Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

TUYẾT TRẮNG




Tin thời tiết từ các đài truyền hình thông báo: ngày thứ 6 sẽ có tuyết rơi tại Houston và những thành phố lân cận. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật. Bao lâu rồi Houston vẫn được điểm mặt chỉ tên là thành phố...nóng cháy da bò, ừ thì có tuyết, có lẽ chỉ lất phất bay như những năm về trước, tuyết chỉ làm thêm dáng vẻ mùa đông thêm trữ tình, một chút lạnh cho người quàng chiếc khăn thêm ấm. Nhưng tuyết đã rơi và thật tình làm cho khuôn mặt thành phố đổi khác trọn một ngày , những người lớn đi ...lang thang trong tuyết tìm ...nguồn cảm hứng để làm thơ? bọn trẻ tha hồ chơi banh tuyết.


Trường học, sở làm được nghỉ nửa buổi, người có thẩm quyền sợ tuyết rơi nhiều dễ gây tai nạn lưu thông (sáng thứ bảy quá nhiều tai nạn xe cộ chổng ngược bánh xe lên trời).





Nhưng có lẽ quá nhiều người (có người VN già đang viết )trong thành phố cũng cảm thấy ...buồn buồn, sau khi xem đã đời cảnh tuyết rơi thật đẹp. Buồn vì có quá nhiều cây cảnh trong vườn, đã không thể mang vô nhà trốn tuyết, nên sau một ngày hứng tuyết, một đêm lạnh buốt, nhiều cành lá ủ rũ, héo xàu, thương sao là thương và cũng xót cho cái công chăm sóc tưng tui qua bao ngày tháng.. Chợt nhớ tới bài thơ của người XV, chẳng lẽ có điềm? người biết rằng năm nay sẽ có tuyết rơi lạnh cóng, "vườn hoa" rồi sẽ tiêu điều sau cơn lạnh, sẽ làm "đau lòng, xót dạ người giữ vườn" nên giữa mùa hè, người thơ lại xướng một bài thơ ca tụng nét đẹp của TUYẾT, để an ủi những chủ vườn về những cây cành sẽ phải thay thế trong mùa xuân tới.













Bài xướng :TUYẾT TRẮNG


Tuyết ơi! Tuyết trắng dễ đâu già
Tuyết ngắm mây vờn gió lượn qua
Tuyết đổ ngoài hồ hoa vội chớm
Tuyết rơi trên nóc bóng không nhoà
Tuyết xuyên cành lá thêm thương Mẹ
Tuyết ẩn vườn lan lại nhớ Cha
Tuyết điểm tô đời muôn ánh đẹp
Tuyết luôn tươi tắn ấy duyên mà!

NXVan.


Tuyết cũng đã tan , cây cành cũng đã rũ ngọn, úng gốc. Trời vẫn mưa gió ủ ê. ra ngoài thấy buốt lạnh. Mới đầu đông mà sao cứ mưa gió lạnh lùng. Hy vọng đây là lần đầu và cũng là ...lần cuối tuyết rơi ở nơi này. Thật cảm phục những người sống quanh năm ở những miền tuyết gía. Mỗi lần đi ra đường cứ phải trùm kín từ đầu đến chân, chẳng bù với người ở xứ nóng, ăn mặc rất nhẹ nhàng , có người mặc càng ít càng ...tốt, thoải mái vô cùng. Dù sao thì ở đâu quen đó, nhưng nắng lên vẫn làm ấm lòng người ( chỉ trừ những lúc quá nóng, mà không có nước để ...làm dịu cơn nóng, dễ làm con người ...phát điên). Cho nên người viết đã họa lại bài tuyết trắng của t/S NXV bằng những giọt nắng lung linh.



Nắng sáng trườn qua bụi Cúc già
Nắng cười với lá lúc mưa qua
Nắng trưa chiếu thẳng đài hoa thẫm
Nắng xế soi nghiêng bóng lá nhoà
Nắng rải vườn Hồng vui bụng Mẹ
Nắng nung vạt cỏ phật lòng Cha
Nắng bồi cảnh trí thêm tưoi đẹp
Nắng rất cần cho sự sống mà!

Lê thị Hoài Niệm

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Gọi thầm








Anh ở đâu rồi, anh ở đâu?
Có nghe lời gọi khản cung sầu
Bao năm chất chứa niềm u uẩn
Dằn vặt, u hoài mãi canh thâu

Anh ở đâu rồi, anh có hay?
Mất anh từ cuối nẻo đường bay
Đong đưa phiền muộn theo năm tháng
Dỗ giấc đêm dài cậy men cay! 


   Anh ở đâu rồi, anh biết không?
Đau thương em dấu kín trong lòng
Võ vàng đơn lẻ năm canh lạnh
Hơi ấm tay người mãi ngóng trông!

Anh ở đâu rồi, anh thấu chăng?
Gối đêm sũng nước vết in hằn
Tình vui, tình nhớ, rồi tình biệt…
Nén chặt tình buồn muộn gối chăn!

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

BỘ ĐỒ LÍNH


(Quân chủng Không quân diễn hành tại Houston)

Tự nhiên bà Tá trở thành một khán giả bất đắc dĩ. Ngồi trong góc nhà nhìn ông chồng già “súng sính” trong bộ đồ Lính cũ đi tới đi lui mà bà cảm thấy sao sao. Chính bộ quần áo đó mới ngày nào làm tăng thêm vẻ hào hùng, oai dũng, hiên ngang của một người “trai thời loạn”, đã làm xao xuyến tâm hồn người thiếu nữ trẻ, mỗi lần người Lính xuất hiện ở cổng rào.

Thời đó có ông nhạc sĩ(hay bà?) đã viết lên bài hát :
Sáng chủ nhật rồi Anh đi Lính không tới nhà thăm Em, chắc là Em mong lắm phải không khi vắng bóng người yêu. Rồi đây trong những ngày Anh vắng bóng Em có còn đi nữa không. Đường đông nhưng mà Anh đâu có để rồi Em khoe áo hồng..?”

Đối với bà và những người con gái sống trong thành phố này, bài hát bỗng trở thành…trật lất. Thành phố nơi bà ở là “Thành phố Lính” mà. Sáng chủ nhật mới chính là ngày của Lính. Lính đi đầy đường phố, lính trong nhà, lính ngoài ngõ. Lính trên trời, Lính dưới biển. Lính chuyên bắn súng cà nông. Lính chuyên tác chiến ở chốn sình lầy... Ôi thôi Lính ơi là Lính!

Thành phố sống hùng sống mạnh, thành phố đẹp đẽ nên thơ, tình tứ cũng nhờ những bộ Quân phục đủ mọi quân-binh chủng Lính góp phần. Ngoài việc tăng thêm an ninh cho thành phố, chính những bộ quân phục và những người mặc nó, dù bất cứ vì một lý do gì, đã nói lên được lòng dũng cảm, tính can đảm của một người trai thời loạn, biết xả thân góp sức để chống bọn cộng sản xâm lược từ miền Bắc, oai nghi và hùng tráng cỡ nào. Từ đó đã làm rung động biết bao con tim của những người con gái trẻ ( Chắc cũng có nhiều bà chị lớn tuổi?), họ đã hồi họp chờ đợi, chờ đợi một sáng chủ nhật đẹp trời, chàng oai nghi trong bộ quân phục quân trường, trên vai đeo dây biểu chương, dưới chân đôi giày…láng coóng. Hay bộ đồ xanh nước biển còn đượm mùi muối mặn sau một chuyến hải hành. Hoặc khi hoàng hôn xuống, người lính trở về trong bộ đồ bay còn vương mùi thuốc súng, mùi tử thi lẩn quất sau một ngày hành quân tiếp tế, tản thương….còn nhiều và nhiều lắm, nhưng tất cả đã xa rồi, và qua thật lâu rồi.

Với cuộc chiến kéo dài gần một phần tư thế kỷ, có biết bao nhiêu người trai khoác chiến bào ra ngoài mặt trận. Bà Tá đây thuộc thành phần lở dở lươn ươn, già chưa qua mà trẻ cũng không dừng lại, nên tuổi trưởng thành cũng phải …anh dũng hiên ngang mà làm quen với lính, và hãnh diện làm người tình của ..lính trận miền xa là ông Tá già đây. Nhìn ông lúc này bà nửa muốn cười to mà nửa muốn rơi nước mắt. Ai đời ông mặc bộ đồ lính, đội mũ lính trận mà đi vào chân đôi giày đi…ăn cưới, trông nó sao sao ấy. Bà không biết ở xứ sở này có thể nào tìm lại cho ông đôi “bốt -đờ-sô”?, chứ nếu xỏ vào đôi giày “boot” của chàng cao bồi Tếch-xịt lại càng thảm não, chẳng lẽ phải mang đôi giày thể thao hàng ngày? Có lẽ đó là điều mà ông chồng bà vẫn ngần ngại không muốn mặc lại bộ đồ lính trận để ra ngoài hay tham dự những buổi lễ ?


Càng nhìn ông, bà lại càng thương cảm, xót xa. Chính bộ đồ này bà đã sửa cho ông mặc thật vừa vặn ngày nào, bây giờ thì rộng trên, rộng dưới, đã rộng thì chiều dài càng dài thêm, hay là người ông đã rút ngắn lại?. Bộ đồ trận màu xanh còn lại dấu vết của những…chiếc lon trên vai áo, phản lại mái tóc màu muối tiêu. Ông Tá đã già thật rồi!




Bà Tá lặng lẽ thở dài cùng lúc ông cởi bộ đồ lính ra, xếp gọn gàng và đưa lên ngực ôm trọn trong đôi vòng tay. Ông nâng nui, vuốt ve như đang âu yếm một người tình. Phải! Ông âu yếm nâng niu bộ đồ là lẽ đương nhiên. Suốt bao nhiêu năm chinh chiến ông còn lại gì, ngoài bộ đồ lính mà chính tay bà đã hì hục đào một hố nhỏ sau vườn nhà, chôn dấu nó trong một thùng đựng dầu lửa vừa được khoét nắp.

Trong những ngày hỗn loạn đó, Bà đã đón ông về nhà trong trạng thái thất thần, hoảng loạn, hoang mang bức rứt, lẫn lo âu sợ sệt. Một thân xác tiều tụy với bộ đồ bà ba đen xin được của ai đó trên đường về….Bà nhìn ông thương cảm xót xa, vợ chồng thiếu điều ôm nhau mà khóc, may mà trong nhà còn giữ lại bộ đồ cũ ông để khi nào về thành phố bị kẹt thì có mà mặc, và bà đã đem chôn giấu.


Rồi có một ngày , có một này chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao. Xin trả lại đây, trả lại đây thép gai giăng với luỹ hào sâu, lỗ châu mai với những địa lôi,… có con trâu, có nương dâu…. thiên đường này mơ ước bao lâu…”.

Những lời trong bài ca: “Một mai giã từ vũ khí” của nh/sĩ Nhật Ngân vẫn được phát đều đều trên làn sóng của đài phát thanh. Lời hát đẹp đẽ, thơ mộng biết bao, và là điều ao ước của mọi người, bỗng chốc biến thành cơn ác mộng. Bao nhiêu tháng ngày đi chinh chiến, cái chết luôn kề cận, vậy mà ngày…giã từ vũ khí lại là ngày thảm hại nhất.. Sự thật quá phũ phàng. Người lính trở về nhà phải trốn chui, trốn nhủi lầm lũi mà đi. Người lính chịu biết bao nỗi uất ức, ngậm ngùi, cay đắng lẫn xót xa, tủi nhục. Kèm thêm nỗi sợ hãi cho chính mình và liên luỵ đến gia đình người thân, đến “bộ đồ Lính” đang mặc trên người cũng không thể giữ. Ôi còn đau đớn nào hơn!

Bộ đồ Lính đâu phải ai cũng có thể mua về để mặc, (ngoại trừ những người làm nghệ thuật trình diễn sân khấu). Muốn mặc vào người, ít nhất phải có 3 tháng quân trường cho một người binh sĩ, và tối thiểu chín tháng cho một cấp chỉ huy. Cũng có những người phải chịu tập luyện dằng dặc suốt 4 năm trời với bộ đồ lính mới được ra trường đi chiến đấu. Và rồi bộ đồ lính đã gắn chặt với cái nón sắt, đôi giày sô cùng cái ba-lô, cây súng trận cho người lính bộ từ năm này qua tháng khác. Dù màu áo có khác nhau, kiểu quần áo có khác nhau, cái nón có đổi màu vì khác quân-binh chủng, bộ đồ lính vẫn đi theo người lính trên khắp 4 vùng chiến thuật, có khi cái “quần” người lính bộ vùng 4 không thể nào khô nổi một ngày vì phải hành quân vùng nước nổi. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nghỉ phép dài hạn tận vùng...năm chiến thuật, hay gửi lại những phần máu thịt ngoài chiến trường, bộ đồ lính mới chịu rời xa người mặc nó. Vậy mà đùng một cái, họ phải trút bỏ tất cả, trút bỏ như phủi sạch một món nợ trần? Ngay cả những người vượt thoát đến được vịnh Subic của nước Phi luật Tân ngày đó, cũng đã bị ông TT nước này ra lệnh…lột bỏ hết, vì họ không muốn sự hiện hữu của bộ đồ lính (VNCH) trên quê hương của họ. Thảm thương thay !

Bà Tá lại gần đặt tay lên vai chồng, làm ông giật mình ngó lại:
-Mình đang nghĩ gì vậy?
-Hồi tưởng lại những ngày được hiên ngang mặc bộ đồ Lính.
-Ở đây em vẫn thấy nhiều người mặc trong những dịp lễ lạc, hội hè.., nếu mình muốn…
Trầm ngâm một lát, ông thở dài:
-Nhiều lúc ngắm nhìn lại, tôi thấy rộn ràng, xao xuyến lắm, cũng muốn mặc vào để đi dự lễ lạc với anh em đồng đội năm xưa, ít ra cũng góp phần nói lên được tinh thần Quốc gia còn sót lại (trong khi những đồng đội trong nước rất muốn mà không thể nào thực hiện được). Nhưng nghĩ đến những ngày tháng năm xưa, mình đã tụt bỏ nó để chạy, mà bây giờ lại hiên ngang mặc vào để đi chỗ nọ chỗ kia, tôi thấy nó làm sao sao ấy bà à!
-Thì đó là ý riêng của mình. Nhưng theo em, xét cho cùng đâu phải lỗi tại mình. Có chăng là lệnh trên ban xuống, người lính chỉ có bổn phận thi hành trước,…khiếu nại sau. Nhưng khiếu nại ai bây giờ ? Chẳng lẽ tìm tới mấy ông Tướng lãnh đạo để hỏi.
-Bà nói cũng chưa đúng. Tướng cũng có người hèn, kẻ dũng! Có những ông tướng thà chết chớ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Họ đã tuẫn tiết hy sinh trước khi cộng quân tiến chiếm doanh trại! Anh dũng thay!
-Bởi vậy nên hằng năm, những người Việt Quốc gia tị nạn CS vẫn làm lễ tưởng niệm những người “Chiến sĩ Bất Tử” đó. Và mới đây đã có điêu khắc gia Phạm thế Trung ở CANADA đã khắc tượng những ông Tướng đó đặt ở đài tưởng niệm bên đó.
-Có mặc đồ lính không?
-Có đủ quân phục, cấp bực, mũ nón và huy hiệu quân binh chủng nữa đó. Ông ấy khắc rất tinh xảo từng nét đặc thù trên khuôn mặt, trên màu áo… của mỗi vị Tướng.
-Chút nữa bà chỉ cho tôi xem, không chừng nay mai tôi đi tìm đôi giày, rồi tôi cũng sẽ mặc lại bộ đồ Lính này trong dịp lễ tới. Cảm ơn “người yêu của Lính năm xưa!” nhờ bà gìn giữ kín đáo mà tôi còn lại bộ đồ Lính này, phải mặc lại nó, dù sao thì mình cũng từng là …NGƯỜI LÍNH!!

!


Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Viết theo lời kể: BỐN MƯƠI BA NĂM VẪN NHỚ ĐẾN NGƯỜI




Anh thương!


Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyển thành màu vàng rực, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đổ dài trên những tàng cây tạo thành bức thanh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.
Và anh, cũng không có đây để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình của mùa thu đông bắc Hoa Kỳ

Còn gì nữa đâu, đã hơn bốn mươi ba năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi nợ duyên đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền mãi mãi đến khi răng long đầu bạc, mà anh nỡ bỏ em để ra đi biền biệt không về khi chúng mình còn quá trẻ?!.




Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone, người bạn cho biết khoá 16 sĩ quan Trừ bị Thủ Đức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này. Em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh, bây giờ đã bạc. Và tên anh cùng một số anh em đồng ngũ khác vẫn còn được nhắc nhở với những “nén hương tưởng niệm”!. Em nghĩ mình không còn nước mắt để khóc nữa vì đã trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ! Tuy không rũ rượi, thất thần như ngày nào em nhận được tin anh và anh ruột của em đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền Nam.

Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em đi trình diện nhập ngũ cùng ngày với anh, để rồi anh Xuyên của em và anh vào cùng khoá 16 SQTB Thủ Đức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã sẻ chia từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buối thăm nuôi của gia đình. Đến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại theo anh của em chọn về đơn vị Địa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Đại Ngãi-Sóc Trăng.

Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ những ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khoá, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết giữa hai người bạn đã đưa đường dẫn lối cho anh dành nhiều cảm tình cho cô em gái nhỏ của bạn. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường Trung học công lập Kiến Hoà đã có người Lính lẽo đẽo theo sau làm...bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng trong lòng vì biết anh đã để ý thương em, cô em út dễ thương của người bạn đồng ngũ của mình, và ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một Thiếu Úy tốt nghiệp từ quân trường Thủ Đức, đâu phải là chuyện dễ!

Thật tình Ba Má em không muốn em lấy chồng là Lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian 64-65, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và cả gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rể.


Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rể dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ can trường mà em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghĩa quân Hưng Điền. Lần nầy hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau cùng làm huấn luyện viên cho lính.

Nhưng anh đã bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng và em đã ngất xỉu khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ sức bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Còn anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Đêm ấy, đêm 23 tháng 3 năm 1966, với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện nghiã quân với 13 vị Sĩ quan huấn luyện viên, chỉ còn sống sót một Đại úy vì …vắng mặt có phép(?). Năm ấy, anh và anh trai của em cũng vừa tròn hai mươi ba tuổi.

Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa nhà, những tiếng khóc than não nuột của gia đình đã không đem hai người con yêu trở về với đời sống được. Má em đã chết ngất mấy lần, và em, bước đi sau hai cỗ áo quan như kẻ không hồn. Em đã thành goá phụ khi vừa tròn hai mươi tuổi. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã mang đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống những con người “tự vệ” một cách tàn nhẫn và vô lý.

Để hôm nay, bốn mươi ba năm có lẻ, em ngồi đây viết những hàng chữ này trong ngấn lệ để nhớ về anh:


Cố Trung úy NGUYỄN TẤN KẾ! người yêu tuổi nhỏ và người chồng chưa trọn hai năm. Anh đã yên phần anh trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, hình bóng với tên anh thôi lởn vởn trong đầu em? Có chăng là ngày em xuôi tay nhắm mắt!. Nếu có kiếp sau, không biết mình có còn cơ duyên gặp lại.?

Maryland, tháng 10, 2009
Nguyễn Thị Hoài Trang. Quả phụ cố Tr/Úy Nguyễn Tấn Kế.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ Tại HOUSTON :TRI ÂN CHIẾN SĨ VIỆT -MỸ

THIẾU TÁ CHRIS PHAN và Dược sĩ DIỆU THẢO
        Sáng chủ nhật, ngày 11 tháng mười năm 2009, trời bỗng dưng tạnh hẳn cơn mưa kéo dài rỉ rả suốt đêm trước. Không khí lành lạnh để người đi ra ngoài khoác chiếc áo lạnh mỏng thêm duyên.

        Bầu trời không nắng hẳn, không gian dịu nhẹ những vầng mây. Hôm nay là ngày những người Việt tị nạn cộng sản ở Houston sẽ tham dự một cuộc diễn hành rầm rộ, biểu dương lực lượng do nhóm người trẻ: “Young Vietnamese American Professionals Salute - Veterans Of Freedom” đảm trách để CẢM ƠN và VINH DANH những chiến sĩ Việt-Mỹ đã chiến đấu chống kẻ thù cộng sản xâm lược năm xưa, Trưởng ban Tổ chức là Dược sĩ Nguyễn Khoa Diệu Thảo và Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ CHRIS PHAN.

       Cuôc diễn hành bắt đầu lúc một giờ trưa, nhưng những người đi xem đã đứng hàng hàng dọc theo lề đường trên đại lộ Bellaire, một khoảng đường dài đã được cảnh sát ngăn không cho xe cộ qua lại.


(Con gái) US Navy Đại úy Laura Le



Thật không ngờ giữa thành phố xứ người, những người Việt tị nạn cộng sản lại có thể tổ chức một ngày “vui” đáng nhớ như vậy.

      Đoàn diễn hành có 49 đơn vị, gồm đủ quân dân cán chính, đã được ghi danh từ khi BTC gửi giấy mời. Hình như tất cả mọi đơn vị quân đội ngày cũ đều góp mặt trong đoàn người đi kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ.




Những tiếng hô vang Việt nam cộng Hoà, những tràng pháo tay, những lời chúc tốt đẹp, đều được những người đi xem hô to làm nức lòng những người đã bỏ công sức làm xe hoa, tuy đơn sơ nhưng gợi nhiều kỷ niệm, những bộ quân phục ngày nào ngỡ rằng không bao giờ nhìn thấy nữa, nhưng tất cả đã xuất hiện nơi đây.





Hai chiếc Trực thăng bay lượn trên bầu trời làm nôn nao trong dạ, khiến người xem hồi tưởng những kỷ niệm năm nào..



Sau cuộc diễn hành, tại tượng đài Tử sĩ, là buổi lễ truy điệu dành cho Tử Sĩ Việt-Mỹ và tặng vòng hoa tượng trưng cho một số chiến sĩ Người Mỹ. Những giọt nước mắt chực rơi trong nụ cười rạng rỡ.





Lâu lắm rồi, những người lính già tìm thấy lại chút niềm vui từ đám con cháu, những đứa bé ngày nào đặt chân đến xứ sở này mới chập chững biết đi, và những cháu đã …chôn nhau cắt rốn tại nơi này. Lời của một Thiếu tá hải quân trong quân đội Mỹ hiện diện điều khiển chương trình (CHRIS PHAN), đã làm nhiều người đỏ mắt: “Chúng cháu có được ngày hôm nay, là nhờ công ơn của quí bậc cha chú cả Việt lẫn Mỹ,…những người đã hy sinh suốt cả một đời vì chinh chiến, chống kẻ thù xâm lược…. Và khi đến được nơi này, những người bản xứ đã cưu mang, giúp đỡ. Chúng cháu phục vụ cho xứ sở này, là góp phần gìn giữ cho sự an toàn của chúng ta, cũng là đền trả một phần ơn nghĩa …”

         Suốt buổi chiều tối là một ngày hội. Phần văn nghệ với sân khấu ngoài trời đã do các anh chị em “Amerasian ” phụ trách. Ở đó có sự xuất hiện của nghệ sĩ Nam Lộc, người luôn sát cánh để giúp đỡ các em- cháu trong mọi tình huống. Người đi dự đông nghẹt, để nghe những tiếng hát từ trái tim của những người con lai như Trường Thanh, Randy… và rất nhiều ca sĩ ở Houston. Ghế ngồi do các em cháu “Lend A Hand” sắp xếp. Đã vậy còn có những hội cựu quân nhân Mỹ -Việt tặng thức ăn, nước uống thả dàn.


       Bên trong hội trường Ocean Palace, lúc 7 giờ chiều, cũng đã khai mạc buổi dạ tiệc, với một thành phần khách mời “chọn lọc”.
USAF MAI  Nguyễn-USN Đại úy TÍN TRẦN-USN Đại úy LAURA LE-USN Thiếu tá CHRIS PHAN
MC VIỆT DZŨNG và Th/tá CHRIS PHAN

     Chương trình đã được US Navy Thiếu tá Chris (Chinh) Phan điều khiển cùng Ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Phần chào cờ ngắn gọn nhưng rất trang nghiêm, bản quốc ca Việt nam được toàn thể những người có mặt trong hội trường cùng cất tiếng hát, âm thanh quyện chặt vào nhau vang rền cả hội trường, như đang tạo nên một sức mạnh tiềm tàng, khác hẳn mọi lần chỉ vài ca sĩ ôm mi-cờ-rô lãnh xướng.

      Sau bản quốc ca Hoa Kỳ là một phút mặc niệm im lặng hoàn toàn, nếu con ruồi bay qua cũng nghe thấy được, thật đúng với ý nghiã để người sống có lời cầu nguyện dành cho người đã khuất, hoặc đang bị giam cầm tù tội hay thất lạc ở chốn nào? (khác hẳn với những buổi lễ trước đây do nhiều hội đoàn tổ chức, đã là “phút mặc niệm-A moment of silence” mà ồn ào, nào nhạc rú gọi hồn, nào ngâm thơ vang dội cả đến năm phút đồng hồ cũng chưa xong)

       Lần đầu tiên những người Việt nam tị nạn được chứng kiến một giờ phút “tưởng niệm” dành cho những quân nhân thuộc diện POW-MIA với song ngữ Mỹ-Việt (do Th/T Chris Phan và Việt Dzũng dẫn giải, USN Đại úy Tín Trần sắp xếp).

       Ở đó, hai người Sĩ quan đứng trong tư thế nghiêm, đang hướng về nơi chiếc bàn nhỏ, chỉ có một chỗ ngồi, dành cho một “tù nhân” nhỏ bé, bị “yếu thế” trước kẻ thù, một chiếc ghế trống không người ngồi, trên bàn trải một tấm khăn trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, tâm hồn trắng trong của người chiến sĩ, sẵn sàng phục vụ cho Tổ quốc. Một đóa hồng lẻ loi, đơn độc, màu hồng tượng trưng cho màu máu của những chiến sĩ, và đóa hoa là sự tin tưởng rằng họ sẽ trở về.





        Một ngọn nến lung linh, là nguồn sáng hy vọng. Một ru-băng màu vàng, là niềm tin người về không thiếu sót một ai. Một cái ly úp ngược xuống, rằng người chiến sĩ đã không thể uống cạn chén với đồng đội đêm nay. Một lát chanh để trên một cái đĩa nhỏ, nói lên dùm số phận đắng cay, chua chát của người chiến sĩ, và những hạt muối rắc lên lát chanh kia, là những giọt nước mắt của người thân, của gia đình rớt xuống hằng giờ để chờ đợi bóng người chiến sĩ trở về… Cảm động vô ngần dưới ánh đẻn mờ ảo, nên khi đèn thắp sáng, những bàn tay đã vội quẹt ngang vầng mắt.


          Những người dân bản xứ đã giúp vui bằng những màn vũ với tiếng hú như tiếc thương , hối tiếc một thời tung hoành ngang dọc trên một xứ sở rộng mênh mông, mãi đến khi có bóng dáng người da trắng xuất hiện. Trong chiến tranh VN, họ cũng đã hy sinh cả hàng ngàn con cháu của nhiều bộ tộc.





       Chương trình văn nghệ do các em, các cháu trong “Lend A Hand” biểu diễn thật sống động, nên nhận được nhiều tràng pháo tay không dứt, xen kẽ với những lời phát biểu, tặng Plaque lưu niệm của nhiều Hội đoàn, dân biểu, quân nhân Mỹ-Việt được mời do trưởng ban Tổ chức D/S Diệu Thảo điều hợp,.

        Một màn đốt pháo bông sáng rực cả một khu vực sinh hoạt sau khi mọi chương trình đã kết thúc. Tiếc rằng, lá cờ Việt nam được đốt lên từ đầu, nhưng vì đặt quá thấp nên nhiều người xem đã không thấy được. Những tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt dành cho BTC . Người đi xem ra về vẫn còn xuýt xoa khi tiếng hát của ca nhạc sĩ Việt Dzũng từ trên khán đài còn vọng lại với những bản hùng ca.

Xin cảm ơn Ban Tổ Chức, những người trẻ và rất trẻ, nhưng đã tổ chức, điểu khiển mọi sinh hoạt nhịp nhàng, xuôi chèo mát mái, khiến “Ông Trời” cũng thương tình, dành một ngày nắng êm, không mưa, chỉ gió nhẹ, để người đi xem không thấy nắng đầu và không chảy một giọi mồ hôi, dù ngồi mấy giờ đồng hồ ngoài trời cũng không thấy mệt.

Một người Vợ Lính và Mẹ Lính, rất hãnh diện về thế hệ con cháu của mình.
Lê thị Hoài Niệm

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

TÂM CẢM

Sáng nay, tình cờ nghe đài phát thanh phát đi từ nước Pháp (RFI), có đoạn xướng ngôn viên phỏng vấn “nhà nghiên cứu Nguyễn đắc Xuân” về vụ Bát Nhã ở bảo lộc Lâm đồng. Ông ta nói.. “ngày trước dưới chế độ “Thiệu”, khi quân lính tấn công vào chùa ở Huế, ông đã lãnh đạo một số phật tử đánh trả lính VNCH, còn bây giờ thì các em, các cháu chỉ biết cầu nguyện, ông rất phục và ông là một đảng viên cộng sản, có bổn phận phải bảo vệ họ”.

Ai không biết NĐXuân là một trong những tên “đồ tể”, đã đưa VC vào để giết hại gần sáu ngàn đồng bào tại Huế trong dịp tết Mậu thân, bây giờ ngồi một chỗ để “bảo vệ” những tăng thân làng mai Bát nhã, không biết ông bảo vệ bằng cách nào ? Chẳng lẽ cũng ngồi cầu nguyện như những em, những cháu mà ông …phục?.

Quào, nếu cầu nguyện mà linh thiêng thì tại sao ngày trước NĐX phải dùng tới sức người, tới vũ lực để …đánh trả lại Lính VNCH? Có lẽ tại hồi đó lính VNCH quá hiền, lại có tình người, có "tâm", không nỡ “đàn áp “ cái bọn phá rối nhưng mang tượng Phật ra làm bia đỡ đạn, bọn “ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản” , vì dù sao chúng cũng là “đồng chủng”! chỉ khác là bọn chúng không có óc nhận xét,không bao giờ biết phân biệt đúng hay sai.

Nếu cầu nguyện “linh thiêng”ở chế độ này, tại sao các tăng thân làng mai tu viện Bát nhã lại bị ‘đuổi “ ra khỏi chùa, đã vậy , tới trú ngụ chuà phước Huệ cũng đang bị đuổi luôn? Để đến nỗi “giáo sư Nguyễn Lang” ( bút danh của Nhất Hạnh) phải viết thư kể công với Tên cộng sản Nguyễn minh Triết nhỉ?
Có phải chăng vì bọn cộng sản vô tâm? loại chuyên môn “ăn cháo đập bát”, dụ được thiền sư Nhất hạnh “giải oan” cho chúng, giờ chúng hết bị…oan rồi nên hất cẳng Thiền sư một cách ngon ơ!

Không biết đến một lúc không còn “cầu nguyện” được linh thiêng nữa, ông NĐX có dám bảo vệ các em , các cháu bằng cách …nhào ra đánh Công an cộng sản không nhỉ? Hay là chưa ra tới nơi đã bị chúng thộp cổ, còng tay tẩn cho một trận vì tội…phá rối cách mạng, âm mưu lật đổ nhà nước! Chỉ còn một cách là câm mõm lại, ăn năn niệm Phật là vừa. chế độ này dã man, tàn ác, độc tài, vô nhân đạo, chứ đâu có dễ dãi, tự do, có 'tình người" như thời VNCH!!!

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

ĐONG ĐƯA NGÀY THÁNG



Buổi sáng ông dậy thật sớm, theo thói quen nấu một ấm nước sôi, pha bình trà nóng. Trong khi chờ đợi, ông làm một ít động tác thể dục cho xương cốt khỏi cứng đơ, đó là một bài tập tai-chi, mà người bạn đã dạy lại cho ông từ bữa đến nhà chơi năm trước.


Rồi ông mở cửa ra vườn sau, trên những lá cây non còn đọng những hạt sương long lánh, không khí mát dịu hoà cùng mùi thơm của hoa lài, hoa ngọc lan, hoa nguyệt quế, hoa hồng v.v.v., hàng chục thứ hoa trong vườn quyện vào nhau làm ông choáng ngợp trong thích thú, sảng khoái vô cùng.

 


Hai vợ chồng con chim cu đất đang nằm ấp trứng trên chậu cây, đưa ánh mắt đen lay láy và vô cùng thân thiện nhìn ông, ông nhè nhẹ đưa tay vuốt đuôi con chim cu trống. Con chim mập ú, no tròn, thường ngày vẫn lấy thức ăn ông để  trên cái máng nuôi chim đặt ở mảnh đất vườn sau.



Hôm nay nó vẫn nằm im không bay đi, chắc là con chim con sắp sửa ra ràng, nên hai “vợ chồng chim” phải canh gác thật cẩn thận làm ông thêm vui thú trong lòng. 
Đúng là “đất lành chim đậu!” Cặp vợ chồng chim này hằng năm vào đầu mùa Xuân, vẫn tìm đến nhà ông để làm công việc truyền giống, cùng một thời gian, cùng một chậu hoa chưa bao giờ ông thay đổi chỗ, chúng đẻ rồi ấp mỗi lần chỉ có hai trứng chim, và luôn nở trọn được hai con chim con, đến khi chúng đủ lông đủ cánh bay đi được là vợ chồng, con cái cùng dắt dìu nhau bay đi mất biệt, muốn gặp lại chúng phải chờ mùa xuân năm tới.
   






Cầm vòi nước tưới đều cho những chậu cây trong vườn, là lúc tiếng chuông cửa reo vang, ông chạy vội vào nhà và đến mở chốt cửa trước, người mẹ bồng đứa con nhỏ trên tay, tay kia khệ nệ xách cái giỏ, trong đựng nào tã, nào sữa lảng cảng, lỉnh kỉnh, ông vội mở toang cánh cửa và đưa tay xách hộ cái giỏ cho người mẹ trẻ, bà vợ ông từ trong bếp chạy ra bồng đứa bé đặt vào cái giường ba-by để sẵn nơi phòng khách, người mẹ trẻ dặn ba điều bốn chuyện gì đó rồi vội vã ra xe, tiếng xe chưa rời thì đã có tiếng chuông reng, ông đi ra mở cửa, thằng bé cỡ hai tuổi cứ níu lấy áo mẹ, giùng giằng chẳng chịu bước vào nhà khiến cho ông phải giữ hoài cánh cửa, người mẹ năn nỉ hồi lâu thằng bé mới chịu líu ríu cầm tay ông để bước vô nhà, nhưng vẫn ngoái cổ nhìn xem mẹ đã đi chưa.Cầm tay đứa bé mà ông chạnh lòng.

Ông bà ngày xưa thường hay nói: “Bảy mươi chưa què đừng khoe rằng lành”. Nào ai biết được mẹ của đứa bé này bây giờ phải lâm vào cảnh “single mom”. Một mình mang vào người đứa con có cha mà cũng như không. Ngày trước, mẹ của bé là con nhà danh gia, lập gia đình với một người Mỹ bản xứ, thuộc loại  “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi” . Nhiều người trẻ ước mơ, lắm kẻ đem con mình ra so sánh, người nào cũng trầm trồ khen ngợi sao mà tốt phước! Vì là con nhà triệu phú, nên anh ta dù có bằng cấp Luật sư, vẫn không thích đi làm.

Nhưng họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc trong một thời gian. Khi cô vợ sinh cho chàng ta hai đứa con có trai có gái, hạnh phúc từ từ rời xa họ, để đến một ngày dắt nhau ra toà án ký giấy chia tay. Đời buồn không dừng lại nơi đó, chuyện con cái như chiếc dây thòng lọng làm khổ đời cô, ban đầu cô được giữ con, người chồng cuối tuần đến đón. Nhưng với tiền rừng bạc bể, chàng ta cứ đem sự việc ra toà kiện cáo đòi bắt con. Theo kiện hoài có bao nhiêu tiền cũng cạn, cô buông xuôi cho người chồng nuôi con, thế cũng xong! Trong nỗi cô đơn của người mẹ trẻ, cô có người bạn trai mới đến an ủi, chăm nom, và rồi đứa bé này ra đời và cô nhất quyết giữ lấy cháu bé, không cho người cha thừa nhận con? sợ nếu có chuyện gì không may nữa xảy ra, con mình lại vuột khỏi tầm tay mình lần nữa. Cô quyết một mình nuôi con.   




 Mấy lần mở cửa, mấy lần đóng, nhà ông bây giờ là một “vườn trẻ tình thương”. Vì trong đám con nít loi choi lóc chóc kia, có cả hai đứa cháu nội- ngoại của ông nữa, cha mẹ chúng cũng đem giao chúng cho ông bà coi dùm để tiện việc đi làm, lắm lúc chúng còn than vãn mới có  một  đứa con mà bận quá…“lo không nổi”! Nghĩ đến ba chữ đó ông thắt ruột và càng thương bà vợ vô cùng.  Những ngày xa xưa đó, ông đi lính trận miền xa, bà ở nhà cũng phải đi làm, mà một nách bầy con dại, cũng nuôi nấng đàng hoàng, tại vì mỗi lần ông về phép là một mầm sống tượng hình, để đến ngày tàn cuộc, đứa bé nhất mới tròn hai tháng tuổi. 

Những ngày dài nối tiếp là chuỗi dài khốn đốn cho người vợ trẻ của ông, thân ông tù tội cực khổ, đói rét đã đành,  bà ở nhà còn phải chịu trăm cay, ngàn đắng, một mình tất tả, ngược xuôi, vừa lo lắng nuôi con, vừa lo bới xách thăm nuôi chồng tù tội. Đến khi sang tận bên này, cũng đi cày mút chỉ, mà vẫn không sót trách nhiệm với con, giờ đứa nào cũng có gia đình, có công việc ổn định, vậy mà nuôi có mỗi đứa con cũng …than trời!

Nói nào ngay, từ khi đặt chân lên xứ sở này, vợ ông, người đàn bà cũng một thời áo dài, giày gót nhọn ngồi trước bàn máy đánh chữ như ai, đi làm hãng điện tử được một thời gian, bỗng chốc trở thành chị vú em chuyên nghiệp sau chỉ có một ngày huấn luyện để lấy licence!

      


Và ông, từ lúc quyết định ..retire non, là đường tương lai đã đi vào ngõ cụt! Nhiều lúc ông tự hỏi đã quyết định đúng hay sai? Ngày ngày, công việc bắt đầu từ buổi sáng vẫn là giúp bà lo cho bọn con nít lóc nhóc đủ cỡ tuổi, từ việc thay tã, làm bình sữa, giúp cho em bé bú, rồi đổ rác, phụ nấu cơm, có khi chạy ra chợ mua dùm bà bó rau, miếng đậu  hũ, hay dĩa bánh bèo, ông thấy mình cũng được việc ớn, đâu phải kẻ vô công rỗi nghề, lại có  thêm được nghề mới, nghề nào chẳng là  nghề, miễn do sức lao động của mình làm ra, đâu phải  ăn bám xã hội. 

 “Sáng chủ nhật rồi anh đi lính không tới nhà thăm em, chắc là em mong lắm phải không khi vắng bóng người yệu? Rồi đây những ngày anh vắng bóng em có còn đi nữa không ? Đường đông, nhưng mà anh đâu có để mà em khoe áo hồng?

 Vừa đẩy cái máy cắt cỏ với những tiếng nổ rầm rầm, vậy mà miệng ông vẫn còn hơi để lẩm nhẩm mấy lời ca ông thích thuở nào. Ôi! Thời gian cứ y như “bóng câu qua cửa sổ”. Mới ngày nào cũng sáng chủ nhật đẹp trời, ông oai vệ hiên ngang trong bộ quân phục quân trường, lạng lên lạng xuống qua con ngõ nhà ai, rồi sau đó nhận sự vụ lệnh ra đơn vị chiến đấu, anh dũng oai hùng đánh giặc bao nhiêu năm, để rồi…

Hôm nay đây cũng là một sáng chủ nhật trời trong và gió mát, nhưng chẳng thấy em nào “mong lắm” cả, ngoại trừ cái máy cắt cỏ và đám cỏ mọc lởm chởm ở sân trước, sân sau. Ông nhớ lại lời ông bà xưa: “Trời sinh voi, sinh cỏ”! nhưng nghiệm lại ở xứ này coi mòi trật lấc, Voi thì được nuôi nấng kỹ càng trong sở thú có cặp có đôi, lâu lâu sinh được chú voi con, bàn dân thiên hạ mừng rỡ  như bắt được…voi. Rồi đem chiếu lên truyền hình cho toàn thể dân chúng mừng ké. Voi được o bế như thế nên cỏ cho voi ăn chưa hẳn do trời sinh(?).

Đi khắp xứ sở này, thấy chỗ nào cũng cỏ mọc xanh rì, phẳng lỳ như tấm nhung tơ, nhưng chẳng phải do trời sinh sao có vậy đâu à. Muốn cỏ đẹp phải mua đúng cỏ về trồng, rồi sáng sáng, chiều chiều phải tưới nước đều đều, rồi phải mua phân về bỏ xuống, rồi phải chổng mông lật cỏ dại, để rồi cuối tuần phải…cắt! Nhà ai loạng quạng không chịu “tết-ke”, để cỏ hơi cao lùm xùm một chút, là cứ y như rằng có giấy gửi tới nhà …cảnh cáo, lần sau bị phạt. 

Nói gì thì nói chứ cắt cỏ, quét lá cũng là một nghề nữa của ông. Trong nhà cũng có thằng con trai, nhưng không hiểu tự bao giờ, nó thẩm nhập câu tục ngữ: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!”, mà vì nó không có cô  chú bác gì ở đây, nên có bao nhiêu công sức nó đều dồn vào nhà bạn gái nó. Nghe đâu đám cỏ nhà người nó cắt láng coóng mỗi tuần, còn ở nhà ông thì hầu như nó …hổng thấy bao giờ. Bà vợ ông có khiếu nại thì nó xách xe dông tuốt. Rõ ràng “con hơn cha là nhà …tróc nóc!” Nhưng biết sao bây giờ?

Hôm nay chủ nhật, nhà ông yên tĩnh lạ thường, vì không có vườn trẻ tình thương. Sau khi cắt cỏ dọn dẹp cũng đã gần trưa, lại chuẩn bị đưa bà vợ đi chùa. Đi chùa xong lại thong dong đi chợThành phố Houston lúc sau này đông vui đáo để. Người ta xây dựng lên cả một khu thương mại hoàn toàn nói tiếng Việt nam vì bảng tên hiệu đều viết chữ Việt. Chỉ cần lái xe lên xuống hai vòng, hai bên đường đều có những cơ sở thương mại cần đến. Này nhé; đói bụng thì vào tiệm phở, tiệm cơm tấm, tiệm hủ tiếu hay bún bò, rồi vào quán nước, quán cà phê, nghe nhạc, thấy bài nào ưng ý, chui ngay vào tiệm nhạc để mua tí nữa đem về. Sẵn có nhiều sách báo, có báo biếu, báo mua tuỳ ý, trong khi chờ bà vô chợ, ông ngồi xem báo đỡ mất thì giờ. Ăn xong lỡ có đau bụng, hay lên cơn suyễn, thì phòng mạch bác sĩ cứ ..walk-in, bác sĩ cho toa qua tiệm thuốc sát bên là có thuốc, thuốc tây có ngại thì thuốc ta  cũng không phải đi xa.






Vô tiệm ăn “all you can eat”, ăn thả dàn lỡ bị trúng mẻ răng, có phòng nha sĩ sát bên cũng tiện. Ngồi lâu đau lưng quá thì vô tiệm đấm bóp cho đỡ đau. Chiều chiều buồn tình vô quán nhậu, lỡ có nhậu xỉn xô xát với nhau, cũng có trạm cảnh sát, sát bên ra phân xử. Nếu lái xe chí tử, đụng cái rầm mà xác còn, hồn đi, thì cũng có nhà quàn bên cạnh sẽ rước về sau khi đưa người đi giảo nghiệm ở nhà thương. Đến giai đoạn này thì khỏi phải bon chen chi cho mệt, cứ vô chùa nằm im trong bình đất mà nghe tụng niệm để hồn siêu thoát lên chốn thiên thai, nhưng có nhiều người lại bảo “về dưới” vui hơn lên trên đó (?)

 


Nói chung, nơi ông ở không thiếu một dịch vụ nào trong đời sống hằng ngày mà người sử dụng phải cần tiếng nói của người bản xứ, nên nhiều người mới đến đây vẫn sống phây phây, đâu cần học chữ của người Đong đưa ngày tháng như ông kể ra cũng quá lý tưởng. Nhưng trong ông vẫn vương vấn nỗi buồn. Vẫn mơ một ngày được trở lại quê xưa, sống lại thời trai trẻ, được “tự do” ăn nói chẳng chút ngại ngần, không phải bực mình vì những chuyện gai mắt, trái tai, không bị "ủ tờ" vì dám ngang nhiên bày tỏ lòng yêu nước của mình ..…Tất cả  quá xa vời, dù ông vẫn tích cực tham gia vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, không biết những ngày ông còn tại thế, có đạt được điều ước mơ???

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

VÔ DUYÊN ĐỐI DIỆN


Nếu ai đó có ý gợi nhớ về Nha Trang, người ta hay nhắc đến thành phố có bờ biển dài và đẹp, với hàng dừa xanh nghiêng mình lả ngọn đong đưa theo gió, dõi theo những bước chân trần đùa vui trên cát trắng, lượn lờ, ve vuốt những cơn sóng bạc đầu chạy dài trên bãi, làm bạn đời với những hàng thông cắt xén thật công phu. Bên cạnh những thắng cảnh hữu tình như Cầu Đá, Tháp Bà, Hòn Chồng, Nhà thờ Đá, Chùa Phật học v.v.. Nhưng có mấy ai nhắc nhớ về một điểm đặc biệt, đó là mấy cái... chợ. 
Xem trước
bãi biển Nha trang

 


Thật vậy, mỗi khi định hướng chỉ đường, người ta không chỉ về hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mà thường lấy chợ làm chuẩn như: chị Hai ở gần chợ Đầm; Cô Ba ở sát chợ Sinh Trung, thiếm Tư ở khu chợ Xóm Mới, anh Bảy lại ở gần chợ Phương Sài, hay bác Năm ở tít chợ Phước Hải. Và không biết có phải vì Nha Trang đẹp, Nha Trang có nhiều phong cảnh hữu tình, có khí hậu mát mẻ, hay tại Nha Trang có nhiều chợ, sẽ có nhiều cô gái đi mua sắm, và ông trời cắc cớ muốn se duyên cho những người hùng thời đại, phù hợp với câu ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”, mà ở Nha Trang không phải chỉ có ...ba quân mà đã có quá nhiều quân, ngay cả những nơi đào tạo quân nữa kìa.

Xem trước
nhà thờ Núi
Xem trước 





Nếu đi đường Duy Tân hướng về tiệm phở Chụt gần cầu Đá, chắc chắn phải qua “Trung tâm huấn luyện Hải Quân”, nơi đào tạo hầu hết những Sĩ quan ưu tú của ngành lính biển, cạnh bên trại Tây Kết, cũng là đơn vị của những người trai yêu sông nước hải hồ (?). Băng qua con đường đi Bình Tân là phi trường rộng mênh mông với phi đạo dài ngoằng, ôm hẳn một đoạn đường ven bãi biển.




Đi vào bên trong cổng Long Vân, là gặp ngay “Trung tâm huấn luyện Không Quân”, nơi đào tạo hằng hà sa số những tài xế máy bay đi mây về gió, không bao giờ “có quân” dưới trướng, những sĩ quan kỹ thuật, và ngay cả những người lính không quân thực thụ. Cạnh đó là cả một không đoàn 62 chiến thuật của Sư đoàn 2 Không Quân với thật nhiều phi công của nhiều loại máy bay khác nhau, như trực thăng; khu trục, máy bay bà già hay vận tải cơ cỡ bự, rồi thêm bên ngành kỹ thuật...

ảnh từ cánh thép phi trường NT
Lính dưới nước, lính trên trời đều ngự ngay trên phố biển, khiến cho những người lính Bộ cũng chẳng chịu thua. Chỉ cần đi về hướng Bắc của thành phố, qua khỏi cầu Bóng, vượt qua ngả rẽ xuống Hòn Chồng, là gặp ngay làng Đồng Đế, tại đây lại có một quân trường, đã đào tạo không biết cơ man nào là Hạ Sĩ Quan cho binh chủng Lục Quân, với tên gọi thân thương: “Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế”,(có một thời gian ở những năm 70, nhiều khóa Sĩ quan cũng được huấn luyện ở đây) mà có một dạo, người dân Nha Trang đã phải nghe câu thơ buồn tê tái: “rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà….!”



Nhưng chưa hết đâu, rời thành phố Nha Trang đi về hướng Bắc hơn 30 cây số, từ Ninh Hòa rẽ về hướng Tây, lại gặp phải “trường Pháo Binh Dục Mỹ”, chỗ huấn luyện những người lính chuyên bắn súng ‘Cà nông”, rồi có cả “Trung tâm huấn luyện Biệt động quân”, nơi đào tạo những người lính mũ nâu “sát-sát”. Dưới chân đèo Phượng Hoàng là “Trung Tâm huấn luyện Lam Sơn”, những người chiến sĩ phục vụ hầu hết những đơn vị ngoài chiến trường miền Trung, đều được đào tạo ở trung tâm này.



Thành phố Nha Trang vào những ngày lễ lớn hay cuối tuần, đường phố hầu như có đủ mọi sắc lính. Này là những chàng sinh viên Hải Quân với bộ lễ phục trắng tinh, mũ trắng, dây biểu chương toòng teng, giày chùi láng cón. Còn sinh viên sĩ quan Không Quân lại mặc màu vàng, cũng đủ mũ-giày-dây nhợ chẳng thiếu thứ chi, chưa kể một số đã là... tài xế máy bay với áo liền quần màu đen hoặc xám, có ca-lô đội lệch trông oai nghi, đẹp đẽ vô cùng, họa hoằn lắm mới thấy bộ màu cam. Rồi khóa sinh hạ sĩ quan cũng đồng phục màu vàng, cũng phù hiệu quân trường, chỉ thiếu dấu alpha trên vai áo. Rồi thì xe Jeep nhà binh chở mấy chàng pháo thủ, xe Honda đèo lính biệt động miền xa...


Bởi vậy nên thành phố Nha Trang đông vui qúa cỡ, quán xá buôn bán tấp nập, chợ búa đầy người và con gái Nha Trang lúc nào cũng có ... giá! nhất là đám nữ sinh áo trắng. Nhạc sĩ Phạm đình Chương bảo: “Anh đi chiến dịch xa vời, nòng súng nhân đạo cứu người lầm than!” Người ta đi lính là để giữ gìn an ninh cho đất nước, nếu không tình nguyện thì cũng bị bắt buộc phải đi …thi hành nghiã vụ quân sự, có nhiều nhiệm vụ, chức năng mà người lính phải nhận lãnh, phải chu toàn trách nhiệm, khổ ải vô vàn. Ấy vậy mà hầu như bọn con gái choai choai ở Nha Trang lại có toàn quyền chọn binh chủng, nếu thích làm “người yêu của lính”.
Xem trước
Hn chụp ở Hòn Chồng NT
 





Nói nào ngay, hồi đó đa số các cô thích chọn lính áo liền quần, đi mây về gió, có bộ vó bảnh trai, tuy rằng có lúc chẳng có một đồng xu trong túi, ăn cơm tháng Thọ Lộc hay Hoài Linh thì ghi sổ dài dài, nếu không chịu đóng tiền từ đầu tháng, nhưng chuyện đó hạ hồi phân giải. Cô nào có máu ưa phiêu lưu thích người hùng, thì chọn lính rừng, lính Biệt động, lính Nhảy dù cho oai phong lẫm liệt, nếu nghĩ rằng ít có cơ hội làm góa phụ ngây thơ thì chọn lính pháo binh, hay huấn luyện viên ở quân trường. Và khổ nỗi, không biết tự bao giờ và tự nơi ai mà lại có câu than bất hủ: “Thà chết cạnh rừng mai hơn là chết trên vai anh cánh gà!” Nên trại tiếp tân ở quân trường Đồng Đế, dù cũng gần bãi biển, có gió mát, có sóng gào, có tượng đá hùng dũng hiên ngang “Anh đứng muôn đời thao diễn nghỉ, Em nằm xỏa tóc đợi chờ mong”, nhưng chỉ thấy mấy bà Mẹ già, bà chị lớn, em thơ mà ít thấy bóng hồng từ Nha Trang ra viếng. Chả bù với quân trường Hải quân và Không quân, vào những buổi lễ gắn alpha hay mãn khóa là cứ y như rằng có vô số người đẹp sẵn sàng ăn mặc thật đẹp, ngồi xe lam đến để chia vui, để chúc mừng và có khi đến để... khóc chia tay nữa.




Và tôi, cũng tại, bị, vì mê biển hay nói đúng hơn là thích tắm biển, nhất là những ngày nghỉ hoặc cuối tuần, mới hơn bốn giờ sáng là tôi đã có mặt ngoài bãi rồi, lúc đó tận phương đông xa tít chỉ thấy một vầng hồng lờ mờ gối đầu lên mặt biển xanh, không khí trong lành mát mẻ làm sao! Gió lờn vờn xoay nhẹ quanh người, biển êm, nước lặng như mặt hồ, không có thú nào hơn là cứ đi nhè nhẹ, nhè nhẹ ra xa đến khi làn nước âm ấm sắp ngập tới đầu, là xoải mình nằm thả ngửa, nếu đừng có những tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa của những người bạn chung quanh, tôi nghĩ mình có thể nằm ngủ được, và khi mặt trời ửng đỏ, vài đợt sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ, là tha hồ bơi lội.

Bởi thích biển nên tôi muốn chọn lính biển làm người hùng. Có lúc mấy đứa bạn bảo tôi... khùng, quen chi lính biển để rồi phải chờ đợi: “tàu dzìa bến anh hẹn mình dạo phố!” (Tụi nó quên còn nhiều HQ đang ở quân trường). Chúng còn phân tích những điều kiện ắt có và đủ của quí chàng để có thể giung giăng giung giẻ với bọn tôi ngoài phố, rằng có lẽ vì mấy chàng bận học quá (ban toán mà lị) nên ốm cà tong cà teo, có chàng thì cao lêu nghêu như cây nêu ba ngày tết, còn chàng thì hơi thiếu thước, và có nhiều chàng lại phải mang đôi kính dày cộm như hai cái đít chai. Nói chung là có bộ vó ít đẹp giai (xấu-đẹp tùy người đối diện?), không giống như anh trai của bạn Hồng đang là lính đi bắt gió gởi mây, và Hoàng Mai thì suốt ngày ca tụng lính pháo binh, vì có người anh trai đang làm huấn luyện viên ngoài đó. Nhưng mặc cho các bạn chê, khen, tôi vẫn cứ chọn lính Hải Quân làm... thần tượng!

Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra cách nào để làm quen, bảo bạn giới thiệu thì quê quá, lỡ “muốn người ta mà người ta không muốn!” chỉ còn có nước “xách xe đạp cà tàng đi xuống đi lên” mà thôi, hổng lẽ xuống bãi biển đi lớ ngớ, xem có chàng nào cũng xớ rớ như mình, làm bộ trợt té chân xuống nước cho chàng tới cứu, cải lương qúa độ. Rồi chẳng lẽ ra phố Độc Lập, cứ đi xuống đi lên, rồi đụng đầu làm bộ đau chân để làm quen, nghĩ tới mà ể mình. Có một vài dịp theo ban báo chí nhà trường vào quân trường bán báo thì có mấy bà cô kè kè bên nách, thiệt hết cách!

Ấy vậy mà tôi được bạn của anh Tùng chọn giữa đám con gái choai choai trong bữa tiệc sinh nhật của nhỏ Minh mới là lạ, chàng Hải Quân trung úy vừa được đổi về quân trường sau những năm đi lách lòn trong sông rạch. Chàng (xin miễn nêu tên) có nước da ngâm ngâm, nhưng nụ cười thật sáng, và đôi mắt biết cười, mấy đứa bạn rù rì phê bình sát ván. Thu Cúc, Nguyên Hương cứ tức anh ách, vì chúng nó đẹp gái, con nhà giàu nhưng có điều học dở và không hát được như tôi. Không hiểu sao bữa đó tôi chọn bản “Biển Tình” của nhạc sĩ Lam Phương, hát lên nghe cũng hợp tình hợp cảnh ớn. Rồi thì chàng tình nguyện song ca với tôi bài “Trăng Rụng Xuống Cầu” của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ, tôi khoái quá trời, có điều hát xong, tụi bạn bảo tôi với chàng song ca sao giống cặp Ngọc Cẩm+Nguyễn Hữu Thiết! (?)

Rồi chàng kể chuyện đi tàu, lối kể chuyện giọng miền Nam sao hấp dẫn lạ (tôi nghĩ vậy), thỉnh thoảng chàng pha trò nên cả bọn cứ lăn ra mà cười. Nói rồi chàng thòng một câu cảnh cáo: “Mấy cô đừng tin vào sự tưởng tượng của mấy ông nhạc sĩ, văn sĩ mà mê cuộc sống bồng bềnh của lính Hải Quân (chàng nói khiến tôi hơi nhột). Đi biển mà gặp sóng to gió lớn thì người hùng cũng có thể ngất ngư, chứ ở đó mà tìm hoa sóng về tặng em. Còn đi trên sông rạch hả, có bữa cũng bị VC nó... rượt chạy trối chết, cực lắm mấy cô ơi!” Và tối hôm đó, tôi đã nằm mơ thấy chàng nắm tay tôi đi vào một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, có trăng sáng lung linh, vắt ngang qua dãi Ngân Hà. Ôi sao mà tình tứ qúa!


Bạn Minh cho tôi một lô hồ sơ lý lịch, tướng mạo quân vụ của chàng, tôi yên chí lớn, mạnh dạn bước vào con đường tình yêu. Mộng quen lính Hải Quân giờ đã thành sự thực nên tôi yêu đời dữ, thấy mình thông minh hơn, nên kỳ thi tốt nghiệp tôi đậu trót lọt. Nhà tôi ở cạnh Nhà Thờ Núi, mỗi sáng tinh mơ, tiếng chuông nhà thờ đổ đồn những hồi chuông, báo hiệu một ngày mới, thành thói quen, thì mỗi chiều chàng cũng ghé đến nhà tôi trở thành thông lệ. Ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy nó đẹp như mơ, chưa chắc tiểu thuyết của Quỳnh Giao đã có những đoạn tả tình đẹp bằng tình của tôi đối với người hùng lính biển.


phố Độc Lập NT
Tôi đã có những buổi tối ngồi sau chiếc xe Honda (hơi cũ) dạo phố Độc Lập, rồi lang thang xuống bãi biển hứng gió đêm, uống nước dừa, có khi xơi… hột vịt lộn, có lúc ngồi nhìn trăng lên cứ ngỡ mình là thi sĩ, cũng bày đặt “tung” ra vài câu thơ, nhưng vần điệu chắc chẳng giống ai, rồi cũng ngâm nga bài “Hoa Biển” cho ra vẻ ta cũng thuộc bài hát của binh chủng chàng. Ấy những ngày tháng yêu đương, cuộc đời tình ái của những kẻ đang yêu cứ loanh quanh, lẩn quẩn ở quán kem Màu Hồng, quán Fuzi, quán Chiều Tím, quán nem Ninh Hòa ở đường trần quí Cáp.
Các rạp xinê thì Minh Châu, Rạp xi nê Tân Tân chuyên chiếu phim Âu Mỹ, rạp xi nê Tân Tiến chuyên chiếu phim Ấn độ hoàn toàn nói tiếng Việt Nam do hãng phim Mỹ Vân chuyển âm, và mấy chỗ đông người ở đường Độc Lập, Phan Bội Châu, đến mấy quán chè để làm khách hàng thường trực. Chàng Hải Quân Trung úy của tôi coi mòi cũng lậm tôi dữ, chàng bèn đưa tôi qua Tháp Bà xin xăm, để xem tình duyên gia đạo có cơ phát triển (?), chàng sẽ về nhà xin phép ông bà già mua tặng tôi ít phong pháo nổ vang trước cửa nhà cho vui. Đâu đó xong xuôi tôi kể như được làm quan tắt trong một sớm một chiều. 
 

Đi lính mấy năm trời cực nhọc trăm bề, cái chết cứ cận kề mới gắn được lon Trung Úy, còn tôi mới quen chàng sơ sơ một năm hơn mà sắp được làm quan bà, bộ không sung sướng lắm sao? Nhứt là bộ vó của ông bà Bô cũng không lấy gì làm hắc ám. Ôi cuộc đời khi ta yêu cái gì chung quanh cũng màu hồng ráo trọi, nó dễ thương vô vàn. Vả lại ông trời đã ban sẵn cho tôi một trí tưởng tượng phong phú nữa mới là tuyệt diệu. Nào là hình ảnh một mái nhà gạch đơn sơ (không có nhà tranh ở thành phố đâu à) có giàn hoa tim tím leo quanh cánh cổng khép hờ, đang nhốt hai quả tim chưa bao giờ ngừng đập. Còn những thứ lỉnh kỉnh bên trong nhà thì khỏi tả cho đỡ tốn giấy. Rồi chiều chiều tôi ra ngõ đón chàng về từ trung tâm huấn luyện, trên chiếc Honda 90 phân khối, dù chàng có bị mồ hôi muối toát ra qua bộ đồ lính suốt ngày giang nắng gió, tôi vẫn ôm lấy chàng, miệng không ngớt khen chàng vẫn còn thơm cho chàng mát dạ. Rồi thì bữa cơm chiều có đủ thịt, cá, muối, dưa (lúc đầu tháng còn tiền, chứ cuối tháng thì coi mòi hơi... thiếu). Ôi! Tôi vẽ ra nhiều thứ lắm, đời đẹp vô vàn, nếu một ngày...

*****
Người đàn bà đến gõ cửa nhà tôi cũng vào một buổi chiều đẹp nắng (Nha Trang mà, lúc nào chẳng nắng đẹp!) Nhìn cái rope ngắn cũn cỡn và lối trang điểm của bà ta, tôi cũng đoán sơ sơ bà ta thuộc hạng người nào. Mới đầu tôi ngỡ bà gõ lộn cửa, nhưng không, bà ta hỏi đúng tên tôi trời ạ, bà ta đứng chống nạnh, mắt long lên, miệng hả to sừng sộ hỏi tôi biết bả là... ai không? (Chưa nói sao biết!). Rồi bà tự giới thiệu là vợ của chàng, hai người đã là vợ chồng và đã có một con. Thấy tôi chưa tin, bà ta còn hét toáng lên sao tôi đi “cướp chồng bà”, và rồi bà đưa tôi xem tấm hình của chàng, chụp trên boong tàu đâu hồi nẳm, nhưng vẫn đích thị là chàng.


Tôi thấy đầu óc hơi choáng váng, có lẽ bà nhìn thấy mặt tôi tái ngắt, hay tím rịm cũng không chừng, bà bèn đổi sang chiêu: khóc. Bà ta sụt sùi khóc lóc kể lể tựa hồ như cha vừa mới chết, cái đám con nít trong xóm tôi vốn dĩ tò mò, bây giờ được xem kịch sĩ trổ tài mà không cần mua vé nên cứ ùn ùn kéo đến. Sân nhà tôi đông ơi là đông, nhưng lỗ tai tôi đã bị lùng bùng rồi. Pháo kích, lựu đạn, cốt mìn tôi đã từng nghe nổ, nhưng chẳng hề hấn chi. Động đất, núi lửa vẫn có cơ may chạy thoát, thậm chí bom nguyên tử nổ cũng có cơ hội sống còn, còn quả bom bà ta mang đến nhà tôi, đã làm tôi nổ đom đóm mắt, thủng màng nhĩ rồi trời ạ, tim tôi thủng mấy lỗ rồi. Tôi đứng chết trân nhưng vẫn mơ hồ thấy chiếc Honda của chàng trờ tới cửa, rồi vọt đi, bà ta vội vã chạy theo. Và tôi, xin miễn đeo nhẫn của chàng từ đó. Rõ là vô duyên!



Ngày tháng đong đưa, chuyện tình chàng lính biển dần dần đi vào dĩ vãng, tôi cũng vẫn lang thang trên phố biển Nha trang, và rồi một hôm tôi đươc vợ chồng anh Phạm Tấn Ph. (anh đã quy tiên rồi) mời đến thăm nhà, Anh Chị vừa mới đổi về dạy học tại Nha Trang, sau nhiều năm trấn thủ tận trường trung học Kiến Hòa. Anh mới mua căn nhà ở đường Bá Đa Lộc, nên tổ chức ăn mừng tân gia. Trong đám thực khách đông đúc, cũng có vài bộ lễ phục trắng phau, là học trò cũ của anh từ miền xứ dừa ra học. Và tôi, cũng lại lọt vào đôi mắt cận thị của chàng SVHQ, nên chàng ta cứ theo hỏi đủ thứ chuyện. Tôi biết mình vô duyên với lính biển, lại sợ nổ đùng đùng, nên cũng lơ lơ, nhưng cuối tuần nào chàng cũng ghé thăm (chắc tại không biết đi đâu vì lỡ làm con ba phước?). Thôi thì cứ chuyện trò cho qua ngày tháng.

Rồi mùa hè đến, anh chị Ph. định tổ chức một buổi Picnic ở Hòn Tre, anh thì lo đi mướn ghe, đám đàn bà con gái lo bánh trái, rau sống, nước chấm và anh Tr. sẽ làm món gỏi cá tại chỗ. Và cá, dĩ nhiên sẽ được đánh ngay ngoài biển bằng... lựu đạn. Chàng SVHQ xung phong đảm nhận (vì chàng có bạn đang làm HLV ngoài Đồng Đế, xin lựu đạn không mấy khó).

Sáng Chủ nhật trời trong, gió mát rồi cũng đến mau, người nào cũng náo nức trong lòng, tưởng tượng bãi cát êm, biển thưa người với vô số dã tràng, vỏ sò, vỏ ốc đẹp, bỏ lại sau lưng thành phố náo nhiệt ồn ào, nên cứ cười nói huyên thuyên. Chiếc ghe nhỏ xuất phát từ bến Cầu Đá ra khơi xuôi chèo mát mái, hình bóng đảo Hòn Tre đã thấp thoáng xa xa, mấy chị, mấy cô trông mau tới bờ để tìm bóng mát mà trú, vì có vài chị hơi ngất ngư vì sóng, mấy anh thì thao thao bất tuyệt về món gỏi cá đặc sản của Nha Trang.

Bỗng một tiếng nổ... bùm, cả một vùng nước biển giao động mạnh, chiếc ghe nhỏ lao đao, chao mạnh sắp nghiêng, tiếng la chới với, bà con hốt hoảng đổ nhào qua hướng ghe nghiêng, mấy anh hét toáng lên bảo níu lấy be ghe, vài anh nhảy ùm xuống nước níu vội chiếc ghe, nên cuối cùng chiếc ghe con đã trở lại thăng bằng mà không bị lật. Nhưng chiếc ghe con đã không bao giờ đến được bến Hòn Tre, vì mấy chị nhất định đòi về sau cơn chết hụt, mặt mày tái ngắt tái ngơ, gỏi cá tạm ăn tưởng tượng, vỏ ốc, vỏ sò khỏi tìm cho mất công. Hỏi ra mới biết tại chàng SVHQ sơ ý, chưa biết cách quăng lựu đạn xuống nước như thế nào mà “bốc ẩu” làm như rành lắm.

Buổi du ngoạn cũng tan theo tiếng nổ, và chàng SVHQ hình như bị quê nên đã đổi ngành sang “thợ lặn”, và tôi không còn dịp gặp lại chàng lần nào nữa. Rõ là vô duyên đối diện nổ đùng đùng!!!

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

CHUYỆN PHIẾM :MÌNH ƠI


“Trả lại tôi là tuổi trẻ hôm nay, chúng mình như sức trai chưa hề già, trả lại tôi là tuổi trẻ hoa niên, nếu chộp ngay thuốc viên..Vi-ag-ra…”

Bà Tá sững mắt nhìn ông chồng già đi tới đi lui, tay vung lên theo nhịp điệu quân hành, miệng thì oang oang với điệu nhạc bài hát “trả lại tôi”, mà lại có chữ gì Viagra trong đó, lại còn tỏ vẻ hả hê, ý chừng vừa đạt được một thắng lợi vẻ vang, vĩ đại lắm. Nét mặt thì hí ha hí hửng trông phát ghét. Nhịn hổng nổi, bà bèn cất tiếng hét át tiếng ca:
-Mình làm gì cứ như vừa được trúng số vậy?
- Hì hì hì, kỳ này coi bộ khá hơn trúng số. Trúng số có nhiều tiền, sướng thật, nhưng nảy sinh nhiều nỗi lo âu, còn sợ nữa. Lo sợ chúng tìm tới nhà mượn đỡ một ít xài chơi, có khi mượn luôn cái mạng của mình. Rồi còn thêm phiền nhiều chuyện khác, như bà con bạn bè sẽ tăng vọt, điện thoại nhà sẽ réo liên hồi, báo hại hai lỗ tai và lỗ miệng phải làm việc .. ố vờ thai. Rồi phải tiệc tùng liên miên để đáp ứng nhu cầu, thế nào cũng sinh bội thực, rồi sinh chứng bịnh cô-lét-tơ-rôn, bịnh cao máu, không chóng thì chầy cũng khó tránh khỏi …hợt-ắt tắc, chết bất đắc kỳ tử. Đó là chưa nói tới chuyện nhiều tiền sẽ phải đi du lịch, mà đi hoài ở thời buổi này có ngày cũng gặp máy bay…rớt, chết toi uổng mạng. Tui mới kể sơ sơ những tai hại về chuyện trúng đô la, nhưng kỳ này chỉ có đám đần ông chúng tôi trúng mối lớn, có dịp “trả thù dân tộc” một cách huy hoàng.

Bà Tá nhíu mày ngạc nhiên, nêu thắc mắc
-Ngày nào em cũng thấy mình đi mua vé số, sao lo…sợ trúng số? nhưng em không hiểu mình đang nói trúng mà trúng cái gì?
Ông Tá rỉ tai bà nói nhỏ
-Mình đã nghe người ta nói đến thần dược Viagra rồi phải không?
- Xí! Già mà ham!
- Đụng chạm à nha, từ lúc loại thuốc này được phát minh, sáng chế ra, thì tất cả các báo đài từ của Mỹ tới của Ta đều ca tụng như là một phép màu riêng tặng cho đám đàn ông, chúng tôi mừng quá xá mừng, ngay cả cái cụ cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Bóp Bóp… gì đó cũng lên tiếng ca vang đó.
- Thì em đang nói chuyện với mình chứ có nói tới ai đâu mà đụng với chả đụng.
- Đần ông cả thế giới đã xôn xao khi nghe tin có thần dược ra đời, thiệt tình đã từ lâu cái đám tụi tui cứ phải hát “ Buồn rờ cằm không râu, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời, giường chiếu vắng khi ta không còn…xài(?),để đêm đêm biết tâm sự cùng ai…”(hát theo bài nhạc nửa đêm ngoài phố), và bây giờ thì phải nhại lại câu đầu tiên của bài hát “quốc tế ca”, hổng phải để ca tụng bọn Cộng sản (đã sụp lâu rồi) mà ca tụng thuốc viên Viagra rằng thì là “…Vùng lên hỡi Bất lực nhân ở thế gian…!!!”ha ha ha …
Bà Tá cắt ngang:
- Nhưng mình…già quá rồi đâu có cần thứ đó
- Nói như mình đâu có được, nè mình nhớ cụ Đê-Tê-Mê không, cụ đã xấp xỉ bảy bó rồi, vậy mà tuần qua, cụ gọi điện thoại cho tôi bảo rằng : nó hiệu nghiệm lắm lắm.
Đến lượt bà Tá lắp bắp:
-Mình nói sao, bộ…bộ ..cụ ấy bảo với..với …mình như ..như…thế?
-Thì cụ bảo bao nhiêu năm qua rồi cụ chả hát hò, ngâm tao đàn, chèo cổ gì ráo trọi, ngay cả “Thằng bé cúi đầu đi vào ngõ nhỏ” cũng bị đá văng ra, dù cụ cứ phải năn nỉ ‘Đừng chê Anh đêm nay” cũng chẳng có chút ép- phê nào, nhưng giờ thì cụ hát hò vui vẻ lắm.

Bây giờ thì bà Tá giật thót người:
-Mình có nghe lầm không? chớ cụ bà năm nay đã quá tuổi lãnh tiền hưu lâu rồi, người dân bản xứ thì sao em hổng biết, chứ còn đàn bà Việt của mình tuổi cao, đức trọng, con cháu đầy đàn, xin lỗi, còn lâu quí cụ mới hợp ca, hát bè ăn mừng chào đón.
Đến lượt ông Tá chưng hửng:
-Ừ nhỉ! Cụ bà bao năm qua chắc đã hát : Thôi là hết …ôm nhau từ đây, vậy thì hà cớ gì cụ ông lại tuyên bố mạnh dạn đến thế nhỉ? Chết rồi, nguy to rồi! Ha ha ha …
Bà Tá già chưa hết ngạc nhiên khi thấy ông chồng bỗng nhiên cười lớn, thì ông lại tiếp:
-Kỳ này rắc rối thật rồi đó bà! Loạn! Loạn đến nơi rồi. Hổng hiểu thần dược sẽ biến thành thần gì đây, hổng lẽ thành …thần sầu hoặc nảy sinh ra những chuyện thần thoại?

-Hình như nãy giờ em vẫn còn đi trong buổi sáng sương mù ở Luân Đôn phải hôn mình?
-Dù bà có đi trong trưa nắng ở Houston chưa chắc bà đã thấu hiểu được hết những uẩn khúc, những tâm tình, những mặc cảm lẫn những nỗi lòng thòng của đám đần ông chúng tôi đây. Bao nhiêu năm rồi có quá nhiều người “có những niềm riêng mà không thể nói…”( sơ sơ có khoảng 30 triệu người trên xứ Cờ hoa), đã không có cơ hội làm tròn bổn phận, nhưng đành nuốt hận làm vui, bây giờ nhờ thần dược ra đời, có cơ hội vùng lên, nhưng bị …đắp mô, cái điệu này chắc có nhiều vị mừng hụt. Ơ hơ ! Còn nếu muốn làm cách mạng, chắc phải đăng báo tìm người, hoặc phải mình ên đi tìm …động hoa vàng, lạc lối thiên thai, may ra mới giải tỏa được nạn cấm vận bấy lâu. Nhưng kẹt nỗi, người dân bản xứ thì có vô số khu giải trí mở cửa đón khách, còn dân tị nạn buồn nếu không rành đường đi nước bước chỉ còn biết ca bài “ Anh đi về đâu mà tìm hoài sao không thấy…Ổ” thiệt cũng rầu hết biết.
- Í cha, bây giờ thì em hiểu ra rồi, nhưng theo em nghĩ, hình như thần dược gì đó có hại lắm lắm..,
-Này này, ai cũng khen Vi-ag-ra là thần dược, người sáng chế ra là ân nhân, còn bà phàn nàn nà tại nàm thao?
-Thì dân Tây dân Mỹ có cơ hội giải toả niềm riêng, là chuyện của họ, chẳng hạn như mấy ông chồng cứ âu sầu, ủ rũ như con gà chết, khiến mấy bà vợ buồn triền miên, bây giờ vui vẻ cả nhà là vô cùng quí hoá, nhưng đối với những người tị nạn buồn thì em thấy hại nhiều hơn lợi.
- Bà thử nói những cái hại nghe coi.
-“Bội ước lời thề” vì trước khi cụ bà cưỡi hạc qui tiên, có lẽ cụ ông (chỉ một số thôi không quơ hết) cũng có hứa sẽ gặp nhau ở cõi trên với mối tình chung thủy còn lại, đùng một cái cụ ông đi tìm người để thử thuốc, hổng phải bội ước là gì. Còn cái mục cha già con muộn mới tội nghiệp làm sao, (nhiều khi thấy một cụ ông ôm thằng cu tí vào lòng cứ ngỡ là cháu nội, thấy tội làm sao!), rồi nạn con rơi con rớt nữa mới phiền hà, chưa nói chuyện già cả mắc bịnh đau lưng, cụp xương sống, khiến chính phủ phải chi thêm tiền trả cho thầy thuốc đấm bóp, chạy điện nếu người bịnh đang hưởng medicare. Ngày trước chưa có thần dược đã có màn uýnh ghen độc đáo, huống gì bây giờ. Có mấy mối tình “Táo quân” coi bộ đằm thắm, dù bên ngoài là bạn nhưng chắc gì bên trong ưa nhau, nhưng hổng dám choảng vì sợ mỹ nhân bỏ, chứ mấy “Sư tử Hà đông” mà lên cơn thì khỏi bàn, có bà đã dám ra nằm ngửa ngoài đường trong tình trạng…xếch-xy-xô một trăm phần trăm để bỉ mặt ông chồng già và làm cho chị đàn bà kia phát ớn. Có ngài lại còn làm đảo lộn cuộc sống vốn đã yên lặng từ khuya, vì đã không thể mang lại niềm vui cho người khác. Bây giờ muốn thử thời vận, bèn sắm ..tắc-sì-tồ, rồi đi rước một em về xây “lâu đài tình ái”, nhưng lâu đài đâu chưa thấy , đã nghe chàng ngâm nga “ Từ ngày rước Em về, nhà mình đầy tiếng… chửi thề” làm ô uế không khí trong lành vốn đã được nâng niu, ấp ủ từ lâu, còn chuyện ly dị nữa…,
- Xí!, đâu phải có thần dược ra đời mới …ly. Người ta có thể ly dị với trăm ngàn lý do to nhỏ trên cõi đời ô trọc này, nằm chung giường mà ngáy to quá cũng bị đối phương đưa ra tòa đòi ly dị. Hổng có tình thương với chó mèo cũng bị …ly, đi shopping nhiều quá cũng …ly, v…v….Nhưng những người đó có thể không yêu nhau thật lòng, còn những kẻ sống với nhau qua bao nhiêu chục năm, từng chia ngọt xẻ bùi, mà tới hồi “gậy ông” không chống đỡ nổi thì để ông thử thần dược, chắc bà cũng hỉ xả chấp nhận thôi.

-Còn chuyện ếch nhái nữa chi, hồi trước chưa có “NÓ”, mà nhiều người đã than phiền quá nhiều rồi, bây giờ giúp quí ngài có thêm… lực đẩy nữa , hổng biết bịnh hoạn lan nhanh đến cỡ nào, hổng biết chính phủ phải tốn thêm bao nhiêu tiền mua thuốc nữa, còn cái mục sai-ép-phéc nữa chi, nghe đâu người dùng thuốc có thể bị mờ mắt trong thời gian 30 giây đầu tiên, nếu dùng thường xuyên sẽ bị tăng độ mờ lên, có thể 60 giây rồi lên tới 3 phút, đến một lúc nào đó, trước mắt mình còn lại là …mờ mờ, ảo ảo, thấy vợ người mà cứ hăng hái “this is my house” là khổ nạn, chưa nói tới chứng bịnh tim mạch mà các ngài từ lâu mắc phải, từ hồi nẳm giờ mấy cái mạch máu đó nó tắc nghẽn nằm yên, giờ bỗng dưng thuốc chảy vào làm khai thông, khiến nó vùng lên, rồi cứ giữ nguyên trạng thái lúc khởi sự, có chết người không, chẳng lẽ cứ ngồi một chỗ “ôm” chịu trận? hoặc mấy ngài kiểu mẫu thời trang phải sáng chế ra kiểu quần đặc biệt để mặc vào che bớt chỗ đó đi (Ở nước xã nghiã ta hiện nay đã có nhiều người phải đến nhờ bác sĩ giải phẩu dùm cho nó trở lại trạng thái bình thường vì sau khi dùng thuốc, xài xong thì nó không chịu …trở về chốn cũ!).
-Hình như bà lo dùm cho thiên hạ hơi nhiều đó nha, bà cũng làm tôi chột dạ…


Sau một hồi im lặng bỗng bà Tá ngần ngừ lên tiếng:
-Mình ơi! Em muốn…
Ông Tá già mới nghe qua đã nhanh nhẩu ôm chầm bà vợ già thì thầm:
-Có muốn cũng phải chờ… một tiếng đồng hồ sau!
-Mình nói cái gì một tiếng, em nghĩ chắc phải lâu lắm.
Đến lượt ông hốt hoảng, lắp bắp:
-Bà… muốn..muốn nhiều …nhiều sao tui chịu nổi?
-Mình biết em muốn cái gì mà chịu không nổi, em đang muốn có một cơ sở để làm thuốc …ngăn!
-Hú hồn! làm giật mình, sợ muốn teo luôn, giờ muốn “nổ” cỡ nào đây nói nghe thử coi,
-Muốn chế thuốc DE-VI-AG-RA!
-Cái gì?
-Mình biết chữ DE tiếng Tây đọc là… ĐƠ, là ngay đơ như cán cuốc, người Việt ta học theo Mỹ đọc là ĐI, nhưng để có âm thanh giống “Tây sình” nên bà con thường bỏ thêm dấu huyền đọc là ĐÌ . Đì hiểu theo tự điển của Lê văn Đức có nghiã là… “dạ dưới, phần bụng dưới rốn, theo luật đánh võ của Hồng Mao là cấm đánh dưới đì. Đì còn là bìu dái, hạ nang, túi đựng hai …trái dứng, còn có nghĩa là nẹt, mắn, dùng lời nói nặng đì cho một trận”. Ở đây hổng nói tới chuyện bụng dưới bụng trên gì ráo trọi, dù rằng thuốc uống vào cũng sẽ chạy tuốt vô bụng, mà sẽ nói tới nghĩa “đì cho một trận”, nói nôm na là cho nằm yên một chỗ không cho cựa quậy, ngóc đầu lên nổi, như ngày xưa hồi còn ở bên nhà, có những người lính lỡ không chịu cúi luồn quan trên, không đưa tiền cho bà nhớn nơi cửa hậu (chỉ một thành phần không tốt mà thôi) cứ y như rằng bị quan ông “ĐÌ” !!! Tóm lại, đì có nghĩa là giữ lại, níu lại, dìm xuống .v.. v. Vậy nếu có thứ thuốc de-vi-ag-ra ra đời , có phải là giữ cho gia đình, xã hội được ở mãi trạng thái yên bình cũ không cơ chứ?.

- Bà vừa vừa thôi, mới thấy bọn đần ông chúng tôi có thần dược ra đời đã đem lòng ganh tức, đố kỵ, kỳ thị rồi. Cách đây khỏang .gần nửa thế kỷ, khi viên thuốc ngừa thai của quí bà ra đời, dù thỉnh thoảng trật tự xã hội có đảo lộn, mấy bà có đi ăn vụng chút đỉnh (chỉ một phần tử nhỏ nào đó mà thôi) thì cũng xuôi chèo mát mái, chả ai biết đâu mà rờ, ngoại trừ khi bị tổ trác xơi phải thuốc lép, nên mới vướng phải cái của nợ trần ai. Nhưng mà bà thấy hôn, đần ông chúng tôi đây vẫn vui vẻ chấp nhận, có người còn ra tay nghĩa hiệp, coi đứa bé vô tội khác nào con ta, lại trầm trồ xuýt xoa, chẳng hề than vãn kêu ca, có khi bị cô nàng mắng la, chàng còn ngửa cổ cười ha ha, có khi còn ngỡ mình là Tô đông Pha, dù dòm trước dòm sau chàng chẳng có sành gì tới chuyện thi ca. Đấy ! bà có thấy cánh đàn ông chúng tôi cao thượng chưa? Mãi đến gần đây, chúng tôi mới được ân sủng của Người ban phát, sao bà lại có ý cản địa?

- Làm gì mà nổi nóng dữ vậy? để em nói tiếp cho mình nghe.
- Nói gì thì nói lẹ lẹ lên!
- Thì mình nín đi để nghe em nói chứ!
- Bà hổng nói sao biểu tui nghe!
- Mình hổng chịu nghe sao biểu em nói!.
-Bà có nói đâu mà biểu tui nghe!
-Mình có nín đi để nghe em nói hay tối nay ra ngủ ở phòng khách?...
Ông Tá thở dài thườn thượt đành quay đi chỗ khác chơi, vì ngủ ở Sô-pha có khác nào uống nhằm …. deviagra…