Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

MỘT CHUYẾN ĐI-VỀ


Tôi không nghĩ sẽ có một ngày, tôi và các bạn từ trường xưa Sư phạm Qui Nhơn tay bắt mặt mừng, kể chuyện tíu tít, thăm hỏi vồn vã, nói cười rộn rã, tự nhiên, mà đã 47 năm trôi qua, từ lúc ra trường đến nay, tưởng chừng không bao giờ gặp lại.

Từ Nha trang, nơi tổ chức “Cựu SPQN khóa tám, họp mặt mùa Xuân 2018”, tôi chẳng nhận được thông tin nào trực tiếp, chỉ loáng thoáng qua FB, có lẽ các bạn biết thân tôi “bệnh hoạn”, không nghĩ là tôi có thể thực hiện một chuyến “đi-về”, dù các bạn nói xa nói gần cũng rất muốn gặp tôi. Nhưng Ngọc Hoan lớp nhị ba thì khác, bạn ấy “rủ rê” tôi thật ân cần, còn đưa cả ‘lịch trình” đi từ đâu đến đâu, ngày giờ và địa điểm, tôi xem mà “háo hức” vô cùng, ước gì mình được tham gia cùng các bạn. Thì ra Hoan “không biết gì” về bệnh tình của tôi bấy lâu nay.

Vị Bác sĩ “chăm sóc” sức khỏe cho tôi, ông “phán” một câu làm tôi …mừng hết lớn, khi tôi đến khám bệnh định kỳ và hỏi về chuyến đi: “chị có thể đi xa được rồi, nhưng nhớ cẩn thận, tất cả mọi thức ăn, nước uống đều phải nấu chín, không được ăn trái cây mỏng vỏ, tránh xa những nơi dễ bị nhiễm trùng, tôi cho chị thêm vài loại thuốc mang theo để ngăn ngừa …”. Thôi thì lúc nào đi được, cứ đi, chứ …biết đâu!

Tôi vẫn mong ngày về lại Nha trang, trước là gặp những người thân trong gia đình, cảm ơn những thân tình của anh chị, các cháu trong những ngày qua đã thường xuyên hỏi thăm an ủi, khuyến khích, chúc lành và góp lời cầu nguyện cho bệnh tình tôi chóng khỏi. Và cũng là cơ hội để gặp lại các bạn bè năm xưa, chắc là vui lắm.

Phi trường Cam Ranh ồn ào náo nhiệt, không như những năm trước nghe đâu vắng tanh như chùa bà đanh. Đoạn đường về nhà tôi hoàn toàn đổi khác, đường sá rộng rãi, nhà cửa hai bên đường san sát, có nhà cao ngất ngưởng, đầy dẫy, đông đúc quá, người ta còn đang đào bới, xây cất lung tung, ngay cả trong hóc núi hai bên đường. Cháu tôi, trên đường đi đón tôi về còn giới thiệu thêm…hiện tình thành phố: “đất Nha trang bây giờ ở đâu đâu cũng là đất vàng, chỗ nào rờ vào cũng đứt tay”. Chưa tới nhà mà đã nghe muốn…xỉu, lại  nghe cháu dẫn giải tiếp: “Người từ miền Bắc tràn vào, có khi nguyên cả làng họ kéo vào đây hết!”. Thì ra là một sự “di dân” từ Bắc vô Nam, chứ chưa hề có từ Nam ra Bắc(?) từ xưa đến nay. Thành phố Nha trang lại càng khác xa hơn nữa, khách sạn nhiều tầng cao nghều nghệu chạy dọc suốt đường biển mang tên vua Duy Tân năm nào, bây giờ đổi thành tên Trần Phú, tên của một cộng sản gộc.

Đèn đường sáng choang, xe cộ dập dìu chạy ngang xẻ dọc, xe hai bánh chạy loạn cào cào, xe bus dài thoòng đậu san sát khắp nơi. Người đâu mà đông quá. Hóa ra, mấy lúc gần đây nhiều người đã nói về sự “nhộn nhịp” của thành phố Nha trang không sai. Người Tàu đến Nha trang nhiều vô kể. Họ được quyền “mua nhà” với giấy phép năm mươi năm của chính quyền VN cấp, một thời gian dài để đủ cho họ “sinh con đẻ cái” và sống hợp pháp trên lãnh thổ Việt nam. Nhiều khách sạn cao tầng họ cũng “thuê” hằng trăm phòng, trả tiền trước và có khi…để trống khơi khơi. Họ đến Nha trang với diện “du lịch không đồng”(?). Nghe nói là họ được chính phủ Trung cộng cho sang Việt nam mà không tốn tiền vé máy bay, họ mua hàng hóa cũng từ “cửa hàng Trung cộng”, đi ăn nhà hàng cũng của…Tàu luôn, nên có một số tiệm buôn ở Nha trang mang bảng hiệu chữ Tàu, tất cả “phí tổn” khi về nước Tàu mới trả. Nói chung, là dịch vụ buôn bán ở Nha trang do người dân VN làm chủ không có lợi gì cả, chỉ có…rác thải từ những người Trung cộng ăn to, nói lớn, ở bẩn bầy hầy khắp mọi nơi…
Người Nga lúc trước đến đông, chỉ thích tắm biển và tắm bùn.Nhưng lúc này ít đi du lịch Nha trang vì ngại người Tàu cộng(?).

 Nhưng, dù sao Nha trang vẫn là thành phố thân thương trong tôi, thành phố có quá nhiều kỷ niệm của thời mới lớn và đi dạy học. Thành phố còn in lại bóng dáng của những “người hùng năm xưa”, nhưng bây giờ tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ. Ngả sáu nơi có “cư xá Sĩ quan vãng lai” năm nào, nơi mà mỗi chiều đạp xe trên đường về, “người sĩ quan về nghỉ dưỡng sức” cứ ra đứng chận đường dù là hỏi thăm dăm ba câu…vô nghĩa, bây giờ quán xá chiếm ngự. Quân y viện Nguyễn Huệ, nơi tôi nhiều lần vào thăm “anh” nằm dưỡng thương trong đó bây giờ cũng chẳng còn, mà là những dãy phố cao tầng, đèn điện sáng choang. Ngay cả “nghĩa sĩ đường” (tôi không nhớ kỹ tên nhà xác quân đội) trên đường Lê Thánh Tôn, nơi mà năm xưa có lần tôi chết siếng vì nhìn thấy những xác người Lính hy sinh không trọn vẹn hình hài, bây giờ là một khách sạn, nhưng nghe đâu không ai dám ở, vì cứ bị “ma” phá hoài. Và cả Trại “Hùng Cường” của hành chính tài chính trên đường Lý Thánh Tôn, mà có lần tôi đùa vui cùng vị sĩ quan trong đó: “Thiếu uý nhìn em thiếu úy cười, Bồ em Trung úy, thiếu úy ơi!” cũng đã thành …thiên cổ. Phi trường Nha trang ngày xưa rộng thênh thang, nơi có căn cứ huấn luyện Không quân, có cả Sư đoàn hai KQ trú đóng, nơi đã cho "nhà tôi" từ bấy đến nay, giờ bọn lãnh đạo nhiều quyền lắm thế đã “chia lô” bán cho nhà thầu ngoại quốc (?), mà nghe đâu là người Tàu đứng phía sau. Nhiều và nhiều nơi đã mất hút bóng hình. Tiếc thật.

Tất cả đã xa rồi, nhưng có một nơi vẫn tồn tại để các bạn tôi tổ chức họp mặt trên đó: Nha trang hotel năm nào.
Ngày xưa muốn vào sinh hoạt ở nơi này chắc không phải dễ. Đây là hotel đẹp và nổi tiếng, là bộ mặt nổi của thành phố Nha trang lúc bấy giờ, phải là người “có tiền” mới bước chân vô. Nhưng hôm nay có ít nhiều đổi khác, nên các bạn trong Ban tổ chức, nhất là người “nổi tiếng trong thành phố” như “lớp trưởng Sương”của chúng tôi năm nào, đã chọn nơi này làm “điểm hội tụ” cho các bạn từ các nơi về trú ngụ và tổ chức đêm vui.

Tôi đến nơi này vào buổi sáng ngày họp mặt, đã thấy một số các bạn từ xa về ngồi sẵn ở sảnh đường. Ngoài các bạn trong Ban tổ chức như Sương, Yến, Cường, P Mai, Tuyết, Kim Thoa, Bảy, thì tôi chưa… nhận ra bạn nào cả. Ai vậy trời? “Mày” không nhớ “Tao” sao? Nhớ chứ sao không nhớ? Uả mà bạn…tên gì? (hìhìhìhi), ngày đó tôi và bạn có sinh hoạt chung không? Chưa gặp bao giờ thì làm sao mà nhớ hỡi trời? Nhất là mấy chàng nam giáo sinh từ lớp sáu đến lớp mười, nếu không gặp gỡ nói chuyện làm sao mà…biết ?, ngoại trừ lớp bảy là lớp cộng đồng, nên phải sinh hoạt chung, đi cộng đồng về miền quê, nên có nhiều thân tình bạn hữu. thí dụ anh chàng Lê Xuân Quảng, ngày xưa đóng kịch vào vai “bà mẹ Gio linh”, chính cá nhân tôi phải “hoá trang” cho chàng thành …bà già khú đế để lên sân khấu  trình diễn, và các bạn trong ban hợp  xướng của trường mà tôi là thành viên trong đó, cũng như anh lớp trưởng tên Phạm Lùn mà đẹp trai nhất trường thì ai mà không biết. Mỗi khóa có đến mười lớp, chia cho nam nữ năm lớp đều nhau.

Người đầu tiên nhận ra là Phương Võ lớp nhị ba vừa vào đến, tôi cũng hét toáng lên sao bao nhiêu năm Phương chẳng thay đổi gì nhiều, chỉ có “đẹp lão” thêm thôi. Huế, người đẹp “Ban mê” thì tôi đã gặp lâu rồi, kỳ này vẫn đẹp. Nhìn ra…Trà Mi lớp tôi đây sao? Cô bạn đẹp dịu dàng, với mái tóc thề buông xỏa ngang lưng, làm say đắm bao chàng nam Giáo sinh thuở đó, bây giờ bạn ngồi đây với quá nhiều thay đổi, cứ như là “bà mẹ của người bạn nước láng giềng” thay vì “mẹ Việt Nam!”. Nhưng Trà Mi vẫn yêu đời, vẫn vui vẻ về dự họp mặt với bạn bè, tôi trân quí tình cảm của bạn vô cùng.

Rồi các bạn nhị hai lớp tôi từ từ xuất hiện: đây là nguời đẹp xứ Huế mộng mơ và có giọng ngâm thơ rất tuyệt: Trịnh thị Vui. Rồi Nguyễn thị Thu, rồi Lý, Hương Sen - cô bạn lúc nào cũng nhỏ nhẹ dễ thương. Rồi “mẹ Việt Nam Đàm Ái Mỹ”, người bạn cần cù, chăm chỉ từ tốn trong từng câu nói, đã mang theo những tờ lưu bút ngày xưa chúng tôi viết cho bạn, và “trao về khổ chủ” để làm kỷ niệm lúc cuối đời, thương quá là thương! Cô “bé Tiến” xinh xắn vẫn đi bên cạnh cuộc đời của Thầy giáo Ngô Hữu Phước cũng vừa từ Tuy Hòa vào, có người thắc mắc sao Tiến vẫn…bé xinh hoài, vậy mà ngày xưa làm sao đứng trên bục giảng nhỉ? Có Xuân 50, nhưng bạn cứ im lặng cười cười, Ngô Nhung với chàng Vũ nữa nè, “đôi uyên ương cộng chỉ số” hài hòa nhất lớp tôi, hát cũng hay nữa. Rồi “thủ khoa” của khóa 8: Vương Thủy Tiên và người cộng chỉ số là “Dân đẹp trai” của lớp sáu, người bị đám dân An Khê quá khích “mượn tạm” hai cái răng cửa, khi cả đoàn chúng tôi đi làm “cổ động viên” cho đội bóng tròn của nhà trường tham dự “trận đấu hữu nghị” và phe ta toàn thắng, phe..An Khê thua nên nổi máu “anh khùng” vác đá ném chơi cho bỏ ghét!

Chúng tôi… xa nhau từ ngày nhận nhiệm sở ra trường 47 năm về trước, và thú thật các bạn…về đâu? dạy trường nào? cá nhân tôi…mù tịt, ngoại trừ mười người về ty Tiểu học Khánh Hòa. Ngày đó, được xếp vào hạng “top ten” như chúng tôi, dễ dàng nhận nhiệm sở theo ý muốn, Và khi cầm được tờ “sự vụ lệnh” trên tay, mừng quá rời khỏi trường và… bay luôn về …nhà mẹ chẳng để ý đến ai, nên đâu biết nhiệm sở của bạn mình đã nhận. Kể ra ngày đó sao quá..vô tâm!

Buổi họp mặt vui không tưởng. Chắc không ai nghĩ rằng đây là buổi sinh hoạt của nhóm người “bảy bó” có thiếu thừa chút xíu. Ngày xưa bọn tôi cứ tha hồ rống họng hát to mọi lúc mọi nơi để …giới thiệu về mình cho bà con biết: “một đàn Sư phạm đi qua, chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu, ố tang tình tang, ố tang tình tình..” Thì bữa nay, dù đã bốn mươi bảy năm sau, vẫn …quậy tới bến. Vì từ khi ra khỏi ngôi trường sư phạm thân thương với hai năm đèn sách, đám giáo sinh “nội trú nữ” của chúng tôi bỏ lại đàng sau quá nhiều kỷ niệm, khi mà một “lũ con gái” cuối tuần chẳng có đi ra khỏi trường, cứ quẩn quanh phòng trực nội trú, thấy chàng nào…léng phéng dám bước qua khỏi cổng nội trú, là la toáng lên “bắt trụng nước sôi”, làm mấy chàng tá hỏa tam tinh phóng trở ra không kịp.

Trưởng ban tổ chức vẫn là “lớp trưởng Sương” của chúng tôi và các bạn Yến, Tuyết…
Tiếc rằng qúi thầy giáo năm xưa giờ đã quá lão, nên không có ai về tham dự với học trò..già! Chỉ biết gửi lời cảm ơn dù muộn.

Người từ các… nước xa về thành phố được BTC trao tặng “vòng hoa chiến thắng” trời ạ. Mèn ơi vui thì thôi! Có các chị khóa trên như Chị Hạnh, chị Hương Diễm, chị Xuân và các bạn Hồng Vân, Hoan, Cúc 49, Diệu, Thuận Lê, anh Hòa Em.., (không biết có sót ai?) mỗi người một cái để…chớp hình làm kỷ niệm. Cứ như người Hawaii mà chưa múa vũ điệu Haloha được thôi..

Lớp nhị hai của tôi về họp mặt coi mòi đông nhất, nhưng lớp cộng đồng thì.. ít quá đi thôi, chỉ có hai bạn là Lê Xuân Quảng và Phạm Lùn, trong khi các lớp khác thì nam nữ đề huề, chụp hình xôm tụ, mà tôi không thể nhớ hết tên. Có chị Bùi Hoa lớp một(?) cũng người Nha trang, ngày trước chỉ biết chứ .. ít quen. Sau này nghe các bạn nói chị lập gia đình với một Cựu Tr/uý, nhưng không nói rõ lúc nào và sinh sống ở đâu? Anh từng là huấn luyện viên ở trung tâm huấn luyện Lam sơn, và là bạn thân của ông anh trai nhà tôi nên thân tình với gia đình tôi. Nhưng tiếc quá, từ ngày thành phố Nha Trang “đổi chủ” vào tháng ba năm đó (1975), thì vì cuộc sống khó khăn, hầu như không ai còn “quan tâm” đến ai ngoài những người thân trong gia đình, nhất là những ngày “trốn chui trốn nhủi” để tìm đường vượt biên, nên gia đình chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp lại anh, nên rất buồn khi nghe chị Hoa báo tin anh đã qui tiên. Một nén nhang thắp muộn, cầu nguyện cho linh hồn anh được siêu thoát về chốn vĩnh hằng. Đa số các bạn lớp khác thì chỉ biết tên qua mạng Face book khoảng thời gian gần đây, giờ gặp mặt nên cảm thấy thân tình, đùa vui tự nhiên như là bạn tâm giao lâu ngày gặp lại..Cũng cảm ơn FB.

Mục Văn nghệ “phụ diễn” giúp vui sau bữa ăn tối cũng có thi-ca-nhạc. Các bạn trong BTC chuẩn bị chu đáo lắm, nhất là “Yến ốc tiêu- siêu tài nghệ”, chuyện chi làm cũng thông, các bài hát xưa cũ cũng đem ra trình diễn, đồng ca, đơn ca tá lả, hay và vui hết biết. Cái tôi cũng bị “bắt cóc bỏ dĩa” làm anh nông dân đi…tìm vợ vừa mới bỏ chồng ra đi. Mất có “một con vợ” mà cuối cùng tìm được những…tám người vợ mới! Ai cũng cười vui là… tốt rồi! Vui là chính mà! Cho tôi gợi nhớ năm nhị niên, lớp Nhị hai có tổ chức một đêm văn nghệ rình rang gồm “thi-ca-vũ-nhạc-kịch”, đã “quảng bá” rầm rộ, mà kịch thì chưa có. Thế là trưởng ban văn nghệ Sửu, lớp trưởng Sương và tôi, cùng “tự biên tự diễn” kịch vui: “Ta về ta tắm ao ta!”. Nội dung là người đàn bà nhà quê …bỏ chồng, học đòi lên thành phố ăn diện lòe loẹt, kệch cỡm trông mắc cười. Hai vợ chồng cứ choảng nhau, cuối cùng nhờ chị người làm “cải tạo tư tưởng” cho bà vợ qua bài hát “Quê nghèo”, chị vợ “ngộ” ra quay về với chồng,  thế là “ta về ta tắm ao ta..!” hahhaha. Cái chị nhà quê lên tỉnh cũng do tui đảm nhận, anh chồng Sương và người làm Sửu đã khiến bà con cười chảy nước mắt, nên sáng hôm sau giáo sư dạy môn Cộng đồng vào lớp cứ hỏi: “trò nào đóng vai đó? Thầy cười mệt quá!”. 

Những giọng ca “chính” hôm nay thật tuyệt vời, tôi cứ ngỡ các bạn mình đang hát trên sân khấu kia cỡ chừng năm mươi mí là cùng, nhưng  không đâu, “cụ  bà”  Bích Tuyền, “cụ ông” Ngô hữu Phước ơi, giọng hát để đời hay quá. còn các …cụ khác cũng hát hay, mà cụ già này quên mất tên rồi nên không kể được,…sorry nhé. Có Vui ngâm thơ, có Ái Trân, có…???
Có mục chơi xổ số, có lắm người may mắn trúng số làm quà kỷ niệm. Anh chàng Quảng vẫn  quậy như xưa, làm bà con cười quá. Đêm vui qua mau, các bạn phải về nghỉ lấy sức cho ngày mai đi du ngoạn.

Hai chiếc xe bus dài ngoằn chở hơn trăm mạng người vượt quãng đường dài hằng mấy mươi cây số tiến về bãi biển có tên Bãi Dài, làm tôi liên tưởng đến chuyến du hành Cù lao Xanh năm nào. Ngày đó chúng tôi còn trẻ, mà khi…ra khơi, với tài lái tàu .. lượn qua lượn lại, lướt sóng trùng khơi của mấy bác Hải quân, cũng làm cho nhiều bạn cho ..cá ăn chè, ngất ngư con tàu đi. Nhưng khi bước được lên bờ, thì tha hồ đi tìm phong cảnh để…chụp hình, dù không nhiều như bây giờ, nhưng cũng để  lại nhiều hình ảnh quí..

Nhưng bữa nay thì, mỗi người là một “nhiếp ảnh gia” chuyên nghiệp. Bãi biển “Bãi dài” nước trong  xanh thẳm, bờ nước không sâu có thể tắm được. Nhưng trời có mây thấp, hình như muốn mưa nên có vài đợt sóng nhỏ nhấp nhô, khiến cho một số bạn không dám xuống, sợ.. ướt quần!.hahhha…Thế là tuôn ra chớp hình, chớp đủ kiểu, chớp không ngừng, cứ nhảy từ nhóm này qua nhóm khác, Anh bạn Đỗ Hữu, trở thành người số một trong nhóm nhiếp ảnh gia, chỗ nào cũng gọi nên Đỗ Hữu thật đắt hàng. Nhưng có lúc bạn ấy cũng tham gia trò chơi “đi bắt cá cho má nấu canh chua”, và “bị” mấy bạn giáo già đòi “bắt cua” của bạn, nên bạn…sợ quá chạy lặn mất tiêu. Còn có nhiếp ảnh gia Nguyễn Chí Hải, Hoan Nguyễn, Trịnh Vui…nhiều và nhiều bạn lắm, tha hồ giỡn sóng và chụp hình, cứ như hồi còn trẻ đi Cù lao Xanh.

“Hình như là người xưa?”! trí nhớ của anh bạn lớp chín (10?) hay thật! “Có phải là H Vân không?” Anh đã nhận ra được cô bạn HV thật sao? giỏi thế. Ngày xưa bạn ấy nhỏ nhắn dễ thương lắm, giờ thì …phát tướng, đổi màu da nhưng bạn vẫn nhận ra. Úi chu choa, gì chứ mục “phá” là cái đám “cô giáo già mất dạy” này không tha đâu. Chỉ cần nghe một bạn …loan tin anh bạn lớp cộng đồng vừa tìm ra…cố nhân ở lớp năm, thế là cả đám cùng a lại cất giọng hét: “ Năm mươi năm rồi không gặp , giờ nhìn em thế này, anh lẹ làng…dông mất, vì sợ em…níu tay..” hahahaha, thế là các bạn khác cũng ùa vào hát…tặng cho hai bạn ta vừa…nhận diện ra nhau, khiến anh giáo già phải…lẳng lặng rút êm vì mấy cô giáo già phá quá…

Cảm ơn các bạn tôi trong Ban Tổ chức ngày Xuân họp mặt Khoá tám SPQN Nha trang nhiều lắm lắm. Hy vọng những ngày vui sẽ còn mãi trong trí nhớ của mỗi  một người tham dự. Cảm ơn tất cả các bạn ở mọi miền về chung vui, cho tôi có dịp “tay bắt mặt mừng”, dù ngày ấy chẳng hề biết nhau, nhưng đâu có sao, bây giờ …quen cũng được vậy, hìhìhì…

Một số cô giáo già tiếp tục…Nam tiến vào Phan Rang tìm bạn cũ. Chỉ có Minh 49, Ngọc Minh và Nữ Vi mà các bạn cũng tổ chức cho nhóm chúng tôi đi ngoạn cảnh nhiều chỗ lắm, được đi vào vườn nho, đi lên Chùa, đi xuống biển, đi thăm căn nhà xưa của vị Tổng thống nước VNCH cũ, nhìn căn nhà mà chạnh lòng, bùi ngùi thương cảm. Nếu “so sánh” với dinh thự nguy nga của các “quan ngài” thời bấy giờ thì một trời một vực. Ngày ấy các Ông to  Bà lớn có cuộc sống “khiêm tốn” quá, chẳng như bây giờ….

Buổi tối cô con gái đẹp của Minh 49 còn mời mấy dì đi hát karaoke. Cháu cứ ngỡ mấy bà già “mắc cỡ” nên ngại…hét, nhưng cháu…lầm to, mấy  bà "giáo già" vẫn còn "phong độ" lắm. Mục này thêm hấp dẫn vì có giọng hát của Thu Hằng, người bạn hát hay nhất của khóa tám năm xưa, bây giờ bạn vẫn còn hát ở các phòng trà chuyên trị nhạc tiền chiến. (Cảm ơn Thu Hằng đã cho T chụp lạì tấm hình bọn mình cùng trình diễn trên sân khấu của trường với bài hát “Se chỉ luồn kim”, bạn là giọng ca chính, bốn tên Sương, Phan Tuyết, Trần Tuyết và Vinh ngồi...minh hoạ). Rồi Ngô Hữu Phước và Tiến cũng xuất hiện, Đỗ Hữu và bà xã Tâm cũng hát tới bến luôn, rồi Ngọc Minh, vv…vv..toàn là những  “giọng ca vàng” nghe khoái  lỗ tai gì đâu. Kể ra SPQN có nhiều nhân tài quá .

Cảm ơn các bạn khóa tám ở Phan Rang nhiều, nhờ các bạn mà chúng tôi biết thêm được quê hương tươi đẹp của tỉnh nhà, có bánh căn ngon nổi tiếng, bánh xèo no bụng….

Nha trang, ngày tôi trở lại gặp được gia đình anh chị, các cháu, hội ngộ quá nhiều bạn bè, niềm vui trong tôi còn đọng mãi. Dù bây giờ những thắng cảnh hữu tình của Nha trang không còn nữa, người Nha trang cũng chẳng còn nhiều, chung quanh nhà tôi là người xa lạ mới đến ở, nên muốn tìm lại một chút kỷ niệm ngày xưa thì cũng chẳng có người để cùng ôn chuyện cũ.

Nhưng nếu nói đến một chuyến đi-về thì có quá nhiều chuyện để kể vì nghe mệt lỗ tai. Bây giờ ở Việt nam mọi sinh hoạt đã khác xưa. Người cháu ở Tây Ninh, có đứa con trai 25 tuổi đang đi làm với công việc rất ổn định, tự nhiên nhận một tấm giấy kêu đi “nghiã vụ quân sự”. Bao nhiêu năm không kêu, giờ thấy có thể “làm ăn được” là chính quyền chẳng bỏ qua.Thế là phải “chạy chọt” để khỏi đi vào trại lính, sơ sơ “bảy chục triệu” tiền tươi. Tiền gì mà tính toàn…triệu triệu. Có tiền thì được miễn đi lính đã đành, nhưng chuyện muốn đi vào Lính cũng phải “trả tiền” mới là chuyện lạ. Giá phải đưa cho “quan chức nhà nước ta” là năm trăm triệu! Một số tiền không nhỏ, thế nhưng những người muốn con vào…”Lính có lon”, vẫn phải chạy vay mượn để đút lót cho…quan ăn. Họ “lý luận” rằng: nuôi một đứa con vào đại học, mỗi năm tốn…trăm triệu khơi khơi, bốn năm là bốn trăm triệu rồi, mà khi ra trường thì…thất nghiệp. Thôi thì tốn một lần, khi con ra trường có…việc vĩnh viễn (không sợ đánh giặc?) Thật tội nghiệp cho những người trẻ và bậc làm cha mẹ thời nay.

Về thăm nhà người chị quê ở Mỹ Tho, nhưng không ai dám …mời khách ăn trái cây, vì không phải chủ nhà vườn nên không biết đâu là trái cây chín tự nhiên và đâu là ngâm hóa chất ?. Tất cả mọi chỗ mọi nơi đều “quan tâm” đến thức ăn, đồ uống không an toàn, nhưng bên ngoài chợ búa vẫn bày bán nhan nhản, giá đắt như vàng. Cuối cùng thì họ vẫn phải…ăn, vì “không ăn làm sao sống? chừng nào chết hẵng hay!” hết ý. Nhưng nếu nơi nào có “siêu thị, đa số của Đại Hàn hay Nhật bản, thì còn chút “tin tưởng” để vào đó mua sắm, dù sao “người nước ngoài” vẫn còn chút lương tri, vẫn còn nghĩ đến “an toàn thực phẩm” cho người tiêu dùng,  không dám bán thứ dỏm! Nghe mà cay đắng quá.

Một chuyến đi-về, để lại quá nhiều thắc mắc: người công nhân đi làm với tiền lương quá ít, mà giá sinh hoạt chung quanh thì vô cùng đắt đỏ, nhưng không hiểu sao chỗ nào cũng quán xá đầy dẫy, mà quán nào cũng ..kín người ngồi, giờ nào cũng có khách, xe hai bánh hàng hàng lớp lớp đậu choáng hết lề đường dành cho người đi bộ? Thì giờ và tiền bạc???

Lại đi tìm trái cây an toàn không …bơm hóa chất. Tới tận nơi trồng mảng cầu xứ Tây Ninh, khu vực có quá  nhiều..nhà nghèo, nghe địa danh “Ma Thiên Lãnh” ở gần đó, y như trong chuyện …kiếm hiệp của Tàu, người cháu cũng…tò mò nên chở mọi người đến xem thử. Đúng là Thiên Lãnh thật, nó hoang vu, chỉ có ngọn núi đá thấp lè tè, có hồ nước nhỏ, và ban tối có…ma là cái chắc?, Nhưng  giữa chốn đèo heo hút gió, trơ cằn cây cỏ, thưa thớt bóng người chỉ có cái quán bán cà phê, vẫn có người thiếu nữ trẻ mặc chiếc áo cưới màu trắng dài lê thê lếch thếch, đứng …uốn éo chụp hình cưới với chú rể…Đại hàn.  Mong sao cho tình duyên của cô được trọn vẹn, hạnh phúc. Đừng giống như nấm mộ cô gái trẻ ở tuổi 25, nằm cạnh mộ của mẹ chồng tôi ở nghiã trang TN, cô gái làm “dâu xứ lạ” và bị nhà chồng hành hạ đến…chết, cha mẹ chở xác về chôn …Buồn!

Kinh tế đã vậy, chuyện ‘tình cảm” con người nghe cũng bi thảm quá chừng. Cô gái có tiệm tóc bên nhà, cỡ bằng con gái tôi thôi, cô cứ rà rà tâm sự: “Cô ơi, đời sống bây giờ khó khăn và mệt mỏi lắm, tụi cháu phải làm suốt ngày mới có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng lấy chồng thì khổ hơn, đàn ông trẻ bây giờ đa số không lo cho gia đình đâu, họ đi…ăn nhậu nhiều hơn, rồi coi cô nào có …tiền thì nhảy vào, nên ..ly dị nhiều lắm…!” Mong rằng đây chỉ là “tâm sự của riêng cô”, không phải là điểm buồn chung của xã hội, khi mà các ông bà quan to, chức lớn cứ bán đất, bán rừng, bán biển, lấy tiền ăn nhậu, ở khách sạn, “resort” ngoài đảo hơn  ngàn đô la một đêm, mà nơi nào cũng không còn chỗ trống! Trong khi tôi vào bệnh viện, có nhiều bệnh nhân nằm la liệt dưới chân giường bệnh nhân khác, bữa cơm bình thường phải chờ người...bố thí, trẻ em vàng vọt, bệnh sắp chết mà chẳng có tiền đưa cho… bác sĩ để được trị liệu. Có bao nhiêu tiền cũng khó mà ..cứu giúp cho đủ.
Đúng là một chuyến đi, rồi cũng phải trở về nhà. Nhà ở Mỹ an toàn gấp nhiều lần trên quê hương cũ. Gia đình, bạn hữu cho tôi niềm vui, nhưng quê hương vương lại nỗi buồn.
Lê thị hoài niệm 2018.

Không có nhận xét nào: