ƯỚC
CHI CÓ MỘT NGÀY NHƯ THẾ…
Lê thị Hoài Niệm
Ở trên thế giới
này, thời buổi này, người ta cứ “theo thống kê” tại nước này có bao nhiêu phần
trăm người ly dị ở lứa tuổi..., Bao nhiêu phần trăm đàn ông đưa vợ ra tòa, có
bao nhiêu bà…kêu cảnh sát đến can thiệp vì bị chồng hành hung, đánh đập đến nỗi
phải vào tạm trú trong “women center” và sau đó thì chia lìa đôi ngả, thành kẻ
thù không đội trời chung. Thống kê có bao nhiêu người bị...trầm cảm rồi
giết vợ hay giết chồng, thống kê có bao nhiêu ông …bỏ vợ lớn đi theo vợ bé,
thống kê có bao nhiêu trẻ em sống mà chỉ có một mình mẹ hoặc cha, thống kê và
thống kê, toàn là những con số chỉ sự chia lìa, rã đám, buồn thảm. Ngay cả những
người VN tị nạn trên xứ người, số gia đình ly tán để đám con không có đủ cha mẹ
nuôi dạy cũng khá đông. Nhiều lúc đi dự đám cưới “các cháu” chưa được bao lâu,
thì nghe tin chúng đem nhau ra pháp đình nhờ ông Tòa phán cho “sugar you-you
go, sugar mi -mi go, đường anh- anh đi anh đi, đường em- em đi em đi!” nghe chán
lắm.
Nhưng điều đó
cũng không thể làm lu mờ đi những gia đình hạnh phúc, những cặp vợ chồng gắn bó
với nhau từ lúc còn trẻ đến khi răng long đầu bạc, sáu bảy chục năm trời, cho đến
khi người phối ngẫu qui tiên, dĩ nhiên phải là “hòa bình trong danh dự”. Dù
rằng cũng có đôi lúc “chén bay dĩa bay”, rồi cũng có lắm khi “đôi co, to tiếng”,
đôi lần “hờn anh giận em” rồi hoa cẩm chướng nở tưng bừng từ trong nhà ra ngoài
ngõ,…v..v…Nói chung là có “mâu thuẫn” trong đời sống, nhưng đã giải quyết ổn thỏa,
trong ấm ngoài êm, trong đó có vợ chồng ông bà “bảo trợ” người Mỹ của gia
đình chúng tôi, chỉ một lần kết hôn và sống với nhau đến 55 năm đến khi ông “về
nước Chúa” trước, và còn nhiều và nhiều cặp khác nữa mà báo đài hay đưa tin
khen tặng “tình yêu tuyệt vời”!. Người Việt nam thì vô số gia đình vợ chồng
hạnh phúc, như cha mẹ của người viết chẳng hạn, họ sống với nhau cho
đến ngày...tiêu diêu miền cực lạc ở lứa tuổi hơn chín mươi, dù rằng
trong năm tháng bên nhau, cũng có nhiều
lần…khẩu chiến, giận nhau mất ngủ. Và ở tại thành phố này, vào ngay
“hội già”, cũng sẽ gặp rất nhiều “Ông Bà Cụ” quấn quít bên nhau
ngoài sáu, bảy mươi năm có lẻ. Thỉnh thoảng tôi thấy họ tổ chức những buổi
“Anniversery” cho năm mươi năm tình đậm hay hơn nữa thật vô cùng trang trọng và
thích thú. Tại sao người phối ngẫu không dám khen tặng và đề nghị một ngày đáng
nhớ cho người kia nhỉ? Chẳng lẽ cứ ca tụng...riêng lẻ trong gia đình, hay
một nhóm bạn? Có phải “uổng phí” cái tinh hoa đẹp đẽ, mà đáng lý ra
phải làm những buổi “thuyết trình” về cách ứng xử ngày qua ngày cho
lớp trẻ ngày nay “học tập” theo. Tại sao người ta không dám “ca tụng
đối phương” nhỉ ? nhất là những người từng là “tù cải tạo”, có
những người vợ thật tuyệt vời:
“thân cò lặn lội chợ trời,
bán buôn ...đủ thứ kiếm lời nuôi con,
chạy gạo nuôi mẹ chồng luôn,
lại còn “tiếp tế” người đương trong tù”
(lthn),
Và những
người đàn ông sang xứ người tị nạn rất sớm trong những ngày biến
loạn, vì hoàn cảnh phải bỏ lại gia đình phía bên kia biển lớn, ngày
ngày lo hì hục đi làm, dành dụm từng đồng gửi về cho vợ nuôi con,
và lo bảo lãnh cho cả gia đình sang xứ tự do đoàn tụ. Nhiều và
nhiều lắm chứ, sao không ai làm “cách mạng” lên tiếng ca ngợi người phối ngẫu
của mình nhỉ? Khi còn ở bên mình mà không lên tiếng, chẳng lẽ đợi người quy tiên
rồi ngồi đó khóc lóc kể lể?. Nhưng dẫu gì tôi cũng xin là người khởi
xướng, tại sao không?.
Đại diện cho
“Husband’s Day”, nguyên là pilot trực thăng của không lực VNCH. Từ những ngày
tháng cũ, người Lính trẻ trở về từ một quân trường huấn luyện trên đất nước Mỹ,
đơn vị đầu tiên chàng “bốc thăm trúng” lại nằm ở phi trường Đà Nẵng, thuộc
vùng một chiến thuật. Đối với một người gốc gác miền Nam sông nước hiền hòa,
những tỉnh thành ở miền Trung nó xa lạ đến
nỗi không biết đâu là đâu hết cả, dù trên bản đồ dọc theo miền duyên hải từ Quảng
Trị trở vào, chàng cũng có lần học thuộc lòng để trả bài “địa lý” cho Thầy
giáo. Nhưng rồi cũng chẳng nhớ làm chi, nhất là những giọng nói thì chàng …ngọng,
không hiểu họ nói gì và cũng không phân biệt được người đó ở tỉnh thành nào.
Theo chàng, tất cả những người nói giọng trọ trẹ, hay những câu đùa của bạn bè
về lối phát âm thổ ngữ “en không cho en, mẹc không cho mẹc, toái mới téc đèn
súng đã pén pèng pèng rồi hô xung phoeng …” nghe được từ những người bạn lúc thụ
huấn ở quân trường, là những người “nẫu” hết thảy. Biết thế là đủ.
Một người bạn
quê ở Đà Nẵng xin “trao đổi” với chàng, vì người đó chọn đúng phi đoàn TT đóng
quân ở Nha Trang. Đổi thì đổi, chỗ nào cũng …xa lắc xa lơ với vùng đất TN quê
chàng.Và chàng đóng quân tại Nha Trang từ đó.
Với những người
con gái mới lớn thời đó trên khắp lãnh thổ miền Nam, đang nhìn đời còn bằng con
mắt màu hồng, chưa nếm mùi gian khổ của cuộc sống, và chưa bị ảnh hưởng
trực tiếp bởi cuộc chiến tranh, chưa hiểu được hết sự hy sinh to lớn
của những người Lính chiến trong thời loạn. Từ trong sân trường học nhìn
ra ngoài, hay khi lang thang ngoài phố, có lẽ những người Lính Không quân với
những bộ đồ bay mặc trên người, có khi là màu đen , màu xám hoặc màu cam, có
choàng thêm trên cổ áo chiếc phu-loa cột thắt điệu đàng, và cái nón ca-lô
đội lệch, trông nó …lãng mạn, đẹp trai mà oai hùng lắm lắm(?) Nhưng với những
người thiếu nữ đang ở thành phố Nha trang, những “thần tượng” cũng có phần mờ
nhạt, vì thành phố có quá nhiều quân trường và nhiều đơn vị Lính, mà binh chủng
nào cũng có lắm anh hùng với nhiều bộ đồ trận phong sương. Có điều đã “chạy
trời không khỏi nắng” thì vẫn phải vướng vào. Âu cũng là cái số cả!
Những ngày cuối
trước khi thành phố Nha trang “thất thủ” vào tháng tư của năm 75, nhiều người
phân vân trong cảnh hỗn loạn giữa đi và ở.
Nhưng
đi để làm gì và đi về đâu vẫn là câu hỏi to tổ bố, khi mà cả một miền
Nam Việt Nam vẫn còn hằng hà sa số lính với súng ống, đạn dược đầy
người đang trấn giữ quê hương, khi mà những người Lính “có thẩm quyền” từ
trong Sài gòn ra để họp với Tướng Lãnh quân khu hai dưới “thị trấn quân vụ” ở
đường Duy Tân, hay đến nhà tôi vào buổi tối và “trấn an” với ba má tôi rằng: “nếu
có phân chia lần nữa, thì chắc sẽ …cắt từ Đèo Cả, vậy thì Nha trang mình chắc
chẳng sao đâu!”.Tin thì cứ tin, nhưng nhìn hàng đoàn người di tản về thành phố
đang tìm chỗ tạm cư, nhất là ngôi trường đang dạy, bỗng nhiên cho học sinh nghỉ
hết để dành làm trại “tiếp cư”. Dĩ nhiên những tai ương khủng khiếp đổ xuống đời
của những người chạy loạn kể lại chỉ tăng thêm sự hoảng loạn nơi tôi nên không
còn nghĩ đến chuyện…ra đi, dù chàng có phương tiện trực thăng từ đơn vị sẽ dành
cho tôi một chỗ ngồi…chạy
giặc.
Và chàng, khi
đơn vị về lại miền Tây, chàng vẫn còn phải trực chờ bay hành quân, vẫn
còn lơ lửng trong những “quan tài bay”, đưa các quan ngài đi thị sát mặt trận
hay họp tư lệnh vùng, vì lúc này VC tràn lan khắp nơi. Vì tin tưởng vào sự
chỉ huy can cường của vị Tướng chỉ huy, để rồi cuối cùng, ngay lúc
TT Dương Văn Minh đọc lời “đầu hàng giặc Cộng”, chàng đã cùng vài người bạn từ
phòng hành quân chạy bạt mạng ra hang ga để “ăn cắp” chiếc trực thăng mà mỗi một
ngày qua, nó gắn liền với đời sống gian khổ của người Lính như chàng..
Chàng lái
chiếc trực thăng “ăn cắp” bay ra Côn đảo sau giờ thứ 25 đó, trong màn
mưa dày đặc, mưa như những giọt nước mắt “tiễn đưa” lần cuối những
người bắt buộc phải từ bỏ quê hương ra đi. Cũng nhờ làn sóng “cấp
cứu” trên tần số...gạc (guard),
chàng cũng từ giã tiếng bay xành xạch bằng cách xô tàu xuống biển
khi đáp được trên boong của hàng không mẫu hạm MIDWAY thuộc đệ thất
hạm đội Mỹ, mà tim thì cứ đập xành xạch liên hồi cộng với nước mắt
mà ngỡ là nước biển văng lên.
Chàng thoát ách
Cộng sản từ những ngày tháng đó.
Theo lời chàng
kể thì những ngày đầu tiên được “sống trên đất Mỹ” cũng cay đắng
trăm bề. Sau khi từ giã gia đình “người Thầy dạy bay năm xưa”, hiện là một
Trung tá của quân đội Mỹ, đã vào tận trại tị nạn mà “bảo trợ” học trò mình,
và đem chàng về nhà bằng chiếc xe jeep nhà binh, làm…lé mắt những người bạn tị
nạn đang bơ vơ lúc đó. Nhưng khổ nỗi, chàng phải sống hơn nửa năm trời
chẳng gặp gỡ ai ngoài hai vợ chồng họ, cùng những người trong lớp học tiếng Mỹ đủ
các giống dân, và một vài người đàn bà Việt nam đang là “hỏa đầu vụ” cho mấy vị
Giáo sĩ trong nhà thờ của Mỹ gần đó. Cuối cùng, chàng xin từ giã gia đình Thầy
đi đến thành phố khác và gặp lại những người bạn cùng cảnh ngộ.
Mặc dù có sự giúp đỡ tạm thời của chính phủ bằng tiền “Food stamps”,
được in bằng tên tị nạn người ...Cu Ba, nhưng làm sao để sống còn vẫn
là niềm trăn trở lớn cho những người bỡ ngỡ mới đặt chân đến xứ sở này..
Bảy người đàn ông độc thân, toàn
là sĩ quan từ cấp thiếu úy đến đại úy đủ mọi binh chủng, có người độc
thân thật, có người “độc thân tại chỗ”, cùng thuê một căn chung cư trú
ngụ, thôi thì cứ nằm lăn nằm lóc cũng chẳng có sao. Chàng kể: Nghĩ
cũng buồn cười khi mà năm người Pilot đi xin “dóp rửa chén” trong nhà
hàng Tàu, mà không người nào được nhận, vì không có...chuyên môn (?).
Chàng Đại uý thì dùng ngôn ngữ “đờ mờ” chửi văng mạng, vì tức cho
thân phận, còn mấy người trẻ hơn thì cứ cười ha hả và tiếp tục đi
gõ cửa từng nhà hàng, công ty khác. Họ không có thì giờ buồn, để ra
công viên ngồi chơi như hai vợ chồng người bạn khác, để bị hai ông Mỹ
da màu đến kê dao vào cổ và đòi họ đưa tiền cho…ăn cướp. Trong lúc sợ
hãi tột cùng, không hiểu làm sao mà người chồng lại rút ra cái thẻ
của ...Hồng thập tự cấp cho, có ghi chú: “những người cầm tấm thẻ
này rất cần sự giúp đỡ”. Hai tên cướp bỏ đi một mạch, họ đang mừng
rỡ vì ...thoát nạn, đang ngồi bàn tán xi xô thì hai ông lù lù xuất
hiện trở lại, và trên tay họ là hai ổ bánh mì sandwiches tặng lại
cho hai người tị nạn...không tiền. Hú hồn! .
Cuối cùng thì
chàng được nhận vào làm phụ bếp cho một nhà hàng Tàu. “Khói lửa
Trung quốc” từ đây giúp chàng hiểu rõ thêm thân phận của người tị
nạn. Làm nhà hàng mới ngán ngẫm, không dám ăn thức ăn nhà hàng, nhất là …chả
giò bán cho thực khách. Nhà hàng Tàu họ làm chả giò bằng da gà, bắp cải…v…v,
nhiều lúc họ còn kêu nhân viên đứng lên bắp cải mà đạp cho hết nước, rồi mới trộn
vào nhưn (dơ bẩn hết biết?). Với đồng lương tối thiểu thời đó chưa tới
hai đô la/giờ, vậy mà chàng cũng cố để dành được một số tiền nhỏ để
mua chiếc xe hơi cà tàng sản xuất từ một ngàn chín trăm xa lắc. Sau đó ghi tên
vào một trường Đại học trong thành phố. Công việc vừa học vừa làm
trong trường cũng giúp chàng có thêm thu nhập. Nhưng có người giới
thiệu cho chàng thêm công việc mới: lau chùi nhà cửa cho mấy nhà
giàu, lương tối thiểu một đô la tám chục xu/giờ vào hai ngày cuối
tuần. Mèn ơi! chàng nói vừa lau chùi (cả cầu tiêu, nhà tắm) mà vừa sợ,
sợ vì nhà to cửa rộng quá ngỡ có ma, sợ vì lỡ làm vỡ một món đồ
nào thì lấy tiền đâu mà ...đền, vì thứ gì trong nhà họ đều là đồ
cổ có giá trị cao. Vậy mà chủ nhà lại thích sự làm việc của
chàng, còn muốn....giới thiệu thêm nhiều nhà bạn khác.
Nhưng chàng hãi quá nên giã biệt
luôn, để đi xin một chân...rửa nồi trong tiệm bán Chili. Không sợ gì hết
khi mà cái thùng nấu chili to tổ chảng, cứ chui vào vừa đứng vừa
rửa thoải mái, hát hò bên trong cũng chẳng ai nghe. Làm nhà hàng nào cũng
trăm cay ngàn đắng, cũng phải đi sớm về muộn, dù không phải là thợ nấu chính,
nhưng cũng bị đì tối đa. Một lần nữa chàng đi ra cho đời bớt khổ.
Làm người tị nạn
độc thân cũng lắm điều phiền muộn mà cũng lắm chuyện cười ra nước mắt.
Nhưng rồi “đời bỗng
dưng vui” khi có vài em tóc vàng, chân ngắn làm chung trong nhà hàng hay nơi trường học… theo đuổi.
Ấy cái đời của dân tị nạn ngỡ rằng bỏ đi nhưng cũng còn chút an ủi, nhưng an ủi
cho qua ngày đọan tháng, không như người bạn của chàng vớ phải một em, “bồ bịch”
mần răng mà đến một ngày đẹp trời em đến trình diện cái…trống cơm. Bài dân ca
trống cơm của nhạc sĩ Phạm Duy nó dễ thương dường nào: “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông..” bỗng
chốc biến thành tai hoạ cho người bạn độc thân tại chỗ, vợ con đang mỏi mòn chờ
đợi ở quê nhà khi người ấy tìm đường liên lạc được.
Những người có
gia đình thường được chọn “gút sì pông-sô”, nên được giúp đỡ tận tình. Đúng là
người Mỹ rất tốt, nhưng họ tốt trong điều kiện ắt có và đủ, có “điều tra lý lịch” hẳn hoi, họ đưa cả gia đình tị nạn về và thuê
phòng cho ở, xin trường cho học, xin công việc cho làm, có khi họ khuyến khích
theo tín ngưỡng nhà thờ với họ, và từ đó…lập thân, Có vài gia đình còn tử tế “gả
con gái” cho những chàng tị nạn “độc thân tại chỗ”, khi đó thì các chàng coi như
trúng độc đắc cặp ba. Có nhiều người còn vào các nhà thờ, đa số là Tin lành để
“rửa tội đứng”. Rửa tội xong rồi bèn đổi tên cho ra vẻ Mỹ, như anh chàng Vũ văn
Bé nghe không được đẹp bèn đổi tên thành Bob Vu, anh chàng Phúc cứ bị mấy ông Mục
sư gọi Fuck hoài nên phải đổi sang Philip cho dễ nghe, chàng Ngô Thật thì thành
Thomas No, chàng Trần đại Dũng thì Mỹ gọi không dấu thành Dung là…cứt chó nên lẹ
lẹ lẹ đổi sang Davis Trần, chỉ có chàng thì chả đổi làm chi vì Việt hay Mỹ thì
cũng chẳng có gì khác biệt.
Trong khi mấy chàng độc thân thứ thiệt thì buồn
tàn thu vì khó tìm người để nói cùng “tiếng nước tôi”, vì lúc đó
trong lớp người VN tị nạn có cảnh “nam thừa nữ thiếu”, muốn tìm một nửa để “ghép
tim” cũng khó dàn mây. Nhiều chị dung nhan về chiều nhưng vẫn…dập dìu tài tử đón
đưa, cái thời buổi vàng chưa lên giá, nhưng “con gái” đắt hàng, có khi rước nàng
về dinh còn nhanh như chớp, sợ bị người khác khớp con ngựa ngựa ô về nước rút.
Nhất là những người đàn bà có chồng Mỹ, được các chàng GI đưa về nước rất sớm
trước năm 1975, lúc này là cơ hội cho quí nàng tìm về nguồi cội, đời cũng lên hương,
nhiều người thương mến. Nhưng chàng phi công gãy cánh bay vẫn bị xếp vào lại …ế
chỏng gọng, vì không quen “thổ ngữ” các nàng, suốt ngày cứ nghe “mời en an bép”(mời
anh ăn bắp) nên không hiểu gì hết thì làm sao “tâm sự” cạn lời?.
Chàng pi lot cũng cố gắng đến trường học như
ai, dù rằng phòng nội trú thì “nắng không ưa, mưa không chịu”, chẳng có điều hòa
mà cũng không máy sưởi dù có bữa lạnh teo, đắp mấy cái mền cũng không đủ ấm, dù
chàng cố gắng tìm …mền da cũng khó mà có được vì học chưa xong, tiền chưa có…
Và người “lỡ dại”
ở lại khốn
khổ vô vàn cả tháng trời trước khi toàn đất nước đổi chủ, thành phố đổi
tên, tiền cũng…đổi nốt. Nhà cửa thì phải dọn vào chỗ ở chật chội, nhà rộng
cho người mới vào ở cho mát. Chúng tôi cứ phải hát câu “quê hương em Bắc kỳ tràn vô quá nhiều”, nhiều đến nỗi văn phòng
hành chánh, trường học, trường đời gì chúng cũng làm chủ nốt, chúng “lấn chiếm”
và đẩy dân thành phố vào tù, về khu …kinh tế mới để “lao động vinh quang, lang thang thì chết đói, hay nói thì ở tù, không
lù khù cũng phải đi kinh tế mới”. Tôi, vẫn còn “đứng lớp”, nên không bị
lùa lên vùng kinh tế mới, nhưng cũng là một trong số nhiều người đếm đủ mùi
gian khổ, cứ bị tập trung để “học tập đường lối cách mạng của bác và đảng”. Ở
nhà thì suốt ngày cứ nghe “loa phóng thanh” chỉa thẳng vào nhà mà ra rả với cái
giọng bắc kỳ lanh lảnh, chanh chua, xóc ốc rờn rợn nghe lạnh gáy, nhưng cứ phải
nghe những lời tuyên truyền của “uỷ ban quân quản..” về “ ba dòng thác cách mạng”
của cộng sản…
Cũng tại, bởi chúng
tôi còn trong tuổi thanh niên, nên cứ bị chúng ép vào câu thần chú: “việc gì cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, nên ngoài
chuyện đi lao động trồng mì, sắn, bắp mà kết quả thu hoạch sau mấy tháng trời,
củ nào củ nấy to bằng ngón …tay út, còn phải lên rừng sống cả tháng trời với khỉ,
cọp, beo. Ngày ngày xuống suối múc nước để uống, nên phải uống thuốc ký ninh
thường xuyên mới không bị sốt rét. Ăn thì cá khô, cơm nắm để đi phá rừng làm
rẫy, có lúc bị “con sâu đo” cứ trên quần áo mà đo mà bò, khiến nhiều
lần phải ...chết giấc vì kinh hãi. Có những đêm thức trắng vì có tin
“cọp dữ về”, nên phải thức đốt lửa để xua cọp. Công việc làm là cuốc
đất trồng bắp, hay chặt cây lồ ô cho cán bộ xây nhà sàn nghỉ mát chơi.(?), có
bữa đi đào đất lã mồ hôi hột, mà nhìn thấy mấy “cán bộ” mặc ….pijama lụa trắng
đứng quan sát “coi cai” mà ứa gan, lộn ruột, nhưng…?
Bị bọn Cộng
sản đuổi riết, bóp riết nên dân miền Nam không thể nào sống nổi, phải tìm
ghe leo lên chạy thoát ra biển dù biết rằng chín phần sẽ chết, nhưng
vẫn hy vọng một phần sống sót. Còn một số khác thì len lỏi qua đường
rừng mong thoát sang nước bạn tìm chút tự do. Tôi là một trong số
người may mắn thoát nạn sau hơn năm năm dài nếm đủ mùi “giải phóng” bằng
phương tiện “Ô Đi Ghe” (phải chi được đi diện ODP thì đỡ biết mấy.)
.
Và chàng, từ khi
ra trường,
thay đổi chỗ làm ba lần, thay đổi chỗ ở bốn lựợt, không ghi lại địa chỉ cho bưu
điện biết, nhưng thư tôi gửi từ trại tị nạn, bưu điện vẫn chuyển đến nơi chàng.
Chuyện lạ trên nước Mỹ. Đúng là cái số “chạy trời không khỏi nắng”!
Chàng mừng húm!
chàng nói thế và tôi cũng biết thế là đủ.
Vậy mà đã mấy mươi
năm qua rồi, hai con đã lớn có gia đình riêng, giờ chỉ còn lại hai người có tuổi
hủ hỉ với nhau, sau một thời gian dài với ba mươi bảy năm rưỡi chàng làm một hãng,
một ca với overtime liên miên và chưa bao giờ bị…laid off. Và tôi, dù “mất dạy”
nhưng cũng có nghề khác thế chỗ nên chẳng “vô lương”. Với cuộc sống đơn giản từ
khi chúng tôi “kết án chung thân” vì biết “đủ là đủ”, không se sua, không bon
chen, không cầu kỳ và đòi hỏi. Lại càng may mắn hơn khi chàng không có dây mơ rễ
má gì với “tứ đỗ tường” của đa số đàn ông thời đại mắc phải, nên chi vật chất
khộng là điều tối ưu trong cuộc sống đời thường. Ngày retire laị là ngày ‘hạnh
phúc” vì từ đây khi đi có cặp, sinh hoạt có đôi…
Dù trong cuộc sống
thường nhật, thỉnh thoảng có “khẩu chiến” vì bất đồng quan điểm gì đó, ông nói ông... nghe, bà nói bà...hiểu, âu cũng
là chuyện thường tình. Vợ chồng già rất cần nhau mọi lúc mọi nơi, đỡ đần nhau
trong mọi tình huống, ân cần săn sóc lúc bệnh khi đau, bữa cơm canh nóng khi bụng
đói,… Ôi!
nói chung là những người nào còn người bạn đời bên cạnh, phải “tuyên dương” đối
phương tối đa, phải cùng nhau lập được một ngày “Wife or Husband”. Nếu có ngày đó
chắc là vui và ngộ lắm, mấy shopping sẽ đông đảo người mua sắm quà tặng….
Nhưng chắc chỉ là…ước
mơ thôi, trong thời gian ngồi nhà tù túng vì dịch cúm tàu nên suy nghĩ để…ước mơ cho vui, và chắc
phải chờ cho mọi người trở về đời sống bình yên như cũ mới hy vọng có tin vui
cho đời....
Lê thị Hoài Niệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét