Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

BÀ MẸ NUÔI



Tối nay vô tình mở tv, màn ảnh nhỏ đang chiếu một phim ngoại quốc nhưng hoàn toàn nói tiếng…Việt nam, đoạn phim tả cảnh một cặp nam nữ đang “thỏa thuận” với nhau về một vấn đề hệ trọng. Người con gái hứa sẽ …lấy người thanh niên, với điều kiện người thanh niên hiến tặng một trái thận cho “người cô …yêu” đang nằm trong bệnh viện chờ chết nếu không có người hiến tặng thận để thay vào. Và người bị bệnh cũng là anh em song sinh của ngưòi thanh niên kia, nhưng vì lúc nhỏ nhà nghèo, chàng thanh niên đã bị bà ngoại đem bán cho nhà giàu nọ.

Dẫu biết rằng người con gái không hề yêu mình, và tuyên bố dù có chết cũng vẫn “không yêu chàng”, vẫn yêu say đắm người đang nằm bệnh viện! ấy vậy mà người thanh niên vẫn cứ …yêu cuồng si, vẫn cãi lại lời “bà mẹ nuôi”, hứa sẽ tặng quả thận sau khi đám cưới với người con gái. Và dù gì thì người bệnh cũng là anh em của chàng, cùng gia đình máu mủ ruột thịt.
Dù mẹ nuôi chàng ngăn cản, năn nỉ cỡ nào, than khóc cỡ nào, phân tích cặn kẽ cỡ nào, chàng ta vẫn tuyên bố thẳng thừng: “nếu chọn giữa hai người, thì người chàng ta chọn sẽ là cô gái chứ không phải bà mẹ nuôi!”

Xem xong đoạn phim, tôi thật buồn. Dù biết đó là phim ảnh để …giải trí, nhưng cũng có phần nào phản ảnh sự thật bên ngoài đời. Những đứa con nuôi, đã được người mẹ nuôi khổ cực trăm bề để nuôi dưỡng từ tấm bé, mớm cho từng muỗng sữa, thay cho từng cái tã lót, ẵm bồng lo lắng thức đêm thức hôm những khi trái gió trở trời, tập cho từng bước đi, thương yêu, săn sóc từng bữa cơm, giấc ngủ, manh áo tấm quần. Ấy vậy mà khi biết được gia đình mẹ ruột, là vội vàng “vứt bỏ” ngay tấm chân tình của người mẹ nuôi trong ngần ấy năm dài. Đau xót thật.


Từ chuyện phim ảnh, gợi nhớ trong tôi một câu chuyện thật thương tâm ngoài đời. Trong xóm chị tôi ngày xưa ở vùng Tân Định, một gia đình người miền Bắc di cư vào năm 54, họ làm chủ một hãng sản xuất vật dụng xây cất rất giàu có, nhưng Trời không cho họ một mụn con nào. Thế là họ đi xin “con nuôi”. Một đứa con trai còn đỏ hỏn, con của một gia đình nghèo bằng lòng cho họ để lấy một số tiền (bán con?). Bà Mẹ nuôi cắc ca cắc củm nuôi thằng bé từ lúc mới lọt lòng đến khi vào đại học. Cậu ta được cả xóm gọi là “cậu ấm”, vì cậu ta luôn có mọi thứ mà cậu muốn, và cha mẹ nuôi của cậu thương yêu chìu chuộng đủ điều. Đến khi cậu thi đậu Tú tàì và thi đậu luôn vào trường Kỹ thuật Phú thọ, thì cậu được cha mẹ nuôi lo cho đi du học Tân tây lan. Trước ngày đi, mẹ nuôi của cậu còn mời cả “vũ sư” về nhà dạy cho cậu nhảy đầm, một môn nghệ thuật mà theo cậu, không thể thiếu đối với người “văn minh đi du học”. Và trong những ngày chờ đợi lên đường, thì tại nhà cậu, có một người đàn bà lớn tuổi, cứ lui tới to nhỏ với chị người làm, cuối cùng thì cậu ta được biết đó là …mẹ ruột của cậu, người chỉ tốn công sanh, nhưng chưa một ngày nuôi dưỡng, dạy dỗ cho cậu thành đạt như hôm nay, nhưng vẫn là mẹ của cậu. Cậu mừng rỡ ra mặt. Điều đó cũng tốt thôi.

Ngày cả nước tan hàng, rã đám, cậu ấm còn ở tận bên Tân tây lan dù đã học ra trường rồi. Tài sản của cải của cha mẹ nuôi cậu bị đánh sập vì tội ‘tư sản mại bản”. Chính quyền mới cướp lấy sạch sành sanh cơ ngơi, hãng xưởng, may mà họ còn chút ít của cải cất giữ nên vẫn sống còn..Cha cậu buồn rầu nên sanh bệnh mà mất. Cậu ấm vẫn bặt tăm hơi.

Không hiểu bên nớ cậu ấm có bạn gái, vợ con gì chưa, mà ngay khi có phong trào …nhà nước mở cửa, thì cậu ấm trở về. Lúc này bà mẹ nuôi nghèo rồi, chỉ còn có mỗi căn nhà nhỏ để ở, nhưng chẳng thấy cậu ấm giúp đỡ gì thêm. Nghe đâu cậu đã làm đơn “bảo lãnh” cho cha mẹ ruột sang Úc (?), nơi cậu ấm đang định cư.

Bà mẹ nuôi vẫn thương đứa con mình bao nhiêu năm nuôi dưỡng, dù gì vẫn là “tình mẹ con”! Bà mẹ nuôi đi tìm người “giỏi giang” để giới thiệu cho cậu con trai mình, nhưng tiếc thay, người bà muốn thì cậu không ưng, và cuối cùng, một người con gái khác đã là vợ cậu, và cả gia đình …nhà vợ, được bảo lãnh sang bên Úc sống đời tự do, sung sướng, chỉ trừ một người không được gì cả, đó là…bà mẹ nuôi. Nếu phải nói theo thuyết nhà Phật, thì kiếp trước bà…vay nên kiếp này phải…trả cho xong nợ????

Những ngày cuối đời, bà mẹ nuôi bị bệnh, may nhờ có một người cháu họ trai đến săn sóc, nhưng người này cũng …không được bình thường mấy, con gái chẳng ai ưng. Nhưng nhờ có căn nhà của bà cụ có chút giá trị, nên người con gái trong xóm bằng lòng lấy người cháu họ của bà, có “sự trao đổi”? Tội nghiệp, bà cụ lúc này đã già cả, lại bị người cháu dâu …hất hủi, mắng nhiếc, không coi ra gì, bà cụ buồn lắm, nhưng người con nuôi thì ở tận đâu đâu không hề có tiếng…thăm hỏi. Cuối cùng thì bà đã về lại miền Bắc, nghe đâu còn người anh trai sống ngoài đó, bà sẽ về nương tựa nơi gia đình người anh. Từ đó đến nay, chúng tôi không còn tin tức gì của bà Cụ nữa.
Thương thay thân phận bà mẹ nuôi!!!!
Lê thị Hoài Niệm










Không có nhận xét nào: