Sơn đi qua rồi
đi lại mấy lần, cố đến gần “bầy con gái” đang tụ tập cười nói huyên
thuyên kia, mục đích hỏi xem cô bé tên gì? Nhưng mỗi lần đi gần đến nơi, cậu
học trò lớp mười hai đã nghe những hồi trống liên thanh khua nhịp từ mọi ngõ
ngách của trái tim mình, và đôi chân như có bàn tay ai níu lại không cho bước
tới. Sơn cố tự nhủ “phải can đảm lên một chút!”. Nhưng
cuối cùng chàng không thể thực hiện được ý định và chỉ biết đứng xa xa nhìn
trộm cô bé, để rồi cuối giờ chơi trở về lớp học Sơn cứ ngẩn ngơ.
Sơn lại lật
đến bìa sau của cuốn tập vở, khuôn mặt cô bé đâu có khác xa mấy với hình vẽ cô
gái của người họa sĩ, và mái tóc thề ôm trọn bờ vai thon nhỏ mới đẹp làm sao,
Sơn thấy cô bé dễ thương quá, nhưng cũng tự giận mình chưa tìm biết được tên.
“Không lẽ nhờ tụi bạn cùng lớp? Không! Phải tự mình tìm biết mới thích!” Và Sơn có quyết định chiều về sẽ tìm
cách theo chân đối tượng, nhưng rồi khi tan trường, lớp học chàng ra trễ, và
bọn học trò ùa ra như đàn ong vỡ tổ kia, đã tản mác theo về các ngả đường,
khiến Sơn lỡ cơ hội theo nàng, nên phải lững thững quay về khu cư xá với những
ấm ức trong lòng và những ý nghĩ vẩn vơ, liệu rồi những bài hình học không
gian, những đạo hàm, những ẩn số.v.v. có giải đáp thông suốt được không, khi mà
hình bóng cô bé lớp đệ ngũ cứ
chập chờn trước mắt.
Khu cư xá công chức với những căn nhà gạch khang trang, có vườn cây ăn quả
ở sân sau, sân trước là những
luống hoa mười giờ nở rực trên lối đi mỗi buổi sáng, những giàn hoa giấy tím
sẫm, những bụi hồng tươi rực rỡ đã làm cho gia đình Sơn vô cùng thích thú khi
dọn về đây. Suốt tuần nay sau mỗi buổi chiều tan học về, Sơn cứ đi xung quanh
nhìn hết nhà nọ đến nhà kia cho đến khi trời xâm xẩm tối, còn quá nhiều ngỡ
ngàng xa lạ nên Sơn chưa có dịp đi tìm thăm thành phố. Hôm mới được thuyên
chuyển về đây có dịp đi theo xe với Ba, Sơn thấy con phố chính dài hun hút, mặc
dù hai bên đường tiệm buôn, hàng quán san sát kề nhau và những cây cổ thụ rợp đầy bóng mát. Nhưng khi nghĩ đến có bé –
“Ừ nhỉ! Tại sao mình không đi thẳng lên phố, biết đâu...”
Chiều nay, buổi chiều chủ nhật thật đẹp, sau cơn mưa hồi
xế trưa, bầu trời lúc này thật
quang đãng, chỉ còn vài đụn mây trắng níu lấy khoảng trời cao, tuy có những
giọt nắng vàng hoe lung linh nhảy múa
trên những tàn cây, rơi dài theo con đường phố, nhưng không khí dịu nhẹ mát mẻ vô cùng, Sơn nghĩ:
“Thế nào cô bé cũng sẽ đi giung giăng giung giẻ cùng các bạn, và chàng sẽ đi
theo chân cô mà không sợ bọn học trò cản lối”.
Sơn thọc tay
vào túi quần, thong dong hòa nhập vào dòng người xuôi ngược trên hè phố, mỗi
gian nhà là một cửa hàng buôn bán, từ thức ăn đến vải vóc, quần áo, giày dép,
nồi niêu, gạo thóc…, ôi thôi chẳng thiếu thứ gì, người đi dạo phố, kẻ đến tiệm
mua hàng, lời qua tiếng lại chuyện vãn râm ran. Dưới lòng đường, đủ loại xe cộ
chạy ngược chạy xuôi, từ những chiếc xe đạp cọc cạch của mấy chú bé đưa báo
buổi xế chiều, những bác phu xích lô gò mình trên bàn đạp đưa khách từ bên kia
khu chợ trở về nhà, những chiếc Honda của những đôi tình nhân đèo nhau chạy
chầm chậm như khoe cùng thiên hạ niềm hạnh phúc của riêng mình, thỉnh thoảng
một chiếc xe GMC chạy vụt qua thật nhanh, làm văng tung tóe những vũng nước nhỏ
còn sót lại sau cơn mưa chiều.
Sơn bắt đầu thấy vui vui và
đôi chân cứ bước đều, chả mấy chốc chàng
đã ở ngay trung tâm thành phố. Nơi đây một cái bùng binh rộng có “năm ngả rẽ
tâm tình”. Sơn do dự không biết phải đi tiếp lối nào đây: này là lối đi về rạp xi-nê, nơi có những lời
ca tiếng nhạc vang vang khắp phố, lối kia
rẽ về khu phố Tàu với những cửa
hàng bánh kem, bánh sữa thơm nức mũi, lối này đi về ven chân núi, sẽ đi thẳng
ra bờ sông ngang qua khu tòa án nhiệm sở của ba chàng. Sơn quan sát một vòng và
thuận chân bước vào một tiệm sách trên lối
đi đối diện. Sơn khựng lại một giây, như không tin ở đôi mắt mình, Sơn cố chớp đôi mắt, lắc lắc cái đầu rồi
nhìn lại một lần nữa. Đúng rồi! “Cô bé tóc thề” của chàng đang tính tiền đằng
sau cái quầy sách đó. Sơn lấy tay khẽ
nhẹ lên đầu một cái rồi tự trách “phải chi mấy bữa nay chịu khó đi lên phố đã được ăn ngon, ngủ yên rồi!” Tiệm đông khách quá, nhất là mấy cô cậu học trò đủ cỡ tuổi đang dán mắt vào những tủ kính
đựng sách, chỉ chỏ bàn tán xôn xao, có người dựa vào tường đọc say sưa những
trang sách vừa tìm thấy, chen lẫn vào đó là những bộ đồ trận, những người đứng
tuổi đi mua báo, Sơn thấy cô bé luôn miệng trả lời khách trong lúc đôi tay
thoăn thoắt bao bọc những quyển sách mới cho đám học trò. “Nghề dữ”! chàng phục
cô bé quá đỗi, chờ cho tiệm sách thưa khách, Sơn bước đến định hỏi cô bé vài
câu nhưng bất ngờ:
-Anh Sơn, chịu khó đi phố rồi phải không?
-Ơ! Sao cô
biết tên tôi? Sơn ngạc nhiên
trợn tròn đôi mắt nhìn sững người đối diện.
-Hứ! Ở trường người nào mà không biết anh
mới vô học, còn biết ba anh mới đổi về làm bên tòa án nữa kìa, nẫu còn nói anh
đẹp trai, lại ăn mặc “mốt” chứ không “cù lần” như mấy anh con trai ở đây nữa
đó! Cô bé nói tỉnh bơ trong khi Sơn cảm thấy lúng túng.
-Vậy tôi lầm to rồi!
-Anh nói gì?
-Ơ...
không! Tôi cứ tưởng ngoài mấy đứa
bạn chung lớp, ở đây
không ai biết tên tôi chứ!
-Thành phố này nhỏ lắm, trường mình cũng
nhỏ nữa, mà anh thì mới từ xa đến, nhiều chị thích được làm quen với anh lắm
đó, cô bé nói xong lại nheo mắt ngó Sơn cười cười.
Sơn cũng đánh bạo tấn công ngay:
-Hồ sơ lý lịch của
tôi cô đã có, còn đằng í tên gì nào?
-Tú...
-Cái gì Tú mới được chứ?
-Vũ thị Thủy Tú.
-Chà! Ai đặt tên cho đẹp quá vậy? Người đã đẹp mà
tên cũng đẹp nữa!
-Anh
Sơn xạo hoài, Thủy Tú còn bé tí teo mà
đẹp gì, còn tên thì Ba đặt cho chớ ai!
Sơn nhìn thật kỹ
cô bé, ừ mà cô bé còn... bé
thật, nét mặt ngây thơ hồn nhiên làm sao, lối nói chuyện thật dí dỏm dù giọng
nói có hơi là lạ tai chàng, tuy vậy cậu học trò đệ nhất mà đi phải lòng cô bé đệ ngũ coi cũng kỳ kỳ. Đột
nhiên, Sơn nghe Tú hỏi giật ngược:
-Chắc Ba của anh Sơn hà tiện lắm hả?
Sơn chưng
hửng! Một cảm giác ngượng ngùng vội ùa đến, chàng vụt nghĩ: không lẽ cha của
chàng đến đây mua sách báo, và kèo nài bớt một thêm hai gì đó đến nỗi cô bé
hàng sách phải “khắc cốt ghi tâm”, hay bên ngoài đã có ai đồn đãi gì về cha chàng?
Họ đã biết gì về gia đình chàng? Nhưng Sơn cố cười gượng hỏi:
-Ba của tôi có đến đây mua sách báo sao?
-Đâu có, Thủy
Tú đâu có biết ba của anh, bộ ba anh giống anh lắm hả? nàng hỏi tỉnh queo.
Sơn thở phào
nhẹ nhõm, vậy thì lý do gì cô bé bảo cha chàng hà tiện.
-Tại sao Thủy Tú
nói ba tôi hà tiện?
-Chớ hổng
phải sao, anh đâu có phải là phụ tá của điệp viên 007, làm gì mà đặt cái tên LÊ SƠN cụt ngủn vậy, chỉ có mấy người hà
tiện giấy mực hoặc sợ tốn công
viết mới đặt tên hai chữ, anh thấy hông, ở đây người nào cũng đặt tên ba chữ
hết; như các anh Đặng Đình Tân, Lê Thanh Hùng, Nguyễn Tấn Đức v.v..., tệ lắm
cũng lót được chữ Văn ở giữa chứ!
Sơn bật cười thành
tiếng, cô bé có ý tưởng ngộ nghĩnh quá và được thốt ra từ đôi môi xinh xắn kia,
Sơn cứ nhìn Tú khúc khích cười hoài khiến Tú cũng cười theo...
Hầu như cách
vài ba đêm sau khi học bài xong là Sơn
đi lên phố, con phố dài lúc trước giờ đối
với Sơn chẳng ăn thua gì, Sơn muốn được nhìn, được nghe tiếng nói của
“cô bé” bất cứ nơi đâu, ở trường, trên đường về hay trong tiệm sách. Nhiều bữa,
Sơn đã không vào hẳn trong tiệm, mà đứng bên kia đường nhìn sang, nhất là lúc
gần về khuya, tiệm vắng khách, cô bé ngồi
ôn bài trước cửa tiệm, gió hiu hiu thổi nhẹ làn tóc mây bay bay lòa xòa trước
trán trông thật liêu trai, Sơn tiếc mình không phải là họa sĩ. Và cậu học trò
si tình một hôm đi gần đến cổng trường, tình cờ gặp cô bé và đám bạn gái, họ
thì thầm to nhỏ một hồi, bỗng một cô lên tiếng:
- Qu'est ce
que c'est?
- C'est un est...
trụ điện!
Cô bé trả
lời xong là cả bọn phá ra cười vang, Sơn vẫn vô tình đi tới và những tiếng cười
càng lúc càng to hơn cho đến khi Sơn vượt qua thì cả bọn đồng thanh hô to: TRỤ
ĐIỆN! Sơn giật mình, thì ra cô bé đã phát giác ra chàng thường hay dựa trụ điện
nhìn sang, Sơn thấy quê ơi là quê, và chàng cũng giận cô bé đã đem chàng ra...
chọc quê. Kể từ hôm đó “SƠN TRỤ
ĐIỆN” đã trở thành đề tài cho lũ bạn chọc phá, Sơn hận cô bé và nhất quyết
không nhìn mặt.“Thương hận” cứ giằng co mãi trong tâm hồn cậu học trò mới lớn.
Sơn từ giã “pháo thủ đề-lô” và được thuyên chuyển về một
đơn vị hậu cứ. Cầm tờ sự vụ lệnh trên tay, nhìn tên đơn vị
và địa danh nơi đóng quân, Sơn cảm thấy bồi hồi, nôn nao, một cảm giác khó tả
làm Sơn cứ đi tới đi lui trong lúc thu xếp quân
trang, quân dụng. Thỉnh thoảng chàng lại lấy tay gõ nhẹ lên đầu, rồi
búng tay kêu lách cách, và suốt đêm
hôm đó, Sơn cứ nôn nóng mong trời mau sáng để lên đường.
Đơn vị chàng đóng
quân trên đỉnh ngọn núi nhỏ, là
tấm lưng cho thành phố nương vào, dưới chân núi là dòng sông lượn lờ uốn khúc.
Đứng nơi đây chàng có thể nhìn bao quát cả thành phố bên dưới, khoảng sông này
là nơi thuyền tách bến đưa người sang cù lao giữa sông, xa xa về hướng bắc là
ngọn núi không cao nhưng quanh năm mây phủ, hun hút ngoài xa là đồng ruộng ngút
ngàn xanh thẳm, cuối tầm mắt hướng đông là bãi biển dài với những rặng phi lao
cao vút, nhiều và nhiều quá những kỷ niệm
chợt hiện về. Đã bao nhiêu năm rồi, căn nhà cũ, mái trường xưa, và bạn
bè..., Sơn quay vào xin phép đơn vị trưởng để đi một vòng xuống phố.
-Có người
quen ở đây hả?
-Tôi học năm
cuối trung học ở đây.
-Ồ! Vậy là có cố nhân rồi, sao không nói sớm, để tôi gọi
thằng Huy đưa ông đi. Nói xong ông ta gọi anh hạ sĩ tài xế bảo đưa Sơn đi một
vòng thành phố.
Chiếc xe jeep nhà binh chạy nhiều vòng trôn ốc từ từ đi xuống núi, cuối con dốc là con lộ nhỏ chạy vòng ôm chân
triền núi gập ghềnh đá sỏi. Người tài xế cho xe chạy chậm chậm, nhìn những căn
nhà nằm nép mình vào vách núi, Sơn thấy vẫn như năm nào, có thay đổi chăng là có thêm vài căn nhà mới cất có vẻ khang
trang hơn, những nhánh cây từ lưng chừng vách núi buông xuống có vẻ rậm rạp
hơn, cành lá sum sê hơn. Nhớ lại ngày trước, có lần chàng theo bạn đi bắt khỉ ở
những nhánh cây này, những bầy khỉ đỏ đít chuyền thoăn thoắt từ cành nọ sang
cành kia, chúng đã rượt bọn chàng chạy trối chết. Thằng bạn còn kể: “Bọn khỉ
rất… khỉ, chúng dám vô tận nhà bếp của người ta, bê luôn nồi cơm còn nóng ở
trên bếp, đến khi khổ chủ tìm thấy cái nồi thì nó đã bẹp dúm rồi”.
Bây giờ bọn khỉ đã đi tản đi đâu hết hay vẫn còn kéo bầy
đi phá phách? Còn ngôi Thanh Long tự, ngôi chùa nằm co mình trong lòng vách
núi, nơi có con đường đi xuống âm phủ có còn hoang sơ, cô tịch hay đã được sửa
sang? Bến sông xưa vẫn còn những chiếc xuồng con chờ đưa người sang vùng đất
bồi ăn dưa hấu? nơi mà chàng cùng lũ bạn đã kéo nhau đi bẻ trộm mía, đã
đi đào củ sắn nước đầu mùa…, nhiều và nhiều chỗ để mình phải đi thăm lại quá”!
Sơn tự nhủ, nhưng còn con người thì sao? Sơn thấy như có luồng hơi nóng len lén
đi vào từng đoạn ruột, nên chàng bảo Huy hãy chạy về trung tâm khu phố, nơi có
tiệm sách, nơi có Thủy Tú ngày nào, giờ Tú ra sao? đã tay bế tay bồng hay vẫn
hồn nhiên, vô tư như dạo nọ? Nàng còn nhớ chàng là ai không, hay là vẫn còn
giận chẳng chịu nhìn chàng, bao nhiêu câu hỏi dồn dập cứ quay cuồng trong đầu
mãi đến khi có tiếng Huy:
-Ngừng ở đâu ông Thầy?
-Cho tôi lại
tiệm sách ở ngả năm.
-Bộ có người
quen ở đó hả? Hay đi mua báo?
-Cả hai!
Sơn bước xuống xe, sửa lại nếp áo trận,
phải trấn tĩnh tinh thần trong khoảnh khắc, nhìn sang cái trụ điện bên kia
đường, nó vẫn đứng trơ trơ ra đó, nhưng Sơn thấy giận chính mình sao ngày đó
lại quá trẻ con. Và rồi bao nhiêu năm qua, với quá nhiều thăng trầm trong cuộc
sống, chàng không một lần liên lạc với Tú. “Mình tệ quá”! Sơn tự mắng mình và
bước thẳng vào tiệm sách nhưng trong bụng vái trời đừng gặp ngay Thủy Tú, dù
sao cũng dễ hỏi thăm tin tức về nàng hơn.
Tiệm
sách buổi trưa vắng khách, Sơn thấy hai đứa bé bán báo đang cười nói trong khi
xếp gọn lại mớ báo vung vãi trên sập, một người đàn ông cầm tờ nhật báo lật tới
lật lui như đang tìm kiếm mục gì. Bên trong quầy, một người con gái với mái tóc
thề đang lúi húi biên biên chép chép, một người lính Biệt Động Quân mới vào,
lại gần lên tiếng:
-Cô Tú
nè, cái bản nhạc gì mà “Anh đứng
đây chờ em đã từ lâu” có không cô?
- Có, bản “Đêm tái
ngộ”! mà là “Em chờ”chứ
không phải “Anh chờ” đâu à nha!
Cô gái vừa nói vừa ngẩng đầu lên nhìn khách cười.
Sơn xúc động thật sự, tim đập mạnh, trước mắt
chàng chính là Thủy Tú, cô bé năm xưa giờ đã lớn, trông chững chạc, thanh tú vô
cùng, nhưng lối nói chuyện dí dỏm, nghịch ngợm cũng không thay đổi khi chàng
thấy nàng đưa bản nhạc cho
khách còn dặn vói:
-Nè, để cho “cổ
chờ” chứ anh đừng có “chờ” nghe,
được nước cổ làm tới đó!
-Đâu có ai chịu chờ tui đâu, mua về hát chơi vậy mà! Cô nghĩ coi, lính
tráng như tụi tui cứ sống trong
rừng trong núi hoài, lâu lâu mới được về thành phố, có cô nào mà thương, mà chờ
đợi, hay là cô giới thiệu bạn gái cho tôi đi!
-Thiệt hôn
đó?Vậy thì đem đầu heo cho bà mai trước đã!
-Thiệt héng! Tui về còn biểu ông Thầy tôi đem luôn đến cho cô nữa đó.
Người lính ra về mà tiếng cười còn vẳng lại.
Sơn tiến đến, chàng
nhìn chăm chăm vào mắt cô gái rồi lên tiếng hỏi:
-Xin lỗi, hình như ai đến đây cũng biết tên cô là Thủy Tú
?
Như nhận ra người khách lạ, nàng quan sát một lúc trước
khi lên tiếng đáp:
-Dạ! Tôi là
Thủy Tú, hình như Trung úy mới đến đây lần đầu, nhưng sao thấy Trung úy hơi
quen quen.
- Cô
có vẻ biết nhiều đến những người lính ở đây?
-Dạ, có khó gì đâu, hầu hết họ đều đến đây mua sách báo hoặc lấy văn phòng
phẩm nên tôi quen mặt vậy mà!
-Có khi nào cô gặp người quen mà không nhận ra?
-Có thể lắm chứ, vì người đó đi xa lâu ngày mới trở
lại chẳng hạn!
Đột nhiên Sơn
hỏi gấp như sợ ai cướp lời:
-Cô còn nhớ
“SƠN TRỤ ĐIỆN" không?
-Anh Sơn nhất B2 năm…
-Thủy Tú vẫn
còn nhớ lớp của anh?
-Trời, anh Sơn đây hả? Anh đi đâu mà mất tăm biệt tích vậy? Hồi đó đi cũng
không từ giã một lời. Sao vậy? Ờ, mà lúc này trông anh khác quá đi, oai phong
lẫm liệt dữ hén. Đi lính hồi nào vậy? Thủy Tú cứ ngỡ một ngày nào đó gặp được
anh, chắc anh đã là bác sĩ, kỹ sư hay
gì gì đó chớ..., hổng ngờ lại là lính!
Thủy Tú nói như reo, hỏi một hơi dài, nét mừng rỡ hiện lên cả đôi mắt, nàng
vừa nói vừa nhanh nhẹn rời quầy sách đi lại chỗ Sơn, thật tự nhiên nhìn chàng,
Sơn muốn đưa vòng tay ôm choàng lấy bạn, nhưng rồi chàng đứng im như tượng gỗ
chỉ thốt được một câu:
-Thủy Tú càng lớn càng đẹp!
-Bộ không có câu gì khác hơn sao? Tú hờn dỗi: đi đâu mất biệt mấy năm nay,
giờ đột ngột trở lại cũng câu nói đó, mai mốt đi nữa đến khi trở về lại khen:
con của Tú đẹp quá, giống y mẹ! Hứ, cái anh này kỳ!
Nghe Thủy Tú trách yêu, người Sơn
nhẹ hẫng:
-Hy vọng lần này anh “đóng đô” ở đây luôn đó! Còn Tú lúc này thế nào?
-Thế nào là thế nào? Tú cũng khoẻ luôn, bán sách một buổi còn một buổi đi
“bán cháo phổi”, Thủy Tú ra
trường gần nửa năm nay, làm học trò đã đời rồi, giờ này làm cô giáo cũng thích
lắm!
Sơn nôn nóng muốn biết về
“đời tư” của Tú nhiều hơn, nhưng ngập ngừng mãi không biết phải bắt đầu câu hỏi
như thế nào cho nàng khỏi giận. Thấy Sơn cứ đứng nhìn mình trân trối, Thủy Tú
bật cười có chút e thẹn:
-Anh Sơn đến
đây bộ có ai theo dõi hả?
-Anh chỉ sợ có người kiểm soát Tú nên không dám nói chuyện nhiều đó chứ!
Thủy Tú tinh ý nhận ra câu hỏi khéo của Sơn, nàng cũng ranh mãnh đáp lại:
-Người muốn kiểm soát Thủy Tú lúc nào cũng có, nhưng ngược lại muốn tìm một
người để... kiểm soát họ coi bộ sao khó quá, nhất là mấy người mặc đồ trận.
-Thủy Tú
không thích “LÍNH” sao?
-Tú đâu có nói là không thích “LÍNH”, làm quen được với “LÍNH” là niềm hãnh
diện lắm chứ bộ! Có điều...
Nàng ngập ngừng không nói hết câu, nheo mắt nhìn Sơn cười cười, làm Sơn cảm thấy sốt ruột nên
tiếp lời:
-Có điều cực
và sợ nữa phải không?
-Tú đâu có sợ, thời buổi chiến tranh mà, nếu Thủy Tú là con trai, chắc cũng
đã đi lính lâu rồi, Tú ghét nhất là mấy người trốn nghĩa vụ.
-Vậy là anh
có điểm rồi phải không?
Đôi bạn cùng cười xòa trong niềm vui hội ngộ với những câu trao đổi không
đâu vào đâu.
Nghe tiếng xe jeep thắng gấp bên ngoài, Sơn nhìn ra thấy Huy phóng vội
xuống xe, ba bước một nhảy lại chỗ chàng ngồi, điệu bộ bí mật, nói vừa đủ cho
chàng nghe:
-Nè, ông Thầy, ông làm sao cố “chấm tọa độ” cho chính xác để thanh toán mục
tiêu lẹ lẹ lên, chứ em coi bộ để lâu địch quân nó tràn vào thì khó bề đạt được
thắng lợi đó nghe!
-Chú em mầy định nói cái gì vậy?
-Thì chuyện cô giáo Tú đó mà!
-Trời đất! cô Tú mà chú mày làm như là “ngọn đồi chiến lược” không bằng!
-Còn hơn nữa đó, ông Thầy biết chứ, ngọn đồi chiến lược chỉ có hai phe lâm
chiến thôi: một là ta chiếm, hai là địch chiếm - dễ ẹc! Còn ở đây hả? Ồ! Ông
Thầy phải đánh bật một lúc năm đối thủ
hạng nặng đó nghe. Em mới vừa gặp tên “sếu vườn” dưới đó, hắn tán cô Thủy Tú
sát rạt.
Huy vừa nói vừa đưa năm ngón tay làm dấu, trông mặt chàng ta nghiêm chỉnh
như vừa khám phá ra một điều gì quan trọng lắm vậy.
-Báo đâu đưa đây coi, bày đặt muốn làm điệp viên nữa hả?
-Nguy! nguy! Để em xem có cách nào giúp ông Thầy không?
Huy vừa đưa báo cho Sơn vừa lẩm bẩm trong miệng như bàn tính một kế hoạch gì to
lớn lắm. Từ mấy tháng nay Huy lo cho chàng còn hơn lo cho ông đơn vị trưởng
nữa, dù sao ông ta cũng có vợ con đang mướn nhà ở dưới phố, trong khi chàng và
Huy thì cùng hoàn cảnh.
Nhìn Huy nằm đong đưa trên chiếc võng ny-lon, tay vắt
ngang vầng trán, Sơn biết chàng ta đang suy nghĩ lung lắm. Sơn bật cười và
tưởng tượng đến đám địch quân mà Huy vừa nói đến. Ừ, mà nhiều thật, có lần Thủy
Tú kể cho chàng nghe về tên tăm tre Việt Hồn, anh chàng sĩ quan của Tòa hành chánh tỉnh cao long nhong mà lại ốm nhom
đâu khác gì cái que tăm xỉa răng hiệu “Việt hồn”, lối ví von của Thủy Tú nghe ngồ ngộ làm Sơn cứ cười hoài. Còn
anh chàng phó quận Quốc Gia Hành Chánh bốn mắt nữa, nhìn cái kính cận dày cộm như hai cái đít chai của chàng ta là đã thấy
ớn rồi, hình như chiều nào hắn cũng đóng bộ bà ba đen đến mua báo và có lần Sơn đã... đụng độ với hắn!
“Cây cổ thụ này khó bứng!” Lần đó Sơn đã nghĩ vậy. Còn tên Thiếu úy Biệt Động
Quân có biệt danh “Lệnh Xé Xác”
nữa. Tú bảo: “Hắn nói hắn mê Dương Chí Tôn với ngón “Lăng Không Điểm Huyệt” gì
đó, có thể đứng xa mà cũng điểm huyệt được đối phương, đối thủ đứng chết trân
không cách chi cựa quậy được, nhưng hắn không chịu lấy cả bộ truyện Lệnh Xé Xác
đã có sẵn, cứ mỗi ngày đến lấy một tờ báo có truyện đăng trong đó về đọc thôi,
trừ hôm nào đi hành quân, nhưng Thủy Tú biết hắn đến đây với mục đích gì chứ
bộ!” Mới biết chừng đó thôi Sơn đã thấy ngộp thở rồi, giờ Huy còn phát giác ra
thêm vài đối thủ nữa. Liệu rồi sẽ ra sao đây?
****
Đã mấy chiều rồi, mỗi khi mở cửa bước vào nhà là Sơn đã
thấy Thịnh, tên bạn thuê chung phòng, ngồi trên sô-pha ôm cây đàn guitar hát ong ỏng cái gì mà: “...Có tiền thì theo em, đến khi anh
hết tiền, hết tiền thì em dzông, tình nào cho anh, tình nào cho hắn?
.Anh làm thợ tiện, đi cày hùng hục mà em thì xài sang. Đã đành em yêu anh,
sao bằng đô-la xanh, sao bằng xe hơi mới!!!...”
Lần đầu mới nghe, Sơn đã cười ngặt nghẽo,
cười đến chảy cả nước mắt. Sơn nghĩ ngay đến mấy người lính Hải quân năm xưa và
ông nhạc sĩ tác giả Y-Vân mà nghe Thịnh hát
chắc phải kiện hắn ra tòa vì tội “trích dịch và sửa lời” bài “Tình yêu và Thủy thủ” của người ta,
nhưng cứ nghe hắn hát đi hát lại nhiều lần Sơn lại thấy cảm thông cho nỗi lòng
của hắn. Có nỗi đau nào hơn là vừa bị hãng cho “lay-off” lại được người yêu dấu
gửi tấm “thiệp mời dự đám cưới”.
Đập vai hắn một cái, Sơn nói lớn:
-Nè, ông dẹp cái màn ca hát lẩm cẩm đó đi có được không? Tối
nay giúp tôi một tay đi!
Thịnh buông cây đàn, ngã người ra ghế, thở dài thườn
thượt trước khi hỏi:
-Hê! Làm gì
cũng được mà đừng có kêu tao đi xuống phố nghe! “Phố vắng em rồi” đi nản lắm.
Sơn cười hì hì trả lời hắn:
-Ai rỗi rảnh đâu mà kêu ông đi phố, đi lại giúp người bạn
chuẩn bị các thứ cho căn chung cư, ngày mai mấy bà con được anh ấy bảo lãnh ở
đảo qua có chỗ ở đàng hoàng! Còn cái vụ của ông, tôi đã nói nhiều lần rồi, sồn
sồn cỡ ông với tôi mà đi thương con nít thì có ngày nó « say : xê dzô xê ra » là thường mà.
Sơn vừa nói vừa đi vào phòng tắm, trong khi Thịnh ôm lại
cây đàn, gảy tưng tưng hát tiếp “Lỡ
yêu rồi làm sao quên được em ơi! ...”
Lại hát nữa! Sơn đóng cửa phòng mà tiếng hát tiếng đờn
của Thịnh vẫn vọng vào. Ừ, mà lỡ yêu rồi thi làm sao quên được nhỉ? Phải chờ
thời gian! Thật khó quên lắm! Sơn mở vòi nước mà đầu óc cứ nghĩ lung tung, mấy
hôm nay không hiểu vì cớ gì mà hình bóng của Thủy Tú cứ chập chờn trước mắt, hễ có một giây phút rảnh là chàng lại
nhớ về nàng. Như lúc này, những giọt nước âm ấm tỏa ra từ bông sen như đồng lõa
với ký ức của chàng, như một cuốn phim quay chậm, hình ảnh Thủy Tú cứ rõ dần ra
trước mắt Sơn là hình ảnh ngày cuối cùng họ gặp được nhau.
Thủy Tú hốt hoảng tìm đến gặp chàng trong khi
tiếng“đề-pa” của những cổ pháo cứ ầm ầm rền rĩ, vì phải leo lên gần 100 bậc tam
cấp nên khi gặp Sơn, Tú chỉ gọi được tên chàng rồi ngồi thở dốc. Lau vội những
giọt mồ hôi trên trán Tú, Sơn ôn tồn vỗ về người yêu:
-Đường sá lúc này nguy hiểm lắm, lại súng nổ
khắp nơi, một mình em lên đây làm gì, lỡ có chuyện gì thì anh biết làm sao?
Hít một hơi dài để lấy lại sức, Thủy Tú nói như muốn khóc:
-Mấy hôm nay không thấy anh xuống nhà, em lo quá. Với lại lúc này trường cũng
đóng cửa không dạy, chỉ lo tiếp cư thôi, người di tản ùn ùn kéo về, nhiều cảnh
hãi hùng, thương tâm cứ đập vào mắt em, em sợ...
Thủy Tú ngừng nói nhìn thẳng vào mắt Sơn, như mọi lần Sơn đã hôn nhẹ lên
đôi mắt tinh nghịch kia mặc cho Thủy Tú rượt đấm lên lưng chàng thình thịch.
Nhưng hôm nay, chàng có cảm giác tất cả đều tê cứng, mọi động tác đều thừa
thãi, chiến tranh đã lan tới chỗ này, tin điện trong máy truyền tin cứ réo gọi
liên hồi, và pháo của chàng bắn đi là đang yểm trợ cho quân bạn trên đường di
tản. Liệu bao giờ đến đơn vị chàng? Đi hay ở lại chiến đấu đều vượt khỏi tầm
tay của những người lính như chàng. Vài giọt nước mắt lăn dài trên má Tú, nàng
mếu máo:
-Anh Sơn, lỡ bọn VC tới đây thì sao?
-Anh cũng không biết nữa, tới giờ phút này bọn anh vẫn
phải bắn yểm trợ khắp nơi liên miên nên anh đâu về thăm em được. À, mà ba má có
tính gì không em?
-Má nói có chết cũng chết nơi chôn nhau cắt rún, chứ biết đi đâu bây giờ,
Còn ba thì ngày đêm trực dưới sở, bà con chung quanh cũng có người chuẩn bị di
tản, thiệt em rầu muốn chết!
Sơn ôm chặt ThủyTú vào lòng. Từ lúc chiếm
được con tim của nàng, Sơn đã có những ngày vô vàn hạnh phúc, tình yêu của Thủy
Tú dành cho chàng là những giọt mật tinh khiết vừa ngọt, vừa thơm. Ba má chàng
đã coi ngày lành tháng tốt để đi hỏi vợ cho chàng rồi, dù sao giờ này chàng
phải có bổn phận che chở, bảo bọc lo lắng cho Thủy Tú chứ.
Sơn nói như van lơn:
-Hay là em đi theo anh Tú nhé! Em về nhà chuẩn bị
một ít đồ đạc cá nhân, Anh sẽ xuống đón em khi có lệnh di tản, nhất định là
phải di tản, chắc mình không còn cầm cự được lâu đâu…
-Em yêu anh, nhưng em cũng thương ba má
và tụi nhỏ lắm, em không thể bỏ tất cả để đi theo anh một mình, em thật không biết phải làm sao bây
giờ? ...
*****
“Phải làm sao bây giờ hả Thủy Tú?” Bao nhiêu năm qua anh
phải sống trong nỗi khắc khoải, thương
nhớ không nguôi. Anh ôm vào lòng nỗi buồn xa xứ, xa cha mẹ, anh em, xa
người yêu. Thương nhớ em, anh đã tìm mọi cách để tìm kiếm, nhưng em ở đâu? Sống chết ra sao? Nếu đừng có cái
ngày u tối kia, đừng có cái giờ thứ hai mươi lăm vô cùng hỗn lọan đó, cái giờ
phút cuối cùng mà cả đơn vị phải vội vã chạy xuống bến sông lên thuyền ra biển
xuôi Nam, đành tâm bỏ lại tất cả trong uất hận nghẹn ngào, và nếu anh là kẻ
chiến thắng thì giờ này anh đâu phải sống một mình ở nơi này, và em - chúng
mình đã có những đứa con ngoan, xinh xắn...
Những tiếng đập cửa ầm ầm đã cắt đứt dòng hồi tưởng của
Sơn, tiếng Thịnh vọng vào:
-Sơn, mày tắm hay ngủ ở trỏng mà lâu
quá vậy cha nội, lẹ lẹ lên cho người ta còn... đi với chứ!
Bị tên bạn phá đám, Sơn lau vội những giọt nước trên người và cũng bắt
chước hắn hát vài câu “Giờ này em ở đâu? Góc biển hay rừng sâu? …”
-Ha ha! “Thầy hai nước lạnh” mà cũng biết hát “giờ này em ở
đâu”, loạn loạn!
-Bộ ông tưởng
chỉ có ông mới biết thất tình thôi sao? Sơn gắt.
-Ha ha ha! Nếu tao không lầm thì người yêu của mày phải là “bà sơ nhà dòng”, hoặc “sư nữ thiếu lâm tự” nên mày mới bị
thất tình phải không? Ha ha ha!!!
Tiếng cười vang của Thịnh làm Sơn bật cười theo.
**********
Tiếng chuông đồng hồ báo
thức giục Sơn choàng dậy, suốt đêm qua hầu như chàng cứ chập chờn trong giấc
ngủ đầy mộng mị, nhưng là những giấc mộng đẹp, có khi chàng thấy cả vườn hoa rực rỡ trong nắng hồng, có bướm lượn
vờn quanh, chàng thấy mình đang cầm tay ai đó nhảy múa ca hát thật vui, có lúc
chàng thấy mình bay lơ lửng giữa thinh không, chàng muốn ghì lại, nhưng chưa
biết bám víu vào đâu thì giấc mơ cũng bay theo vì tiếng chuông báo thức. Chàng
làm vệ sinh buổi sáng xong, vừa ngồi vào bàn bỗng nẩy sinh ý nghĩ, bèn chạy vội
vào phòng Thịnh:
-Ê Thịnh!
dậy, đi ra phi trường với tao.
-Làm gì vậy,
đón đào hả?
-Đào
điếc gì, tự nhiên tao muốn theo anh Nhự ra phi trường đón người quen được ảnh
bảo trợ đó mà, đêm qua tao nghe ảnh nói tên người quen của ảnh, sao tao nghi
cũng là người quen của tao quá, chỉ có tên địa phương là khác thôi, có khi nào
là chính họ? họ đã thay đổi chỗ ở nên bao nhiêu năm rồi tao tìm mãi không ra,
mày đi với tao luôn nghe!
-O.K! Đi thì đi. Ê! Mà hổng biết có ..em nào xinh
xinh mà độc thân không nhỉ ?
-Nghe nói có
mấy gia đình có nhiều con gái lắm, ngay cả gia đình của anh Nhự bảo trợ.
-Tao đi gấp!
-Ê! Hổng có
giỡn nghe cha nội, người ta chân ướt chân ráo mới từ đảo qua chưa…nhả nắng, đừng
có ở đó mà ham.
Quang cảnh
phòng đợi ở sân bay vô cùng nhộn nhịp, những người đi đón đồng hương đông hơn dự tưởng. Hình như tất cả đều nôn
nao, mong ngóng, nhất là những người có thân nhân. Chuyến bay từ Cali sẽ đến
đây đúng 10 giờ sáng. Thời gian như ngừng đọng lại, Sơn có cảm giác chàng là
người nôn nóng nhất trong đám người có mặt hôm nay.
Sơn không tin tưởng ở mắt mình,
chàng cố lắc lắc cái đầu, giương cặp mắt thật lớn nhìn kỹ những người đồng
hương mới đến kia. Ở cuối thế kỷ hai mươi này làm gì có bà Tiên cầm chiếc đũa
thần để hóa phép làm cho người
nọ thành người kia. Nhưng sự thật
là đây mà, từ trong hành lang phi cơ tiến dần ra phòng đợi ở cửa, chen lẫn
trong đám người ngơ ngác, sợ sệt, rụt rè, bỡ ngỡ kia có gia đình của Thuỷ Tú ,
người đàn ông gầy nhom, tóc bạc, tay xách cái bị giấy Y. M. C. A. kia đích thị
là Ba nàng, sau lưng ông là hai người con gái, một đứa con trai làm sao Sơn
nhầm lẫn được, chính thực là Thuỷ Tú của chàng và con Trâm thằng Trọng. Quên
hết mọi người đang đứng xung quanh chờ thông qua tên tuổi, tên người bảo trợ,
Sơn hét thật to át hết cả mọi tiếng kêu réo mừng rỡ, hỏi han nhau của mọi người
và lách mình qua đám đông phóng vội lại ôm choàng lấy Tú.
Mặc
cho đôi mắt ngơ ngác, cái miệng há hốc của người con gái và những cái nhìn ngạc nhiên của đám
đông, Sơn hét toáng lên:
-Thủy
Tú! Thủy Tú! không ngờ anh lại gặp em, đúng là em rồi!
Bất
ngờ bị người đàn ông ôm cứng, người con gái co rúm người lại trong trạng thái
hoảng sợ, sau một phút bàng hoàng nhìn kỹ người đối diện, nàng lại là người hét
thật to, sự mừng rỡ lồng trọn trong tiếng hét:
-Anh
Sơn! Ba ơi, anh Sơn, em mừng quá anh Sơn ơi! và người con gái đã bật khóc,
những giọt nước mắt mừng vui làm những người đứng xung quanh như tò mò hơn muốn
biết rõ câu chuyện .
-Thằng
Sơn đây sao? Cả nhà Bác cứ nghĩ là sẽ không bao giờ gặp lại được con nữa, bữa
nay vô tình gặp lại nơi đây là niềm hạnh phúc lớn, thôi mình đi theo anh Nhự về
nhà trước đã.
Ông
cụ đã giải tỏa được phần nào những thắc mắc cho những người vừa chứng kiến cuộc
hội ngộ kỳ thú.
Trên
đường về, Thịnh tình nguyện lái xe mà miệng luôn luôn huýt sáo, có lẽ Thịnh vui
lây với niềm vui của bạn, niềm vui của sự hội ngộ bất ngờ làm họ choáng ngợp. Ở
băng ghế sau, Thủy Tú dựa vào vai Sơn thút thít khóc, trong khi Sơn lại cười
vui hạnh phúc, chàng kéo nhẹ Tú vào lòng, hôn lên mái tóc nàng. Anh khẽ hát “...Tay anh em hãy tựa đầu, cho anh nghe
nặng trái sầu rụng rơi..."
Nửa đêm thức giấc...cứ chập chờn ngủ lại không được, mở blog của chị và đọc "Tìm Em từ buổi lạc nhau đến giờ"...chuyện tình thật đẹp ! Chuyện tôi có vài điểm tương đồng...nhưng tình tôi không có đoạn kết !
Bài Thơ: "Tôi gặp Anh, người Lính ĐPQ" của Chị đã đăng trên Nguyệt San KBC tháng 06/2013. Phát hành 16 Tiểu Bang ở Mỹ đông người Việt, Âu Châu, Úc Châu và Canada.
Chúc Chị vui ! LPO