Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

NGÀY CỦA CHA -FATHER'S DAY




Hôm nay là “ngày của Cha”!. Người bản xứ họ chỉ gọi “Father’s day”! nhưng người Việt lại gọi là ngày “Từ Phụ”. Tôi chẳng hiểu đây là tiếng “Hán- Hán Việt” hay thứ tiếng gì, nhưng từ cái suy nghĩ nhỏ bé thô thiển, mà cũng hay...đa nghi,  tôi thấy nó làm sao sao. Vì nếu hiểu "từ" là “bỏ”?, như trong mấy bài hát cứ…từ biệt anh đi, là đi tuốt luốt chẳng chịu quay về, hay …từ trần là chết quéo. hoặc từ ly là cũng …ra đi không hẹn ngày trở lại, còn từ chối thì cũng …quay đi không thèm nhận, còn từ chức thì cũng....rời "ghế ngồi" để đi về nhà phụ đuổi gà cho vợ, thậm chí từ ..hôn, là không thèm nhận ...nụ hôn nồng thắm của ai đó ( vợ chồng lấy nhau thì phải có ..hôn nhau) v..và vv....thì chữ Từ phụ là… “bỏ cha” rồi còn gì, hahahaha...(bàn loạn cho vui thôi, chứ trong từ điển đã giải thích chữ "từ phụ" rõ ràng rồi) 

         Nhưng đó là chữ VN mình, hay nói cho ra vẻ văn chương chữ nghĩa, chứ một năm có một “ngày của Cha”(Father's day) thì cũng thêm vui thôi, có thêm còn hơn bớt, chứ ngày nào không là …ngày của Cha, đâu cần phải tới ngày của cha mới thương yêu, quí trọng Cha và tặng quà cáp nhỉ?.

 

          Nhưng tại sao có “Father’s day?(xin trích từ bài viết của nguyên Trần)

          “Father’s Day” đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại thị trấn Spokane  (Washington). Công đầu tiên để chúng ta có  Father’s Day cho tới ngày nay là nhờ sự vận động tích cực của bà Sonora Dodd nối gót phong trào vinh danh Mẹ lần lượt của hai bà Julia Howe và Anna Jarvis trước đó. Câu chuyện mở đầu từ  ngày Lễ Mẹ năm 1916 tại nhà thờ giáo phận Spokane (tiểu bang Washington), sau khi nghe thuyết  giảng ngày Mother’s Day, bà Sonora Dodd nảy sinh ra ý nghĩ là tình cha cũng cao đẹp và đáng được vinh danh lắm. Bà muốn có một buổi lễ ca tụng người cha trong đó có cha mình, ông William Smart, một cựu chiến binh đã ở vậy nuôi con sau khi mẹ bà mất khi sinh đứa con thứ sáu lúc bà 16 tuổi.

          Kể từ đó bà bắt đầu vận động cộng đồng Spokane cho tới năm kế tiếp được sư trợ giúp nhiệt tình của Đức Tổng Giám Mục sở tại, tiến sĩ Conrad Bluhm. Sau đó Sonora trình bày nguyện vọng mình với hội Spokane YMCA (Young Men’s Christian Association- Hiệp Hội Thanh Niên Công Giáo) và được hội này tán đồng giúp đỡ tổ chức “Father’s Day” đầu tiên.

          Mới đầu, Sonora đề nghị tổ chức buổi lễ long trong nầy vào ngày chúa nhật 5 tháng 6 năm 1910 đúng ngày sinh nhật của cha bà nhưng linh mục chánh xứ cần thêm thời gian chuẩn bị vì đây là ngày của cha (Father’s Day) đầu tiên, nên buổi lễ chính thức được dời đến ngày chúa nhật 19 tháng 6. Trong ngày này, các hội viên trẻ của YMCA đến nhà thờ với bông hồng trên cổ áo: hoa màu hồng cho những ai có diễm phúc còn cha, hoa màu trắng cho những người đã mất cha.

          Đến năm 1913, một dự luật chấp nhận Father’s Day là ngày lễ chính thức được hành pháp của tổng thống Woodrow Wilson chuyển sang Quốc Hội.

          Ngày chúa nhật 17 tháng 6 năm 1916, tổng thống Woodrow Wilson tới giáo xứ Spokane tham dự ngày Lễ Cha lần thứ bảy, tại đây trong bài nói chuyện, ông có ý định muốn ngày này trở nên ngày lễ chính thức, nhưng đã bị Quốc Hội bác bỏ với lý do sợ biến thành dịch vụ  thương mại(commercialized)???

          Tuy không được công nhận là ngày chính thức như Mother’s Day, nhưng như một thông lệ có tính cách truyền thống, hằng năm ngày lễ cha vẫn được tổ chức long trọng tại Spokane, rồi lần lượt các thành phố khác ở Mỹ cũng theo chân.

          Tới năm 1924, tổng thống Calvin Coolidge lại tái đề nghị nhưng bị sơ hở là “thiếu điều kiện ban hành một bản văn chính phủ” (short of issuing a national proclamation).

          Số phận “ Father’s Day” cứ lình xình cho mãi tới năm 1957, thượng nghị sĩ tiểu bang Maine, bà Margaret Smith có lẽ thấy hành động ngâm tôm của Quốc Hội, nên nổi máu “anh thư thấy việc bất bình chẳng tha” bèn hạ bút viết một dự luật cáo buộc  mấy vị đại diện dân đã dẹp bỏ Father’ Day hơn 40 năm qua, trong khi lại luôn vinh danh ngày Lễ Mẹ, thì quả là một sự bất công vì tình nghĩa công ơn cha mẹ đều ngang nhau. Tuy thế sự việc vẫn nhì nhằng cho tới năm 1966, tổng thống Lyndon Johnson cho ban hành một văn bản chính thức đầu tiên công nhận Father’s Day, đó là ngày chúa nhật thứ ba của tháng 6 mỗi năm. Thực ra đây chỉ là một việc hợp thức hóa việc làm thiêng liêng từ hơn 40 năm qua của giáo xứ Spokane mà thôi.

          Và đến sáu năm sau, tức là năm 1972, cuối cùng, tổng thống Richard Nixon mới ban hành sắc luật chấp nhận “Father’s Day” là ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ (Trích bài viết của Nguyên Trần-Diễn đàn bạn đọc)

          Ngày nay những trung tâm thương mại tha hồ  …mua may bán đắt, hằng trăm ngàn cửa hàng quảng cáo bao nhiêu vật dụng, quần áo, cà vạt , …mỹ phẩm cho cha,v..v…. Theo thống kê thường có hằng năm, thì hơn chín mươi phần trăm các con hay đưa cha mình đi nhà hàng để ...đãi một bữa ăn thịnh soạn, còn một số ít sẽ mua y phục, giày, "dây thòng lọng" (cà vạt) tặng cha mình, có người còn mua đồ dùng như “máy cắt cỏ”, vật dụng xây cất tặng cha (?). Rõ ràng là…hại cha, bắt cha phải làm thêm công việc chứ…thương yêu gì trời? Vui nhất là nếu người con nào chơi khăm mua tặng cho Cha cái…búa! Thật ra nó cũng chỉ là vật dụng hằng ngày Cha cần đến, mỗi khi Cha cần đóng một cái đinh, gỡ một cái cọc….Nhưng nếu hiểu xa hơn chút thì đó là lời “nhắn nhủ” của người con, khi biết cha mình đang…lạng quạng mí người đàn bà khác bên ngoài, mà mẹ mình chưa hề hay biết, …“ông hãy coi chừng” đó nhen, ông mà dzìa bên VN có bà khác, làm khổ mẹ tui thì ...coi chừng tui.

 

          Những ngày xa xưa, khi còn ở bên nhà, Cha Mẹ luôn được con cái kính trọng, nghe lời, và chăm lo mọi thứ cho cha mẹ khi cha mẹ về già, đâu có cần gì ngày “từ phụ”. Mà chỉ có ngày “ Phụ từ”, nói nôm na là “cha ..từ con” vì gặp phải thằng con …trời thần đất lở, phá gia chi tử, làm nhiều chuyện trời ơi đất hỡi, phá làng phá xóm, phá gia cang. Hay một cô nàng bỏ cha mẹ đi theo tiếng gọi con tim, mà đối tượng để theo không phải là…người bình thường sống trong trời đất(?), dù cha mẹ khuyên bảo hết lời. Không nghe thì…từ, để khỏi mang họa, khỏi “xấu hổ”, cho gia đình, cho dòng họ. Cũng có vài trường hợp Con …từ cha, vì cha làm điều…bậy bạ như cờ bạc, rượu chè, đánh số đề, gà đá......, về nhà cứ đánh đập mẹ để lấy tiền, làm con cái tức giận, nói…từ cho đỡ …tức, chứ cha có… quyền làm cha, con cái làm sao mà từ được.(?)

          Father’s day! Ngày của Cha. Mong rằng tất cả những người Cha xứng đáng, gương mẫu đang sống trên quả địa cầu này, đều được các con của mình trân quí, kính trọng, không chỉ là một ngày, mà là trọn năm, trọn một đời sống. Những gia đình có sự tôn kính, thương yêu nhau, sẽ tạo được một xã hội tốt đẹp. một quốc gia an bình, khi an bình sẽ thịnh vượng mấy hồi. Gia đình là nền tảng của xã hội mà. Mong lắm thay.

LTHN

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

ƯỚC GÌ MẸ VẪN BÊN CON

Trời trong vắng gió, nóng ran
Quì bên mộ Mẹ hai hàng lệ rơi
Tình con không viết nên lời
Cầu Hương Linh Mẹ về nơi vĩnh hang


Mẹ ơi! nguồn lệ khó ngăn
Khi nhìn ảnh Mẹ của thằng con xa
Quanh con đất trời bao la
Nghĩa trang quạnh vắng lời ca chim buồn


Ước gì có thể gọi hồn
Mẹ nghe con khấn bên thềm mộ xưa
Mẹ thương con nói sao vừa
Bao năm cực khổ nắng mưa dãi dầu


Mẹ bệnh khi con mẹ đau
Mẹ buồn khi biết tình đầu con tan
Mẹ vui khi thấy con ngoan
Mẹ cười mà nước mắt tràn ướt mi


Cực khổ suốt quãng xuân thì
Từ bình minh rạng đến khi chiều vàng
Qua bao năm tháng nhọc nhằn
Gánh hàng ra chợ cứ oằn đôi vai


Thân gầy vác nặng cả hai
Vừa lo công việc- vừa Thầy bảo ban
Đêm buồn dưới ánh trăng tan
Mẹ ngồi khấn nguyện an toàn cho Cha


Người đang làm Lính đồn xa
Thỉnh thoảng mới thấy về qua thăm nhà
Nghĩa Mẹ lớn, Tình bao la
Thay Cha nuôi dạy con đà lớn khôn


Rồi con lo việc nước non
Một thân Mẹ lại héo hon đợi chờ
Con đi, đi mãi chưa về
Đến khi trở lại bàn thờ nến chong


Mẹ ơi! con đứt đoạn lòng
Khói nhang đâu dễ ướt tròng mắt sâu
Tiếng nấc lẫn tiếng nguyện cầu
Mẹ ơi con Mẹ gục đầu chịu tang


Cũng bởi vận nước điêu tàn
Phận con của Mẹ "vết hằn" tù giam
Xuân qua Đông lại rét căm
"Kẻ thù" hành hạ bao năm héo mòn....


Ước gì Mẹ vẫn bên con
Để con phụng dưỡng hiếu thân trọn bề.
Cúi đầu lạy Mẹ con về
Cố công thực hiện giấc mơ chưa tròn....
 
LTHN-2015