Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

CẬU

Với sự liên hệ trong gia đình của người miền Trung và miền Nam, thì “Cậu” là anh hay em trai của Má, dù ruột thịt hay họ hàng. Người miền Bắc thì Anh sẽ gọi bằng Bác, em trai mới gọi là Cậu..

Và không hiểu tại sao cả bọn chúng tôi là hè nhau gọi người đàn ông đó là Cậu. Bắt chước. Bịnh bắt chước cũng là bịnh hay lây.Y là cháu họ xa của cậu Đ, cô nàng bảo thế. Nhưng sau này mới vỡ lẽ ra, xét cho cùng thì cũng đâu có họ hàng gì cho cam, vì Cậu chỉ là em của mợ - là vợ của cậu Y mà. Nhưng có lẽ vì người miền Bắc muốn có nhiều họ hàng khi vào Nam chăng, mà cứ nhận thế. Nhưng khi đó, tên đầu tàu Y gọi thế nào là cả đám hùa theo gọi như vậy. Và cậu Đ đã có được nguyên một đám cháu gái choai choai, mà chắc đương sự cũng không ngờ.

Khi bạn Y. về báo tin và đưa câu hỏi: ngày mai cậu Đ đem tàu HQ ra đây sửa và về lại một ngày sau đó, tên nào muốn đi theo tàu vô SC thăm chơi cho biết? Tàu sẽ cặp vào phía bên bãi biển của khu gia binh, đối diện với trường SP, nơi có nhà Cậu ruột của Y. để đón khách.  


Dĩ nhiên câu hỏi được đặt ra cho cả một đám nữ giáo sinh của 3 phòng nội trú đang ngồi tụm lại để hóng chuyện. Cả đám nhao nhao như sắp lên hoa về…nhà chồng không bằng. Riêng tôi đang phân vân đi hay ở lại một mình, khi chẳng mấy hưởng ứng lời mời mọc của Y. Vì SC đối với tôi đâu có gì xa lạ, mỗi khi nghỉ và trở lại trường, xe đò vẫn phải chạy ngang SC, cái huyện lỵ bé tí bằng cái bàn tay, có điều con đường rất đẹp, hai bên đường những cây dừa cao rợp bóng mát, trong dừa, ngoài dừa, xa xa bên kia bãi cát biển cũng là dừa. Nghe đâu những nàng thiếu nữ SC sở dĩ trắng trẻo cũng nhờ tắm nước dừa. Nhưng nghĩ đến khi cả bọn đi hết trơn, tôi ở lại một mình cũng hơi lạnh sống lưng, vì nội trú mấy lúc gần đây cứ bị la toáng lên là có người thấy ma! Nên ban đêm truớc khi lên giường ngủ, tên nào cũng “thủ” một cái dao bằng sắt để dưới gối trừ ma. Cuối cùng thì vì ..nể bạn, tôi cũng “hy sinh” vài ngày nghỉ phép để đi cùng chúng bạn, để T.M. khỏi lẻ loi, cô nàng nói thế khi năn nỉ tôi đi cùng.

Sau khi xin phép chị H., Giám thị nội trú để xuất trú, cả bọn xuống phòng khách ngồi đợi, và Y là cô bạn “liên lạc viên” về giờ giấc, bến hẹn. Nhưng cuối cùng thì tàu đâu không thấy, chỉ thấy Y về với một người đàn ông mà Y gọi là Cậu. Cậu lớn hơn chúng tôi cỡ mười tuổi, ngày đó với khoảng cách tuổi tác như vậy được gọi cậu hay chú không có gì ngạc nhiên. Nhưng cậu bảo tàu thủy chưa sửa xong nên không vào  được, cậu sẽ đưa “các cháu” lên bến xe đò mà đi.

Ông tài xế xe đò QN-SC cứ nhìn bọn tôi như nhìn người từ hành tinh lạ? hay ông ta ngạc nhiên tại sao có một người đàn ông – dù có đẹp trai như Phan An-Tống Ngọc bên Tàu đi nữa, làm gì mà có thể dẫn theo một lúc hơn mười cô “cháu gái gọi bằng cậu” sàn sàn như nhau, mà cô nào cũng tươi rói, cười nói huyên thuyên…
Chuyến du hành rồi cũng xuôi chèo mát mái khi toàn bộ hành khách trên xe ở diện “âm thịnh dương suy”. Nhờ vậy mà xe nhẹ ký, chạy nhanh, tới SC hồi nào không hay, và căn cứ HQ SC là địa điểm dừng chân tạm trú của đám chúng tôi, ai cản được khi chính Cậu, căn cứ trưởng đích thân đưa khách về nhà.

Màn nữ giáo sinh Sư Phạm và Sĩ quan HQ trong căn cứ chào ra mắt nhau cũng diễn ra có bài bản ( không có hạ sĩ quan và thủy thủ-?). Không biết quí ngài nghĩ gì, chứ cái đám con gái choai choai tụi tôi thì …tò mò hết biết. Vì căn cứ của Lính mà, Lính thì có nhiều…súng ống, vũ khí, tàu thuyền…., Sĩ quan thì cấp bực khác nhau, đi theo nhờ họ giải thích để biết thêm về đời sống của Lính biển tại một căn cứ cũng là điều lý thú.


Bữa cơm chiều tại căn cứ cũng đượm tình…gia tộc. Cậu ngồi ngay đầu bàn như…chủ tọa, nghe nói đó là vị trí cố định của Cậu mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Đám khách chúng tôi được ngồi xen kẽ với quí Sĩ quan trong căn cứ. Dù họ có 5 hay 7 người thì chúng tôi vẫn …thắng, vẫn “âm thịnh dương suy”. Bữa ăn với những món hải sản, đặc sản của SC do người “hỏa đầu vụ” dọn lên, có món “tôm hùm “ nổi tiếng trông thật hấp dẫn làm chúng tôi chả thèm e dè, mắc cỡ gì cả, cứ tự nhiên …xơi ráo, một phần vì đi xa đói bụng, một phần vì thay đổi vị trí và món ăn, ở nội trú gần hai năm, cứ ăn cơm nhà bàn mà phát ngán, giờ có cao lương mỹ vị như ở nhà, tội gì mà từ chối.
Sau khi cảm ơn Cậu và ban ẩm thực cho bữa cơm chiều, chúng tôi bắt đầu đi chung quanh nhìn xem …nơi ăn chốn ở của Lính biển, đến khi màn đêm buông xuống. Và rất mừng là, dù có làm lính, lính ở căn cứ chắc vẫn khỏe hơn là lênh đênh trển biển cả xa nhà…
            
Những người khách đến thăm có giấy mời như chúng tôi, cũng được chiều chuộng kỹ bởi những Sĩ quan Hải quân có tiếng hào hoa.(?). Quán cà phê ( quên tên) được một bữa ăn nên làm ra vì có đông khách đến uống. Dĩ nhiên cả quán đều nhìn chúng tôi hơi kỹ, nhưng đâu có sao, tình “quân dân cá nước " mà. Một chuyến đi thăm để thắt chặt thêm tình ..hữu nghị quân dân. Khi biết vợ của Cậu không ở trong căn cứ mà đã về quê thăm nhà, chúng tôi vẫn không dám đùa quá trớn để khỏi mang tiếng với…đời! dù buổi đi chơi thật là vui.




Bùm! Bùm! Chéo chéo! Những tiếng đại bác rít lên nghe rợn người. Báo động. Tiếng còi hụ báo động réo liên hồi, kéo dài ra, nghe cũng …thê lương và hãi hùng lắm. Thế là cả bọn nhao nhao lên, hình như mặt tên nào cũng thất sắc thì phải. Lệnh của căn cứ trưởng ban ra cho bọn tôi “ tất cả xuống hầm trú ẩn”. Chứ những người Lính thì đã có phận sự của họ, người nào có nhiệm vụ đó rồi. Lính  quýnh, láng quáng làm sao mà khi ngồi được dưới hầm, mới thấy bàn tay mình vẫn còn …nằm trong tay vị Sĩ quan của biển.


À thì ra, lúc nghe báo động, vị Sĩ quan đã cầm tay tôi kéo chạy, chắc tại tôi ngồi gần người lúc đó, chứ trong cơn ..binh biến, pháo địch nổ trên đầu, ai hơi đâu mà chọn người để…cứu nạn. Hồi đó có nhớ tên, vì người có một giọng “Bắc Kỳ” rất ấm, còn hỏi tôi trong lúc dứt nhiệm vụ liên lạc với cấp trên đâu đó bằng những mật mã quân sự. Câu hỏi: có sợ không?  Hỏi hơi …thừa, mặt không còn chút máu mà nói không sợ sao ? Khi ngồi yên mà trong bụng vẫn còn đánh lô tô, gõ nhịp liên hồi, dù biết rằng đang ở dưới lòng đất, nhưng biết đâu được, một quả đại bác nào đó, nó bay đến đúng tần số, chui đại vào hầm, chết thẳng cẳng thì cha mẹ buồn khổ thiệt, nhưng thời gian qua đi cũng sẽ nguôi ngoai, còn bị thương cụt tay gãy giò, mới là gánh nặng cho cha mẹ, tội chết! May quá, bữa đó bọn cộng quân đặt pháo tại Ngân Sơn, pháo làm sao mà toàn trúng dưới nước, có trái nổ kêu bùm bùm, có trái hơi…xì rồi lặn luôn. Một đêm kinh hãi, một tối nhớ đời. Trong giấc ngủ chập chờn sau đó, tôi cứ mong trời mau sáng để rời căn cứ hầu tránh trận pháo tiếp, nếu có.( nghe nói có đều đều sau đó)




Sau khi ăn sáng với bánh mì ốp la do anh hoả đầu vụ chuyên nghiệp khoản đãi theo lệnh Cậu. Màn từ giã cũng đầy …lưu luyến. Cậu có vẻ buồn nhiều, vì từ chiều qua, Cậu vẫn loanh quanh lẩn quẩn bên nàng Th. , Cô bạn người Huế dễ thương của chúng tôi để chuyện vãn cho …đỡ buồn. Còn cô bạn K.Th. thì có anh chàng Thiếu uý mới ra trường tên B, cứ lân la muốn tìm hiểu “đời tư” hay sao đó, khiến bọn tôi theo chọc phá quá mạng. Vui thôi, đâu dễ dàng kết “tình thân ái” nhanh như vậy.

Cậu cho phép cả bọn được …lên  tàu để về lại trường, vì tàu đang có nhiệm vụ tuần tiểu ngoài biển và sẽ ghé lại QN để cho chúng tôi …trở về nguyên quán.


Xem trước
"Trên tàu hải quân" đi Cù lao Xanh
                                      

HNiệm+Thu Mai-Cù lao xanh.

Dù chúng tôi đã có vài lần được “lênh đênh trên biển” bằng tàu Hải quân mỗi bận nhà trường tổ chức đi du ngoạn ở ngoài Cù Lao xanh, những lần cả trường cùng đi, và những vị sĩ quan thuyền trưởng đã không ngại ngần thử sức chịu đựng của đám hành khách và tài lèo lái con thuyền của họ, đã cho thuyền …lướt sóng, còn lạng qua lạng lại trên làn nước , để cho cả đám giáo sinh cả nam lẫn nữ biết mặt trùng dương, biết trời bao la và biết …cho ra mọi thứ vì bị ói tới mật xanh mật vàng, vì sự “lả lướt” của vị thủy thủ lái tàu.


 
Vì đã có “kinh nghiệm đi biển” nên chúng tôi đã chuẩn bị một vài viên thuốc say sóng, để khỏi làm …xấu mặt nữ sinh SP. Nhưng trời chẳng chìu lòng người sao đó, mà hai cô bạn trong số mười hai đứa chúng tôi đã không “tuân thủ ngưng say sóng” chúng vẫn lộn phèo gan ruột và thốc tháo cho ra những món ăn vừa được thết đãi buổi sáng, làm mấy vị SQ luống cuống, chạy tới chạy lui ra tay nghĩa hiệp đỡ đần. “Quê ơi là quê!”, nhưng cơ thể của mỗi con người có sức chịu đựng riêng, mấy cô này yếu quá, nằm xụi lơ trên tàu, trông thật thảm não mà họ đâu có muốn vậy.Cuối cùng Cậu quyết định cho tàu cập vô gần đường quốc lộ, để cả đám lên bờ đón xe lam mà về lại trường. Cái số phải …đi xe lam mà!
 
Nhưng trước khi vô bờ, Cậu đã cho thuyền ghé lại trên một hòn đảo nhỏ, mà chung quanh là một rừng dừa ngút ngàn xanh mát mắt, đẹp vô ngần. Cát trắng biển xanh, gió thổi lồng lộng. Những hàng dừa xanh lả ngọn đong đưa trong gió và một đám con gái choai choai  từ trên tàu hải quân lội nước xuống khiến cho những người dân trên đảo ngạc nhiên, chắc có người tưởng “những nàng tiên cá” xuất hiện. Nhưng không sao, miễn họ đem từng quài dừa nặng trĩu ra, và dùng dao bén gọt một cái là trơ ra cái núm trắng tinh, chọt mũi dao vào là có nước uống. Những người dân trên đảo hôm ấy bán được một số dừa tươi mà không cần mang ra chợ và chúng tôi được thưởng thức “đặc sản SC” ngay tại chỗ. Nước dừa ngọt thanh, mát rượi đã làm dịu đi cơn say sóng của những người bạn, để khi vào bờ, mấy cô có thể ngồi xe lam mà không  làm phiền cái đám chúng tôi phải đỡ, nâng.
 


Và từ đó đến nay chúng tôi chưa một lần gặp lại Cậu để nói thêm tiếng cảm ơn nào nữa cả. Cảm ơn Cậu đã tạo điều kiện để cả nhóm chị em bạn chúng tôi được đến thăm thắng cảnh quá đẹp của biển-đảo SC, được biết thêm về một “ căn cứ quân sự” trên biển, được làm quen thêm những người hùng của biển cả, ngay cả việc…chạy trối chết để trốn đạn pháo kích, để thấu hiểu được phần nào  sự gian khổ, sự nguy hiểm mà những người Lính phải đương đầu, hứng chịu và can đảm ứng phó để cho những người dân thành phố được sống bình yên, vui hưởng hạnh phúc. Dù nơi đó, mới chỉ là một căn cứ nhỏ không có nhiều nguy hiểm như những tiền đồn heo hút.


Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã hơn bốn chục năm qua rồi. Tháng rồi tôi nhận được cú điện thoại viễn liên từ FL. của Y, cô bạn cười dòn và hỏi:
- Nhà ngươi có nhớ cậu Đ không? Y mới vừa gặp lại Cậu sau mấy chục năm rồi đó.
-Chạy trốn đạn pháo kích gần nín thở, làm sao mà quên được. Cậu bây giờ ra sao? chắc đã…già lắm rồi, con cháu đầy đàn và đang sống ở Mỹ?

Thế là cô bạn có dịp kể lại câu chuyện …tình năm xưa, cứ như trong tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao mà một dạo, hầu như các cô gái trẻ đều say mê theo dõi, từ chuyện Song Ngoại đến Xóm Vắng …, Thì ra, người Cậu thương yêu là cô bạn thân của tôi, nhưng bị gia đình “cấm cản” vì có chút liên hệ gia đình bên mợ của Y. Cậu buồn  mà không thể thổ lộ cùng ai được, nên một hôm Cậu đi về nhà người bà con thăm chơi, gặp lúc “cô hàng xóm” đang …xách nước đi ngang, trông cô cũng xinh xắn, người bà con của Cậu hỏi có…bằng lòng họ sẽ làm mai cho. Thế là một đám cưới nhà binh được tổ chức cũng xôm tụ, vì lúc đó Cậu đã là Hải quân sĩ quan căn cứ trưởng rồi.


Một gia đình, một sự kết hợp tình cảm có lẽ không được như ý, một nông nổi trong sự lựa chọn để lấp khoảng trống tâm hồn hay là số phận đưa đẩy, một nợ duyên lệch lạc chỉ hồng? Cuối cùng thì Cậu mợ đã đường ai nấy đi.


Bây giờ Cậu đang sống một mình, với những môn thể thao là chính. Với tuổi ngoài bảy chục, nhưng Cậu vẫn còn thích “leo núi” với người con trai đi cạnh. Hình như những cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, những khoảng trời trong gió lộng có sự hấp dẫn tột cùng, nên dù tuổi hạc đã cao, nhưng với thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn, cậu vẫn còn thích thú  sau mỗi chuyến đi. Cậu kể cho cô bạn tôi nghe về đời sống gia cảnh của Cậu,




Và từ cô bạn tôi, một duyên nợ cũng đứt dây tơ hồng từ  những ngày tháng tư đau thương đó. Chồng Y , một pilot trực thăng ở Biên Hòa, hẹn cô vợ trẻ đang bụng mang đứa con đầu lòng  đến một chỗ hẹn, để anh đem trực thăng đến đón theo đoàn người di tản, nhưng rồi người dân ùa đến đứng chờ đông quá, trực thăng không xuống được, anh bay thẳng ra hạm đôi của Mỹ ở giữa biển khơi, và anh định cư ở Pháp vì có người chị đã ở bên đó từ trước bảo lãnh. Anh có vợ khác từ những ngày tháng đó và có 3 đứa con, trong khi vẫn gửi “quà” về cho vợ nuôi con dại. Đến khi Y vượt biên được đến trại tị nạn, thì mới ngả ngữa ra vì chồng không thể bảo lãnh cho vợ con được nữa. Cuối cùng, với tâm trạng đau thương, thất vọng buồn chán, may nhờ  được người Chị bảo lãnh cho Y sang Mỹ và….

Ngày gặp lại Cậu, Y vẫn một mình như Cậu, nhưng bây giờ tất cả đã qua thời son trẻ để nối nhịp cầu duyên.... (?)
 Y nói Cậu gửi lời thăm mấy đứa hồi nẳm, vì Cậu vẫn còn .... nhớ, nhất là nhà ngươi, đứa hay chọc phá nhất . Ừ thì nhờ Y gửi lời thăm hỏi và cảm ơn dùm Cậu nhé, Chúc Cậu khỏe, trẻ mãi không già.

Lê thị hoài Niệm

Không có nhận xét nào: