Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

VĨNH BIỆT LÊ NHƯ PHONG

Lê Thị Hoài Niệm

 

Một nén nhang thắp muộn tiễn đưa linh hồn của Lê Như Phong sớm về cõi vĩnh hằng, phủi bỏ hết những buồn đau gian khổ trong những ngày qua, để những người ở lại, từng là chị, là bạn bè với Phong nhắc nhở vài câu chuyện về người quá cố.

Khi gia đình Phong dọn đến ở làng tôi, cách nhà tôi khoảng bốn căn, lúc tôi đã vào lớp đệ thất (lớp 6) của trường công lập trong tỉnh tại thành phố. Cha của Phong làm nghề thầy thuốc Bắc và có đến hai bà vợ với một bầy con nheo nhóc trai gái đủ cả, mà Phong là đứa con trai trưởng trong nhà,  được gọi theo thứ tự là …Cu A, B, C... Cu A với tôi cùng một cỡ tuổi, nhưng vì Cu A Phong học trễ đến hai lớp nên luôn gọi tôi là chị, khi chúng tôi tan trường về lại quê để nghỉ hè..

Năm Phong học đệ ngũ, mùa hè về làng đã bị bọn “mặt trận giải phóng miền Nam” bắt vào núi, đã “bị” bọn chúng đưa vào trại huấn luyện để học cách “bắn pháo”. Và Phong là một tên “Cộng sản trẻ” ngoài ý muốn. Nghe Phong kể lại những ngày sống trên núi vô cùng gian khổ, bị “học tập chính trị” liên miên, kiểm thảo dài dài và ăn uống thì thiếu thốn nên đói dài dài, nhưng bị theo dõi gắt gao nên khó mà trốn thoát, dù ban đêm cũng có về làng để gom lương thực theo toán.

Cậu Bảy, cha của Phong không thích bọn nằm vùng nên mới đổi chỗ ở dọn đến làng tôi an toàn hơn, vậy mà con trai của cậu vẫn bị bắt. Thời gian này bọn con nít choai choai chúng tôi rất “sợ” bị bắt đưa lên núi như Phong, nên ít khi về làng, nếu không có quân đội dưới quận đi tảo thanh. Và may mắn cho Phong, đã trốn về trình diện với chính quyền Quốc gia khi giữ được một tờ “truyền đơn” kêu gọi quân mặt trận hồi chánh nhằm lúc Lính đi hành quân gần triền núi.

Phong ở trọ luôn dưới thành phố tiếp tục trở lại trường học, vì còn tuổi “vị thành niên”. Thời gian Phong bị bọn “mặt trận giải phóng” bắt không bị ai nhắc nhở đến, nhất là bạn hữu trong trường học, vì nhờ các giáo sư khuyên nhủ, đừng tạo cho Phong mặc cảm…lên núi. Mãi đến năm Phong học hết lớp đệ nhị, thi trượt tú tài, Phong vào quân trường Đồng Đế và mang huy hiệu cánh gà Trung sĩ trên vai.

Đơn vị Phong chọn là Lính địa phương quân tỉnh Tây Ninh. Ở đó, chàng Trung sĩ đẹp trai-Phong rất đẹp từ dáng người cao lớn đến khuôn mặt chữ điền, mắt sáng, mũi cao, nên đã lọt vào “mắt xanh” của một cô nữ sinh trường Nông lâm súc, và là con của một ông chủ hãng bột…củ mì. Hồi đó nghe Phong kể về mối tình của họ rất nên thơ và đẹp đẽ vô cùng, chúng tôi cũng chúc mừng cho Phong và hy vọng họ sớm thành đôi lứa. Nhưng Phong được cho đi học lớp “Sĩ quan đặc biệt” ở Thủ Đức. Khi mãn khóa, Phong không về lại  Tây Ninh, mà đơn vị mới lại ở thành phố Nhatrang, phụ trách “hành chánh tài chánh” được theo ban …phát lương cho Lính. Lúc sau này, Trung uý Lê như Phong được các “người đẹp” ở trung tâm y tế Nha trang “o bế” kỹ, nấu ăn cho Phong thường xuyên và quan tâm săn sóc sức khỏe, nhưng Phong cứ lơ lơ vì tình yêu đã dành hết cho người đẹp Tây Ninh nông lâm súc. Thật là người đàn ông có tình.

Những tưởng cuộc đời của Phong cứ thăng tiến đều đều, thì hạnh phúc sẽ đến. Nhưng  khi ông thân sinh người yêu của Phong, Từ Tây Ninh tìm ra … gia thế của Phong không…giàu như gia đình ông ( lúc này cậu Bảy đã mất, và gia đình Phong phải dọn về trại định cư dưới Đông Tác, nhà cửa ở quê bị…mất hết), thì ông “cấm” con gái liên lạc với Phong, cắt đứt tình cảm giữa hai người. Ngày đó cố ấy “hăm dọa” sẽ tự tử nếu mộng không thành, dù ba của cô bắt phải kết hôn với người “môn đăng hộ đối”.

 Nhưng rồi miền Nam hoàn toàn sụp đổ, và cũng như hằng triệu quân nhân miền nam đi vào tù, Phong cũng trong số đó.

Sau hơn 3 năm “học tập tốt”, Phong ra về lại quê và tiếp tục cuộc đời của một tù nhân nghèo khổ trong nhà tù lớn, nên không còn liên lạc được với người xưa. Phong đi làm đường sắt, và những bữa cơm trưa trong quán ăn có cô chủ quán không xinh đẹp, nhưng có tiền, giúp Phong giải quyết đưọc cái bao tử lúc nào cũng đói. Tình yêu không nảy sinh qua cái bao tử, nhưng Phong bị …cuộc sống đưa đẩy nên cưới cô chủ quán đó về làm vợ. Tình với cô học trò nông lâm súc cứ mãi theo Phong, nên bà chủ tiệm cơm ghen tuông ra mặt. Bà ghen đến phát điên dù đã có đến 4 đứa con(?), mỗi lần bà lên cơn điên là đi cùng làng khắp xóm, múa may quay cuồng và chửi lung tung, cả nhà phải đi tìm và khổ sở mới đưa được về nhà. Phong biết mình có lỗi, nhưng “con tim có lý lë riêng của nó”, đành xuôi theo mà sống. Khi có chương trình HO cho những cựu quân dân cán chính từng ở tù 3 năm hơn được ra đi Mỹ, thì Phong bị xui xẻo không có giấy ra trại để nộp đơn, vì ngày đó …quên lấy, hay người có quyền cố ý không đưa(?). Phong trở lại trại tù…xin lại tờ giấy, thì ai đó đã lấy tên Phong mất rồi, nên dù có ra Đà nẵng, Hà nội khiếu nại bằng đồng tiền của bạn bè nước ngoài giúp, sự may mắn không gõ cửa nhà Phong.

Người khổ vẫn khổ, người điên càng ngày càng điên hơn. Phong mãi nuôi vợ bằng chút tiền của vợ còn lại khi bà bị cưa hai chân vì bệnh tiểu đường. Bạn bè thỉnh thoảng gửi tặng Phong ít tiền, nhưng “tiền vào nhà khó như gió vô nhà trống” ở cái xã hội con nít đi học phải tốn đủ mọi thứ tiền, nên nghèo vẫn hoàn nghèo, dù Phong cũng cố gắng đi làm
“bảo vệ” cho những nơi người ta cần….bảo vệ.

Vợ Phong mất là một giải thoát. Và căn nhà của bà ta cũng bị…giải phóng luôn vì nợ nần phải trả. Phong cũng “nghỉ hưu” để giúp giữ cháu cho con đi làm kiếm sống. Và Phong ra đi trong sự nghèo nàn khốn khó luôn đeo đuổi sau nhiều năm vợ mất, người yêu hun hút xa bay.

Rồi cũng xong một đời Lê Như Phong! người hàng xóm một thời. Vĩnh biệt nhé Phong, Cầu nguyện linh hồn của Phong siêu thoát về thiên đường, sống thảnh thơi nơi đó, tránh sự bất hạnh, nghèo khó của kiếp người chốn trần gian.

 
 

Không có nhận xét nào: