post lại bài:
NGƯỜI LÍNH KHÔNG QUÂN NĂM
CŨ.
Lê Thị Hoài Niệm.
Như thông lệ hằng năm,
gần đến giờ giao thừa, chị em tôi sẽ đi sang Tháp Bà để hái lộc đầu năm, xem
người đi lễ rồi trở về nhà xông đất. Hồi tối anh H., bạn của anh tôi, có hứa sẽ
đem xe jeep đến đưa đi, nên cả bọn mặc quần áo thật đẹp, ngồi sẵn trước cửa chờ
xe. Gì chứ mục “hái lộc đầu năm” ngoài Tháp Bà luôn lôi cuốn bọn choai choai tụi
tôi. Đi hái lộc thì ít, vì mấy cây cổ thụ có cành lá cao ngồng mấy ai vói tới,
cây nào ven đường đi thì bị…vặt ráo trọi rồi từ mấy bữa nay rồi, nhưng đi chen
lấn mới là mục đích của chúng tôi. Đêm Giao Thừa người đi lễ đông lắm, nam phụ
lão ấu gì cũng có cả, gặp người quen chúc mừng rôm rả cũng vui. Nhưng bọn tôi
cũng khoái xem mấy ông …Thầy Bói giải mấy lá xăm Thượng-Hạ của những người vừa
mới khấn nguyện “lắc xăm”, dù rằng tụi tôi không có can đảm chen lấn vào bên
trong Tháp để xin quẻ xăm lúc giao thừa sợ thở không nổi, và sợ bị …mất dép.
Nhìn mấy ông “Thầy” làm
ăn khấm khá mấy ngày gần Tết và sau Tết mới thấy mừng cho họ. Không biết quý Thầy
có ngón nghề nào chân chính không? chứ với khoảng sân tối mờ mờ, ngọn đèn điện
từ vách Tháp rọi xa xa không rõ gì mấy, mà người lượn qua lượn lại khá đông,
làm sao họ chú tâm? nhưng nhờ cái bàn ngồi của họ cũng đâu vào đó nên ra vẻ lắm.
Chỉ cần vài quyển sách…Hán tự, có chữ viết kiểu Tàu mà mấy đứa học tiếng Việt
chẳng biết nói cái chi chi, rồi năm ba tờ sớ màu vàng vẽ ngoằn ngoèo nằm chễm
chệ trên bàn, với ngọn đèn dầu mờ mờ ảo ảo có vẻ huyền bí, linh thiêng, có bàn
còn thêm cái lư hương đốt trầm tỏa mùi hương thoang thoảng, với người đàn ông mặc
cái áo chùng thâm, đội khăn đóng đen với cái kính cận trên mắt là ra …Thầy rồi.
Dù rằng bên duới bàn, với đôi chân chắc cũng khẳng khiu như đôi bàn tay, lại được
phủ cái quần màu cháo lòng và đôi dép Nhật(?) là đủ cho các bà các cô “tin tưởng”
nhờ giải quẻ xăm rồi. Nhiều lúc đi ngang nghe…lóm họ giải xăm kiểu ‘huề vốn” tức
cười quá mà chẳng dám cười, sợ bị mắng vốn. Nhưng không có họ ở những nơi tụ tập
“linh thiêng” như thế này, những ngày Xuân mất ý nghĩa, trong khi mấy Thầy đồ
viết câu đối chỉ xuất hiện ban ngày và trong sách vở mà thôi.
Trong lúc mấy bạn của
anh tôi đang chạy theo mấy trái khói màu, do họ thả sáng cả con đường trước
nhà, khiến những đứa trẻ trong xóm cũng tụ lại mà chạy theo la ó, cổ võ om sòm,
làm rộn ràng cả khu phố nhỏ, có lúc “bị” xe quân cảnh chạy ngang lên tiếng…cấm
đoán không được thả nữa, nhưng mấy ông Lính với nhau mà, họ cười hề hề chờ khi
xe quân cảnh đi rồi thì đâu lại vào đó. Vả lại những trái khói màu này được mấy
anh “xin” từ bên ban “vũ khí” bạn ngoài bãi tập, cứ thỉnh thoảng họ xin vài
trái và để dành cho “đêm giao thừa” về nhà thắp sáng mừng Xuân mới.
Chờ hoài không thấy anh
H. đưa xe đến, mấy đứa em tôi nóng ruột và cứ đi tới đi lui, có đứa còn ra tận
ngả ba đường xem có bị kẹt gì không mà sao xe không thấy đến? Đang lóng ngóng
thì nghe nhiều tiếng… nổ, ban đầu tưởng người ta đốt pháo sớm. Nhưng tiếng nổ
nghe lạ lắm, gần giống như tiếng súng, Anh tôi và mấy người Lính bạn bảo thế. Họ
ngạc nhiên hỏi nhau sao lại có nhiều tiếng nổ lạ? trong khi đêm giao thừa có lệnh
“hưu chiến” từ hai bên, nên những người Lính mới được về nhà đón giao Thừa? Cả
đám đang ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra, khi thấy ở đầu đường bắt đầu có
người nhốn nháo chạy tới chạy lui, thì ông bác sĩ Hà Thúc …, người đang ở căn
nhà đối diện, sà ngay cái xe Vespa lại và la lớn:
-Mấy cô cậu vào nhà
nhanh lên đi, Việt Cộng về chạy đầy đường P.H. kia kìa! Tôi từ bệnh viện về đây
mà đã bị kẹt đường, vì có quá nhiều người chạy bạt mạng trên đường, họ còn có
trang bị vũ khí nữa, đừng ra đường bây giờ rất nguy hiểm, vô nhà ngay đi, đóng
cửa lại!
Việt cộng về? chuyện gì
lạ vậy? nhất là mấy ông anh sĩ quan huấn luyện viên ở quân trường, người nào
cũng trợn mắt ngó nhau, và không ai có câu trả lời cho nhau mãi đến khi nghe
quá nhiều tiếng nổ từ khu Máy nước gần nhà nhất, nên cũng….hoảng kinh và chạy hết
vào nhà để…nghe ngóng tin tức…
Đó là đêm giao thừa của
Tết Mậu Thân. Một đêm dài thật dài sợ hãi với nhiều tiếng súng nổ khắp nơi, khi
ở đài phát thanh không còn phát đi những giọng ngâm thơ “Tao đàn” giữa đêm về
sáng, không còn nghe giọng ngâm thơ thật điêu luyện của Hồ Điệp, của Mai Hiên,
của Hoàng Oanh, Đoàn Yên Linh,v..v..và tiếng sáo trúc réo rắt, ru hồn của Tô Kiều
Ngân với những bài thơ tình thắm thiết, những bài thơ nói lên tâm tình của người
Lính trận miền xa gửi về cho người em nơi…hậu tuyến. Không có tiếng pháo mừng
xuân nổ râm ran làm rộn lòng người và sau đó là bài “Ly rượu mừng” rộn rã của
N/S Phạm đình Chương với những tiếng hát nhịp nhàng, thánh thót của ban hợp ca
Thăng Long. Không còn nghe lời hiệu triệu của TT gửi cho toàn dân cả nước, thay
vào đó là những tiếng súng nổ, và đài phát thanh thì phát nhạc hùng từng chập.
Sáng sớm mồng một,
Trong lúc anh tôi và bạn của anh chuẩn bị trở về lại đơn vị, thì tôi cùng cậu
em nhỏ xách xe chạy ra phố, mặc dù ba má “cấm đi”, vì sợ hai bên còn …đánh
nhau, dễ bị tên bay đạn lạc. Nhưng tánh tò mò vẫn thôi thúc, vả lại trên đường
phố cũng đã có người đi lại nhiều rồi, nên chị em tôi vẫn bạo gan đi xem thử. Từ
nhà chạy hết con phố ra ngay ngả sáu, chạy hết con đường Bá Đa Lộc và chạy về
khu vực Ty bưu điện gần tòa Tỉnh, quang cảnh đập vào mắt chị em tôi là những
“thi thể bộ đội” trẻ măng, mặc “đồng phục” kaki vàng ngắn tay và quần short, nằm
sóng soài trên vũng máu, có người nằm sấp, kẻ nằm cong queo nhiều và nhiều lắm.
Chắc có “lính mình” nhưng đã được đưa đi nhà thương hoặc nhà xác? (Về sau mới
biết bọn cộng sản được lệnh về để “tiếp quản” thành phố, nên chúng có mặt trên
Chùa Phật Học, ngoài Tháp Bà, khu tòa Tỉnh gần bưu điện, nhất là khu Đài phát
thanh, và chúng cứ đi tự nhiên như vào chỗ…không người, mãi đến khi những đơn vị
phòng thủ phác giác, họ đã đánh nhau kịch liệt nên bọn chúng chết nhiều vô kể).
Sợ quá nên chị em tôi
phóng vội về nhà, thì gặp đoàn xe nhà binh chở đầy Lính với quân trang súng ống
đầy người, và họ thả từng tốp, từng tốp xuống canh gác trên những góc đường.
Thì ra họ là những người SVSQKQ, sẽ là Lính "đi mây về gió", đang thụ
huấn trong quân trường NT, và ngay trước cửa nhà tôi cũng có mấy ngưới Lính được
thả xuống. Trong số đó có Anh.
Trong lúc tôi ngạc
nhiên sao có sự “trùng hợp” hy hữu khi anh đã được phân phối giữ an ninh tại
khu vực nhà tôi, thì anh lại nheo mắt ngó tôi cười mỉm chi rồi lên tiếng:
-Hết dấu được nữa rồi nhé cô bé !
-Ai mà dấu anh làm gì,
nhà tôi ngay phố đây này, anh đã biết rồi đó..
-Xem như hôm nay…xui mà
hên!
Tôi dắt xe vào nhà mà đầu
óc lại nghĩ đến ông SVSQKQ đang đứng gác ngoài cửa mà cười hoài. Nhớ lần đầu
tiên gặp anh tại nhà chị Ng, người chị học cùng trường trung học công lập trong
thành phố nhưng trên tôi một lớp. Chị nguyên là người miền sông nước Hậu giang,
ba má chị làm ăn buôn bán ngoài này, nên cả gia đình dọn hết về để cho chị và mấy
người em dễ dàng đi học. Một lần chị bảo tôi thử đoán xem cái làng quê của chị
tên gì, từ những phần trên khuôn mặt. Gì kỳ vậy? trên khuôn mặt thì chỉ có mắt,
mũi, má, miệng…thì làm sao có cái tên làng? Vậy mà có đó! Chị bảo tôi khi hả họng
ra sẽ thấy gì? Răng và lưỡi. Ừ thì làng chị có tên là…Cái Răng! hahaha. Lần đó
tôi cười quá mạng và cũng nhớ đời tên làng quê mộc mạc của chị.
Bữa đó nhà chị Ng. có
đám giỗ, chị kêu tôi ghé qua chơi đúng giờ khách khứa nhà chị về gần hết. Chơi
gì mà chơi, đi ăn giỗ rõ ràng mà! Vì chúng tôi thân nhau, nên mỗi lần tới nhà
nhau, cái mục chưa thấy hình ảnh đã nghe âm thanh là chuyện thường tình. Khi bước
vào nhà trên chẳng thấy ai, tôi bèn ngâm nga “Tai nghe có đám giỗ gần, trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”!
Chưa dứt câu đã nghe nhiều tiếng vỗ tay từ nhà dưới và vài tiếng cười nho nhỏ
kèm theo.
Trước mắt tôi, trên bàn
ăn, ngoài chị Ng, còn có ba ông SVSQKQ với bộ quân phục đi phố màu vàng ngồi chễm
chệ ở đó. À thì ra bữa nay là chiều thứ sáu, nên những người SV này có thể ra sớm,
chắc để ăn đám giỗ?.
Quê thật là quê, mà
không có lỗ nẻ nào để chui, tôi đành trơ mắt ngó mấy ông mà …quên cả chào hỏi.
Chị Ng. nhìn tôi cười
và giới thiệu tôi cho ba ông SVKQ xa nhà. Gì chứ mục quen với mấy ông
lính ở quân trường, tụi học trò chúng tôi…rành quá. Mấy ông đến đây học, nếu có
gia đình, thân nhân, bạn hữu, thì những ngày cuối tuần có nơi chốn để…về, còn
không có, đích thị là con bà phước, nên khi quen được cô gái nào là may mắn lắm.
Dù mai kia mốt nọ có nên duyên thì âu “cũng là cái số”. Còn không thì cũng đỡ
buồn những chiều cuối tuần khỏi lang thang ngoài phố mình ên (?).
Anh là người cùng quê với
chị Ng, người miền sông nước hậu giang nên nói chuyện rất tự nhiên và cũng cởi
mở lắm, nhất là anh lại là một “Huynh trưởng gia đình Phật Tử”. Chả bù với hai
ông bạn người Huế đi cùng, họ thật ít nói, mà khi họ nói câu gì thì tôi cũng ú
a ú ớ, phải lắng tai nghe kỹ mới biết họ nói cái chi chi. Không quen nghe giọng
Huế đó mà.
Thỉnh thoảng tôi cũng gặp
lại anh, khi thì nhà chị Ng., nhưng thường là ngoài bãi biển cuối tuần, khi cả
đám bạn chúng tôi có giở rảnh, kéo nhau ra ngoài đó…phá mấy ông
SV Hải quân, SV Không quân… chơi. Thành phố của Lính mà, nhất là Sinh viên từ
các quân trường. Nhưng lần nào lỡ gặp anh, tôi cũng hỏi vài ba câu xã giao và
phóng lên xe đạp dọt lẹ, chẳng dám đùa.
Chị Ng. vài lần hỏi tôi
có muốn cho anh số nhà không? Vì anh nhờ chị hỏi dùm. Nhưng không đâu, tôi biết
chị Ng. thương quý anh lắm. Nhiều lần chị thổ lộ tâm can rằng chị muốn cho anh
biết tình cảm của chị, nhưng sao thấy anh lơ lơ, nên chị đành câm nín. Ngoài
tình cảm của “người đồng hương” anh dành cho chị, thì tình cảm giữa hai người
khác phái anh đang gửi đâu đâu. Biết chuyện của họ, tôi không…ngu gì mà chui đầu
vào để làm khổ người bạn thân thương của mình.
Và hôm nay, Trời xui đất khiến gì mà anh lại
đi đứng gác, giữ bình yên cho khu phố nhà tôi sau một đêm cộng sản xâm nhập, tấn
công nhiều nơi trong thành phố. Khỏi cần hỏi, anh cũng đã biết địa chỉ nhà tôi,
nên sau mấy ngày …đứng gác, anh đã là khách cuối tuần một lần đến viếng nhà
tôi, và thỉnh thoảng buổi tối, anh “chui hàng rào” khoảng đầu đường số năm (Vân
Đồn) ra thăm nhà tôi xem có gì khác lạ.
Anh ghé nhà tôi thường
là vào sáng chủ nhật. chúng tôi ngồi nói chuyện… đùa giỡn, thỉnh
thoảng cả đám anh em nhà tôi cũng rủ anh đi xi nê ngoài phố Độc Lập. Tuy quen biết
với
anh,
nhưng tôi không thấy thoải mái chút nào, mỗi lần nói chuyện tôi đều nhắc đến chị
Ng., nhưng anh cứ tảng lờ, làm câu chuyện của chúng tôi mất phần…hào hứng. Nhiều
bữa tôi rủ chị Ng. lên nhà tôi sáng chủ nhật để đi phố, nhưng thật ra để chị gặp
anh. Sự quen biết giữa chúng tôi cũng lưng chừng đến đó, mãi đến khi anh về Sài
gòn để chuẩn bị đi du học bên Mỹ.
Từ thành phố Lackland,
anh cũng có gửi thư về cho tôi hình như nhiều hơn chị Ng. Tôi thuơng chị ấy về
mối tình một chiều của mình, nhưng không biết cách nào để họ thật sự đến với
nhau. Vả lại đứa nào cũng phải học thi, nên bù đầu bù cổ học bài, chị thì quyết
chí cho xong bậc trung học để về Sài gòn học đại học, còn tôi cũng phải trót lọt
kỳ thi phần một để đi lên năm cuối. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được vài gói quà
nho nhỏ từ Mỹ như hộp bút bi (hồi đó quý lắm), thỏi son môi, hộp bút chì sáp vì
anh biết tôi thích vẽ. Nhưng tất cả không dám đem khoe với chị Ng., ngại chị buồn.
Có lẽ thấy tôi chậm chạp
hồi âm thư, hay anh biết tôi chẳng mặn mà gì về mối tình “Em hậu hương, Anh tiền
tuyến”, nên ngày anh về nước nhận nhiệm sở, anh đã chọn được phi đoàn ở miền
Tây, quê hương xứ sở của anh. Khi được anh cho biết tin, tôi cũng chỉ chúc cho
anh “Vạn sự cát tường” vào mùa Xuân năm đó. Chỉ thương chị Ng. mãi mãi ôm mối
tình câm, vì sau vài năm làm người lính đi mây về gió, anh đã kết “thuyền hoa”
rước người khác phái về đan khăn choàng cổ cho thêm chút điệu đàng…
******
Mấy năm trước tôi về
thăm nhà, đến thăm chị Ng., chị vẫn một mình một bóng trong căn phố rộng sau
khi về hưu không còn làm giáo sư môn anh văn nữa, hiện làm bạn với chú chó con
rất dễ thương. Ba má chị mất lâu lắm rồi, người anh lớn cũng đã mất, người em
gái đã đi lấy chồng xa. Tôi có hỏi thăm tin tức về “Người Lính Không quân năm
cũ”, mà chị đã từng dành nhiều tình cảm cho. Chị nói “biệt tin Người” từ những
ngày tháng đó, nhưng chị có về lại làng xưa vài năm sau để hỏi thăm, thì đưọc
biết anh đang bị "tù cải tạo" tận miền Bắc xa xôi không biết ngày về,
và sau đó bặt tin luôn. Tôi cũng chia buồn với chị chứ đâu biết nói gì hơn.
Năm rồi, tôi sang Ca họp
bạn, vợ chồng người bạn đón tôi từ phi trường về nhà họ để trú ngụ. Nhưng trước
khi về nhà, chúng tôi ghé vào một tiệm phở để ăn tối.
Dù đêm tối, nhưng tiệm phở vẫn còn đông người, nhất là trong một góc phòng, có một nhóm người đàn ông mặc đồ dân sự và cả quân phục không quân, họ nói chuyện râm ran và có vẻ đang bàn luận về một vấn đề gì đó mà hơi xa nên chúng tôi không nghe rõ lắm.
Ông chủ tiệm qua bàn chúng tôi chào hỏi, vì
người bạn đi cùng có quen biết, ông cho hay đó là nhóm lính không quân xưa đang
hội họp để chuẩn bị cho tổ chức gây quỹ, nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ cho những
người Thương phế binh năm cũ còn kẹt lại ở quê nhà.
Người bạn và ông chủ quán nói chuyện với
nhau, họ nhắc tên những người đứng ra tổ chức bữa gây quỹ đó, có một người có
tên tôi nghe hơi quen quen, mà lại là pilot năm xưa, không lẽ là “người không
quân năm cũ”?
Tôi buột miệng hỏi ông
chủ quán về tên người đó, vì dù gì cũng là...người quen cũ mà. Sau bao nhiêu
năm đã bặt tăm hơi, biết đâu giờ gặp lại cũng còn vài kỷ niệm để...nhắc nhở?
Ông cho biết đúng rồi và nói ông ấy vừa rời khỏi để đi về nhà có việc cần gì
đó. Ông hỏi tôi “bộ chị có quen sao?” Rồi thao thao bất tuyệt về những công việc
người đó đang làm, rằng ông sinh hoạt hăng hái lắm.., và kể luôn cả gia đình với
người vợ…ghen tàn bạo, (chắc ông đi sinh hoạt nhiều nên có quý nữ lưu...chiếu cố?)
rồi nói chị đừng có hỏi thăm làm chi, nếu chị không... thân tình lắm. Ông kết
luận cứ y như sắp sửa có màn đánh ghen trong …tiền kiếp!
Trời đất! Ông làm tôi
nhụt chí và thầm nhủ phải chấm dứt ngay chuyện muốn tìm thăm lại người Lính
Không quân năm cũ, dù vợ người bạn của tôi góp ý là cứ đến thăm nếu muốn, vì
mình từng là bạn cũ mà! Nhưng thôi, thăm hỏi để làm gì vì đâu còn chị Ng, để
báo tin cho chị.
Lê Thị Hoài Niệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét