Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008
Lời thư của Mẹ
Việt Báo Chủ Nhật, 12/16/2007
Tác giả: Lê thị Hoài Niệm
Bài số 2178-1970-745vb8161 207*Tác giả tên thật là Lê Phan Tuyết, hiện là cư dân Houston, Texas. Trước 1975, dạy học tại Nha Trang. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà là thư gửi con gái, một Nữ sỹ quan hải quân Hoa Kỳ đang phục vụ trên tầu U.S.S Gunston Hall, thuộc hạm đội Năm ở Đại tây dương.
* Con yêu,Houston hôm nay nắng vẫn lung linh như khi Ba Má tiễn con vào tận trạm cuối cùng cho hành khách lên phi cơ hôm ấy. Trong nắng, Má như đang thấy lại giọt nước mắt buồn của người Mẹ phải xa cách con gái mình, nhưng cũng thấy lại nỗi vui, niềm hãnh diện về con của Ba Ma. Má vẫn nhớ mãi buổi chiều đẹp trời tại thính đường của trường đại học Rice, nơi mà Ba Má vừa ngừng xe nơi bãi đậu, đã thấy bóng dáng oai hùng của những quân nhân Mỹ trong bộ lễ phục trắng đi tới đi lui. Trước đây, Má chưa bao giờ dám nghĩ tới việc một trong những Sĩ quan của quân đội Hoa kỳ, một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới, lại là đứa con gái đầu lòng của Má và Má đã khóc, nhưng là giọt nước mắt sung sướng, hãnh diện khi vị Đại úy tuyên đọc tên con, rồi họ mời Ba Má lên khán đài gắn cấp bực "Thiếu úy hải quân" cho con.
Má đã xúc động đến run tay khi gắn cấp bậc trên cầu vai bộ đại lễ màu trắng Hải quân của con. Và rồi sau đó, được nhìn con mặc bộ quân phục nữ Sĩ Quan Hải quân Mỹ oai nghi, trong tư thế đứng nghiêm chào vị Đại tá, cất lời tuyên thệ trước hàng trăm ánh mắt đang hướng về con, và khi tiếng kèn thúc quân cất lên, con đã hiên ngang bước đi dưới hàng kiếm chào uy dũng. Chỉ mới hai tuần trước đó thôi, Má đã thức dậy lúc năm giờ sáng, co ro trong chiếc áo lạnh, ngồi lên xe, cùng con chạy đến văn phòng "Navy R.OT.C" trong "Rice University", để con dự thi lần chạy cuối cùng. Má đã ngồi yên trong xe, nhìn theo con nhập vào toán Marine và Navy đang chạy ra bãi tập, chắp tay cầu nguyện cho con "pass" cuộc thi. Và rồi, sau những giờ chờ đợi, Má đã lặng người khi thấy con từ xa về lại mà miệng không có nụ cười. Mãi đến khi con ôm chầm lấy Má và nói khẽ: -”Con đã pass rồi! Con không dám mừng to vì cô bạn kia bị trượt, cô ấy khóc quá trời!" Ôi con gái của Mẹ, con đã ý thức được niềm vui của con và nỗi buồn của người khác trong cùng một thời gian, không gian se lạnh ấy.
Nhìn theo bước con đi, ký ức Má quay về với kỷ niệm ngày xưa. Má nhớ Bà Ngoại. Nhớ ngày Má ra đi vượt biên. Ngày ấy Bà Ngoại của con đã nuốt ngược nước mắt vào lòng. Dù tim gan có nát tan vụn vỡ, Bà đã không dám khóc thành tiếng vì sợ hàng xóm họ nghe, họ đi báo với công an, Bà đã rứt ruột rứt gan nhìn con cháu trốn chui, trốn nhủi đi xuống thuyền vượt biển - vượt biên, dù không biết có đến được bờ bến tự do, hay phải vùi thây trong lòng biển cả, làm mồi cho cá mập. Bao năm qua, bà ngoại đã không còn trên đời, để Má được sung sướng khoe với Bà rằng đứa cháu ngoại của Bà nay đang làm việc trên một chiếc tàu Hải quân Mỹ thật lớn, chiếc U.S.S Gunston Hall, thuộc hạm đội Năm ở Đại tây dương, với năm bảy tầng lầu, có sân máy bay, có phòng ăn, phòng ngủ, có nước nóng, nước lạnh, có ti-vi, tủ lạnh v.. v., khác hẳn với chiếc thuyền con mong manh Má ngồi trên ấy ngày nào để vượt biển.
Chuyến đi của Má sao quá hãi hùng, khủng khiếp, không như Con của Má hôm nay. Tàu của con đã lướt sóng ra khơi đi về hướng Phi châu xa tắp, đi sang bờ Hồng hải khó khăn kia, chiếc "Dương vận hạm" chuyển tải cả tình thương và sự sống đến giúp đỡ người dân ở những vùng đất đói khổ, nghèo nàn, giúp đỡ ngay cả những chiếc thuyền con đang lênh đênh trên sóng nước đang cần thực phẩm, khi lên bờ lại coi sóc cho kẻ ốm đau, và đó cũng là lý do con của Mẹ muốn trở thành một Hải quân Y-sĩ. Những người Lính Mỹ dù già hay trẻ, hay mới ra trường đi... tập sự như con, tất cả hầu như đã mang sẵn trong người một tình thương không biên giới. Con bảo: "Khi họ tình nguyện vào Quân đội là biết trước hiểm nguy mà! Đơn vị điều động đi đâu là mình phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, và làm tròn chức năng công việc của mình"! Cũng như những ngày qua ở đây, khi cơn bão Katrina hãi hùng chụp xuống thành phố New-Orleans, hình ảnh những người Lính Mỹ đã mang lại niềm tin, sự sống cho những kẻ không may. Ở đâu có khó khăn thì nơi ấy có bóng dáng những người lính, dù họ là Vệ binh quốc gia, hay người lính chính qui Nhảy dù, mà trong đó đã có người mang dòng máu Việt nam như con, họ có mặt ở khắp các đơn vị, ngay cả chiến trường IRaq.
Tự dưng Má muốn khóc, Má nghĩ thương những người Lính của quân đội Mỹ bây giờ đang chiến đấu khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những người đã hy sinh trong chiến trận ở Việt nam mình. Ngày đó họ chắc cũng trẻ như con và có khi còn nhỏ hơn con, họ đã từ giã Cha Mẹ, Anh chị em, từ bỏ căn nhà thân yêu với chăn êm nệm ấm, bỏ lại chỗ ngồi trên chiếc xe hơi êm ái, bỏ những bữa ăn với bánh thịt ê hề, bỏ, bỏ lại hết để đi sang một vùng đất xa xôi bên kia bờ Thái bình dương xa thẳm, vùng đất mà chắc gì trước đó họ đã nghe nói đến tên, đừng nói chi có được một người quen nơi đó. Họ chiến đấu trong rừng sâu núi thẳm, trong đồng tháp sình lầy, cực nhọc thể xác, bất ổn về tinh thần, để rồi cuối cùng hy sinh không tròn thân xác, vĩnh viễn đi về lòng đất lạnh trong nỗi đau chỉ của người thân trong gia đình, và sự thờ ơ; lãnh đạm, hất hủi của một số người đồng chủng, kể cả sự thù hằn của đám người "phản chiến".
Má nhớ có lần Má đưa Con đi tham dự một buổi họp mặt đơn vị cũ của Ba Con, Con đã hỏi Má một câu thật bất ngờ khi Con nhìn thấy một "toán lính trẻ" với quân phục đứng làm dàn chào và được người xướng ngôn dõng dạc giới thiệu: Thế hệ thứ hai!-"Tại sao Lính Việt Nam mình mà trẻ quá vậy? Nếu là quân đội Mỹ thì họ phải có phù hiệu đơn vị chứ, sao con không thấy?" Má không biết hỏi ai để trả lời cho con, đứa con gái biết quá nhiều điều, đứa con gái mà lúc mới lên năm tuổi đã hát thuộc bản nhạc "Tình ca" của nhạc sĩ Phạm Duy và biết cãi lại khi Bác Lợi thử sửa sai: "Con phải hát: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới... qua đời chớ!” - Không, phải hát là ra đời, chớ qua đời là chết rồi còn hát gì được nữa!" Đứa con gái có lúc cứng đầu khiến Má buồn, Má khóc, nhưng trước khi con ra trường "Navy R.O.T.C" đã mang niềm hãnh diện không những cho gia đình ta, mà một phần cho cả người Việt Nam mình khi con được trao tặng đến 7 phần thưởng trong cùng một buổi lễ, ngay cả thanh gươm biểu tượng của Hải quân, từ tay Hải quân Thiếu tướng (rear Admiral) Edward Masso. Thanh gươm đó lại là món quà do một gia đình cựu quân nhân Mỹ chiến đấu ở Việt nam mình bảo trợ.
Hai người đàn bà Mỹ lịch sự, một già, một trung niên trong gia đình đến tham dự cả thảy bảy người, đã nghẹn ngào cầm chặt tay Má mà nói rằng: Con - Chồng của quí Bà đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Việt nam năm 1967, mãi đến bây giờ họ vẫn không quên tinh thần dũng cảm của Người Chiến Sĩ đó, nên họ vẫn âm thầm ủng hộ quân đội, hàng năm họ "bảo trợ"cho trường một món quà, họ không thể ngờ được món quà họ trao lại dành cho một cô gái Việt Nam, họ vô cùng hãnh diện và biết rằng người thân của họ đã không hy sinh vô ích.! Con yêu, hôm nay Con xa Má đến nửa vòng trái đất, Má khó mà nhận được những cú điện thoại hàng ngày, để nghe Con la hét reo mừng vì đội football trường OU. của Con thắng trận, nhưng Má không ủ dột, lo rầu, vì ít ra Con đã thay Ba Má mà đền đáp một phần nào ơn nghĩa mà người dân xứ sở này đã giúp cho Ba Má, đã tạo ra Con.
Má cứ ước ao một ngày nào đó, Má cũng gặp một người Mẹ chiến binh Mỹ, Bà ấy cầm tay Má mà rằng: "Tôi rất hãnh diện khi người Việt Nam của Bà đến sống ở nước tôi, đã có nhiều người Việt trẻ tuổi đã và đang tình nguyện phục vụ cho đất nước này, góp sức gìn giữ cho quê hương này được trọn vẹn, bình yên, và ngay cả những người lớn tuổi, Họ đã cử nhiều tổ chức đến ủy lạo, ủng hộ cho người Lính và gia đình của họ, một lá thư gửi cho người ngoài mặt trận , một gói quà nhỏ cho gia đình binh sĩ trong dịp lễ lớn như Thank Giving, Christmas, hay một vài phonecard gửi cho người lính phương xa (như Má đã từng mua gửi mỗi khi đến bưu điện) ôi những nghĩa cử đẹp và tình nghĩa vô cùng... " Có mấy ai từ chối một ân tình? Ân tình ngày trước họ rước đón giúp đỡ chúng ta, và bây giờ chúng ta ân đền nghĩa đáp, như đã từng góp công, góp của mỗi khi xứ sở này có một thảm nạn 9-11 và hai trận bão Katrina, Rita chẳng hạn.
Con yêu, tâm tình Má gửi cho con khó mà chấm dứt, nhưng con đâu thể ngồi lâu để đọc mãi thư nhà (con đã được US Navy trả lương phụ trội hàng tháng với sinh ngữ phụ là tiếng... Việt Nam đó mà!), chiến hạm con đang đi nhưng Con vẫn đang làm việc, Con đi xa nhà, Con buồn - Má biết, nhưng "Lính" dưới quyền Con cũng rất cần sự giúp đỡ, an ủi của Con, như người Lính vừa nghe tin "Vợ sanh con" ở nhà, đã vui mừng, hồi hộp làm đánh rơi cây súng trong khi đang đứng gác. Rớt xuống đất còn cơ may nhặt lại, chứ rơi tõm xuống nước biển rồi thì chịu khiển trách thôi. Hãy gắng lên Con nhé, hãy xứng đáng là niềm hãnh diện của gia đình, và cho cả quốc gia Con đang phục vụ. Ba Má thương nhớ Con nhiều và luôn cầu chúc cho Con, cho những đồng đội của Con được vạn điều may mắn, thắng lợi. Má của Con.
LÊ THỊ HOÀI NIỆM
__
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét