Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

Vết Nứt

Mẫn thả bộ trên hành lang của khu chung cư, đêm qua tìm được nhà người bạn thì đã khuya quá, lại mệt vì phải lái xe cả đoạn đường dài gần hai mươi tiếng đồng hồ từ miền Bắc về đây, nên chàng đã ngủ vùi, và sáng nay trong khoảng thời gian chờ đợi, chàng định đi chung quanh khu nhà người bạn đang ở thăm dân cho biết sự tình, trước khi chàng đi tìm nhà người quen để trao lá thư, động cơ thúc đẩy chàng tìm đến thành phố xa lạ này.

Một bầy con nít cả trai lẫn gái nào Mễ, Mỹ, Đại Hàn chạy ùn ùn ngang qua chỗ Mẫn khiến chàng đưa mắt nhìn theo tự nhủ: Ơ hay! mấy đứa nhỏ này ở đâu ra mà nhiều thế? lại ăn mặc giống như đi dự dạ hội hay đám cưới, mà chúng chạy đi đâu như bị ma đuổi vậy cà? Chàng tò mò đưa mắt dõi theo, mấy nhóc trai thì quần jean, áo sơ-mi bỏ vào quần, có đứa đi giày bata, giày da, có đứa mang cả đôi boot cao gần tới đầu gối, đội thêm cái mũ rộng vành giống hệt mấy chàng cao bồi Tếch- xịt trong phim. Bọn con gái thì áo đầm xòe, váy rộng đủ kiểu, chân mang giày cao nhưng cũng chạy rầm rầm. Cuối cùng Mẫn cũng đã tìm ra câu giải đáp, thì ra hôm nay là ngày chủ nhật và chúng vừa đi nhà thờ về, bèn chạy ra khu giải trí cuả chung cư để chơi, nơi đó có xích đu, cầu tuột, và cái sân bóng rổ nho nhỏ nữa, phía bên kia là những cây sồi (oak) với cành lá sum sê, tỏa rộng như chiếc dù che nghiêng những vệt nắng buổi sớm cho cả khoảng sân dài. Mẫn tò mò rảo chân về hướng đó, quang cảnh ồn ào vui nhộn làm Mẫn vui lây, lâu lắm rồi chàng mới có dịp nhìn cả đám con nít vô tư, tự do tụ tập đông đảo với nhiều sắc dân. Bọn con gái, mấy đứa ngồi đong đưa trên những cái ghế xích đu, và đang thi xem đứa nào đưa ghế lên cao nhất, chúng cười nắc nẻ mỗi khi cái xích đu chùng xuống sát đất rồi đưa ngược lên cao, một nhóm khác thì đang sắp hàng nơi cái cầu tuột, mỗi lần sắp chùi xuống là chúng hét thật to… Nhìn sang đám trẻ trai, Mẫn phát giác ra một điều thật thú vị, mấy cu cậu đang chơi trò bắn bi, nhìn những viên bi tròn trĩnh, trong veo, xanh đỏ đủ màu lăn nhanh trên mặt đất rồi đụng nhau kêu côm cốp làm Mẫn khoái quá đứng nhìn trân trối, thì ra tuổi nhỏ ở nơi nào rồi cũng giống nhau thôi, cũng biết bắn bi, đánh đáo. Hình ảnh cậu bé Mẫn ốm tong teo, trên người chỉ có cái quần đùi, buổi trưa trốn Mẹ chạy ra đầu xóm bắn bi cùng lũ bạn lại hiện về chớp nhoáng, Mẫn khoái nhất là lúc chàng thắng cuộc, cứ leo lên lưng những thằng thua, bắt tụi nó cõng chạy vòng vòng, thỉnh thoảng lấy hai chân húc vào mạn sườn thằng làm ngựa như tên nài chuyên nghiệp, thú làm sao! nhưng bọn trẻ ở đây chẳng có cái thú như chàng, vì ăn hay thua cũng chỉ có mấy viên bi làm chứng tích. Bất giác Mẫn thở dài, buồn bã khi nghĩ đến quá nhiều đứa bé nghèo khổ đang ở quê nhà, quanh năm suốt tháng chỉ có được mỗi bộ quần áo vải thô, càng không có thì giờ để chơi trò bắn bi, đánh đáo, nếu còn may mắn được đến trường học, khi tan trường các em phải phụ Mẹ giữ em, gánh nước, có khi phải đi đào sắn, trồng khoai, hoặc đi bán hàng rong, bươi đống rác tìm từng cái bao ny lông bẩn, từng cái chai hư đem bán để đổi lấy miếng cơm v.v…những viên bi xinh xắn dễ thương này làm sao các em tìm thấy, tất cả đã xa rồi…

Tiếng nhạc xập xình dồn dập, ầm ầm đưa lại càng lúc càng gần khiến Mẫn tò mò quay đầu tìm kiếm. Chàng đảo mắt, đây rồi, một cậu bé da đen cỡ tuổi mười ba, mười bốn đang vác trên vai một cái radio to tổ chảng từ từ tiến lại phía chàng, cậu ta đi mà cứ như đang lướt trên mười đầu ngón chân, dù chân cậu đang mang đôi giày ba-ta cao cổ, cậu ta nhún nhảy theo điệu nhạc, hai vai lắc lư lên xuống không đồng bộ, một tay đỡ chiếc máy, bàn tay còn lại thì uốn lên uốn xuống như con rắn đang trườn đi, cái đầu thì ngẩng lên, gục xuống, lắc qua đưa lại theo nhịp trống xập xình, hai con mắt thì lúc nhắm lúc mở, khi nhướn lên chỉ thấy toàn tròng trắng, cái miệng há to hát theo, để lộ hàm răng trắng nhỡn tuơng phản với khuôn mặt đen sì, mà cái điệu nhạc lại khó nghe làm sao, trống đánh ầm ầm, chàng ca sĩ (da đen?) hát không ra hát, đọc thì đúng hơn, chàng ta đọc tràng giang đại hải, vừa đọc vừa thở với một giọng đều đều nghe rất lạ, Mẫn lại liên tưởng đến tiếng cầu kinh của mấy người Hồi giáo cạnh căn chung cư của chàng, và nếu bỏ tiếng trống, và chàng ca sĩ kia thấp giọng một chút, mới thoáng nghe, dám có người lầm tưởng đó là tiếng cầu kinh đưa hồn người về bên kia thế giới.

Mẫn bật cười khan cho ý tưởng so sánh ngộ nghĩnh của mình, nhìn lại cậu bé da đen, sau một hồi đứng nhún nhảy, hình như không tìm thấy “fan” nên cậu ta lảng ra lối khác, Mẫn lắc đầu tự nhủ: may mà cái mục giựt giựt này trẻ con Việt nam ở đây không mấy thích (?), mặc dù đôi lúc chàng cũng gặp một vài cô cậu chẳng giống ai, người ngợm thì ốm tong teo, chân cẳng có một khúc, lại mặc cái quần rộng thùng thình, thắt lưng xệ quá rốn, ống quần dài thậm thượt kéo lê trên đất, đầu đã hai thứ tóc nửa đỏ nửa vàng dù còn rất trẻ. Mẫn thở dài, rời đám con nít trở vào nhà, nhìn vào đồng hồ tay đã gần mười giờ sáng :”Chắc giờ này ông ấy đã ngủ dậy, mình phải đến trao thư tận tay mới được, hy vọng sẽ gặp được ông ta!”Mẫn bước đi với nỗi buồn man mác đã quyện chặt hồn chàng từ những ngày xa xưa đó.

Ông Sang cựa mình, cố mở mắt nhưng vội nhắm lại ngay, ông cảm thấy cái đầu đau nhức một cách vô tả, như có ai cầm cái buá đập vào, và có người khác cầm mớ kim từng mũi từng mũi chích vào hai bên thái dương ông, ông cố nhướn đôi mắt, cùng lúc uể oải đưa hai bàn tay lên vuốt mặt một lượt, rồi ông kéo mạnh qua hai bên thái dương, chà xát một hồi. Sau khi vò bóp trên trán, ông cảm thấy hơi đỡ đỡ một chút nên cố nhoài người ngồi dậy, vừa định đứng lên ông lại ngã trở xuống giường, ông lại chống tay ngồi dậy, và ông đã rời khỏi giường trong trạng thái lảo đảo như đang bềnh bồng trên chiếc thuyền con vượt sóng ngày nào.
Những giọt nước ấm dội mạnh xuống người làm cho ông Sang cảm thấy dễ chịu đôi chút, đầu bớt nặng và người bớt lảo đảo, ngật ngừ. Làm vệ sinh buổi sáng xong là lúc chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường thong thả buông mười tiếng đều đặn, ông đi xuống phòng ăn để tìm chút gì lót vào chỗ bao tử đang cồn cào cấu xé. Ngang qua phòng đứa con gái lớn thấy cánh cửa khép hờ, ông thò đầu nhìn vô, con bé không chờ ông ở phòng ăn như ông nghĩ, mà nó đang nằm dài ở trên giường, tay cầm cái “phone” miệng nói tía lia, hai chân nhịp nhịp và đôi mắt thì dán chặt vào T.V, nghe tiếng động , nó bịt ống nghe, quay lại:
- Good morning! How are you, Daddy?
- Mệt!
Trả lời xong, ông Sang quay gót bước đi, con bé cũng chẳng để ý đến thái độ của cha, tỉnh bơ cầm điện thoại nói tiếp, nhìn vào phòng hai đứa con gái khác, chúng vẫn ngủ say với giấc ngủ thiên thần vô tư lự, muốn vào đánh thức chúng dậy, nhưng nghĩ sao ông lại lùi ra và khép hờ cánh cửa lại. Từng bước chân chậm chạp đi xuống cầu thang, đầu óc ông miên man suy nghĩ đến những chuyện đêm qua, nghĩ đến những người bạn cùng một thời “cầm súng chiến đấu” với buổi họp mặt đông vui, ôi thôi rượu vào lời ra có ngàn câu chuyện kể, và ông nhớ ông Trung, sang Mỹ với diện H.O, người bạn có biệt tài nói chuyện tếu, khiến cả bàn tiệc ai cũng ôm bụng mà cười, nhưng bạn ông đã không để cho ông vui trọn một đêm, trong lúc mọi người kéo nhau ra sàn nhảy, thì bạn ông đã kéo ông ra bên ngoài và hỏi đến gia cảnh của ông, bạn ông đã nhắc đến Trân, cái tên rất quen thuộc nhưng cũng rất xa vời trong cuộc sống hiện tại của ông. Cũng có đôi lần chợt thức giấc nửa đêm về sáng, những lúc “cơm không lành canh không ngọt”, bị bà vợ sau cằn nhằn, đay nghiến, ông bàng hoàng chạnh nghĩ đến vợ con ông còn ở lại nơi quê nhà, ông ray rứt vì bổn phận làm chồng, làm cha chưa trọn, ông xót xa, tủi hổ vì sự bội bạc của chính mình, ông ăn năn, hối hận muốn choàng dậy làm ngay chuyện phải làm, nhưng ông đã nhu nhược buông xuôi và quên mau trong chuỗi dài ngày tháng, với bao nhiêu thứ nợ chất chồng, từ nợ đời, nợ nhà, nợ xe, nợ nữ trang quần áo, nợ điện, nợ gas, nợ rờ-đit card, …ngần ấy thứ đã tiêu hao không biết bao nhiêu sức lực của ông, chưa kể đến ngày 8 tiếng dài nơi hãng tiện (không nói đến chuyện làm “over time”) rồi những giờ đi nhảy đầm cuối tuần, những giờ chạy vờn banh ngoài sân tennis, những giờ tụ họp với bạn bè, những chuyến du lịch xa trên thế giới, vòng quanh nước Mỹ v .v…nếu có rảnh ông dành thì giờ để ngủ bù cho những đêm về sáng bị cấu xé vì ghen tuông, vì những nhỏ nhen của người đàn bà, vì những trận giặc không tên, còn khoảng trống nào dành để nhớ những người thân yêu một thời giờ đã xa lắc xa lơ(?), thản hoặc có nhớ đến, ông lại an ủi chính mình:”Tại hoàn cảnh đất nước mà! biết bao nhiêu người họ cũng giống như ta nhưng họ vẫn thản nhiên vui sống.” vả lại người vợ ông bây giờ đã nhiều lần tuyên bố rằng “người xưa của ông” đã lập gia đình với tên cán bộ Cộng sản từ lâu, tin từ gia đình bà cho biết như thế, nên lương tâm ông lại thư thái ngủ yên. Nhưng tối qua, người bạn rất thân cùng đơn vị ngày trước, lại khơi nhằm dĩ vãng ông không muốn nhớ, hay sợ phải nhớ.”Bây giờ vợ con ông đang sống ra sao? “ Làm sao ông biết được vì ông đã không …được quyền liên lạc đã bao nhiêu tháng năm rồi. Bạn ông đã trách cứ ông rất nặng lời: “Tôi hỏi thử ông cho biết vậy thôi, chứ tôi cũng đã nghe vài người bạn nói qua hoàn cảnh của gia đình ông, của vợ con ông bên nhà. Thật ra thì tôi không nên xiá vào đời tư của gia đình ông, nhưng dù sao tui với ông cũng là những người bạn cùng sống chết một thời mà! Con gái ông có tội tình gì mà ông lại bỏ rơi nó? tại sao ông lại vô tâm đến thế, chỉ một món đồ chơi của đứa nhỏ ở đây cũng đủ nuôi sống vợ con ông suốt một tuần, chỉ cần một chai rượu đắt tiền ông uống trong một cuộc vui, con gái ông sẽ đổi được một lô áo quần lành lặn, chỉ cần một bộ quần áo đắt tiền của người đàn bà ở đây, vợ con ông sẽ có được một chỗ ở đàng hoàng, vì ai mà ông đã bán rẻ giá trị của NGHĨA –NHÂN, chỉ có một gia đình nhỏ ông không chu toàn làm sao có thể ngẩng mặt nhìn đời ?... bạn ông đã nói nhiều và nhiều lắm, và ông đã uống thật nhiều những giọt rượu đắng hay những lời đắng đã khiến ông váng vất lúc này."

Ông Sang ngồi đờ người trước ly cà phê đen, dĩa trứng tráng và hai lát bánh mì nướng ông tự làm lấy, vẫn nằm chơ vơ giữa chiếc bàn vừa dài vừa rộng nên nó thêm lạc lõng, đã mấy lần ông đưa lên miệng muốn nuốt vào cho bao tử đỡ xót, nhưng ông thấy miệng mình đắng chát, chả thiết uống ăn, vợ ông đã đi đâu mất tự lúc nào, nên căn nhà đã rộng càng thêm rộng. Sáng nay ông cũng không còn hứng thú để xách vợt ra sân, chắc những người bạn cũng sẽ không chờ…
- Reng! Reng!Reng!
Tiếng chuông gọi cửa làm ông Sang ngạc nhiên, từng bước uể oải đi về phía cửa với câu hỏi trong đầu: “Ai đến nhà mà không gọi điện thoại trước, hay là mấy tên bạn ngòai sân thấy mình không ra, nên kéo vào…?”
- Ai đó?
- Xin lỗi, tôi muốn gặp ông Sang!
Nghe hỏi đúng tên mình, ông mở chốt cửa trong, một người đàn ông trung niên, dáng người dong dỏng cao cúi đầu chào trong khi ông cố đưa mắt dò xét…
- Sang là tôi! Ông tìm tôi có…?
Ông bỏ lửng câu nói nhìn người khách chờ đợi.
- Trung úy không nhận ra tôi sao? người khách hỏi lớn qua khung cửa kính
- Anh là…
- Mẫn! Ngô minh Mẫn ở đường Hồng Bàng Nha Trang..
Ông Sang mở luôn cánh cửa kính ngoài và mời khách vào nhà cùng lúc bộ não làm việc thật nhanh - Đường Hồng Bàng? Mẫn! Chợt ông vỗ trán cái bốp, miệng nói nhanh:
- Mẫn! phải cậu Mẫn “tiếng sáo thiên thai” không? vào nhà chơi đi, sao, sang đây từ bao giờ? Sao mãi đến nay mới tìm đến tôi? Ông Sang vồn vã hỏi tới tấp, cứ như là “tha hương ngộ cố tri” thân tình lắm lắm.

Bước chân qua cánh cửa, căn phòng khách quá sang trọng làm Mẫn khựng lại, một bộ ghế nhung màu đỏ thẫm ôm trọn một vòng quanh ba cái bàn bằng đá nửa trắng nửa đen, nổi bật trên nền thảm màu ngà, một giàn máy hát đủ loại nằm chễm chệ cạnh cái tivi cỡ lớn, môt cái tủ kính chứa quá nhiều những chai dầu thơm đắt tiền, bức chân dung một người đàn bà quá khổ choáng một góc tường, nhiều và nhiều thứ nữa làm bước chân Mẫn ngập ngừng. Hai hình ảnh tương phản tức tốc chạy ngược xuôi trong đầu Mẫn, một bằng ký ức, một trực diện. Nhà ông Sang- Nhà Trân - nhà, hay đúng hơn nó chỉ là một cái chòi tranh vá víu lung tung, mái tôn, nền đất tại một vùng kinh tế mới, phải chi chị Trân có được một trong những món đồ này thì đâu đến nỗi…!
Thấy Mẫn cứ đứng tần ngần, ông Sang đưa người khách đến cái bàn lớn giữa nhà:
- Mẫn cứ ngồi chơi đi! Lâu lắm mới gặp lại được người quen trong xóm cũ làm tôi mừng lắm đó, quên cả mệt..
- Dạ trung úy chắc khỏe luôn? kể ra tìm nhà trung úy không mấy khó.
- Cứ gọi tôi là Sang đi, trung úy trung iếc gì nữa. Sao kể cho tôi nghe qua đây khi nào, ở tiểu bang nào? có đem theo vợ con gì không?...
- Cũng hơn một năm rồi, đi tù về lại phải ở vùng kinh tế mới mất mấy năm, may mà có diện H.O., tuy là H.O chót, hiện đang ở tiểu bang miền Bắc, hồi đó chật vật quá nên khó tính chuyện vợ con, nhưng khi biết mình được đi Mỹ cũng có nguời ...kết hộ để đi, bây giờ cũng đâu vào đó.
- Như vậy cũng tiện, vợ con đôi lúc cũng phiền!
Hình như biết mình lỡ lời, ông Sang vội đứng dậy đi về phía tủ lạnh, cầm lại hai lon bia đặt lên bàn, đẩy về phía Mẫn một lon, ông tiếp:
- Làm một lon cho ấm bụng rồi kể chuyện bên nhà cho tôi nghe với, tôi nhớ hồi đó ở xóm mình cũng vui ghê, nhất là khi tôi mới quen biết “nhà tôi”, tôi đã sợ tiếng sáo của cậu, sợ nhất là những đêm tôi đưa nàng về trễ, lại nghe cậu thổi bài “Tiếng sáo thiên thai”. À mà hồi đó cậu đang còn đi học phải không? Khi đám cưới tụi này thì không thấy cậu, Trân bảo cậu đã vào lính rồi. Ngày tôi đi tù về, không có dịp ra Nha trang, vợ tôi vào Sài gòn ở với tôi khoảng mấy tháng, rồi tôi vuợt biên, sang được xứ này, thời gian đã không dừng lại chờ ai, nhắm mắt lại, mở mắt ra chỉ còn là kỷ niệm…

Mẫn nhìn sững ông Sang, mới lần đầu tiên đến nhà sao ông lại dễ dàng tâm sự, lại nhắc đến ‘nhà tôi’, nhưng cũng ngần ấy năm, ông không hề tìm kiếm họ, động cơ nào đã khiến ông nhớ đến họ, chẳng lẽ mới nhìn thấy mình?
Thấy Mẫn lặng thinh, ông Sang tiếp:
- Nghe nói ở bên mình bây giờ nhà nước đã nới lỏng, đã cho ăn chơi thoải mái rồi, nên cũng dễ thở, dù rằng không giống được như trước 75 phải không?
Cảm giác khó chịu chợt ùa đến, một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, tự nén, Mẫn trả lời gia chủ:
- Xin lỗi! Tôi cũng chỉ là một tên tù lỏng, lại không có cơ may để hưởng thụ nên không biết gì để kể, hôm nay tôi tìm đến đây là do sự nhờ vả của môt người..
Chợt ông Sang chồm về phía Mẫn hỏi dồn:
- Lâu nay chắc cậu vẫn ở Nha trang? Và cậu có gặp mẹ con cuả Trân, bây giờ họ sống chắc cũng khá?
Mẫn thấy một luồng khí nóng đang len vào người, chàng cười khẩy, nhìn thẳng vào mặt ông Sang:
- Anh vẫn còn nhớ tới họ?
Ông Sang thở dài, cúi xuống cầm lon bia xoay qua xoay lại trên mặt bàn, những giọt nước lấm tấm từ trên thành lon rớt xuống tạo thành một vũng nước nhỏ, ông lấy tay vẽ nguệch ngoạc những vòng tròn vô nghĩa, Mẫn chăm chú nhìn ông ta với không biết bao nhiêu điều thắc mắc trong đầu, phải chăng ông ta đang tự hối, và chàng đang ngồi ghế vị quan tòa? Không! chàng chỉ là kẻ ngọai cuộc nhưng bất bình trước cảnh đời quá bất công.”Tội nghiệp cho Trân, cho cháu Trang, làm sao họ có thể tưởng tượng được cuộc sống quá giàu sang của người thân họ ở xứ này, chỉ cần một món đồ chơi, biết chừng đâu bịnh của Trân được chữa khỏi…” Giọng ông Sang lại cất lên:
- Hãy cho tôi biết gia đình của Trân bây giờ ra sao? Hồi mới qua tôi đã có ý định làm giấy bảo lãnh cho mẹ con nó, nhưng thình lình mất liên lạc, người nhà của tôi lại ở cả bên này, lại chẳng biết nhờ ai tìm kiếm, rồi thời gian có quá nhiều thay đổi, chuyện đến cũng đã đến rồi nên tôi đành lỗi đạo.
- Anh có hối hận cả ngàn lần cũng chẳng được gì vì tất cả đã muộn.
- Thì tôi cũng nghĩ thế nào rồi Trân cũng sẽ lập gia đình khác, và con Trang sẽ không nhận tôi là cha, vì tôi không làm tròn bổn phận, nhưng như vậy cũng hay, vì Trân còn trẻ đẹp mà!
Nghe câu nói trơ trẽn của ông Sang, cơn giận như thêm dầu vào lửa, chàng lớn tiếng:
- Anh tưởng rằng tất cả những người đàn bà hy sinh cho chồng ra đi tìm tự do, rồi họ ở lại lấy chồng khác, như những người đàn ông tệ bạc vừa mới sang chỗ ở mới đã có vợ khác thay vào sao?
Ông Sang chưng hửng ngó sững Mẫn, ông vớt vát:
- Nhưng Trân còn trẻ, còn đẹp, dạo sau này biết được nàng đã lập gia đình khác với tên cán bộ C.S, tôi thấy vậy cũng xong.
- Vâng; chính vì nét trẻ đẹp của chị ấy đã giết lần mòn cuộc sống của chị, chị luôn sống trong hy vọng đợi chờ, chờ đợi để được đoàn tụ với người chồng tình nghĩa, cũng chính vì nét trẻ đẹp và lòng chung thủy của chị ấy mà đã bị sự trù dập của bọn cán bộ địa phương, đến khi nhắm mắt, xuôi tay cũng không có được sáu tấm ván lành lặn để ấp ủ nắm xương tàn! Làm sao chị có được gia đình nào để dung thân? Và kẻ nào đã quá nhẫn tâm bôi bẩn sự trung trinh của chị ấy?
- Sao? cậu nói sao? cậu nói Trân đã chết rồi à?
Ông Sang chồm hẳn người gần như nằm lên bàn, níu hai vai Mẫn lắc mạnh.
- Phải! chị Trân đã mất, trước khi tôi đến được xứ này!
Ông Sang gieo người xuống ghế, hai tay ôm lấy mặt, ông buồn? ông đau đớn?Lương tâm ông đã nói gì với ông khi nghe tin người vợ trẻ bị ông bỏ rơi từ bấy lâu nay đã không còn sống trên cõi đới này. Sự mất mát, đau đớn có thực sự đến với ông , hay chỉ là một xúc động nhất thời, rồi đâu lại vào đó với người vợ sau, với những tiệc tùng, những cuộc vui…? Mẫn muốn hét vào tai ông Sang thật nhiều, rằng ông có biết không, ông đã nhẫn tâm bỏ rơi một người đàn bà trẻ đẹp, mà dạo nào ông đã khổ công, khó nhọc lắm mới cưới được nàng. Người con gái độc nhất, con nhà quan, vừa đẹp lại ngoan hiền đã là ‘đối tượng’ của khối chàng trai trong thành phố, kể cả bọn học trò như Mẫn. Từ những buổi tan học, bọn Mẫn mấy thằng cứ đứng chờ trước cổng trường Nữ trung học, để thấy người nữ sinh áo trắng từ từ yểu điệu bước lên chiếc xe jeep nhà binh, có cái ông tài xế nét mặt hầm hầm, xoay một vòng vô-lăng xe, đạp thắng kêu “rét-rét”, lại nhấn mạnh chân ga , chiếc xe vọt đi để lại cho bọn học trò một đám bụi mù. Khi vào đại học, Mẫn không còn cơ hội gặp nàng, vì nàng đã có ông Sang, Trung uý huấn luyện viên ở một trung tâm huấn luyện quân sự trong thành phố. Lần được tin Trân lên xe hoa, Mẫn đã đập bỏ ống sáo và đi vào đời lính. Vậy mà Trân đã phải sống cuộc sống quá vất vả từ những ngày đau thương đó. Một gia đình tan nát. Chồng, Cha vào tù, Cha chết, Mẹ rầu rĩ cũng theo gót ra đi, cũng như sự ra đi của người chồng không hề quay nhìn lại. Mang tội danh gia đình Ngụy, thêm tội có chồng vượt biên, và dù có con còn quá nhỏ, nhà Trân, căn biệt thự xinh xắn ở đường Hồng Bàng đã bị tịch thu, bị đẩy đi vùng kinh tế mới Đồng bò. Lúc Mẫn đi học tập về, tìm đến gặp Trân để thấy một Trân xanh xao, gầy còm, tiều tụy với gánh rau muống trên vai làm kế sinh nhai. Nhưng số Trân không thọ, dù được những bà con cùng cảnh ngộ giúp đỡ hết lòng, áng mây buồn đã tan biến trước ngọn phong ba. Trân chết đi ngoài con Trang khóc, ông Năm khóc, cô Mùi khóc, tất cả mọi người trong xóm đều khóc, nhưng có một người khóc không thành tiếng, đó là chàng. Mẫn thấy mình bất lực, bất lực như ngày nào còn cầm khẩu súng trên tay, chưa nhả hết băng đạn vào trán kẻ thù, phải đành buông súng thúc thủ chờ chúng trói. Tên ‘Thiếu uý quèn’ mà cũng mất hơn năm năm trời trong mấy trại “tù cải tạo’ từ Cà-Tum qua đến Bù gia Mập và thêm bốn năm tám tháng nằm tù vì tội “cấu kết phản động” tại tại giam “Trần Phú”.
- Cậu Mẫn có biết bây giờ con gái tôi nó ở với ai không? nó cũng đã lớn rồi, không biết nó làm gì để sống?
Ông Sang kéo Mẫn trở về thực tế. Chàng rầu rầu:
- Đó là lý do tôi vượt cả ngàn cây số để đến đây, cháu Trang muốn nhờ tôi trao đến tận tay ông một lá thư, nó biết có gửi đến địa chỉ nhà của ông, ông cũng sẽ không bao giờ nhận được. Đây, ông hãy đọc đi xem nó nói gì!
Mẫn rút trong túi áo ra một bì thư xanh, lá thư mới nhìn cũng biết xuất xứ từ đâu. Chàng cũng kiếu từ ra về mặc cho ông Sang cầm giữ.

Đêm đã xuống từ lâu, nhưng bữa cơm chiều ông Sang vẫn chưa sờ mó đến, ông ngồi bất động trước bàn viết, thẫn thờ nhìn vào cái chụp bóng của ngọn đèn bàn và tờ thư, tờ thư vàng vọt, mỏng manh như hình hài đứa con gái viết bức thư mà ông đang cố công mường tượng. Tiếng quát tháo, la hét, chửi bới của bà Đức- vợ ông, đã im hẳn tự lúc nào, người đàn bà có tính tình đi ngược với cái tên, và nếu đem so sánh sắc đẹp với vợ ông ngày cũ, thì người đầu kẻ cuối, Bà biết ông đã có vợ con, vì bà cùng xứ với vợ ông, học cùng trường nữ trung học với vợ ông, và ngày mới đến Mỹ, khi những người quen biết cũ gặp lại xứ này, thì bà đã là người giúp ông đi tìm mua nhũng nhu cầu cần thiết trong cuộc sống mới, ngay cả việc mua những lon sữa “guigo” gửi về cho con ông mới tròn tuổi ở bên nhà, nhưng không hiểu tại sao ngày đó ông lại vội vã đút đầu vào chiếc thòng lọng bà giăng sẵn, có phải vì sự thiếu thốn của người đàn ông xa vợ, và bà thì có dư thừa bí quyết để thành công(?). Ông ở với bà chưa tròn sáu tháng thì đã có đứa bé đầu tiên ra đời, rồi hai đứa nữa lần lượt chui ra, níu chặt chân ông, và ông đã mù quáng nghe theo lời ton hót của bà đến nỗi quên bẵng mình đã từng có cả vợ lẫn con, đứa con gái mà ngày ông trốn chui trốn nhủi xuống thuyền vượt biển nó chỉ mới tròn hai tháng tuổi, èo uột khó nuôi, và mãi đến hôm nay, những nét chữ nghiêng nghiêng, xiêu vẹo như dáng đứng của những người đàn bà ốm yếu- vợ ông-con ông lại hiện diện truớc mặt khiến ông ray rứt ngậm ngùi, cứ mỗi lần đọc thư là tim ông như thắt lại, và ông đã đọc không biết bao nhiêu lần. Bị dằn vặt lương tâm, ăn năn thống hối, hết ngó vào ngọn đèn, ông lại ngó sững lên vách tường, hình như có một vết nứt dài dội ngược vào mắt ông, càng lúc vết nứt càng rộng ra, và ông cố đưa hai tay cầm giữ nó lại, ông càng níu, càng muốn lấp kín vết nứt chừng nào nó càng bung mạnh ra, đôi tay ông run lên, trước mắt ông là những vòng đôm đốm quay cuồng, ông ôm đầu gục xuống bàn, nhưng những chữ viết trong tờ thư đang hiện lên mồn một:

Nha trang ngày.. tháng..
Kính thưa ông,
Tui là Trang, đáng lý ra tui phải gọi ông bằng tiếng “Ba” như lời của Ông Năm và cô Mùi biểu, ngay cả chú Mẫn trước khi đi cũng đã dặn tui, nhưng sao tui thấy khó quá, khó nhiều so với lần đầu tiên tui đi cuốc đất sỏi để trồng bó hom mì. đáng lẽ ra tui cũng không muốn viết thư cho ông làm gì, nếu tui không nghĩ tới lời Má tui dặn trước khi bã gần chết: "Má đã có địa chỉ cuả ba con, con phải viết thư cho ổng, dù gì ổng cũng là Ba con!” thiệt tình tui không muốn làm Má tui buồn nữa, vì lúc sống bã đã buồn quá nhiều rồi, nhưng mà tui không hiểu tại sao nguời lớn cứ nói và làm không giống nhau, như cái chỗ tui ở đây, đi đâu cũng thấy mấy hàng chữ: "Độc lập -tự do- hạnh phúc-ấm no” mà tui có thấy ấm no gì đâu, còn Má tui hay ông Năm với cô Mùi cứ nói ”dù sao ổng cũng là ba con” vậy chớ từ lúc ông đi tới giờ ông có biết là ông có một đứa con không? như cha thằng Tấn ở bên nhà tui đây, ba nó cũng đi Mỹ như ông khi nó còn rất nhỏ như tui, vậy mà mấy năm trước nó được lên máy bay qua Mỹ ở với cha nó, đừng nói chi hồi còn ở nhà nó có đủ thứ đồ chơi, quần áo, cả kẹo cao su mà nhai nữa kià. Ông Năm nói chắc tại Ba nó lúc trước chỉ là lính Binh nhì thôi, họ có đời sống cực khổ, nên Ba nó thương mẹ con nó mãi, nhưng tui đâu nghĩ vậy, đáng lẽ ba nó ít học giống như tui bây giờ, thằng Tấn nói ba nó ngày xưa vì nhà nghèo nên không được đi học nhiều nên chỉ đi lính trơn mà thôi, còn ba mày có học nhiều nên đi lính làm tới chức trung uý lận.
Nghĩ lại mà thương Má tui biết chừng nào, Bã đau nặng mà đâu có nhiều tiền để mua thuốc, ở đây vô nhà thương hổng có tiền đưa cho bác sĩ, họ đâu có chữa bịnh cho mình, mà Má tui thì bị sốt rét nặng, chớ đi kinh tế mới mà không bịnh sao được, má tui ốm giống như cái cánh con chuồn chuồn, vậy mà cứ rán chờ tin ông, may ra ông gửi dìa cho ít thuốc men uống cho hết bịnh. Thiệt rõ ràng cái địa chỉ chú Mẫn đưa cho Má tui mà, làm sao sai được, bạn chú Mẫn còn nói ông ở trong cái nhà thiệt bự, lái cái xe hơi cũng sang giống mấy ông cán bộ lớn bên này, Má tui đã mượn tiền ông Năm để mua tem gửi ba cái thư lận, vậy mà đến khi gần chết Má tui cũng cứ chờ, may ra có thuốc của ông gửi cho để Má tui sống mà đi làm ruộng rau muống nuôi tui, Má tui còn van vái trời Phật phù hộ cho ông nữa, Bã tin vào Phật lắm, mà tui nghĩ cũng có tội với Má tui nhiều, có một lần tui thấy bã ôm một cái gói ra đi, tui hỏi bã đi đâu, Má không chịu nói, tui nghĩ bã đi chơi mà dấu tui, suốt mấy ngày tui giận không nói chuyện với bã, tui thấy bã cũng buồn lắm mà hỏi gì tui đâu có nói, tới bữa ngày rằm kia tui thấy cô Mùi cũng ôm cái gói rồi qua rủ Má tui đi, tui lén đi theo, đi xa lắm, thì ra Má tui đi vô chùa, bã bận áo dài lam rồi mới lạy Phật, cái áo dài đó Má tui giữ kỹ không chịu bán như mấy cái khác. Từ đó tui thấy thương Má tui quá chừng, tui hứa là tui không làm bã buồn nữa, vậy mà Má tui cũng bỏ tui mà đi. Lúc này tui cũng có chiên bánh tiêu bán, có thêm chút tiền để mua gạo ăn đủ ngày hai bữa, với lâu lâu chú Mẫn có gửi tiền Mỹ về cho. Tui cũng không muốn viết dài cho ông làm gì, vì cũng tốn giấy lắm, phải viết nháp nữa mà, với lại ông Năm nói con Trang mầy viết chữ như gà bới, lại nói lung tung, rồi câu kéo không ra gì hết, có viết nhiều chắc chi thằng cha mầy nó đọc, chắc ông Năm nói cũng đúng, nhưng tui nghĩ nếu lần này tui không viết thì không biết đến bao giờ chú Mẫn có thể đưa thư tới tay ông, tui phải nói cho ông biết tui là con Trang, con của ông, ông Năm nói tại cha mầy tên Sang, đặt cho mày tên Trang, nên tất cả bị lật qua một bên hết, như cái phim “quyển vở sang trang” họ chiếu trên truyền hình tui coi được ở nhà ông Năm, Ông Năm nói “ba mày có ăn học nhưng thiếu tình người, không có thủy chung”, không biết có đúng không. Cũng tại số Má tui xui nên ông bà ngoại tui chết sớm, rồi bã cũng chết non, chớ tui không dễ gì chết đâu, vì từ nhỏ tới giờ tui khổ quen rồi mà, chỗ tui đang ở là vùng kinh tế mới Đồng bò, toàn là người nghèo khổ không hà, nhưng bây giờ không biết tại sao người giàu lại kéo lên, người ta bắt đầu xây nhiều nhà đẹp lắm, nghe nói mấy người đó ở bên Mỹ về mua, ông Năm nói mấy người nghèo chắc sắp bị đuổi đi nữa, rồi mai mốt tui không biết phải đi đâu, phải chi Má tui đừng đẻ tui ra thì tui đâu phải khổ như dầy, chắc tui phải khấn vái Má tui nhiều nữa để bã phù hộ cho tui có được cơm ăn ngày hai bữa, đừng bị đuổi nhà và cũng phù hộ cho ông được sống lâu trăm tuổi.
Chào ông.
Tui là Trang con của ông!



Lê Thị Hoài Niệm

Không có nhận xét nào: