hình minh hoạ |
Chị Tâm cầm chặt tay Nhàn, len lỏi
qua nhiều lớp người đang đứng chật hai bên những dãy ghế ngồi trong một hội
trường thật lớn, cố gắng để may ra tìm được chỗ gần trên sân khấu. Nhàn bước
nhanh theo chị mà cứ cười thầm trong bụng. Chị Tâm làm như Nhàn còn con nít lắm
vậy, cầm chặt tay cứ sợ lạc, giống như hồi mấy chục năm về trước, chen đi coi
hát đình làng, hai chị em cứ cầm tay nhau mà chun luồn qua hết những lớp người
lớn để tới trước cùng ngồi bệt xuống đất xem cảnh “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” trong
vở tuồng Tàu của gánh “Hát bộ Bảy Kỉnh” do làng mướn về hát mừng mấy ngày cúng
Đình. Hồi đó cũng do được vào xem tự do, nên ngoài người trong làng, còn có
người mấy làng bên cạnh cũng ùn ùn kéo sang xem, nên đông vui lắm. Nhưng bây
giờ ở đây sao người ta cũng đông quá xá, nếu không cầm tay nhau coi bộ lạc là
cái chắc, nhất là tên “ngáo ộp” xa lạ “từ xa về thành phố” như Nhàn đây.
Rõ
ràng là buổi “hát chùa” do nhà Chùa tổ chức vào dịp Tết cho bà con đến xem có
khác. Toàn là những ca sĩ nổi tiếng từ các trung tâm băng nhạc và một số từ các
hội đoàn, nên bà con đến xem rất đông, nhất là buổi chiều cuối tuần người ta
được nghỉ làm nên càng đông hơn nữa, với những hàng quán thức ăn dầy dẫy kia,
sẽ là những nguồn “thu nhập” đem về tiền lời cúng dường cho Chùa để xây dựng
thêm chánh điện, chị Tâm bảo với Nhàn như thế.
Đúng
là không khí Tết. Người ở đâu mà đông thế. Nhàn vừa chen theo chị mà vừa so
sánh với “quê hương” nơi Nhàn định cư. Ở cái làng nhỏ khỉ ho cò gáy Pascagoula
thuộc tiểu bang Missisisipi, dù có là ngày tư ngày tết, thì cũng chừng ấy
người, chừng ấy công việc làm, có thấy tết nhứt gì đâu, ngoài việc đi cả hơn
tiếng đồng hồ mới đến ngôi chùa nhỏ, gần khu vực có quá nhiều sòng bài để thử
thời vận….
Đã
mấy lần chị Tâm có gợi ý kêu Nhàn dọn về thành phố đông người Việt này mà ở, dù
gì cũng có chị có em, lại có đầy đủ những sinh hoạt của người Việt mình, hàng
quán thức ăn Việt, nước uống đầy đủ cả, ngôn ngữ hầu như toàn là dùng “tiếng
nước tôi” khi đi ra chợ. Nhưng làm sao được, khi John, chồng của Nhàn đang có
công việc làm tốt tại đó, và dù thành phố buồn thật, nhưng dù sao cũng đã ‘cưu
mang Nhàn” trong những ngày chân ướt chân ráo mới đến nước Mỹ đến tận lúc này,
mà John chồng nàng, người đã về tận Việt nam xa lắc xa lơ đón nàng sang đây do
người bạn giới thiệu...
Có lần chị Tâm đến thăm chơi với gia
đình Nhàn, chị đã “rên” sao thành phố buồn quá xá! Có lúc chạy xe trên xa lộ mà
cũng chẳng thấy xe nào chạy đồng hành với mình, đường phố vắng đến vậy. Nhưng
nơi đó cũng có những cảnh quan rất đẹp, có bãi biển, có cả một “Dòng sông Hát”
Singging River- tên dòng sông, mà theo Nhàn, sự thương tâm có một phần trùng
hợp với tên dòng sông lịch sử của nước Việt thân yêu của mình nên Nhàn rất có
cảm tình với nó
Lịch sử ở đây kể rằng: Dòng sông HÁT
cũng là đoạn cuối đời của một bộ tộc người da đỏ, muốn liều mình chết để khỏi
rơi vào tay của bộ tộc kẻ thù. Chuyện tình thương tâm do cô Công Chúa Anola của
bộ tộc Biloxi yêu người Tộc trưởng Altama của bộ tộc Pascagoula, nhưng cô không
thể nào toại nguyện vì Tộc trưởng- cha cô bắt ép cô gả cho người khác. Vì tình
yêu, cô đã cãi lời cha, liều mình chạy đến nhờ người yêu che chở, những người
Pascagoula hiền lành dễ mến rất thương cô. Trước sức tấn công dũng mãnh để đòi
lại cô công chúa của bộ tộc Biloxi, người tộc Pascagoula thấy mình không thể
nào chống lại nổi, toàn bộ tộc không kể con trẻ, đàn bà, đã nắm tay nhau từ từ
bước xuống dòng sông, vừa đi vừa HÁT khúc hát bi ai, đến khi nào không còn có
thể hát được nữa. Họ đi vào cõi chết khi màn đêm buông xuống để bảo vệ mối tình
của Tộc trưởng. Mãi về sau, người ta vẫn còn nghe những tiếng u-u vọng về như
những tiếng hát từ cõi âm. Dòng sông Hát có tên từ đó.
Và Trên quê hương xa lắc xa lơ của
Nhàn, trong dòng lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc thời Đông Hán, có hai vị nữ
lưu anh hùng mang họ Trưng, đã lãnh đạo toàn quân dân đứng lên đánh đuổi được
giặc Tàu Tô Định chạy thục mạng trở về phương Bắc, người chị lên ngôi vua, làm
vua được ba năm. Nhưng khi bị tên Mã Viện đem quân xâm lược trở lại, hai bà
cùng quân dân chống cự mãnh liệt, nhưng cuối cùng vì sức yếu thế cô phải nhảy
xuống dòng sông HÁT tự vẫn, quyết không để bị giặc bắt. Một tấm gương can đảm
nhưng là một kết cuộc thương tâm.
Cuối cùng thì hai chị em Nhàn
cũng tìm được một chỗ ngồi. Trên sân khấu MC bắt đầu buổi lễ khai mạc. Thật
trang nghiêm với quốc kỳ quốc ca VNCH, mà lâu lắm rồi Nhàn mới được nghe lại,
nên Nhàn thật xúc động và lẩm bẩm hát theo dù có đoạn không thuộc hết lời. Rồi
MC giới thiệu những thành phần tham dự, từ vị hòa Thượng trụ trì, những ni sư,
những vị chủ tịch của những hội đoàn quốc gia, hội đoàn quân đội, những hội
đồng hương, những thân hào nhân sĩ, những mạnh thường quân …,đến chung vui với
nhà Chùa.
Nhàn
say sưa theo những tiếng hát lời ca sao mà hay quá. Lâu thật lâu Nhàn mời ngồi
nghe ca sĩ hát trực tiếp trên sân khấu, họ mặc trang phục thật đẹp, nói chuyện
rất vui, gần gũi, có ca sĩ còn xuống tận nơi khán giả ngồi, vừa hát vừa bắt tay
rất thân tình. Nhất là những bản nhạc Lính năm xưa, sao mà nghe hay quá đỗi.
Một
người Lính không quân không còn trẻ lắm. Đúng hơn là một người đàn ông mặc bộ
quân phục phi công năm nào, ông đã được MC giới thiệu để trình bày một nhạc
phẩm Lính: Một chuyến bay đêm. Mới thoạt nghe, Nhàn sững sờ vì giọng hát này
giống như giọng hát năm xưa Nhàn đã nghe từ người đó, một giọng Nam trầm ấm áp,
thật truyền cảm, nhất là lúc người ôm cây đờn guitar và say sưa đệm theo những
nốt nhạc du dương trầm bỗng của những bài nhạc lính, có lúc người còn đệm đàn
cho Nhàn hát những bài tình ca không tên. Đã lâu thật lâu Nhàn không còn cơ hội
nghe lại, không ngờ hôm nay Nhàn được nghe lại nơi đây.
Nhàn định đứng lên đi về phía sân
khấu, nơi người ca sĩ đang hát, để nhìn cho rõ người Lính đó có phải chính là
“người xưa” của mình không? Nhưng vừa dợm đứng lên đã bị chị Tâm kéo lại. Như
đoán được ý định của Nhàn, chị Tâm hỏi vào tai Nhàn để người bên cạnh không nghe
thấy dù tiếng nhạc rất ồn ào:
-Em định làm gì vậy?
-Em muốn xem kỹ có phải là người đó không vậy mà!
-Nhưng để làm gì?
-Ừ thì…, Nhàn ngồi lại chỗ mà mắt cứ
nhìn trân trân lên sân khấu, chăm chú nhìn và như muốn nuốt trọn những lời ca
đó. Như thấu hết nỗi lòng của Nhàn, chị Tâm đứng dậy rời chỗ ngồi và kéo Nhàn
theo.
Nhàn bị chị Tâm kéo len lỏi qua từng
dãy ghế ngồi và cuối cùng thoát ra được bên ngoài hội trường. Chị Tâm chọn một
góc sân hơi vắng người và hai chị em đứng lại, chị nói với Nhàn như lời tâm sự
chính chị là người trong cuộc.
-Chị biết đó là người em muốn tìm
bao lâu nay. Chị ở trong thành phố này mà, nên thỉnh thoảng chị vẫn thấy ông ta
xuất hiện trên sân khấu của một chương trình văn nghệ nào đó, ông ta vẫn hát
bài nhạc mà năm xưa chị em mình đã từng nghe ông hát, nghe thì nghe vậy, nhưng
chưa bao giờ chị đến gặp ông để nhận người quen. Chị biết gia đình ông ta qua
một người bạn, vợ ông ta cũng thuộc loại…sư tử hà đông, nên ông ta cũng rất là
…giữ kẻ với những người quen biết. điều đó cũng tốt. Một người đàn ông khi đã
lập gia đình, dù mình không biết họ có thật sự hạnh phúc không, nhưng tình
trạng bên ngoài có vẻ êm ấm thì mình cũng mừng cho họ. Đó, cuộc sống gia đình
của người ta là vậy, chị gặp để làm gì và em nữa, em lại càng không nên gặp ông
ta..
Nhàn rất giận chị Tâm, nàng muốn hét
to lên, tay vung lên muốn bày tỏ nỗi uất ức khi bị chị mình ngăn chận cơ hội mà
nàng đã cố công tìm kiếm bấy lâu nay, Nhàn sẵng giọng:
-Tại sao chị ngăn em? Sao chị biết
mà không cho em gặp lại người ấy một lần.? để ảnh biết là em đang ở đây. Như
chị biết đó, ngày ấy trong cơn hỗn loạn, anh về tới Sàigòn, và bất cứ người bạn
nào của em mà anh gặp trong đó, anh cũng hỏi và tìm kiếm em, nhưng rồi sau đó
anh lại bặt tin và mãi mãi, em muốn biết..?
Chị Tâm ôm chặt em và vỗ về Nhàn:
-Chuyện xưa như trái đất rồi. Hãy
quên quá khứ đi, xem nó như một bóng ma, em có tìm biết rồi sẽ được gì khi em
cũng đã có một gia đình ổn định, và được chồng yêu con quý. Hãy sống thực tế và
lo cho gia đình cho tốt, hạnh phúc trong tầm tay đừng để vuột mất. Chuyện tình
thời chinh chiến vào thuở mới lớn của tụi em tuy có đẹp thật, nhưng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn
câu thề” như
ông thi sĩ Hồ Dzếnh đã phán đó thật đúng quá đi …
Nhàn vùng vằng muốn gỡ tay của chị
Tâm ra và muốn chạy trở lại chỗ cũ, nàng nói như thét trong cơn giận dữ:
-Nhưng mà em đã phí bao nhiêu năm
tuổi xuân để chờ đợi ảnh như lời anh ấy đã hứa trước lúc xuôi Nam mà…
Chị Tâm vỗ vỗ trên vai Nhàn và bảo
nàng nói nho nhỏ, trong khi có vài người đi ngang qua nhìn vào chỗ chị em nàng
đang đứng:
-Hứa và thực hành lời hứa còn tùy
thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh em ạ. Chị Tâm an ủi Nhàn tiếp: em biết mà, những
người ra đi 75 đến xứ sở này, ban đầu bỡ ngỡ bơ vơ lắm, em không hình dung được
đâu, họ muốn tìm được một việc làm để ổn định cuộc sống cũng chằng ăn trăn quấn
lắm, có một số người may mắn có người bảo trợ tốt thì cuộc sống đỡ hơn, còn lại
thì phải làm những công việc ngoài ý muốn với đồng lương ít ỏi để cố hội nhập
vào cuộc sống mới trên xứ lạ quê người, không đồng ngôn ngữ, lại buồn khổ phải
xa gia đình, cha mẹ, anh chị em ngay cả người yêu mà không biết bao giờ có cơ
hội gặp lại... ?. Với những bước đầu khó khăn và cô đơn đó, khó mà bảo họ “giữ
lời thề” như những người ở lại trong nước. Đó là chị nói chung chung theo những
gì bạn bè kể lại, nên chị thông cảm cho anh ta, và không hề thắc mắc và oán
trách, dù người chờ đợi là em gái mình.
Tuy còn bực dọc, nhưng không muốn
cãi lời chị mình nữa, Nhàn đứng ngây người, buông xuôi nghe chị Tâm …giảng giải
về những vấn đề khách quan và chủ quan trong cuộc sống, về hạnh phúc hôn nhân
của một đời người, cứ y như lời của mẹ Nhàn nói năm xưa, khi bà cụ còn sống..
và bây giờ chị Tâm đang thế mẹ mà lo lắng cho Nhàn đây sao…
-Thôi mình đi về đi em!
Nhàn nghe theo lời chị Tâm đi ra xe
mà không thoải mái chút nào, có quá nhiều điều gì ẩn ức mà không nói được, Đã
hơn ba mươi năm rồi còn gì, người nào cũng đã sống gần hoặc hơn nửa thế kỷ,
nhưng sao những kỷ niệm xưa nó cứ quanh quẩn, nó hiện rõ mồn một trong trí,
nhất là khi “người xưa” lại xuất hiện trước mặt nàng, mà nàng lại không thể mặt
đối mặt với người ta để hỏi một câu cho ra lẽ, để nàng có thể trút hết những
buồn đau, những nhớ nhung chất chứa trong lòng từ bấy đến nay, những giọt nước
mắt tức tưởi từ lâu dấu kín có thể bùng vỡ trên vai chàng, như ngày nào Nhàn
hay nũng nịu bắt đền mỗi khi chàng trễ hẹn. Hình ảnh người phi công
với bộ đồ bay màu xám, ngồi trên chiếc Lambretta xám lợt đợi Nhàn trước cổng
trường, thường là đề tài cho cả bọn bạn chọc phá, có đứa còn làm bộ ghen với
Nhàn, và Nhàn càng hãnh diện hơn mỗi lúc họp bạn, chàng của Nhàn vẫn đệm guitar
và hát bài nhạc lính chàng thích để tặng cho Nhàn. Giọng hát trầm ấm, quyến rũ,
truyền cảm của người Lính đã lay động luôn tâm hồn những cô gái trẻ bạn của
Nhàn, nên Nhàn càng thấy đời mình thật may mắn và hạnh phúc…
Chị Tâm cắt ngang dòng
tư tưởng của Nhàn khi vừa lái xe qua khỏi khúc quanh, với giọng trầm
buồn như một triết nhân:
-Bao nhiêu năm qua chị
không hề nói với em về người đó, dù chị biết ông ta định cư ở thành phố này, vì
chị nghĩ không cần thiết. Bây giờ đối với em tất cả cũng chỉ là dĩ vãng, nhớ
cho chị điều đó. Em đã nhìn thấy hình ảnh của anh ta rồi đó, anh ấy bây giờ chỉ
như một cái “bóng chiều” thôi, bóng càng về chiều càng ngã dài ra, và ngoằn
nghèo lay động, chứ không như bóng trưa thẳng đứng và chắc chắn đâu em. Gặp hay
không gặp cũng không còn là vấn đề nữa, cũng như mùa Xuân đã qua, khó mà tìm
lại được cảnh xuân giống y năm cũ. Thôi thì mỗi người có một số phận, hãy sống
thật tốt với hiện tại mình đang có, đừng đắm mình trong bóng ma quá khứ nữa. Hãy
xem “cuộc sống giống như một con tàu đang chạy trên một đường ray, chỉ có thể
tiến về phía trước, chứ không thể quay đầu lại”* đâu em khi mà hoàn cảnh không
còn cho phép nữa….
Lê thị hoài Niệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét