Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

BÁO XUÂN

     


Trên bàn ở phòng khách, bà Tá bày vài tờ báo với hình ảnh tếch ních co-lo, có báo in hình con heo đang nằm lim dim đôi mắt, có báo in hình chú ủn đang được.. chủ nuôi ôm hun, có báo đăng hình hoa mai vàng rực rỡ, báo khác lại in hoa mai đỏ chói chang, có tờ in hoa đào hồng thẫm, vài tờ vẫn giữ mẫu…quảng cáo thường xuyên…, Tờ khác in khuôn mặt mỹ nhân (tuy chẳng thẩm mỹ tí nào) để giới thiệu cơ sở mần ăn, có kẻ đưa hình… còn trong vòng chờ giới thiệu sau khi quảng cáo. 
Có tờ báo mỏng; nhẹ, cầm nắm dễ dàng, nhưng có báo thì dày như quyển tự điển của Lê văn Đức. Sở dĩ bà Tá có báo như vậy là nhờ bỏ công đi “xin” ở chợ, hổng tốn tiền mua, và một vài tờ đặc san Xuân do bạn gửi cho, chỉ sợ không có đủ thì giờ đọc. 


Tuy vậy vẫn không làm bà quên được những tờ báo xuân của những ngày xưa thân ái trước năm 75. Có phải “tuổi trẻ sống cho tương lai, tuổi trung niên sống cho hiện tại và tuổi già tìm về quá khứ” chăng? nên bà Tá già cứ mãi nhớ chuyện ngày xưa.

Bà nhớ ngày đó những tờ báo xuân khổ lớn mà các “thiếu nữ” như bà là độc giả thường xuyên như Tiền Phong, Tiểu thuyết thứ năm, Kịch ảnh, Điện ảnh, Phụ Nữ ngày mai. Phụ nữ diễn đàn, Chính luận, Tia sáng…v..v.. thường in hình các Ca sĩ, Nghệ sĩ đẹp ở trang bìa trước. Phải nói là hình đẹp hết biết luôn thời bấy giờ. Những tài tử, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đẹp thời đó không nhiều. Thời của bà biết chiêm ngưỡng dung nhan nguời đẹp như Túy Phượng, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Minh Hiếu, Thanh Lan, Thanh Thúy, Mộng Tuyền (tên cũ cũng là Kim Loan), Kim Loan (căn nhà ngoại ô) …, mà muốn độc giả mua báo nhiều và nhanh hơn, các ông nhà báo không quên tặng thêm tấm lịch có hình người đẹp, bảo đảm báo Xuân không còn tờ nào, nhất là những độc giả ở tỉnh, muốn mua báo xuân phải…canh me dữ lắm, vì ra nhà sách chậm một chút, cứ y rằng về tay không, tiếc hùi hụi. Nhưng khi mua về nhà phải coi nhanh, giữ kỹ, kẻo khi bạn bè …mượn đọc rồi tờ báo không cánh cũng bay luôn...

Bài viết bên trong thì đủ các thể loại đọc hoài không thấy chán. Những mẫu chuyện giựt gân ngày cuối năm, chuyện tình cảm éo le, bi đát, ướt át đêm giao thừa. Chuyện “Người về đêm ba mươi” kể chuyện người Lính trận được phép về thăm nhà ngày cuối năm mà đường đi bị….đắp mô nên về trễ đúng giờ giao thừa, lúc cả nhà đang ngồi chờ nồi bánh chưng sắp chín, đang nhắc nhở về người “lính trận miền xa” thì người lính xuất hiện làm cả nhà mừng vui ôm nhau mừng mừng tủi tủi, Chuyện đêm xuân nàng chong đèn đợi chàng về xông đất, nhưng chàng lại …dông mất với mèo, khiến nàng eo sèo không còn thiết tha gì đến mùa xuân. Chuyện kể Mẹ già đợi con về đêm ba mươi, nhưng con còn bận chinh chiến miền xa đành lỗi hẹn mà hát rằng… Nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm?....dù có lệnh “hưu chiến”, thật cảm động nhiều lúc khiến người đọc không cầm được nước mắt. Rồi chuyện kể của hai người yêu nhau, thề non hẹn biển sẽ mãi mãi sống đời với nhau, đùng một cái chàng …chui lên núi theo lời …dụ khị của cái đám giặc “giải phóng miền Nam” và bọn cộng sản miền Bắc xâm lược, để đêm ba mươi, giờ giao thừa linh thiêng của đất trời, của những người còn niềm tin vào các Đấng tối cao, chàng lù lù xuất hiện với khẩu súng trên tay, lôi nàng đi ngay mà không cần biết nàng có bằng lòng hay chống đối, và rồi sau đó là chuyện tin buồn ngày tết …Mậu Thân! Buồn vui của đất nước thời chinh chiến.
Nhưng hấp dẫn, gây tò mò nơi đám học trò con gái vẫn là chuyện đời tư nghệ sĩ. Hồi đó nghệ sĩ nổi tiếng không nhiều như bây giờ, tài tử xi nê lại càng ít, ca sĩ thì cũng không nhan nhản khắp nơi, nên cô ca sĩ nào sắp sửa lên xe bông mà bị tình lang bỏ ngang hông, khiến cô nàng xuýt nữa đập đầu vào đám lông vịt tự tử, cô nào sắp giã từ sân khấu vì ông chồng cứ ghen tới ghen lui, cô nào vừa thoát khỏi màn uýnh ghen vô tiền khoáng hậu của bà Nhớn (có tin đồn bà Nhớn chuyên môn đi uýnh ghen bằng “trực thăng vận”(?) đã dành sẵn cho bà, vừa nhanh lại vừa đúng mục tiêu!). Nữ nghệ sĩ nào vừa đi tune-up dung nhan đến nỗi bị vết thương hành hạ khiến đêm không ăn, ngày không ngủ, chuyện nam ca sĩ nào lỡ xô vợ rớt khỏi xe…chết ngủm, chuyện tùm lum tà la các nàng….phà ca đi xông đất 3 ngày tết.
Rồi nào là chuyện ma hiện về báo mộng đêm xuân, cho chàng biết rằng nàng vẫn yêu chàng cho đến…chết. Chuyện nàng đi hái lộc đêm giao thừa bị con Ma nhà họ Hứa dẫn đi mất biệt. Ma đem giấu nàng trong buị tre cuối làng, nhét vào miệng đầy phân bò đất sét, mà trong cơn mơ bị ma nhập, nàng cứ ngỡ một chàng phò mã đẹp trai rước nàng về dinh, treo đèn kết hoa và thết đãi yến tiệc, nàng ân cần xơi ráo, nhưng không ngờ khi tỉnh ra mới biết là do ma chơi..xạo!
Chuyện nào cũng mê ly rùng rợn, ly kỳ hấp dẫn, chưa kể đến những bài viết về các con vật cầm tinh trong năm. Báo nào cũng đặc sắc, nhưng nếu có thêm mục coi bói nữa thì cứ y như rằng báo được chiếu cố tối đa...


Bà Tá bỗng bật cười khan, nghĩ lại… ngày xưa, cái thời chưa có nền văn minh điện tử, cái ngày mà con người miền Nam còn “đất rộng người thưa”, còn cuốc bộ thăm nhau, còn đi xe thồ, xe ngựa, xe lam, xe xích lô máy, xe hơi thì ở thành phố mới có, muốn đi xa thì phải ngồi trên những chiếc xe đò đời cổ lỗ sĩ nhiều hơn xe đời mới, (xe lửa thì bị quân “giải phóng” phá đường rầy ráo trọi nên nằm im chờ… chết) nên chuyện bói toán còn có chút linh thiêng(?), mới có nhiều ông “đồ” đời mới ngồi chờ ở những nơi người ta đi hái lộc chúc xuân, những ông già có, sồn sồn có, chỉ cần mặc chiếc áo dài đen, đội khăn đóng với một mớ sách tiếng…hán hơi cũ cũ màu vàng ố đặt trên bàn và bát nhang cùng một mớ giấy vàng xanh trắng đỏ gì đó cho ra vẻ…linh thiêng thì sẽ có khách đến chiếu cố ngay, dù rằng những ông ông đồ này chắc chẳng phải …đồ thật, còn khôi hài hơn khi nhìn ông mặc quần ống túm đi đôi dép nhật dưới chân…
Nhưng thời bây giờ, bây giờ mà …xem bói thì không biết có linh không, nhất là khi đọc trên những tấm lịch treo tường, những câu chữ cũng…tử vi chính thống.
Trong lịch sách tử vi: “Ngày mồng một-vía Đức Phật Di Lạc, ngày Kỷ hợi: Hành mộc - Trực thâu - sao Vỹ. Kỵ tuổi: quý Tỵ, Đinh Tỵ. Hung thần: Hà khôi - kiếp sát - cầu trần. Cát thần: Mẫu sương - Ngũ phú - Bất tướng. Hỷ thần: đông bắc. Tài thần: chính bắc. Hạc thần: Trời thiên. Xuất hành theo hướng đông bắc và chính bắc. Nên: Tế lễ, họp bạn, cưới gả, khai trương. Cữ: Động thổ, an táng, động dao động thớt. Giờ tốt: Ngọ - Mùi- Tuất. Giờ xấu: Mão - Dậu. 
Nếu theo người... nho chùm phải giải như thế này: ngày mồng một là ngày của… Phật bên Ấn độ nên không nên chơi với… rắn, kỵ tuổi Tỵ là tuổi rắn mà, giờ xấu mão là mèo, giờ Dậu là gà, mèo hay gà mà chơi với rắn chỉ có nước giúp rắn no dai, chỉ có trong phim Ấn độ thuộc loại “sữa rừng thay sữa mẹ” hay “con thơ bên dòng suối” hoàn toàn nói tiếng Việt nam do hãng phim Mỹ Vân chuyển âm mới có cảnh người chơi với… rắn mà thôi, chứ mèo hay gà thì chúng lỉnh từ xa. Còn giờ tốt là tuổi con ngựa, con dê và con chó. Mấy người tuổi này nên đi đến sân đua ngựa, đua chó mà bắt con nào phần thắng chắc về phe ta. Người nào tuổi mùi là con dê nên mời bạn gì đi ăn để tỏ tình là chắc bẫm. Mấy thứ thần thì miễn bàn, vì quý ngài chắc cũng…dông mất khỏi thượng giới rồi, chứ mặt trăng, sao hỏa gì gì con người cũng lên đến nơi mà đâu có thấy ai ở trên đó. Theo quẻ xuất hành theo hướng Đông bắc là đúng quá xá, nếu bữa đó nghỉ làm để đi… Lake Charles, nếu là người ở xứ của bà...

Rồi thì nên tế lễ, họp bạn cũng đúng nốt, vì Tết nhứt mà, nhà người Việt mình ít ra cũng có mâm cơm cúng trên bàn thờ Tổ tiên, rồi sau đó tụ họp bạn bè đến… thanh toán. Nhưng mà cưới gả, khai trương thì phải xét lại. Nếu Tết nhằm các ngày trong tuần, không phải thứ bảy, chủ nhật thì làm sao mà mời bà con đi dự tiệc cho đông dzui mà… ít hao? Bởi vậy nên đám cưới đám hỏi, khai trương gì cũng phải đợi đến thứ bảy hay chủ nhật mới...tốt ngày. Còn cái mục cữ động thổ coi mòi không ổn, nếu giải nghĩa theo kiểu người giỏi chữ Hán cỡ như bà, thì thổ là… đất, động thổ là… động đất, đó là tai họa do Trời giáng, mỗi lần có động đất là thiệt hại cả vật chất lẫn nhân mạng, con người có nước “chịu trận” chứ làm sao mà cữ được, thảm thương và tội nghiệp lắm lắm! còn hiểu theo nghĩa thường thì mấy người cắt cỏ, làm vườn, trồng cây cho dân bản xứ rất dễ dàng mất mối làm ăn. Còn cữ động dao động thớt thì có mòi đói ráo làm sao có mục cưới gả gì đây, đừng nói chuyện đi xách cơm tháng, mà nhà hàng ăn không đụng tới thớt với dao thì sao gọi nhà hàng, vv… nhiều và nhiều chuyện tréo cẳng ngỗng lắm…
Bà Tá tới đây xin chấm dứt cái mục nhớ chuyện báo ngày xưa và coi bói đầu năm cho khỏi…đau cái điền. Không quên Chúc mừng năm mới !

Không có nhận xét nào: