Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

CHO …SHARE PHÒNG
 Lê Thị Hoài Niệm 


Bà khẳng định nhiều lần là không phải vì thiếu tiền mà bà muốn cho share phòng. Sở dĩ bà nhờ đăng báo, đương nhiên là cho người Việt thuê thôi, là muốn có thêm người trong căn nhà vốn dĩ đã quạnh quẽ buồn hiu quanh năm suốt tháng chỉ mình ên bà đi ra đi vô, họa hoằn lắm mới có cô con gái ở tiểu bang xa về viếng thăm vài bữa rồi đi mất biệt. Bà muốn có người ở để...nói chuyện cho vui, có người nói “tiếng nước tôi” với bà, có “sinh khí” trong nhà, nói chung là muốn có người ở chung để đỡ vắng vẻ, nếu có thể được là lúc đêm hôm tăm tối có người giúp đỡ lỡ có chuyện gì không may xảy ra.

         Kể từ khi bà bị…gãy gánh duyên tình, tính đến nay cũng đã gần vài chục năm rồi, thời gian dài đủ để bà quên đi một quá khứ buồn đau. Ngày đó, người chồng đã bao nhiêu năm từng “đầu ấp tay gối”, từng chia ngọt xẻ bùi, vinh quang có mà đau khổ cũng không thiếu. Với bốn năm “tù cải tạo”, dù chỉ ở miền Nam, xa nhất là trại Bù Gia Mập, bà cũng  đi thăm nuôi mang theo từng miếng đường, lon sữa. Ngày ông về bà cũng chăm lo chi ly từng chút, để ông không cảm thấy lạc lõng, thừa thãi trong ngôi nhà mà nhờ sự buôn tần bán tảo bao năm qua bà đã tậu được, với đứa con gái nhỏ, không có nhiều chi tiêu, nên dù đi tù về, ông vẫn được “thảnh thơi” hơn nhiều người khác. Ông cũng có thì giờ để cầm vợt vũ cầu ra bãi biển thi đua cùng bạn bè, ông cũng được bà chăm chút cho những bộ đồ…short Nike trắng phau, để ông có chút “thể diện” với họ, ông chỉ phụ giúp bà công việc lặt vặt tại nhà, mỗi khi bà đi giao hàng cho khách. Bà đang làm công việc “quấn thuốc lá thơm” theo nhãn hiệu được bạn hàng ngoài chợ đặt, Thuốc lá có nhà sản xuất cung cấp với đủ mùi vị của từng loại nhãn hiệu, những nhãn thuốc thì có “nhà in” in sẵn bao bì, tuy thuốc …giả nhưng bao giống y như thật nhìn vô đâu ai biết,…giả? Nhờ công việc đó bà cũng nuôi sống được vài gia đình với số nhân công khiêm tốn, dù vậy bà không ép ông làm thêm công việc với bà.

 

Rồi họ vượt biên thành công. Được đến Mỹ với diện tị nạn chính trị. Thời gian đầu ông bà cũng rất chí thú làm việc, dù tiếng Anh tiếng U nói lúc được lúc mất. Nhưng họ vẫn sang được một tiệm “chạp phô” ở ngoại ô thành phố. Cuộc sống vươn lên, đứa con gái bắt đầu trưởng thành để vào đại học xa, lúc công việc làm ăn của bà thành công, nhờ bà biết mua cơ sở để đầu tư. Mua một, bán hai tiền vào dư dả, cũng là lúc ông bắt đầu bỏ bê công việc và tìm những cô gái trẻ để làm quen.

 

Việc gì đến đã đến. Qua bao nhiêu ngày chịu đựng người chồng vong ơn bội nghĩa, đánh đập bà để “khảo của nuôi gái”, đến nỗi đứa con gái còn “dọa” sẽ gọi cảnh sát nếu ba nó bạo hành má nó mà nó nhìn thấy được. Người chồng tắm mẳn tào khang đã bỏ bà sau một cuộc ly dị chia hai của cải, để ông theo người đàn bà trẻ, và cả đứa con gái cũng ..từ cha vì đã đối xử quá tệ bạc với mẹ nó.

Cuộc sống độc thân của bà bắt đầu từ đó.

 

 Nhiều khi bà cũng đã muốn tìm một người bạn “ý hợp tâm đầu” để sẻ chia tiếp những buồn vui trong cuộc sống còn lại, vốn dĩ buồn nhiều hơn vui đối với hoàn cảnh của bà, nhưng thời gian đi làm nó choán hết cả, cuối tuần thì chùa chiền, rồi cũng phải đi chợ búa mua cái nọ cái kia, còn có chút thì giờ để xem…phim Đại hàn nữa chứ. Ấy vậy nên bà không thể đi đến những nơi chốn có sinh hoạt vui tươi, nhảy đầm ca hát để may ra tìm một…bạn quen, nếu thấy…OK thì mời về nhà bà, căn nhà to tổ chảng mà khi ly dị xong bà mua không đắt, trả nợ nhà băng gần hết rồi, có người ở chung để chuyện vãn, để giúp đỡ những khi trái gió trở trời cũng là điều nên lắm.

 

Bạn bè của bà cũng làm mai cho bà một vài mối, nhưng chẳng ra làm sao cả. Đa số những người cỡ tuổi với bà mà còn mạnh khỏe, có việc làm hay mới vừa retire, dù độc thân hay góa vợ, thích đi du lịch đó đây, hầu hết đều có ý hướng về lại quê xưa tìm một người trẻ tuổi, có khi là cô gái chân dài, dù rằng nhiều khi vừa lãnh qua đây thì “đường anh anh đi anh  đi, đường em em đi, em đi”ngay tại phi trường. Nhưng không hiểu sao tình trạng đó vẫn xảy ra dài dài.? Còn lại hầu hết là những người “thiếu tiêu chuẩn” để làm đơn bảo lãnh bất cứ người nào, nếu không có người chịu “cô-xai”(cosign), nên chi mới chịu …làm quen với những người đàn bà…bộn tuổi. Nhưng khổ nỗi, những ông này đa số đều có “tật bẩm sinh” khó chữa. Ông bà ta xưa cũng đã nói gì chứ “cái nết đánh chết cũng không chừa”! Tính tình còn có cơ may sửa đổi, nhưng cái nết ăn nết ở thì khó mà xoay.

 

 Bởi vậy có ông chưa chi đã lộ ra mòi…gia trưởng, cứ muốn về ở chung để có bữa cơm gia đình ấm cúng, không lẽ bà cứ phải nấu ăn quanh năm?, điều mà bà sợ suốt quãng đời làm vợ đã qua. Có ông thì cứ khăng khăng muốn về ở nhà bà để sống cặp cho vui, cho có người chuyện vãn, đối ẩm dù chưa đến nỗi thân tình, chưa tìm biết hết tính nết của nhau, cũng như chưa thông hiểu qua hoàn cảnh sống của người đối diện. Lại nữa bà cũng lo cái vụ đàn ông ngủ ngáy, gì chứ vụ này bà đã đem vào tiêu chuẩn đầu tiên trong những cuộc mai mối do bạn bè của bà có hảo ý.

 

Nhiều khi nghe bạn kể chuyện những ông chồng già, ban đêm kéo gỗ lên dốc nặng quá, làm họ không thể ngủ chung giường, ngay cả phòng bên cạnh cũng còn nghe, đến nỗi phải ôm gối chạy ù ra sopha mà ngủ để tránh nạn hiếp dâm lỗ tai. Có một lần bà cũng có xem cuốn phim vui, hai vợ chồng nhà nọ kéo nhau ra tòa, nhờ ông Quan Tòa xử vụ kiện “ông chồng ngủ ngáy” làm bà vợ mất ngủ kinh niên rồi sinh bệnh. Lần đó, ông quan Tòa bắt buộc phải có… chứng cớ(?), nhưng thời đó đâu có cell phone văn minh như bây giờ để thu âm tiếng động “xe tăng lên đồi” của người chồng bất cứ lúc nào, nên ông quan tòa bắt người chồng nằm dài ra trước bàn dân thiên hạ mà… ngủ. Nghe giọng ngáy của ông, người nào cũng bò lăn bò càng ra mà cười, tiếng ngáy có lúc rù rì, khục khục, rồi ông kéo một tràng dài ra, rồi ông khịt khịt, rồi ồ lên thật lớn, tiếp hơi…, mèn ơi làm ông tòa cười quá khỏi…xử luôn, dù đó là chuyện phim vui. Nên chi bà cũng rất…ngại ngùng.

 

 Rồi còn cái nạn bị “mùi hương đặc biệt” nữa. Eo ôi, gì chứ bị cái mùi này nó cứ lẩn quẩn loanh quanh bên mình thì…chết chắc?, dầu thơm mà càng xịt vào, ra nắng một chút là muỗi ruồi gì chắc cũng phải lánh nạn? mà người nào đã bị cái mùi hắc ám này nó ám vào, khó mà tắm rửa nó sẽ bay, nhiều khi phải nhờ Bác sĩ chuyên môn chữa trị cũng chưa chắc khỏi. Ngày còn trẻ, chỉ biết yêu thôi thì…chịu khó chấp nhận, nhất là những lúc chàng từ vùng chiến trận trở về, dù chàng có …hôi đến mấy, cũng chẳng nhằm nhò gì, riết rồi cũng thành quen đi, “Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi” mà!. Nhưng bây giờ thì phải chọn lựa cho hẳn hoi, vì càng lớn tuổi, thì máy móc, đầu lọc gì cũng banh càng, mục rã khó mà ngăn, đó là chưa kể nếu người đó có tình nghĩa gắn bó một con thú cưng mà muốn đem theo cùng thì càng chết nữa.

 

Có lần bà cũng nghe người bạn ở tiểu bang khác “tâm sự” rằng đã tìm được một “đối tượng” ưng ý. Cụ ông là người lịch thiệp, hòa đồng với mọi người, nhưng cũng lẻ loi một mình nên muốn về với bạn của bà để sớm hôm bầu bạn, tâm sự với nhau cho đỡ cô đơn. Nhưng  khi về nhà bạn của bà ở không được bao lâu, thì cụ ông cứ suốt ngày ngồi trong phòng thoải mái nâng niu anh Còm, tâm sự với anh suốt, chỉ đến giờ cơm trưa hay cơm tối, khi bạn của bà vào gọi, cụ mới ra ..xơi. Dù bạn bà không biết cụ làm gì, không chừng là một “chính trị gia bàn phiếm” hay “bác Tám thời đại” cũng nên. Thế là bạn của bà say “gút bay” cụ ông luôn đâu khoảng sáu tháng “hợp hôn”..

 

Rồi có vài người bạn còn khuyên bà nên đăng mục “tìm bạn tri âm”, biết đâu tìm được ra người thích hợp?. Nhưng cái mục này coi bộ không ổn rồi, vì người bạn thân của bà đã… là người trong cuộc. Khi đăng tin trên báo, bạn của bà cũng đã gợi ý rất rõ ràng theo lời rao, cũng có những tiêu chuẩn “cần và đủ” để trở thành đối tượng của bạn bà. Không biết họ trao đổi điều gì, thư từ qua lại ra sao? điều kiện thích hợp thế nào để một hôm họ …hẹn gặp mặt để dễ dàng tìm hiểu. Khi đến nơi, bạn bà núp trong góc phòng, để chờ quan sát người trong mộng. Nhưng mộng vỡ tan để bạn bà đi về lang thang, ngâm nga “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai?” vì anh chàng trong mộng là người làm…waiter trong nhà hàng của bạn bà, mà đã có đùm đề “thê tử”!. Khakhakha….

Cho nên mục tìm người tâm sự cho qua một bên, chỉ nghĩ đến chuyện cho thuê phòng.

 

Dù bà biết cho thuê phòng cũng có lắm điều trở ngại. Hồi trước, bà cũng có thời gian theo dõi báo chí viết về vụ “share phòng, share tình”, gây nên lắm chuyện rắc rối, nhiều khi còn xảy ra vụ đánh ghen ầm ĩ, làm bà cười quá đỗi, cứ nghĩ ông nhà văn này tưởng tượng viết cho vui dù khi đó bà còn trẻ, cuộc sống gia đình trong ấm ngoài êm, làm sao hiểu được tâm trạng của người trong cuộc. Người đàn ông mướn nhà rồi…cuỗm nguyên cô chủ nhà, vì cô chủ độc thân vui tính mà tình thì đang khan hiếm, khô cằn, trong khi ông thì có vài cô khác làm bạn từ lâu, thế là những bà cô kia đến nhà trọ hỏi thăm "sức khỏe” cô chủ nhà, làm ồn ào hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi, đến nỗi họ phải gọi cảnh sát đến giúp đỡ.

 

Mới đây, một người bạn của bà ở tiểu bang khác cũng  nói chuyện cho share phòng với bà, nhưng chị ấy vì tình trạng kinh tế eo hẹp, nên phải cho thuê bớt vài căn phòng trống để có thêm tiền phụ trả nhà băng. Bạn kể cho một cô gái làm móng tay thuê, ban đầu thì cô ấy sống rất căn bản, chỉ có buổi tối mới về nhà nghỉ qua đêm, bạn bà thấy vui lắm, đêm hôm tăm tối có cô trẻ trong nhà nói dăm ba câu chuyện, nhất là cô kể về chuyện đi làm ở tiệm nail, nhiều chuyện bạn bè, khách hàng…cũng vui, bạn thấy ấm lòng. Nhưng chỉ được chừng vài tháng sau, cô nàng trở quẻ, cứ mỗi sáng sớm là căn bếp nhà bạn …hoạt động mạnh, cô nàng nấu nướng đủ mọi thứ, mùi thức ăn quyện khói đầy nhà, làm bạn bà rất khó thở, đã vậy, cô còn …giặt quần áo lia chia, hầu như hai ngày giặt một lần, mà tiền điện nước thì bạn bà chi phí theo thỏa thuận lúc mướn nhà. Nên sau mấy tháng trời chịu không thấu, bạn bà đành cho người khách trọ ra đi.

 

Nhưng chưa chừa, bạn bà còn cho một người đàn ông lỡ vận thuê tiếp. Mèn ơi ông này là nguyên một….ca sĩ có chút tiếng tăm, bao nhiêu năm tiếng hát “không sử dụng” nên đã mai một với thời gian. Rồi ông về VN sinh sống, mở nhà hàng, quán rượu, được một thời gian khấm khá, và không chịu dừng lại ở đó, ông cứ cho …nở ra, nở ra, cuối cùng ế ẩm, nhà hàng vỡ nợ, thế là chạy về lại Mỹ, cứ làm như nước Mỹ là cái chốn dung thân an toàn sau những ngày tháng bôn ba, làm ăn xa không…đóng thuế. Bà bạn cho thuê nhà vì nghĩ tình đồng hương và có chút máu…mê nghệ sĩ trong người. Nhưng cuối cùng cũng đành từ giã, vì ngày nào cũng nghe ông nói chuyện điện thoại viễn liên với người ở VN, nghe đâu đó là người vợ sắp cưới và sẽ sang Mỹ theo diện hôn thê với ông. Dĩ nhiên phòng có khóa cửa chứ, nhưng ông không trụ trong phòng, mà ra ngồi bên ngoài hút thuốc để tâm sự trời ạ. Khổ thân chủ cho thuê phòng, cứ phải hít mùi khói thuốc lơ lửng trong không gian, và màng nhĩ bị khủng hoảng vì tiếng rổn rảng từ điện thoại của người đang say men tình ái lúc xế chìều mà không chịu kềm hãm bớt. Nghĩ mình không may mắn trong việc cho thuê phòng, bà bạn của bà đành phải mình ên ở nhà múa may cho thỏa mái, dù kinh tế eo hẹp một chút.

 

Dẫu biết chuyện người kể, nhưng bà vẫn thử thời vận, biết đâu gặp người tốt thì sao, xã hội mà. Nên chưa đầy ba hôm đăng báo thì có người gọi điện thoại tới, bà chỉ cho số điện thoại thôi chứ chưa cho biết số nhà, vì bà cũng ngại thời buổi bây giờ con người không mấy thật thà, nói nôm na là gian lận đủ kiểu. Những kẻ gian đọc tin trên báo, biết khu vực nhà của bà đang ở, không chừng chúng đi rình mò và lẻn vào cướp bóc cũng có thể xảy ra.

 

Hôm qua người bạn cùng làm chung sở ngày xưa báo tin cho bà biết rằng nhà họ vừa bị trộm viếng. Số là hôm trước nhà họ có mở “party” để ăn mừng ngày người con trai “Vinh Qui Bái Tổ”. Ăn mừng là đúng rồi, vì tâm lý người Việt ta ở xứ này, mỗi khi có con cái học hành thành đạt, cũng phải cho bà con bạn hữu bên ngoài biết để cùng chia vui, có khi họ còn “đọc” trên các làn sóng truyền thanh, truyền hình những lờì chúc mừng nghe rất mát tai, cũng làm “nở mày nở mặt” những bậc phụ huynh có con tài giỏi, mặc dù những lời đọc nhiều lúc cũng …trớt quớt. Ví dụ con họ học cho nó, cũng có thể cho riêng gia đình họ chứ có….cộng đồng nào nuôi dưỡng đâu mà cộng đồng cũng…hãnh diện?

 Dĩ nhiên có tiệc thì có mời bạn hữu xa gần đến chung vui, người ra kẻ vô, người quen thân hay sơ giao cũng có, và có mời một số bạn của con bà. Vậy mà hôm sau, khi ông bà rời nhà đi tập thể dục về, chỉ chừng hơn giờ đồng hồ, mà các phòng trong căn nhà đồ sộ của họ đã thành…bãi chiến trường vì mọi thứ đều bị lục tung lên, văng tung toé mọi chỗ như vừa trải qua một trận thư hùng mà đối phưong chỉ là mớ giường chiếu bàn ghế không thể có phản ứng chống đối. Thôi thì…của đi thay người, lời an ủi cho đỡ tức, khi mà cảnh sát cứ hứa sẽ truy tìm thủ phạm, vì có video ghi lại hình ảnh cái nhóm ba người đang cật lực làm việc lục lọi đó. Nhưng có nhìn thấy mặt ai đâu, vì chúng đã bịt kín mít mặt mày như những võ sĩ Ninja trong phim kiếm hiệp, chỉ chừa hai con mắt, nhưng ai cũng đoán phải là người quen biết đã từng ra vô nhà nhiều lần, nên bà ngại cũng phải.

 

Người đầu tiên gọi đến là một giọng thiếu nữ rất nhỏ nhẹ, cô giới thiệu là một “du học sinh” từ Việt nam sang, muốn mướn nhà ở cho tiện việc đi học tại trường đại học cộng đồng gần đó. Cũng có lý đó, bà nghĩ vậy, dù gì cô cũng là cùng…quê hương với bà, biết đâu cô ấy còn nhỏ tuổi hơn con gái của bà, mà một cô gái đi xa nhà, không thân bằng quyến thuộc nơi xứ lạ quê người, có thể được thì bà sẽ cho cô share, coi như giúp cô tìm được chốn an thân vừa phải để yên tâm học hành, bà sẽ giúp cô những gì có thể, bà nghĩ nếu con bà đi xa, gặp được người giúp đỡ thì bà cũng an tâm và cảm ơn lắm lắm.

 

Thế là bà hẹn cô nàng ra quán cà phê gần nhà để gặp gỡ và tìm hiểu. Bà đến trước mươi phút và ngồi trong góc nhỏ chờ đợi quan sát. Quán vắng, một chiếc Honda civic trờ tới đậu vào parking, một cô gái mở cửa bước xuống có làm bà…choáng váng một chút. Cô ăn mặc rất gợi cảm, một cái váy ngắn cũn cỡn và đôi giày cao gót nhọn hoắc. Thôi nhé con!, bà nhủ thầm như vậy, cái kiểu ăn mặc …chịu chơi như con chắc ở nhà bà không hợp đâu. Lại nữa, có người lái xe cho con, không hiểu anh ta có quan hệ như thế nào? lỡ con vào ở rồi anh ta cũng vào ra liên tục thì kẹt cho bà lắm.

 

Cuối cùng thì bà cũng gặp cô ta, cô bé có khuôn mặt xinh xắn cũng dễ có cảm tình, nhưng trong suy nghĩ bà đã loại trừ không muốn cho thuê rồi. Cô muốn thuê nhà để ở gần trường học và chỗ làm, cô bảo thế, và chỉ sống một mình thôi. Hiện cô đang làm “tiếp viên” của một quán cà phê trong thành phố sau giờ học. Cô cười e thẹn khi nhìn lại cái váy cũn cỡn của mình, nhưng cô nói chủ quán cần tiếp viên ăn mặc như thế.

 

Bà cũng nói dăm ba câu chuyện, cũng hòi thăm “hoàn cảnh gia đình” như thế nào bên kia, bên đây. À thì ra cô cũng là con một đại gia ở một thành phố miền Trung nước Việt. Cô sang đây được hai năm rồi, nhưng vừa học vừa làm để có thêm thu nhập cho cha mẹ bớt gánh nặng tài chính. Bạn của cô cũng là du học sinh, nhưng cha mẹ là quan lớn nên khỏi phải đi làm thêm, tháng tháng cha mẹ gửi tiền sang để tiêu xài nên không vất vả như cô. Ôi bao nhiêu chuyện sao bà nghe cũng thấy quen quen khi có người cho sinh viên share phòng. Phải chi họ ở để chăm chỉ học hành thì bà sẽ giúp, nhưng nghe cô bé này học thì ít mà làm thì nhiều nên bà ngại và hứa sẽ…trả lời sau.

 

Rồi lại một giọng oanh vàng thỏ thẻ gọi đến, giọng nói miền Nam của cô gái rất ngọt ngào khiến bà rất có cảm tình. Người muốn mướn phòng cho biết cô từ tiểu bang xa dọn về đây để làm thợ cắt tóc, vì người nhà có sẵn tiệm. Rằng cô đến ở trước một mình, và chồng cô sẽ dọn đến tháng sau, khi đã giải quyết hết mọi việc ở thành phố miền Bắc, và hỏi  bà cho mướn một phòng với hai người ở tạm một thời gian.

 

Chuyện dễ giải quyết mà. Cô gái đã hẹn gặp bà và nói rằng cô được “chồng” bảo lãnh từ Việt Nam sang đã gần được một năm, nhưng ở tiểu bang miền bắc lạnh lẽo quá. Cô “năn nỉ” ông dọn về thành phố này, vì ngoài khí hậu hơi giống như ở Việt nam, cô lại có gia đình người bà con đang có tiệm tóc, sẽ cho cô vào làm, vì trước khi sang Mỹ, cô cũng đã từng là thợ cắt tóc ở VN, nên cô quen được với chồng cô, khi ông là khách hàng thuờng trực của tiệm cắt tóc đó mỗi lần ông “về thăm nhà. Cô nói chồng cô là người đàn ông tốt, ông lo cho cô có được cuộc sống sung túc những ngày ở quê nhà. Nhưng cô thì muốn sang Mỹ để may ra mai kia mốt nọ bảo lãnh cho người nhà của cô. Ban đầu ông chồng ngần ngại, nhưng cô năn nỉ ỉ ôi mãi nên ông cũng đã thuận tình bảo lãnh cô, và cùng cô…trở về Mỹ sống tại tiểu bang miền đông Bắc gần nhà người bà con của ông, hai người mướn một căn chung cư ở đó.

 

Chỗ nào cũng ở phòng thuê thôi! Cô “thành thật khai báo” với bà là đã từng nói với ông chồng như thế. Ở trên miền Bắc lạnh nhưng cũng thuê phòng, đâu có nhà cao cửa rộng gì? sao không về miền nắng ấm để sống? giờ cô muốn share phòng nhà bà và đón ông chồng xuống ở tạm một thời gian rồi có tiền thuê chỗ lớn hơn. Bà gặng hỏi mãi cô mới cho biết là ông chồng đã…già rồi, ở tuổi hưu trí. Một thời gian trước ông về Việt Nam làm thương mại, ông là một thương gia “có tiếng” nên cũng có lắm cô “chân dài” bên cạnh ông trong những ngày tháng đó. Nhưng ông đã bị họ…lừa gạt hết số tiền” đầu tư”, đến khi ông gặp cô thì cũng là lúc ông muốn cùng cô “sống nốt quãng đời còn lại” nếu cô ưng chịu, vì ông không có…con cái và gia đình ở Mỹ, nhưng có thể lo lắng cho cô cuộc sống đầy đủ về tài chánh. Cảm động trước tình cảnh của ông, cô đã bằng lòng làm vợ ông, cũng có “cưới hỏi” đàng hoàng dù là “đôi đũa lệch”.

 

Vậy là “bò già gặm cỏ non đây! bà cười thầm trong bụng nhưng không dám nói ra ngại cô trẻ buồn. Thấy cô có tính chịu khó làm ăn, và nói năng có tình có nghĩa, bà chịu cho cô share một phòng ngoài, có phòng vệ sinh riêng và cả lối đi riêng bên hông nhà, và nấu ăn, giặt giũ thì tùy theo giờ ấn định, không phiền hà gì nhau. Mọi thỏa thuận xong và cô dọn đến ở.

 

Nhà bà giờ thấy có sinh khí hơn, có thêm xe đậu trước cửa nhà, có người ra vào sáng tối. Thỉnh thoảng bà thấy vui vì người đàn bà trẻ này cũng có khiếu kể chuyện, nhất là những lúc cô sang phòng nấu ăn mà gặp bà ngồi phòng khách xem TV, cô đã kể đủ thứ chuyện nơi cô làm việc. Rằng ở đó là một …quán ăn tạp lục, mỗi cô thợ là một đầu bếp gia lão luyện, nhờ học trên…youtube, nên hôm nào cũng đầy đủ các món được họ mang theo để trình làng, nếu hôm nào ít khách thì họ thưởng thức món ăn của nhau, nhưng có những bữa làm luôn tay nên vẫn…đói dài dài.

 

Bà biết chiều nay cô Bình, người thuê phòng đã ra phi trường đón ông chồng xuống ở. Buổi sáng bà đã cũng chúc mừng cho cô ngày …đoàn tụ gia đình! Nên bà ăn lẹ lẹ và sửa soạn lên phòng ngủ để nhường chỗ cho vợ chồng họ lo buổi ăn tối.

 

Tiếng nói chuyện từ phòng bên có làm bà chú ý lắng tai nghe. Giọng nói, ủa sao giọng nói của người đàn ông này bà nghe chừng như quen lắm lắm. Bà cũng có ý tò mò muốn qua…chào hỏi để xem mặt người đàn ông gìa lấy vợ trẻ ra sao, thì cánh cửa phòng cho share xịch mở. Trước mặt bà là người đàn ông lớn tuổi, mặt mày hơi hốc hác, dáng vẻ ốm yếu nhưng mái tóc lại đen thui, ông ngồi trên ghế uống nước và cô trẻ thuê phòng đang mở cửa xuống nhà bếp…

 

Bà vội vàng quay lui và ù chạy lên cầu thang tránh mặt vì người đàn ông ngồi đó không ai khác hơn là người chồng cũ trời thần đất lở đã ly dị từ lâu của…Bà!

Lê thị Hoài Niệm.

B

Không có nhận xét nào: