Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Nhà văn Nguyên Nhung giới thiệu tác phẩm

Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng.
Trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài gòn Houston 900AM

Tuyển tập truyện ngắn mới xuất bản gần đây mà theo tác giả thì chỉ là những hàng chữ gợi nhớ từ chuỗi dài tâm tư tình cảm của chính người viết và cuộc sống đời thường của những người xung quanh .Mong rằng sau khi trang sách khép lại, nỗi buồn sẽ chẳng vương mang và nụ cười sẽ nở trên môi người đọc
Theo hàng tiểu sử của tác giả, tên thật là Lê Phan Tuyết, cựu học sinh Nguyễn Huệ Tuy hoà, Võ Tánh Nha trang, cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn, cựu Giáo chức tại Nha trang Khánh Hoà. Đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học tại hải ngoại. Tương lai chị sẽ cho in tập truyện Tạ Tình trong thời gian gần nhất. Hiện nay tác giả đang sống tại Houston.
Cũng như Lê thị Hoài Niệm đã viết trong lời mở ngỏ của cuốn tuyển tập này, cuốn sách gồm 17 truyện ngắn không ít thì nhiều đã cho đọc giả đọc được cuộc đời của tác giả qua những câu chuyện thời đi học, tuổi tình yêu gia đình và qua những biến cố thời cuộc xảy ra trước và sau năm1975.
Nếu không lầm thì ở tuổi nữ sinh hoa mộng tác giả đã từng là người yêu của lính. Chị nhắc lại thật nhiều hình ảnh của người lính xuyên qua những chuyện ngắn của chị và người bạn đời của chị cũng là một phi công trong binh chủng hào hoa của quân đội VNCH, cho nên đâu đó lại bắt gặp chút văn phong không quân qua ngòi bút của tác giả.
Cô em gái hậu phương năm xưa trong những câu chuyện như Bến mơ, cái tuổi học trò nghich ngợm mà dễ thương được tác giả cho sống lại, cùng với hình ảnh người lính tác chiến mà những bì thư gửi từ chiến trường là những hoài niệm dễ thương gần gũi với cái tên Lê thị Hoài Niệm của chị.
Khi hết bậc trung học, Hoài Niệm theo đuổi nghề giáo cho nên sau đó chị tiếp tục là một nhà giáo, mà sau tháng tư 1975, với một cuộc đời ảnh hưởng luôn đến nghề nghiệp cao quí của những nhà giáo Việt nam. Trong câu chuyện : Phiên trực đêm giao thừa, với nhiều tình tiết và đối thoại đã diễn tả gần hết cái khổ, cái chán chường của một nhà giáo xã hội chủ nghĩa.
Xen lẫn tiếp cuộc đời của tác giả được diễn tả trong câu chuyện Nắng đã lên rồi,
kể chuyện vượt biên với một chiếc ghe con dài không quá mười hai thước, trong đó là những gặp gỡ của những người đồng cảnh, họ kết thân với nhau trên con tàu bé như lá tre giữa dòng nước xoáy của đại dương. Nước tràn vào buồng máy và họ phải chiến đấu để sinh tồn, cuối cùng cũng đến được bến bờ tự do. Như một cuộn phim, lồng trong những đối thoại khi kể lể, lúc vui lúc buồn, thân phận của mỗi người vượt biển hình như cùng hội lại với nhau trong chuyến tàu vượt biển ấy. Chuyện viết có hậu khi con tàu gặp được chuyến tàu vớt người biển đông, cuộc tao phùng của đôi tình nhân tưởng đã nghìn trùng xa cách, nhưng họ đã gặp lại nhau như trong một giấc chiêm bao.
Nói chung Lê thị Hoài Niệm đã góp nhặt lại những chuyện trong cuộc đời của chị, hay của những người xung quanh khi ở quê nhà cũng như ở quê người. Phần sau của tác phẩm, Lê thị Hoài Niệm đi vào đời sống ở hải ngọai với một loạt chuyên như “Vết nứt”, viết cho mẹ trong “Giọt lệ cuối cùng” với những kỷ niệm thời quá khứ có người mẹ hiền của mình, rồi tác giả lan man viết cho ông thầy cũ của mình trong câu chuyện: “Xin một lần gợi nhớ” trong tâm tình tuổi trẻ sống cho tương lai, tuổi trung niên sống cho hiện tại và tuổi già thường tìm về quá khứ. Trong tuyển truyện Vén mây tìm lại nửa vầng trăng của lê thị Hoài Niệm, quả là tác giả đang làm cuộc hành trình đi tìm quá khứ vui buồn chất chứa trong từng câu chuyện ngắn, hay vừa vừa với nhiều đối thoại mà có khi chỉ là những hồi ức viết cho chính mình, cho những khuôn mặt đã một thời hiện diện trong tâm hồn tác giả. Nguyên nhung xin ân cần giới thiệu tuyển truyện Vén Mây Tìm Lại Nửa Vầng Trăng của tác giả Lê thị Hoài Niệm.
Muốn có sách xin liên lạc với tác giả qua điện thoại 281-933-6076

Không có nhận xét nào: