Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022
Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022
Tình Thầy Trò.
Sau mấy giờ con gái lớn
lái xe rồi cũng vào con đường đất đỏ, hai bên đường hầu hết là những cây cao bóng
cả, có vài nơi thì trơ gốc, xác xơ, nhưng bên trong là cả một cánh rừng rậm,
nên nai, mểnh cũng thường ra đứng bên đường như đón chờ khách đến thăm
chơi. Phía xa xa là dòng suối nhỏ, mấy kỳ
trước thấy có nước chảy trong veo vì mùa hè, bây giờ khô cạn. Lúc này trời vào
đông nên một số cây lá cũng có vẻ sầu, buồn rũ, vài cây có lá chuyển màu vàng sẫm,
nhưng hầu hết vẫn là màu xanh cố hữu.
Xe dừng bên hông nhà,
không có garage phía trước như những căn nhà ở phố. Nhưng đâu cần gì, khoảng
sân rộng và khu vườn hơn chục mẫu đất tha hồ mà đậu xe. Chúng tôi bước vào phía
cửa trước theo sự hướng dẫn của “Cô”(vợ Thầy nên gọi vậy, chứ người Mỹ thì cứ gọi
thẳng tên và xưng tôi) đã ra ngoài đón khách. Khách hơi ngỡ ngàng vì ngay trước
cổng, lối vào nhà, ngoài những bụi hoa nho nhỏ có màu vàng èo uột, một tấm bảng
nhỏ hơi méo mó cắm trên đất đập vào mắt với biểu ngữ tiếng Mỹ “ủng hộ phá thai,
và black life matter” đã phai màu nằm xeo xéo lối vào. Mấy đứa nhỏ hầu như chẳng
quan tâm, nhưng tôi thấy nó sao mà lộ liễu quá. Từ lâu tôi vẫn biết Cô ủng hộ đảng
Dân chủ, còn đi cầm cờ biểu tình la ó trên thủ phủ, nhưng trêu ngươi trước mắt Thầy
mà ông chịu được mới là chuyện đáng nói. Chuyện chính trị và tôn giáo hình như
là điều “cấm kỵ” khi những nguời quen gặp nhau ở đất nước này, nên chúng tôi cũng
tảng lờ coi như không thấy, dù trong đầu vẫn thắc mắc tại sao Cô có hai người
con và có cháu mà lại đi ủng hộ phá thai, lại ủng hộ cái đám người phá làng phá
xóm kia dù ông bà không có chút màu da nào dính tới họ? Thiệt hết biết trong
khi Ông là cựu quân nhân mà, từng là “Thầy dạy bay” cho chồng tôi gần cả năm thụ
huấn trên đất Mỹ hồi xa xưa đó, Thầy phục vụ trong quân ngũ đã mấy chục năm đến
khi giải ngũ, dù lúc sau này chuyển qua làm “Vệ binh quốc gia”. Ông và bà là
hai thái cực nhưng họ vẫn bên nhau đã hơn năm chục năm rồi, hay thật!
Cửa mở, ông tươi cười mừng
rỡ khi thấy chúng tôi vào, Bà thì vẫn phốp pháp, tốt tướng, nhưng ông có vẻ yếu
và suốt ngày cứ ngồi trên ghế xích đu để xem TV, theo lời ông.
Sự gặp gỡ sau nhiều năm,
mấy người trẻ tía lia với hai ông bà vì ngôn ngữ chính của họ. Ông thì thích
nói chuyện với người con gái lớn chúng tôi, vì họ cũng từng mặc áo Lính. Ông là
Lính trên trời, từng phục vụ tại Việt Nam một năm và sau đó xin trở lại lần
hai. Con gái tôi là Lính dưới nước, hai người đều “lái” hai phương tiện hành quân
khác nhau của Mỹ xưa và nay, nên có nhiều chuyện để trao đổi. Ôi thôi họ hỏi
thăm đủ chuyện, đã vậy ông còn bắt cô lớn kể chuyện những ngày ra khơi, 6 tháng
lênh đênh trên biển cả có cảm nghĩ gì? Dù bây giờ cô đã từ giã con tàu nhiều
năm và có công việc khác ổn định. Bà thì hỏi thăm cô nhỏ hơn về gia đình và những
con.. chó đi qua đời họ. Hình như chuyện chó mèo cũng là đề tài quan trọng khi
những người lâu năm gặp nhau, cứ như là chuyện con cái trong gia đình. Ừ thì
con chó cũng là thành viên trong gia đình mà, được cưng yêu, được nâng niu như
con dại, di chuyển bằng phi cơ cũng phải mang theo trả tiền giá vé con người nếu
là chó nhỏ.(chó lớn cũng được lên máy bay nếu là chó nghiệp vụ, hay chó giúp
người khiếm thị, đau yếu và được huấn luyện hẳn hoi).
Bữa ăn được dọn lên với
những thực đơn Mỹ quốc do bà làm, những món ăn này bà được truyền lại từ người
Mẹ chồng mà chúng tôi vẫn gọi Bà cụ là Mimi và ông cụ là PaPa. Ông bà cụ cũng dành
nhiều cảm tình cho chồng tôi trong thời gian chàng ở Mỹ. Ngày đó ông Thầy thấy
cậu lính trẻ xa nhà mà chịu khó học, chịu nghe lời ông và cố gắng tối đa làm
theo những gì ông chỉ dẫn. Ông tin tưởng và dành rất nhiều ưu ái cho người học
trò khác chủng tộc đó. Ông cảm thương hoàn cảnh xa nhà và cô đơn trong những ngày
lễ tết, nên ông đưa cậu về nhà và giới thiệu với cha mẹ anh em. Ông Bà cụ thân
sinh rất hiền từ nên thương cậu trẻ. Người em kế của ông, Larry cũng là một thầy
giáo trẻ nên mỗi lần gặp nhau, Larry là người hay chỉ dạy thêm cho cậu Lính phát
âm tiếng Mỹ, và người em gái rất đẹp của ông tên Helen, cũng hay làm bánh
cookie và gửỉ cho cậu Lính mang về căn cứ. Bà cụ là người đàn bà Mỹ
đảm đang, thích nấu ăn cho chồng con, bởi vậy chồng tôi cũng được nhờ, dĩ nhiên
là thức ăn Mỹ. Ngay cả những ngày tôi mới đến Mỹ, cũng về “trình diện” ông bà cụ. Bà cũng truyền thụ cho tôi cách làm
bánh cookie, hay những món mặn để ăn trong những ngày lễ lớn. Bà đan những áo
len, những món đồ chơi xinh xinh nho nhỏ cho mấy đứa con tôi từ khi chúng còn
nhỏ xíu. Có lần lên nhà ông bà cụ nhằm
ngày Easter, đúng lúc ông được nghỉ ở nhà, vì ông là tài xế xe truck xuyên bang
nên ít khi được nghở nhà lâu. kỳ đó suốt ngày ông cụ bồng bế con bé lớn nhà tôi,
ông đùa với nó khiến nó cười hắc hắc như chưa từng cười như vậy nên ông rất thích.
Họ dễ mến vô cùng, buổi tối bà còn đánh đàn piano, những bài nhạc của Mozart, Beethoven,
và những điệu nhạc vui Noel qua những ngón tay điêu luyện của bà cụ trở nên réo
rắt, khiến khách của ông bà cụ, những người đàn bà, đàn ông Mỹ sang cả, lịch sự,
mặc trang phục rực rỡ trong mùa tết đến nhà chơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi,
chỉ có chúng tôi là những người Á đông xa lạ, lại ốm tong ốm teo như bị đói ăn
tự lâu ngày là ngồi vỗ tay mà…ít hiểu.
Gia đình của Thầy ai cũng
thương quý chúng tôi, nên khi ông bà cụ có căn nhà nghỉ mát ở ven bờ hồ trên vùng
Tyler, cũng cho chúng tôi chìa khóa để đến nghỉ ngơi khi nào muốn. Nhưng những
năm tháng còn bận bịu nhiều công việc nên ít có về nơi đó. Có ngày nào nghỉ thì
vợ chồng con cái thường lên xe chạy u ra ngoài biển, mở thùng xe, đốt lò nướng
thịt đem theo từ nhà, rồi cả nhà đi bắt cua. Có vacation thì phải để dành để về
lại VN thăm cha mẹ già đau bệnh. Mãi đến khi cha mẹ qua đời hết cũng là lúc ông
cụ cũng qui tiên. Ngày ông đi, chúng tôi cũng đổ đường xa về dự tang lễ, nhớ ông
thật nhiều nên mấy đứa nhỏ khóc huhu, ngay cả khi chồng tôi lên nói lời “tri ân”
với người quá cố giữa nhóm bạn bè người Mỹ của Ông, chàng cũng…khóc. Ông hiền lành
thân thiện không “kỳ thị Á-Mỹ” như một số người Mỹ trắng “redneck” khác.
Ông
để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm những ngày về thăm chơi. Sáng chưa bảnh mắt,
ông bà đã dậy nấu sẵn thức ăn và những
người khách chúng tôi được tiếp đãi thịnh soạn sau khi bước xuống giường súc miệng
đánh răng, cứ y như là từ nhà hàng Pancake house delivery tới vậy. Rồi dắt chúng
tôi đến giới thiệu với những bạn thân của gia đình họ, cứ như chúng tôi là con
cái trong nhà.
Bà buồn khi mất ông, chúng
tôi cũng thường hay thăm viếng để bà vui với mấy đứa nhỏ, nhưng khi Bà có ông cụ
mới về chung sống, thì hình như tình cảm có vơi đi phần nào vì cả nhà Thầy tôi
cũng không ai…thích gì người mới, họ bảo ông cụ mới chẳng thương thật tình bà cụ
mà muốn về…đào mỏ, nhất là cô Helen ghét ông ra mặt. Hóa ra Á Mỹ gì đều giống
nhau với một quan niệm gia đình, khi về già, người ở lại nếu có tiền, không dễ
tìm được người yêu thương từ trái tim thực sự mà chỉ là sự tính toán, lợi dụng ..(?)
Khi bà cụ quy tiên, cô
Helen cũng buồn rồi ra đi về bên kia thế giới sau khi ly dị chồng, thì gia đình
người Thầy dọn nhà về trang trại này đây. Xa ôi là xa thành phố, thậm chí mua báo
tháng họ không chịu đưa tới nhà, đường nước dùng phải tự lo lấy. Trong rừng mà.
Ông Thầy “góp ý” với chúng tôi nên “mua” khoảng đất gần nhà ông, họ đang rao bán
khoảng mươi mẫu mà không đắt lắm. Trời! tôi mà sinh sống nơi đây chắc về…dưới sớm,
tôi nói với ông bà rằng nếu ai….cho tôi mà thêm chục cây vàng loại 24 kara nữa
chắc tôi cũng không lấy vì nó buồn như chấu cắn. Ngày xưa hổng hiểu sao ông bà
ta có quan niệm: “Bần cư náo thị vô nhân đáo, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”,
nhưng đối với gia đình chúng tôi, hình như bị đảo ngược, rằng thì là “bần cư náo
thị ĐA nhân đáo”! Tôi ở giữa chốn bụi trần không nhà to cửa rộng mà lúc nào cũng
có bạn bè đến thăm dù trời nắng hay trời mưa. Còn ở đây, chắc không…ma nào lai
vãng. Không ham đâu. Ngay cả mộ của ông bà cụ cũng chôn cất giữa phố mà, chúng
tôi về viếng mộ cũng dễ dàng đâu phải vào tận chốn hoang vu, vắng vẻ.
Trời vào đông đã lạnh,
mà buổi chiều mặt trời đi ngủ sớm nên vẻ quạnh hiu bủa vây trang trại. Mấy chú
nai vàng vừa được chủ nhà cho ăn xong đã kéo bầy đàn vào rừng trốn tiệt, không
còn cây lá nào cho chúng gặm cả, nên đất thì nhiều mà ông bà không trồng được cây
cảnh, rau cỏ gì ngoài cây pecan to tổ chảng phủ chụp phía sau hiên nhà. Mấy chú
Công đứng xa xa phía ngoài hàng rào cũng kéo nhau đi mất rồi. Sự vắng vẻ, tối
thùi lùi bên ngoài hình như không mấy ảnh hưởng, họ quen rồi? người ngồi trong nhà
thấy ấm cúng vì lò sưởi củi được đốt lên. Trận football hấp dẫn nên khách và chủ
hăm hở vừa xem TV vừa la ó khi đội tuyển phe mình “chọn” vừa được “touchdown”.
Ông thầy già và ông học
trò cũng già, mái tóc trên đầu của hai người muối nhiều hơn tiêu minh chứng thời
gian không đứng lại. Nhưng kỷ niệm ngày xưa hơn 50 năm hình như khó phai mờ
trong ký ức của họ. Họ nhắc cho nhau nghe những chuyến bay nguy hiểm lúc hành
quân trong chiến tranh tại VN, và những đứa con cũng ngồi nghe hai người già nói
chuyện rồi góp tiếng…thắc mắc. Mấy đứa con của Thầy về trễ khi chiều cũng tranh
nhau hỏi tới với nhiều ngạc nhiên thích thú, đứa nhỏ con tôi thì trầm hơn chỉ
cười cười rồi xin đi ngủ sớm, sau bữa ăn chiều do mấy món thức ăn Việt Nam tôi
làm sẵn rồi mang đến chỉ việc hâm nóng là xong.
Đêm chìm sâu vào yên lặng
khi mấy đứa con đi tìm chỗ ngủ qua đêm. Vợ chồng tôi cùng ngồi với ông bà vì chưa
ai muốn đi ngủ. Ông tâm sự lúc này yếu quá, dù ông mổ tim đã ba năm qua rồi, ông
rất vui vì gia đình chúng tôi vẫn nhớ ông,
rằng năm xưa ông cũng truyền thụ kiến thức cho nhiều Sinh Viên Sĩ Quan Việt Nam
qua rất nhiều khóa, nhưng hầu như ít người…nhớ đến ông! Học trò thì nhiều nhưng Thầy đâu có mấy người,
làm sao họ không nhớ? Nhưng chồng tôi luôn nhớ đến vì chính Thầy, lúc đó đang
mang lon Trung tá, là người đã vào tận trại tị nạn đón chàng ra trước nhiều đôi
mắt ngạc nhiên, thán phục, mừng dùm của những người bạn tị nạn đang bơ vơ nơi đất
khách. Nửa năm trời vợ chồng Thầy đã nuôi nấng chồng tôi, rồi
chở đi học tiếng Mỹ. Chỉ cần một bữa ăn lúc khó khăn cũng đã là ân tình, huống
chi nửa năm trời dài đằng đẵng. Tình Thầy trò, nghĩa bảo trợ, lòng yêu thương
quý mến gắn chặt hai gia đình chúng tôi, nên hễ có dịp là chúng tôi về thăm gia
đình Thầy, những đứa con tôi cũng nhớ hoài rất nhiều kỷ niệm lúc chúng còn nhỏ
về sinh hoạt với gia đình Thầy và Ông Bà Cụ. Những đứa con của hai gia đình, dù
sống những tiểu bang khác nhau, nhưng chúng vẫn liên lạc, trao đổi tin tức thường
xuyên như anh chị em trong một nhà. Ngày nào còn sống, còn về thăm nhau được, là
những ngày hạnh phúc từ đây cho đến cuối đời…
NỬA THẾ KỶ QUA, VẪN NHỚ ĐẾN NGƯỜI
(Lê Thị Hoài Niệm viết theo lời “tâm sự” của chị Nguyễn Thị H. Tr.)
Anh ạ!
Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyển thành màu vàng tuyệt đẹp, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đổ dài trên những tàng cây tạo thành bức thanh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.
Và anh, cũng không có để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình mà dệt mộng…
Còn gì nữa đâu, đã hơn năm mươi năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi nợ duyên đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền, anh nỡ bỏ em ra đi biền biệt khi em vừa tròn hai mươi tuổi!.
Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone của một ngưòi, qua sự quen biết của ngưòi bạn cũ cùng quê, người ấy cho biết khoá … sĩ quan Trừ bị Thủ Đức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này, em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh và bây giờ đã bạc, nhưng mãi mãi không thể có anh. Em tưởng mình không còn nước mắt để khóc nữa vì phải trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ, khóc thật nhiều như ngày nào em nhận được tin anh đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền Nam.
Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em, lại cùng anh nhập ngũ một ngày, để rồi anh X.. của em và anh vào cùng khoá …SQTB Thủ Đức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã sẻ chia từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buổi thăm nuôi của gia đình. Đến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại…theo anh của em chọn đơn vị về Địa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Đại Ngãi-Sóc Trăng.
Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ những ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khoá, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết giữa hai người bạn và cô em gái nhỏ của bạn đã không còn ngăn trở được tình cảm trong anh. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường Trung học công lập Kiến Hòa đã có người Lính lẽo đẽo theo sau làm.. bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng vì biết anh đã để ý thương em, cô em út của người bạn đồng ngũ của mình, ngay cả ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một Thiếu Úy tốt nghiệp từ trường Thủ Đức về tỉnh, đâu phải là chuyện dễ!
Thật tình Ba Má em không muốn em lấy chồng là Lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có những tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian này, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rể.
Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rể dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghiã quân Hưng Điền. Lần nầy hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau dù là huấn luyện viên cho lính.
Nhưng anh lại bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ sức bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Và anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Đêm ấy, đêm 23 tháng …., với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện với hơn chục vị Sĩ quan huấn luyện và nhiều khoá sinh, chỉ còn sống sót một người vì vắng mặt.
Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa, những tiếng khóc đã tắt nghẹn từ lâu. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống con người một cách vô lý.
Để hôm nay, năm mươi năm có lẻ, em ngồi đây nghĩ về anh trong ngấn lệ, về anh Cố trung úy NGUYỄN TẤN…, người yêu tuổi nhỏ và người chồng chỉ có trọn hai năm. Anh đã yên phần anh trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, tên anh thôi lởn vởn trong đầu em, có chăng, ngày em xuôi tay nhắm mắt. Nếu có kiếp sau, không biết mình có còn gặp lại.?
Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022
Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022
Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022
THANK
GIVING! LỄ TẠ ƠN.
Lê
thị Hoài Niệm.
TẠ
ƠN Cha Mẹ sinh con
TẠ
ƠN Thủy tổ giang sơn quê mình
TẠ
ƠN Những bạn chí tình
TẠ
ƠN Cô Bác, Thân
sinh Ông
Bà
TẠ
ƠN Chính phủ Cờ Hoa
TẠ
ƠN Bảo trợ, cho nhà, cho cơm.
TẠ
ƠN Nhà giáo, Nông thôn.
TẠ
ƠN Người biết bảo tồn quê hương
TẠ
ƠN Chiến sĩ can trường
TẠ
ƠN Con(của) Mẹ nêu gương đáp đền
TẠ
ƠN Các Đấng Bề trên
TẠ
ƠN cuộc sống vuông tròn chung quanh
TẠ
ƠN mầm sống màu xanh
TẠ
ƠN không khí trong lành ban mai
TẠ
ƠN Ta vẫn còn đây
TẠ
ƠN sức khỏe tràn đầy, an vui.
TẠ
ƠN Người mãi bên đời
TẠ
ƠN nắng sớm, chiều rơi nhẹ nhàng
TẠ
ƠN nhưng dạ xốn xang
Thổ
dân bản xứ không màng …Tạ ơn.
Ngày
xưa tị nạn Pilgrims
Đói
ăn, rét lạnh, héo tim đông về
Người
Mỹ bản xứ cận kề
Mang
thực phẩm giúp không hề “ta đây”!
Không
nhờ bí, đậu, gà tây
Làm
sao có được ngày này: TẠ ƠN !
Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022
Biển chiều…
Biển
xanh ngút mắt ngoài khơi
Xa
trong tầm mắt Biển Trời gặp nhau
Biển
thương hé nở nụ cười
Lăn
tăn ngọn sóng chào người nhàn du.
Ngồi
nhìn nước biển êm ru
Lòng
biển sáng nắng chiều mưa?
Vừa
tĩnh lặng đó, đuổi xua sóng trào?
Đưa
con thuyền nhỏ nghiêng chao
Trồi
lên, hụp xuống lao đao giữa dòng.
Biển
giận ai, nổi cơn dông?
Xua
kẻ “vong quốc” vào vòng trầm luân!
Dẫu
Người quý biển vạn lần
“Mẹ
trùng dương” đó từ thân nương nhờ.
Biển
vui êm ả, hiền khô
Biển
giận sóng dữ đắp mồ tha nhân.
Biển
ơi! biển đẹp vô ngần
Để
người yêu biển kết thân tâm tình
Ước
gì biển mãi yên bình
Đừng
gây bão tố, khỏi nhìn khổ đau.
Chiều
nay nhìn biển xanh màu
Thương
vùng biển cũ tít mù bên kia
Nha
Trang, biển nhớ sao vừa
Vẫn
mơ tìm lại dấu xưa chân trần?
Lê
thị hoài Niệm 2022
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022
Hội
Ngộ Cô Gái Việt ở Houston
Năm
2020 rất đông CGV từ khắp mọi nơi mua vé về Houston trước là dự đám cưới của chị
Kiều mộng Hà và anh Hồ Công Tâm, nên may áo đồng phục dự tính làm dâu phụ mấy
chục người, sau nữa là họp mặt CGV. Nhưng vì bệnh dịch Covid -19 bùng phát nên
không đi được, hãng máy bay Southwest cho credit tới đầu tháng 9 năm 2022.
Ngày
1 tháng 9 từ Bắc Cali, chúng tôi lên đường “tòng quân nhập ngũ”. Điều làm tôi
phấn khởi và cảm động vì từ lâu dù cùng là thành viên của Cô gái Việt, nhưng chị
Hoài Niệm và Song Thy chuyên làm “thợ lặn,” rất ít lên tiếng hay gởi bài vở
vào, nhưng khi nghe chúng tôi qua Houston, chị Hoài Niệm lên tiếng mời chào “sẵn
sàng làm Uber đưa đón phi trường và có mini motel free.” chị và SongThy lên
list chương trình những ngày ăn chơi xả láng. Tôi thật ngạc nhiên không ngờ
trên diễn đàn chưa quen biết nhiều nhưng 2 người đã mở rộng lòng như vậy.
Đêm
31 chị Kim Phú lên nhà tôi ở lại, mặt mày bơ phờ than mệt vì lo bao nhiêu công
việc trước khi đi. Tôi cũng ngại sức khỏe chị có bảo đảm với chuyến đi chơi xa
một tuần này không?
Thứ năm ngày
1 tháng 9
Chúng
tôi đi chuyến bay 5 giờ sáng đến phi trường Hobby 10 :30. Chị Hoài Niệm và Song
Thy đã đi vòng vòng bên trong tìm kiếm, chị Kim Phú than đi không muốn nỗi, ai
dè vừa gặp chị HN và ST, nét mặt từ héo đổi qua tươi bất ngờ, chị kêu lên “sao
giờ thấy khỏe lên khi gặp các bạn” chị cười nói huyên thuyên từ đó khiến tôi thấy
yên lòng và vui theo.
Anh
Lắm (chồng chị Hoài Niệm) đón chúng tôi lên xe, anh là lính Không Quân ngày xưa
từng tung hoành ngang dọc giữa trời mây đâu không thấy, trước mắt tôi là người
đàn ông có nụ cười hiền hậu ít nói.
Về
nhà chị HN dọn cơm trưa món cá nục kho khô, cà tím xào, canh rau mồng tơi nấu với
mướp ngọt và tôm... chao ơi là ngon chi lạ, thói thường tôi ít dùng trưa nhưng
nay phá lệ ăn một bụng đã đời.
Tôi
bị thu hút theo khu vườn toàn bông hoa lạ tên Mỹ (không biết tên), hai giàn hoa
Lan treo, lối đi nhỏ đủ các màu sắc tươi xinh, có cả hoa Tigôn leo phủ trên lối
đi.
Tôi
run run nhìn những cánh hoa, bồi hồi tưởng nhớ giàn hoa Tigôn mọc trước mái nhà
ở Huế, mỗi lần quét sân tôi hết sức nhẹ nhàng trước những xác hoa rụng, nơi biết
bao kỷ niệm yêu dấu nay đã hơn 40 năm tôi chưa được nhìn lại loài hoa này. Sẵn
dịp nhớ lời bà bầu Phương Thúy nhắc nhở chị em đem nhiều áo dài cho mục biểu diễn
như đã thông báo, tôi ngẫm nghĩ “mình phải thủ vốn trước cho… ăn chắc “. Thế là
tôi thay 3 màu áo ra làm dáng nhờ Song Thy chụp, xong vào nhà ngồi uống trà tôi
vẫn còn muốn thay tiếp áo cho xứng công mình đem đi, nhưng Song Thy cản “thôi
chờ các chị đến đông chụp luôn cho đủ màu sắc”
Đến
giờ đón chị Phan Lang và vợ chồng Phương Thúy, Khánh Hà, anh chị Hoài Niệm đi
tiếp, Song Thy chở chúng tôi chạy vòng vòng xem phố phường Houston khu Việt
Nam. Chiều hẹn tại nhà hàng Kim Sơn (một trong 5 chi nhánh nơi đây). Chị Phan
Lang than “đói quá sáng giờ chưa có gì trong bụng”. Món ăn được đem ra gồm cá
kho tộ, canh chua, thịt bò xào đậu la ve nấu thật đậm đà ngon miệng, tôi lại
phá lệ thay vì bình thường chỉ một chén cơm, nay tăng gấp đôi.
Thứ sáu
Sáng
sớm thức dậy, tôi ra vườn đi dạo, lòng thanh thản hít thở không khí trong lành.
Yêu vô cùng những cánh hoa xinh tươi lấp lánh hạt sương trong, nắng chiếu lơ lửng
xuyên qua cây cành, nắng tô điểm lên sắc vàng, tím, hồng, đỏ …tạo nên bức tranh
tuyệt vời ngây ngất
Vườn
hoa Hoài Niệm
Cảnh
chiếu sương mai đọng ngọt ngào
Hoa
vườn Hoài Niệm đẹp làm sao
Tràn
bông trổ chậu chào thanh tú
Ngập
nụ đơm cành trải nhã tao
Gọi
bể tình say hương phảng phất
Buông
thuyền mộng tưởng nắng lao xao
Khen
người khéo tạo thiên đường nhỏ
Bước
nhẹ hồn dâng ý dạt dào
MTTN
Viết
xong vài câu thơ trở vào nhà, anh Lắm đã pha sẵn cà phê, thưởng thức hương vị
thơm ngát, tôi đọc bài thơ cho anh nghe, anh cười hiền hoà nét mặt như đang
hãnh diện
-
Bà xã anh chăm sóc kỹ lắm, chẳng còn làm thơ viết văn gì nữa, hầu như bà dành
thì giờ ngoài vườn gần hết, bà muốn thảnh thơi đầu óc tận hưởng nét đẹp của
bông hoa, trồng trọt chăm bón các loại rau cũng như mướp, bầu, dưa …v…v…vui với
thiên nhiên.
Màn
kế tiếp, chị em mặc áo dài đến chùa Việt Nam có hồ Sen rộng và tượng Phật Quan
Âm lộ thiên, chị em tha hồ chụp hình, đi thăm chung quanh hưởng sự yên tĩnh trầm
mặc.
Sau
màn đóng phim chị em về nhà thay áo quần thoải mái để đến nhà hàng Kim Sơn (địa
điểm khác) ăn buffet.
Chỉ
mới trưa thứ sáu nhà hàng đã đông nghẹt người, số ngồi trong, số đứng xếp hàng
bên ngoài đợi. Song Thy có mời anh bạn thân, anh này đến trước ngồi đợi, bước
vào bàn Song Thy giới thiệu tên Dương Thượng Trúc, tôi chưa kịp lên tiếng thì
anh nói
- O Thành Nội đi mô đây?
Anh
nhìn tiếp qua chị Kim Phú
-
Hình như bé Phú đây hở?
Chúng
tôi bắt tay cười thân mật, trái đất luôn tròn...Nhớ lại hơn 3 năm trước, một lần
xin địa chỉ chị Hồng Thủy với email Thủy Bùi, gởi 2 lần không thấy trả lời, tôi
gởi tiếp lần thứ 3 thì nhận được email “xin địa chỉ email tui làm
chi vậy, muốn đổi giống tôi thì phải nấu xôi chè cúng trước đã ...” kèm theo tấm
hình người đàn ông mặc đồ lính, tôi giật mình xem lại email mới hay mình xớn
xác vô ý vì trong ngoặc kép của Thủy Bùi là “mũ nâu...” không giống trong ngoặc
kép của chị Thủy Bùi, kế tiếp anh làm 2 bài thơ Đường gởi, tôi mới biết anh
tham gia hội thơ Đường từ lâu. Giờ qua đây biết thêm anh có quá nhiều tài vừa
thi sĩ, nhạc sĩ, đọc truyện, phỏng vấn, làm đài radio trang Văn Học Nghệ Thuật,
ngoài tên Dương Thượng Trúc anh còn có tên là Huy Tâm, Anh thường gởi mục này
…nhưng tôi không rõ Huy Tâm là Dương Thượng Trúc.
Trở
lại chuyện ăn uống, bước vào hoa mắt theo các món ăn VN hấp dẫn không kể hết được.
Tôi chọn tô cháo lòng, dĩa bánh ướt tuy mỗi thứ đều nho nhỏ, nhưng ST đã share
nửa tô cháo lòng vì muốn bao tử tôi còn chỗ chứa những thứ khác, tôi lấy thêm 2
khúc bắp nướng và dĩa đậu bắp ăn tiếp, qua quầy chè cả chục thứ, tôi chọn ly
chè 3 màu xin thêm ly đá lớn để giảm chất ngọt. Ăn xong tôi hết muốn nếm các thứ
khác, mắt hơi hoa, đầu hơi nhức, người thấy mệt vô cùng nhưng miệng vẫn mỉm cười
với mọi người. Tôi hơi lo vấn đề bội thực hoặc đường cao, niệm thầm “Nam mô Dược
Sư Lưu Ly Quang Vương Phật” suốt buổi, cho đến khi về nhà ợ hơi lên được mới thấy
bớt mệt và vào nằm ngủ một giấc tới chiều dậy cảm thấy khỏe trở lại.
Hai
hướng dẫn viên tiếp tục lo buổi ăn chiều tại nhà hàng cá nướng Jasmine có nhạc
sống, món được gọi là Bò 7 món và gỏi cá, hầu như mọi người chỉ dùng một cuốn lấy
lệ và chỉ biết ngồi nhìn vì thức ăn buổi trưa còn ứ đọng, nhưng bù vào được xem
các ca sĩ hát nhạc theo yêu cầu thật hay. Anh Huy Tâm cũng lên hát 2 bài
nhạc, hơi quá tốt, giọng rất hay kiểu ca sĩ chuyên nghiệp.
Thứ bảy
Phương
Thuý, chị Phan Lang, tôi về nhà bà con và bạn, nhưng buổi tối chị Hoài niệm vẫn
tổ chức tiệc họp mặt Nha Trang. Con trai bạn tôi đến đón chở mẹ Đào và dì Thúy
đi 6 ngôi Chùa gồm Tịnh Xá Phước Đức, chùa Linh Sơn (thắp nhang cho ba mạ Bích
Đào cùng thăm mộ), Trúc Lâm thiền viện, chùa Liên Hoa, chùa Ông Bổn, Viên Thông
Tự, Chùa Tịnh Luật (đóng cửa nên chỉ đứng ngoài nhìn), kế tiếp nhà thờ Lộ Đức,
giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Nhìn nhà Thờ cũng như Chùa bên này tôi thấy xót xa nghĩ
đến những ngôi chùa bên Bắc Cali thật tội nghiệp từ chỗ đậu xe đến khuôn viên
ngôi chùa, trái ngược bên này đất rộng mênh mông đi một vòng cũng đủ mỏi chân
Buổi
tối theo chân cả gia đình đi lễ nhà thờ, con trai setup máy móc âm thanh, cháu
nội mặc đồng phục đứng hát trong ca đoàn làm tôi rất cảm kích lối sống giàu tâm
linh, giàu lòng bác ái đạo đức, vì Phong (con trai Bích Đào) còn giữ chìa khoá
2 nhà thờ để cắt cỏ, tham gia đủ việc như dạy học, gói bánh chưng, nấu phở, trộn
nhân chả giò, làm bảo vệ mỗi khi có tổ chức đại hội ca nhạc mà cháu đã cho xem
video .Niềm vui nhẹ nhàng, tôi hát theo, đọc theo lời giảng của Chúa, chỉ có ăn
bánh thánh và làm dấu là không biết.
Chủ Nhật
Sáng
sớm tôi theo bạn đi lễ nhà thờ tiếp, quang cảnh thật đẹp mắt, người ta ăn mặc
thanh lịch, phụ nữ mặc áo dài. Bước vào bên trong những gian hàng cà phê, bánh,
xôi, bún bò có nhiều mấy chục món thật hấp dẫn, người mua đông nghẹt. Phía trước
nhà thờ là chợ trời bán rau, hầu như nhà ai cũng trồng, bày các thứ rau khoai,
rau tập tàng, rau mồng tơi, rau má, bầu bí, mướp ngọt xanh tươi khiến khách có
trồng sau vườn cũng muốn mua thêm. Tôi nhìn khung cảnh êm ả, cách sinh hoạt của
những người có đạo, dâng lên niềm hạnh phúc khôn cùng, đưa phone lên chụp lia lịa.
Chiều
con bạn chở về nhà chị Hoài Niệm, để kịp đi dự tiệc hội Lính chị đã đặt bàn trước
(nghe nói mỗi tháng tổ chức một lần). Nhìn hình ảnh các anh trong bộ quân phục,
thấy lá cờ vàng, hồn lại say say quay về khoảng thời gian xa xưa, một thời còn
in mãi buồn vui lẫn lộn.
Tại
đây được gặp hội viên của Văn Thơ Lạc Việt là tiến sĩ Mai Thanh Truyết, gặp chị
Kiều Mộng Hà và anh Hồ Công Tâm lái xe từ Austin đến kịp, chị em tay bắt mặt mừng
thân mật. Nhạc sống hát cho nhau nghe dưới ánh đèn màu thơ mộng, thức ăn đem ra
3 món thì cả bàn đều cứng bụng, không thể chứa thêm nữa nên những món sau đành
xin hộp to go.
Thứ hai
Các
chị em không cho chị Hoài Niệm đứng bếp lo buổi ăn trưa, tiếc của đem các hộp
thức ăn togo ra thanh toán nhưng cũng còn nguyên hộp bò xào. Chị Hoài Niệm loay
hoay sửa soạn các món đem qua nhà Song Thy, còn dự tính ghé vài nơi mua thêm
nhiều món nữa, nhưng mọi người cản lại vì sợ thức ăn bị dư thừa như mấy ngày
qua.
Đến
nhà Song Thy sớm phụ giúp, nhưng cô nàng đã chuẩn bị đâu vào đó bày giàn thức
ăn ngập bếp...nem, chả, gỏi gà, cháo lòng, gỏi cuốn tôm thịt, xôi vắt, khoai
môn, hoành thánh, chim cút, xoài tẩm muối ớt, mít, thạch… v...v, ngoài ra chị
Nguyên Nhung và anh Đông Nguyễn mang đến 2 khay thịt bò trộn rau nữa.
Gặp
phái đoàn từ Dallas do anh Sinh chồng chị Ngân Bình chở đến gồm chị Thanh
Dương, vợ chồng Nghĩa & anh Sâm. Khỏi nói đến màn gặp nhau, chị em ôm chặt
thật lâu rồi dành nhau nói như chim hót. Kế tiếp chị Phan Lang xổ ra giường như
bán hàng quần áo, nhắc chị em lựa thử vừa thứ nào tặng thứ đó, mạ ơi áo dài
tung ra, chị em mau lẹ mặc áo mới mỗi người một sắc chen nhau trước tấm gương, ẹo
qua uốn lại ngắm cho …đã mắt. Đến phiên chị Kiều mộng Hà phát túi xanh túi đỏ đựng
nhiều thứ, Phương Thuý và mọi người cùng tặng quà nhau đưa qua, trao lại đầy
náo loạn háo hức.
Trong
lúc chờ đợi tới giờ, chị em thay quần áo ra khu vườn được nhiều bạn của
Song Thy giúp trang trí có cái tên là Uyển Lan Viên đầy thơ mộng, đặc biệt một
khung gỗ được gắn hoa và nón lá có tấm hình ghi chữ “Hội Ngộ Cô Gái Việt
Houston 2022”. Thế là cái màn này đắt giá gọi nhau chụp hình liền bên tấm bảng
CGV. Với nhiệt độ trên 90 độ F, mồ hôi chảy ướt áo nhưng sức khỏe quý nương thật
tốt, chạy vào chạy ra thay áo khác không biết mệt, hễ thấy anh Khánh Hà, anh
Sinh, anh Lắm hay bất cứ ai là réo ơi ới không cho đứng yên, dúi vào tay kể cả
anh Khải bạn Song Thy vừa giới thiệu xong, cũng túm anh nói nhanh lẹ
-
Anh, anh ...chụp, chụp ...dùm “
Anh
Khải hiền lành làm theo, không biết anh có nhận ra cái O ni mặc áo dài mà chẳng
thấy dịu dàng tha thướt chi cả.
Đối
với anh Lắm vì đã thân tình mấy ngày qua nên kêu gào gọn hơn
-
Anh Lắm ...chụp, chụp, chụp ...
Mặt
tỉnh khô, anh hỏi lại
-
Chụp cái gì?
-
Dạ chụp cho những bông hồng biết nói… ha… ha... (tự tin) đã nhờ mà còn hối thúc
“lẹ lẹ lên kẻo sợ trời mưa như những chiều trước anh ơi”.
Vào
chương trình, các chị em mặc áo dài đồng phục của Cô Gái Việt. BB Phương Thuý
giới thiệu nhóm và tặng hoa những người có công lớn như chị Hoài Niệm, Song
Thy, Chị Phan Lang và chị Kiều mộng Hà. Mỗi người lần lượt giới thiệu tên mình
đến từ đâu. Mở màn đầu tiên cùng hợp ca nhạc phẩm “Cô Gái Việt” của Hùng Lân và
“Khúc Tâm Ca Cô Gái Việt” do chị Hoài Niệm sáng tác:
Từ
trong tim ta, tình thương bao la,
vượt
qua phong ba, nhớ lời Cha trước lúc chia xa
Thề
yêu quê hương, nhà Nam đau thương,
Giặt
gây tai ương, áo còn vương nước mắt Mẹ già
Cô
Gái Việt nhu hoà. Tươi như ngàn đóa hoa
Yêu
nét bút thi ca. Yêu nét bút thi ca
Cô
Gái Việt gan bền. Ta kết đoàn tiến lên
Ơn
sông núi đáp đền. Ơn sông núi đáp đền
ĐK:
Cô Gái Việt ơi. Sóng gió trùng khơi
Trong
chơi vơi cô vững tay chèo lái
Cô
Gái Việt ơi. Dấn bước ngàn nơi
Đem
vinh quang nêu gương sáng huy hoàng.
Cô
Gái Việt ơi. Bắc Quốc tàn hung
Xưa
Quang Trung Trưng Nữ Vương thề chiến.
Cô
Gái Việt ơi. Gắng sức về đây
Tay
chung tay xua tan lũ tham tàn.
Toàn
dân hân hoan, rồi đây quân gian,
họa
tai tiêu tan, bốn ngàn năm tiến bước hiên ngang
Từ
xa quê hương, người đi muôn phương,
ngập
tràn tình thương, hát mừng reo đất nước phú cường,
Hát
mừng reo, Việt Nam Quang Vinh.
Nhạc
và lời: Lê Thị Hoài Niệm
Tôi
đọc 2 bài thơ của chị Phương Hoa và tôi mới xướng họa buổi sáng
Hồn Cô Gái Việt
Từ
ngày tao loạn biệt trùng khơi
Con
cháu Lạc Long tản khắp trời
CÔ
GÁI VIỆT NAM tài mãi rạng
NỮ
LƯU TRƯNG TRIỆU đức luôn ngời
Văn
thơ tôi luyện không xao lãng
Thi
phú trau dồi chẳng để lơi
Quốc
ngữ bảo tồn chờ đất Mẹ
Hòa
bình hạnh phúc khắp nơi nơi
Phương Hoa - Sep 5/ 2022
Cô Gái Việt
Mất
nước đi tìm trốn biển khơi
Buồn
đau lưu lạc mọi phương trời
Anh
thư máu Triệu tâm hùng dũng
Nữ
kiệt dòng Trưng chí sáng ngời
Thi
hội căm hờn thề vẫn nhớ
Văn
đàn uất hận nguyện không lơi
Gìn
ngôn ngữ Mẹ quê hương khắc
Cô
Gái Việt mình kết khắp nơi
Mình
Thúy Thành Nội
Kế
tiếp bà bầu Phương Thuý hướng dẫn chơi trò “đố vui có thưởng”. Thêm mục đặt biệt
đúng ngày sinh nhật chị Kim Phú nên ngoài cái bánh mừng CGV còn thêm cái bánh mừng
sinh nhật, chị Kim Phú tươi tắn thổi đèn cắt bánh. Chị Hoài Niệm góp ý “bỏ màn
trình diễn thời trang áo dài trước mặt đàn ông thấy kỳ lắm...” bà bầu PT vâng lời
theo. Tôi đã tiên liệu mọi thứ có thể thay đổi, đã lẹ làng mặc hết mấy áo dài
đem theo chụp hình nên ...hả dạ vô cùng và chẳng sợ áo nào buồn tủi không được
đụng tới.
Màn
ăn uống vui nhộn phe nam sương sương uống bia, phe nữ quây quần nói chuyện râm
ran. Anh Hồ công Tâm nhờ Phương Thuý gọi tôi ra ngâm dùm 3 bài thơ, còn chi thú
vị hơn nữa với những tâm hồn đồng điệu yêu thơ văn. Kế tiếp là mục karaoke tất
cả đều hát, chị Hoài Niệm có màn trình diễn hài hước hò vè vui mắt, anh Hồ công
Tâm ngâm thơ thả hết tâm hồn diễn tả có đoạn buồn, có đoạn đập bàn mạnh thật
hào hứng, các anh rể rất thân mật hợp ca bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ
Hoàng Dương rất hay. Màn cuối chị Hoài Niệm và Song Thy đổi chương trình muốn tập
thể dục nên bỏ nhạc kích động “60 Năm Cuộc Đời, Túp Lều Lý Tưởng”, không ngờ chị
em hưởng ứng mạnh mẽ tất cả đều ra nhảy twist thật vui nhộn, cứ ngỡ như mình
đang tuổi 20 hồn nhiên đón nhận sự sống tươi đẹp. Hơn 1 giờ sáng cuộc vui mới
chịu ngưng.
Thứ Ba
Sáng
anh Dương Thượng Trúc liên lạc chị Hoài Niệm mời BB Phương Thúy và tôi đến đài
radio phỏng vấn về Cô Gái Việt. Tôi ngại ngùng chỉ muốn chị Phan Lang thay thế để
trả lời hay, khéo hơn nhưng anh DTT cần tôi ngâm thơ nên khó từ chối. Anh nhiệt
tình rất nể trọng chị Phan Lang muốn dành 1 tiếng phỏng vấn riêng, và cũng hỏi
tôi có đem theo tác phẩm nào không, anh sẽ giới thiệu để có kỷ niệm chuyến qua
Houston chơi, chị Phan Lang chỉ muốn thầm lặng nên từ chối, và tôi cũng chẳng
có thì giờ.
Chuẩn
bị buổi phỏng vấn, chị Phan Lang đến sửa áo, sửa dáng ngồi cho tôi và Phương
Thuý nhiều lần, bà chị chỉ muốn các em… đẹp nên nhìn cử chỉ rất thương và cảm động,
Khánh Hà cũng đến nhắc vợ
-
Ngồi khép chân lại ...
Bà
bầu quê độ với anh xã nhưng cũng nói gắng vớt vát
-
Ái dà ...đến sửa đủ thứ vậy
Anh
Dương Thượng Trúc đặt câu hỏi về những sinh hoạt Cô Gái Việt, hình như anh
thấy mến hội nữ này nên hăng say thố lộ
-
Tôi đã mò được Cô Gái Việt rồi
Đang
ngồi muốn cười nhưng cố làm nghiêm, cùng lúc anh cũng thấy mắc cười nên đính
chánh:
-
Xin lỗi tôi diễn tả lời lẽ bình dân, ý là hồi đêm tôi thức khuya kiếm ra
trang web của Cô Gái Việt, tìm hiểu đọc tài liệu tới 3 giờ sáng, rất ngưỡng mộ
nên muốn mời phỏng vấn các chị đó.
Cuộc
nói chuyện tự nhiên một tiếng đồng hồ, sau đó Song Thy chở các anh chị em ra tập
trung nơi quán Phở Ngon ăn trưa, chị Phan Lang len lén trả tiền chớp nhoáng.
Thời
giờ còn lại đi lên Chùa “Cậu Chín” (nghe đồn thầy biết xem bóiVừa bước vào ngồi
hàng ghế chờ đợi, Song Thy nói nhỏ
-
Chao ơi mặt thầy đẹp trai quá, dễ… thương ghê
Tình
cờ thầy đưa tay lên để trên đầu, Song Thy hoảng hốt:
-
Chết, chết... thầy biết mình đang nói xấu, coi chừng thầy gọi lên chưởi rồi đuổi
về thứ …cứng đầu cứng cổ đó nha
Thầy
tiễn khách xong nhìn về phía chúng tôi ra dấu đến gần, Song Thy luýnh quýnh
-
Thầy gọi lên để mắng đó...
Đứng
một hàng chung quanh, thầy nói gì tôi cũng không nghe không nhớ được, nhưng lọt
vào trí óc câu thầy nói “Đức Phật đã đi xa rồi, giờ chỉ có ông Phật trong tâm
mình, đến chùa không phải để cầu, chỉ mình tạo công đức, phước báu mới hưởng
thôi, cố gắng nuôi dưỡng ông Phật trong tâm, tập buông bỏ mọi sự mới tìm được sự
an lạc”, thầy cho mỗi người xâu chuỗi tượng Phật như ban sự bình an.
Ra
về chị em nhớ lời Song Thy, cười rung rúc.
Chiều
tối tập trung nhà Song Thy thanh toán thức ăn chiều trước còn dư quá nhiều, và
thêm vài món mới. Phe đàn ông ngồi nhậu bia tâm sự phía trước, phe đàn bà vừa
ăn vừa kể chuyện tếu cười rũ rượi, cười ha hả, cười đến chảy nước mắt, mất nét
quý phái luôn (riêng tôi không có nét đó nên không sợ mất).
Thứ Tư
Sáng
sớm từ giã mỗi người đi mỗi chuyến bay khác nhau. Chia tay lòng bịn rịn khôn
nguôi. Vợ chồng Bích Đào đến chở tôi về chơi suốt ngày, vì chuyến bay của tôi tới
10:20 pm. Những ngày ở nhà bạn tôi yêu cầu chỉ nấu rau hái sau vườn như rau
đay, rau mồng tơi, mướp đắng, bạn thương cho ăn thêm cá chiên, cá kho, cá nấu
canh nữa. Anh Cư nhất định đòi đóng thùng cá 50 lbs (vì có nhà dưới biển thỉnh
thoảng về câu đem lên chứa 4 freezers). Tôi sợ hãi vì nhà chỉ có một tủ lạnh đã
chật cứng nên từ chối
Về
nhà ngủ vùi một ngày chẳng biết trời trăng, người đang còn say cuộc vui tuần vừa
qua với những tình cảm, nghĩa cử tốt đẹp từ vợ chồng chị Hoài Niệm, Song Thy đã
dành tặng món quà lớn vô cùng không kể hết, anh Lắm suốt ngày làm tài xế và phụ
vợ chuyện bếp núc, lo cà phê sáng cũng như món điểm tâm, tuy ít nói nhưng pha
trò rất duyên dáng, chị Hoài Niệm và Song Thy tấm lòng rộng rãi phục vụ chị em
hết ga.
Nhớ
nhiều lắm ...nhớ rồi mỉm cười sung sướng và hãnh diện mình có được những chị em
Cô Gái Việt tốt bụng chân tình như bà bầu Phương Thúy lo lắng đủ thứ cho chị
em. Nhớ chị Phan Lang con người tài danh sáng ngời nhưng tâm tính rất bình dân
giản dị, luôn thân mật cởi mở với mọi tầng lớp, đi đâu cũng mang theo máy ảnh
chớp say sưa các chị em đôi lúc quên cả mình. Nhớ chị Kiều mộng Hà ăn nói nhỏ
nhẹ luôn kèm nụ cười trên môi. Nhớ chị Ngân Bình có khuôn mặt đẹp, vòng tay ôm
xiết chặt rất lâu đầy thân thiện và cũng có điểm giống chị Phan Lang, khi tôi sắp
hát nhắc nhỏ “đi đôi guốc cao vào” vì muốn em gái mình thu hình vào video đỡ …xấu
(hi…hi…). Nhớ chị Thanh Dương luôn dịu dàng hiền hoà. Nhớ chị Kim Phú sức khỏe
rất yếu nhưng gặp bạn là được tiếp sức, tiếp niềm vui để sống, để cười để nói
hăng say làm người khác cũng vui theo. Nhớ Nghĩa có nét mặt dễ mến nhất là đôi
mắt đẹp thu hút, tuy bằng tuổi tôi nhưng nhìn rất trẻ và duyên dáng. Nhớ Song
Thy hình ảnh của người phụ nữ miền Nam có sắc đẹp sang trọng, nụ cười rất tươi
và tánh tình cởi mở đùa giỡn hồn nhiên. Nhớ chị Hoài Niệm một người tài ba
nhưng luôn đằm thắm khiêm nhường chỉ muốn ngồi trong bóng tối, nếu không nhờ
người khác kể lại thì tôi không biết chị là tổng thư ký của Trung Tâm Văn Bút
Nam Hoa Kỳ, sinh hoạt trên mấy chục năm nay. Ngoài tài viết văn, làm thơ còn là
nhạc sĩ sáng tác bài “Nguyễn Huệ Trường Tôi, Khúc Tâm Ca Cô Gái Việt”, nhất là
nghe bài “Hợp Đoàn Trực Thăng” lời và nhạc điệu oai hùng rất hay tôi đã tưởng
nhạc của Hùng Lân, hèn gì đi đến đâu, nhất là nơi hội lính hầu như ai cũng biết
chị đến chào liên tục.
Nhớ
chị Nguyên Nhung có nét mặt hiền tỏa sáng, nhẹ như người rũ bỏ bao niềm tục đạt
tới cõi thiền, người mà tôi rất mê giọng văn sâu sắc, bài viết hay muốn mình bận
tâm suy nghĩ sau khi đọc xong. Nhớ anh Đông Nguyễn lặng lẽ quay hình và cho ra
video mau lẹ xem thích thú. Nhớ anh Dương Thượng Trúc tốt bụng, đầy nhiệt tình
đến quay phim làm video cuộc họp mặt của Cô Gái Việt và mời lên đài phỏng vấn. Nhớ
Nhung, anh Khải đã đến giúp trang trí cũng như mọi thứ cho bạn Song Thy trong
việc tổ chức tiệc họp mặt thật quý hóa. Nhớ anh rể Sinh tốt bụng làm tài xế chạy
ngược xuôi đón người hướng đông, kẻ hướng tây chở đường xa từ Dallas về
Houston, lại khéo tài làm MC buổi văn nghệ ăn nói linh động hoạt bát. Nhớ anh Hồ
Công Tâm say thơ diễn tả thật sống động. Nhớ anh Sâm đồng hương Huế vui cười
chuyện trò chừng mực. Nhớ anh Lắm ...lắm lắm rất thân mật phục vụ các chị em vợ
hết mình. Nhớ Khánh Hà hiền lành nhỏ nhẹ như O con gái, chụp hình thiếu đường
lé con mắt luôn, thấy mặt là bị gọi, đang ăn cũng bị gọi, nhưng vẫn vui cười ôm
máy hình và mấy phone bỏ túi áo, kẹp nách chiều lòng quý bà hết cỡ.
Nhớ
Bích Đào cô bạn học rất thân, nhiều kỷ niệm thời chung trường Thành Nội năm
xưa, đã thông cảm khi người quen hỏi
-
bạn thân không dành trọn thời gian như vậy Bích Đào có buồn không?
Bạn
đã trả lời
-
MT bận họp hành với Cô Gái Việt mà.
Xin
lỗi rất nhiều Bích Đào & anh Cư, nhớ lắm nghĩa cử chăm sóc của hai vợ chồng,
đã để trong tim.
Mimh
Thúy xin cảm ơn hình ảnh do chị Phan Lang, anh Lắm, anh Sinh ghi nhận để Minh
Thúy trình bày thêm trong bài viết này
Lời
cuối, MT muốn cám ơn cuộc họp mặt với tất cả quý anh chị em tại Houston, (kể cả
bạn Bích Đào) mang lại niềm vui tăng thêm tuổi thọ, tăng thêm ý nghĩa trong cuộc
sống nếu không nhờ anh Lắm, chị Hoài Niệm, Song Thy làm tài xế, lo nơi ăn chốn ở
chu đáo. Ra về mang nặng quà của tất cả các chị em, thật cảm động con người của
“xứ nóng tình nồng”
.
Minh
Thúy Thành Nội
Tháng
9/2022
Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022
Thư Quán Bản Thảo và Tôi.
Lời đầu tiên viết xuống
trang giấy này là lời cảm ơn chân thành xin gửi đến quý Anh Trần Hoài Thư và anh
Phạm Văn Nhàn, đã cho tôi cơ hội góp vài trang chữ đến với Thư Quán Bản Thảo, một
tập san mà tôi may mắn có được từ số một đến những số, có thể cuối cùng, khi
các anh quyết định không in nữa vì không còn đủ sức khỏe….
Thú thật từ những ngày ở
Việt nam xưa, chưa bao giờ tôi có cơ hội đọc truyện, thơ của Văn, Thi sĩ Trần
Hoài Thư, nhà văn Phạm Văn Nhàn và nhiều những nhà văn, nhà thơ trẻ nổi tiếng khác, ngoài Mường Mán, Mang Viên
Long hay Phạm Cao Hoàng (anh họ của tôi). Không phải vì không…thích đọc sách. Nhưng
với thời gian eo hẹp của tuổi học trò, rồi học nghề và đi làm kiếm sống, thì sách
đọc chỉ là Tuổi Hoa đủ màu trắng; xanh; vàng; đỏ; tím, rồi đọc truyện Duyên
Anh, Lệ Hằng, Nhã Ca, Dung&Võ hà Anh, Võ Hồng, đến truyện Quỳnh Dao v..v…Đọc
thơ thì đã có Lệ Khánh “Em là con gái trời bắt xấu”, hay Lý Thuỵ Ý trong Văn
nghệ Tiền phong (mua báo tháng) với “Bông Hồng mùa Xuân” và nhiều bài thơ tình
viết cho những người Lính trận miền xa, vì đó cũng hợp tâm sự của những người
con gái mới lớn đương thời
Thỉnh thoảng tôi cũng
…liếc qua các tạp chí như Văn, Văn học, Khởi Hành, khi đến nhà sách, nhưng đâu
biết rằng trong đó có rất nhiều nhà văn tuổi đời còn rất trẻ, mà đã hòa nhập vào
với dòng đời nghiệt ngã của cuộc chiến mà ranh giới giữa “Ta và Địch” chỉ là làn
khói mong manh. Như nhà văn Trần Hoài Thư với “Nỗi Bơ Vơ của Bầy ngựa Hoang” thật
nổi tiếng từ những ngày ở thành phố Nha Trang thơ mộng mà tôi nào đâu biết…
Từ ngày rời xa Nha
Trang, quê hưong và nỗi nhớ luôn gắn chặt bên lòng, để rồi những người Nhatrang
xưa quây quần lại và tôi, được hân hạnh phụ trách đặc san Khánh Hòa-Nhatrang, và
nhà văn Trần Hoài Thư, người có một thời sống ở Nha Trang, đã đến với những bài
tùy bút khắc ghi kỷ niệm khi còn ở “Rộc
Rau muống Nha Trang”, để người Nha Trang cảm khái và đồng cảm với nỗi khó của
nhà văn và niềm hãnh diện vì nơi đó đã góp phần đào luyện nên một nhân tài văn
chương cho đất nước.
Để rồi một chiều mưa, mưa
Houston không lê thê và rả rích như xứ Huế quê nhà, mưa Houston đổ ào ào như cơn
giận của ông Trời mang nước đổ xuống, chỉ cần một giờ mưa là những con đường thấp
biến thành …dòng sông cạn. Nhưng chúng tôi, những người đọc âm thầm đã có mặt
trong buổi Ra Mắt Sách của nhà văn Trần Hoài Thư ở dưới phố, do những người Cần
Thơ, quê hương của chị Yến tổ chức. Đến để nhận sách từ tay
tác giả ký tặng, đến để nghe những lời tâm sự chân tình của người suốt đời sống
vì chữ nghĩa, sách báo. Anh Trần Quý Sách.
Và cái duyên văn nghệ,
những con chữ đã kết nối một nhà văn lớn với người em tập tành viết lách đôi bài,
để rồi khi anh và quý Anh Phạm Văn Nhàn, cùng với người bạn nhà văn viết hay mà
tôi cảm phục: Nguyên Nhung…và nhiều nhà văn xưa đã hình thành tạp chí Thư Quán
Bản Thảo. Ở đó mỗi lần nhận tạp chí từ anh T. H.Thư gửi đến, chúng tôi đã đọc
không bỏ sót một con chữ nào. Nhiều nhà văn xưa mà bây giờ chúng tôi …mới biết.
Họ viết hay quá, những lời văn mượt mà, những từ ngữ nhẹ nhàng, thanh thoát, những
lời tâm sự trải lòng với nhau mà sao người đọc nghe như tâm sự với chính mình.
Và nơi đó, những áng văn chương từ trước 75 được in lại, cho người đọc cảm thấy
“ân hận” vì nếu không có TQBT thì làm sao mình đọc được những thơ, văn hay đến
dường này.?
Cảm ơn anh Phạm Văn Nhàn
cho em góp lời với TQBT. Cảm ơn anh Trần Hoài Thư kêu em “nuôi” TQBT. Em không
…đủ chữ để viết nhiều hơn, mà cứ “ca” mấy ông anh hoài đâm ra nhàm chán.
Kính mong sức khỏe đến
với quý Anh Chị.
Lê Thị Hoài Niệm (8/ 2022).