Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

 




Thư Quán Bản Thảo và Tôi.

Lời đầu tiên viết xuống trang giấy này là lời cảm ơn chân thành xin gửi đến quý Anh Trần Hoài Thư và anh Phạm Văn Nhàn, đã cho tôi cơ hội góp vài trang chữ đến với Thư Quán Bản Thảo, một tập san mà tôi may mắn có được từ số một đến những số, có thể cuối cùng, khi các anh quyết định không in nữa vì không còn đủ sức khỏe….

Thú thật từ những ngày ở Việt nam xưa, chưa bao giờ tôi có cơ hội đọc truyện, thơ của Văn, Thi sĩ Trần Hoài Thư, nhà văn Phạm Văn Nhàn và nhiều những nhà văn, nhà thơ  trẻ nổi tiếng khác, ngoài Mường Mán, Mang Viên Long hay Phạm Cao Hoàng (anh họ của tôi). Không phải vì không…thích đọc sách. Nhưng với thời gian eo hẹp của tuổi học trò, rồi học nghề và đi làm kiếm sống, thì sách đọc chỉ là Tuổi Hoa đủ màu trắng; xanh; vàng; đỏ; tím, rồi đọc truyện Duyên Anh, Lệ Hằng, Nhã Ca, Dung&Võ hà Anh, Võ Hồng, đến truyện Quỳnh Dao v..v…Đọc thơ thì đã có Lệ Khánh “Em là con gái trời bắt xấu”, hay Lý Thuỵ Ý trong Văn nghệ Tiền phong (mua báo tháng) với “Bông Hồng mùa Xuân” và nhiều bài thơ tình viết cho những người Lính trận miền xa, vì đó cũng hợp tâm sự của những người con gái mới lớn đương thời

Thỉnh thoảng tôi cũng …liếc qua các tạp chí như Văn, Văn học, Khởi Hành, khi đến nhà sách, nhưng đâu biết rằng trong đó có rất nhiều nhà văn tuổi đời còn rất trẻ, mà đã hòa nhập vào với dòng đời nghiệt ngã của cuộc chiến mà ranh giới giữa “Ta và Địch” chỉ là làn khói mong manh. Như nhà văn Trần Hoài Thư với “Nỗi Bơ Vơ của Bầy ngựa Hoang” thật nổi tiếng từ những ngày ở thành phố Nha Trang thơ mộng mà tôi nào đâu biết…

Từ ngày rời xa Nha Trang, quê hưong và nỗi nhớ luôn gắn chặt bên lòng, để rồi những người Nhatrang xưa quây quần lại và tôi, được hân hạnh phụ trách đặc san Khánh Hòa-Nhatrang, và nhà văn Trần Hoài Thư, người có một thời sống ở Nha Trang, đã đến với những bài tùy  bút khắc ghi kỷ niệm khi còn ở “Rộc Rau muống Nha Trang”, để người Nha Trang cảm khái và đồng cảm với nỗi khó của nhà văn và niềm hãnh diện vì nơi đó đã góp phần đào luyện nên một nhân tài văn chương cho đất nước.

Để rồi một chiều mưa, mưa Houston không lê thê và rả rích như xứ Huế quê nhà, mưa Houston đổ ào ào như cơn giận của ông Trời mang nước đổ xuống, chỉ cần một giờ mưa là những con đường thấp biến thành …dòng sông cạn. Nhưng chúng tôi, những người đọc âm thầm đã có mặt trong buổi Ra Mắt Sách của nhà văn Trần Hoài Thư ở dưới phố, do những người Cần Thơ, quê hương của chị Yến tổ chức. Đến để nhận sách từ tay tác giả ký tặng, đến để nghe những lời tâm sự chân tình của người suốt đời sống vì chữ nghĩa, sách báo. Anh Trần Quý Sách.

Và cái duyên văn nghệ, những con chữ đã kết nối một nhà văn lớn với người em tập tành viết lách đôi bài, để rồi khi anh và quý Anh Phạm Văn Nhàn, cùng với người bạn nhà văn viết hay mà tôi cảm phục: Nguyên Nhung…và nhiều nhà văn xưa đã hình thành tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Ở đó mỗi lần nhận tạp chí từ anh T. H.Thư gửi đến, chúng tôi đã đọc không bỏ sót một con chữ nào. Nhiều nhà văn xưa mà bây giờ chúng tôi …mới biết. Họ viết hay quá, những lời văn mượt mà, những từ ngữ nhẹ nhàng, thanh thoát, những lời tâm sự trải lòng với nhau mà sao người đọc nghe như tâm sự với chính mình. Và nơi đó, những áng văn chương từ trước 75 được in lại, cho người đọc cảm thấy “ân hận” vì nếu không có TQBT thì làm sao mình đọc được những thơ, văn hay đến dường này.?

Cảm ơn anh Phạm Văn Nhàn cho em góp lời với TQBT. Cảm ơn anh Trần Hoài Thư kêu em “nuôi” TQBT. Em không …đủ chữ để viết nhiều hơn, mà cứ “ca” mấy ông anh hoài đâm ra nhàm chán.

Kính mong sức khỏe đến với quý Anh Chị.

Lê Thị Hoài Niệm (8/ 2022).

Không có nhận xét nào: