Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

 

Anh Huy Hoàng (1940-1991)

Tôi ở Nha trang nhiều năm, nhưng chưa bao giờ để ý rằng giữa con phố chính của thành phố, đường Độc Lập, đã hiện hữu một “trung tâm” nuôi dạy những trẻ em mồ côi, nghiện ngập và cả những đứa trẻ “bụi đời” đã từng làm nghề “bất chánh” để tồn tại trong xã hội.

 

Mãi đến khi chúng tôi về dạy tại trường Nam Nha Trang năm 72, Cô giáo Sương, cô bạn dạy cùng trường có hỏi ý: “bạn rào rảnh, mà thích làm việc xã hội, hãy đến dạy dùm mấy đứa trẻ buị đời một vài bữa trong tuần ?”. Thật tình lúc đó chúng tôi cũng ngạc nhiên lắm, hỏi lại bạn về nơi đó? Thì S trả lời là có một người phụ trách nuôi dạy các trẻ bụi đời tại khu phố Độc Lập, gần nhà bạn ấy và có ý nhờ vả các Cô giáo phụ giúp .

 

Chúng tôi hơi ngỡ ngàng khi đến nơi lần đầu tiên. Đó là tiệm sách nhỏ có tên Huy Hoàng, nằm ngay trên đường Độc Lập, đối diện xéo xéo Nhatrang hotel. Nói là “trung tâm” cho oai, chứ “cơ sở” chẳng có gì cả, căn gác lửng xập xệ, phía sau là cái garage không sử dụng, nhưng rất bề bộn, vậy mà chứa đến vài chục “ông thần con”, và “Giám đốc điều hành trung tâm” đó có tên Huy Hoàng. Nơi đây mọi chi phí điều hành đều được hội “Hoàn cầu khải Tượng (World Vision)” tài trợ. Hình như hội này trực thuộc Hội Thánh Tin lành Việt Nam, chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, con mồ côi và trẻ bị thất lạc gia đình….

 

Anh Huy Hoàng lúc đó còn trẻ lắm, hơn bọn cô giáo mới ra trường chúng tôi khoảng hơn chục tuổi. Tôi không thế xác định chính xác năm sanh, nhưng khoảng 1940.

 

Tôi thật sự không biết nhiều về sinh hoạt của anh Huy Hoàng, vì tôi chỉ giúp anh dạy bọn trẻ vào ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng những ngày trong tuần có dịp đi ngang qua, tôi cũng ghé vào “thăm”, nhưng ít khi gặp được anh Huy Hoàng, ngoài chị Hoàng đứng bán sách và người quản lý tên Tâm là thường trực nơi đó. Thảng hoặc thấy thêm người ra vô, khi thì vài ông mặc đồ Lính, khi thì mặc đồ civil án ngữ trên căn gác xép nhưng không tò mò hỏi xem …họ là ai?. Hôm nào đang dạy mà gặp lúc cu cậu nào đó đang lên cơn nghiện la hét, nhìn anh Tâm và một người nữa-quên tên, đè đứa bé cho nó không vùng vẫy được, chờ nó qua cơn nghiện mà thương cảm.

 

Chúng tôi 4 đứa gồm Sương, Phúc, Thành và tôi thay phiên nhau dạy bọn trẻ giúp anh Huy Hoàng, vì thấy anh rất có tinh thần phục vụ xã hội, lại thấy ”tội nghiệp”những đứa trẻ. Có đứa có lý lịch  con nhà đàng hoàng, dù còn nhỏ, nhưng lỡ sa ngã, bước vào con đường nghiện ngập nên …bỏ nhà đi hoang, buổi tối chúng nó ngủ bờ ngủ bụi, bữa đói bữa no, nên dễ trở thành những tên “cướp giựt” ngoài đường phố. Nghe anh Huy Hoàng nói nhiều buổi tối chính anh và anh Tâm chạy xe đi vòng vòng thành phố và “hốt” chúng nó về nuôi cơm, dạy chữ và cai nghiện, nên cần sự trợ giúp các cô giáo chúng tôi là vậy.

 

Mãi đến những ngày đầu năm 75, thì chúng tôi không còn phụ trách dạy giúp cho trung tâm nữa, một phần vì chúng tôi bận việc, một phần vì các “trẻ bụi  đời” tản mác đi hết.  Trung tâm “bị” dẹp bỏ ngay khi thành phố có chính quyền mới và tiệm sách cũng bị đổi chủ và bán toàn sách “cách mạng”..

 Nhưng có điều làm cá nhân tôi giật mình: có vài đứa trẻ trong đám bụi đời được chúng tôi đọc truyện cho nghe, dạy đọc chữ, làm toán…,  lại là những tên “nằm vùng” cho Cộng sản. Có hôm đang đi trên đường, tự nhiên có người “bộ đội” đi xe Honda, cặp sát xe đạp của tôi, rồi hỏi lớn: Cô còn nhớ em không? Em ở “trung tâm bụi đời” chú Hoàng nè!. Hú hồn!  May mà những ngày dạy dỗ chúng nó, không làm điều gì…sai trái với chúng. Không biết anh Huy Hoàng có biết mình đã từng nuôi dưỡng “Cộng sản nằm vùng”?

Và sau những ngày tháng đó, mọi sinh hoạt và con người cũng đổi khác. Có vài lần  tôi ghé thử vào tiệm sách đó, thấy cũng buồn, anh chị Huy Hoàng đã không còn ở đó. Họ ở đâu thì chúng tôi cũng không có thì gìờ để hỏi thăm. Mãi nhiều năm về sau này, được bạn bè nói lại là anh Huy Hoàng đã giã từ cuộc sống vì một cơn đột qụy, đâu khoảng năm 1990 hay 91 gì đó. Cũng xong một kiếp người. Chắc Anh Huy Hoàng đã đầu thai kiếp khác, nếu không về nước Chúa an hưởng đời đời.  Và hai cô bạn của tôi: Phúc và Thành cũng đã thành người thiên cổ, và hai người phụ trách trung tâm cũng không biết lưu lạc nơi nào?.

Lê thị Hoài Niệm.2022

 

 

Không có nhận xét nào: