Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ý NGHĨ LAN MAN NHÂN NGÀY LỄ VU LAN

Xem trước
Thấy hình chú tiểu trên net "dễ thương" quá.


Thành phố tôi ở có quá nhiều Chùa, nhiều Tịnh xá, nên những ngày lễ của Phật giáo (các tôn giáo khác cũng vậy), các đài phát thanh, truyền hình địa phương đọc thông báo mời gọi Phật tử đi Chùa nghe không xuể, nếu không là Phật tử thuần thành của một vị Sư trụ trì một chùa nhất định nào, thì thật khó mà biết…đi đến đâu vì nhiều Chùa (chưa chắc gần nhà là...điểm đến) cùng tổ chức ngày giờ trùng nhau ( ngoài buổi lễ Phật còn kèm theo mục văn nghệ ca hát với nhiều ca sĩ…may ra lôi cuốn được nhiều thiện nam tín nữ đến Chùa mình?) .



Ngày lễ vu lan là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, theo sự tích:Lễ Vu Lan bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của Ông “Ma Ha Một Ðặc Già La”, thường gọi là Mục Kiền Liên ( người Ấn độ ?). Vốn là một tu sĩ Bà la môn, về sau Mục K. Liên đã quy y và trở thành một trong những đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất.

Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục K. Liên tưởng nhớ người Mẹ đã mất của mình và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm kiếm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của Mục K. Liên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy thức ăn đã hóa thành lửa đỏ khi đưa lên miệng.

Quá thương cảm, xót xa Mục K. Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".

Mục K. Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh. (nguồn từ internet)

 

Từ những ngày còn nhỏ xíu, tôi rất thích ngày lễ Vu lan, vì ngoài việc đi chùa hưởng thức ăn chay cúng…chùa ( khỏi trả tiền) rất ngon do các thiện nam tín nữ dâng cúng, một hình thức “báo hiếu” công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình dù còn hay mất qua việc “cúng dường Tam bảo”, để Chùa “đãi” Phật tử đến viếng Chùa, ăn cơm… chùa. Buổi tối, cả đám con nít còn được “hưởng đồ cúng cô hồn các đẳng” từ những nhà giàu có, hay những gia đình có thiện tâm với những người đã khuất, những vong hồn đang còn vất vưởng đâu đó hay từ chín tầng địa ngục được ..Diêm vương vừa phóng thích, mà nhà Phật gọi là “Xá tội vong nhân”. Thường thì họ bày nhiều bàn bánh trái ra trước ngõ, khi họ cúng “vong hồn chết” xong là ..ném ra xa, cả bọn con nít (cô hồn sống?) tha hồ chụp bắt, mạnh được-yếu thua, có gia đình thì để nguyên trên bàn, nhưng thường là bị…chộp trước khi họ cúng xong (nghe nói thời CS bây giờ, ít nhà còn dám cúng, vì đám “ăn chực không giấy mời” quá hung dữ, đánh nhau có khi sứt đầu gãy gọng vì vài cái bánh, mất hết ý nghĩa ngày lễ).

Rõ ràng là những ngày còn nhỏ trên quê hương, không hiểu hết ý nghĩa ngày lễ, lại nữa lúc đó cha mẹ mình cũng còn quá trẻ, làm sao con nít có khái niệm “báo hiếu báo để”. Lớn lên một chút, cũng chẳng thấy chùa nào làm lễ có hoa hồng hoa trắng gì cho mẹ mình cả (có lẽ tại chiến tranh giặc giã, đồng tiền kiếm khó khăn, hoa thì thuộc loại xa xỉ, ít người có tiền để mua hoa?), dù có nghe đài truyền thanh, truyền hình phát bài hát ”bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thời gian vài năm trước 75.

Sống trên đất Mỹ, mọi sinh hoạt đều dễ dàng, phương tiện thừa thãi, nên việc “báo hiếu” cũng thể hiện thuận lợi hơn chăng. Vì vậy ngày Lễ Vu lan, “ngày lễ Mẹ” của Phật giáo(?),  ngày cúng cô hồn các đẳng, ngày xá tội vong nhân ở các Chùa, tịnh xá cũng là ngày “bông hồng cài áo”?. Người ta bèn phân biệt bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho người mất mẹ. Tại sao phải phân biệt nhỉ? Chỉ có một ngày “báo hiếu” trong năm,  mà lại chỉ  nhớ ơn Mẹ, cha thì không ai nhắc đến. Chẳng lẽ mẹ ông MKL thì được ông cầu nguyện nên được vãng sanh chốn an nhàn, còn Cha thì …quên lãng? Hay tại mẹ ông “ác” quá, bị đày xuống chốn “ngạ quỷ” nên ông mới cúng, mới cầu? còn cha ông ăn ở hiền đức thì đã lên niết bàn nên không cần để ý nữa? Mà có lên hay xuống cũng có công lao lúc còn sống chứ? Hay đây là “truyền thống” của tôn giáo Phật giáo nên tín đồ phải giữ?  May quá, ở xứ Mỹ này mọi sinh hoạt trong đời sống đều được đối xử bình đẳng, nên mới có “Mother’day-Father’day” Công ơn cha mẹ báo đáp đầy đủ, đề huề. Đã là “tâm tu” còn phân biệt này nọ sao ổn?

Người VN nơi tôi ở họ phân chia rạch ròi đến tận ...nghĩa trang, lúc sinh thời cứ kêu gọi “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”? vậy mà đến ngày nhắm mắt xuôi tay vào nghĩa trang nằm thẳng cẳng nhìn ngắm ngàn sao, lại…chia rẽ bạo hơn nữa, họ còn chia khu vực này dành cho người con Phật, khu kia dành cho con cháu Chúa, khu nọ.. Bà la môn,v.v..làm sao bà con đi qua đi lại chia xẻ tâm sự được khi có … cổng rào với người canh giữ mà mình thì không có…code để vào?.(Ngày nào cũng nghe…quảng cáo ra rả trên các làn sống truyền thanh, truyền hình để phục vụ cho những người…nín thở vĩnh viễn)

Thì ra, sau bao nhiêu ngày đọc biết bao nhiêu bài viết, nghe bao nhiêu lời giảng của Sư ông-Sư bà, và mới đây từ học giả Đỗ thông Minh, mới biết rằng ngài Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết sau khi qua Nhật Bản tham dự buổi lễ “cài hoa cho Mẹ” mà là hoa cẩm chướng, không phân biệt màu sắc gì cả, của người Nhật. Ngài đươc Thượng tọa Thích thiện Minh giải thích ý nghĩa ngày lễ, thế là ngài viết sách “bông hồng cài áo ”, n/s PTM phổ nhạc từ một bài thơ trong đó, và con Phật cứ thế làm theo còn phân biệt mẹ còn mẹ mất…!.

Nhưng tất cả từ Nhật bản đến Việt nam đều là sự “copy”, nói nôm na là "chộp"  chuyện hay của người rồi biên diễn khác chút xíu làm của mình, chuyện từ ngày lễ Mẹ của bà người Mỹ tên Anna Jarvis từ năm 1907 trên xứ Mỹ ấy mà. Bà dâng cho mẹ bà những bông hoa cẩm chướng mà không là hoa gì khác, vì lúc còn sống mẹ bà THÍCH loại hoa đó, đơn giản thế thôi..

Được biết về sau bà…giận lắm, vì người ta đã “lợi dụng” lòng hiếu đễ của bà để làm thương mãi, còn phân biệt màu sắc, làm tổn thương những người mất mẹ. …

Và tôi, dù là một Phật tử, tôi cũng không muốn người ta “phân biệt” hoa này hoa nọ trong buổi lễ báo ân cha mẹ mình hay xá tội vong nhân cho người.

Một câu kinh khấn nguyện, một nén nhang cầu cho hương linh những người đã khuất được siêu thoát lên niết bàn, giống như những tín đồ Thiên chúa giáo vẫn cầu nguyện cho tất cả linh hồn được về nước Chúa hay đạo Hồi thì về với Thánh A la vậy. Đã cầu nguyện cho hương linh được siêu thoát mà lại “cúng “đầy thức ăn, những món khi còn sống “thích”, gọi họ trở về hưởng, vậy làm sao họ đi cho…suông sẻ, có quá mâu thuẫn trong lối cúng kiếng hay không?

Thương cha thương mẹ thì làm ơn săn sóc, lo lắng, chăm nuôi lúc quí người còn sống, đâu chờ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới bày cúng kiếng đầy bàn., rồi mời vềăn cúng” để tỏ lòng hiếu thảo.( Nếu theo truyền thống người VN mình, ngày giỗ là ngày “đoàn tụ gia đình” thì thật đáng quí, cứ làm thức ăn để cho mọi người trong gia đình no bụng cũng tốt, nhưng làm heo giết gà để “cúng” chắc chẳng nên)

Đâu đó trên net một câu viết của một người tôi …chưa quen, dù không nhập nhĩ gì tới chuyện “bông hồng cho mẹ”, nhưng thấy chí lý vô cùng với lối xử thế của người ta sống trên cõi đời này: “thấy bạn bè sắp té phải đưa tay nâng đỡ, đừng để khi …nín thở mới đến thắp nén nhang”.

Đúng là  một bài viết …lan man.!

Lê thị hoài Niệm 2015

Không có nhận xét nào: