Một
nỗi buồn của sự mất mát vây quanh chúng tôi khi tin dữ từ bên Paris đưa sang:
Anh đã từ giã cõi đời về bên kia thế giới sau mấy tháng bị căn bệnh ung thư hành
hạ, và anh đã ra đi ở tuổi 77, trong sự luyến tiếc và thương cảm dành cho anh của
nhiều em út, họ hàng trong gia đình và bạn bè quen biết của anh..
Một
nén nhang tưởng niệm và lời cầu nguyện hương linh của anh sớm về chốn vĩnh hằng.
Anh
đi là trút bỏ hết những nỗi buồn vây kín anh trong nhiều ngày tháng xa quê hương
và sống lẻ loi tại một nước Pháp xa lạ, chỉ có duy nhất một người con trai, cha
con “hủ hỉ” với nhau từ những ngày tháng mới chân ướt chân ráo đến xứ người, đến
khi cháu lâp gia đình và lại ra riêng, sau lần anh đến Mỹ để cưới vợ cho con và
ở tại nhà tôi.
Lần
đó anh em chúng tôi gặp lại nhau sau nhiều tháng năm dài nên mừng vui khôn xiết,
ngồi mấy hôm liền để …kể chuyện ngày xưa.
Từ
những ngày còn trẻ, anh đã cố gắng học hành và làm ông thầy giáo làng ở tuổi vừa
mười chín. Anh là con thứ năm trong gia đình
cậu mợ tôi có đến hơn mười người con. Nhà đông con mà, có mấy khi được đầy đủ mọi
thứ dù là nhà có ruộng vườn đầy dẫy, huống chi trong hoàn cảnh giặc giã bắt đầu
tràn lan vào những vùng nông thôn xôi đậu.
Anh
vừa đi dạy vừa cố gắng học thêm về môn Luật để lấy văn bằng cao hơn thì bị “động
viên” đi làm Lính trận. Ngày đó anh cũng là một trong những “thần tượng”của bọn
trẻ nhỏ chúng tôi.
Ông
sĩ quan trẻ về đóng quân tận vùng quê hẻo lánh tại quận Cam lâm tỉnh Khánh Hòa.
Lúc này bọn mặt trận giải phóng miền nam cũng đã bắt đầu “quấy nhiễu” giấc ngủ
và sự bình an của người dân hiền lành vùng quê. Chính những người Lính địa phương
quân này là nguồn tin cậy của người dân, chỗ nào có “lính đóng quân” là chỗ đó
người dân yên tâm ra đồng làm ruộng, vào rẫy trồng hoa màu. Lần đó bọn tôi, một
bầy em út họ hàng kéo vào tận nơi thăm anh, để thấy nơi anh đóng quân là một
gia đình của người nông dân nghèo khổ, nhưng họ rất có…lòng với Lính, người Lính
gian khổ đêm hôm đi “kích” nằm bờ nằm bụi giữ an ninh cho họ nên họ quí lắm, có
thức ăn gì ngon cũng mang đến cho Lính, nên bữa đó, bọn em của anh được thưởng
thức rất nhiều món đặc sản của xóm làng vì họ quí ông Thiếu uý trung đội trưởng.
Chúng tôi rất mừng cho anh vì tấm lòng của người dân đã dành hết cho người Lính
thì các anh dễ sống.
Khi
có lệnh Giáo viên đưọc “biệt phái” về lại ngôi trường cũ thì anh như được trúng
số. Lúc này anh đã lấy được bằng Cử nhân Luật qua sự chịu thương chịu khó học hàm
thụ, và cũng là lúc anh lập gia đình với một chị cũng là cô giáo sư phạm Q N.
Anh đã là giáo sư trong trường trung học của tỉnh.
Anh
chị có cuộc sống hạnh phúc trong niềm thương yêu của mọi người và kinh tế gia đình
cũng dễ thở. Anh có nhiều hy vọng để vươn lên trong ngành giáo dục nhờ tấm bằng
anh cố gắng đạt được. Nhưng, chữ nhưng vô cùng đau đớn cắt đứt mọi ước mơ, mọi
niềm hy vọng tương lai tươi sáng của những người đã cố gắng vươn lên trong cuộc
sống, và làm đảo lộn cả một trật tự xã hội, tước hết mọi quyền tự do căn bản của
con người, kẻ “thắng cuộc” đã bắt nhốt hết những người của “chế độ cũ” vào những
nơi rừng thiêng nước độc, xóa sạch mọi tàng tích của một chế độ tự do, dân chủ
mà người dân miền Nam từ lâu đã cố gắng xây dựng được. Đó là những ngày sau 30
tháng tư năm 75.
Anh cũng cùng chung số phận của quân dân cán
chính chế độ cũ hay bị bọn người mới gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”, nhất là
anh lại được mang danh hiệu “biệt phái” tội nặng vô vàn dưới mắt bọn chúng nên
bị “đày” khủng khiếp. Hạnh phúc gia đình chưa hưởng được bao lâu thì tai ương đổ
chụp lên gia đình nhỏ của anh. Vợ anh đã bỏ anh đi sau một căn bệnh ngặt nghèo
không thuốc chữa, trong khi anh nằm trong trại tù trên núi. Chị đi để lại hai đứa
con vừa tròn ba tuổi và một tuổi cho gia đình chỉ còn người Mẹ và người em gái độc
thân nuôi nấng. Làm sao kể xiết nỗi khổ ảỉ của những người miền Nam ăn cơm độn
với bo bo trong những ngày tháng này mà lại phải nuôi hai đứa nhỏ vừa mất mẹ mà
cha lại đi xa chưa biết ngày về lại đau bệnh liên miên. Những ngày đó có một căn
bệnh quái ái là ghẻ lở (người ta nói là của “bộ đội” từ trên núi mang xuống lây
lan lại cho người miền Nam), nên dù mợ tôi và chị họ tôi cố gắng chăm sóc cho
hai đứa bé và chữa bệnh cho chúng, nhưng …cơm gạo còn không có để ăn cho đủ, tiền
đâu mua thuốc? vả lại nếu có tiền thì cũng không có thuốc để mua, nên cuối cùng
đứa cháu gái nhỏ xíu cũng đã đi theo mẹ nó về một nơi nào đó thoát cảnh đời cơ
cực. Nhưng rồi cả nhà cũng không dám báo tin buồn cho anh, dù chị họ tôi vẫn cố
dành dụm chút muối chút đường để lặn lội đi thăm anh trong trại tù cộng sản..
Ngày
anh về tiều tụy tang thương, xơ xác như người rừng đói ăn khát uống, nhưng vui
lắm vì đã thoát được trại tù về đoàn tụ với gia đình, nhưng niềm vui hạnh ngộ
gia đình đã tan biến nhanh khi anh biết vợ con anh đã ra đi không chờ anh ngày
về, và cháu bé trai thì xanh xao èo uột lại bị chứng bệnh ngoài da hành hạ cháu
khóc nhè suốt ngày, gia đình đã thiếu hụt buồn rầu mà cháu đau đớn khóc kể hoài
càng thêm đau nữa..
Một
chị bạn học cũ của anh, từ những ngày còn rất trẻ, chị có một mối tình với người
Lính trận miền xa về đóng quân ở quê chị. Người Lính vừa đẹp người lại rất vui
tánh, là “ước mơ” của nhiều cô gái mới lớn về một người chồng tốt. Nhưng, chữ
nhưng cứ đi đầu những bất hạnh, chồng chị đã hy sinh từ chiến trường sau mấy năm
chung sống, để lại chị và hai đứa con thơ, và thời gian này hai con chị cũng đã
lớn. Thương cảm cho cảnh “gà trống nuôi con” vô cùng khó khăn của anh, chị đem
lòng trắc ẩn và muốn cứu giúp cháu qua cơn khốn khó, vì chị có đủ điều kiện hơn
anh. Anh cảm tấm lòng của chị nên hai người đến với nhau cùng dựng xây cuộc sống
mới. Cả nhà ai cũng vui và chúc phúc cho họ.
Và cuối cùng thì anh được đi sang nước tự do,
nhờ gia đình chị bảo lãnh.
Anh đến đất Pháp mang theo tâm sự với một nỗi
buồn xa xứ, chung quanh anh lại chẳng có người thân nào ngoài gia đình của vợ.
Chị hài hòa, cởi mở với mọi người trong khi anh thì khép kín. Tính tình hai người
là hai thái cực, khó mà hòa hợp trong một môi trường chật hẹp, thế nên cảnh “đường
ai nấy đi, đời chia hai lối” cũng là chuyện thường tình xảy ra trong xã hội đương
thời.
Cuộc
sống đơn thân bình dị của một người đàn ông xa xứ chắc có buồn nhiều hơn vui, có
lẽ đó là lý do anh càng ngày càng khép kín tâm tư hơn nữa. Thôi thì đời sống của
mỗi con người đều có…những niềm riêng, chỉ khi nào đương sự chia xẻ thì người
ngoài mới biết, dù đó là anh em hay bà con thân thuộc…
Nói
gì thì giờ cũng đã muộn màng rồi, anh đã ra đi, ra đi trong yên bình và có vài
người em từ xa đến đưa tiễn, cho anh những giờ phút ấm áp sau cùng của một đời
người... Một nén nhang cầu nguyện cho linh hồn anh sớm về cõi vĩnh hằng, bỏ lai
hết tất cả những buồn đau trong cuộc sống ở lại phía sau, để anh nhẹ nhàng đì gặp
lại vợ con anh nếu còn có thể….
Lê thị hoài Niệm.2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét