HOA
XUÂN
Lê
thị Hoài Niệm
Từ những ngày xa cũ, mỗi độ Xuân về, bọn học trò nhỏ miền Trung (chứ không phải..trung bộ như những “xnv” của các đài truyền hình ở đây vẫn gọi bây giờ) chúng tôi vẫn đọc thuộc lòng bài thơ “Ông Đồ già” của nhà thơ VĐL:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông Đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên
phố đông người qua..”
Rõ ràng là đọc để mà đọc, chứ chúng tôi không hề có “cảm xúc”, vì nơi chúng tôi
ở chưa bao giờ gặp được một ông Đồ thực sự nào cả, chỉ nhìn thấy trên hình mà
thôi,
và cành hoa đào lại
càng không thể hình dung ra nổi nó đẹp cỡ nào.
Quê tôi ngày Tết có nhiều hoa rất đẹp, nhất là hoa mai. Hoa mai cũng có rất
nhiều loại từ mai nhà đến mai rừng. Đọc trên net, để tìm hiểu về hoa
mai, được biết: “Loài mai vàng mọc hoang dã trong rừng có từ 5 đến
9 cánh, song đôi khi lên đến 12 - 18 cánh, gọi là "mai núi". Ở Tây Nguyên và Campuchia, mai núi phân bố khá phổ
biến. Ngoài ra, còn có loài mai rừng với thân màu nâu, lá to xanh bóng, có răng
cưa ở viền lá, hoa vàng mọc thành chùm theo dạng chủy nên được gọi là "mai
chủy". Một loài mai vàng khác mọc ở triền cát, ở những khu rừng ven biển
được gọi là "mai động". Loài mai này có thân suông, tròn, hoa trổ chi
chít trên cành. Nếu chúng có hoa với năm cánh nhỏ thì gọi là "mai
sẻ". Mai động hay mai sẻ phân bố rải rác ở các tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới
tận Đồng Nai
và Tây Ninh..Xét
về góc độ sai hoa, ngoài mai sẻ, còn phải nhắc đến "mai chùm gởi".
Loài này có thân cứng, trên cành mọc lên những khối u, chung quanh khối u đâm
ra rất nhiều tược non và từ đó nụ hoa mọc ra khá dày, hoa nở san sát vào nhau
tạo thành bó. Người ta còn gọi loài này là "mai tỳ bà" hay "mai
vương"
ảnh internet
Thông thường, mai vàng có
mùi hương rất khó nhận ra, song ở Việt Nam có loài mai vàng năm cánh hương thơm
lại đậm hơn những loài mai khác nên được gọi là "mai hương". Nó còn
tên khác là "mai thơm" (thường được trồng ở Bến Tre) tại miền Nam, hay "mai ngự"
(mọc khá nhiều ở Huế) ngoài miền Trung. Riêng loài mai có cánh hoa
lớn hơn kích cỡ bình thường được gọi là "mai châu" (đọc trại từ
"trâu" thành "châu"). Loài có nụ hoa nhỏ, cánh dài và nhọn,
được gọi là "mai cánh nhọn. Có loài mai vàng 5 cánh
bình thường, nhưng cành nhánh mềm mại, rũ xuống như cây liễu nên được gọi là
"mai liễu". Ở khu rừng Cà Ná
có loài cây mai thân nhỏ èo uột, cành rất giòn, lá hình bầu dục, trơn và có
răng cưa mịn gọi là "mai rừng Cà Ná". Ngoài ra, còn có loài mai thân
rất nặng (gấp rưỡi thân cây mai bình thường) gọi là "mai đá" hay
"mai Vĩnh Hảo". Loài này thân cứng, cành giòn, lá nhỏ, hoa to và
phẳng, lâu tàn.
Mai có dáng vẻ thanh cao.
Thân cây mềm mại, lá xanh biếc, dịu dàng, hoa tươi, rực rỡ. Mai thường trút lá
vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo
lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm
cánh. Cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh. Dân gian vẫn tin rằng năm mới
nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng,
an khang (nguồn từ internet)
Những cánh mai rừng nở thật nhiều ở khu Phước
Hải quê tôi xưa,
khi vùng đất này chưa được phát triển như bây giờ, cây vàng rực cả một vùng,
người dân có quyền chặt về để làm cảnh trong ba ngày tết. Nhà nào Tết đến mà
những nhánh mai nở bùng vàng rực vào ngày mồng Một tết, coi như năm đó nhiều
may mắn vào nhà. Những nhành mai đã chặt cắm vào bình, muốn mai nở rộ cho đúng
ngày, người ta thường dùng ít nước ấm chế vào gốc.
Ngoài hoa mai, còn vài loại hoa khác
như hoa Cúc, hoa Vạn Thọ, nhưng tôi thích nhất vẫn là những chậu hoa Thược dược.
Hoa Thược dược màu tím nhung thì đẹp tuyệt, những nhánh bông vươn cao, nở những
bông hoa to, tròn, cánh hoa chen chúc nhau đẹp thật là đẹp….dù rằng có người bảo
hoa thược dược tượng trưng cho sự ..không chung thủy của người đời (?)
Sau ngày miền Nam tự do “bị” những người CS miền Bắc xâm chiếm, thì những cành
hoa đào miền Bắc cũng đã xuôi Nam theo bước chân người. Nhưng những năm cuối
thập niên 70 và đầu những năm 80, thời gian người dân quá khổ sở với những chén
cơm độn bo-bo, món ăn nhai nuốt rồi, khi ...thải ra lại vẫn còn …nguyên hột
bobo, đến lúc năm cùng tháng tận, tết có đến, thì với khẩu phần lương thực …vài
“lạng” thịt mỡ, làm sao người dân, trong đó có nhà tôi, dám mơ tưởng tới cành
mai nhánh đào trong căn phòng khách, hoạ chăng chỉ có những ông quan to bà
lớn chủ mới của chế độ, mới có tiền mua về chưng tết.
Những năm tháng sống trên xứ người-
mà là “quê con mình”, tôi mới thực sự thấy được nhiều loại hoa đào ở khắp nơi,
nhất là “mùa hoa Anh đào” ở vùng Hoa Thịnh Đốn, ở đó có cả hằng ngàn cây hoa
anh đào do chính quyền Nhật Bổn tặng nở rợp
cả một vùng chạy ôm lấy dòng sông Potomac, dù là màu hồng lợt nhưng nhờ
nhiều cây san sát nên đẹp vô cùng, mà có vài lần tôi đã đến xem vào mỗi đầu
tháng tư hằng năm.
Nhưng mấy năm trước, tôi đã có
dịp may nhận được cây hoa đào VN, “sờ” được nhánh đào Nhật Tân Hà Nội, đúng là
hoa đào trong bài thơ của thi sĩ VĐL. Một người quen về thăm lại Hà Nội quê
xưa, khi trở về Mỹ, Bác đem theo được 3 hột hoa đào, và ương lên được
3 cây con. Thấy tôi là người thích và chịu khó trồng hoa, nên Bác "tặng”
cho một trong 3. “Quý lắm Bác mới tặng”- Bác bảo thế. Mà quý thật, từ một cây
con, chỉ trồng có một năm, là những búp non đã bắt đầu ươm trên cành, và nở rộ
vào những ngày giáp Tết ta sau đó.
Những cánh hoa chen vào nhau,
nở bung ra, xinh thật là xinh, màu tím sẫm rất đẹp. Bây giờ thì trong vườn nhà
tôi đã có một dọc cây hoa đào Nhật Tân –Hà Nội, mà mỗi năm Xuân về-Tết đến, là những
cành đào nở rộ. Nhìn hoa đẹp, tôi cũng muốn biết Nhật Tân
ở nơi nào trên xứ sở của ta, cuối cùng tôi cũng tìm biết được : “Làng Nhật Tân ở phía tây bắc Hồ Tây, kề cận làng Quảng
Bá. Thời phong kiến, làng này là một phường, có tên là Nhật Chiêu, thuộc tổng
Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (Kinh đô Thăng
Long thời Lê); từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; từ năm 1889 thuộc tỉnh
Cầu Đơ (năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông) Năm 1995, sau khi thành lập quận Tây Hồ từ
một số phường thuộc quận Ba
Đình và xã thuộc huyện Từ
Liêm phường Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ.
Nhật Tân xưa có cả đồng và
bãi, trong đó bãi là chủ yếu. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào cảnh.
Kỹ thuật trồng đào của dân làng từ việc ghép cành đào bích vào gốc đào quả để
tạo ra cây đào lai gốc khỏe, mà hoa vẫn đẹp, đều, đến việc sửa tán
tạo thành cây tròn, đẹp đều; đặc biệt là việc hãm đào cho nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán
trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường... đều đạt đến trình độ điêu
luyện, không đâu có thể làm được. Mỗi năm, từ 20 tháng Chạp trở đi, đào Nhật
Tân được đem bán tập trung ở chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, đem đến sắc xuân
cho mọi nhà”.( ngưng trích internet)
Ngoài hoa đào Nhật Tân, cây hoa đào đỏ từ xứ nam Mỹ cũng cho hoa nhiều từ gốc lên ngọn, những chậu mai vàng tứ quý cũng thi nhau khoe sắc, cây mai vàng Nhật Bổn cũng cho hoa rực rỡ mang lại không khí Tết, dù rằng chung quanh, những người bản xứ không hề hay biết bên nhà hàng xóm đang “rộn rã đón Xuân sang” với những món mứt tự làm lấy như mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai, mứt tắc….những cái bánh in trắng phau, những đòn bánh tét nhưn đậu xanh thịt ba chỉ thơm lừng, Và trên cỗ bồng là những “trái cây nhà lá vườn” như đu đủ, cam, bưởi, quít căng mộng ....
Dẫu xa quê hương, nhưng..lỡ là người VN, bao nhiêu năm qua là ngần ấy năm gia đình tôi vẫn “đón Xuân” trong không khí gia đình thật ấm cúng. Những đứa con tôi dù đang làm việc ở xa, vẫn cố gắng thu xếp về với gia đình trong ngày Tết, để được nhận những đồng tiền lì xì may mắn, với lời chúc Tết đến Cha mẹ, ăn những món thuần túy VN do Mẹ mình nấu cúng Ông Bà trên bàn thờ Tổ tiên Ông Bà Nội Ngoại.
Lê
thị Hoài Niệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét