Đêm qua, chị Ph.K Oanh ở Boston, đã tin cho biết là cậu D. em út của chị vừa ra đi đột ngột, chỉ sau một thời gian ngắn cảm thấy khó thở. Khi người nhà kêu xe chở đến bệnh viện, thì cậu đã trút hơi thở cuối cùng trước khi gặp được nhân viên bệnh viện.
Cậu em ra đi, gia đình chị buồn rất buồn vì vừa mất đi một người thân: "sinh ly tử biệt" sao mà không buồn được, có bao giờ còn có dịp nhìn thấy nhau nữa đâu, nhưng trong nỗi buồn, lại có sự "may mắn" vì với một cơ thể con người đã bị máu ứ đọng đầy trong não bộ (sau khi được khám nghiệm) thì liệu còn có thể trở lại trạng thái bình thường được nữa hay không? hay phải nằm một chỗ và có thể sống kiếp "thực vật"? lúc đó vừa khổ thân và khổ cho cả gia đình vợ con phải chăm nuôi mà không hy vọng gì vào sự phục hồi bình thường của người thân.
Nhớ D, vì cậu em cũng rất "thân tình" với tôi từ những ngày còn trẻ ở quê nhà. Lúc thành phố vừa "đổi chủ", cả nước đổi tên, thì tôi và chị Oanh được điều về dạy cùng trường cấp 1+2 Ph.Tân tại thành phố Nha trang. Chị dạy môn toán cấp 2, còn tôi thì ...lớp nào trống thì điền vào thế chỗ, nên có khi một bữa dạy có 4 "giáo án" cho 4 tiết dạy không chừng, nên mỗi khi "họp tổ", chị Oanh ở "tổ Tự nhiên" còn tôi thì..."ngồi hai chân ở hai tổ từ tự nhiên đến xã hội" nên trong trường, không thầy cô giáo nào là không "thân tình" với cô T.
Từ khi có phong trào bắt buộc "lao động là vinh quang" thì tôi và chị Oanh đã thành một nhóm, hai chị em đạp xe về vùng ngoại ô Đồng bò "tìm đất" để gieo trồng, sản xuất. Bữa đó đạp xe hoài giữa vùng đất nóng , thì gặp một mái nhà lá đơn sơ, hai chị em mừng quá nhào đại vô, cứ nghĩ may ra chủ nhà "thương tình" cho một mảnh đất đang bỏ hoang khô cằn xeo xéo nhà ở thì phước lắm rồi. May quá, bữa đó có "thần hộ mệnh" nên chủ nhà không ai xa lạ mà là "Thầy Đốc Nh." Thầy nguyên là Hiệu trưởng trường tư thục nổi tiếng K.Y.ở thành phố. Lúc này thầy đang ở với ...người vợ nhỏ, còn rất nhỏ và đứa con trai ( hình như lúc đó Thầy đã ngoài..bảy mươi ?) và chúng tôi thì ...lớn hơn vợ Thầy ít tuổi. Sau khi nghe chúng tôi "than thở" tình trạng đi dạy thời buổi ấy, Thầy bèn phán : mấy đứa muốn bao nhiêu đất trồng khoai thì cứ...tự nhiên, chúng tôi cảm ơn Thầy quá sức luôn. Khả năng chúng tôi thì chỉ có một ngày hai chị em ra công cuốc và xới đất hoang với chừng dăm em học trò lớp tám mà chúng tôi làm...chủ nhiệm, hình như có em Hùng (về sau em đi "nghĩa vụ quân sự" làm ...công an "bắt người vượt biên", và chiều nào em cũng ghé lại nhà tôi ăn ...mì sợi luộc với nước mắm ngon, và cậu học trò tha hồ thao thao bất tuyệt về những "thành quả" bắt ghe, nhờ vậy mà tôi biết được hôm nào có tàu tuần, hôm nào...tàu hư mà...báo cáo- làm "gián điệp?)"
Nhờ công trồng khoai tưới nước, chiều nào cũng phải đạp xe nửa tiếng đồng hồ sau giờ dạy để đến nơi múc nước giếng mà tưới từng vồng khoai lang, về sau một tuần tưới...hai lần, có hôm mấy em học sinh lên ...tưới dùm. Đâu chừng ba tháng chờ đợi thì D., chính em D. đã tình nguyện đi "thâu đạt thành quả lao động tạo năng xuất" của chị em chúng tôi. Buổi chiều sau khi ở trường về, có chị O. về theo, gặp D. ngồi ngay trong sân, nhìn chúng tôi cậu cười hảhả hả, cười đến chảy cả ..nước mắt, hỏi ra thì mới hay cậu thấy "sản phẩm" sau ba tháng lao động vinh quang, những củ khoai lang đào lên được, củ nào củ nấy to bằng.... ngón tay út mà cậu cười quá sức. Thế là chị em "chia nhau" những củ khoai lang "em bé" để làm ...kỷ niệm.
Kỷ niệm thì còn nhiều, mà hoàn cảnh của đất nước không cho chị em chúng tôi có dịp gặp gỡ trong nhiều năm qua, và bây giờ thì nghe tin em mất vì chứng đột quị, bị máu ứ trong đầu, sau nhiều tháng năm em bị chứng "trầm cảm" vì thời cuộc....và em ra đi rất nhanh, cũng là một may mắn cho em, coi như em đã "trả sạch nợ đời". Ở tuổi của em mà đi thì có người cho là còn...trẻ, nhưng sống...già mà mạnh khỏe, chứ bệnh hoạn nằm một chỗ thì cũng chẳng ai ham.
Một nén nhang cầu nguyện cho em D. được sớm về chốn vĩnh hằng, nơi đó chắc không có những thị phi gian dối lừa đảo để khiến em "bất bình" mà đành câm nín rồi sinh bệnh. Xin Phân Ưu với chị Oanh và toàn thể tang quyến về sự ra đi của D.
hn 10/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét