Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

 


Ngày Anh trở lại thăm quê

Men theo lối cũ ghé về nhà em

Tìm cây hoa sứ thân quen

Nụ hoa trắng mỏng nhụy vàng tỏa hương

Từ những mờ sáng tinh sương

Nơi em đứng đợi đến trường bên nhau

Bây giờ “xứ sở” đổi màu

Tìm cây hoa sứ tìm đâu bây giờ?

Lêthị Hoài Niệm

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

 

MÁ TÔI.

          Lê thị Hoài Niệm

          Trong giấc mơ, tôi lại thấy má tôi về, một ao ước mong chờ trong ngần ấy năm liền, mà những chị em khác trong nhà, chưa bao giờ có duyên may hạnh ngộ.      

            Người má tôi hơi ốm, bà mặc chiếc áo màu lam. Má tôi đứng giữa những dãy nhà, có cái đã cất xong, cái đang lợp tranh dang dở, trên một khoảng đất rộng nhưng mờ mờ ẩn hiện như giữa vùng đồi núi cây cối xanh tươi.  Má tôi đứng giống như người “cai” đang coi thợ làm việc, nhưng tôi chỉ thấy một mình má tôi và bốn bề thật yên tĩnh, thinh lặng. Tôi mừng lắm, muốn chạy đếm ôm lấy má, nhưng như có một bức màn vô hình ngăn cản nên vẫn đứng xa Người, chỉ cất tiếng hỏi:

            -Má có khoẻ không? Sao má cất nhà để làm gì? má tôi cười vui vẻ trả lời:

            -Ừ, thì má cất nhà sẵn để mai mốt cô Năm, thiếm Hai, thiếm Thông đến có mà ở ...

            -Nhưng mà má..., tôi chưa kịp nói hết câu, má tôi đã cắt ngang:

            -Má giúp gì được cho ai thì giúp con à, giờ má cũng rảnh mà..., thôi má đi nhen...

Giật mình, giấc mơ tan biến, nhưng lời nói của má tôi như còn văng vẳng đâu đây. Má cất nhà! Mà cất nhà sẵn để những người bà con, hàng xóm, bạn bè của má tôi đến có chỗ để ở? Tự nhiên tôi bật khóc, những giọt nước mắt nhớ thương má vô cùng.

Má tôi mất đến nay đã tròn hai mươi năm, được chôn cất trên một ngọn đồi ở Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa (Nha trang). Mặt quay nhìn về hướng biển, và chung quanh là trùng trùng cây cối, dốc đồi còn hoang vu chưa khai phá hết. Má tôi nằm yên nghỉ nơi đó, mỗi lần về thăm nhà, mộ má là nơi chúng tôi đến viếng đầu tiên, và vẫn cầu nguyện linh hồn má sớm được siêu thoát về chốn vĩnh hằng. Nhưng nơi ấy, má vẫn còn lo cho nhiều người khác như những ngày Bà còn ở thế gian sao?

…..

Bọn trẻ chúng tôi lớn lên trong khung cảnh thanh bình của làng quê. Buổi sáng, má tôi gánh hàng lên chợ lúc mặt trời chưa mọc ở hướng đông, bà phải đi hết một cánh đồng, qua vài ngôi nhà cất cheo leo giữa đồng, mà nhà nào cũng trồng đầy cây cao, bóng rậm, khiến người yếu bóng vía nhìn vào những cành lá đong đưa với những hình thù quái gỡ, cứ tưởng đám ma trơi đang đánh đu trên cành cây nhát mình, nên có bữa má tôi chạy trối chết, tới chợ rồi má vẫn không thở ra hơi. Chỉ nghe má tôi kể lại mà mấy lần theo má đi chợ khuya, nhất là mùa tết, có thêm mấy người phụ má gánh hàng lên chợ, chị em tôi cứ vừa chạy mà thót lạnh sống lưng, như có..ma đang chạy sau mình nên cứ chen chạy giữa.

