Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

 

LỜI CẢM ƠN MUỘN MÀNG

Lê Thị Hoài Niệm.









Tuyết rơi từ đêm qua đến sáng nay vẫn còn tiếp tục, những hạt tuyết mỏng manh bay bay trong nắng nhẹ, vậy mà vẫn ngập kín đường, ngập gần như nửa tấc, con tôi phải ba lần đi cào tuyết mà con đường trước cửa vẫn đầy sau chừng nửa tiếng đồng hồ tuyết rơi.

 

Nhìn ra đường vắng tanh không một chiếc xe qua lại, đừng nói chi người đi bộ. Thành phố này nằm ở độ cao hơn 7 ngàn bộ so với mặt nước biển nên rất lạnh về mùa đông. Vậy mà chiều nay, trước giờ gia đình tôi chuẩn bị bữa tiệc ăn mừng “Lễ Thanksgiving” thì ông bà Dawson đã đến, đúng như lời hứa với con tôi từ hai tuần trước, khi ông biết chúng tôi sẽ sang thăm con trong ngày lễ.

 

Con gái tôi gặp ông lần đầu ở bữa tiệc sinh hoạt của cư dân trong “subdivision”. Ông nhìn cháu một hồi lâu rồi đến gần hỏi cháu là “người nước nào “?. Ban đầu cháu ngạc nhiên, không biết tại sao ông  hỏi thế, nhưng cháu vẫn trả lời là người Việt Nam, và ông tự giới thiệu ông là “Việt Nam Vet” đã từng tham chiến ở VN đến hai lần. Sau khi biết cháu cũng là “cựu chiến binh Mỹ” nên ông rất vui và bắt chuyện hỏi han đủ điều. Và ngạc nhiên hơn nữa khi biết ba cháu từng là một Pilot trực thăng của quân đội VNCH, ông ta vui ra mặt và hỏi cháu rất nhiều chuyện sau đó, để biết rằng Tuy Hòa, quê hương của mẹ cháu cũng là nơi ông thường lui tới từ những chuyến hành quân. Có lẽ những gì có nơi chúng tôi có gợi cho ông nhiều kỷ niệm, nên ông rất muốn gặp chúng tôi. Và hôm nay ông đến nhà thăm chúng tôi đúng như lời đã hứa với cháu.

 

Ông dọn về thành phố Santa fe mới hơn ba tháng và thuê ngay căn chung cư gần nhà con gái tôi, đó là cơ hội cho ông gặp cháu và hỏi thăm về quê quán gốc nguồn. 

Cháu sinh ra trên xứ Mỹ, chưa biết gì về Tuy Hòa quê mẹ, chưa một lần đặt chân đến nơi đó, thế mà khi ông nhắc đến Tuy Hòa, cháu cũng tò mò muốn biết ông đã đi đến những nơi đâu. Thế là một già, một trẻ, cùng là “cựu quân nhân” trong quân đội Hoa Kỳ, một là đại tá Không quân, một là đại úy Hải quân, vào độ tuổi “cha con” nên ông không ngần ngại gọi cháu là con gái nuôi, vì ông bà chưa từng có tiếng khóc con nít trong nhà trong suốt mấy chục năm qua.

 

 

Trời bên ngoài lạnh lắm, nhưng trong căn phòng khách thật ấm cúng, ấm cúng vì có tiếng lách tách của ngọn lửa nhỏ từ trong lò sưởi lan tỏa khắp căn phòng, ấm hơn vì sự cởi mở trong câu chuyện trao đổi giữa hai người đàn ông, một Việt tóc muối tiêu, một Mỹ tóc bạch kim, hơn nhau vài tuổi đời cùng bên trời lận đận những tháng năm xa xưa đó, nên câu chuyện họ xoay quanh là những kỷ niệm chinh chiến, những con đường, những chuyến bay mà họ đã từng bay qua trên vùng lửa đạn tuy kẻ truớc người sau,... Đúng họ là hai người Lính cũ, cùng là những phi công trực thăng, từng phục vụ trong binh chủng không quân dưới bầu trời nước Việt từ những ngày xa xưa cũ. 

 

Ngày đó đơn vị ông đóng quân ở gần Tuy Hòa, đó là lý do tại sao ông tìm đến với chúng tôi, vì Tuy Hòa là một phần quê hương trong tuổi nhỏ của tôi, một quê hương bỏ lại vì chiến tranh giặc giã lan tràn, nhưng ở đó vẫn có quá nhiều kỷ niệm, Một con đường quê ngày ngày tôi đi học về, phải qua một cây cầu sắt dài có lề cho người đi bộ, mà mỗi lần xe hơi chạy qua là nó muốn hút mình theo. Ở đó có con sông rộng bốn mùa nước trải mênh mộng, chạy ôm luồn ngọn núi nhỏ mà trên đó có ngôi Tháp Nhạn của người Chăm xây dựng nên từ bao thế kỷ trước, đang đứng uy nghi sừng sững cho người lên cúng bái. Và nơí đó người đàn ông Mỹ đã mấy lần lượn vòng lên đó, để khi ông nhắc đến, chúng tôi cũng góp tiếng vào khiến ông vô cùng thích thú. Ông kể chuyện rất vui và ông cũng nhớ nhiều về kỷ niệm hơn một năm trời ông đóng quân gần thành phố đó. Vì dù gì cũng đã hơn năm mươi năm ông mới có dịp ngồi  gợi nhớ lại kỷ niệm, mà tưởng chừng như không bao giờ ông có cơ hội nhắc lại.

 

Phi trường Đông tác cát bụi mịt mù, phi đạo kép chỉ là những rỉ sắt kết lại mà thành. Nó nằm giữa một khu đồng không mông quạnh chỉ có toàn cây dương và dương, xa xa là vùng biển bao la xa ngút mắt. Nơi ông ở nguời ta cũng làm những căn nhà tiền chế, nên cũng đầy đủ tiện nghi, và vùng hành quân của những chiếc trực thăng thuộc đơn vị của ông và những người bạn khắp miền Trung và vùng rừng núi chập chùng, trùng điệp.

 

Có lẽ chúng tôi là người khơi dậy trong tiềm thức của ông về những chuyện hành quân gian khổ trên vùng đất xa lạ, vùng đất có những cơn gió nồm mát mẻ dễ chịu, nhưng cũng có những trận gió …nam lào nóng rát cả thân. Mùa hè đã nóng bức mà khi có những trận gió xoáy từ vùng núi đổ xuống, trên những đồi cát nóng, thật khó mà tả được nỗi vất vả chống trả khí hậu khắc nghiệt này.

 

Ngày ông sang Việt nam phục vụ, chồng tôi chưa vào lính. Nhưng những địa phương ông kể, sau này chồng tôi cũng bay trên những vùng trời đó, nên họ hiểu rất rõ những khó khăn, gian khổ. Ông nói ông thích nhất là vùng biển đẹp Vũng Rô, có nhiều khi ông bay ngang qua đó, dẫu biết nguy hiểm, nhưng ông cứ muốn bay vòng vòng và muốn đáp trực thăng và nhảy ùm xuống tắm vì nước trong xanh và phẳng lặng vô cùng. Những bãi biển ở Mỹ này, ngay cả bên vùng vịnh Mexico không thể nào so sánh được (?).

 

Tự nhiên chồng tôi lên tiếng nhắc:

-Ông hứa sẽ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của ông và người con gái Đông tác khi ông đóng quân ở đó.

Ông liếc ngang bà vợ, rồi làm bộ le lưỡi như không muốn nói, tự dưng ông cười thật sảng khoái và hỏi con gái tôi:

-Laura, ba cháu có kể chuyện tình của ông trong những ngày ông đi lính lúc chưa gặp mẹ cháu cho cháu nghe không?

Thế là câu chuyện xoay quanh những chuyện vui từ hồi xa lắc xa lơ, thuở mà ông mới bập bẹ học vài tiếng Việt để trao đổi với những người vào dọn dẹp phòng ốc cho những người Lính Mỹ xa nhà. May quá, ông không để lại mối tình lớn nào nơi đó, nên không có cảnh con lai đi tìm cha như những đứa trẻ cứ xuất hiện trên báo sau này.

 

Bữa “tiệc” chiều do mẹ con tôi dọn sẵn, không phải con gà tây nướng và những thực phẩm đi kèm như trong những bữa tiệc Tạ ơn của người Mỹ, mà chỉ là những món ăn Việt nam, nhất là chả giò và …nồi phở bốc khói. Vì ông Dawson thích hai món ăn đó nhất.

Ông vừa ăn xong vừa hít hà vì hơi nóng của tô phở bốc lên làm mờ đôi kính cận, ông tháo cặp mắt kính ra để lau và định nói câu gì đó, Nhưng chồng tôi đã lanh miệng hơn, chàng bắt đầu lời nói rất trịnh trọng khiến chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên, nên ngừng lại chờ đợi.

-Chúng tôi vô cùng cảm ơn ông! Ông và bà Dawson. Lời cảm ơn rất chân tình tuy có muộn màng sau hơn năm mươi năm của một người Việt nam tị nạn cộng sản trên đất nước Cờ hoa này.

Ông Dawson hơi bỡ ngỡ khi nghe lời cảm ơn của chồng tôi, ông hơi ngập ngừng một chút rồi phá lên cười thật lớn.

-Le, ông nói gì vậy? Sao ông cảm ơn chúng tôi? Chúng tôi phải cảm ơn ông bà và cháu về bữa ăn “Happy Thanksgiving” chiều nay chứ!

-Không! Mỗi lần tôi gặp một người Việt Nam Vet nào, là tôi rất quý trọng và cảm ơn họ. Tôi cảm ơn ông và nhiều người Mỹ trai trẻ thời đó đã đến phục vụ trên quê hương chúng tôi, quý ông đã hy sinh quá nhiều, đôi khi cả tính mạng nữa, mà có người còn không hiểu rõ hết vì sao phải hy sinh ở một đất nước hoàn toàn xa lạ? Tôi cũng là Lính như ông, nhưng tôi vì bổn phận phải phục vụ tổ quốc mình, còn quý ông…! Làm sao chúng tôi quên ơn những người Lính như quý ông được.

 

Ông Dawson nín lặng không cười nữa, có một sự xúc cảm hiện lên khuôn mặt ông, ông nắm tay bà vợ và bằng một cử chỉ rất thân mật, họ đứng dậy bước sang phía chúng tôi, đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay của chúng tôi. Những cú siết tay không lời và vòng tay ôm thân mật mà vợ chồng ông Dawson thể hiện, là những lời nói tốt đẹp nhất trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay đối với gia đình chúng tôi.

Lê Thị Hoài Niệm.

 

 

Không có nhận xét nào: