa đến đưa “menu”, chưa mở ra xem , người chồng lên tiếng:
-Cho một tô “hũ tiếu mì và một ly trà đá”!
Chồng tôi ngạc nhiên, trố mắt nhìn qua tôi như không tin vào lỗ tai mình…
Tôi biết ý, xếp lại bản thực đơn, cũng lên tiếng :
-Cho tôi tô mì luôn!
Chồng tôi cũng buông xuôi
-Ai sao tôi vậy!
Thế là 4 tô hũ tiếu mì, như 4 cái bát ăn cơm ở nhà tôi được bưng ra, người chồng bảo …làm thêm y như thế này hai tô khác, nhưng tôi cản lại..
Một bữa ăn chiều, không có gì …quan trọng, nhưng tôi đã thật sự …thất vọng sau những “lời tâm sự” của họ. Tôi nghe văng vẳng bên tai những tiếng nổ, những tiếng nổ không lớn lắm, nhưng rền rền lan ra lan ra mãi….

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

CÙNG DƯỚI MÁI TRƯỜNG

Trước đây tôi không hề quen biết chị Phan Thị Yến, ngay cả khi tôi viết những dòng chữ này, tôi cũng chưa hân hạnh được gặp chị , vì chị học khóa mười , còn tôi khóa tám cùng với anh Nguyễn văn Tính (cũng không biết luôn), người "cộng chỉ số" với chị từ những năm trước 75 ở ty tiểu học Quảng Ngãi, mãi đến năm 2004 anh đã vĩnh viễn bỏ lại chị và các con để ra đi về miền vĩnh cửu sau cơn bịnh tim tại Thành(Nha trang).






Trong tập "hồ sơ Thương phế binh VNCH" từ quê nhà gửi sang, người gửi là tên chị . Thì ra chị đã "lặn lội" đi tìm những chiến sĩ năm xưa, đang sống cảnh "bất hạnh" ở miền quê, những ngày gần cuối đời rất cần sự giúp đỡ.., và tôi cũng chỉ là người "góp một bàn tay" để đền đáp những ân tình.
Chị đang bị bịnh! một người bịnh mà vẫn có lòng nghĩ đến người khác. Tôi mến phục chị. Tôi chỉ nghĩ chị bệnh xoàng thôi, nhưng không ngờ, người bạn mới gửi thư sang nói chị đang bệnh nặng lắm , đi không muốn nổi, nếu có giúp đỡ được chút nào thì chị có chút tiền để mua thuốc chữa bệnh ,vì chị đang ở trong hoàn cảnh túng thiếu vô cùng . Phải chi ngày trước chị giữ lại chân "cô giáo" thì bây giờ còn có chút "lương hưu"(?)
Nào ai biết được chuyện ngày sau!
Nhìn hình chị , chúng tôi cũng rất xót xa , cỡ tuổi của nhau , cùng thân "cô giáo" , người nào cũng "mất dạy" cả, nhưng dù sao, chúng tôi và chúng ta cũng đang sống tự do ở xứ người, có làm lụng cực nhọc thật , vẫn có bảo hiểm khi đau ốm , còn chị , chồng chết , con chưa có việc làm , có bữa cháo bữa rau khi còn mạnh khỏe bương chải được, nhưng khi đau yếu tiền đâu mua thuốc , mà xã hội VN bây giờ , đi đâu cũng thủ tục "đầu tiên" là...tiền đâu.?
Chúng tôi 3 người bạn, có chị Phan thị Xoa cùng khóa 10, tuy không quen biết, nhưng dù sao cũng anh chị em cùng dưới một mái trường, gặp hoàn cảnh người đồng môn cần sự giúp đỡ, thôi thì của ít lòng nhiều, người góp trăm bạc gửi về giúp chị. Những giọt nước biển đưa vào người , giúp chị phục hồi chút đỉnh cái thân thể ốm tong teo kia, làm sao mình không cảm thấy ấm lòng.?










Tôi mạo muội viết thư này gửi đến quí anh chị em cùng trường Sư Phạm Qui Nhơn, nếu ACE có chút tình cảm với chị, hãy mở rộng con tim, giúp đỡ chút đỉnh cho chị có tiền mua thuốc chữa bệnh. Đây không còn là " miếng khi đói bằng gói khi no" vì ở trong nước có quá nhiều người đói, nhưng giúp chị xua đi cơn bệnh ngặt, chị cười chắc ACE mình sẽ thấy vui?
Số điện thoại của chị ở Thành( Nha trang) 01184583852423.






LPT(khóa 8)

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

ĐÔI NGẢ ĐÔI TA




Em hỡi! kể từ khi ta quen
Băn khoăn tự nhủ " nợ hay duyên"?
Em thường thủ thỉ "Anh Trăng sáng"
Soi rọi vào "hồn Em bóng đêm"

Anh đưa Em về giữa canh khuya
Gió đêm mơn nhẹ, nhưng lạ kìa
Đường khuya Anh cảm như vô tận
"Hạnh phúc" ở đâu lúc Em kề?

Từ lúc quen Em đến bây giờ
Thả hồn qua những áng văn thơ
Thơ Em...dữ dội như biển sóng
Cuồn cuộn xô anh.. dạt xa bờ

Nhiều khi Anh tự vấn con tim
Giựt mình khi thức giấc nửa đêm
Cớ chi lại giỡn đùa với sóng?
Sóng cuốn ra khơi biết đâu tìm?

Thôi nhé! xem như mình chưa quen
Đẩy lui bóng tối hãy ....lên đèn!
Đèn khuya thay thế vầng trăng sáng
"Trăng xa, đèn gần " nhớ nhé em?

Anh- Em mỗi kẻ một con đường
Tình thơ rồi cũng..nhẹ như sương
Trăng anh soi rọi vùng hạnh phúc
Mái ấm gia đình...trọn yêu thương!!!!!






CN

THÁNG BA NGÀY ĐÓ

Tháng Ba với những ngày họp hành , lễ hội đã đi qua.
Tháng Ba tiết trời dịu dịu, trời trong gió hiu hiu thổi, nên tâm hồn con người cũng phơi phới lâng lâng.
Tháng Ba người xa về Houston dự lễ hội nhiều quá, những buổi ra mắt sách, buổi nói chuyện của những người trẻ tuổi của Hội VAAFAS và YVAPS.
































Đặc biệt là lễ hội Quan âm tại Trung tâm Phật giáo chùa VN và chiêm bái tượng Phật Ngọc , đã tiếp đón hàng ngàn Tu sĩ, tăng ni và Phật tử từ xa về cũng như ở tại địa phương trong ba ngày liên tiếp.








Tháng Ba, hình như quá yên bình ở vùng đất Houston, nhưng giật mình nghĩ lại , những ngày tháng Ba trên mảnh đất VN thân yêu ngày nào....vẫn còn những âm vang giao động và sợ hãi. Tháng Ba, mới đó mà...ba mươi lăm năm trôi qua, chưa đủ dài cho một đời người, nhưng dài hơn cho những ngừơi tuổi trẻ sống trên chính quê hương của mình.
Tháng Ba, những ngày cuối cùng của ba mươi lăm năm về trước vẫn nhớ như in
..........









viet tiep

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM TR/U PHI CÔNG: P.Đ.C.Phi đoàn Thần Tượng 215

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe ca khúc Hợp Đoàn Trực Thăng Nhạc và lời: Lê Thị Hoài Niệm




Anh ạ! Đã bao nhiêu năm qua rồi, em vẫn luôn cầu nguyện cho linh hồn anh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Chắc anh không thể cảm nhận được mùi khói nhang em vừa đốt để tưởng niệm anh, dù hôm nay không phải là ngày 9 tháng 9, ngày mà hằng năm em vẫn thắp nén hương để tưởng nhớ về anh, đôi lần trong hoàn cảnh khó khăn phải tạm  đốt nén hương lòng.

 Nhưng,  một kỷ niệm chợt bùng lên, oà vỡ không thể nào tan biến được khi em đọc trên trang cánh thép, bài viết của  t/giả phi công VĨNH HIẾU:"....Ngày chim vỡ tổ", người đã nhắc lại những  hình ảnh đau thương về một cái chết “vô duyên”  tức tưởi khôn cùng.

 Trong số bảy người chết thảm khốc đó, bạc phần làm sao lại có cả anh, mà trong những giấc mơ sau thời gian đó, em vẫn thấy anh về trong bộ đồ bay, xô cửa buớc vô nhà, nhoẻn  miệng cười và bảo rằng:  “anh đâu có chết, anh chỉ bị thương thôi mà!”

Ngày đó, ngày đầu tuần thứ hai sau lễ khai giảng năm học mới. Em vẫn còn nhiệm sở ở Ninh hòa, trước khi bàn giao cho cô giáo mới để về lại Nha trang. Vẫn là những chuyến xe hàng đưa em đi đến nơi đó mỗi buổi sáng sớm, nhưng sao không có chuyến nào còn chỗ cho em đi, một chuyện xảy ra không bình thường. Mấy người tài xế và lơ xe vẫn dành riêng cho “cô giáo” một chỗ ngồi phía trước, nhưng  hôm đó xe nào vừa cập bến cũng vội chạy đi, để chú lơ xe thò đầu ra ngoài và nói…..xin lỗi cô giáo, chờ xe sau nghe!.

Trời nắng vội, đã hơn tám giờ rồi, giờ trống trường đã đổ để học sinh vào lớp học, vậy mà cô giáo vẫn còn ngồi tại bến xe NT. Ruột gan em như có lửa đốt, nó nóng bức một cách kỳ lạ, em cứ nghĩ là mình chờ xe không có, nên bức rức, bực mình. Cuối cùng thì một chiếc Da-hat-su trờ tới, và gọi em lên xe. Gần 9 giờ sáng, trễ lắm rồi, nhưng dù trễ em vẫn phải đi.

Một buổi  “bàn giao lớp học” đơn giản, em vừa nhận lớp lại giao lớp, tình cô trò chưa có nên không có cảnh chia ly, ấy vậy mà sao em thấy buồn nẫu ruột. Em đón xe trở về thành phố trong trạng thái bồn chồn, lo lắng.

Mọi bữa, đứa em trai của em vẫn đón em từ bến xe trở về nhà trong tiếng nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay sao nó không nói , không cười. Linh cảm có điều gì không ổn, em nhìn nó hồi lâu không chịu ngồi lên yên sau chiếc Honda, em bảo nó: “nói đi, hình như có chuyện gì phải không? Hôm nay chị thấy nóng ruột quá, nên không ghé xuống đèo mua Ốc-Sò để về làm tiệc buổi tối như lời anh Công dặn”. Nó bỗng khóc oà và nói: “Sáng nay, lúc hơn tám giờ, anh Công đã bị rớt máy bay và chết rồi!”

Em bước vào nhà như kẻ vô hồn, mắt ráo hoảnh nhưng không nhìn thấy gì hết, đến khi Ba em lên tiếng: “con đi rửa mặt, rồi ra ngồi may mấy cái áo tang này, để mai liệm xác cho mấy anh!”Hình như em  thấy có mấy người mặc áo bay trong phi đoàn ngồi đó, những người bạn mà hằng ngày họ đến nơi đây nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay họ lặng lẽ u buồn đến lạnh người  nên em chẳng chào hỏi được ai.

Em ngồi vào bàn máy và cặm cụi may, em may những chiếc áo để liệm xác- một tập tục lâu đời, do ba em cắt vải sẵn, em may mà đôi mắt cay xé, những màng mỏng nước cứ giăng ngang, ruột gan quặn thắt, từng mũi kim lướt đi là ngần ấy giọt nước mắt chảy ngược vào lòng. Em đã may thật nhanh những chiếc áo trắng, tấm áo gói ghém  hình hài không lành lặn của  những người phi công và xạ thủ trẻ mà những tháng ngày qua, với nhiều trận chiến khốc liệt, máy bay trúng đạn thù không chết, lại chết tức tưởi trong một phi vụ “phi diễn” trong ngày đại lễ của phi đoàn.

 Bạn anh mang những tấm áo ra đi mà không cho em theo, còn có người ở lại để ..canh chừng em nữa.  Nhưng cuối cùng, trước sự năn nỉ của em, anh “Thành đen” đã đưa em đến nhà xác, nơi để những xác người trong hộc tủ lạnh, nơi có những đồng đội đang đứng lặng người, để “nghiêm chào” cũng như từ giã lần cuối trong đời với những người bạn  đồng ngũ vắn số.

Anh Thành và mấy người bạn anh nhất định cấm, không cho em nhìn anh lần cuối, các anh ấy bảo em nhìn thấy rồi sẽ “chết siếng”, nhưng em vẫn từ từ đi vào gian phòng lạnh lẽo, buộc anh Thành phải kéo hộc tủ ra. Không biết vô tình hay cố ý, mà anh kéo....nhầm, để hiện ra trước mắt em một người mặc quân phục Bộ binh, mặt mày bê bết máu, hình hài không nguyên vẹn. Em không còn cảm giác và từ từ quị xuống.

Dù không ai cho đi khỏi nhà, nhưng rồi em cũng thoát ra và một mình trên chiếc Honda, em đã chạy lòng vòng cùng thành phố, rồi ra nhìn biển cả mà đầu óc trống trơn.  Đến khi trở về nhà, được má em sai đi mua trà để liệm xác ngày mai. Bao nhiêu trà thơm ở mấy tiệm buôn em mua hết, như món quà lần cuối trong đời em được phép tặng cho anh.                                                                        



 Người ta đứng chung quanh chiếc hòm kẽm đông lắm, vài người níu giữ em lại bên ngoài. Ban chung sự đang tẩm liệm xác. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đẩy em đi tới, không ai cản được em, để em nhìn thấy một dạng người cháy đen, co rút lại, hai chân cong lên, đến nỗi muốn đậy nắp áo quan, mấy người lính chung sự phải cố đè hai chân xuống, hèn chi họ bảo mua trà thật nhiều, trà …hút nước…! Em không còn thấy và biết gì nữa nên mấy cái bông mai em vừa thêu xong định tặng anh vừa vinh thăng trung uý, đã rời tay không biết có ai bỏ dùm theo anh vào cỗ áo quan?                                               

Đứng lặng nhìn anh trong áo quan
Hình hài cháy nát thật kinh hoàng.
Hồn anh nương gió về đâu nhỉ ,
Có thấu  người thân dạ nát tan?


Những người bạn thân của anh, đã đưa anh về trên …chiếc trực thăng sơn màu tang  trắng.  Hình như quan tài về đến nhà trước khi gia đình biết đứa con, người em, anh trai yêu quí của mình đã vĩnh viễn ra đi(?).

Thiếu tá V. đến nhà em thật sớm hai ngày sau đó, đón em vào phi đoàn để đi lên ĐL dự lễ di quan. Phi hành đoàn trên chiếc trực thăng đông lắm, họ nhắc nhiều kỷ niệm về anh, về những …“người yêu” của anh. Ối chà!  ông Pilot nào chẳng thế. Một thi sĩ nào đó đã viết:                            

Đời phi công không bao giờ chung thủy
Mỗi lần bay…thay một cánh hoa rơi..?”(nhiều thế?)


Và anh, một phi công  cao ráo, đẹp người chắc cũng không khác mấy với họ? Anh có một chị Th., một chị H. vẫn đến nhà em để tìm anh mỗi khi họ đến NT, từ lúc anh rời nhà anh S. để về ở trong cư xá phi đoàn. Em vẫn thắc mắc tại sao chị ấy lại đi tìm sai chỗ vậy?  anh chỉ cười và nhún vai: mặc kệ! để ý làm gì?. Có phải vì anh vẫn đến nhà em hằng ngày, ngoại trừ những tuần biệt phái, anh vẫn hay đứng chờ trước cửa trường trung học tư thục V.H. ban đêm, nơi em có giờ dạy thêm buổi tối. Thậm chí có hôm anh làm em giật nẩy người , khi đang ngồi lớp tận Ninh hoà, vừa nhìn ra cửa sổ, thấy một người trong bộ đồ bay lù lù đứng đó.

Nhiều lần anh đến nhà em, và vui vẻ chuyện trò với “bạn” của em ở đó. Anh đã biết nhưng vẫn gặng hỏi nhiều điều. Trong gia đình, anh vẫn là Anh mà, người lớn quen nhau, thì con cái không là người xa lạ, do đó, mỗi khi gặp bạn bè trong phi đoàn, anh vẫn tươi cười giới thiệu với họ em là “con Bà Dì” bên Mẹ!.

Anh đau nặng sau những ngày hành quân biệt phái. Anh “Sơn 5” ra nhà em, đưa em vào cư xá sĩ quan vì anh muốn gặp. Không có phận sự và người bảo lãnh làm sao vào cư xá được? Anh cảm nặng, Bác sĩ cho thật nhiều thuốc, nhưng anh không hề uống viên nào. Nhìn cà-mên cháo vịt, do anh bạn nào đó mua ngoài chợ mang vô, em nghe mùi đã ớn, huống chi người bịnh. Thế là em đã thành cô “y tá” bất đắc dĩ, mỗi ngày được bạn anh ra cổng đón vào, nhờ đó những “bụm thuốc” của B/sĩ cho, anh uống vào mà không còn nhăn mặt, và những chén cháo trắng  ăn với thịt kho mặn không còn lạt lưỡi đắng môi. Anh dần dần bình phục. …Vậy mà anh lại ra đi thật tức tuởi.

Đêm hôm trước, anh đến nhà, còn dặn dò em rằng tối mai anh sẽ không dự tiệc vui trong phi đoàn, anh sẽ ra nhà chơi, thôi thì lần cuối rời khỏi Ninh hòa, hãy mua một số ốc, sò huyết đem về làm …món nhậu, tối mấy anh ra…chúc mừng “người về lại thành phố”!.

Đúng là người về lại thành phố!  mà thành phố Đà lạt thân thương. Em đi sau quan tài trong đoàn người đưa tiễn.Những tiếng khóc than não nuột của mẹ anh, của Hiền- em gái anh, và những bà con thân thuộc như  xoáy vào làm quặn nát ruột gan em, nhưng  em cố giữ  không buông tiếng khóc. Những người bạn già của mẹ anh, không biết vô tình hay cố ý, họ đến  an ủỉ, hỏi han em, họ “săn sóc” em rất kỹ. Thì ra, trong những ngày về phép trước đó, anh đã xin phép cha mẹ anh sẽ về Nha trang hỏi xin....cô giáo về làm vợ!. Một sự “chọn lựa” từ tình cảm của riêng anh. Từ lâu em vẫn thường nghe anh tâm sự: “ bồ bịch thì sao cũng được, chứ lấy vợ phải chọn đàng hoàng, khỏi có cảnh chén bay, diã bay…!”

Anh đã nằm yên trong nghiã trang trên ngọn đồi cuối con đường dốc đó. Trời Đà lạt mù sương đã ấp ủ nấm mồ anh trong ngần ấy năm dài. Người sống vẫn hướng về phía trước., nhưng kỷ niệm thì vẫn hoài là kỷ niệm. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, những người chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, vẫn chiếm ngự một chỗ trong tim những thân tình.... Mãi mãi và mãi mãi……                                    

  Xin cảm ơn T/G VH đã gợi lại kỷ niệm năm nào