Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024


TÂM SỰ NGƯỜI ĐI LỄ CHÙA.

                                                  

    Đây là tâm sự riêng lẻ của một người đi Lễ Chùa. Mà đã là tâm sự riêng thì có thể không phù hợp hoặc trùng ý tưởng của người ngoài cuộc. Một người đi dự lễ Chùa, vào Chùa thắp nhang trước bàn thờ Phật, tin vào thuyết nhà Phật, tôn kính đức Phật, đọc thuộc kinh Phật, nghe các vị Sư (Ni) thuyết giảng về đạo Phật, ăn chay theo định kỳ (hay trường kỳ), làm việc thiện, không sát sanh v..v… hầu như đều đã Qui Y để trở thành một Phật Tử, có Pháp danh rõ ràng bởi vị Tăng sĩ (hoặc Ni sư) làm lễ qui y cho để trở thành Phật tử thuần thành.. Nếu chưa qui y, chưa hẳn là …con của Phật (?).



    Và tôi chưa có thể là một Phật tử thuần thành, vì thỉnh thoảng còn vướng vào “tội lỗi”, dù không bao giờ có ý định làm hại một con chim con, chứ nói gì đến chuyện ..giết chóc con gì để nghe lạnh sống lưng. Nhưng khổ nỗi, cũng vì những người bạn thân của gia đình, đi đứng vẫn còn mạnh mẽ, mà hãng xưởng thì đã đúng kỳ phải nghỉ, nôm na là về hưu. Dù họ đã ghi danh vào “hội ACCC" được dịch ra là ĂN CHƠI CHỜ CHẾT, có đóng niêm liễm hẳn hòi, nhưng thật lòng chưa muốn có sự ..mời mọc của Ngọc Hoàng Thượng đế hay lời gọi thiêng liêng của Chúa, nói chung là còn “sợ chết” nên phải tìm cách kéo dài tuổi thọ bằng nhiều cách khác nhau.


    Một số thì tìm đến nhà tập thể dục, nếu không cử được tạ, đi bộ, đạp xe, hay vào một lớp nhảy nào đó..v.v thì cũng bơi lội thả lỏng trong nước cho nhẹ người, giảm bớt sì-trét, nhẹ cân, bớt mỡ, tiêu đường.


    Một số thì thích đi du lịch đây đó, biết thêm nhiều xứ lạ quê người, dù cuối cùng cũng phải…trở về cố quận, cũng sống với vườn rau, ao cá, anh còm cho qua ngày tháng.

    Một số dành nhiều thì giờ để ngồi thiền, yoga hay tạo một trạng thái thanh thản cho tâm hồn và sức khỏe.

 

    Còn một số thì thích nhìn cảnh trời mây nước bao la, nếu không tìm được “nguồn thơ” thì cũng có vài con cá làm bầu bạn. Thế là họ đi mua cần câu và các thứ cần để ra sông, ra biển ngồi câu. Không câu để chờ thời như Khương Tử Nha, mà chờ cá đớp mồi cho “dzui thú sông biển”. Mà đi câu thì phải có cá đem về để trình “bà nội tướng”, chẳng lẽ đi không rồi lại về không, phải câu cho được cá để minh chứng cho bà xã là mình còn công dụng, nếu không thì bà lại thắc mắc giống như trong bài hát “giăng câu: em hỏi anh giăng câu ra sao?”. Và khổ nỗi, họ đem cá về nhiều quá mà không đủ tủ lạnh để cất lại, nên phải…sớt chia bớt cho bạn bè, trong số đó có tôi. Nếu mình từ chối thì phụ lòng tốt của bạn, cùng lúc chạnh nghĩ đến hoàn cảnh của người thân ở bên Việt Nam, nhiều người muốn có con cá tươi để ăn mà không hy vọng có được, vì “con buôn” cứ bỏ hết chất độc này đến chất độc khác cho cá tươi xanh, lại bị cảnh “biển chết” vì chất độc hại từ những nhà máy công nghiệp thải ra vô tội vạ. Còn ở đây, có sẵn cá tươi sao lại bỏ?, dù gì mình cũng từng là con gái của biển, nói không biết “làm cá” là từ chối gốc gác của chính mình, nên cứ thế mà ra tay…sát sinh, dù cá đã …chết tự bao giờ. Đây là lý do tôi mang tội.



    Và tuy chưa là Phật tử ăn chay trường, niệm Phật đều đặn, nhưng tôi vẫn chọn một ngôi chùa trong thành phố để đi lễ Phật và tham dự những buổi lễ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện do quí Sư trong chùa làm chủ lễ. Nếu có thì giờ rảnh rỗi, cũng làm công quả cho Chùa, và góp chút công mọn, tài mọn vào những ngày lễ lớn…

 

    Nếu nói về lễ Phật, thì ngài Phật Thích Ca mới là vị khai sáng ra đạo Phật. Nếu có làm lễ lớn thì phải là ngày “Đản sanh”(?). Phải mừng ngày Phật ra đời để người trần gian có được Pháp mà noi theo, có được Tăng mà soi đường dẫn lối. Nhưng Phật không là Thánh hiện sinh, Phật không là Thần hay vị chúa tể nào đó có quyền ban phép hay quở phạt người khác. Phật là người được sinh ra bình thường trong một gia đình hoàng tộc vua chúa. Phật là Thái tử. Thái tử Tất Đạt Đa đã có vợ con khi trưởng thành. Thái tử đi “tu” sau khi nhìn thấy cảnh “sinh-lão-bịnh-tử” trên cõi đời ô trọc này, nhất là ở đất nước của ngài, một đất nước theo đạo Bà la môn, mà lúc đó ngài cũng là một tín đồ, đẳng cấp quyền thế có quá nhiều.

     Nên khi ngài “đắc đạo” để trở thành Đức Phật Thích ca, ngài cũng đã nhắn nhủ cho người sau rằng: tất cả mọi người đều có thể thành Phật như ngài- nếu “biết tu”- là tu tâm dưỡng tánh đó.Nhưng khổ nỗi, đã hơn hai nghìn năm trăm năm ròng rã trôi qua, hình như chưa có vị Sư sãi, Tăng Ni nào đã là một vị Phật thành danh, đừng nói chi đến đám Phật tử đủ thành phần trong xã hội, ngoại trừ phật A Di Đà (?), và rất nhiều vị Bồ Tát...(?)

    Đức Phật tuy có tầm nhìn xa thấy rộng và trí tuệ hơn người, nhưng Phật không có ra tay “cứu nhân độ thế”. Đức Phật không phải là "đấng cứu rỗi", và đạo Phật là một tôn giáo rất "dân chủ". Không có Phật-Tăng-Ni sư nào "bắt buộc" người khác phải tu theo mình, phải tin lời "phán" của Phật, nếu không sẽ bị "phạt", (Phật là Bụt mà, Bụt rất hiền từ, không nỡ làm hại con sâu, con kiến thì làm sao mà trừng phạt con người khi không nghe theo lời Phật? nên mới có câu ví "hiền như Bụt!"). Ngay cả trong vấn đề hôn nhân, người Phật tử vẫn có thể kết hôn với người khác tôn giáo, mà không bắt buộc người phối ngẫu phải đi học kinh, phải được Tăng-Ni làm phép hôn phối ở chùa, nếu không thì không được phép hỏi cưới.

 

Gần đây trong những nhà bác học tên tuổi lớn thì có lẽ Albert Einstein là người viết về Đạo Phật nhiều nhất, xin trích một đoạn văn ngắn của ông nói về Phật giáo:

 "Phật giáo không cần duyệt xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan niệm của mình để chấp nhận khoa học bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học và đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống chung quanh nó. Phật giáo siêu việt vượt qua thời gian. (Buddhism requires no revision to keep it up today with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is a bridge between religious and scientific thoughts, that the stimulates man to discover the talent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless)(Nguyễn Mộng Khôi - trích từ internet)



    Có phải tất cả những người Phật tử đều thuộc nằm lòng tất cả những bài kinh kệ, khi mình có tâm tu?. Và dĩ nhiên đã tìm hiểu về vị chủ chăn khai sáng ra tôn giáo mình tu theo. Chính Phật Thích Ca là một Thái tử, giàu sang sung sướng, quyền thế cỡ nào, vậy mà Ngài từ bỏ tất cả để đi tu, đi tìm "chính đạo", để giúp nhân loại thoát vòng trầm luân, bể khổ. Có một lần ngài đi tìm sư học đạo, ngài đói lả, kiệt sức nằm gục bên đường, may nhờ có cô gái từ tâm mang đến cho ngài uống một chén sữa dê, ngài mới hồi sinh. Sau đó ngài mới có cơ hội ngồi kiết già dưới gốc Bồ Đề đến 49 ngày đêm (có vị Thầy thuyết giảng Đức Phật chỉ ngồi dưới gốc Bồ đề có 7 ngày), và cuối cùng Ngài đắc đạo sau khi thuyết giảng đến 84 ngàn bài Pháp!

    Vậy thì Ngài đâu có màng thứ chi chi. Vậy mà loài người dân gian, ngay cả những “kẻ tu hành hiện tại” hình như có vẻ “quí trọng bề ngoài”.?

 

    Tượng phật bằng sứ, bằng đồng hay bằng….đá, ngọc thạch, có gì khác đâu ?, vì đó cũng chỉ là hình tượng! Bao nhiêu năm tháng tôi đi vào chùa (nhiều chùa trong thành phố) vẫn thắp nhang khấn lạy dưới tượng Phật. Có tượng bằng sứ, có tượng mạ đồng, mà nhiều khi không có tượng trước mặt, người "tịnh tu" cũng có thể ngồi niệm Phật theo tâm của mình cũng vẫn được mà. Ngọc thạch hay kim cương hay đất sét thì cũng chỉ là …vật liệu để đúc tượng tùy theo giàu hay nghèo, hay sở thích của Chùa đó. (Có vị Phật tử bạn của tôi rất giàu tiền của, đã “thỉnh” hằng trăm tượng Phật bằng ngọc thạch an vị đầy trên bàn thờ- cúng bái hằng ngày, nhưng vợ chồng thỉnh thoảng cũng …choảng nhau chí chóe, chứ có hòa bình mãi đâu?).

    Hay mới đây, có chuyện bên CA, chỉ cần một tượng Phật rất nhỏ, được đặt ở một chùa nhỏ ở góc đường, mà cả khu phố trước kia mất an ninh, bây giờ được an toàn, yên ấm. Chẳng qua nhờ có tượng Phật hiền hòa, người đi lễ hiền hòa, chịu khó đọc kinh cầu nguyện, có lối xử sự hòa ái, thân thiện, giúp đỡ những người cần giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, khiến những người trước kia phá phách, giờ thấy nhột (?) nên lảng đi chỗ khác chơi, và có khi tâm tĩnh lại, trả lại sự bình an cho ngôi chùa có tượng Phật nhỏ và khu phố nhỏ hiền hòa.



    Vậy mà khi có người đúc tượng lớn bằng ngọc thạch, người ta lại xưng tụng là  “Tượng Phật Ngọc- hòa bình thế giới”(?) rồi được rước đi hết chùa này đến chùa khác.

    Không biết “tượng Phật Ngọc-hòa bình thế giới” có đem lại hoà bình cho xứ sở nào chưa? Vì lâu nay cứ thấy bom đạn gieo rắc kinh hoàng cho người dân lương thiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, người dân lành vô cùng khốn khổ. Tựợng Phật Ngọc không biết có được về …ngự ở những chùa đèo heo hút gió, nghèo khổ hay không? hay chỉ được rước về ở những ngôi chùa bề thế, người dân giàu có và khu vực yên bình. Nhưng có điều chắc chắn, là vị “chủ tượng Phật” sẽ là người …hòa bình, yên ổn nhất, vì …bán được quá nhiều viên ngọc nhỏ, giá cũng không rẻ, cỡ trăm lẻ tám đô la/cái, vậy mà phật tử phải sắp hàng từ 4 gìờ sáng để mua nó, cầu “bình an”(?). Cũng kỳ lạ là khi có tượng Phật Ngọc về, thiện nam tín nữ hầu như …quên mất ngôi tượng Phật hằng ngày mình vẫn bái lạy trong chánh điện, mà chỉ lạy tượng Phật…hoà bình!

    Ôi ! cái tên cũng là điều đáng phải quan tâm và chú ý!.!



    Những năm cuối thế kỷ trước (thế kỷ 20), những tượng Phật cả mấy trăm năm bên Afganistance đã bị đám Taliban phá sập, mãi đến khi người Mỹ đem quân vào giúp dân AF đánh đuổi quân Taliban đi, người ta mới có thể tu sửa lại những tượng Phật đó. Rõ ràng Phật đâu có…bảo vệ được chính những hình tượng của mình? Và Tăng Ni Phật tử có ngồi "cầu nguyện" cũng đâu có giữ cho tượng Phật được ở yên vị trí, vẫn bị bọn người ác tâm giựt sập như chơi. Nếu thật sự tượng Phật ngọc, đem lại được hòa bình cho thế giới, thì chắc các quốc gia Tây Tạng, Thiên trúc v.v.. đã thỉnh Ngài về, để cho dân tộc các nước đó được sống trong an bình thịnh trị. Và ngay cả những người dân Iraq, AFG hay bên Syria kia, những người theo ...thánh Allah, chắc cũng có rất nhiều người, không ngần ngại gì mà không đi thỉnh tượng Ngài về cho đất nước được bình an, chứ ngày nào cũng bị bọn khủng bố đặt bom nổ chết hằng hà sa số người dân lương thiện, vô can, tội quá chừng chừng. Thiện tai! Thiện tai!



    Đi lễ! đi lễ là để tìm cái bình an cho tâm hồn, đi để khai phá những vùng “vô minh” trong trí não, đi lễ để nghe kinh, đọc kinh để tránh đi phiền não, tránh “tham-sân-si-hỷ nộ ái ố-lục dục..” Nhưng vẫn thấy chung quanh mình sao có nhiều điều không như Phật dạy, vẫn còn bề ngoài che lấp bên trong. Bây giờ có quá nhiều “Sư-Ni” còn rất trẻ đứng ra “lập Chùa”. Nếu thật sự là những Vị “chân tu” thì quí hóa vô vàn.



    Nhưng sao Chùa bây giờ không có…tịnh như ngày xưa, Chùa làm lễ gì cũng   phải có hát hò, văn nghệ văn gừng ì xèo, “thiện nam tín nữ” mới đến viếng Chùa, lạy Phật? Có vị Sư ở chùa nọ còn bảo: nếu không có ca sĩ hát (ca sĩ của các trung tâm băng nhạc lớn càng tốt, dĩ nhiên Chùa phải trả tiền y như các ..club thương mại bên ngoài, nơi ca sĩ đến hát ban đêm.) thì phật tử không về chùa tham dự lễ đông, nên mỗi khi làm lễ phải có…ca sĩ. Vậy thì chẳng phải Phật tử đến Chùa vì ca sĩ chứ đâu phải vì lòng tin ở Đức Phật?

 

    Mỗi khi đi lễ chùa để cầu nguyện xong, thường được ngồi nghe quý Thầy …giảng pháp. Thường cuối buổi giảng, quý Thầy hay bảo hãy sống “an nhiên tự tại”. Nhưng nhiều lúc tôi cũng thấy mình bị “lùng bùng” vì những chữ này. Theo như lời giảng mà tôi tìm được từ những trang nhà về Phật pháp thì

 “An nhiên tự tại phản ánh một lối sống không cưỡng cầu, không tham vọng, lối sống này thường hướng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn để luôn có được sự thư thái từ chính bên trong con người mình. Chính điều này giúp con người ta cảm thấy lạc quan hơn, nhẹ nhàng hơn với cuộc sống của chính bản thân.

     Mà an nhiên tự tại là gì? Về bản chất, an nhiên là một từ Hán Việt. Theo đó, “an” chính là sự bình an, hàm ý về những điều “an lành, “an toàn”. Còn nhiên có ý nghĩa là “sự tự nhiên”, không hề cưỡng cầu. Chính vì thế mà an nhiên hàm ý cho một tâm hồn thư thái, vui vẻ và luôn được bình an trong cuộc sống. Mọi thứ xung quanh đều đến và đi một cách tự nhiên, không hề cưỡng cầu hay quá tham vọng. Thay vào đó chính là sự chấp nhận một cách thoải mái, không buồn phiền lo âu.

     Nói một cách hoa mỹ hơn thì an nhiên tự tại là lối sống mà các vị thiền sư vẫn thường nói: không tham sân si, không vướng bụi trần, không màng danh lợi, tham lam về tiền bạc công danh. Hãy sống một cách tự do tự tại từ chính tâm hồn để bạn có thể cảm nhận mọi sự chuyển động của thế giới chung quanh một cách rõ nét nhất, và từ đó trân trọng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, xóa bỏ những chấp niệm của bản thân mà biết yêu qúy lấy mọi người” (ngưng trích từ internet)

     Nhưng nhìn chung vào quãng đời của một con người bình thuờng từ lúc sinh ra đến khi …dừng chân ở nhà dưỡng lão rồi đi thẳng, có thời gian nào mà con người có thể sống “an nhiên tự tại” thật sự trừ lúc hết biết cái chi chi. Dĩ nhiên lúc còn nhỏ, chẳng biết gì ngoài việc theo mẹ vô chùa ngồi nghe Sư ông giảng, chẳng hiểu ổng…nói gì, ngồi ngáp lên ngáp xuống, cầu mong sao mẹ kêu đứng dậy, chạy u ra ngoài, khỏe quá. Khi trưởng thành, lo học hành để tìm một tương lai, có vào chùa thì cũng là ngày cuối tuần ghé ngang qua, chứ người trẻ ít khi có thì giờ ngồi nghe hết bài giảng (nếu ở Mỹ lại ít nữa vì đa số các người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ ít hiểu hết tiếng Việt). Những ngày còn đi làm, cũng chạy vắt giò lên cổ. Vừa lo cho con mấy đứa với mọi sinh hoạt trong trường đã té khói, lo mọi thứ cho gia đình, lại còn công việc làm để có thêm tài chánh, nhiều khi không đủ thì giờ để ngủ, làm sao nói tới an nhiên tự tại như lời Thầy giảng? không phải là …lùng bùng sao?



“Buông bỏ” tất cả, chắc là lời dạy cũng dành cho những người ..già cả, đã về hưu, chứ những người còn trẻ, còn nặng nợ gia đình, mà cứ an nhiên tự tại, buông bỏ thì làm sao có tiền để thanh toán mọi thứ ? Mà những ai có nhà to cửa rộng chừng nào thì bill nhiều chừng đó, muốn có tiền thì phải đi làm, mà đi làm thì phải cố gắng làm cho tốt công việc, cũng phải...lo sốt vó, nghĩ nát óc ra, dùng hết sức mình, nhiều khi cũng phải "đụng chạm" những người chung quanh chứ "an nhiên tự tại" nỗi gì? Vả lại, nếu làm công nhân thì chỉ vừa đủ …chi phí, dư dả chút đỉnh làm sao “cúng chùa” được nhiều (?). Muốn có nhiều tiền thì phải có bằng cấp cao, có việc làm tốt, lương nhiều, hoặc làm thương mãi (phi thương bất phú, câu chữ Hán từ hồi năm nẳm vẫn có thể áp dụng đến bây giờ- dù đôi lúc đi buôn cũng thất bại, có quá nhiều “cơ sở thương mại” treo bảng tưng bừng khai trương mà …âm thầm dẹp tiệm lúc nào cũng chẳng ai hay), mà làm ăn thì phải biết tính lãi tính lời, phải có cách “tránh né” như chỉ nhận tiền mặt, nói có đóng thuế đàng hoàng nhưng ai biết được...?

 

    Thầy còn giảng thêm câu “đời là vô thường!” có đó rồi mất đó, nên không cần chú ý đến …của cải làm gì (?)(lại cũng dành cho người ...gần đất xa trời chắc?)

    Một số Sư Thầy, Ni cô thì có thể không làm hãng xưởng bên ngoài vì đang ở ...Chùa, có …chính phủ lo rồi? lại có “tiền bồi dưỡng” mỗi khi làm lễ cho gia đình có tang chế, hỉ sự. Mà lúc này có Thầy làm lễ cũng...tăng giá theo nạn lạm phát, Có bao nhiêu vị Tăng Ni cúng bái giúp không công, ngay cả cho những người nghèo?, nhất là bên Việt nam ngày nay, mỗi khi “mời” được Thầy tụng kinh khi có tang lễ, bì thư cho Thầy nhiều khi phải nhiều tờ trăm ngàn Thầy mới chịu, còn nhà nào có con cháu ở nước ngoài, thì làm ơn bỏ vào đó tiền…đô la nhé, tiền già Hồ Thầy không lấy đâu (bỏ tro cốt vào Chùa cũng tính tiền ngàn đô la Mỹ). Bây giờ bên trong nước thấy có quá nhiều chùa, mà chùa nào cũng to lớn, vĩ đại, sư thầy thì trẻ măng, đi đâu cũng bằng xe hơi sang cả, hiếm thấy có thầy đi…khất thực bằng chân đất như năm xưa. Nhưng mà những người bình thường không chịu đi làm ra của cải, tiền bạc để chi dùng trong cuộc sống thì làm sao mà có đời sống đàng hoàng được nhỉ?, còn phải dự phòng cho lúc bịnh khi đau, không chịu mần ăn chắc phải mượn ...gầm cầu làm nhà như nhiều người vô gia cư? hay là đi giả bịnh …tâm thần để xin “house-xin” và ăn tiền trợ cấp của chính phủ?, mà tiền đó cũng là tiền "đóng thuế" của những người nai lưng ra đi làm cực khổ góp vào, chứ chính phủ làm gì có tiền mà trợ giúp cho ta, nếu theo nhà Phật, thì những người “ăn bám” đó, sẽ mắc nợ ngập đầu, chắc kiếp sau phải trả nặng?



    Khổ nỗi, cuối bài giảng thì Thầy kêu gọi…đóng góp tiền bạc để sửa cái này, xây cái nọ thêm cho chùa. Rồi thì chùa bạn chánh điện phải xây cho lớn để có chỗ Phật tử tịnh tu (?), hay xây dựng lớn cho …giống chùa nọ chùa kia. Rồi đóng góp sửa chùa bên ...trong nước VNCS vì bị dột, sập..v..v...(?) Ôi thôi nhiều thứ tiền phải đóng góp mới là có …tâm tu, là người nhân đức, hiền lành, kiếp sau mới được khá giả..v..và vv .vv, mà cứ …an nhiên tự tại thì tiền đâu đóng góp hở Trời? nhất là những người đã về hưu, đồng tiền lãnh về có hạn, lại không có con cái giúp đỡ thêm, mà khi chỉ đóng góp vừa với túi tiền mình, thì được người nhận ...cười buồn, nếu có số tiền lớn, sẽ được xin những tràng pháo tay không dứt.....

    

    Ôi đi lễ Chùa! nhất là những ngày lễ, tết, nhiều khi ngồi nghe quí Tăng- Ni giảng mà....“đau cái điền”, thật mâu thuẫn. Phật ở trong tâm. Muốn “tịnh tu” đâu cần vào chùa lớn? Ở chùa nhỏ hay “giữa chợ” mà tâm tịnh, không bon chen, không tham-sân-si, không se sua, không so đo, không dòm ngó, không tranh hơn thua, không nịnh bợ, không gian lận, không dối trá, không trộm cắp, không luồn trên đạp dưới v.v…nhiều thứ không lắm lắm, thì tâm con người sẽ thanh thản. Cứ đi làm trả “bill”, đóng thuế đầy đủ cho chính phủ, sống cuộc sống bình thường, biết trên biết dưới, biết đủ là đủ,v..v... Đến ngày về hưu sẽ thảnh thơi, nhàn hạ, nhất là không “ăn gian làm dối”. Buôn bán thì “lấy công làm lời”, có văn phòng chuyên môn thì đừng có sắm dao bén..v..v…. Chứ cái kiểu có tiền thật nhiều, mà …tẩu tán đâu đó, rồi đi xin tiền “trợ cấp” của chánh phủ để xài chơi, có nhà cửa thì...chuyển nhượng cho con cái, đi xin "hao-xin" mà ở, dùng thẻ trợ cấp y tế đi lấy thuốc "free" về rồi bỏ, nói những thứ đó là của chùa, không lấy cũng uổng,v...v....thì có vào xin Phật…tha thứ, chắc là Phật cũng nhắm mắt ngồi thiền, vì Phật không có quyền phép gì để tha thứ cả, mà chính mỗi một cá nhân mình phải tự tu, làm lành lánh dữ, ăn ở cho có đức độ, giúp đỡ tha nhân thiếu thốn trong điều kiện có thể, cuộc sống người đó sẽ an bình, thanh thản, không dễ gì bị những "mâu thuẫn" trong cuộc sống ảnh hưởng đến bản thân, lúc đó tha hồ …an nhiên tự tại!



    Nếu mọi người đều biết tu tâm dưỡng tánh, sống thanh thản, làm đủ bổn phận công dân tốt, không cần phân biệt tôn giáo nào, lúc đó chắc xã hội không ồn ào, không còn…tệ nạn xã hội, cứ như là thiên đường hạ giới, dù không có nhiều chùa to, đền lớn, nhà thờ bự, vì ....."đời là vô thường " mà! có đó rồi mất đó. Không biết câu nói ngoài cửa miệng này có thực sự áp dụng được vào thực tế đời sống ???

Lê Thị Hoài Niệm.

 

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

 Tay xé tờ lịch cuối

Chợt nghe lòng xuyến xao

Ngày mai đón năm mới

Ôi thời gian qua mau.

 

Tiếng pháo ai Đón Chào

Nổ bùm bùm vui sao

Cầu mong cho năm tới

Mọi muộn phiền...go down

 

Chúc bà con, bạn hữu

Sức khỏe được dồi dào

Gia đình luôn hạnh phúc

Bình an! chờ năm sau.

Hoài Niệm.

 

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

nhà thờ Núi Nhatrang.

 Đêm No-en.


Đêm Chúa sinh ra đời. Ở nơi đây vẫn im ắng, thỉnh thoảng có vài tiếng súng của ai đó bắn lên không trung nghe bụp bụp. Ngoài trời đang mưa bụi, nhưng không lạnh, không có cảnh tuyết rơi và những con tuần lộc đang phóng nước đại chở ông già Noên đi giao quà cho các cháu bé như trong ảnh..

Nhớ nhiều năm về trước, mỗi mùa Giáng sinh nhận được rất nhiều "Thiệp" gửi đến qua đường bưu điện, háo hức nhìn hình bên ngoài, tên người gửi, rồi mở ra xem người thân, bạn hữu viết những lời chúc thân thiện ra sao để mừng vui hay cảm động...Cũng như trước đó, phải đi shop để chọn lựa những tấm thiệp mình thích, rồi về hăm hở ngồi viết những lời trìu mến gửi đến từng người...trao cả tâm tình của mình đến cho mỗi người nhận. Tuy có... mất thì giờ nhưng nói lên được những thân tình gửi gắm.

Khoa học ngày càng tiến bộ. Bây giờ thì chỉ...quẹt, bấm.., tất cả cũng chỉ ..gõ gõ dù trên phone hay trên máy tính, phóng một cái là bay vèo đến nửa vòng trái đất rồi trở lộn lại cũng trong tích tắc.. Chữ nghĩa có sẵn, kiểu chữ giống nhau tùy người chọn, đâu còn những nét bút dịu dàng, nắn nót mực tím, mực xanh...

