NHA TRANG MÃI
TRONG TÔI.
Lê Thị Hoài Niệm.
Nếu không phải
vì “chiến tranh giặc giã” lan tràn, nếu không vì cái đảng cướp mệnh danh “mặt
trận giải phóng miền Nam” xuất hiện lén lút đánh phá, gây bất ổn, điêu linh
tang tóc cho người dân hiền lành vô tội, thì sẽ không có nạn “tản cư” di dời
nơi ở. Từ chốn nông thôn hiền hòa, người nông dân không dễ gì rời bỏ làng mạc,
mảnh đất thân thương với lũy tre làng hiền hòa bao bọc che chở qua bao nắng sớm
mưa chiều.
Gia
đình tôi cũng thế.
Tôi
không phải là dân sinh đẻ tại thành phố Nha Trang đâu, nhưng vì thời cuộc chiến
tranh giặc giã như đã nói, nên Ba má tôi phải “di cư” từ miền nông thôn vào
thành phố mà ở, lúc đầu ở nhà cô dượng tôi trên đường Nguyễn Trãi, có trường tiểu
học Trí Dũng và sau là trung học Văn học, và tôi đã chuyển trường từ Nguyễn Huệ
Tuy Hòa vào đệ nhất Trung học Võ Tánh Nha Trang.
Những
ngày còn ngồi ghế nhà trường, thường là vui lắm vì có nhiều bạn bè cùng lớp hoặc
khác lớp, thậm chí còn có “đối tượng” nữa. Nhưng với tôi, một con bé “nhà quê”
lên tỉnh lớn, cũng có nhiều nỗi e dè, sợ sệt, nhất là phòng học lớp Nhất A 4 của
chúng tôi nằm tít dãy nhà sau sân đá banh, cạnh phòng thí nghiệm, nên mỗi lần
đi đến phòng học, phải đi ngang qua một đám người đứng hạng thứ ba sau nhất quỉ,
nhì ba, nên ớn tận xương sống.
Đã
vậy, mấy anh chị trong lớp lại lớn đùi đụi, trong khi tôi bé tí xíu lại” đen
thui”. Anh trưởng lớp tôi hồi đó tên Nguyễn Hữu Cầu thì phải? không biết bây giờ
lưu lạc nơi đâu? Nghe nói có anh tên Nguyễn Minh Nhựt đã hy sinh trong một trận
đánh nào đó ở Phan Thiết, thành … anh hùng vô danh. Anh Nguyễn Văn Đốc, người rất
cao lớn dưới mắt con bé tôi, cứ lò dò theo cô bạn N.T.Anh (đã qui tiên vài năm
nay), đã là đề tài cho tôi và vài bạn chọc phá. Còn mấy chị thì tôi chẳng nhớ hết
tên, chỉ có chị Nguyễn Thị Thùy Dương, con gái lớn của Bác Phụng (anh cả của
nhà văn NXH, có căn nhà gỗ thật đẹp đầu tiên, sau xây cất thành nhà đúc hai tầng
ở đường Hai bà Trưng, nơi đầu tiên tôi đến chơi sau khi chuyển trường đến NT,
cũng như những ngày sau tháng tư đen tôi vẫn thường lui tới chơi với Phương
Mai- em chị D và “ăn cơm nhờ” do bác Phụng gái nấu thật là ngon). Và có chị Hoa
thật đẹp, nước da trắng bóc, hình như là người “Tàu lai”, nhà chị có tiệm vải ở đường Độc Lập, là ngôi
sao của lớp, có nhiều cây si trồng trước cửa nhà chị và trong đó có vị Thầy
giáo dạy “vạn vật” của lớp tôi ( và Thầy đã…xác minh điều đó khi tôi gặp lại Thầy tại nơi tôi ở
khi Thầy sang Mỹ du lịch).
Tôi
hay đi học với Thu Thủy (hiện sống tại Sài gòn), nhà ở đường Phước Hải cạnh tiệm
chụp hình Liên Nga, nên tụi tui hay chui qua đó nhìn hình người đẹp (hình chị
chủ tiệm nhiều nhất) và tán gẫu với anh chị chủ tiệm. Và cũng vì đường đến trường
phải đi ngang qua quân y viện Nguyễn Huệ, nên hôm nào đi học một mình là chịu cảnh
“chân hươu đá chân nai”, vì bị mấy chiến
sĩ miền xa trở về thành phố “nghỉ phép bất đắc dĩ” ngồi cạnh hàng rào la ó, kêu
réo om sòm, nhiều khi họ …đọc thơ tình thật lớn để tặng cho mấy cô nữ sinh áo trắng,
có nhóm thì …hát vọng cổ, có khi họ vừa đệm đờn ghi-ta vừa hát tình ca cũng mùi
quá mạng, nhưng sợ quá thì cứ cố đi nhanh, hôm nào đi chung cả bọn thì cứ tà tà
đứng làm khán giả bất đắc dĩ, chắc mấy người thương binh nghệ sĩ cũng cảm động
lắm lắm (?)
Tôi
cũng không nhớ vì nguyên do nào, mà có một lần cả đám con gái lớp chúng tôi, có
cả chị Thùy Dương, có N T Anh, Thu Thủy,
có thêm Kim Hoa của lớp A2,( người bạn cạnh nhà, có bố làm trưởng ty BĐ,
và chúng tôi thường rủ nhau đi học mỗi bữa) kéo nhau vào quân y viện NH, định
làm đơn xin đi “tòng quân làm Lính gái”, nhưng trong khi đứng lơ ngơ lớ ngớ chẳng
biết phải đi chỗ nào và hỏi thăm ai, thì đã bị mấy người Lính đi tới đi lui la
hét chọc phá, nên cả bọn ù té chạy về chẳng thiết tha gì chuyện lính tráng.
Nhờ
những tháng ngày “chăm chỉ học hành”, không lang thang ngoài phố Độc lập, không
lạng tới lạng tui bằng xe Yamaha hay Honda như mấy cô bạn gái cùng xóm, nhằm mục
đích “chộp mũ” những chàng Sinh Viên Sĩ Quan Không quân -Hải quân, những “người
trai thời loạn” đang tập tành làm Lính ở những quân trường, mà có nhiều người
quê quán xa tắp mù khơi trên mọi miền đất nước, nên khi về thụ huấn ở Nha trang
đã trở thành “con bà Phước”, cuối tuần chỉ biết lang thang trên đường phố, nhìn
thiên hạ đi tới đi lui, chờ cuối ngày về lại quân trường, và đó là “đối tượng”
thích hợp để mấy cô gái choai choai đang rảnh rỗi ra tay làm việc …nghĩa hiệp
và muốn có người cảm ơn mình sau
khi đã trả mũ về cho nguyên chủ. Dĩ
nhiên “trò chơi mạo hiểm” này đã không mấy lôi cuốn được tôi, mà mấy năm sau
tôi có được cái nghề “gõ đầu trẻ” xuất từ trường Sư phạm Qui Nhơn, vì không có
nhiều tiền để vào Sè-Goòng học tiếp, vả lại “thân gái dặm trường” nên ông bà bô
sợ đi một mà về ba không ai nuôi dưỡng nổi..
Người sống ở Nha
trang một lần trở về trên chính nơi mình lớn lên, học hành và làm việc bao
nhiêu năm. Thời gian xưa không dài bằng những ngày sống trên đất Mỹ, nhưng vẫn
ghi lại nơi đó nhiều kỷ niệm khó quên….
Hình ảnh con phố
Độc lập, Phan bội Châu,…những con đường chính trong thành phố vắt ngang qua khu
chợ Đầm hay đường phố Nguyễn Hoàng, Huỳnh thúc Kháng, Nguyễn Trãi ôm lấy khu chợ
Xóm mới năm nào, mỗi sáng chủ nhật rộn ràng trong nhịp thở của một thành phố Lính.
Đủ mọi sắc áo của Lính, của gia đình lính, đủ mọi loại xe cộ, từ chiếc xe Honda
đàn ông, đàn bà, đến chiếc xe jeep màu xanh, đến chiếc xe truck, xe nhà binh…Thành
phố rộn ràng đón người Lính từ các Quân trường ra nghỉ cuối tuần, đón người Lính
từ chiến trường về dưỡng quân nơi thành phố, đón người yêu, đón gia đình của Lính
từ khắp cả đất nước về thăm viếng người thân. Người thành phố cũng rộn ràng cuốn
theo nhịp thở vui nhộn, bừng bừng sức sống vươn lên từ những trái tim yêu dù hoàn
cảnh đất nuớc có ra sao…
Xa xa một chút bên
vùng biển Bãi dương, những hàng dừa cao rũ bóng ngã dài xuống bãi biển dẫu còn
hoang sơ, nhưng vùng nước không sâu, chỉ là còn nhiều rong rêu trôi lềnh bềnh
trên những đợt sóng nhấp nhô đang muốn tấp vào bờ, nhưng vẫn là nơi tắm lý tưởng
cho những ai muốn xa rời thành phố một thời gian ngắn.
Rồi đến Hòn chồng,
một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Nha trang, nơi có năm ngón tay in rõ hình
trên vách đá, dấu tích của một thời mới khai sinh lập địa, có những hóc đá …trữ
tình, có lẽ nhiều người chui vô trú nắng nhiều quá, nhất là những “đôi tình nhân”
nên mặt đá nhẵn thín, ngồi êm ru. Muốn đến được nơi này, phải đạp xe lên một đoạn
đường dốc dài (hay đi xe lam), nhưng thú vị lắm, phải leo qua những cụm đá, phải
dẫm chân lên những vũng nước mà leo qua đá chồng đá chất mới đến ..sờ được mặt đá
“Hòn chồng”.
Phố biển chiều
hanh nắng, dưới bóng những khóm dừa lả ngọn, là hình ảnh của những nhóm người
trong gia đình, trải tấm nhựa dài và cả nhà già trẻ lớn bé quây quần chia nhau
nắm xôi, trái cốc ngâm, rồi cùng nhau nhảy ùm xuống nước biển, đùa giỡn với sóng nước mênh mông … Hình ảnh những người Lính
ngồi trong quán nước bên ly cà phê, mơ màng nhớ về người yêu nơi xa xăm nào đó,
hình ảnh bác xích lô chụp mũ lên mặt ngủ một giấc dài trên chiếc xích lô đậu
ngoài mé biển, hay chiếc xe đẩy hàng rong với mớ cốc ổi ngâm nhem thèm bọn con
gái, chiếc xe cà tàng bán đu đủ bò kho cho bọn học trò trai nhao nhao chờ đến
lượt…
Bãi biển ít người
im ắng, nhưng thơ mộng ngay những lúc xế trưa đó, tất cả đã đi vào dĩ vãng…xa rồi
và có lẽ ngàn đời sau không bao giờ tìm lại được!
Nhắc lại con phố
nhỏ năm nào từ những ngày ở Nhatrang, sao lòng thấy nao nao buồn mốn khóc.
Từ khi dời nhà từ
đường NguyễnTrãi sang Phù Đổng Thiên Vương, con phố nhỏ thật yên bình, thân thiện
như bà con một nhà của những người hàng xóm láng giềng. Cạnh nhà tôi bên trái là
khoảng đất rộng của nhà chú Tư, vợ chồng chú là người từ Quảng Ngãi vào Nha
trang lập nghiệp từ lâu lắm. Khi đó đám đất hãy còn trống trơn và chú thiếm đã
dựng lên ngôi nhà hai tầng khang trang với gia đình có một đứa con trai độc nhất,
thằng “cu Tài”. Chú thiếm “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” cả xóm ai cũng
trầm trồ khen thằng nhỏ “tốt phước”, dù chú thiếm chỉ là những công nhân bình
thường.
Sau lưng nhà là
cả một vườn cây ăn trái của “Dì Bảy Đọt”, vì lấy tên của người con trai lớn đang
là Lính không quân phục vụ trong sân bay, cậu chàng cũng đờn giỏi hát hay nổi
tiếng trong xóm. Căn nhà nhỏ xinh xắn nằm gọn trong vuông đất rộng cả mẫu tây,
nên Dì dượng trồng
rất nhiều cây ăn trái, vì nó không nằm ngoài mặt đường, nên muốn vào nhà phải vào
bằng một con hẻm, nhưng đâu có sao. Nhà trồng ổi nhiều lắm, có một cây tàn rộng
phủ qua hàng rào nhà tôi, phủ lên cả một hồ đựng nước, nên cứ mỗi xế trưa, tụi
tôi tha hồ leo lên cây ổi mà hái trái chín mơn mởn, với một nắm …muối ớt cay
cay, mặn mặn để thanh toán ổi thơm tại chỗ thật …tuyệt vời, lôi cuốn rất nhiều
tên bạn đến tham gia hái ổi ..trộm nhà hàng xóm.
Và đối diện là nhà của “bà Bắc” bán chạp phô, tiếng
gọi thân thương dù bác ấy đã lớn tuổi rồi. Bác trai làm Thượng sĩ trong quân đội
nhưng nuôi cả một đàn con trai gái đủ đầy, có hai anh lớn làm đến chức Thiếu tá
trong quân đội VNCH, những bạn gái cỡ tôi đều xuất thân từ trường sư phạm.
Cạnh bên là nhà
của Thầy giáo Ng. năm nào cũng …sản xuất thêm nhân số, đứa lớn đứa bé gì cũng ở
trần trùng trục, mạnh khù khù cứ chạy u ra trước ngõ, để vợ của Thầy phải bưng
chén cơm vừa chạy vừa kêu tên mấy đứa nhỏ, mà chúng tôi cũng chẳng nhớ hết tên
luôn. Bên cạnh là nhà “ông thợ sắt”. Thật ra chú là người của dòng dõi vua chúa
di cư vào đây, hình như là anh em của ngài…Vĩnh Thụy thì phải, vì chú cũng có họ
Vĩnh. Mấy người con trai của chú trắng trẻo, nhẹ nhàng như con gái, nhưng không
phải…đối tượng của con gái xóm tôi.
Nhà ông Huế thì
có nhiều phòng cho thuê, từ Đại hàn, Mỹ, đến cảnh sát, quân nhân ta, hay những
người độc thân…tại chỗ, nên tấp nập người
đến kẻ đi, vui lắm lắm.
Chung quanh xóm nhà nào cũng quen biết, thân tình
với nhau. Nhà thiếm Hai kế tiếp rất đông con, chiều nào chú hai cũng lùa cả đám
con leo lên chiếc pick up truck mà chạy về tận thôn Đại điền thăm nhà từ đường
của chú. Tháng nào có người em từ trường võ bị Đà lạt về thăm, cả xóm cũng “ăn
mừng” theo với gia chủ, và cũng là “đề tài” để đám con gái trong xóm bàn tán,
khen chê.. Nhà chú Thông bên kia có tiệc vui gì cả xóm cũng được biết.
Nhà “bà quận” với mấy cô con gái rượu suốt ngày
ngồi xe jeep, được “ông Lính biệt phái” chở đi tới đi lui đủ chỗ đủ nơi, bữa
nay đang làm tiệc…đón chàng rể nào cả xóm cũng được tin. Ôi cái xóm nhỏ mà vui,
chia xẻ buồn vui trong cuộc sống đời thường, ngay cả những buổi kêu mời nhau đến
“dự đám giỗ” của một nhà trong xóm, mà bọn nhỏ chúng tôi hay hát đùa: “Tai nghe có đám giỗ gần, trong bụng bần thần
chẳng muốn nấu cơm” cho đến những ngày đầu tháng tư của năm 1975, ngày
“tang thương” của cả thành phố và những người trong khu xóm nhỏ.
Ngày đó xóm nhỏ
vẫn còn tồn tại, dù người đi đã đi, nhưng những căn nhà chưa hề đổi chủ, tuy có
mấy căn nhà lớn bị “chính quyền mới” vào tịch thu đề làm văn phòng hành chính mới,
nhưng vẫn còn đó những trao đổi thân tình, những quan tâm thăm hỏi về những khó
khăn, những chịu đựng nhọc nhằn đang đổ oằn trên vai những người thành phố bởi đám
người “giải phóng miền Nam”! Những ngày tháng tư đen tối hãi hùng đổ ập lên đầu
cả những người dân hiền lành ở những phần đất đã bị “quân giải phóng” chiếm đóng.
Và xóm nhỏ nhà tôi cũng không ngoại lệ. Ba má tôi khóc hết nước mắt vì hai người
con trai, một đại uý ở bộ tổng tham mưu, một đang học tại Sài gòn không hề biết
tin tức gì cả. Những người bà con lánh nạn vào ở trong nhà đã về lại quê ở Phú
yên, và người cháu gọi má tôi bằng dì đã bị “quân giải phóng” bắt và chặt đầu
chỉ vì từng làm “xây dựng nông thôn”. Mấy người con còn lại thì cứ phải “đi lánh
nạn” bom đạn từng đêm từ những ngày đầu tháng tư năm đó.
Nhà bà Bắc trước
cửa giờ chỉ còn lại bác trai với vợ chồng người con gái thứ. Bác không đi tù vì
không phải sĩ quan. Bác buồn bã suốt ngày không nói một câu, cứ đi ra đi vô thở
dài, ngay cả ba tôi có hỏi han Bác cũng không buồn nói. Những ngày tháng mà người
Nhatrang phải chịu những trận “bom” từ những chiếc máy bay, bay đến thả những
trái bom tấn chết người vào ban đêm do phía những người Lính ...quân mình!
Bác buồn bỏ
cả ăn uống và trút hơi thở cuối cùng mà mắt mãi không chịu…nhắm. Lúc chúng tôi
hay tin chạy sang nhà, để chứng kiến giờ phút lâm chung của bác mà không cầm được
nước mắt, vì bác cứ nấc lên từng cơn, như luyến lưu điều gì mà uất hận không nói
được, đến khi tôi và người con rể của bác phải “năn nỉ” Bác hãy buông xuôi mà
thanh thản ra đi về một nơi chắc không có chiến tranh giặc giã nữa, và những
người thân của bác chắc không về gặp được bác đâu…, lúc đó bác mới từ từ nhắm mắt
xuôi tay. Nỗi buồn chi mà buồn lạ buồn lùng khi người đầu tiên trong xóm tôi ra
đi mà không có đám tang cho đúng nghĩa.
Trong khi cái “ủy
ban quân quản” suốt ngày cứ ra ra cách mạng này cách mạng kia với bảy điểm gì đó
với cái giọng chanh chua chát chúa, nghe lạnh sống lưng của những người miền Bắc,
từ những cái loa bắt cùng khắp trên các trụ điện chỉa thẳng vào nhà dân mà chưa
chắc người nào muốn nghe, thì sau lưng nhà tôi, giọng ca và tiếng đờn của Đọt cứ
vang lên, nhiều khi nghe réo rắt, có lúc u uẩn xa xăm. Rồi Đọt hát những bài ca
tiếng Mỹ, dĩ nhiên có bài chúng tôi chưa từng nghe qua, nhưng sao nó như xoáy vào
tận ruột gan…
Nhưng rồi, một
buổi tối cả xóm tôi ồn ào và cùng chạy tới “trụ sở khóm” là nhà ông bà cảnh sát
đã di tản, để thấy Đọt bị công an đánh tới tấp vào lưng, vào mặt mà không hề kêu
la đau đớn gì cả. Thì ra Đọt đã làm một việc mà chắc không ai làm được, anh chàng
đã “leo” lên tận sân thượng nhà bác Từ Vân và đứng hát trên đó, dù không biết Đọt
đã leo bằng cách nào? Vì trên tường nhà không có cầu thang. Rồi “cách mạng” cũng
phải thả Đọt ra vì không “điều tra” được nguồn tin phản động nào. Sáng hôm sau
thì bên trường học, đã chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có. Đọt đã “ngồi vắt
vẻo” trên trụ cờ bé tí xíu, và đang xé cờ “mặt trận giải phóng miền nam” nửa
xanh nửa đỏ đang treo rũ rượi trên đó, bên dưới là một đám công an la lối om sòm,
và bọn học trò nhỏ thì bàn tán xôn xao như cái chợ, vì không hiểu làm sao mà Đọt
leo được lên tới ngọn, khi mà cái trụ cờ bé tẻo tèo teo. Đọt “điên” từ đó và bị
cột chân vào gốc dừa thê thảm lắm, đến mấy năm sau mới mất…Thương lắm.
Nhưng đó là chuyện
dĩ vãng xa rồi, có nuối tiếc cũng chỉ là nuối tiếc.
Kỳ này tôi trở về
thấy xa lạ lắm. Ba má tôi đã về miền tiên cảnh, hai ngôi mộ nằm trên ngọn đồi rất
xa thành phố tận trong Suối dầu. Những người già đã giã từ trần thế xuôi tay,
những người trẻ năm nào bây giờ cũng đã thành… bô lão, có người cũng đã qui tiên,
có nhiều người đang ở xa hằng bao nhiêu cây số, từ nước Úc, nước Mỹ, nước Tây.
Xóm nhỏ năm nào nhiều nhà đà đổi chủ, nhà lầu cao tầng đuợc cất lên, bán buôn tấp
nập dù con phố chẳng đổi tên. Buồn lắm lắm.
Nhà chú Tư bên cạnh
đã bán đi nhiều phần đất, chỉ còn lại một đám nhỏ để cất lên căn nhà nhỏ. Người
con trai độc nhất năm xưa được cha mẹ cưng chìu, giờ phải đi làm xa quanh năm
suốt tháng, còn lại người con dâu chẳng coi ông cha chồng ra gì, có hôm còn “nhốt”
ông trong căn phòng bé xíu, nóng bức da non. Ông có kêu la thì cô ta cho là
ông…lên cơn điên loạn.
Nhà thầy Ng. thì
đã bán cho người về từ phuơng Bắc xa xôi, họ làm gì trong đó mà cửa đóng then cài
chẳng ai biết. Nhà bà Bắc đã bán cho cán bộ .., cũng từ miền Bắc vào, mở phòng
chơi game ồn ào như cái chợ. Nhà ông Huế bán cho…việt kiều về xây lầu cao mấy lớp,
che …gió biển cả khúc đường. Người lạ về mua nhà, lầu càng cao thì con hẻm lại
càng nhiều, âm u và thiểu não.
Nhưng, dù sao Nha trang vẫn là thành phố thân thương trong tôi, thành phố có quá nhiều kỷ niệm của thời mới lớn và đi dạy học tại Nam tiểu học và Âu Cơ. Thành phố còn in lại bóng dáng của những “người hùng năm xưa”, nhưng bây giờ tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ. Ngả sáu nơi có “cư xá Sĩ quan vãng lai” năm nào, nơi mà mỗi chiều đạp xe trên đường về, người sĩ quan “nghỉ dưỡng thương” cứ ra đứng chận đường dù là hỏi thăm dăm ba câu…vô nghĩa, bây giờ quán xá chiếm ngự. Quân y viện Nguyễn Huệ, bây giờ cũng chẳng còn, mà là những dãy phố cao tầng, đèn điện sáng choang. Ngay cả “nghĩa tử đường”? (tên nhà xác quân đội mà lâu rồi không nhớ rõ) trên đường Lê Thánh Tôn, nơi mà năm xưa có lần tôi chết siếng vì nhìn thấy những xác người Lính hy sinh không trọn vẹn hình hài, bây giờ là một khách sạn, nhưng nghe đâu không ai dám ở, vì cứ bị “ma” phá hoài. Và cả Trại “Hùng Cường” của hành chính tài chính trên đường Lý Thánh Tôn, mà có lần tôi đùa vui cùng vị sĩ quan trong đó: “Thiếu uý nhìn em thiếu úy cười, Bồ em Trung úy, thiếu úy ơi!” cũng đã thành …thiên cổ. Phi trường Nha trang ngày xưa rộng thênh thang, nơi có căn cứ huấn luyện Không quân, có cả Sư đoàn hai KQ trú đóng, nơi tặng cho tôi người Lính “nhà tôi” từ bấy đến nay, giờ bọn lãnh đạo nhiều quyền lắm thế đã “chia lô” bán cho nhà thầu ngoại quốc (?), mà nghe đâu là người Tàu đứng phía sau. Nhiều và nhiều nơi đã mất hút bóng hình. Tiếc thật.
Nha trang, ngày
tôi trở lại gặp được gia đình anh chị, các cháu, hội ngộ quá nhiều bạn bè, niềm
vui trong tôi còn đọng mãi. Dù bây giờ những thắng cảnh hữu tình của Nha trang
không còn nữa, người Nha trang cũng chẳng còn nhiều, chung quanh nhà tôi là người
xa lạ mới đến ở, nên muốn tìm lại một chút kỷ niệm ngày xưa thì cũng chẳng có
người để cùng ôn chuyện cũ.
Nha Trang xưa vẫn
còn mãi trong tôi…
Lê Thị Hoài Niệm.