Dù má tôi không biết nhiều về chữ Việt, nhưng không biết từ đâu, bà lại thuộc rất nhiều chuyện dân gian như Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh khố chuối, Chàng Nhái kiễng tiên, Con chó đá, Tấm Cám, Thạch Sanh-Lý Thông, Ngưu lang Chức Nữ, Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa v…vv….mà mỗi buổi trưa, khi chúng tôi ngồi nhổ tóc ngứa cho ông bà, thì bà kể chuyện để răn dạy bọn trẻ chúng tôi mai sau lớn lên thành người tử tế, đàng hoàng

Thỉnh thoảng mấy anh chị lớn trong làng, bạn của chị lớn tôi, cũng được Má tôi “bảo trợ” để tập tành làm những đêm văn nghệ có thi-ca-múa-hát cũng hay đáo để. Tôi vẫn nhớ chị Năm Kiểng, người có vóc dáng thanh tú nhất làng, đã đóng vai Kim Liên trong một vở kịch gì đó mà tôi không nhớ tên, và anh Hai Lành, chắc hồi đó anh đẹp trai lắm, đóng vai Đinh Lăng. Tuy còn nhỏ, nhưng không hiểu  sao tôi lại nhớ mấy câu chị Kim Liên  than thở khi không tìm thấy anh Đinh Lăng : "Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ? Anh của em yêu quí nhất đời. Anh đi mù mịt xa khơi, Chim trời tung cánh phương trời mãi bay…" trong khi một anh nữa tên Khánh, đóng vai Kỳ Lân, người có quyền thế bắt chị về làm thiếp, mà anh đóng vai ác làm bọn trẻ chúng tôi rất ghét, đến nỗi gặp anh chỗ nào là chúng tôi la lên “ Kỳ lân thổi lửa cửa đình, cho xin nhúm lửa kẻo sình nồi cơm!”

Má tôi lại bắt bọn trẻ chúng tôi phải đến Chùa cúng bái mỗi ngày rằm hay mồng một.

Từ lúc đến chùa này, má tôi thành “Mạnh thường quân”- từ ngữ bây giờ họ thường dùng để chỉ những người bỏ tiền của giúp đỡ một việc làm có ích nào đó, chứ hồi đó má tôi chỉ thường đem gạo, nếp hay nhang đèn đến chùa để cúng. Khi có lễ lạc gì thì bà đem bánh cớm nếp, bánh in, bánh ú,  bánh tro hay bánh ít lá gai do chính bà chỉ cho mấy chị tôi làm,  để nhà Chùa phát cho con nít trong làng. Bởi đó, mỗi mùa Trung thu đến, dưới ánh trăng ngà, ngoài việc được xem những màn “múa lục cúng” do các chị lớn múa với những cây đèn cầy lồng trong hoa sen đẹp ơi là đẹp, nhà chùa còn tập trung con nít lại, xếp thành nhiều hàng dọc để nhận quà bánh, thường là bánh ít lá gai, bánh in đậu xanh, v..vv.. thì con bé lanh chanh tôi, vừa nhận xong ở hàng này, đã chui vào hàng khác đứng tiếp, mà mấy chị lớn chẳng có …la rầy như mấy đứa bé kia. Có sự “thiên vị”?

 

Những người Lính dân vệ, sau gọi là Nghĩa quân, cũng chọn nhà tôi làm “bản doanh” vì có sự lo lắng của má tôi. Bà thường “tiếp tế” cho họ nay cái áo, mai vài ký gạo đem về nhà phụ giúp gia đình vì lương lính quá ít ỏi. Thỉnh thoảng với đàn vịt cả ngàn con, được cậu họ tôi chăn ngoài ruộng, cũng được Má tôi kêu bắt một ít đem về  phụ cấp cho họ. Đôi lần những người Lính địa phương quân về làng công tác, cũng được má tôi “mở rộng vòng tay” nấu những bữa cơm ngon cho họ ăn vững bụng mà làm tròn công việc. Cây đờn ghi-ta và cái sân rộng của nhà tôi cũng là nơi thu hút bọn con nít, ngay cả những anh chị lớn gần có gia đình, họ đến để nghe những người Lính hát và tập cho họ những bài ca như Tình lúa duyên trăng, Trăng rụng xuống cầu, Chuyến đò vĩ tuyến, Trăng thanh bình, Tình tự tin v..v. và những bài hát có những lời hát đơn sơ mộc mạc, nhưng gói ghém tình cảm của người dân quê mà đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ vì đã từng hát thuộc lòng.

Ngay cả lính trung đoàn 47 khi về làng, nhà tôi cũng thành một phần trạm tiếp liên của họ, vì sân vườn nhà tôi rất rộng rãi, nên “Bắc bình, Anh dũng, Đống đa, Tư tưởng, Lê lai, Non nước, …” những mật mã truyền tin cứ kêu vang trong máy PRC10, thời gian chúng tôi chưa đủ lớn để biết sợ khi “Mặt trận giải phóng miền Nam” đã xuất hiện ở làng trong.

 

Một buổi sáng má tôi đi chợ sớm đã phải hốt hoảng trở về và cấm mọi đứa nhỏ không được đến trường tiểu học vì có “lính giải phóng” đi bắt người, nghe nói họ xuất hiện trong chợ, trong trường. Những người đi chợ sau ngang qua con lộ chính nhà tôi nghe tin dữ đều ngưng lại, má tôi lại phải trả lời những thắc mắc của họ. “Lính giải phóng” chỉ là những “thằng Chín”, “con Mận”, “chú Năm An”, “chị Bảy”, họ cũng là những …người làng, nhưng vì “bất mãn chế độ”(?), hay có cha mẹ, anh em bị bắt vì ngày trước đi KHÁNG CHIẾN CHỐNG TÂY rồi theo Việt minh. Ngay cả ba tôi cũng từng là “tù nhân” của chế độ mới sau khi có Thủ tướng NĐD. Lúc đó má tôi vừa lo buôn bán, vừa nuôi em nhỏ, lại lo lắng cơm nước cho ba tôi ở trong tù, vì nhiều khi nhà tù xã đông quá, nên người nhà phải “tiếp tế” thức ăn, và thuốc men để chữa trị khi bệnh hoạn.

 

Ba tôi và đám con trai rời khỏi làng quê vào thành phố rất sớm, sau khi bị “quân giải phóng” bắt vào rừng vì tội “nuôi dưỡng lính quốc gia”, và được thả  sau một tháng "học tập tốt”. Dù biết rằng ba tôi đi, má tôi phải vất vả nhiều lắm, nhưng bà không cam lòng để ba tôi chịu khổ có khi chết oan uổng vì đám giặc nằm vùng, hoặc lên núi trở về giết để lập công.

 

Có những đêm hai bên đánh nhau ở làng trong, nhà tôi cũng bị dính vào trong cuộc, khi mà quân trang, quân cụ của các anh lính nghĩa quân luôn có trong nhà. Má tôi đã cùng mấy chị em tôi đem dấu vào lẫm lúa cho thật nhanh. Lúc những người lính nghĩa quân thất thế chạy về qua nhà, ghé vào giếng lấy nước uống, vì hấp tấp nên bỏ rơi vãi vài vật dụng trong sân nhà tôi, và chính con bé tôi, vì mùa hè nghỉ học về nhà, đã phải “cầm đèn bão” đi trước, đàng sau là họng súng dí vào gáy với con người mặc bộ bà ba đen, đằng đằng sát khí, bắt tôi dẫn ra vườn để  tìm kiếm những người nghĩa quân vừa bị thương chắc đang lẩn trốn đâu đây. Lúc đó hồn vía tôi lên chín từng mây, sau lưng là họng súng lạnh băng, đằng trước là khu vườn cây lá sum suê, bóng tối dày đặc, không biết có người Lính nào lỡ núp trong đó, bị phát hiện rồi họ bắn nhau, chắc tôi là người phải hứng trọn những băng đạn nghiệt ngã. Tội nghiệp má tôi khóc lóc, năn nỉ họ để má tôi đi thế. Nhìn bà thiếu điều quì lạy van xin họ tha cho tôi, tôi muốn nhào tới ôm lấy bà, ôm thật chặt má tôi, rồi ra sao thì ra, nhưng họ cứ dí súng vào lưng tôi bắt đi trước, may quá họ không tìm ra người Lính nào núp lại. Thoát nạn.

 

Những ngày ba tôi xa nhà và mấy đứa con vào bậc trung học ở tỉnh, là những ngày má tôi và hai đứa em gái nhỏ phải sống trong kinh hoàng hằng đêm, dù có hay không còn ấp chiến lược, ấp tân sinh. Cứ tối trời, phía “bên kia” về tụ họp dân làng bắt phải đi đào đường, lập giao thông hào là má tôi phải đi. Sáng ngày lính quốc gia lên kêu dân đi …lấp lại đường rồi mới ra ruộng hay chợ búa, thì má tôi cũng vác cuốc đi lấp, thỉnh thoảng em gái tôi mới đi thay cho bà. Má tôi là người đàn bà thật can đảm, tình thương dành cho chồng con quá bao la, mênh mông như trời biển, nên cứ gồng mình  sống bám ở làng vì ruộng vườn còn đó, thóc lúa cần có để nuôi sống chồng con trong những ngày lánh nạn CS mà chưa có việc làm ổn định, chưa tự túc được cái ăn.

 

Rồi vẫn theo lời má tôi kể lại, thêm một buổi tối hãi hùng kinh khiếp, khi đám người mệnh danh “giải phóng” đó lập nên “toà án nhân dân” để xử bắn đến ba người một lúc. Họ kết tội những người dân làng tôi đã "ngoắc” máy bay đến bắn phá sào huyệt của họ. Vì thông thường thì họ ở chen lẫn với dân, dùng nhà những người có thân nhân đi tập kết hoặc lên núi làm bản doanh, và cũng chính những người này, ban ngày là nông dân bình thường, làm ruộng làm rẫy, buổi tối thành những “du kích” đi đặt mìn, chỉ huy dân phá đường đắp mô, và cũng chính họ, đã đào những hầm trú ẩn, để dấu những cán bộ nòng cốt của “Mặt trận giải phóng miền Nam”, mà nếu Lính Quốc gia có đi hành quân lùng sục, hạ sát một vài người, thì chúng la làng lên là giết dân lành, mà thực chất, là những người có “dây mơ rễ má” với bọn giặc cộng …

Má tôi kể đêm đó thật tối trời, họ bắt loa kêu gọi tất cả dân làng phải tập trung ở giữa một đám ruộng thật to của ông Chánh trước đồng trống, và ở đó có sẵn một mớ đèn dầu leo lét, vài cây đuốc ánh sáng lập lòe trông thật ma quái. Trên một “khán đài” có 3 cây cột, họ cột 3 người dân làng là ông Bảy T, anh Ba H, cậu Mười Ph. , là những người “có tội với nhân dân”! Một bản cáo trạng dài đọc hoài không thấy hết, với nhiều từ ngữ lạ hoắc má tôi không tài nào hiểu và nhớ, chỉ biết họ qui tội 3 người này đã dám “ngoắc” máy bay địch đến bắn phá, tiêu diệt “cơ sở cách mạng” của họ. Và sau đó là những tiếng cắc bùm chỉa vào đầu từng người một, từng cái đầu ngoẹo xuống với tiếng la hét đớn đau ngắn ngủn ớn lạnh giữa đêm trường, dù chung quanh người và người, nhưng má tôi nói giống như cảnh âm hồn địa phủ với một lũ quỉ âm binh đầu trâu mặt ngựa đang vờn tới vờn lui phun ra mùi tử khí làm lạnh dọc sống lưng, tứ chi người bị tê liệt. Họ “xử tử” người mà chẳng cần bịt mắt, người xem cũng chẳng dám hé môi, có hãi hùng kinh khiếp thì cũng ráng mà bụm miệng lại và khóc thầm, má tôi cũng trong số những người đó.

Cuối cùng thì má và hai em gái tôi cũng đã bỏ làng trốn đi trong đêm tối, khi mà ở làng ngoài có tổ chức một đêm văn nghệ với đám “văn công “ của “Bộ đội”. Má tôi lấy cớ đi xem văn nghệ và trốn luôn vào thành phố ở, bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa, thóc lúa và cái máy xay gạo nằm chơ vơ không ai coi sóc.

 

Gần mười năm sau đó, một lần nữa, má tôi không còn nước mắt để khóc khi thằng con trai Lính vào tù, thằng con mà má tôi thương nhất, bà không những nuôi con là Lính trong những ngày tháng trước 75, mà còn nuôi cả đám bạn Lính của con bằng những bữa cơm đầy, khi đám Lính có những ngày nghỉ phép từ Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn-Dục Mỹ.

Và cũng chính Má là người đã lặn lội đi vào các trại tù từ Cà Tum, Trảng lớn, Bù Gia Mập để thăm nuôi thằng con trai Lính...ngụy đang bị "tù cải tạo". Để rồi cuối cùng, những đứa con lần lượt xuống thuyền vượt biển từ thằng con Lính mới ra tù, đền thằng Út đi “nghĩa vũ quân sự” của cộng sản, mặc cho gió to sóng cả, sống chết chưa biết ra sao. Má tôi cắn răng nuốt ngược nước mắt vào lòng đưa từng đứa con ra chỗ hẹn, thế cho ba tôi đang bị đám cán bộ khóm phường cứ dòm ngó, theo dõi. May mà phước đức nhà tôi còn đầy, nên đám con của má đã đến được bến tự do an toàn.

Bây giờ, mỗi lần con tôi ở xa về thăm nhà, khi chúng rời đi, tôi buồn khóc nhớ con đến quặn lòng, mặc dù biết rõ con đi về đâu, có điện thoại gọi từng giờ. Càng thương nhớ con, tôi  lại nhớ và thương má tôi quay quắt, thắt ruột. Tôi cứ nghĩ đến cảnh bà phải chịu đựng sự xa các con, cứ từng đứa con lần lượt rời nhà ra đi mà chưa biết trôi giạt về đâu, có khi chết mất xác ngoài biển khơi không chừng, những ngày ấy má tôi buồn biết chừng nào, nhưng bà vẫn cam tâm chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, cũng không đủ mặt đàn con trong giờ phút ngậm ngùi tiễn biệt, vì căn bệnh Sars quái ác..

 Tiếc rằng chúng tôi, những đứa con-cháu của má, chẳng có ai huởng được hết những đức tính của bà. Má tôi, một người đàn bà bình thường, ít chữ nghĩa, nhưng sao lại có quá nhiều từ tâm, sự hy sinh tột bực và lòng can đảm cũng như sức chịu đựng vô biên.

  MẸ THƯƠNG ƠI!

Nha trang, Phù đổng con về

Tưởng nhìn dáng Mẹ đứng chờ bên hiên 

Trong vòng tay ấm Mẹ hiền

Con miên man kể nỗi niềm nhớ thương

Từ ngày con bỏ quê hương

Từ giã Cha Mẹ xuống thuyền ra khơi

Mẹ buồn, ngăn giọt lệ rơi.

Từ trong ánh mắt vạn lời yêu thương       

Tim gan quặn thắt, tình vương

Vì đâu con - Mẹ hai đường chia xa.         

Thu tàn, đông đến, xuân qua         

Ngần ấy năm tháng Mẹ già đơn côi         

Mẹ đau. Ruột thắt gan rời

Vượt ngàn cây số qui hồi chốn quê          

Nhưng con đau đớn thẫn thờ         

Sao Mẹ nỡ bỏ đi về cõi nao?

Nhìn di ảnh Mẹ trên cao    

Nén hương khấn nguyện mắt trào lệ rơi  

Con về đây, Mẹ thương ơi!            

Nghìn thu vĩnh biệt không lời từ ly

Nguyện cầu Phật tổ từ bi.

Phóng quang tiếp độ, hộ trì Mẹ con!

Lê thị Hoài Niệm

 

 

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

 Bao nhiêu lần em đến rồi đi                                             

Bao nhiêu mùa đông em không tồn tại

Nhưng thích em, tôi không ngần ngại

Đón em về cho thêm đẹp mắt ai.

Em cười vui mỗi độ sớm mai.

Dù thơm hương hay sắc màu sặc sỡ

Chỉ nhìn em thắm nụ cười rạng rỡ.

Bấy nhiêu thôi, đủ..thoải mái Tâm hồn.







Lthn.