Mấy đứa trẻ cũng chẳng thấy háo hức đi đón mừng Chúa ra đời. Đi đâu ở nơi đây dù ngày mai cũng được nghỉ lễ?. Không giống như những người ...trẻ năm xưa, cứ tụ cả đám rồi đi lên đi xuống, đi... chen lấn ngoài đường (vào nhà thờ nửa đêm đông lắm) mà sao nó nôn nao, hăng hái, thích thú vô cùng. Dù không phải con chiên của Chúa, nhưng anh em, bạn hữu nhà tôi cũng hòa vào dòng người đi chen lấn, đi ra đường Phước Hải Nhatrang, leo dốc lên khuôn viên nhà thờ Núi nghe...ké thánh ca từ bên trong vọng ra, rồi đi về hướng đường Nhà thờ để ghé quán cà phê "không tên", đi lạng qua đường Độc Lập để...nhìn người và người, già trẻ lớn bé gì đều có đủ, có cả những người mang những "Bộ đồ Lính bụi" từ vùng hành quân xa xôi nào đó mới trở về thành phố mừng đón Chúa sinh ra đời, Đẹp lắm... Đi mỏi chân rồi về nhà ăn "Rờ quây dông" lúc quá nửa đêm, vui không tưởng..

Đang yên bình nơi đây. Một chút hoài niệm về những ngày tháng qua chợt về trong trí. Dù nơi đâu, vẫn cầu mong mọi người có cuộc sống an lành, người biết trân quí cuộc sống của mình và người bên cạnh. biết thương yêu và giúp đỡ nhau để Thế giới hòa bình, chiến tranh không tồn tại.

Đêm No-en, 


Cầu Mong Thiên Chúa trên Trời.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Lê thị hoài Niệm.


Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

HY VỌNG CON VỀ  KHÔNG QUÁ  MUỘN.

Lê thị hoài Niệm

 

Ông nghe có tiếng chuông gọi cửa, muốn nhờ bà vợ ra cửa xem ai đến, vì ông đang lỡ ngồi sắp xếp lại mấy quyển sách, nhưng nhìn tới nhìn lui thấy vắng bóng bà, ông uể oải đứng dậy từ từ ra phía cửa.

Cánh cửa được mở toang, sự ngạc nhiên đến tận cùng làm ông muốn ngã quị xuống. Trước mặt ông, một người đàn ông trung niên, tuy ốm, nhưng có vẻ rắn chắc với hàm râu lởm chởm nơi cằm, đang có vẻ hồi hộp như chờ đợi ông mở lời để được bước vô nhà, nhưng ông thì cứ đứng sững và không nói được tiếng nào. Cuối cùng thì chính người đàn ông lên tiếng dè dặt sau khi để cái túi xách trên vai xuống:

-Ba cho con vô nhà nghen ba!.

Ông giựt mình và đứng né sang một bên nhưng đầu óc vẫn còn ở đâu đâu, ông ấp a ấp úng:

-Vô! vô đi con, con về…?

 Ông bỏ lửng câu nói trong khi người đàn ông lách mình bước vào phòng khách, Anh nhìn quanh quất như muốn tìm kiếm một điều thân quen nào đó trong căn nhà xa lạ này.

Ông bước theo sau người đàn ông với vẻ lảo đảo, những giọt nước mắt mừng vui đang cấu thành trong đôi mắt già của ông, ông muốn đến thật gần người đàn ông và ôm anh ta vào lòng thật chặt, ông ôm giọt máu của chính mình sau bao nhiêu năm dài ông rất muốn mà chưa bao giờ có cơ hội, nhưng rồi ông đến gần và chỉ vào cái ghế :

-Con ngồi xuống nghỉ đi, con ..,con.., con có mệt không? sao con về mà không báo cho ba má biết?

Cố gắng lắm ông mới hỏi một câu thật dài và chờ đợi câu trả lời từ ngưòi đàn ông trẻ

-Con muốn cho ba má sự ngạc nhiên, vả lại ở đó sáng nay người ta mới đọc tên con cho về trong đợt ân xá nhân ngày lễ Giáng Sinh…

-Ba mừng quá, cuối cùng thì ngày tháng ba má chờ đợi cũng đã tới, Cảm tạ ơn Chúa cho con về với gia đình.

Người đàn ông trẻ lên tiếng hỏi:

-Má đâu? hồi nãy giờ con ngóng tìm mà không thấy?

Ông quay vào trong gọi lớn:

-Mình ơi mình, ra đây xem ai về đây nè.

Có tiếng dép từ từ đi ra và có tiếng đàn bà:

-Có khách nào đến mà mình réo dữ vậy?

Nhưng khi bà bước đến gần cái ghế sopha, và nhìn thấy người đàn ông trẻ vừa đứng dậy khiến bà từ từ khuỵu xuống:

-Má! Má ! Má có sao không?

-Mình! Mình có sao không? Những tiếng hỏi hốt hoảng lo lắng từ hai người đàn ông giúp bà thở mạnh ra và gượng đứng dậy theo cánh tay rắn chắc của người đàn ông trẻ.

-Sao con về mà không báo tin cho ba má biết để đi đón con? Bà cũng lập lại câu hỏi của người chồng lúc sớm.

-Họ cho con về bất thình lình, nên không cho mình biết trước. Con theo xe họ đưa về thành phố rồi lấy taxi về nhà sớm cho ba má ...mừng.

Chữ mừng người đàn ông bỏ nhỏ, như có điều gì e ngại.

Bây giờ người đàn bà mới đến gần người đàn ông trẻ và bà sờ mó khắp người, hai tay bà ôm vòng người đàn ông trẻ mà nước mắt đoanh tròng, bà vuốt ve trìu mến, xoa xoa mái tóc ngắn cũn cỡn trên đầu rồi xiết thật mạnh, người đàn ông trẻ cứ thút thít mà không khóc thành tiếng, trong khi ông già thì cứ xuýt xoa:

-Ba cảm tạ ơn Chúa, cuối cùng thì con cũng được về nhà.

Người đàn bà buông người đàn ông trẻ và nắm tay dắt đi:

-Đi con! Con vô tắm rửa cho sạch sẽ đi, để má …vô bếp kiếm cái gì cho con ăn, chắc con đói rồi. Con có…quần áo gì không? Ba má không biết con về nên chưa đi sắm sửa…Hay con lấy quần áo của ba mặc đỡ nhen. Bà nói một hơi không cho người được hỏi có cơ hội trả lời.

Xoay qua ông chồng bà cầu cứu:

-Mình đi lấy cho con bộ đồ nào mặc trong nhà cho nó thay, cho nó thoải mái một chút.

-Dạ con chưa đói lắm, Ba khỏi lấy đồ, con cũng có đem về  bộ quần áo mà ba má đã đem vào cho con lần trước lên thăm đó, trong đó con đâu có mặc quần áo thường……

Trong khi người đàn bà dắt con trai đi vào nhà trong, ông ngồi thừ người ra ghế sopha và bao nhiêu hình ảnh cứ hiện ra mồn một trước mắt.

                                                ****

Tiếng máy tiện chạy ầm ầm nhưng ông vẫn nghe được tiếng nói của người leader:

-Anh lên văn phòng đi, có tin khẩn gì từ ty cảnh sát báo cho anh đó.

-Chú nói gì? Cái gì mà có ty cảnh sát trỏng? tui đâu có …uống  rượu lái xe ẩu hồi nào..?

-Ai mà biết, thằng Sherman nó bảo em đi gọi anh lên nhận tin chứ em đâu có biết gì.

-Đùa với chú mày thôi. Ông vừa nói và cũng vừa kéo tắt nguồn máy đang chạy rồi xếp lại mấy dụng cụ cho gọn gàng và gửi lời cảm ơn người đã báo tin cho ông biết.

Đường lên văn phòng phải qua hai khu vực nhà máy, rồi đi qua một dãy hành lang dài của bộ phận lấp ráp, cuối cùng mới đến văn phòng chính của hãng.

Thấy ông bước vào, Bà trưởng phòng Cindy người Mỹ trắng, niềm nỡ chào hỏi và mời ông ngồi.

Như có điều gì bất ổn, ông có linh cảm như vậy khi thấy bà suýt xoa chấp hít vài tiếng trước khi từ tốn nói với ông:

-Tôi rất lấy làm tiếc mà phải cho Tom (tên VN là Thân, nhưng trong hãng họ gọi Tom cho dễ) biết tin này, tin từ ty cảnh sát mới gọi đến. Ngừng một lát bà mới tiếp:

-Thành thật chia buồn với Tom và gia đình, tôi…, Bà ngập ngừng rồi nuốt nước bọt như để lấy thêm can đảm và ngồi thẳng người lên nhìn vào ông mà chậm rãi từng tiếng:

-Con trai của Tom vừa bị cảnh sát vào trường bắt đi, vì tình nghi liên can tới một vụ…gì đó. Bà Cindy cố làm nhẹ vụ việc dù bà được cảnh sát báo trực tiếp cho biết là con ông đã liên can đến một vụ “cướp của giết người”, nên họ mới đến tận trường học mà bắt rồi còng tay dẫn đi.

Như sét đánh ngang tai, ông chồm tới trước và lắp bắp hỏi lại :

-Bà nói sao? Con trai tôi vừa bị cảnh sát vào trường học bắt đi, nhưng họ có nói nó có tội gì không?

Bà Cindy ngập ngừng thương cảm người nhân viên hiền lành đang ngồi trước mặt, mà đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã.

Bà ân cần nhỏ nhẹ:

-Chuyện đâu rồi còn có đó, tôi khuyên Tom hãy nhờ luật sư can thiệp cho cháu, Cháu đang tuổi vị thành niên, có sai lầm gì rồi cũng có thể cải huấn được.

Bà nói rồi đứng lên lại gần và vỗ nhẹ lên vai ông.

-Tom thu xếp về nhà sớm đi, báo tin cho người nhà biết mà còn lo liệu cho cháu, chúc Tom và gia đình vượt qua cơn khủng hoảng này. God bless you!

 

Ông đứng dậy, cảm ơn Bà Cindy và lảo đảo bước đi như người say rượu với bao nhiêu thắc mắc đang chạy lung tung trong đầu của ông. Thằng Davis bị tội gì? Nó đang đi học mà sao cảnh sát lại vào trường bắt dẫn đi? Nó ở nhà hiền lành lắm mà, nó đã chơi với những bạn bè nào thì ông cũng đã từng biết, nhưng nó gây sự với ai? Bao giờ? mà sao vợ chồng ông không hề hay biết…? hay là vợ ông biết mà dấu nhẹm không cho ông hay…?

Những người bạn làm cùng phòng thấy ông trở về với vẻ mặt thất thần, buồn bã, họ muốn hỏi đã xảy ra điều gì cho ông, nhưng thấy ông cứ cúi đầu im lặng và dọn dẹp đồ nghề rồi lẳng lặng ra về, nên họ cũng lảng xa và ai về chỗ nấy mà chưa có lời hỏi han hay có lời an ủi đến với ông.

 

Và con ông đã vào tù khi tuổi vừa mười tám. Bị kêu án “chung thân”. Tội con ông quá nặng, dù lúc xảy ra án mạng, con ông chỉ là “đồng phạm” đang còn tuổi vị thành niên.

Trại tù nằm rất xa thành phố. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua, vợ chồng ông cũng đã lặn lội đến thăm vào những ngày chủ nhật. Nhìn con ông lớn dần trong tù, ông đau xé ruột gan. Nhiều lần ông tự hỏi chính mình tại sao con ông ra nông nỗi? Ông bà đem con vượt thoát trong những ngày đau buồn của cả nước, khi con ông vừa mới lên ba tuổi. Những ngày đó ông phải trực bay trong đơn vị, vợ ông ẵm đứa con đầu lòng theo đoàn người di tản ra Côn đảo, và ngày cuối cùng khi Tổng thống Dưong Văn Minh đầu hàng giặc, vợ ông đã rất cực nhọc ẵm thằng con trai ba tuổi lội bì bõm vượt lên những cơn sóng bạc đầu, cố leo lên con tàu buôn há mồm đang ra tay cứu giúp những con người, đa số là đàn bà và con trẻ đang kẹt cứng trên vùng đất côn đảo này. Và may mắn gia đình ông được ‘đoàn tụ” ngay trên đệ thất hạm đội, rồi được sang đảo Guam. 

 

Sau mấy tháng trong trại fort Chaffe, vợ chồng ông được bảo trợ về tiểu bang miền Nam nắng ấm. Tại đây vợ chồng ông cũng gắng sức đi làm để cho con có những gì chúng cần trong cuộc sống mới. Rồi gia đình ông cũng thêm người, cuối cùng thì bốn đứa con có trai có gái, bạn bè nói gia đình ông có phúc, và thằng Davis là đứa con lớn nhất đang còn năm cuối là vào đại học rồi. Ông cố gắng chăm lo cho mấy đứa con thật đầy đủ từ tinh thần đến vật chất trong điều kiện có thể. Cuối tuần ông cũng chất cả gia đình lên chiếc xe van rồi chở đi chỗ nọ chỗ kia, hay đi xem hát xiệc, movie nếu không phải làm overtime.

 

Nhưng khổ nỗi, đám con ông thì càng ngày càng lớn, nhiều lúc chỉ muốn đi chơi riêng với bạn bè chứ không muốn gần cha mẹ, nhất là thằng con lớn Davis, nó chưa có bạn gái nhưng bạn bè cùng cỡ thì nhiều, có lúc ông gặp bọn nó đến nhà chơi, mấy đứa nhỏ mới nhìn qua cũng thấy hiền lành, nên ông tin tưởng vào con mình cũng ngoan ngoãn như ông nghĩ. Có đôi lần vợ ông nói hớ rằng con ông chơi với đám bạn biết hút thuốc và xài đồ hiệu, bà biết nhưng cứ nghĩ… không sao, vì bà là chủ tiệm rượu có tiền, cứ cho nó là xong, vì đối với bà, tiền là trên hết. Và nó, thỉnh thoảng bà cũng thấy nó có nhiều tiền, có lần bà tò mò hỏi nó tiền ở đâu con có? Nó cứ cười cười và nói nó làm thêm và bà tin điều nó nói. Lần đó, khi ông biết bà giấu ông về chuyện bà cứ cho con tiền để nó xài hoang phí, ông giận bà một thời gian, nhưng rồi tình nghĩa vợ chồng khi bà khóc lóc năn nỉ, ông đành bỏ qua.

Nhưng rồi con ông đã sa ngã và đi vào tù tội, dù ông đã cố gắng nhờ luật sư can thiệp, nhưng tội rành rành “cướp của giết người” có nhân chứng, làm sao thoát khỏi cảnh tù tội được.

Để rồi mỗi lần vào nhà tù thăm con, hình như con trai ông không mặn mà gì với mẹ nó.

Và hôm nay một người đàn ông trung niên đã về ngồi đây, nỗi mừng vui của ông  bùng vỡ. Con ông đã thoát hẳn cảnh tù tội, dù đã mấy mươi năm rồi còn gì? Nhờ những ngày trong tù, con ông biết...tu tỉnh học hành, cũng lấy được tấm bằng luật sư, và biết giúp đỡ những bạn tù, nói chung là một tù nhân gương mẫu nên được giảm án. Rồi nó sẽ sống ở đây với ông bà, ông bà sẽ chăm lo đời sống cho khoảng đời còn lại của nó, thay vì nó lo cho ông bà lúc về già, và nó sẽ tìm việc để làm, và biết đâu ông sẽ đi tìm và cưới vợ cho nó nữa.

 

Bà làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để chào mừng ngày con trai lớn trở về đoàn tụ với gia đình. Đáng lẽ đi ra nhà hàng, nhưng ông bảo ở nhà ấm cúng hơn, mấy đứa con khác của ông cũng muốn như vậy, khi chúng về lại thành phố này..

Người đầu tiên đến là con Jennice và chồng, chúng nó đem đến cho anh nó một lô quần áo hàng hiệu, thằng Davis cầm túi đồ mà rưng rưng nước mắt, nó nghĩ em nó cũng thương nó nhiều lắm nên đã bỏ công đi sắm sửa quần áo cho nó.

Bác sĩ Henry và vợ vừa vào cửa là hỏi đủ chuyện về anh nó, về hồi nào? cuộc sống ra sao? Có học được một ngành nghề gì lúc còn ở trong tù không? (dù Ba nó thỉnh thoảng cũng cho nó biết sơ sơ). Rồi tương lai anh có dự định làm gì? một lô câu hỏi dồn dập khiến Davis không biết trả lời câu nào trước câu nào sau đành im tiếng, nhưng có một nỗi buồn thoáng qua, dù được Henry tặng cho một máy computer mới toanh. .

Người cuối cùng là con Brenda. Nó đến với hai đứa con cũng đã lớn bộn, vì tụi nó ở gần, nó bảo chồng nó bận đi làm overtime nên không đến được, nó có mua quà cho anh nó một cái Iphone mới nhất, và trao ngay cho Davis mà không cần biết anh nó có muốn nhận hay không?

Cuộc trùng phùng vui vẻ trong một không gian ấm cúng của gia đình, đã cho ông một niềm vui không kể xiết. Ông ngồi nhìn anh em chúng nó nói chuyện thăm hỏi nhau như chưa có một lần chia cách khiến ông mừng quá đỗi. Phải vậy chứ, dù gì thì Davis vẫn là thằng con lớn nhất trong nhà, dù thằng Henry có là bác sĩ, dù con Jennice có giàu tiền muôn bạc triệu với cái nghề buôn bán nhà cửa và có cái shopping riêng, dù con Brenda có hai ba tiệm nail, thì chúng nó vẫn là em của Davis, vẫn phải nể mặt anh nó theo thứ tự trong gia đình.

 

Thằng Davis được ông bà cho chiếc xe cũ, dù đó là chiếc Lexus mà bà thích nhất, được mua từ lúc bà bán tiệm, nghỉ làm, để hai ông bà đi du lịch đó đây cho rộng rãi, thoải mái, chứ ông vẫn lái chiếc xe cũ hằng ngày. Ông bà cũng đi mở cho thằng con một account ngân hàng cho nó có tiền đổ xăng và xài vặt.

 

Bữa cả nhà ông ngồi lại để bàn và hoạch định tương lai cho thằng Davis, con Jennice và Henry chẳng biết góp ý như thế nào, dù anh nó có cho biết là trong tù cũng có học thêm và có bằng luật, dĩ nhiên tiếng Mỹ thì nó rành quá rồi, vì coi như là ngôn ngữ chính của nó mà, từ trường học hồi trước và cả trong tù đều dùng tiếng Mỹ nên không còn trở ngại gì trong cuộc sống, và tiếng Việt nó cũng rất khá, tuy giọng nói có hơi cứng một chút, vì được học từ một người bạn lớn tuổi trong tù, ông nguyên là một thầy giáo hồi còn bên nhà, nhưng bị tội “giết vợ” nên ở tù chắc không có ngày ra.

 

Cuối cùng nghe con Brenda bảo anh nó đi học làm…nail tạm thời, và cố gắng đi thi để lấy cái bằng, rồi vào tiệm của nó mà làm, vì công việc có sẵn mà coi bộ nhẹ nhàng hơn là đi làm công ty hay hãng xưởng, với lại tiệm của nó làm chủ thì anh nó cũng được đối xử đàng hoàng hơn là đi làm bên ngoài, với lý lịch từng ở tù vì tội hình sự mới được thả ra, người ta sẽ nhìn với đôi mắt không được thiện cảm.

 

Ông bà ngồi nhìn các con sắp xếp và bàn định tương lai cho đứa con trai lớn đâu vào đó, thấy mừng rỡ trong lòng. Ít ra gần cuối đời, gia đình không còn cảnh ly tán nữa, rồi đây ông bà sẽ tìm mối mai để tìm vợ cho Davis, nếu đến cùng mà không có cô gái nào ở Mỹ, ông bà sẽ đưa nó về…Việt Nam, vì bạn bè ông bà cũng còn nhiều bên đó, nhờ họ tìm dùm một cô gái để cưới cho con chắc cũng không khó khăn gì, vì con gái bên nhà bây giờ, người nào cũng muốn sang Mỹ mà. Bạn bè của ông cũng đã có nhiều đám cưới vợ từ VN vậy, có người hên gặp cô con dâu tốt, biết tình nghĩa, ăn ở phải đạo với chồng và gia đình chồng, nhưng cũng có cô sang được Mỹ rồi là bắt đầu tung tăng bay nhảy và…nhảy luôn ra khỏi gia đình nhà chồng mà không lời từ giã. Nhưng đó là phước đức của mỗi gia đình, hy vọng con ông sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc đời còn lại.

Ông lắc lắc cái đầu, vì mình đã nghĩ quá xa về cuộc sống hiện tại của đứa con trai lớn, trong khi chưa biết nó quyết định thế nào.

 

Thằng Davis nãy giờ ngồi im lặng lắng nghe các em của nó góp ý và lên kế hoạch tương lai của đời nó, nó cảm động rơm rớm nước mắt, nó không ngờ ngày trở về của nó lại ấm cúng thế này. Những ngày còn trong tù, nó sống cho qua ngày tháng với những bạn bè đồng cảnh ngộ với nó, cũng có một số người Việt Nam, tụi nó…hung tợn lắm, xâm tay xâm khắp mình mẩy, mới nhìn đã thấy ớn lạnh. Tụi  nó mỗi lần nói chuyện là văng tục, vì chúng bất cần đờì, có đứa còn không muốn ra ngoài, vì bọn nó không còn gia đình nên sợ ra tù làm sao mà sống nổi. Nhưng cũng có nhiều đứa hiền lành, qua một thời gian dài bị…hành hạ cực khổ của đời sống người tù, đã thuần thục và rất biết điều, chỉ sống chờ ngày trở về đời sống hiền lương, chính trực.

Ông ngồi nhìn con và cố đọc suy nghĩ của nó, ông biết nó rất tủi thân khi trở về, phải…thua xa em út, tuy mỗi lần ông bà đi thăm, vẫn cho nó biết các em nó sống ra sao. Nhưng khi gặp thực tế, nó sẽ có sự so sánh và rồi sinh ra tự ti mặc cảm, bất mãn rồi buông xuôi, đó là điều ông lo sợ mà không dám tỏ bày với ai.

 

Thằng Davis đi đến tiệm của con Brenda thử việc được mấy bữa, nhưng rồi bữa nay nó về sớm với nét mặt buồn buồn. Ông vặn hỏi nó mãi, nó mới tâm sự rằng nơi đó không hợp với nó, rằng chỗ đó nhiều đàn bà và họ cũng nhiều chuyện nữa. Họ không tế nhị như nó nghĩ, mà họ ăn nói bạt mạng, họ tò mò về đời tư của nó, họ nói bóng nói gió sau lưng rồi cưòi cợt làm nó vô cùng khó chịu, nên nó …không muốn tập tành làm ở đó nữa nên bỏ về sớm.

 

Bữa cơm chiều nay có món cá chiên dầm nước mắm gừng mà nó rất thích từ lúc xưa còn ở nhà, với nồi canh rau thập tàng nấu tôm tươi chung với mấy trái mướp sau vườn, bữa cơm đơn sơ nhưng thằng Davis coi bộ thích lắm, nó ăn nhiều thật nhiều như chưa bao giờ được ăn, bà vợ ông cứ ép cho nó ăn thêm. Nói chung vợ chồng ông cố gắng hết sức để cho thằng con đỡ thấy tủi thân, không cảm thấy cô đơn, tẻ lạnh khi trở về nhà.

Bữa cơm chưa xong thì có tiếng gọi cửa, ông thư thả ra mở cửa trong khi con Brenda ào vào nhà và la toáng lên:

-Anh làm gì mà giận dỗi bỏ về vậy? Mấy đứa nó hỏi đùa một chút có chết ai đâu?

-Nhưng anh không thích họ đùa cợt như vậy?

-Làm tàng vừa thôi, anh mới ở tù về thì tụi nó tò mò hỏi cảnh trong tù thôi, chứ có làm gì đâu?

-Nhưng anh…

Thằng Davis bỏ lửng câu nói, ngồi im, trong khi con Brenda lên giọng người chủ tiệm làm thầy đời với anh nó, nó kể tội anh nó… làm tàng, nào là mới ở tù ra mà làm bộ nghiêm trang, đứng đắn, tụi nó hỏi trong tù đã có bồ bịch gì không mà cũng khó chịu? nào là có bằng luật sư trong tù thì đã sao? Ra ngoài đi làm ai mà mướn? Nó nói liên miên cả hai thứ tiếng, có lúc còn hỏi anh nó: you think who you are? mà ông bà thì cứ ngồi chết trân, ngó sững vào cô con gái mà chưa biết phản ứng như thế nào. Nhưng rồi ông tức quá, ông đứng phắc dậy và muốn trấn áp những lời nói khó nghe của con Brenda dành cho anh nó, ông đập bàn và cố hét thật to:

-Mày có im đi không! Im đi! Im đi! Shut up!

                       

-Mình ơi! dậy đi! dậy đi! Mình nằm mơ thấy gì mà la hét thật to, còn quơ tay lung tung vậy.?

Bị bà vợ lay lay người và cố đánh thức ông, ông mở mắt ra vẫn thấy mình đang nằm trên giường, trong khi bà vợ không ngừng hỏi tới:

-Nằm chiêm bao thấy gì mà mình hét to quá vậy? cả tiếng Mỹ nữa, mình có sao không?

Ông ngồi dậy, lấy hai tay dụi mắt và thẫn thờ trong lúc nhìn lên trần nhà với cái quạt máy đang quay từ từ chầm chậm. Ông thở dài trong tiếc nuối.

-Mình vừa đánh tan giấc mơ dài của tôi.

-Hình như lúc này mình hay nằm chiêm bao lắm đó, mới rồi em đâu có biết mình mơ thấy gì, chỉ nghe mình la hét quá rồi quơ tay làm em giựt mình tỉnh giấc, lay người cho mình tỉnh lại thôi, mà mình mơ thấy gì vậy? ác mộng hả?

Ông không trả lời bà, chỉ lắc lắc cái đầu, lẩm bẩm tự hỏi:

-Mình vừa nằm chiêm bao sao? Chỉ là giấc chiêm bao?

Ông nén tiếng thở dài và lật người cố bước chân xuống giường, đôi chân hơi co cứng như muốn vọp bẻ, ông cứ duỗi duỗi ra rồi cố gắng bước xuống để đi tìm nước uống, để nghĩ về đứa con trai đang ở trong tù vừa trở về trong giấc chiêm bao của ông, nhưng chưa biết ngày nào được về trong đời sống thật? Ông buồn lắm,  vì ông cũng đã già rồi, không biết ngày về của nó ông có còn sống ở trên đời để  gặp, hay đã phải  đi xa…?

Lê thị Hoài Niệm.

 

 


 

 

  

 

 

 

 

 







Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023


Cảm ơn!

 

Bao nhiêu năm sống trên đất Mỹ

Là bấy năm ghi nhớ ơn dày

Ơn người cứu giúp sang đây

Ơn người chu cấp đong đầy ước mơ.

 

Mơ ấm no, Tự do cuộc sống!

Mơ làm người chính thống, văn minh.

Ước mơ đã đến với mình

Bao nhiêu năm ấy đầy tình Người trao.

 

Cảm ơn! lời Cảm ơn nói sao cho đủ?

THANKSGIVING tự nhủ riêng mình

Sống sao cho trọn tấm tình

Nước Mỹ-Thầy-Bạn-Gia đình ban cho..

Lê Thị Hoài Niệm.