Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

 

LỜI CẢM ƠN MUỘN MÀNG

Lê Thị Hoài Niệm.









Tuyết rơi từ đêm qua đến sáng nay vẫn còn tiếp tục, những hạt tuyết mỏng manh bay bay trong nắng nhẹ, vậy mà vẫn ngập kín đường, ngập gần như nửa tấc, con tôi phải ba lần đi cào tuyết mà con đường trước cửa vẫn đầy sau chừng nửa tiếng đồng hồ tuyết rơi.

 

Nhìn ra đường vắng tanh không một chiếc xe qua lại, đừng nói chi người đi bộ. Thành phố này nằm ở độ cao hơn 7 ngàn bộ so với mặt nước biển nên rất lạnh về mùa đông. Vậy mà chiều nay, trước giờ gia đình tôi chuẩn bị bữa tiệc ăn mừng “Lễ Thanksgiving” thì ông bà Dawson đã đến, đúng như lời hứa với con tôi từ hai tuần trước, khi ông biết chúng tôi sẽ sang thăm con trong ngày lễ.

 

Con gái tôi gặp ông lần đầu ở bữa tiệc sinh hoạt của cư dân trong “subdivision”. Ông nhìn cháu một hồi lâu rồi đến gần hỏi cháu là “người nước nào “?. Ban đầu cháu ngạc nhiên, không biết tại sao ông  hỏi thế, nhưng cháu vẫn trả lời là người Việt Nam, và ông tự giới thiệu ông là “Việt Nam Vet” đã từng tham chiến ở VN đến hai lần. Sau khi biết cháu cũng là “cựu chiến binh Mỹ” nên ông rất vui và bắt chuyện hỏi han đủ điều. Và ngạc nhiên hơn nữa khi biết ba cháu từng là một Pilot trực thăng của quân đội VNCH, ông ta vui ra mặt và hỏi cháu rất nhiều chuyện sau đó, để biết rằng Tuy Hòa, quê hương của mẹ cháu cũng là nơi ông thường lui tới từ những chuyến hành quân. Có lẽ những gì có nơi chúng tôi có gợi cho ông nhiều kỷ niệm, nên ông rất muốn gặp chúng tôi. Và hôm nay ông đến nhà thăm chúng tôi đúng như lời đã hứa với cháu.

 

Ông dọn về thành phố Santa fe mới hơn ba tháng và thuê ngay căn chung cư gần nhà con gái tôi, đó là cơ hội cho ông gặp cháu và hỏi thăm về quê quán gốc nguồn. 

Cháu sinh ra trên xứ Mỹ, chưa biết gì về Tuy Hòa quê mẹ, chưa một lần đặt chân đến nơi đó, thế mà khi ông nhắc đến Tuy Hòa, cháu cũng tò mò muốn biết ông đã đi đến những nơi đâu. Thế là một già, một trẻ, cùng là “cựu quân nhân” trong quân đội Hoa Kỳ, một là đại tá Không quân, một là đại úy Hải quân, vào độ tuổi “cha con” nên ông không ngần ngại gọi cháu là con gái nuôi, vì ông bà chưa từng có tiếng khóc con nít trong nhà trong suốt mấy chục năm qua.

 

 

Trời bên ngoài lạnh lắm, nhưng trong căn phòng khách thật ấm cúng, ấm cúng vì có tiếng lách tách của ngọn lửa nhỏ từ trong lò sưởi lan tỏa khắp căn phòng, ấm hơn vì sự cởi mở trong câu chuyện trao đổi giữa hai người đàn ông, một Việt tóc muối tiêu, một Mỹ tóc bạch kim, hơn nhau vài tuổi đời cùng bên trời lận đận những tháng năm xa xưa đó, nên câu chuyện họ xoay quanh là những kỷ niệm chinh chiến, những con đường, những chuyến bay mà họ đã từng bay qua trên vùng lửa đạn tuy kẻ truớc người sau,... Đúng họ là hai người Lính cũ, cùng là những phi công trực thăng, từng phục vụ trong binh chủng không quân dưới bầu trời nước Việt từ những ngày xa xưa cũ. 

 

Ngày đó đơn vị ông đóng quân ở gần Tuy Hòa, đó là lý do tại sao ông tìm đến với chúng tôi, vì Tuy Hòa là một phần quê hương trong tuổi nhỏ của tôi, một quê hương bỏ lại vì chiến tranh giặc giã lan tràn, nhưng ở đó vẫn có quá nhiều kỷ niệm, Một con đường quê ngày ngày tôi đi học về, phải qua một cây cầu sắt dài có lề cho người đi bộ, mà mỗi lần xe hơi chạy qua là nó muốn hút mình theo. Ở đó có con sông rộng bốn mùa nước trải mênh mộng, chạy ôm luồn ngọn núi nhỏ mà trên đó có ngôi Tháp Nhạn của người Chăm xây dựng nên từ bao thế kỷ trước, đang đứng uy nghi sừng sững cho người lên cúng bái. Và nơí đó người đàn ông Mỹ đã mấy lần lượn vòng lên đó, để khi ông nhắc đến, chúng tôi cũng góp tiếng vào khiến ông vô cùng thích thú. Ông kể chuyện rất vui và ông cũng nhớ nhiều về kỷ niệm hơn một năm trời ông đóng quân gần thành phố đó. Vì dù gì cũng đã hơn năm mươi năm ông mới có dịp ngồi  gợi nhớ lại kỷ niệm, mà tưởng chừng như không bao giờ ông có cơ hội nhắc lại.

 

Phi trường Đông tác cát bụi mịt mù, phi đạo kép chỉ là những rỉ sắt kết lại mà thành. Nó nằm giữa một khu đồng không mông quạnh chỉ có toàn cây dương và dương, xa xa là vùng biển bao la xa ngút mắt. Nơi ông ở nguời ta cũng làm những căn nhà tiền chế, nên cũng đầy đủ tiện nghi, và vùng hành quân của những chiếc trực thăng thuộc đơn vị của ông và những người bạn khắp miền Trung và vùng rừng núi chập chùng, trùng điệp.

 

Có lẽ chúng tôi là người khơi dậy trong tiềm thức của ông về những chuyện hành quân gian khổ trên vùng đất xa lạ, vùng đất có những cơn gió nồm mát mẻ dễ chịu, nhưng cũng có những trận gió …nam lào nóng rát cả thân. Mùa hè đã nóng bức mà khi có những trận gió xoáy từ vùng núi đổ xuống, trên những đồi cát nóng, thật khó mà tả được nỗi vất vả chống trả khí hậu khắc nghiệt này.

 

Ngày ông sang Việt nam phục vụ, chồng tôi chưa vào lính. Nhưng những địa phương ông kể, sau này chồng tôi cũng bay trên những vùng trời đó, nên họ hiểu rất rõ những khó khăn, gian khổ. Ông nói ông thích nhất là vùng biển đẹp Vũng Rô, có nhiều khi ông bay ngang qua đó, dẫu biết nguy hiểm, nhưng ông cứ muốn bay vòng vòng và muốn đáp trực thăng và nhảy ùm xuống tắm vì nước trong xanh và phẳng lặng vô cùng. Những bãi biển ở Mỹ này, ngay cả bên vùng vịnh Mexico không thể nào so sánh được (?).

 

Tự nhiên chồng tôi lên tiếng nhắc:

-Ông hứa sẽ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của ông và người con gái Đông tác khi ông đóng quân ở đó.

Ông liếc ngang bà vợ, rồi làm bộ le lưỡi như không muốn nói, tự dưng ông cười thật sảng khoái và hỏi con gái tôi:

-Laura, ba cháu có kể chuyện tình của ông trong những ngày ông đi lính lúc chưa gặp mẹ cháu cho cháu nghe không?

Thế là câu chuyện xoay quanh những chuyện vui từ hồi xa lắc xa lơ, thuở mà ông mới bập bẹ học vài tiếng Việt để trao đổi với những người vào dọn dẹp phòng ốc cho những người Lính Mỹ xa nhà. May quá, ông không để lại mối tình lớn nào nơi đó, nên không có cảnh con lai đi tìm cha như những đứa trẻ cứ xuất hiện trên báo sau này.

 

Bữa “tiệc” chiều do mẹ con tôi dọn sẵn, không phải con gà tây nướng và những thực phẩm đi kèm như trong những bữa tiệc Tạ ơn của người Mỹ, mà chỉ là những món ăn Việt nam, nhất là chả giò và …nồi phở bốc khói. Vì ông Dawson thích hai món ăn đó nhất.

Ông vừa ăn xong vừa hít hà vì hơi nóng của tô phở bốc lên làm mờ đôi kính cận, ông tháo cặp mắt kính ra để lau và định nói câu gì đó, Nhưng chồng tôi đã lanh miệng hơn, chàng bắt đầu lời nói rất trịnh trọng khiến chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên, nên ngừng lại chờ đợi.

-Chúng tôi vô cùng cảm ơn ông! Ông và bà Dawson. Lời cảm ơn rất chân tình tuy có muộn màng sau hơn năm mươi năm của một người Việt nam tị nạn cộng sản trên đất nước Cờ hoa này.

Ông Dawson hơi bỡ ngỡ khi nghe lời cảm ơn của chồng tôi, ông hơi ngập ngừng một chút rồi phá lên cười thật lớn.

-Le, ông nói gì vậy? Sao ông cảm ơn chúng tôi? Chúng tôi phải cảm ơn ông bà và cháu về bữa ăn “Happy Thanksgiving” chiều nay chứ!

-Không! Mỗi lần tôi gặp một người Việt Nam Vet nào, là tôi rất quý trọng và cảm ơn họ. Tôi cảm ơn ông và nhiều người Mỹ trai trẻ thời đó đã đến phục vụ trên quê hương chúng tôi, quý ông đã hy sinh quá nhiều, đôi khi cả tính mạng nữa, mà có người còn không hiểu rõ hết vì sao phải hy sinh ở một đất nước hoàn toàn xa lạ? Tôi cũng là Lính như ông, nhưng tôi vì bổn phận phải phục vụ tổ quốc mình, còn quý ông…! Làm sao chúng tôi quên ơn những người Lính như quý ông được.

 

Ông Dawson nín lặng không cười nữa, có một sự xúc cảm hiện lên khuôn mặt ông, ông nắm tay bà vợ và bằng một cử chỉ rất thân mật, họ đứng dậy bước sang phía chúng tôi, đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay của chúng tôi. Những cú siết tay không lời và vòng tay ôm thân mật mà vợ chồng ông Dawson thể hiện, là những lời nói tốt đẹp nhất trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay đối với gia đình chúng tôi.

Lê Thị Hoài Niệm.

 

 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024





Lê Thị Hoài Niệm và Gia đình thân chúc quý Cô, Chú, Bác, qúy Anh Chị Em và tất cả Bạn hữu một mùa LỄ TẠ ƠN thật đầm ấm bên gia đình.

THANKS GIVING! LỄ TẠ ƠN.


TẠ ƠN Cha Mẹ sinh con
TẠ ƠN Thủy tổ giang sơn quê mình
TẠ ƠN bạn hữu chí tình
TẠ ƠN Cô Bác, Thân sinh Ông Bà
TẠ ƠN Chính phủ Cờ Hoa
TẠ ƠN Bảo trợ, cho nhà, cho cơm.
TẠ ƠN Nhà giáo, Nông thôn.
TẠ ƠN Người biết bảo tồn quê hương
TẠ ƠN Chiến sĩ can trường
TẠ ƠN Con(của) Mẹ nêu gương đáp đền
TẠ ƠN Các Đấng Bề trên
TẠ ƠN cuộc sống vuông tròn chung quanh
TẠ ƠN mầm sống màu xanh
TẠ ƠN không khí trong lành ban mai
TẠ ƠN Ta vẫn còn đây
TẠ ƠN sức khỏe tràn đầy, an vui.
TẠ ƠN Người mãi bên đời
TẠ ƠN nắng sớm, chiều rơi nhẹ nhàng
TẠ ƠN nhưng dạ xốn xang
Thổ dân bản xứ không màng …Tạ ơn.
Ngày xưa tị nạn Pilgrims
Đói ăn, rét lạnh, héo tim đông về
Người Mỹ bản xứ cận kề
Mang thực phẩm giúp không hề “ta đây”!
Không nhờ bí, đậu, gà tây
Làm sao có được ngày này: TẠ ƠN !
Lê thị Hoài Niệm.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

 

 

                     CHÚC MỪNG NGÀI TT TRUMP

 

Chúc mừng ngài Tổng Thống Trump

Cuối cùng ngài cũng ung dung bước vào

Toà Bạch Ốc đang đón chào

TỔNG THỐNG 47!. ôi chao là mừng!

 

 Chúc mừng người Mỹ thông minh

Chọn được Tổng thống tài tình, vì dân

Lo cho đất nước thịnh hưng

Kinh tế phát triển, biên cương vững bền

 

Quốc gia dân tộc đặt trên

Không vì đảng phái hay… bênh đàn bà!

Xứng danh nguyên thủ quốc gia

Thông minh, tài trí, xông pha chống chèo

 

Hoa Kỳ là gương sáng treo

Tụ Do! Dân chû người theo thực hành

Hết lo nước Mỹ tan tành

Bởi đảng “Dân chửi” điều hành bấy lâu

 

Bốn năm sẽ cũng qua mau

Chúc ngài Tổng Thống sống lâu, khỏe hoài.

Phó Tổng cũng chẳng kém ai

MAGA thẳng tiến tương lai dân nhờ.

 

Đảng lừa ơi hỡi đảng lừa!

Phá ai thì phá nhớ chừa Trump ra

Chúng bay chẳng giúp nước nhà

Chỉ lo bươi móc như gà …đói ăn.

 

Ra tranh cử, nói cuội, xằng

Chế độ xã nghĩa nhăn răng đói dài

Người Việt chạy sút dép rồi

Chúng đến đây nữa …trốn đâu hỡi trời?

 

Chỉ có cái bọn ma trơi

Đếch biết cộng sản hại đời dân đen

Chúng cứ rống họng lên khen

Mấy cụ “tị nạn” cũng hèn…chạy theo.

 

Bao năm hưởng được tiền nghèo

Ăn no rửng mỡ nên…teo não bò.(?)

Ngài Trump ơi! chớ có lo,

Dân tui cũng đã vote cho ngài rồi

 

Cái tật là bởi do Trời

Làm sao …sửa được khi người là Trump?

Lắm kẻ đã bảo ngài… khùng.

Con ngoan vợ đẹp ung dung hưởng đời

 

Cớ chi ra gánh việc người

Để cho chúng tức, chứng bươi xấu hoài?

Nhưng nếu mà không có Ngài

Làm sao dân biết đám tài phiệt kia

 

Âm mưu toa rập kết bè

Ăn gian nói dối bao che bạo quyền?

Chung quy cũng bởi chữ TIỀN!!!

Chữ DANH, chữ LỢI làm ĐIÊN con người !!!

 

Lê Thị Hoài Niệm.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

 Gần nửa thế kỷ rồi, nhân vật nữ chính đã thành người thiên cổ. Một nén nhang thắp muộn, nguyện cầu hương linh chị an vui chốn thiên đường...


        HUN HÚT ĐƯỜNG BAY

     

        Anh thương!

            Văng vẳng trên không trung là tiếng động cơ của chiếc phản lực đang bay xa dần thành phố, mang theo những người vừa rời bỏ quê hương thêm một lần trong đời, và có khi không còn dịp quay về lần nào nữa cả, cùng lúc mang theo một ít người lần đầu tiên được ngồi máy bay tìm đến vùng đất mới, để cho người ở lại muôn vàn nỗi nhớ thương, thèm thuồng, ước muốn. Như người bạn mà em vừa đưa tiễn ra đi, dù cô ấy khóc, nhưng giọt nước mắt lại lóng lánh niềm vui, cô ra đi theo diện đoàn tụ gia đình, một người đàn ông tốt bụng, tuy có hơi lớn tuổi, về quê nhà cưới vợ và đã làm đơn bảo lãnh cô ta đem sang xứ Mỹ.

            Em ra về hòa nhập vào lòng đường ngổn ngang, bận rộn. Người đâu mà đông quá, kẻ lên người xuống dập dìu, tấp nập, ồn ào không lúc nào ngưng nghỉ. Đủ mọi loại xe cộ chen lấn nhau, từ chiếc xe đạp cà tàng, chiếc xe Honda hai bánh, chiếc xe tải chất đầy hàng hóa, đến chiếc xe hơi đắt tiền mới tinh, tất cả đều tranh giành lối đi bóp còi inh ỏi. Bụi đất, khói xăng chờn vờn, lởn vởn đầy khắp không gian khiến những người đàn bà–con gái, thậm chí có những đứa nhỏ cũng bịt cả mặt mày, chỉ chừa có hai con mắt y như những tay võ sĩ NIN-YÀ trong phim kiếm hiệp.    

            Người đông, đất hẹp, nắng bụi, mưa lầy lội, nước lênh láng, dơ bẩn v.v.v., là những gì mà những người nghèo khổ, bình dân đang hứng chịu ở cái thủ đô này, nơi mà em vừa đến đây để tiễn đưa một người bạn ra đi nước ngoài, và cũng để chờ đón một người bạn từ xa về thăm lại quê nhà. Dù người bạn có vô tình than vãn: “sao bà ở chi trong hẻm để tôi phải tìm mãi mới tới được nhà?”, em chỉ biết cười nhưng cổ họng thì nghẹn cứng nên tiếng cười tắt lịm, để rồi sau đó một làn sương mỏng tự giăng ngang tầm mắt, đôi tay không lạnh nhưng cứ run run như người đang lên cơn sốt rét kinh niên. Em cầm phong thư trong tay nhưng hồn lại bay bổng đâu đâu, nửa tin nửa ngờ, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận một sự thực phũ phàng. Em cố mở thư ra đọc và những hàng chữ thì cứ nhảy múa nhạt nhòe, dù với thật nhiều cố gắng, cũng phải một lúc lâu mới đọc hết được vài lời thăm hỏi ngắn gọn của anh. Ôi nét chữ thân thương quen thuộc ngày nào em từng ấp ủ, nâng niu, mừng vui, sung sướng mỗi lần người phát thư dừng lại trước cửa nhà để réo gọi tên em ra nhận thư xa, những bức thư viết từ những trung tâm huấn luyện Lackland Air Force Base, Fort Wolters, Fort Hunter… trên đất nước Hoa Kỳ xa lắc xa lơ, đến những lá thư gửi từ  khu bưu chính trên đất nước nhà khi anh thuyên chuyển về miền Nam, những lời thư nồng nàn ấp ủ yêu thương, những nhớ nhung tha thiết, những chờ đợi lo âu, những hứa hẹn tương lai sẽ có nhau trong đời, không bao giờ xa cách…

Nhưng mãi đến hôm nay, sau ngần ấy năm dài không nhìn thấy nữa, em lại nhận được lá thư tay này, lá thư do người bạn tìm đến trao tận tay, kèm theo một tấm thiệp cưới và hai tờ giấy bạc một trăm đô la Mỹ. Em mừng! mừng lắm anh ạ! nhưng hai hàng nước mắt cứ lăn dài xuống má, làm mặn cả bờ môi, làm chẹn ngang vòng khí quản. Phải chăng đây là một lần chợt nhớ từ ngõ ngách nào đó của trái tim anh còn sót lại? một xót xa; áy náy; một an ủi đắp bù? Và rồi em lại ngậm ngùi nuối tiếc: phải chi những đồng tiền này có thể mua được thời gian! Anh biết đó: “Thời gian, thời gian luôn vô tình đối với cuộc sống thế gian, nhưng lại dài vô tận đối với người mong đợi!”.Em vô tình nên chẳng nhớ được câu nói đó của ai.

Mới đó mà đã hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, kể từ khi anh hốt hoảng tìm đến nhà em để từ giã ra đi, phi đoàn anh phải “di tản” sau một thời gian dài bị cuốn hút vào cơn trốt xoáy. Đã bao phi vụ “cứu lính, cứu dân”, cuối cùng anh cũng phải ra đi, anh đi xa vẫn còn ngoái cổ lại nhìn để thấy em chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn như kẻ không hồn, khi giật mình tỉnh ra, em đã phóng xe Honda chạy vội theo, dù đường sá lộn xộn, người chạy tới kẻ chạy lui tìm đường lánh nạn, lính từ xa đổ về thành phố quá đông, và nạn cướp giật, bắt hiếp đàn bà con gái đã xảy ra  ngay trên đường phố nên nguy hiểm trùng trùng. Vậy mà em cũng đã chạy đến nơi, đến để thấy cổng phi trường đóng chặt, để thấy cả rừng người chen lấn, dẫm đạp lên nhau, để nghe những tiếng la hét, kêu réo, khóc kể, hăm dọa, dữ dằn với nhau, để thấy mạng sống con người vô cùng nhỏ bé, thừa thãi trước họng súng đen ngòm, để thấy nỗi bất lực, tuyệt vọng khi người thân yêu phải chia cắt nhau chỉ có mỗi một cổng rào, và bàn tay thì quá ngắn để nắm lấy bàn tay. Em co ro đứng lặng nhìn những chiếc phi cơ rời bãi đậu cuối cùng đến hun hút đường bay, và cũng ngần ấy năm em cứ mỏi mòn trông mong dù trong vô vọng. Em biết! nhưng sao cứ mãi ngóng chờ.

Tấm thiệp cưới quá đẹp, anh gửi bạn mang về để báo tin sắp gả con gái lấy chồng. Em mừng cho cháu gái, cho hạnh phúc của cả gia đình anh, nhưng sắt se, tê dại cả cõi lòng mình. Kỷ niệm xưa không mời gọi sao cứ mãi hiện về, ước mơ nào không xóa sao đã vội tan, phải chăng vì những dòng chữ cứ hoài nhảy múa nên em không nhìn rõ, chỉ lờ mờ thấy được tên anh và những tên người hoàn toàn xa lạ, em đâu có muốn khóc, em sợ cả những giọt nước mắt dù tủi hờn hay nuối tiếc.

Cũng tại em ngày đó đã quá ngu ngơ, khờ dại, đã sợ sệt vu vơ, do dự trù trừ nên đã để vuột mất anh. Em đã không nỡ từ bỏ gia đình cha mẹ anh em, từ bỏ quê hương, để rồi chính trên quê hương, nơi từng cưu mang nuôi lớn em, đã giết em lần mòn trong lo âu, sợ hãi. Giờ còn lại gì ngoài một tấm thân tàn tạ và một tình yêu trống vắng? Dù em có gọi tên anh đến ngàn lần thì cũng là những tiếng kêu trong gió, có ngọn gió nào dài hơi giúp mang những tiếng kêu của em vuợt cả một đại dương, hay sẽ rơi rớt vào lòng biển cả?

Không biết vô tình hay cố ý mà người bạn ngồi kể cho em nghe về cuộc sống “đời thường” của anh bên đó. Người Pilot Trực thăng thuở nào, em đã rất hãnh diện được ngồi sau yên chiếc xe Honda cũ, cùng anh rong chơi khắp mọi nơi, khoe với bạn bè rằng “người hùng không gian” của ta như thế đó. Bạn nói anh bây giờ là “Ông chủ cửa hàng tạp hóa” nhưng em vẫn chưa hình dung ra nổi, cô ấy còn khen anh là một ông “nội trợ tài tình”. Em gặng hỏi mãi chỉ nghe được tiếng cười dòn và câu đùa : “số mày xui nên không được Ổng nấu cơm cho ăn hàng bữa!”.

Thật thế sao anh? Ngày đó, mỗi lần anh đến nhà chơi, những bữa cơm nhà em đã là điều mơ ước trong anh, em sẽ là người vợ đảm đang “cơm bưng nước rót” để bù với những bữa cơm nhà bàn trong những tháng ngày huấn luyện ở quân trường, và những gói gạo sấy, những gói mì nước nóng sau những hôm đi bay về muộn. Vậy mà…!

Bao năm qua em vẫn ao ước được biết tin tức về anh, hay mơ ước xa hơn là được gặp anh một lần trong đời, để được gục đầu trên vai anh mà khóc, mà kể lể hết những nỗi nhớ mong, những vui buồn đau đớn, xót xa tủi nhục trong những tháng ngày nghiệt ngã ở quê nhà, những tháng ngày các anh ra đi bỏ lại phố thị tiêu điều, hoang vắng. Em nhớ quay quắt những kỷ niệm trong suốt tháng anh hành quân biệt phái về đây, ngày nào cũng nghe anh kể chuyện, rằng các anh đã “bốc” không biết bao nhiêu người trên đường di tản về đến N.T. Có những hoàn cảnh thật thương tâm, có người sanh con rơi rớt dọc đường v.v.v., những Pilot trực thăng, “người đến bãi đáp đầu tiên và là người rời chiến trận cuối cùng” như lời anh vẫn tự hào về những phi vụ của các anh ngày đó, những chiếc trực thăng cũng là bạn của dân, nhất là những khi cộng quân nã pháo vào thành phố, tiếng “xành xạch”của trực thăng bay lên, làm người dân mừng rỡ, tin tưởng và vững lòng đi vào giấc ngủ muộn.

            Những ngày các anh từ giã ra đi, thành phố tiếp với nỗi đau mà người dân phải chịu đựng, sợ hãi từ những kẻ bên kia vừa la oang oang chiến thắng, để đến nỗi những người may mắn được ra đi cùng  một lượt với các anh, đã làm “lễ truy điệu” cho Thành phố đã chết, (khi họ về thăm lại chốn xưa đã kể cho nghe) trước khi cả nước bị chôn mất hoàn toàn.

            Nhưng thôi anh ạ! Dù tưởng rằng em đã chết mà không chết thật sự ngoài đời từ tháng Tư năm đó, thì trong anh, em cũng đã chết tự lâu rồi. Lời thư muộn hôm nay, với em, khác chi ngọn đèn dầu bất lụn chợt bùng lên và sẽ tắt ngấm tức thì…        

             Bây giờ quê em là mùa biển động, anh có còn nhớ biển Nha trang, nơi chốn một thời anh đã được thụ huấn và trở về đóng quân trước khi về miền Nam nước nổi?, Và đã bao nhiêu lần chúng mình hẹn hò nhau, nơi bắt đầu cho một mối tình của chàng SVKQ và cô nữ sinh áo trắng!.

            Ngày đó, những ngày thơ mộng nhất, đã bao năm qua em vẫn ấp ủ những kỷ niệm yêu thương như là những báu vật lớn nhất trong đời. Mỗi chiều về, nếu có chút thời gian rảnh em thường tìm ra bãi biển, để tìm lại dấu chân trên cát, để nhớ ngày ấy anh hay nhìn làn sóng lăn tăn vuốt nhẹ đôi chân trần, đôi bàn chân anh vẫn mân mê, ve vuốt và ước ao có một ngày, dù chỉ là lời dỗ ngọt bông đùa rằng “anh sẽ xây hồ bán nguyệt cho em vào rửa chân”. Anh còn nhớ không? và cũng đôi bàn chân ấy bây giờ em đang dẫm bừa lên làn cát mỏng, dẫm đạp luôn lên cả những hang ổ của con dã tràng, những con dã tràng cứ thích xây lâu đài trên cát, và anh thì thích nhìn em chạy bắt đem về nâng niu, vuốt ve, và thì thầm vào tai chúng “sao chúng mày quá dại?”

Em và con dã tràng hình như có quá nhiều điểm tương đồng, dã tràng vẫn kiên tâm xây lâu đài trên cát dù biết rằng chỉ  một cơn gió mạnh từ ngoài xa thổi vào, là lâu đài tạo dựng bao lâu sẽ đổ ụp tan tành, rồi bị dòng nước biển cuốn ra xa mất hút. Còn em, sao cũng một mình đi trên biển vắng để nghe đắng cay xé nát tim mình, em thích đến nơi này vào mùa biển động anh ạ! có mấy ai trọn tình lại thích nhìn biển dậy sóng bao giờ?...

lethihoainiem

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

 

Thu về nhớ người.



Líu lo chim hót ngoài sân

Hòa trong tiếng nhạc chào mừng sớm mai

Cành hoa rung nhẹ gió lay

Se se hơi lạnh mới hay Thu về

 

Thả hồn vào những vần thơ

Lan man nỗi nhớ đang chờ ai đây?

Lá vàng vắng bóng nơi này

Bước chân kỷ niệm hoạ may khơi nguồn

 

Nhớ người năm ấy qua trường

Đem Thu trao tặng người thương đang chờ

Nhờ Thu gửi lời hẹn thề

Chờ Thu sau đến ta về bên nhau

 

Nhưng bao mùa lá thay màu

Dáng xưa biền biệt úa nhàu tim côi

Người đi cũng đã đi rồi

Xuân qua hạ đến thu ngồi nhớ xưa.

 

Lê thị hoài Niệm

 

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

 


Ngày xá tội vong nhân.

Đêm ở đây vô cùng yên ắng, lại ngồi nhớ đến những ngày tháng còn thơ dại ở quê nhà. Lạ, chuyện gì không nhớ lại nhớ đến cảnh Cúng cô hồn nhân ngày xá tội vong nhân. Cũng là ngày lễ vu lan đó.

Hồi đó, hơn nửa thế kỷ về trước, quê tôi hình như chùa chiền không nhiều như bây giờ, có cái chùa nhỏ xíu và Thầy chùa cũng hầu như…hiếm hoi lắm, chỉ có thầy …tụng, vì hầu hết những người mặc áo nâu đọc kinh kệ cúng bái đó đều có gia đình. Nên ngày Lễ vu lan không có được tổ chức gì đình đám lắm, ai muốn tới chùa thì tới, họ không có tổ chức lễ. (về sau này mới có vụ “bông hồng cài áo”). Ngược lại, đêm cúng cô hồn thì hầu như nhà nào cũng cúng,  ít thì vài cái bánh in, mớ giấy tiền vàng mã, còn những nhà khá giả trong xóm thì mâm cúng có đủ mọi thứ, ngay cả gà khỏa thân cũng có luôn.

Nhưng cô hồn dưới âm tào địa phủ thì không biết có xuất hiện hay không? vì chưa người nào thấy. Hồi đó ở thôn quê đất rộng người thưa, nhà nào cũng vườn cây rậm rạp, quang cảnh có vẻ…âm u, huyền bí, nên đêm đến, con nít thường bị người lớn doạ nhát ma, đủ loại ma, nào là ma da dưới nước, ma nữ đứng đường, ma trên cây đa, ma cụt đầu lăn long lóc, ma cưỡi ngựa có lục lạc kêu leng keng...Mà cũng lạ, tuy bọn con nít sợ ma, nhưng khi nghe có đám cúng cô hồn là nháo nhào phải đi đến tận nơi để …chụp đồ cúng mới vui dù trời đã tối.

Ba má tôi hay cúng cô hồn nhiều bánh trái và thức ăn lắm. Vì má tôi nói đêm rằm tháng bảy dưới âm phủ “mở cửa nhà tù” để các âm hồn, cô hồn các đảng lên dương thế…hưởng tự do và được ăn no nê một bữa, người nào nhẹ tội thì được…trả tự do luôn, gọi là “xóa tội vong nhân”.

Ba tôi bày một bàn thật lớn trước cửa nhà, nhờ có cây đèn “măng-xông” rọi sáng, nên bàn cúng nhìn thấy hết, ngoài giấy tiền vàng bạc, thêm áo quần, giày dép, vv…, nói chung là vật dụng cần thiết của con người sử dụng trên dương thế, đều được những người bán hàng cắt đầy đủ bằng các loại giấy mua về dễ đốt. Rồi nào chè, xôi và đủ các loại bánh nhà quê thủa đó như bánh ít, bánh ú, bánh tro, bánh cốm..v..v, nhất là bánh in được gói bằng giấy bóng đủ màu sắc, cứ làm như các cô hồn đều là bọn…con nít chắc? Chắc chắn là phải có con gà luộc rồi, Cũng chẳng hiểu tại sao phải cúng gà luộc nhỉ? hồi đó quên hỏi ba má tôi, giờ họ quy tiên hết rồi. Hết hỏi.

Mà thật, bọn cô hồn toàn là con nít trong xóm, mà là cô hồn….sống. Không biết chúng nó…núp ở đâu, mà khi ba má tôi khấn vái cúng đốt vàng mã xong, cây nhang cháy hết,  là bọn cô hồn sống xuất hiện, chúng chờ ….hốt các thứ bánh cúng trên bàn, mạnh ai nấy….chụp được thứ nào thì ôm thứ đó. Nhìn quang cảnh thấy …vui, không có nhà nào ..lấy lại đâu, vì cúng… cô hồn mà, cô hồn …chết thì chịu khó hưởng nhan khói, cô hồn sống thì ăn vật thể, vì đồ cúng đó không…nên giữ lại vì sẽ bị xui xẻo. người lớn nói vậy.

Khi vào thành phố, tôi có cơ may …dạy kèm các con của một gia đình người Hoa giàu có trong phố chính. Hình như người Hoa họ “tin tưởng” có người cõi âm thật, nên họ rất thành khẩn cúng bái ngày “xá tội vong nhân”. Ngay từ chiều họ đã đóng cửa tiệm và bày bàn hương án ngay trước cửa hàng nhà họ. Ui chao không biết cơ man nào là bánh trái, trái cây, gà heo đủ loại, chủ nhà bày la liệt và cho mấy  người trong nhà ra tha hồ…khấn vái mấy ông bà cô hồn để được …phù trợ? Không biết có bao nhiêu cô hồn về hưởng bữa tiệc thịnh soạn đó?

Rất tiếc hồi đó không có…cell phone như bây giờ để chụp lại hình ảnh những “cô hồn sống” chụp thức ăn. Trong thành phố không phải chỉ có con nít, mà có cả thanh niên, nam nữ gì đủ cả, có cả người lớn luôn (chắc họ đi qua đường ham vui đứng lại?). Ui chao đồ cúng của nhà giàu đã nhiều, mà người đi lấy cũng nhiều, nhưng được cái họ…chấp tay đứng chờ chung quanh đó, hoặc bên kia đường, chờ cho gia chủ cúng vái xong, tàn nhang, chủ nhà quăng tiền giấy ra cho họ …chụp trước, rồi mới chụp thức ăn. Cũng có thể có người không đói để phải chụp giựt đồ cúng? Mà họ…nhào vào vì ham vui không chừng? Họ mang thức ăn đi, nhưng chủ nhà cũng mệt bở hơi tai vì cái màn quét dọn thức ăn rơi vãi dưới nền nhà do… chụp giựt hụt!.Huhu…

Bây giờ không biết có còn mấy gia đình cúng cô hồn để mừng ngày “xóa tội vong nhân”? Cô hồn thật ở cõi âm chắc…ngại cô hồn sống nên nếu có ai cúng chiều tối chắc cũng không dám về mà hưởng? Nhất là xứ Mỹ này, cô hồn sống nhiều quá, đến người sống còn e dè nên chi người cõi âm…chỉ dám xuất hiện sau 3 giờ sáng…

lê thị hoài Niệm

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

 

K/G BB CGV &  Phương Thúy, Chị Ngọc Hà MCTĐ,

Cùng tất cả quý chị em nhà chúng ta:

 

Phương Hoa xin lỗi vì lâu nay gia đình có nhiều việc quá, đã lặn thiệt sâu!

Hôm nay nhân CGV Lê Thị Hoài Niệm qua Cali, nhóm Bắc tổ chức đón tiếp tại nhà Minh Thúy + anh Lộc hôm thứ Sáu vừa qua. Tuy rằng chỉ có... 4 mống vì nhiều người khác ở xa không tiện đến, nhưng mấy chị em đã vui vẻ cùng nhau gần trọn cả một ngày.

 

Thôi thì muôn thuở gặp nhau, bèo nước tương phùng, dễ gì có cơ hội nhiều lần như thế, nên bao nhiêu tâm sự vui buồn đều tuôn ra như ...nước biển Cali. 

 

Chuyện cười có, buồn vui có, kể cả những chuyện cười...ra nước mắt, đều được chia sẻ, và cảm thông, an ủi lẫn nhau. 

 

Nghe chuyện, cả 4 chị em đều nói tự mình đã nhận ra, đời là bể khổ, cuộc sống quá vô thường, nên khi còn diễm phúc có mặt trên cõi đời này thì hãy cho bạn bè và người thân những gì đẹp nhất, tốt nhất, an bình nhất, đừng gây đau khổ, xáo trộn cho ai, để sau này mọi người sẽ nhớ mãi đến mình bằng những điều tốt đẹp ấy. 

 

Cuối cùng, thì mọi người đều nhắc lại, hãy nhớ lấy câu nói rất đơn sơ mà vô cùng chí lý của Sư Thầy Thích Minh Tuệ để làm phương châm cho cuộc sống của mình, thì tâm trí mình sẽ không bao giờ bị lay động vì những nhiêu khê mà cuộc đời vô tình hay cố ý thảy cho mình:

 

“Người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.” Thích Minh Tuệ.

 

Kính mời quý chị em đọc bài thơ nối điêu...cóc cọt của "4 mụ hàng thất thập lão niên" làm hôm đón khách, mà ai cũng bận quá chưa bỏ lên được.

 

Cảm ơn các chị em yêu quý của mọi người. Kính chúc tất cả thân tâm thường lạc.

 

Phương Hoa

 

 


MỪNG VUI HỘI NGỘ LÊ THỊ HOÀI NIỆM

TẠI NHÀ MINH THÚY 

(Thơ nối điêu)

 

Chúng mình - HOÀI NIỆM quê hương

Cùng nhau đón bạn tình thương dạt dào

THÚY + LỘC luôn mở cửa chào

Khách xa tìm tới biết bao ân tình

Bốn CÔ GÁI VIỆT nhà mình

Mini hội ngộ cười ... inh cả làng!

Thức ăn bánh trái ngập bàn

Chụp hình toe toét vô vàn niềm vui...

(Phương Hoa)

Từ lâu vắng khách tới lui

Một ngày nắng hạ nhà tui ngập tràn

Thức ăn cứ việc thả dàn

Chị em trò chuyện vô vàn mến thương

HOÀI NIỆM thợ lặn xa đường

Bơi về miền Bắc tới vườn Cali

Kề hoa chớp ảnh đua thi

Lão niên gương mát che đi lớp già

Mần răng cũng để vui mà

Họp nhau là quý phe ta tung hoành

PHƯƠNG HOA, DUNG ĐỖ lòng thành

Dù trời nắng nóng cũng dành thời gian

(Minh Thúy)

HOÀI NIỆM quý bạn vô vàn

Đón người xa đến tình tràn mến thương

Cười vui, chuyện vãn huyên thuyên

Đổi trao ... Tâm sự hai miền cách xa

Bẩy mươi chưa chắc đã... Già

Nên chị... Tứ đại lão bà” tỉnh bơ

Chụp hình uốn ẹo vui... Gơ

Hẹn ngày gặp lại... Gắng chờ, bạn tôi!

(LTHoàiNiệm)

Bạn tôi hỡi!  Bạn tôi ôi!

Gặp nhau thật đúng ƠN TRỜI ban cho

HOÀI NIỆM xứ bão đang lo

Nhưng may không bị hư to nặng nề

Vườn rau, cây trái ê hề

Hôm sau dòng điện chạy về lại ngay

Phi trường kết nối chuyến bay

Chương trình đã định, lướt mây phóng về

MINH THUÝ sắp xếp mọi bề

DUNG ta hoan hỉ... hề hề vui thay!

Cu Út được nghỉ đúng ngày

Bố con đưa mẹ đi ngay không phiền

PHƯƠNG HOA tráng bánh cuốn liền

Cali hội tụ thần tiên cách gì!!

HOÀI NIỆM – HOA – DUNG – MINH THÚY

Phục trang ... xí xọn khác gì tuổi teen!

Mừng vui, ôm ghì, Chị! Em!

Chuyện xưa, chuyện mới liền liền trào tuôn

Chuyện vui cũng xen nỗi buồn

Bảo nhau sao sống an nhiên cuối đời!

Xua tan phiền muộn đầy vơi....

Tạo dáng chụp ảnh ngời ngời mắt mi

Gặp nhau cứ mãi cười khì!!!!

 hì hì hì....

(Đỗ Dung)

California, July 12/ 2024