Mưa Houston |
Gần cả tháng chờ mưa và mưa đến. Mưa ở Houston xối xả, mưa ào
ào, mưa rào rào, mưa chừng nào đường ngập nước lênh láng, xe cộ nổi lềnh bềnh,
có người xuống thế mạng cho..ma da để gặp hà bá, mưa mới chịu ngưng(?). Mỗi khi
đi trên đường mà xui xẻo gặp phải cơn mưa ập đến là cứ y như rằng… vuốt mặt không
kịp. Gió mưa đập rầm rầm trên mui xe, vào kính xe, hạt mưa nào cũng to tổ chảng
từ đám mây đen kéo tới bao phủ kín bầu trời, đẩy lùi mặt trời đi chỗ khác chơi.
Thế nên dù cái quạt nước xe hơi có quạt liên tục, quạt hết tốc lực, cái đèn xe
có mở sáng choang, thì đôi mắt già của ông Tá sau tám tiếng đồng hồ làm việc mệt
mỏi ở hãng tiện cũng cứ phải nhướn, nhướn lên để nhìn. Vừa phải giữ chặt tay lái,
vừa phải nhìn chăm chăm vào trong làn mưa, mà theo “tin tức cho tàu chạy ven biển”
năm nào thì tầm nhìn xa rất…. giới hạn, đường sá bị …trì trệ vì ảnh hưởng cơn mưa,
nên ông Tá cứ chạy thật chậm cho chắc ăn. Cũng nhờ lái cẩn thận mà ông đã lách
qua được một tai nạn xe vừa xảy ra. Rõ là xứ văn minh có khác, làm việc theo hệ
thống dây chuyền đã đành, đến …đụng xe mà cũng muốn nhiều chiếc nối đuôi nhau
cho thêm tình thân mật.
Cứ nghĩ đến cảnh trời đang mưa to gió lớn như thế này mà cái
xe bị bẹp dúm, mình mẩy bị u đầu sứt trán, có khi bị lọi tay, gãy cổ…v..v..thì
thiệt là xui xẻo. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn được…Chúa gọi về. Ông Tá nhớ lại
chuyện người bạn cách đây không lâu, vô tình ông nghe được tin “phân ưu” trên
radio ở địa phương trong lúc ông đang lái xe, rằng: “Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc báo tin Phero Nguyễn…vừa
được Chúa gọi về ngày ..tháng…năm, hưởng thọ…tuổi”. Ban đầu ông ngỡ người
trùng tên, trùng họ, chứ ông và hắn hầu như gặp gỡ thường xuyên, chỗ hẹn hò vẫn
là “quán phở treo lơ lửng”. Hắn mạnh khù khù, giật voi cũng ngã, đánh Tenis “3
sét” vẫn còn gân, lại không có bịnh hoạn chi ngặt nghèo, ung thư ung thiếc gì ráo.
Còn tình cảm của hắn thì tràn đầy, chan chứa giữa…bầu trời tự do. Vậy thì lý do
gì hắn về nước Chúa? Ông bán tín, bán nghi, nhưng cũng bạo gan gọi dây nói lại
nhà hắn. Mèn đéc quơi! Đúng là sét đánh ngang mày. Chính hắn trời ạ. Thì ra,
theo lời người nhà hắn kể, bữa hắn đi làm cũng dưới cơn mưa tầm tã (chắc giống
hôm nay), không hiểu vì duyên cớ nào mà xe của hắn với chiếc xe ngược chiều lại…hun
nhau thắm thiết, rồi quay tít mấy vòng, đến khi hai chiếc xe thấm mệt, nằm bẹp
dúm thì đối phương nằm ngáp ngáp, còn hắn thì đi thẳng.
Ra đi không mang va li, không một lời từ giã ngay cả vợ
con. Ông tưởng tượng lại cảnh trời mưa to gió lớn như thế này mà được Chúa gọi
về thì coi bộ cũng kẹt, chắc đường đi lên cũng chẳng suông sẻ chi, một phần phải
tránh né sấm sét, lỡ đi ngang gặp nhằm cái búa của Thiên lôi đang giáng xuống
thì cũng đi đứt một lần nữa, kiểu “người chết hai lần thịt da nát tan” như lời
trong bài hát của nhạc sĩ họ Tr., còn không thì thân mình chắc khó coi lắm, bị
ướt như chuột lột vì chẳng kịp mặc áo mưa. Nhưng ông lại nghĩ chắc tại một số
người mình có tính…vọng ngoại, nên khi bị “đi thẳng” thì nghĩ Chúa gọi, chứ Chúa
đâu có ….nhẫn tâm kêu người đi trong mưa như vậy, Chúa còn đưa tay ra nâng đỡ nếu
có lời cầu nguyện nữa mà, bằng chứng là đài tàng hình địa phương có loan tin một
cụ ông người bản xứ đang lái xe mà nước lụt tràn lên đường nhanh quá, cụ quýnh
quáng không thể tìm lối ra, cứ ngỡ đời tàn trong …xe hẹp, cụ ngồi nhắm mắt đọc
kinh Chúa, thế là có ông cảnh sát xuất hiện, đập kiếng xe kéo cụ ra ngoài, thoát…chết!
hú hồn. Cảm ơn Chúa!
Dù rằng chốn dương gian trần thế cũng có lắm điều nhiễu nhương,
có đầy đủ hỉ nộ ái ố ai lạc dục. Thiên hạ tranh giành hơn thua choảng nhau chí
chóe từ trong nhà ra ngoài ngõ, vợ chồng ăn ở với nhau lâu rồi …chán, hay có
người thứ ba chen vào, thế là choảng nhau, nhiều khi đưa nhau ra ba tòa quan lớn
để ca bài ‘đôi ngả chia ly” khiến mấy đứa con nhỏ cứ phải “chạy sô” tuần này nhà
mẹ tuần tới nhà cha, ấy là chưa nói đến chuyện thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đến
nỗi phải vô nằm ấp. Còn chuyện giận nhau để phải “xin tí huyết” đối phương thì
đường cùng rồi. Đúng là “no mất ngon, giận mất khôn”, nên có nhiều kẻ dã man lấy
mạng của nguời khác, nhưng khi ra ba toà quan lớn thì được phán: điên!
Nhiều khi thiên hạ chửi nhau tàn mạt chỉ vì một cái…ghế! cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cứ như những người
tranh đua vào các chức vụ “dân cử” chẳng hạn, các phe “đối thủ” choảng nhau ầm ĩ,
moi cả đời công lẫn đời tư, moi cả đời ông, đời cha của người ta và cả ba đời
nhà vợ (hay chồng) ra cho thiên hạ xem chơi, thiệt hết ý!. Ngay cả quí ngài “bán
ghế đấm bóp” cũng chơi nhau xả láng, suốt ngày đài tàng hình đọc ra rả những lời
phân bua, xỉ vả, chả ra làm sao cả. Thậm chí có nhà Chùa, chốn tu hành cho “thân
tâm thường an lạc” mà cũng đem nhau ra..họp báo, tranh chấp lẫn nhau…Thiện tai!
Nhưng nhờ có mấy chuyện tào lao mà đời bỗng dưng vui, nếu
không sẽ buồn nản chết. Cứ tưởng tượng ngày qua ngày, người gặp người vui vẻ bắt
tay chào nhau dù lạ hay quen, hỏi thăm vài câu xã giao rồi đường ai nấy bước,
chuyện ai nấy làm, nhà ai nấy ở, ..giường ai nấy nằm, cơm ai nấy ăn, xe ai nấy
chạy, tiền ai nấy xài, cạc ai nấy cà, biu ai nấy trả, vợ ai nấy…nhìn v..v…thì
quí ngài làm báo sẽ không có đề tài để viết, mấy cơ quan truyền thanh, truyền
hình sẽ không có tin tức để thông báo cho người nghe, không có tin giật gân mà
loan tải khẩn cấp, không có vấn đề sốt dẻo để tranh luận…thì nản quá. Nói
chung, nếu mọi sự ở trên đời cứ êm đềm trôi như nước sông mùa…hạ thì dương thế đã
là chốn thiên đường, đâu còn ai mất công tìm kiếm ..?
Thật ra đã là con người trần tục, từ bậc vua chúa sống
trong lầu sang gác tía đến đám người…homeless, hễ mỗi lần có tiệc chúc nhau đều
có câu “sống lâu trăm tuổi” hay “vạn tuế! vạn vạn tuế!” thì ông Tá đây cũng không
ngoại lệ. Ông chả muốn được Chúa gọi về trển sớm đâu, chắc nhiều
người cũng vậy, nếu muốn, tại sao khi bị bịnh hoạn, đã phải chạy đôn chạy đáo để
chữa cho khỏi bệnh, chữa thuốc Tây bác sĩ chê thì nhào vào thuốc ta, ai chỉ gì
làm nấy, hy vọng người bệnh được sống sót, chữa không khỏi mà đi thẳng thì người
nhà buồn rầu than khóc? rồi người ta đến …chia buồn, đăng báo phân ưu. Có ai đến
chia vui đâu, dù lời đăng cáo phó “được Chúa gọi!”? Mà chắc gì về trên đó ông làm
việc chăm chỉ cần mẫn siêng năng như ở dưới này, vì ở trển đâu cần…ăn uống, thấy
mấy tiên ông tiên bà cứ bay bay cà lơ phất phơ, buồn tình ngồi đánh cờ mà mặt nào
cũng “nghiêm mà buồn” chán lắm. Chả thế mà mỗi chủ nhật đi lễ nhà thờ ông đều cầu
nguyện Chúa ban phước lành cho ông và gia đình được bình yên vô sự, sống lâu, sống
khỏe. “An khang, trường thọ” ai mà chả muốn.
Vậy thì ông xin khẳng định lần nữa dù đang lái xe trong mưa
rằng ông không muốn Chúa gọi ông về trển lúc này đâu nhé. Bao nhiêu năm chinh
chiến nơi quê nhà, nhiều lúc nằm ngang tầm súng quân thù, đạn
bay vèo vèo chéo chéo trên đầu, hay những lúc trèo đèo vượt suối, “lội bùn dơ băng
lau lách xuyên đêm”, v..v..rồi thì những năm tù tội cực khổ giàn trời mây, vậy
mà có giờ rảnh thì ông lén ngồi cầu nguyện Chúa cho ông có nhiều nghị lực để vượt
qua, nhằm sống sót về lại với vợ con, gia đình để được tiếp tục làm người trần
thế, huống chi bây giờ.
Nên những khi chạy xe nhằm dưới cơn mưa tầm tã như vầy, ông
phải cố mở to đôi mắt, giữ vững tay lái và cầu mong đừng có tên say rượu, tên đui
nào lái ẩu, hun vào xe ông. Đã vậy còn phải tìm đường nào để về nhà cho an toàn
mà xe không bị nổi lềnh bềnh. Bình thường, bà con ta đến xứ này hay quở: xứ sở gì mà đường xe chạy toàn là cầu với cầu
bắt ngang bắt dọc mà chẳng thấy sông nước chảy ở đâu? thì những lúc mưa to
gió lớn liên miên như thế này đã có lắm sông rồi đó, ai lỡ dại lái xe qua là biết
liền, nếu không ngáp ngáp thì phải bỏ của chạy lấy người, tìm tiền sửa xe ngập
nước.
Trận lụt 17/4/2016 |
Ông lắc đầu bỏ đi thẳng vào phòng thay quần áo, trở ra ngồi
xuống ghế, trầm ngâm một lát rồi từ từ lên tiếng:
-Thấy bà khóc, tui không buồn mà lại…tức cười, kể ra bà cũng
dư nước mắt thật đấy. Bà còn nhớ hồi năm nẳm ở bên nhà chứ? Có nhiều khi tui phải
..la át bà, để khỏi nhìn bà khóc lóc, lo lắng, sợ sệt cho tui…một đi không trở
lại như mấy chuyện phim bà xem trên TV. Đã vậy, hễ gặp nhau thì bà cứ …lải nhải:
“Em hỏi anh, Em hỏi anh bao giờ trở lại.
Anh trả lời , anh trả lời mai mốt anh dzìa….Anh trở lại có khi là hòm gỗ cài
hoa trên trực thăng sơn màu tang trắng…”, hoặc bà mở radio nhằm lúc cô ca sĩ
có giọng hát liêu trai rên rỉ cái gì mà “Ngày
mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình, ngày mai đi nhận xác
anh, cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ….Bây giờ anh phủ màu cờ, anh lên lon giữa
hai hàng nến chong..” thiệt là vô lý hết sức. Thời buổi chiến tranh giặc giã,
súng đạn thì vô tình, mà con người không phải mình đồng da sắt, địch quân thì
không biết lúc nào “xung phong biển người”? nhất là đơn vị đóng quân ở những tiền
đồn đèo heo hút gió, không phương tiện di chuyển. …nói chung là lính khổ lắm,
nhất là mùa mưa, những trận mưa mùa dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, có khi
mưa ào ào, mưa rào rào như bữa nay, suốt ngày Lính phải làm bạn với cái Poncho.
Ở miền Nam, đi hành quân thì luôn lội bùn sình, quần áo lúc nào
cũng nửa khô nửa ướt, cơm gạo sấy, nước bi-đông là tiêu chuẩn… Trời ơi buồn thúi
ruột, vừa chịu khổ cực, vừa lo lắng cho mạng sống của mình, vừa nhớ cha mẹ, nhớ
vợ thương con, nhớ thành phố, nhớ nhà…có hằng trăm cái buồn vây kín, vậy mà chẳng
thấy ai “khuyến khích tinh thần” cho
người Lính cả. Nhạc sĩ mần bài hát,
ca sĩ thì rên rỉ “anh còn lại gì ngoài tấm
thẻ bài phân loại máu anh…”Rõ ràng người Lính chưa xung trận mà ông nhạc sĩ
đưa hơi cho vợ con hỏi chừng nào …lãnh tiền tử?
Hồi đó mỗi lần được về lại hậu cứ, trong khi được bà cho ăn
bữa cơm nóng cá kho, gia đình đang quây quần dzui dzẻ thì cũng trên màn ảnh TV ông
ca sĩ máu me đầy người rên rỉ nỉ non: “Anh
không chết đâu em, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua. Sao cứ khóc anh trên ngọn nến
vàng hắt hiu niềm nhớ, trên khăn tang cô phụ, còn…lóng lánh dấu ái ân…” thử
hỏi có ai mà không rủn lòng, nản chí, muốn trốn ở nhà rồi ra sao thì ra, trước
tiên là khỏi phải bị…đạn hun, súng nhắm, khỏi phải làm…hồn ma bóng quế dzìa báo
mộng cho vợ con mà mình mẩy đầy máu me, mắt mù, chân cụt. Nhất là nghe ông nhạc
sĩ tả cảnh vợ chồng mới gặp nhau “hủ hỉ” đêm qua, sáng ra chính người vợ phải xé
“tấm ra giường” nhân chứng để làm tấm khăn tang. Thảm biết chừng nào, hãi hùng
biết chừng nào? khủng hoảng biết chừng nào? Bởi vậy làm sao trách Lính không…đào
ngũ??? Khi trở lại đơn vị thì phải cố quên, bỏ tất cả nhớ thương lại phía sau để
chiến đấu hầu …sống sót. Bây giờ tui cũng
thấy bà khóc vì cái cảnh …chết giả đó, sao coi chẳng được tí nào, chứ hồi tui đi
tù dzìa, tui đâu có thấy bà dễ khóc như vậy?
Giọng bà Tá trở nên ráo hoảnh:
-Khóc sao được mà khóc, có quỡn đâu mà khóc, khóc rồi sinh
bệnh làm sao có sức khỏe để đi chạy hàng kiếm tiền mua gạo nuôi mình, nuôi con?
-Hahaha, khóc mà cũng có điều kiện, có lý do, có hoàn cảnh…
-Chứ sao nữa, cứ đầu tắt mặt tối chạy gạo phờ người ra, hễ
có chút nào rảnh thì nằm soải tay nhắm mắt tìm giấc ngủ cho có sức ngày sau đi
làm tiếp, có thì giờ đâu mà coi phim ảnh, cái gì trong nhà có chút giá trị cũng
đã bán mất rồi, truyền hình đâu mà coi, nếu có coi ké nhà hàng xóm thì cũng “ đến hẹn lại lên, nghêu sò ốc hến, Lút mi
na-rút si la…”, có gì buồn đâu mà khóc?
-Rồi bây giờ…quỡn quá, đi tìm ba cái phim buồn bã, chết chóc
giả đó về xem rồi ngồi khóc, quên…nấu cơm?
-Tại em nghe người ta “quảng cáo”cái phim cũ được làm lại
hay lắm, nên em đi mua về xem thử vậy mà. Nói không phải để mình vui, chứ dù đã
bao nhiêu năm trôi qua, vật đổi sao dời, nhưng em vẫn thấy thương mình, thương
những người Lính trận hồi đó quá chừng, họ khổ cực hết sức, hồi sống cũng cái
Poncho làm bạn đồng hành, lúc mưa gió cũng Poncho làm áo mưa, lúc làm lều cũng Poncho che nắng, đến khi bị lãnh đạn cũng…poncho buồn liệm kín đời anh! Có nhiều cái chết thật tức tưởi, nhất
là những người bị đạn hun vào những giờ phút cuối của cuộc chiến, họ không được
gì cả, ngay cả tấm ván hòm, nếu không có gia đình lo liệu…
Ông Tá cười cười
-Bởi vậy mới nói, hễ muốn có đầy đủ mọi thứ, có kẻ đưa người
đón thì phải …đi sớm, chớ đi sau thì chẳng có gì hết, dù là Tướng Tá…, nhưng nói
thật, cực chẳng đã mới phải ra đi, chứ không ai muốn đâu, hììhì….
-Mình nói đúng rồi, đâu có ai khơi khơi lại muốn chết, ngay
cả những người mắc bệnh nan y bất trị, huống chi là những người Lính chiến gan
dạ, nên khi họ bị tử thương như cảnh trong phim vừa rồi, em thấy tội nghiệp quá.,
nên …khóc!
-Đã mấy chục năm qua rồi, bà hãy bỏ lại phía sau những chết
chóc thương tâm “không cần thiết” đó được không? Bao nhiêu năm tui đi làm lính
trận gian lao cực khổ may mà sống còn, rồi bị tù tội khốn khổ vô cùng, bây giờ đã
được ngồi đây, gia đình mình cũng được sống thoải mái trên một đất nước tự do với
nhiều tình người, mình phải làm sao cho xứng đáng với đời sống hiện tại, phải
vui vẻ, phấn chấn đi tới, tại sao cứ ngồi rầu rĩ khóc kể chuyện đâu đâu rồi bệnh
đau có phải làm khổ chồng con không? Phải chi bà coi những cuộn phim tả cảnh
chiến đấu oai hùng của quân dân ta, bà sẽ có niềm kiêu hãnh về họ, chẳng may họ bị hy sinh thì bà rơi nước mắt đã đành, đằng
này cứ coi ba cái phim làm “nản lòng chiến sĩ” hồi năm nẳm, rồi khóc. Tui nói rồi,
cái gì đã qua mà không đem lại ích lợi gì, không thấy rút được kinh nghiệm tốt đẹp
gì cho cuộc sống thì hãy bỏ lại phía sau lưng, đừng lưu luyến, tiếc nuối vô ích.
Buổi sáng tui đi làm, mà gặp bà ngồi khóc kiểu này chắc …xui tận mạng, nhất là
những lúc trời mưa như thế này, không khéo lại bị…Chúa gọi không chừng!
-Ừ thì tại bữa nay trời mưa, buồn quá, không biết mưa kiểu
này có bị ngập lụt không? Không biết..
-Thôi được rồi, bà cứ không biết, không biết tới tối chắc tôi nhịn đói, làm ơn…. Bà tá quay lại nhìn ông chồng gìa cười cười, quên chuyện chết chóc mà bà vừa mới khóc.…
-Thôi được rồi, bà cứ không biết, không biết tới tối chắc tôi nhịn đói, làm ơn…. Bà tá quay lại nhìn ông chồng gìa cười cười, quên chuyện chết chóc mà bà vừa mới khóc.…
Lê thị Hoài Niệm- 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét