Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

 


CHUYỆN HỒI NĂM NẲM Ở NHA TRANG

Lê Thị Hoài Niệm.

Những ngày còn bé, mỗi lần về thăm Ba ở Nha Trang, tôi “mơ” có thể tung tăng bước chân vào trường Nữ trung học Huyền Trân lắm lắm, ngôi trường toàn là nữ sinh và nữ sinh, mỗi khi tan trường ôi thôi nhìn đẹp quá. Những tà áo trắng tung bay, có chị kẹp tóc thẹn thùng, có em cắt tóc “đờ mi gạc xông” liến thoắng, có cô tóc thề e thẹn nhu mì, để khi vừa ra cổng, đã có người mặc quân phục ngồi trên chiếc Honda chờ sẵn, tà áo trắng chỉ vén nhẹ ngồi lên yên sau là..dzọt, hay e ấp đi bên cạnh chàng sinh viên sĩ quan hải quân, không quân thả bộ về nhà mà không lo mẹ mắng mỗi chiều thứ sáu, hay chiếc xe jeep quân đội của ông lớn nào đó có tài xế chờ đón tiểu thơ, chẳng có tên tóc húi cua nào theo phá phách hay chọc ghẹo trong lớp, trong sân trường…. Ôi những cô học trò xinh xắn, bên những cô giáo cũng đẹp dịu dàng không kém và những vị giáo sư khả kính, nghiêm trang. Tôi mơ và nghĩ mình cũng có thể lắm chứ, vì tôi chỉ cần xin tờ giấy “chuyển trường” và quyển học bạ là được thôi. Nhưng, chữ nhưng quái ác cản bước chân tôi, vì má tôi …ngại con nít vào trường lạ, bạn bè chưa có sẽ bơ vơ, sẽ ảnh hưởng việc học hành, Ba tôi không thể lo chu toàn cho một lúc mấy đứa con chỉ bết cắp sách đến trường, đành để con bé nhà quê tôi phải tiếp tục học tại trường cũ chung với bạn gái và có lắm nam sinh, với mấy ông thần to đầu, thường nhằm cái đầu con bé con tôi mà cú, nhưng không nên nhắc lại kẻo nó hại ..tình thân.

Nhưng tôi được ngang nhiên bước vào trường nữ Trung Học để làm “giám Thị” cho kỳ thi Tú Tài hai mới là oai chứ.

Bởi Nha Trang có rất nhiều trung tâm thi, nhưng số Giáo sư lại thiếu, nên Ty giáo dục bèn “bốc” thêm một mớ thầy cô “giáo học bổ túc” để…bổ túc vào…canh cửa phòng thi. Oai dữ nha! Trường chúng tôi có 4 cô giáo mới…ra lò được chọn (các bạn còn đang ở tại Nha trang) và phân chia mỗi đứa một trường cho….đúng luật, và tên tôi đúng ngay trung tâm Nữ trung học, nơi chỉ dành cho thí sinh “Tự Do” mà hầu hết là những quân nhân tại ngũ.

Không như những lần làm thí sinh, bước chân đến trường thi với tâm trạng hồi hộp, sợ sệt. Lần này tôi…hiên ngang bước qua cổng trường Nữ, đi thẳng vào phòng giáo sư trình giấy tờ cho vị chánh chủ khảo. Ông là hiệu trưởng từ một trường Trung học tận Tây ninh, đổi ra Nha trang làm nhiệm vụ. Nhìn thấy cô giáo… non mà làm giám thị cho mấy ông Lính, ông có vẻ ngại ngùng dùm hay sao đó, mà ngày đầu ông cho tôi…ngồi lại văn phòng làm …lon ton với mớ giấy tờ hành chánh, thỉnh thoảng làm…hướng dẫn viên du lịch hàm thụ cho ông vài nét về Nha trang. Gì chứ mục này tôi cũng có nghiên cứu từ lâu, trước khi cả gia đình chọn Nha trang làm quê hương chính thức, nên tha hồ trải tầm nhìn theo sóng biển Nha trang, hít thở nhiều hơn khi leo lên dốc Cầu đá, khoái chí nhìn theo cá đẹp trong Hải học Viện, tả …sơ sơ về Dinh Bảo Đại mà…quen lớn lắm mới được bước qua cổng rào chạy xe lòng vòng lên trên đó xem nhà rồng. Rồi ngồi xe lam ra Tháp Bà xin xăm, ra Hòn chồng leo dốc đá uống nước dừa. Viết ra thì lâu mà nói vài câu thì…hết, nên đâu có tốn nhiều thì giờ giới thiệu, nhưng ông Giáo sư cũng …tỏ vẻ khoái lắm.(Nhờ vậy khi gặp lại ông bên Mỹ, nhằm  ngay thành phố tôi ở, mới nhắc sơ sơ, ông đã nhớ ra liền vì…ấn tượng ngày đi coi thi năm ấy, có cô giáo non hướng dẫn viên du lịch hàm thụ vui tính, lanh chanh…)

Dĩ nhiên trong văn phòng cũng còn vài Thầy Cô giáo khác và lần đầu tiên tôi gặp chính cô giáo Thái Bạch Vân. Trời! cô giáo đẹp chi mà đẹp quá. Cô nói năng nhỏ nhẹ, mái tóc chải cao, khuôn mặt đầy đặn, nhìn là bị hớp hồn liền dù tôi là con gái. Sở dĩ tôi nhớ cô kỹ là vì ngồi trong văn phòng, trên bàn nước kế bên là cái bánh bông lan kem to tổ chảng, cô mang từ nhà đến, khi cô cắt ra tôi cũng được…chia phần, ngon ơi là ngon. Thì ra Cô là giáo sư dạy nữ công gia chánh của trường Nữ trung học này. (Sau này ở Mỹ, thỉnh thoảng tôi gặp Cô và đưọc cô tặng cho những tập thơ, những CD với những giọng ngâm truyền cảm những bài thơ của Cô…, vì tôi và Cô cùng sinh hoạt chung trong một trung tâm chữ nghĩa).

Ngày thứ hai tôi được sắp xếp đi làm…giám thị hành lang. Có gãi đầu gãi tai cũng không thoát số. Thì thôi cứ một giờ đồng hồ thì đứng lên đi hết mấy dãy hành lang rộng thênh thang của trường, mà guốc sắt thì nhọn hoắc, cứ cồm cộp cồm cộp tới phòng nào hơi…ồn ào thì thò đầu vào…xem thử, gặp ngay mấy ông Lính la ó rầm trời, mấy ngài Giáo sư giám thị chả dám…cười vì ngại bị “phê bình” là coi thi không …nghiêm chỉnh.

Cuối cùng thì tôi cũng …được làm giám thị hai trong phòng thi toàn những người đàn ông mặc quân phục đủ loại. Có ông thì quần aó ũi thẳng nếp, tóc tai thẳng thớm, mặt mũi sáng trưng. Có ông thì vẻ phong trần, khắc khổ hiện trên nét mặt, quân phục nhàu nhè một chút mà vai áo thì dấu vết còn hằn, chứng tỏ mới lấy…lon ra. Chúng tôi đến phòng thi sớm, và ký tên trên những tờ giấy làm bài và cả giấy…nháp. Những vị thí sinh Lính cứ nhè cô giáo tôi mà….mè nheo, hỏi thăm đủ chuyện, có người còn …phá phách hỏi địa chỉ nhà, chứ tên thì đã biết. Có người còn …cà rỡn kỳ này trúng mối lớn vì sẽ được cô giáo đọc bài cho chép, vì trông cô…hiền lành tử tế. Hôm đó trúng giờ thi Vạn vật, mèn ơi vui thì thôi, cả phòng thi như đang …đếm giấy bán, cứ sột soạt sột soạt bên dưới hộc bàn khi đề thi vừa được phát ra, vị Giáo sư giám thị một đề nghị chúng tôi đi…thu gom sách dưới hộc bàn, không để họ…tự do quay cóp, dù ông rất “thông cảm” và quý trọng sự hy sinh của họ. Nhưng mục này hơi khó cho tôi, vì đi đến bàn nào cũng nghe một câu …thần chú: “Chỉ có 7 ngày phép thôi cô ơi! khó mà chi!”.Nhưng không… thu sao được? Thế là cái bục để giáo sư và học sinh đứng giảng bài, giải toán hằng ngày, đã có từng chồng sách vạn vật cao nghệu..

Tôi bước về phía cửa và đứng đó nhìn về phía các thí sinh đang cặm cụi …làm bài, tự nhiên trong tôi dâng lên một niềm cảm mến vô hạn. Họ là những người Lính mà, vì hoàn cảnh chiến tranh đã không thể tiếp tục cắp sách đến trường, nhưng ở họ vẫn có một ý muốn vươn lên, có thể một trong số họ là những người lính thực sự và đang muốn có một mảnh bằng để chuyển sang học khóa Sĩ quan(?). Có thể trong số họ muốn vào học tại một đại học nào đó mà vì không vượt qua nổi kỳ thi năm trước, đành phải “xếp bút nghiên” thẳng tiến quân trường vì lệnh động viên, bây giờ đã “ổn định” đơn vị nên quyết chí ghi tên thi tiếp. Có thể họ đang ở chiến trường sôi động, muốn tìm một ngày phép nghỉ ngơi hơi …khó, nên cố gắng nạp đơn thi để tìm lại chút hương vị phố phường...?

Tôi lại liên tưởng đến những người Lính thường hay xuất hiện ở nhà tôi mỗi cuối tuần, họ quá may mắn so với những người Lính ngoài trận mạc, dù đôi lúc chị em tôi chọc phá họ, nhưng là trong tình yêu thương chia xẻ trách nhiệm với người trai thời loạn.

….Từ khi Ba má tôi dời nhà về ở Phù  Đổng Nha trang, và kể từ khi ông anh cả của tôi tốt nghiệp trường KBC bốn thằng một ca-rê” về làm huấn luyện viên ở trung tâm huấn luyện Lam Sơn (Dục Mỹ), thì ba má tôi có thêm đám con nuôi bất đắc dĩ. Những người lính xa nhà rất cần một mái ấm gia đình để an ủi, để... lủi về tá túc sau những giờ hét khan cổ: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!” Và nhất là những khi cạn túi hết tiền lương (thường thì nửa tháng đã cạn sạch rồi).

 Bởi vậy nhà tôi cứ y như là “Cư xá SĨ QUAN VÃNG LAI!” Không giống như Cư Xá Vãng Lai góc đường Lý Thánh Tôn-Bá Đa Lộc ngay ngả sáu Nha Trang, cư xá nhà tôi được thành lập mà không có trợ cấp của chính phủ, lại chẳng nỡ thu tiền cơm tháng của sĩ quan trú ngụ, ăn nhờ. Và cũng bởi nhà tôi bỗng dưng biến thành cư xá vãng lai, mà mấy chị em chúng tôi không thuộc loại cà nhỗng, lại chưa quá đát, nhưng lại bị ế ngang xương, ế chùm ế đụp, ế thảm thương. Chị em chúng tôi có xuống đường phản đối ông anh tôi, nhưng ba má tôi lại bênh vực cho “Tình quân dân cá nước”.

Và má tôi, sau những giờ đấu tranh với khói lửa trong bếp để tạo những bữa cơm ngon, bà hay thắp hương khấn vái bốn phương, tụi tôi cứ ngỡ bà khấn nguyện Phật Trời phù hộ để có tên con trai nào đem trầu cau tới rước đám con gái của bà, bà sẵn sàng tống xuất chứ giữ làm gì mấy trái bom nổ chậm. Nhưng hú vía, khi hỏi ra mới vỡ lẽ, má tôi khấn vái là xin Đất Trời, Phật, Chúa, Thánh Thần, Cô Năm, Chú Bảy, các oan hồn Tử Sĩ khuất mặt, khuất mày về phù hộ cho cái đám con lính tráng của bà, dù con ruột hay con hờ đều mãi mãi được bình an, vô sự, đừng để bị đạn... hun, hay lựu đạn xơi tái để rồi... phủi chân lên nóc tủ ngồi nhìn gà khoả thân thì tội lắm.

Mà thật, từ khi có mấy ông anh nuôi bất đắc dĩ, mấy cây si vừa mới trồng trước cửa xanh mơn mởn bỗng bị hạn hán chết queo, mấy cái cột đèn cũng bứng gốc đổi chỗ tự bao giờ, dù lúc tụi tôi cũng có nghe lời than thở, tiếc nuối: Lối đi qua nhà em, nghe nồng nàn mùi... thịt nướng thật thơm!” Tuy tiếc thì tiếc nhưng coi bộ chả tên con trai dân sự nào dám bước qua cái đám “Kỳ đà cản mũi” cứ ra vô hà rầm, nhứt là vào những ngày cuối tuần - với giày sô, quần áo trận chỉ thiếu súng ngắn, dao găm và cái ba­ lô buộc lỉnh kỉnh soong nồi.

Ngay cả cái đám bạn gái chúng tôi, có đứa cũng có ý ganh thầm, ngỡ rằng chị em chúng tôi là hoa đã có chủ!. Nhưng khổ nỗi “tình ngay mà lý gian”, dù thuộc nằm lòng câu răn của người đi trước “Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Rõ ràng là chỗ nhà tôi – “Cư xá Sĩ Quan vãng lai” tạm - chỗ có không những ba quân mà có khi lên cả chục quân, là chỗ thuận lợi cho đám con gái mới lớn dễ dàng tìm ý trung nhân, nhất là khi các cô nào có quan niệm: “Thà chết cạnh rừng mai hơn là chết trên vai anh... cánh gà!”

y vậy mà bọn chị em tôi tưởng chừng như bị ế! Không phải vì câu răn đe của ông anh tôi: “Đứa nào léng phéng với em gái tao, coi chừng tao!” Và cũng chẳng phải mấy ông anh hờ của bọn tôi thuộc loại thánh thiện, hay theo môn thiền, hoặc thêm dấu sắc trên chữ thiên để thành hoạn quan gì cả, mà mấy anh cũng thuộc loại phàm phu tục tử, cũng tham sân si đầy người, có khi tình trong như đã mặt ngoài còn e. Nhưng khổ nỗi, vì quá biết về “thân thế và sự nghiệp” cũng như thói quen, gia cảnh, v.v..., nên bọn tôi bị dị ứng với hương vị tình yêu của các anh, nhất là những khi trái nắng trở trời, nắng gay nắng gắt mà phải tiếp nhận mùi tình yêu từ bộ đồ trận mấy ngày chưa giặt…

 Lại nữa, có mấy ai dại khờ nhắm mắt đưa chân vào vùng... tử địa, khi mà đã biết được lá bài tẩy của đối phương. Này nhé; một anh H, người Bến Tre, leo dừa cứ như là sóc, tróc dừa cũng nhanh chẳng kém gì leo, chỉ cần ba nhát dao, xẹt qua, xẹt lại, phạt ngang, là mỏm trái dừa trọc lóc, lộ nguyên cơm dừa trắng trắng mềm mềm, chỉ cần chọc nhẹ mũi dao là có quyền đưa lên miệng... tu nước dừa tươi vừa trong vừa mát. Anh lại có tài nấu bếp, nếu thời đó có ai trao giải “Mr MOM!” chắc anh sẽ là người thắng cuộc. Bởi thế anh rất tâm hồn đa sầu đa cảm kiểu... LÍNH CHÊ! Nên suốt ngày cứ nghe anh vào ra rên ư ử cài gì mà Tôi vốn nghèo, em cũng nghèo như tôi, hai đứa từ lâu mơ ước một nhà lầu...”, lại có khi thấy anh ngồi sững nhìn vào vách mà than thở, ước ao: “Ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách hai đứa mình ... khoét vách chui qua!” thậm chí có lúc anh còn xuống câu xề ai oán, ta thán cảnh “Lương Sơn Bá... đá Anh Đài”. Nghe xong thì phải vỗ tay, nhưng mà lại ngán, sợ có ngày thành nghệ sĩ cải lương bất đắc dĩ. Nhưng anh là một huấn luyện viên khoa chiến thuật rất giỏi!

Anh Ph., bạn bè anh tặng cho anh danh hiệu “Dân chơi xứ Nẫu!” Nhìn anh rất giống tài tử Trần Quang Thái của phim võ hiệp Tàu. Mỗi lần về Nha Trang, anh hay đem theo một bộ đồ civil gồm quần xẹc, áo hoa (bộ đồ vía), nếu kết để đi phố với anh thì bắt mắt vô cùng. Nhưng khổ nỗi, nhờ có bộ mã đep trai, nói khéo mà anh đã thành con nợ của rất nhiều người. Má tôi biết, la rầy anh hoài nhưng chứng nào tật nấy. Đã bảo cặp kè đi rước đèn thì được, chứ về nâng khăn sửa tráp cho anh thì chắc chẳng có gì để nâng để sửa, vì suốt ngày chỉ nghe anh kể chuyện: Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời... xập xám, lại thấy tiền nó bay đâu mất, rồi tiếc nuối, rồi chịu đói...!” Bởi thế “tiền lính là tính liền, nhiều khi nghèo như điên", lại thêm “cờ bạc là bác thằng bần” mà lị.

Còn anh Th., người dân P.Y. nên chọn đơn vị về Nha Trang cũng gần. Ai cũng phải công nhận anh có ngón đờn Classic Guitar tuyệt diệu. Vì anh là “đại đội trưởng khóa sinh” nên anh có nhiều cơ hội để trổ tài và luyện ngón đàn nhuần nhuyễn. Những đêm trăng sáng lung linh, gió đưa nhè nhẹ mà ngồi nghe anh ôm đàn vuốt phím bản “Hoài Cảm, Ngọc Lan, Nguyệt Cầm, Mắt Biếc, v.v...”. Những âm thanh réo rắt, du dương, dìu dặt dễ nối liền nỗi lòng người nghe đến với kẻ chơi đờn. Nhưng khổ nỗi, ngoài sở trường âm nhạc để trở thành thần tượng của những tâm hồn đa sầu đa cảm, thì giờ còn lại chỉ thấy anh: “Tay cầm điếu thuốc phì phèo hút. Tay bợ lon bia khề khà tu!” Còn mọi chuyện khác thì anh tỉnh bơ, phớt tỉnh như dân Ăng-lê. Nhờ vậy mà anh có nhiều bạn, kể cả ông anh tôi, nhưng con em tôi thì vẫn cứ hát đùa: “Đời nghệ sĩ lăn lóc xuống mương, ba ngày đêm vớt lên sình chương, sình thì sình em vẫn cứ thương, thương thì thương anh vẫn... sình chương!” Còn má tôi thì tuyên bố một câu xanh dzờn: “Mai mốt đứa nào lấy nó có nước... bốc mắm mà ăn!” (Mà thiệt, về sau chị N làm vợ anh rất khổ vì máu nghệ sĩ của anh).

Và anh Kh., “...quê hương anh cái mùng mà kêu cái màn, trên đồng xanh, bên ruộng sâu Anh trồng toàn cây rau muống!” Nhưng khi di cư vào Nam, hình như gia đình anh đã định cư gần kho đạn Long Bình, bởi vậy anh nổ bạo. Anh nổi tiếng huấn luyện giỏi ở môn... vũ khí, viên đạn nào qua tay anh cũng không sợ hư, sợ thúi, anh nổ có khi không cần tiếp tế đạn, nhờ vậy mà cả nhà tôi dịp cười bò lăn bò càng. Nổ cho... dzui mà! Nhưng đi cạnh kho thuốc nổ, không khéo có ngày bị trúng miểng…

************

Căn phòng nhộn nhạo hẳn lên lôi tôi về thực tại vì có thí sinh lên nộp bài để ra về, và chúng tôi phải ký tên trên bài thi. Nhìn chung quanh, hình như có người chưa trả lời được câu nào hoàn chỉnh cả, nên mấy ngài tự động đi lên bục lấy sách của mình đem về bàn và từ từ lật ngay trang sách mà…chép. Vị giáo sư ra hiệu cho tôi …thoải mái để cho họ chép vài trang, ít ra trên giấy làm bài có chữ viết vì sắp hết giờ rồi…

Chúng tôi ra về khi đã hoàn tất những thủ tục cho những bài thi. Chúc cho những thí sinh được sớm “có tên trên bảng vàng”. Qua lần làm giám thị trường thi, mà thí sinh toàn là những người Lính, đã gieo vào lòng tôi một tình cảm quý mến, trân trọng những người Lính hơn nữa, quên đi những giờ phút bị...huýt gió, chọc phá từ những người…vui tánh, ba gai. May mà không xảy ra một tai nạn đáng tiếc nào trong những ngày thi đó, một kỷ niệm để đời ngay trong trường Nữ trung học, nơi mà ngày xưa xa lắc tôi mơ được làm nữ sinh nơi ấy…

Lê thị Hoài Niệm.

 

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

  •                 

         Như một thông lệ hằng năm, cứ sau ngày Thanksgiving, trong phòng khách nhà tôi phải có một cây thông được trang trí bằng những hoa đèn rực rỡ, những trái bóng đủ màu, những ngôi sao lóng lánh màu bạc, những  ngọn đèn xanh xanh đỏ đỏ chớp nháy liên hồi vui mắt, có cả hình ông già Noen  cỡi xe kéo bởi đàn tuần lộc băng qua cánh đồng tuyết trắng đi trao quà cho các em bé với những tiếng chuông reo vang làm sinh động căn phòng khách, điều mà các gia đình không theo đạo Chúa như chúng tôi ít khi thực hiện.

          Nhưng đối với tôi, những hình ảnh dễ thương từ những ngày còn nhỏ dại đến khi khôn lớn, quang cảnh nhộn nhịp vào ngày Giáng sinh nơi thành phố biển vẫn là những hình ảnh sinh động vui tươi đẹp đẽ, nhất là những lúc về đêm, cùng một lũ bạn đi xem  những tư gia trang trí hình ảnh máng cỏ có Chúa hài đồng và những thiên thần rực rỡ dưới những vì sao, hay kéo nhau lên nhà thờ Núi nghe tiếng chuông ngân vang rộn rã từ gác chuông tận nóc giáo đường, những bài thánh ca thánh thót từ trong thánh đường, những cảnh chen lấn  giữa nam thanh nữ tú trên đường phố trong đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, mặc dầu nơi chúng tôi ở chẳng lạnh tí nào,  rồi sau đó là bữa tiệc rờ- quây- dông đông  vui cả gia đình và bè bạn sum họp  v…v, ngần ấy kỷ niệm vương mãi  trong  tôi cho đến bây giờ, nên mùa Giáng sinh đến ở đây mà thiếu cây thông, như thiêu thiếu một cái gì, mặc dầu các con tôi đã đi làm ăn xa, đúng ngày lễ mới  về nhà  thăm cha mẹ.

          Hai vợ chồng tôi vừa trang trí cây thông xong, đang ngồi ngắm thành quả của mình với những ánh đèn chớp nháy đủ màu sáng rực, bỗng có tiếng chuông gọi cửa.
          Cửa mở, ông Phil vào nhà theo sau chồng tôi, miệng cười thật tươi và lên tiếng:
          -Tôi đến báo cho hai bạn một tin vui, và ngày vui đó các bạn phải đến chung vui với gia đình chúng tôi nhé.
          Nhìn điệu bộ và nghe giọng nói, tôi cũng đoán được nửa phần tin ông báo, tôi lên tiếng:
          -Có tin của Krista?
          -Lê hay quá, bà đúng là bạn của gia đình tôi, chúng tôi được tin báo của Krista, gia đình cô ấy sẽ trở về thành phố và thăm chúng tôi trong mùa Christmas này, vợ tôi đang đếm từng ngày đó.
          -Còn ông?
          -Thì tôi cũng mong chứ, bao nhiêu năm rồi vắng bặt tin con, tôi buồn giận, nhưng cũng nhớ lắm chứ, dù sao thì cô ấy cũng là đứa con gái lớn mà chúng tôi rất yêu quí, như hai bạn từng biết đó, đâu khác gì hai bạn đối với  con gái lớn Laura đâu, vậy mà…
          Ông Phil ngưng ngang câu nói, thở dài lắc đầu nhìn chúng tôi. Chồng tôi lên tiếng:
          -Thôi, có tin cháu về là vui rồi, chúc cho gia đình Phil và Varga mùa Christmas này tràn đầy hạnh phúc, nhớ báo cho chúng tôi chính xác ngày Krista về để chúng tôi đến chung vui chúc mừng nhé.
          Chồng tôi vừa dứt lời, ông Phil đã tiếp:
          -Dĩ nhiên! dĩ nhiên rồi! đó là lý do tôi đến thẳng nhà hai bạn mà không gọi điện thoại báo trước. Tôi vui lắm nên lái xe chạy vòng vòng báo tin cho các gia đình thân quen, để các bạn chia xẻ niềm vui với gia đình  chúng tôi ấy mà. Các bạn nhớ nhé, nhớ đến tham dự buổi tiệc sum họp gia đình với chúng tôi nhé, nếu cháu Laura có về, xin chuyển lời mời của chúng tôi, Krista gặp lại Laura, chắc chúng nó  vui lắm.

          Ông cười vui giọng sang sảng, rồi bắt tay chúng tôi cáo biệt ra về vẫn không quên nhắc chúng tôi chờ ông báo tin chính xác ngày vợ chồng ông làm tiệc mừng hội ngộ, để chúng tôi đến chung vui với gia đình ông.
          Ông Phil đi rồi, vợ chồng tôi lại bắt đầu đoán già đón non về chuyện gia đình ông trong những ngày sắp đến.
          Ông Phil không phải người Mỹ chính gốc. Gia đình ông là người Ái nhĩ Lan mới di cư sang Mỹ từ đời cha ông. Nhưng nhìn nét mặt cương nghị, đôi mắt xanh, sóng mũi cao và mái tóc hung hung, cả vợ chồng ông đều có nét rất đẹp của giống người da trắng, nên khó phân biệt đâu là Mỹ đâu là Anh ngày chúng tôi mới đến. .

           Khi mới dọn đến ở xóm này, Ông Bà Tomy-Tifany, gốc người Cu Ba nhưng da trắng, có lẽ họ lai giống người Tây Ban Nha, rất cởi mở, thân tình, nhà đối diện với nhà tôi, đã sang làm quen trước, sau đó bà mới dắt vợ chồng tôi đi giới thiệu với những nhà hàng xóm lân cận. Khi đến nhà ông Phil thì bà Tifany kêu hai đứa con nhỏ của ông ra, chúng nó cũng cỡ tuổi hai đứa con chúng tôi, nên sau đó bọn trẻ dễ dàng chơi thân với nhau, và người lớn cũng qua lại thăm hỏi, chúng tôi biết nhau từ những ngày đó.

          Qua vài lần thăm hỏi, ông Phil biết chồng tôi là một cựu Phi công QLVNCH, đã có lần bay chung với một đơn vị Trực thăng Hoa kỳ tại Đồng Bà Thìn gần Cam Ranh, ông mừng quá, và bắt đầu kể “chuyện này xưa”. Thì ra ông là một cựu xạ thủ trực thăng Mỹ đã từng tham chiến tại Việt nam trong thời gian một năm khoảng 1968, và ông trở về Mỹ trước khi chồng tôi về bay thực tập với các Pilot người Mỹ trong 3 tháng tại căn cứ đó. Có lần ông thao thao bất tuyệt về “mối tình” của ông với một cô “bồi phòng” người bản xứ, nhưng bị anh bạn cùng đơn vị phỏng tay trên vì ông …nhát gái quá, làm chúng tôi cười vui, vợ ông cũng cười theo, vì đó là chuyện xưa mà, chuyện lúc ông còn là cậu trai mới lớn. Nhưng nói gì thì nói, ông vẫn thương những người VN mà ông đã gặp qua, vì thế, khi quen biết được chúng tôi, ông quí lắm và rất muốn làm bạn. 

          Đứa con gái lớn của ông bà cùng học một lớp với con gái lớn của tôi, con bé mới vào lớp 6 mà trông chẳng khác gì cô con gái 14-15 tuổi, nước da trắng như trứng gà bóc, lúc nào hai má cũng hồng lên, với đôi mắt như có viên ngọc bích chiếu rọi trong đó, trông con bé xinh quá là xinh.

          Ông bà Phil có tiệm buôn nhỏ bán thảm, gạch lót nhà, nên hai vợ chồng phải thay phiên đứng trông coi, dù có thêm người làm, nhưng nhiều lúc ông phải chạy đâu đó, bắt buộc bà phải có mặt, những lúc như vậy, bà thường gọi điện thoại cho tôi đón luôn dùm hai đứa nhỏ nhà bà, và coi chừng dùm chúng. Ông bà rất tin tưởng chúng tôi.

          Gia đình ông Phil theo đạo Tin lành. Họ rất sùng đạo và tính tình rất vui vẻ. Hằng năm đến mùa Giáng Sinh, nhà ông bà Phil trang trí đèn trước sân đẹp nhất, nên có năm được lãnh giải thưởng của ban quản trị khu vực. Bà Varga thì rất khéo tay, những khi trong trường cần làm những gì để trang trí, kêu học sinh mang vào lớp, thì bà Varga tình nguyện làm dùm tôi, tôi chỉ  phải “trả công” cho ông bà bằng món ăn như chả giò, hay cơm chiên, mà bà cố gắng học để nói tên mấy món ăn bà thích đó, nghe rất ngộ nghĩnh, vui tai ( chắc cũng giống như người Việt nam mới học nói tiếng Mỹ là cùng).

          Lần đó con gái tôi “biểu diễn” đờn guitar classic trong trường, đại diện cho người Việt nam tị nạn CS. Lúc viết tên học sinh, lớp, môn trình diễn và quốc gia đại diện, chồng tôi phải vẽ lá cờ nền vàng ba sọc đỏ trên tấm banner, ông bà sang nhà thấy chồng tôi ngồi hì hục vẽ, chưa kịp giải thích cho bà hiểu thì ông Phil đã làm dùm chúng tôi việc đó, ông giành phần nói cho vợ hiểu về lá cờ mà ông đã biết khi tham chiến tại VN, nghe xong bà tình nguyện lãnh phần đi in một số lá cờ nhỏ để ngày các học sinh trình diễn, bà đem vào trường phân phối cho người đi xem.

          Cuộc sống vẫn lần lữa trôi qua, khi đứa con lớn vào lớp mười một, thì ông bà Phil dọn nhà về khu vực Katy, vì shop của ông bà đã dọn về trên đó. Ngày đi, ông bà cũng buồn lắm, nhưng biết rồi chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc thăm hỏi nhau, nên bà bớt buồn, và cứ căn dặn tôi: thỉnh thoảng phải làm chả giò, cơm chiên, những món ăn VN mà ông bà “mê mẩn”, hễ bà xuống là phải có để mang về cho ông Phil và bọn nhỏ, bà vẫn gọi điện thoại và đùa với chúng tôi như thế.

          Khi con gái lớn tôi vào Đại học ở OU, thì Krista vào học ở Texas A&M. Bọn trẻ đi xa nên chúng tôi cũng ít có cơ hội qua lại thăm hỏi, thỉnh thoảng có tiệc tùng lễ lạc gì thì mới mời ông bà đến chơi, chứ thật ra với cái tiệm buôn như vậy, họ đâu có nhiều thì giờ đi tới đi lui, chỉ còn nhịp cầu nối là cái điện thoại..

          Ngày con gái tôi ra trường Navy, phải theo đơn vị hành quân trên chiến hạm USS G. H. thuộc hải đội 5 duyên hải sang Trung đông, Bắc Phi thì cũng được tin ông Phil báo Krista sang Hawaii nhận việc bên đó, mặc dầu ông không thích cháu đi xa như vậy. Nhưng tôi đưa thí dụ về con tôi, tôi còn không ngại thì ông lo gì, tuy nói thế nhưng tôi cũng không dám chắc con bé Krista có thể “an toàn trên xa lộ” khi đi quá xa nhà như vậy hay không? vì khi bắt đầu vào lớp mười hai, nghe bà Varga than thở có vẻ buồn lắm rằng con bé trổ hoang ra. “Mỹ con” mà, chúng đâu có chịu ngồi yên học hành chăm chỉ, chúng hẹn hò bạn trai, chúng đi night club cuối tuần, thậm chí còn uống rượu nữa. Bây giờ đã mấy năm sau rồi, đã tốt nghiệp  đại học, đã tìm được công việc làm, làm sao cô gái đó có thể “ngoan ngoãn” để mà nghe lời cha mẹ cản ngăn, tự do tìm chỗ ở thích hợp là chuyện đương nhiên. Và sau này ông bà càng buồn nhiều hơn vì Jeff,  thằng con thứ hai của bà rất đẹp trai, học cũng giỏi,  hình như đang đổi giới tính và chỉ thích …con trai thôi.

          Như một cú trời giáng xuống gia đình ông bà Phil, ông buồn rầu bảo thế, khi ông biết tin Krista đang thay đổi bạn trai lần nữa, và lần này thì cô ấy “cặp kè” với một chàng da đen trong hải quân Mỹ, căn cứ đóng tại Hawaii. Ông bảo đã nhiều lần điện thoại ngăn cản, khuyên nhủ Krista rằng gia đình ông không “kỳ thị”, nhưng gốc gác ông còn đầy phía bên kia, họ không muốn nhìn thấy một người hoàn toàn khác màu da trong đại gia đình họ. Nhưng Krista vẫn cương quyết nói rằng cô yêu Christ- tên chàng trai từ tiểu bang Chicago, con của một “single mom”, nhưng cũng cố gắng học và đang ở trong quân đội, đợi một thời gian giải ngũ trở về đời sống dân sự sẽ học tiếp để lấy bằng Master về thương mại.

          Một lằn ranh vô hình đã xảy đến, ngăn cản tình cảm giữa cha mẹ và con gái, khi ông bà Phil nhất định không chấp nhận một người đàn ông da đen trong gia đình họ, còn Krista thì nhất quyết giữ lấy tình yêu của cô với Christ. Nhiều lần bà Varga gọi điện thoại than thở với tôi, có ý hỏi tôi tìm giải pháp nào để đưa Krista về với gia đình, xa hẳn người đàn ông đó. Thú thật tôi nào dám có ý kiến ý có gì. Trong tình yêu, nhiều lúc người con gái không nhìn ra những đố kỵ chung quanh, và con tim có lý lẽ riêng, đâu có thể phân tích như bài toán học. Cô chỉ thấy hợp tính người đó, và người bạn kia đem đến cho cô niềm vui, hạnh phúc, cô đâu cần biết xuất xứ của bạn trai, dòng dõi thế nào, da đen hay da trắng, người ngoài ưa hay không ưa, thậm chí còn lớn tiếng cãi lại: “đâu phải người da đen nào cũng xấu”. Trong khi cha mẹ thì nhìn xa hơn, nhìn đủ mọi hướng, nhìn thấy nhiều điểm bất đồng bên ngoài, mà có thể chưa hiểu hết tâm ý con mình. Bởi vậy, ngay cả người VN, tôi vẫn thấy có vài gia đình có con gái lấy người bản xứ da đen, nhưng họ không dám công khai ra ngoài công chúng, có một nỗi khổ nào đó vướng víu chung quanh họ, ít ai can đảm dõng dạc giới thiệu cậu là con rể của tôi, đến “cháu” nội-ngoại họ còn ngại ngần, ít dám dẫn đi công khai. Và tôi cũng đã chứng kiến vài người đi bán hàng cho những tiệm tạp hoá, khách hàng chính của họ thường là người da đen, mà họ còn khinh thường người khách của mình, còn gọi “thằng lọ” này thằng lọ nọ, huống hồ mấy người Ăng lê bảo thủ này.

          Mỗi lần bà Varga goi điện thoại thăm hỏi, nội dung câu chuyện cũng vẫn thường xoay quanh những đứa con. Hai đứa con tôi thì cũng yên bề, con bé nhỏ vẫn theo làm việc thiện nguyện, từ lúc ra khỏi group AMERICORE. Nhưng hai đứa con bà vẫn làm bà buồn rầu không ít, Krista vẫn ở với chàng thanh niên đó, lâu lắm rồi chưa về thăm nhà lần nào, và cũng không hề liên lạc, vì biết  ông bà tức giận không thèm hỏi tới. Lại nữa, cậu Jeff thì đã hoàn toàn trở thành một chàng thanh niên...đổi giống, dù cậu đã ra trường Luật, và đang tập sự Luật sư cho một công ty lớn ở New York. Bảo ông bà không buồn sao được, nhưng tôi biết chia xẻ như thế nào đây? Khuyên nhủ nỗi gì, khi mình không có cùng hoàn cảnh, tâm trạng với họ, dù rằng người Việt nam mình có câu “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Nhưng trong trường hợp này sáng mấy cũng đành chịu thua, tôi đâu dám khuyên ông bà thôi thì hãy “chấp nhận” cho Krista lấy chàng thanh niên đó, dù tôi rất muốn, vì nhiều lần con tôi cũng có nói: “Krista tội nghiệp lắm, nó rất muốn về thăm ba má và em nó, nhưng ba má nó cấm cản người tình của nó, bảo nó bỏ Christ hẳn đi thì ông bà mới cho về, nên nó ở bên đó luôn!”

          Vậy mà lần này ông vui vẻ đi báo tin cho bạn bè biết ngày con ông về thăm . Đúng là “biến cố trọng đại”. À thì ra đâu phải Krista “bỏ” người yêu của cô, mà gia đình nhỏ đó vừa cho chào đời một cậu bé trai- con lai rất kháu khỉnh. Từ lúc có con, Krista gửi thư về cho cha mẹ, gửi kèm bức hình thằng bé, bây giờ đã tám tháng tuổi. Có lẽ nhờ đứa trẻ làm cầu nối, mà ông bà đã nghĩ lại, và vì tình thương cháu? giống như đa số các ông bà Việt nam mình, mà ông bà Phil đã “tha thứ’ và gọi con gái với “con rể” về nhà?

          Mùa Giáng sinh năm nay tự nhiên tôi có thêm cớ để đi shopping chọn một cái áo đẹp, chúng tôi sẽ lên thăm nhà ông bà Phil và gặp lại Krista, xem thử sau mấy năm xa cách, bây giờ đã là mẹ rồi, cô có còn đẹp như năm xưa không? sẽ “xem mắt” con rể ông bà Phil như thế nào, và sẽ bồng ké thằng bé “cháu ngọai” ông bà Phil, chắc thằng bé không đến nỗi “đen ngòm” như lời ông Phil  vẫn mô tả màu da của cậu con rể. Và biết đâu, thằng cháu ngoại của ông, đứa con lai hai màu da kia, mai kia mốt nọ trở thành “Tổng thống Mỹ” sẽ là người đứng đầu một quốc gia hùng mạnh  lãnh đạo cả thế giới, như ngài cựu TT của nước Cờ Hoa.

          Chúng tôi đến nhà ông bà Phil chiều ngày 23/12. Đúng như ý nghĩ của chúng tôi về thằng bé, nó là nhịp cầu nối dễ thương để ông bà- cha mẹ cháu xích lại với nhau. Thằng bé xinh  thật, nó không giống hoàn toàn màu da đen của bố, chỉ giống mái tóc quăn quăn một cách tự nhiên, nó có cặp mắt đẹp của mẹ và bà ngoại, và nụ cười thật tươi, chắc giống ông Phil. Mỗi lần ông bồng thằng bé thảy lên, cháu cười hăng hắc một cách vô tư, rồi rúc đầu vào ngực ông ngoại trông dễ thương lắm, người bạn nào muốn bồng cháu, ông đều trao tay với niềm vui trong ánh mắt.

          Bobby, tên thằng bé, đúng là chiếc cầu nối dễ thương, để ông bà Phil bồng ẵm nưng niu, mà quên đi ngoại hình của người cha cháu, để ông bà không còn mạnh miệng cản ngăn tình yêu của mẹ cháu dành cho cha nó, người không cùng màu da với mẹ. Dù gì thì Christ cũng không đến nỗi “tệ”, nói chuyện rất có duyên, và cũng lễ phép nữa, có lẽ đó là lý do mà Krista yêu thương chàng trai đó.

          Cuối cùng rồi gia đình ông Phil được hưởng một Giáng sinh tràn đầy hạnh phúc, con cái sum họp, cha mẹ không còn buồn khi được bạn bè chúc tụng có rể quí, có cháu xinh trong ngày Chúa giáng trần. Mong rằng mối lương duyên không cùng màu da giữa những người trẻ, sẽ được kết hợp bền vững, con cái đầy đàn, gia đình hạnh phúc, không còn là cái cớ để cha mẹ cản ngăn, chia rẽ tình yêu của họ. Mong lắm!
Lê thị Hoài Niệm 


 

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

“THANKSGIVING" VÀ NGƯỜI BỘ TỘC TESUQUE.

            Lê Thị Hoài Niệm

            Nếu không vì dịch cúm đang hoành hành khắp nơi, thì “cổng làng TESUQUE" đã mở cho chúng tôi vào thăm đại gia đình của bà ARLENE, người Mỹ da đỏ chính thống (American Indian), để cảm ơn bà sau ngày Thanksgiving trên nước Mỹ.

            Cuối cùng thì chúng tôi phải mời bà và người em đến nhà, và thết đãi họ một bữa cơm gia đình với những món ăn đặc biệt Việt nam như bún bò Huế, chả giò, xôi chiên, bánh bột lọc... 

            Sự quen biết giữa chúng tôi thật vô cùng hy hữu.



            Ngày đó gia đình chúng tôi đi trên xa lộ 84 từ thành  phố Los Alamos trở về Santafe, thấy hình tượng “Thạch đầu đà”, tên chúng tôi tự đặt, vì hòn đá to có hình đầu con lạc đà thật uy dũng, đứng ngay vệ đường nên dừng xe và leo lên để chụp hình làm kỷ niệm. Chụp cho từng người thì dễ rồi, nhưng loay mãi thì cũng cứ người này chụp thì thiếu hình chung của người nọ, vì không đem theo cần chụp..selfie. Thấy có chiếc xe dừng lại bên dưới đường, chúng tôi cũng hy vọng có người leo lên chụp hình, sẽ nhờ người đó chụp dùm cho cả gia đình vui vẻ. Đó là người đàn bà bản xứ, bà chậm chạp leo lên dốc và hỏi chúng tôi có cần bà chụp hình cho toàn nhóm không? Mừng quá đi chứ, thế là bà chụp hình dùm chúng tôi, và bà tự giới thiệu tượng Thạch Đầu Đà là bức hình...tượng trưng bộ tộc (tiếng Mỹ họ gọi chung là village) của bà, bà đang ở bên trong thung lũng này, và vừa trong bộ tộc đi ra, nhìn thấy chúng tôi thích hình tượng này và đoán chúng tôi đang cần người giúp, nên bà leo lên giúp, vì đây là chuyện nhỏ mà.  

            Thấy tôi tò mò hỏi dăm ba câu về “bộ lạc”, bà có cảm tình sao đó, mà ngỏ ý muốn ...mời chúng tôi đến thăm khi có dịp. Năm đó chưa có cúm tàu nên người người rất thoải mái đi lại, nói chuyện làm quen. Thế là chúng tôi trao đổi số phone để liên lạc và hứa sẽ đến bộ tộc của bà thăm chơi khi có dịp trở lại Santa Fe, khi mà biết ra  người em gái của bà cũng đang làm việc gần cơ quan của con gái tôi đang làm trên Los Alamos.

            Bộ tộc Tesuque chỉ có khoảng hơn 500 người sinh sống hiện tại với một diện tích đất khoảng 17.000 aches, ở cao độ 6.759’, nằm ngay trong thung lũng bên trái xa lộ, nơi có tượng Thạch đầu đà này. Họ có một chính quyền riêng để điều hành bộ tộc, người tộc trưởng họ gọi là Governor, và ông phó, thêm hai người nữa, một lo về giáo dục và một về tôn giáo, họ được người trong bộ tộc bầu lên và nhiệm kỳ là một năm, tuyệt nhiên không có phái nữ tham gia vào đó. Từ khi người Mễ Tây Cơ đến chiếm lãnh thổ đất đai của họ, người Mễ đã mang đạo Thiên Chúa đến và từ từ những vị Thần Thánh họ tôn thờ bấy lâu đã bị mai một. Hằng năm, người tộc trưởng này đều về thủ đô DC, hoặc tòa hành chánh của tiểu bang để họp với chính quyền hai nơi đó, để đạo đạt những yêu cầu cần thiết của bộ tộc đến với chính quyền Hoa Kỳ.

            Người Tesuque chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết. Hiện tại tiểu bang New Mexico có khoảng 19 bộ tộc, theo lời bà Arlene, nhưng có khoảng 4 ngôn ng chính, bộ tộc của bà và 5 bộ tộc khác chung quanh có cùng một ngôn ngữ, nhưng khi viết phải dùng tiếng Mỹ, cho nên, những nguồn gốc lịch sử dân tộc hay gia phả từng gia đình, phải do những người lớn truyền thụ lại cho lớp sau, và cứ thế, đời nay truyền lại cho đời kia để không bị mai một, tất cả những người trong bộ tộc bắt buộc phải nói được tiếng nói của tộc mình, để hiểu biết về nguồn gốc và lịch sử rồi truyền lại, truyền lại tiếp nối cho đời sau…..

            Bộ tộc Tesuque có một truyền thống rất hay, cứ vào tháng 11, có cuộc đi săn, người nào săn được bất cứ con thú nào đem về…nhà làng đầu tiên, người thợ săn được bầu làm “Anh Hùng” của bộ tộc, và có thể cưới cô gái nào mà họ muốn, Họ có 4 ngày để vui chơi, ăn mừng thành quả đó, Con vật sẽ được xẻ thịt và chủ yếu là nấu soup, phận phối hết cho cả làng cùng ăn để mừng chiến thắng.

            Mỗi một năm, vào tuần lễ đầu tháng 6, bộ tộc Tesuque sẽ mở cổng làng để mừng đầu mùa họ gọi là “Feast”, tất cả người trong bộ tộc quây quần đã đành, còn mời gọi người bạn bên ngoài vào thăm bộ tộc của họ, nhưng …không được quay phim, chụp hình gì cả, thực phẩm họ trồng chính là Bắp, Ớt và rau cải để phục vụ cho đời sống trong làng, họ thường không mua bên ngoài.

            Trong bộ tộc có trường học, và chính người của họ truyền thụ lại kiến thức cho lớp sau, chữ viết là tiếng Mỹ, nên những học sinh học hết lớp 12 có thể ra học trường đại học bên ngoài, và khi tốt nghiệp, thường thì họ trở về phục vụ lại cho người trong tộc, cũng có trường hợp đi làm bên ngoài nhưng hiếm lắm.

            Chính quyền của liên bang và tiểu bang cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu cho đời sống cả bộ tộc. Không một người dân nào nghèo, thiếu ăn cả. Nhà nào xập xệ, hư hại, dột nát…, chính quyền cũng cho xây lại đàng hoàng, nếu thiếu ngân sách, thì tiền lời từ những sòng bài (Casino), sẽ đem chia lại cho người trong bộ tộc, mọi sinh hoạt y tế, chính phủ cung ứng đầy đủ. Tuyệt đối trong bộ tộc của họ không có “homless”. Nếu họ gặp một homless ngoài đường bên ngoài bộ tộc, thì biết đó là người sa chân vào rượu chè, hút xách, và họ chở ngay về bộ tộc, giao lại cho gia đình dạy dỗ, nếu không có cha mẹ thì chú bác cô dì gì cũng phải có bổn phận như nhau.

            Bộ tộc Tesuque thành lập từ năm 1694, khi người  Mễ tràn sang, đã chia cắt đất của họ ra từng khu vực, chứ trước đó họ không có ranh giới về đất đai, và đi cùng khắp để săn bắn hầu chu cấp thực phẩm cho đời sống..

            Người của bộ tộc Tesuque hay các bộ tộc khác thường có hình dáng sồ sề không gọn nhẹ. Chính quyền liên bang ngày xưa cung cấp cho họ thức ăn chỉ có đường, sữa và bột mì, và họ cứ sử dụng ngày này qua ngày khác từng ấy thứ trong đời sống nên đã thành thói quen trong ẩm thực, nên họ bị bệnh “tiểu đường “ rất nhiều. Và con cái của họ cũng đã từng bị “Chính quyền liên bang” bắt cóc, đem ra khỏi bộ tộc, bắt cắt tóc ngắn và cấm nói ngôn ngữ của họ, nên những đứa bé đó coi như…mất gốc.Tình trạng này ngày nay vẫn còn nhưng không nhiều như những năm giữa thế kỷ trước và trước nữa, trước nữa…

            Người Bộ tộc Tesuque KHÔNG có dự tiệc Thanksgiving, vì họ không phải cảm ơn ai cả, chính người Mỹ phải cảm ơn Tổ Tiên của họ, và những người Việt nam chúng ta cũng… cảm ơn họ, những người Mỹ bản xứ (American Indian), vì mảnh đất này là của họ.

            Khi chúng tôi mời chị em bà Arlene đến nhà, chúng tôi không nhắc nhở về Thanksgiving, dù mới hai ngày đi qua, chỉ mời họ một bữa cơm gia đình thân mật để cảm tạ tình cảm của họ đã dành cho gia đình chúng tôi. Chị em bà rất thích các món ăn Việt nam, nhất là món chả giỏ, bà hỏi thăm cách làm, và bà không ngần ngại hỏi chúng tôi có thể cho bà đem về cho người trong bộ tộc bà dùng thử?. Họ rất thật thà như những người dân quê mình ngày xưa, không ăn mặc chải chuốt, không kiểu cách điệu đà, có sao nói vậy, thấy mến lắm.

            Trước khi ra về, Bà Arlene vẫn quyến luyến chúng tôi, cứ sorry mãi về chuyện không thể đưa tôi vào làng lúc này được vì nạn dịch đang hoành hành và bộ tộc cấm kỵ, nếu không thì chúng tôi đã được thong dong đi lại trong đường làng của họ, để xem cuộc sống, cách sinh hoạt và chung vui trong nhà làng. Bà căn dặn tháng sáu năm tới, bất cứ giá nào tôi cũng phải trở lại Santa Fe, và sẽ vào làng với bà, khi làng mở cổng cho người ngoài vào thăm, bà hứa “bắt” tôi phải ở lại với bà nguyên ngày, để nghe bà kế chuyện…nguyên sơ từ khi bộ tộc bà khai thiên lập địa, và đã “bị” người Mễ, người  da trắng chiếm lĩnh như thế nào? Dù sao bà Arlene vẫn là “lão niên có uy tín” trong bộ tộc, gia đình của bà cũng đã có người làm tộc trưởng và con trai bà phụ trách về giáo dục.….Chắc là thú vị hơn những cuốn phim Cao bồi …khai phá miền viễn Tây do tài tử John Wayne đóng trên màn ảnh?

 


            (Bây giờ, nghe đâu đang có nạn người da màu đòi hỏi quyền lợi trên đất Mỹ?. Hình như có điều gì đó không ổn. Nếu muốn đòi hỏi đầy đủ mọi quyền lợi sở hữu, ngay cả đất đai thì những người da đỏ chính thống này mới là người có quyền chính đáng nhất. Còn những người da màu, họ đến đây từ những “kẻ buôn người” và người da trắng đã mua họ về làm nô lệ mà. Kỳ thật?)

Lê thị Hoài Niệm.12/2021 

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

 Nhiều người yêu cầu đang lại bài này  cho họ đọc. cảm ơn.

BUỔI LỄ VINH DANH NHỮNG CHIẾN SĨ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TRONG QUÂN ĐỘI HOA KỲ ĐÃ HY SINH            

DO HỘI WAAFA:VIETNAMESE AMERICAN ARMED FORCES ASSOCIATION TỔ CHỨC















    
        Tình thương và sự cảm phục xen lẫn với niềm tự hào dành cho những con em- thế hệ tiếp nối của người Việt nam tị nạn Cộng sản đang sống trên đất nước Hoa Kỳ, đã và đang phục vụ, chiến đấu trong quân đội Mỹ trên khắp các chiến trường, góp phần vào sự gìn giữ, bảo vệ đất nước được bình yên, một xứ sở với đầy tình người đã giang rộng vòng tay cưu mang, giúp đỡ, nuôi nấng cả hàng triệu người Việt nam từ những “bước chân tị nạn”.

        Hơn hai trăm đồng hương và cả người Mỹ bản xứ, đa số là những cựu quân nhân thuộc các quân binh chủng của Việt nam Cộng Hoà năm nào, có cả phóng viên của nhiều đài truyền thanh, truyền hình Mỹ-Việt, đã không quản ngại cơn nóng hằng trăm độ bên ngoài ở xứ Houston, họ đến để tham dự buổi lễ “VINH DANH các chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã anh dũng hy sịnh tại các chiến trường IRAQ và AFGHANISTAN” cùng lúc phát học bổng cho các em học sinh thiếu điều kiện tài chính nhưng giàu lòng hy sinh để giúp đỡ kẻ khác nhưng vẫn học giỏi. Những học bổng này mang vinh dự của những anh hùng tử sĩ có tên gọi rất Việt Nam, do hội Quân nhân người Mỹ gốc Việt, có tên tên gọi tắt là VAAFA tổ chức. 

Nhiều cư dân thành phố chưa nghe hoặc biết về hội non trẻ này nên chẳng mấy quan tâm. Hội VAAFA được gợi ý và hình thành cách đây khoảng ba năm bởi một vài chiến sĩ lúc ban đầu. Hải quân Thiếu tá CHRIS (Chinh) Phan, khi phục vụ tại chiến trường IRAQ trong chức vụ một Luật sư của Hải quân, một hôm gặp một vị Thiếu tá, người chiến sĩ oai hùng của binh chủng Thuỷ quân Lục chiến, hai người Việt nam gặp nhau rất mừng rỡ, nhưng chạnh lòng vì thấy mình sao …lẻ loi giữa hàng hàng lớp lớp người Lính Mỹ-Mễ, tuy tiếng nói không trở ngại, và mọi quân nhân Hoa Kỳ ra mặt trận đều được chu cấp đầy đủ về vật chất, nhất là thức ăn, thức uống, nhu cầu sinh hoạt…, nhưng họ vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì, à thì ra là một tô phở bốc khói tại khu Phước lộc thọ, một tô bún bò thơm nức mũi ở nhà mẹ nấu, kém phẩm chất hơn là một tô mì gói cay cay…một chút gì Việt nam vẫn tiềm tàng đâu đó trong tâm khảm người lính Hoa Kỳ gốc Việt.

Tại sao không thành lập một hội để an ủi tinh thần lẫn nhau, chia xẻ những buồn vui, những khó khăn nếu có, một chút quà hoàn toàn Việt nam từ những người bạn ngòai gia đình??? Và hội VAAFA được hình thành mà Hải quân thiếu Tá CHRIS là con chim đầu đàn.

Họ đã thực hiện được một phần nào những mong muốn khi thành lập hội. Những người Lính Mỹ gốc Việt đã tìm về với nhau, những giọng nói tiếng Việt lơ lớ lúc ban đầu đọc không rõ một cái tên mang họ Việt Nam, bây giờ đã lưu loát hơn, thùng mì gói (không rõ xuất xứ) được gửi sang chiến trường IRAQ, mà Trung úy Bộ Binh MICHAEL TRƯƠNG ( người vừa về từ chiến trường AfGhanistan và trở lại ngày 15/8/10) đã không được gói nào, vì các bạn đồng ngũ người Mỹ đã …dành ăn trước.

  













Hội trường nhà hàng Kim Sơn đã lắng đọng một khoảng thời gian khi lời và nhạc của bài Quốc ca VNCH được vang lên, sau đó là quốc ca Hoa Kỳ, với đội hình lễ kỳ do các em cháu người bản xứ trong “SEACADETS” dưới sự điều khiển của vị sĩ quan chỉ huy... 

 












Bùi ngùi xúc động khi nhìn lên bàn thờ trước sân khấu, mười hai ngọn nến lung linh và tên tuổi bài vị của 12 chiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã hy sinh, được xướng lên trong buổi lễ bởi Nữ Hải quân Đại úy LAURA LÊ (tiếng Mỹ) và MC NAM LỘC (tiếng Việt), với tiếng kèn truy điệu bi thương nhưng hùng tráng:












 





USMC LCPL JEFFERY LAM
 USM CLCP LALAN DINH LAM 
 USMC LCPLANDREWS.ĐANG   
USASSGTDUHAITRAN 
USAF TSGT THANH V. NGUYEN
USA PFC TAN Q. NGO
USASFC TUNG M.NGUYEN 
USA SPC ĐAN H NGUYEN             
USA SGT LONG N.NGUYEN  
 USMC LCPL Victor H.LU
 USA SPC BINH TRÂN
 USMC CPL BINH N. LE







 












 Cạnh bên là bàn thờ khác, một cái nón sắt đơn độc cắm trên đầu súng của người lính còn sót lại khi linh hồn và thể xác đã vĩnh viễn về an nghỉ một nơi nào đó.  Với giọng nói thật trầm buồn của MC Nam Lộc, một người thế hệ trước và một cháu sinh sau (Đại úy Laura-con gái của Hoài Niệm), đã đưa người tham dự hiểu phần nào những cảm nghĩ của người hiện hữu dành cho người đã hy sinh hoặc mất tích.

 















         Bên kia, nơi chiếc bàn nhỏ, chỉ có một chiếc ghế trống úp xuống không người ngồi, dành cho một “tù nhân” nhỏ bé, bị “yếu thế” trước kẻ thù, trên bàn trải một tấm khăn trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, tâm hồn trắng trong của người chiến sĩ, sẵn sàng phục vụ cho Tổ quốc. Một đóa hồng lẻ loi, đơn độc, tượng trưng cho màu máu của những chiến sĩ, và đóa hoa là sự tin tưởng rằng họ sẽ trở về. Một ngọn nến lung linh, là nguồn sáng hy vọng. Một ru-băng màu vàng, là niềm tin người về không thiếu sót một ai. Một cái ly úp ngược xuống, rằng người chiến sĩ đã không thể uống cạn chén với đồng đội đêm nay. Một lát chanh để trên một cái đĩa nhỏ, nói lên dùm số phận đắng cay, chua chát của người chiến sĩ, và những hạt muối rắc lên lát chanh kia, là những giọt nước mắt của người thân, của gia đình rớt xuống hằng giờ để chờ đợi bóng người chiến sĩ trở về…
         Cảm động vô ngần dưới ánh đèn mờ ảo, nên khi đèn thắp sáng, những bàn tay đã vội quẹt ngang vầng mắt. 


         Mười hai học bổng được trao ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Ở Houston đã dành cho  Quân Nguyễn, người học sinh xuất sắc, mới theo gia đình sang Mỹ theo diện HO được ba năm, em đã tham gia rất nhiều sinh hoạt trong cộng đồng, và em nói rất hãnh diện khi được hội VAAFA trao tặng phần thưởng này, và  em hứa  sẽ cố gắng thật nhiều... Phần học bổng được trao bởi cha mẹ chiến sĩ DAN Nguyễn, người chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường IRAQ năm 2007.



















Buổi Vinh danh Chiến sĩ và gây quĩ của hội VAAFA được Đại uý DƯƠNG LÀNH tiếp lời nói về ý nghĩa và việc làm của hội. Với giọng tiếng Việt thuần thục, vị Đại úy người Mỹ gốc Việt này đã cho người tham dự hiểu được rằng, thành viên của VAAFA là những người :
1-ƯU TÚ
2-TRUNG TRỰC
3-ÁI QUỐC
4-TỰ HÀO
5-TƯƠNG TRỢ


Người tham dự buổi gây quỹ thật hoan hỉ đóng góp và nức lòng khi ban Tổ chức muốn đấu giá khung hình có hai lá cờ Việt-Mỹ xếp lồng vào nhau. Dĩ nhiên giá trị Lá quốc kỳ vô giá, không ai có thể mua được, nhưng ở đây, giá trị tinh thần dành cho hội, nên được ông bà (?) trao tặng cho hội một số tiền không nhỏ, để rước khung hình cờ về làm kỷ niệm..  

        Chương trình văn nghệ thật sống động, gợi nhiều kỷ niệm cho lớp người đi trước lại do những ca sĩ rất trẻ hát những bài nhạc về LÍNH, được điều khiển bởi hai MC: nhạc sĩ Nam Lộc và Cô Pha Lê của đài truyền hình Van TV, xen kẽ là mục sổ số lấy hên , trúng xổ số là những khung hình với đầy đủ những huy hiệu của các quân binh chủng trong quân lực Hoa Kỳ.

 












 
Xin cảm ơn Ban Tổ chức, những người Lính trẻ trong quân đội của xứ sở này. Trong tâm tình lắng đọng, các cháu là những người con anh hùng của đất nước Hoa Kỳ, và là niềm hãnh diện của những người Việt Nam tị nạn Cộng sản. Xứ sở này vẫn cần những người cầm súng chiến đấu bảo vệ, dù không một ai muốn chiến tranh chết chóc. Nhưng những người đi chiến đấu để bảo vệ cho người hậu phương được sống yên bình là những anh hùng, mà người người phải biết ơn.

Dù các cháu vào quân đội Mỹ với bất cứ lý do gì, vẫn là niềm tự hào của những người Việt tị nạn, các cháu đã thay thế cha mẹ, lớp người tuổi đã về chiều, muốn đền ơn đáp nghiã phần nào cho xứ sở này, nhưng không còn điều kiện...

        Nguyện cầu anh linh những chiến sĩ đã hy sinh sớm được về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh của các cháu không bao giờ bị lãng quên. 
       Cầu chúc những gia đình có chiến sĩ hy sinh sẽ có nhiều nghị lực trong cuộc sống, khi biết con mình không hy sinh vô nghiã, ở cái xứ sở mà hằng ngày có hằng trăm cái chết thật vô duyên như đụng xe, bắn lộn giành gái, thanh toán vì nạn “găng tơ”, hay chết vì “chơi thuốc” quá liều… 

T/T CHRIS-Đ/U LAURA-Tr/U MICHAL. D/S DIỆU THẢO
 
Xin cảm ơn những mạnh thường quân đã âm thầm giúp đỡ cho Hội VAAFA, để có buổi lễ rất thành công này. Cũng không quên cảm ơn … tôi, một trong những người đã đi tham dự. 
Lê thị HoàiNiệm. 

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

 Tường Trình Buổi Sinh Hoạt “Hội Ngộ Mùa Thu” của Văn Bút Nam Hoa Kỳ.


Trong không khí dịu nhẹ, có chút lành lạnh của mùa thu, hầu hết thành viên thuộc Trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ và gia đình cùng thân hữu tại Houston, đã tề tựu về “Quán Chiều Tương Như” để tham dự buổi sinh hoạt “Hội Ngộ Mùa Thu” do VB tổ chức định kỳ vào chiều ngày 6 tháng 11 năm 2021…

Mở đầu chương trình là lễ chào Quốc kỳ-Quốc ca VNCH, phút mặc niệm thật trang trọng do vh Đào Kinh Doanh và One Man band An Khang phụ trách. Trưởng ban tổ chức; vh Chủ tịch Đào Vĩnh Tuấn đã tuyên bố lý do có buổi hội ngộ đông đảo hôm nay, sau đó vh đã mời Ban Chấp Hành của nhiệm kỳ 2021-2024 lên sân khấu để “trình diện lại” đầy đủ:
 
vbnhk
1- Chủ tịch: vh Đào Vĩnh Tuấn
2- Phó chủ tịch1: vh Huỳnh Công Ánh
3- Phó chủ tịch 2: vh Đỗ Thu Nga
4- Thủ quỹ: vh Phạm Tương Như
5- Tổng thư ký: vh Lê Thị Hoài Niệm
 vbnhk1
 
Sau khi giới thiệu những hội viên và thân hữu từ xa về tham dự: vh Huỳnh Công Ánh và phu nhân về từ New Orleans, vh Thu Nga và phu quân, vh Như Phong về từ Dallas, thân hữu Nguyễn Quỳnh về từ Port Arthur… và các thân hữu từ Houston như anh chị Lê Phát Minh, anh chị Phan Xuân Sinh, anh Tô Thẩm Huy, anh John Nguyễn, anh Trần Văn Chiến, Hiếu&Phượng (gia đình 81)… (và còn nhiều nữa..), vh Lê Thị Hoài Niệm đã thay mặt BTC chân thành cảm ơn sự đóng góp công sức và tài chánh của hầu hết các hội viên trong vb, nhưng công khó nhất vẫn là vh Đào Lê Minh Khải, vh Phạm Tương Như, vh Túy Hà và phu nhân, vh Songthy, và cô Nhun thân hữu từ hội Vĩnh Sa Trà…
 
vbnhk2
 
Vh Yên Sơn giới thiệu về tập san TIN VĂN, tiếng nói chính thức của TT Văn Bút Nam Hoa Kỳ, phát hành định kỳ một năm 4 số, được sự hưởng ứng của nhiều hội viên và độc giả.
 
vbnhk3
Các vh Huỳnh Công Ánh, vh Thu Nga đều phát biểu cảm tưởng của người từ xa về tham dự buổi sinh hoạt của VB tại Houston. Vh Huỳnh Công Ánh cũng đã nêu vấn đề tham dự ngày “Hội ngộ mừng Xuân Nhâm Dần” của Văn bút Đông Nam Hoa Kỳ sẽ tổ chức vào ngày 15/1/2021 tại Florida. Họ có gửi thư mời VBNHK về tham dự chung vui, và được các vh bàn thảo sau buổi hội ngộ.
 
Một chương trình văn nghệ tiếp nối với những giọng ca-ngâm thơ chính của VB như ca sĩ Như Ly, Huỳnh Công Ánh+phu nhân Hạnh, Đào Lê Minh Khải, Vĩnh Tuấn, Dương Thượng Trúc, Yên Sơn, Đào Kinh Doanh, Ánh Nguyệt, Xuân Diệp và các giọng ca thân hữu Kim Sa, Anh Đức, Nguyễn Quỳnh, John Nguyễn, Kim Anh, Cúc Huyền…, tất cả đều rất chuyên nghiệp và được khen ngợi, ban “thất ca nương tử” với bài Thu Ca của n/s Phạm Mạnh Cương được… khen thưởng nồng nhiệt. Đặc biệt là phần “đọc thơ” của nhà thơ Tô Thẩm Huy được nhiều người tham dự thích thú.
 
vbnhk4
“Lửa bập bùng ấm tình người tham dự
Hội ngộ mùa Thu trong khung cảnh tuyệt vời” hn.
 
vbnhk5
(Vh Thu Nga đang phỏng vấn BCHVBNHK)

Phần ẩm thực rất phong phú, dồi dào do sự đóng góp tài chánh của các văn hữu và thân hữu:

1-vh Mây Ngàn: $300.00
2-vh Hoài Niệm: $100.00
3-vh Tương Như: $100.00
4-vhVĩnh Tuấn: $100.00
5-vh Songthy: $100.00
6-vh Trương Văn Út $100.00
7-vh Túy Hà: $ 50.00
8-vh Đào Kinh Doanh $ 50.00
9-vh Đào Lê Minh Khải $100.00
10-vh Huỳnh Công Ánh $100.00
11-vh Thu Nga $100.00
12-vh Mỹ Nhung $100.00
13-vh Bạch Cúc $100.00
14-vh Dương Thượng Trúc $100.00
15-vh Ánh Nguyệt $100.00
 
vbnhk6
Thân hữu John Nguyễn đã “hưởng ứng lời kêu gọi” của vh Hoài Niệm, đã ủng hộ cho VB số tiền $1000.00. 
Anh Trần Văn Chiến ủng hộ $100. 
Biệt kích 81 ủng hộ $100 
Anh Chị Hiếu&Phượng $100 
và quý thân hữu ủng hộ tiền in ấn cho Tin Văn $210.00.
 
vbnhk7
Các thân hữu đến tham dự cũng góp thêm phần ẩm thực: Chị Kim Sa, chị Mỹ Linh, anh chị Phan Xuân Sinh, vh Yên Sơn… và được sự sắp xếp và trang trí thật đẹp bởi các vh Songthy, chị Út Bạch Lan, Nhun, … thêm phần trang trọng cho buổi sinh hoạt.

Buổi sinh hoạt rất thành công về mọi mặt, quỹ sinh hoạt còn lại sau khi trừ mọi chi phí là $2,095.70 (vh Tương Như & Đào Lê Minh Khải ủng hộ lại tiền thực phẩm)
 
vbnhk8
Mọi người ra về lúc 10 giờ đêm sau khi thưởng thức một chương trình văn nghệ thật đặc sắc và những món ăn… khoái khẩu.

Chân thành cảm ơn tất cả các văn hữu và thân hữu cùng ban nhạc One Man band An Khang đã góp phần cho buổi sinh hoạt thật sinh động và có ý nghĩa.
 
Lê Thị Hoài Niệm