Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

PHIÊN TRỰC ĐÊM GIAO THỪA


Buổi họp tổng kết cuối năm đã chấm dứt, và việc phân công giáo viên trực tết cũng đã đâu vào đó. Những tiếng nói chuyện, lời dặn dò, tiếng réo gọi rủ nhau đi cửa hàng thương nghiệp cũng đã bay theo các thầy cô giáo mất hút từ lâu. Nhưng trong phòng họp, cô giáo Vân vẫn còn phải ngồi nán lại để viết cho xong biên bản buổi họp và bảng phân công giáo viên trực để trình lên ban Giám hiệu. “Giờ này mấy tên đó đang ngồi chễm chệ trên văn phòng đấu láo để chờ bản báo cáo của mình!” Vân nghĩ thế và viết vội những dòng chữ cuối cùng rồi uể oải đứng dậy đưa mắt lướt sơ qua những tờ giấy đầy chữ rồi mới đi ra cửa.


Nắng buổi trưa hơi gắt, những vệt nắng từ trời bủa chụp xuống, len lỏi qua nhiều tàn cây to, vẽ nên một bức tranh loang lỗ trên nền đất sân trường, một cơn gió nhẹ thoảng qua, ngọn gió hiu hiu mang chút hơi nóng nhưng cũng làm Vân thấy dễ chịu. Vân đi về phía văn phòng, nơi đó nàng đã hình dung ra được sau chiếc bàn hiệu trưởng, một mụ Hưng mặt tròn như cái bánh đúc, lúc rảnh rỗi ưa ngồi gát chân lên thành bàn, người dựa nỉnh ra sau ghế, hai ống quần đen vốn dĩ đã cụt ngẳng, giờ bị co rút theo đầu gối nên để lộ ra hai ống chân toàn gân với gân, và cái bàn chân to bè, thô kệch, có lúc lại co hết hai chân ngồi chồm hổm luôn trên ghế, hai tay chống lên bàn để trò chuyện. Mụ ta là “con gái của Hà Nội ba mươi sáu phố phường!” Mụ vẫn tự hào với các thầy cô giáo miền Nam về gốc gác đó, nhưng có điều với cái tác phong quê mùa  kệch cỡm kia được mụ bào chữa: “rằng thì là trong lúc bị ‘Mỹ- Ngụy’ nó đánh bom rát quá, phải đi sơ tán về miền quê nên cứ phải ngồi như thế mãi thành quen!” và mặc dù đã cố sửa để giống kiểu ngồi lịch sự của người trong Nam nhưng mãi vẫn chưa tiến bộ. Mụ ta vào ngồi được chức Hiệu trưởng trường này, chính là nhờ vào quyền hành của tên Thượng úy công an, chồng của mụ, người đàn ông lùn xủn, choắt người, cái bản mặt khó đăm đăm, cứ nhìn lườm lườm vào người ta bằng đôi mắt xếch của hắn, làm như tất cả đều là những tên “phản động”, chực chờ cơ hội để vùng lên “đánh phá cách mạng”.


Quê hắn ở thôn Đại điền, ngày trước theo “bộ đội tập kết” ra Bắc, giờ được “đảng” ưu tiên cho về miền Nam công tác, và vì “công tác tốt” nên chỉ mới có mấy năm mà vợ chồng mụ đã thâu dụng được căn nhà đúc thật lớn, có cửa sắt kéo “rét-rét” mỗi lần mở- đóng. Mụ còn lái được cả xe Honda 50 phân khối chạy bon bon trên đường phố nữa kìa. Mụ ta nói chuyện với mấy cô giáo miền Nam lưu dụng cứ chị chị, em em như là thân tình ruột thịt lắm, nhưng đã có mấy người đã bị mụ ngầm bóp cổ đến ngất ngư, khi biết ra thì phải nhận tờ giấy nghỉ việc về làm ruộng rau muống mà sống để chờ ngày đi kinh tế mới.


Cạnh bàn bên là tên hiệu phó Lê Viết Tĩnh. Hắn là bộ đội phục viên với hơn mười  năm là “đoàn viên đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh”, nghe nói đoàn viên Tĩnh đã hai lần nạp đơn xin kết nạp vào đảng Cộng Sản, nhưng cả hai lần đều bị “Chi bộ Đảng” từ chối với lời phê: “phải khắc phục khó khăn, phấn đấu nhiều hơn nữa!” Vân không biết lần trước hắn phạm lỗi gì, nhưng mới đây hắn có sáng kiến moi tiền các thầy cô giáo một cú thật ngoạn mục. Không biết hắn tìm đâu ra một tờ điện tín, có dấu bưu điện hẳn hòi, từ quê hương Nghệ Tĩnh của hắn gửi vào với nội dung: “Vợ đau nặng- sắp chết! Về gấp!” Với tờ điện tín khẩn vợ gần đất xa trời, ai đọc mà chẳng mủi lòng, nhất là những tấm lòng vốn mang nặng tình cảm của thầy cô giáo miền Nam, thế là mỗi người góp cho hắn vài chục để hắn làm lộ phí về nhìn mặt vợ lần cuối.


Nhưng đoàn viên Tĩnh có tiền mua vé xe không phải về đưa vợ đến nghĩa trang, mà chỉ về nhìn vợ cho đỡ nhớ thương sau những ngày miệt mài công tác. Tình thương nhớ dành cho vợ của đồng chí Tĩnh bị phát giác, hắn bị gọi về phòng giáo dục làm bản kiểm điểm liên miên và “trên” bắt hắn phải hoàn lại số tiền đã quyên góp để làm gương. Nhưng với số lương chỉ năm mươi tám đồng một tháng, chưa đủ tiền để mua nhu yếu phẩm hàng kỳ, biết đến bao giờ hắn có dư để hoàn trả? Kể từ đó đoàn viên Lê Viết Tĩnh  không còn bình tĩnh phục vụ đảng đắc lực nữa mà đâm ra lè phè, bất cần, chống đối cấp trên ra mặt, điều đó làm cho nhóm thầy cô giáo miền Nam ưa cười mỉm với nhau, nhưng đồng chí Lê Viết Tĩnh chưa bị mời đi chỗ khác chơi vì thuộc thành phần “gia đình liệt sĩ có công với cách mạng”.


Và ở cái bàn thứ ba kia là mụ “thư ký công đoàn Nguyễn Thị Huyền.”, người mụ thật xứng với cái tên: đen huyền chắc nịch. Được sinh ra và lớn lên ở xứ Thanh hóa, nhưng không hiểu mụ ở cái miệt nào của cái tỉnh xa lắc xa lơ kia, chỉ nghe mụ hãnh diện kể lại rằng: Mụ lấy được chồng miền Nam cũng là nhờ ở bát nước chè xanh. Anh bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc và đơn vị đóng quân ở cái làng quê hẻo lánh có nhà mụ.
Một buổi chiều đẹp trời, chàng bộ đội bèn thả rong trên con đường làng nhìn cỏ cây cho đỡ nhớ quê hương, không biết vì đường quê quá ngoằn ngoèo, khúc khuỷu hay chàng đã đánh mất phần hồn nên cứ xăm xăm đi đến chỗ mụ đang đứng vén váy... xả xui (ngày ấy làng mụ còn mặc váy) mụ ngượng quá nhưng lanh trí bèn đon đả: “mời anh vào xơi bát nước chè xanh!” Và kể từ đó, bát nước chè xanh nhà mụ đã giúp anh bộ đội xa nhà đỡ khát mấy mươi năm. Mụ cũng được theo chồng về Nam công tác, với trình độ lớp 7 mà dạy học sinh lớp 9, lại thêm chức tước đầy người, nên chi học trò càng ngày càng dốt!

 Thấy Vân bước vào, mụ Hưng nhanh nhẩu cất tiếng: 

 -Xong hết rồi đấy nhỉ? Thế anh chị em có ai phàn nàn gì không... mày?

-Thưa chị, mấy anh chị em “hồ hởi phấn khởi” lắm ạ! Vân nói tỉnh.

 -Cái con khỉ! Mày đùa đấy à? Bọn nó là chúa cằn nhằn mỗi khi được giao công tác đấy mà!
 -Dạ, vì mấy anh chị em bữa nay ai cũng có tem phiếu đi cửa hàng lương thực nên họ hồ hởi phấn khởi thực mà, em đâu có đùa.

-Cái con phải gió! Mụ buông thỏng câu nói rồi cười hì hì, rồi lại hỏi tiếp:

-Mày đã phân công trực thế nào? Tối giao thừa rất quan trọng, thế những đồng chí nào trực trường đấy?

- Thưa chị, mấy “đồng chí đoàn viên” thì họ bảo họ bận công tác trên thành đoàn, mấy anh chị có gia đình thì được miễn, một số  độc thân thì ai cũng có lý do chính đáng để ở nhà nên cuối cùng chỉ còn cô Tâm, Minh, Thuận và em phải đi trực với họ!

- Ừ, mày phân công thế là tốt thôi! Thế mấy đồng chí kia đã “nhất trí” hết rồi  đấy chứ?

-Vâng, nhất trí!.

-Thế bên “Đoàn-Đội” đã tổ chức chu đáo để đi thăm “đơn vị bộ đội kết nghĩa” vào sáng mồng một rồi chưa nhỉ? Hiệu phó Tĩnh lên tiếng hỏi trổng.

 -Rồi! 4 đồng chí phụ trách đội và 20 đội viên tốt. Vân cũng trả lời trổng.

-Ở bên đó có đồng chí Thông “kết” mày lắm đó! Nếu mày mà “nhất trí” thì bên công đoàn sẽ đứng ra tổ chức “kết hợp” ngay thôi! Mụ Huyền nói xen vào với vẻ đắc ý.

Nghe đến tên Thông, Vân muốn bật cười thành tiếng, nhưng phải cố nén. Nàng nhìn lại mụ Huyền rồi lại liên tưởng đến tên “bộ đội huấn luyện viên” lơ ngơ láo ngáo kia. Hễ mỗi lần bọn “phản động Bắc Kinh” đòi dạy cho... “đảng ta” thêm một bài học, là bọn nàng phải chịu sự “quản lý” của tên bộ đội dốt nát đó. Lệnh từ trên ban xuống: “những giáo viên dưới 35 tuổi phải trở thành lực lượng trừ bị, có thể cầm súng chiến đấu chống lại bọn phản động khi cần...!”. Thế là mỗi buổi chiều với hai giờ đồng hồ dài đằng đẵng, cùng mấy cây súng AK 47 nặng như cái cùm, tên Thông đã bắt mấy nhà giáo vác trên vai, vừa đi tới đi lui, vừa đếm đều bước như đi tập lính và hắn đứng ngoài “thanh sát”. Tội nghiệp nhiều chị em ốm yếu vì phải thức khuya soạn “giáo án”, lại bị con cái ốm đau cần chăm lo săn sóc, không có thì giờ ngủ, cộng thêm cái nỗi ăn độn, phải để dành chút tiền còm đi nuôi chồng trong trại tù mút chỉ, nên chi khi đi đều bước cứ “chân hươu đá chân nai” trông thảm thương và buồn cười quá đỗi.


Rồi tới cái mục tập bắn mới kỳ cục làm sao, Vân lại tưởng tượng tới cái hoạt cảnh mỗi người nằm dài trên chiếc chiếu rách (mang theo nằm), vừa nheo mắt ngắm, vừa bắn bằng miệng đoàng đoàng tới cái mục tiêu là tên Tàu phù phản động. Ấy vậy mà thời gian cũng kéo dài cả mấy tháng chứ có ít đâu, và không hiểu tên Thông đã “phải lòng” Vân lúc nào, cho đến một hôm mụ Huyền gọi Vân đến để “đặt vấn đề”. Tức cười quá nhưng Vân cố nhịn rồi ậm ừ cho qua chuyện. Mấy hôm rồi Vân hay gặp tên bộ đội sang trường công tác và hôm nay mụ Huyền đã trở lại vấn đề. Nói gì thì nói Vân cứ cười hì hì cho qua chuyện.


 Đợi cho mụ Hưng đọc qua mấy tờ biên bản và không còn ý kiến gì nữa, Vân xách nón ra về, trong lúc mở khóa chiếc xe đạp dựng bên cạnh văn phòng, Vân còn nghe văng vẳng tiếng mụ léo nhéo:

 -Tôi chịu “cái con” đó, cô giáo miền Nam thật giỏi, làm việc gì cũng đâu vào đấy, nó vừa có tài lại có tác phong đứng đắn, lý lịch lại không dính dáng nhiều tới “Ngụy”, bên phòng Giáo dục có ý “ đề bạt” nó vào chức phó hiệu trưởng phụ trách cấp Hai, vậy mà nhiều lần tôi có ý định giới thiệu nó vào đoàn, nó cứ khất mãi thôi. Trong khi cái Dung nhà mình cứ lên mè nheo mãi, nhưng khổ nỗi, hắn không làm việc chi ra hồn cả, có mỗi giờ dạy tốt cũng không đạt tiêu chuẩn.


Vân còn nghe loáng thoáng mấy lời đối đáp, mãi đến khi nàng dắt xe ra tới cổng. Đạp chiếc xe cọc cạch trên đường về nhà Vân lẩm bẩm trong miệng: “Còn khuya tôi mới làm đơn xin vào cái đoàn thanh niên hắc ám đó”.


Dắt chiếc xe đạp vào sân, Vân gặp ngay bà Sáu đang ngồi trước hiên lượm sạn từ thúng gạo mới mua chiều hôm trước, nàng lên tiếng hỏi mẹ:

-Má à, từ sáng tới giờ có ai tới nhà mình để bắt heo chưa?

Bà Sáu ngẩng đầu, hai tay gát trên thành thúng, nhìn con nói chậm rãi:       

-Mấy người con đi gọi tối qua, hồi sáng đều có tới, nhưng chú Bảy Hùng trả giá cao nhất nên chú mua được. Chú còn hứa sáng ba mươi đưa lại cho mình một ký thịt với nửa ký lòng heo nữa, bán cho chú khá hơn cân cho nhà nước nhiều, kệ chịu phê bình mà thêm được mấy chục bạc để con có thêm chút đỉnh tiêu dùng.

 -Chà! Coi bộ năm nay nhà mình ăn Tết sang trọng quá má há!

-Con định chừng nào mua heo con nuôi lại?
-Má cho con thêm chút thời gian đi nha.

-Má hỏi là hỏi vậy thôi, chứ má thấy con cực quá, má đâu có muốn.

-À má nè, sáng giờ có người nào tới tìm con không?

-Hồi nãy thằng Tín nó đem cho con hai cái tem phiếu để mua thịt, nó ở tập thể nên nó không cần. Còn chú Nhơn nói đem cho con mượn quyển sách, má để trên bàn trong phòng con đó.


Vân rời mẹ đi thẳng vào phòng trong, đến cạnh bàn nàng cầm lên quyển tiểu thuyết “Xa Mạc Tư Khoa”, giũ giũ mấy cái, một tờ giấy nhỏ xíu rớt ra, Vân đọc chậm từng chữ và thuận tay xé vụn thành nhiều mảnh nhỏ đem bỏ vào bếp. Rồi nàng xắn cao hai ống quần, cầm vội chiếc gàu thiếc múc từng gàu nước dưới giếng lên rửa sạch cái chuồng heo đã trống rỗng. Đã bao lâu rồi Vân làm những công việc nặng nhọc một cách thuần thục? từ việc cuốc đất trồng rau tăng gia sản xuất, đến việc đi chầu chực ở cửa hàng thương nghiệp để mua những ký rau muống già về xắt nuôi heo, hay phải đi lao động trồng mì, trồng khoai lang để sớm tiến lên “xã hội chủ nghĩa” theo lệnh của phòng giáo dục. Hình như Vân cố làm việc để quên đi ngày tháng, và để có tên trong danh sách “đoàn viên 4 tốt” của nhà trường, để khỏi bị theo dõi, nghi ngờ, ngay cả ngày Tết nàng cũng không muốn có giây phút thảnh thơi (?)


 Rồi thì đêm ba mươi cũng đến. Mới hơn tám giờ mà bên ngoài trời đã tối đen. Đúng là “tối như đêm ba mươi”. Vân đi ra rồi đi vào, nhìn lên bàn thờ Ông Bà cũng khói nhang nghi ngút. Mẹ nàng cũng bày cúng các thứ nhưng sao Vân vẫn cảm thấy thiếu thiếu, lành lạnh trống vắng làm sao. Cứ mỗi lần Tết đến, lại một lần Vân so sánh rồi ước mơ: biết đến bao giờ tìm lại được cái không khí của những ngày Tết trước năm 75?


Vào giờ này của những đêm giao thừa năm cũ nhà nàng đông vui quá. Ngoài những người bạn của anh Hai, mấy người lính xa nhà, quê hương đâu tít mù khơi tận Cà Mau, Sa Đéc, đang “trấn thủ lưu đồn” bên trường “Hạ Sĩ Quan Đồng Đế” kia, rồi mấy ông lính tàu bay bạn của anh Ba, cộng thêm mấy đứa bạn nàng, nên chuyện vãn cứ nổ như pháo Tết, rồi cả bọn kéo đi Tháp bà hái lộc đầu năm, khi trở lại nhà xông đất lại thả khói đủ màu, báo hại mấy ông lính quân cảnh cứ chạy tới lui tìm thủ phạm, cái bọn phá quá chừng nhưng vui quá xá là vui. Nhưng bây giờ, tất cả đã xa rồi, những ngày vui xưa biết bao giờ tìm lại được?
                                                    **********
-Vân ơi! mở cửa dùm.

-Minh hả? Vào đi, cửa không có khóa!

Vân nghe tiếng hai đứa cháu chào cô Minh, rồi tiếng chị Hai:

-Chà! Bộ mấy cô làm “phiên gác đêm xuân” hả?

-Dạ! Thì cũng “đón giao thừa một phiên gác đêm” nhưng lại “chào xuân đến với mấy con…ma trong phòng ” đó mà!

Vân nghe nhiều tiếng cười sau câu hát diễu của bạn.

-Bộ dọn đồ về nhà chồng hay sao mà lâu quá vậy bạn?

-Sẵn sàng rồi, đừng có hối .                                        

Vân ôm bó mền gối cột chặt vào ba ga xe đạp. Vừa buộc dây vừa lên tiếng:

-Còn chị Tâm với nhỏ Thuận sao chưa thấy tới?

 -Có nói xấu người ta thì nói nhỏ nhỏ vậy nhé!

 -Chà! Có kẻ đột nhập vào nhà mà mình không... phát hiện kịp, nguy quá!

-Người ta đã đột nhập vào lâu lắm rồi, tại mình ỷ y thiếu đề cao cảnh giác, mà có phát hiện thì đã làm được gì nào, cũng phải ôm mền gối đi trực trường đêm giao thừa vậy, lẹ lên đi bạn.


Đường vắng tanh, trên trời thiếu vắng những vì sao, nên  bốn chiếc xe đạp mò mẫm trong đêm tối mờ mờ cứ thay phiên nhau bóp kèn xe inh ỏi để báo động lỡ có người đi bộ trên đường biết mà tránh. Những căn nhà hai bên đường đã đóng cửa kín mít, thỉnh thoảng mới thấy một ánh đèn vàng vọt từ một khung cửa sổ hắt ra.

-Nhè đêm ba mươi, đêm giao thừa của người ta mà lại cúp điện, thiệt chán mớ đời mấy ông nhà nước, cô Minh phàn nàn.

 -Thuận ngán nhất là đoạn đường chỗ máy bay rớt hồi nẳm, mỗi lần đi dạy bổ túc ngang qua chỗ đó nó ớn ớn làm sao ấy!

-Sợ gì kia chứ! Ma cỏ gì cũng đói rã ruột, cũng bị bắt khai hồ sơ lý lịch liên miên nên tìm cách đi chỗ khác hết rồi, đâu còn ở đây mà sợ! Chị Tâm góp vào.

-Đêm nay tối thui như thế này chắc có nhiều chiếc thuyền dong buồm ra khơi lắm đó há?

-Ê! tai vách mạch rừng nha, có gì vô trường hãy nói nghe Minh!


Rồi ngôi trường phổ thông cấp 1+2 P.T. cũng lù lù, sừng sững trước mặt họ. Mò mẫm dắt xe đạp đến được hàng hiên phòng hội, cô Thuận lại than thở:

 -Eo ơi, sao mà nó tối thui ghê quá vậy nè!

-Nói vô duyên, không có đèn lửa làm sao mà sáng cho được!

-Nghĩ cũng tức cười, cái trường học thì rộng thênh thang, mà tài sản chỉ có mấy cái bàn gãy chân, cái ghế sút cẳng ai thèm vào đây lấy làm gì, vậy mà cũng bày đặt bắt mình đi trực.

-Nè, chị Tâm không được phát ngôn “thiếu lập trường cách mạng” nghe chưa! bọn mình phải có bổn phận bảo vệ tối đa tài sản của nhân dân mà! Hì hì.

-Chỉ có cái chế độ quái gỡ này mới có cái công tác cũng quái gỡ mà thôi, đêm giao thừa thiêng liêng lại bắt mình tới đây ngủ với... ma!

-Chị Minh đừng có nhắc ma có được không? Sao chị không mồi đèn đi.

-Nãy giờ tìm mãi - có rồi - tưởng rớt mất rồi chứ.

 Cô Minh bật liên tục đến mấy que diêm mới được một que cháy, mồi vội vào cái tim của ngọn đèn bão mang theo từ nhà, một thứ ánh sáng vàng vọt phát ra, nhưng cũng đủ soi sáng cho các cô thấy đường dắt xe vào phòng hội. Họ lục tục dọn dẹp phòng, khệ nệ khiêng mấy cái bàn dài kê làm chỗ ngủ và tìm chỗ móc mùng để tránh bầy muỗi đói đang kêu vo ve khắp chỗ.

Chun vội vô mùng, chị Tâm lên tiếng hỏi:

 -Vân nè, tuần rồi chị Tâm nghe Vân thuyết trình cái gì mà nấm với nấm từ đầu đến cuối vậy? Bộ tính đổi nghề làm chuyên viên trồng nấm hả?
 -Đâu có, tại mấy “mụ” đề cử em đi học khóa canh nông, được chàng “Tiến sĩ nấm” truyền thụ kiến thức về nấm cũng như cách làm nấm nên em về trường phải phổ biến lại vậy mà!

-Hả? Cái gì là Tiến sĩ nấm chị Vân? Cô Thuận ngạc nhiên hỏi.

-Ấy, tiến sĩ là... tiến sĩ! còn nấm là nấm như nấm hương, nấm mèo, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm đông cô, nấm dại v.v.v. Nói chung là ông tiến sĩ chuyên lo về nấm nên gọi là ...tiến sĩ nấm!

-Ha ha ha! Cái gì mà coi về nấm cũng phải có chức tiến sĩ? Cô Minh phê bình sau một chuỗi cười dài.

-Chưa hết đâu, tức cười nhất là mỗi lần nhìn cái mặt của tiến sĩ nấm là thấy cái nấm rơm nằm chình ình ở đó, trông hắn bụ bẫm lắm. Ôi! Ngồi nghe chàng tiến sĩ ca tụng chức năng và công dụng của nấm mà muốn thành nấm luôn. Hắn nói nhiều quá mà mấy bản mặt thầy cô cứ trơ trơ ra chẳng có “hồ hởi phấn khởi” gì cả, có lẽ làm hắn nản nên hắn bèn đổi đề tài phát động phong trào tìm hoa… bãi giếng.

-Tên hoa gì nghe lạ hoắc vậy? Tết nhất đến nơi người ta tìm hoa mai, hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược chứ ai lại đi tìm hoa bãi giếng?

-Ấy, lúc mới nghe qua tụi em cũng thắc mắc như chị, nhưng nhờ đồng chí tiến sĩ nấm “đả thông tư tưởng” nên tụi em mới “quán triệt”. Chẳng qua đó là loại hoa dại mọc cạnh bờ giếng hoang nên gọi... hoa bãi giếng, dễ thôi!

Nghe Vân lên giọng “dễ thôi”, cô Minh cười hắc hắc, hỏi:

-Vậy hắn phát động tìm hoa bãi giếng để làm gì vậy?

-Làm... thuốc ngứa!

-Ha ha ha, thật hay giỡn đó bồ?

-Vân đâu có đùa, đó là do công trình nghiên cứu công phu của mấy “đồng chí dược lá” của ta đó!

 -Nghe Vân nói “dược lá” làm mình bắt tức cười quá, rõ mấy “đồng chí” nhà ta ưa chơi chữ, thầy thuốc nam thì gọi đại là thầy thuốc nam còn bày đặt dược lá với dược cây.

-Hết tiến sĩ nấm, giờ tới phiên dược lá, nghe mệt cái lỗ tai, hổng biết ở ngoài đó còn có cái chức gì khác nữa không hả trời?

-Còn…Tiến sĩ trò chơi! Vân đáp tỉnh.

-Ha ha ha, cái gì mà trò chơi cũng phải có tiến sĩ? bộ cái bằng tiến sĩ dễ có lắm sao, Chị Vân kể lẹ lẹ lên coi.

-Kỳ rồi Vân “bị” cử đi học khóa trò chơi ba ngày bên Ty Thanh Niên, được ngài tiến sĩ trò chơi dạy cho một số trò chơi mà ngài gọi là nhớn như là... mèo bắt chuột, bịt mắt bắt dê .v.v…

Lại một chuỗi cười dòn sau câu nói, cô Tâm cố nín hỏi vặn:

-Vân có nói đùa không hả em? Chứ làm gì trò chơi mèo bắt chuột lại là trò chơi nhớn?

-Đó đó! Em cũng hỏi hắn như chị: “Xin đồng chí tiến sĩ giải thích dùm tại sao gọi đó là trò chơi nhớn?” Quí vị biết hắn trả lời sao không?
 -Sao, sao? Các cô nhao nhao hỏi:

-Hắn bảo: Vì có nhiều người ngồi vào cùng chơi thì ta gọi là... nhớn!

Các cô lại được một trận cười thoải mái vì Vân cố giả giọng của anh chàng tiến sĩ trò chơi nào đó.

-Chưa hết đâu, không biết chàng tiến sĩ cứ bị Vân vặn hoài nên để ý hay vì một lý do nào khác mà  hôm bãi khoá, hắn lại xin Vân địa chỉ để tiện việc “liên hệ”.

-Rồi chị Vân có cho hắn địa chỉ nhà chị không?

-Có chứ! Vân cho hắn địa chỉ “chùa Linh Thứu”!

Sau một chuỗi tiếng cười, cô Thuận lại nêu tiếp thắc mắc: 

 -Sao chị lại cho hắn địa chỉ nhà chùa làm chi vậy?

-Tại Vân ghét hắn quá. Học môn trò chơi có ba ngày mà phải mất hai ngày ngồi nghe hắn thuyết giảng “đạo đức cách mạng”, hắn chê dân miền Nam đủ điều, nhất là giới trẻ. Hắn còn chế nhạo “mấy ông sư trẻ sao dại dột cạo đầu vô chùa ở làm chi, trong chùa có cái quái gì ở trỏng?” Bởi vậy nên có cơ hội là Vân phải giúp hắn vào chùa, để cho hắn….sáng mắt sáng lòng ra chứ!

Chị Tâm lại từ từ lên tiếng:
-Nghe Vân cứ kể đủ loại sĩ, làm chị bắt tức cười nhớ lại câu chuyện ngày trước, có một cậu hàng xóm, thường ngày cậu ấy rất vui vẻ dễ thương, nhưng có một bữa cậu ta qua nhà chị cái mặt hầm hầm, chị hỏi cậu ta sao vậy, cậu ấy bèn trả lời: “Chị nghĩ coi bà già con đào em có hắc ám không? mấy tên bác sĩ, dược sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, lực sĩ, gì gì tới hỏi con gái bà, bà đều gả ráo, tới phiên em bả nhứt định không chịu gả, dù em cũng là sĩ”

-Vậy hắn là cái gì sĩ? Cả mấy cô nhao nhao.

 -Hạ sĩ!

 Hích hích hích, ha ha ha, căn phòng lại rộn rã tiếng cười.  

-Mà hạ sĩ thì hạ sĩ, tại sao bà già không chịu gả con, cô Thuận ngớ ngẩn hỏi.

 -Chị ơi! Bà già muốn gả con cho sĩ quan kìa, hạ sĩ chỉ là… hạ sĩ sao bà chịu gả hở ngốc.

-Thôi thôi, dẹp mấy ông sĩ qua một bên đi, cười mãi đau bụng quá rồi, năm hết Tết đến ai có chuyện tâm tình gì bày tỏ nghe coi.

-Làm gì mà O Minh nôn nóng vậy? Đêm giao thừa dài lắm em ơi! Ở nhà có giường có chiếu lại không được nằm, phải nằm chèo queo ở đây, phải có tiếng cười cho đêm dài thâu ngắn chứ em.

 -Chà chị Tâm hôm nay sao tiến bộ quá vậy?

-Theo nàng Vân mãi cũng phải học được chút gì chứ!

 -À chị Tâm này, hồi nẳm ảnh còn sống, ảnh làm gì vậy? Có chức sĩ không? Thuận lại tò mò hỏi.

-Sơ sơ Thiếu tá nhảy dù thôi, nhảy một cái, dù rớt xuống âm phủ bỏ lại chị một mình mới buồn chán chứ.

-Thà đi luôn như vậy mình buồn thật, mà lại khỏe, chứ bị thương què giò cụt cẳng như chồng Hoàng Mai bên S.T. thật là đau khổ, không những về vật chất mà khổ cả tinh thần, khổ lây sang cả vợ con. Mỗi lần đến thăm, nhìn thấy hoàn cảnh anh Đáng thật không cầm được nước mắt.

-Hề! Thuận không muốn nghe mấy chuyện buồn đó đâu, quanh năm nghe và thấy muốn ngất ngư rồi. Chị Vân, kể thêm vài chuyện cười nữa đi để đợi giao thừa kìa.

-Thuận nói đúng đó, lúc này hơn lúc nào hết phải cố tìm cho ra nụ cười, có cười được mới đủ can đảm để đi tới phải hông nào? Bi quan yếm thế là “thoái hoá”, là bị làm bản kiểm điểm dài dài chứ có ích chi đâu.

-Vân nói làm bản kiểm điểm khiến Minh nhớ lại vụ chị Nga bên tổ 5, tại sao chị ấy bị mụ Hưng bắt làm bản kiểm điểm để ăn Tết vậy ?

-Có gì đâu, tại chị ấy thuộc loại “điếc không sợ súng” đó mà. Bữa họp Ban giám hiệu, công đoàn, đoàn đội và các tổ trưởng về “kế hoạch hóa gia đình”, thấy chị Nga im lặng mãi, mụ Hưng kêu chị phát biểu ý kiến, chị mới nói: “chồng tôi đi tù rồi, biết bao giờ gặp lại mà lập kế với hoạch”. Mụ Hưng có vẻ đùa bảo để mụ ấy làm mối cho một ông, lành chớ chị Nga buột miệng: “Có giới thiệu cho tui thì phải cỡ như bác Hồ kia, chứ như ông Bảo phòng giáo dục thì xin miễn!” Thế là mụ Hưng chụp ngay câu nói của chị Nga: “lập trường chính trị chưa vững, đạo đức cách mạng chưa quán triệt, dám đem Bác kính yêu ra mà diễu cợt”.

-Hoan hô chị Nga! Hoan hô chị Nga!

 -Trước sau gì chị cũng bị nghỉ việc, chỉ đâu có sợ.

-Chứ bộ ở đây có tên nào sợ bị …mất dạy sao?  Làm cái nghề này riết rồi bị bịnh thần kinh lúc nào không hay. Nhưng con Vân giờ có muốn “mất dạy, vô lương”, mụ Hưng cũng không chịu ký giấy đâu.
-Chị Tâm cứ làm như em là “đồng chí thân tín” của mụ ấy không bằng.

-Chứ hổng phải sao? Trong trường này mụ ấy tin tưởng Vân hết mình ai mà không biết, mụ còn đi chọn giôn (chồng) cho nhà ngươi nữa phải không?

-Đó! đó! Mục đó mới hấp dẫn ly kỳ. Mụ dắt tới nhà Vân một chàng “bộ đội không quân” nói là để hai bên tìm hiểu, nếu đã “nhất trí rồi thì đi đăng ký để quản lý” đời nhau. Hì hì mụ nói cứ y như là thật vậy.

-Hình như mụ Huyền cũng đòi làm mối cho Vân nữa phải không?

  -Tại chị Vân cứ hát cái gì mà “công đoàn là mẹ là cha, chưa chồng chưa vợ... chửi cha công đoàn” nên mấy mụ tưởng thật chứ gì.

   -Nhỏ Thuận khoan nói đã, để Vân kể về anh chàng không quân nghe coi, hắn sạch nước cản không Vân?

-“Giải phóng” lâu rồi, lại nữa hắn đi thẳng từ Hà Nội vào đây, chứ có phải vượt đường Trường Sơn đâu mà bẩn.

 -Hắn nói chuyện nghe được không?

 -Giọng Hà Nội mà, dù có lai lai giọng“Bác” tí tí nghe cũng chẳng đến nỗi nào, có điều hắn nói lời nào cũng rặc mùi Cộng Sản, vì dù gì hắn cũng là đảng viên gần ba mươi tuổi đảng chứ ít sao!

-Cái gì? Hắn bao nhiêu tuổi mà có đến ba mươi tuổi đảng? 

-Hai muơi chín!

-Chị Vân nói Thuận không hiểu gì hết, hắn mới có hai mươi chín tuổi mà làm gì có đến ba mươi tuổi đảng?

 -Chứ hổng phải sao! Cha hắn đảng gộc, mẹ hắn cũng đảng gộc, vậy thì lúc mẹ hắn mang thai, bộ hắn hổng nhiễm tính đảng rồi sao?

-Minh muốn biết hắn có biết ga lăng như mấy chàng phi công của mình không?

-Ai biết đâu đấy! Hễ thấy mặt hắn là nghe hắn lôi chuyện đi đánh bom vào đất “địch”, đem chuyện đánh Mỹ ra kể, mà hổng biết hắn đánh chỗ nào? Rồi chuyện phi công Phạm Tuân được Liên Sô đưa vào vũ trụ, chuyện ở ngoài miền Bắc có thời kỳ đã đem cà rem… phơi khô để làm lương thực cho Bộ đội vào Nam “kháng chiến chống Mỹ”, nói đã rồi hắn hỏi Vân: 
 -Nghe nói bọn “giặc lái của Ngụy” chúng nó rất hào hoa phong nhã, rất được lòng các cô gái, thế nhưng sao có mấy tên vào dạy lái trong trường chẳng thấy gì là phong lưu cả ?”

Vân bảo hắn:  

-Đa số “giặc lái Ngụy” không những đẹp trai, lại có tài đờn giỏi hát hay, mà đi đánh giặc thì cũng số một nên mấy cô thích là chuyện đương nhiên, nhưng mấy tên được “cách mạng” đưa vào dạy lái, nếu không vì cố ý giả khù khờ thì là thuộc thành phần... bần cố nông, là giai cấp hàng đầu của Bác và Đảng thì làm sao phong lưu, oai hùng cho được?

-Vân nói không sợ hắn mách lại mụ Hưng sao?

-Mách thì mách chứ sợ gì!
-Vân chưa nói hắn tên gì?

-Hắn bà con xa với Phạm Tuân, tên gọi Phạm Nhân.

-Tên Phạm Nhân chắc hắn cũng chẳng đàng hoàng, tử tế gì.

 -Nhưng dù sao cũng còn đỡ hơn anh chàng thủ trưởng công ty chất đốt đang “quan hệ tốt” mí nàng Minh, phải hông Minh?

-Hắn tên gì? Sao không nói cho chị Tâm biết với hả Minh?
-Tên Lèo.

-Ai lại đặt tên Lèo. Cô Thuận bật cười khan.

-Tại má hắn sinh hắn lúc đang ở bên Lèo, ba hắn đặt tên Lèo cho hắn để kỷ niệm.

 -Vậy hắn là gì Lèo? Phạm Lèo hay Trần Lèo?

-Hứa Lèo! Vì là người Việt gốc Hoa. Nên chi những chuyện hắn nói là không bao giờ Minh tin cả.  Những tiếng cười ròn rã trong đêm vắng như muốn làm rung rinh cả những cánh cửa gỗ đã quá lâu ngày chưa tìm gặp lại một chút nước sơn. Hồi lâu chị Tâm mới lên tiếng.

-Nè Thuận, nghe nói mụ Thịnh giới thiệu cho mi chàng bộ đội có biệt tài “vừa đánh răng, vừa huýt gió’ bài « Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây » hết chỗ chê phải không em?

 -Ha ha ha, cái chị quỉ này, hắn có hàm răng giả thì nói đại ra cho rồi còn bày đặt nữa. À mà quen hắn chắc có lợi lắm à. Tháng nào nhà nước phát lương chậm, mình mượn tạm bộ răng vàng của hắn đi cầm là có tiền mua mì sợi, khỏi sợ đói. Ha ha ha!!!.

 -Thôi không thèm cười nữa. Minh phải đi ngủ để ngày mai về nhà sớm mà phụ bà già nấu cúng đầu năm.


Đêm lại chìm sâu trong im lặng khi các cô giáo tìm vào giấc ngủ. Ngôi trường rộng thênh thang, cây cối um tùm, Vân cố lắng tai nghe vài tiếng dế rả rích trong đêm nhưng tuyệt nhiên không có, cả đến tiếng chuột rúc cũng không. Chúng nó đi đâu mất hết rồi? Hay đói quá đã chết tiệt? Đến sinh vật cũng không sống nổi dưới cái xã hội này, còn con người thì sao? Vân rời chỗ nằm đi về phía cửa sổ, mở hé cánh cửa gỗ, một vệt sáng vàng vọt từ ngọn đèn bão hắt ra không giúp Vân nhìn rõ bên ngoài hơn. Đêm vẫn tối đen như mực. Mở rộng con ngươi nhìn xuyên sâu vào bóng đêm, nhìn xa xa ra cổng, ra đường cái không thấy được một bóng người. Giờ này chỉ có hai nơi trong thành phố là còn đông người nằm ngồi ngổn ngang chuyện vãn âu lo: đó là bến xe đò và nhà ga xe lửa. Vân biết chắc điều đó. Và ở những cơ quan to là còn có tiếng cười đùa; nhậu nhẹt, chứ những người nằm ngủ vỉa hè thì chắc đã chìm sâu vào giấc ngủ mệt nhọc sau một ngày lăn lóc tìm miếng ăn để sống. Ai hơi đâu mà lo đi đón rước giao thừa. Đã bao nhiêu năm rồi người ta không còn đi hái lộc cầu may? Lộc gì nơi đây khi chỉ có hột cơm trắng cũng không tìm thấy trong mỗi bữa ăn? Khoai lang, củ mì, mì sợi hay bo bo..., những thứ lộc đó đâu có ai cầu mong được hưởng. Nếu có người nào còn sung túc thì lộc đó là do người thân từ nước ngoài ban cho thôi.



-Vân, mấy giờ rồi?

-Vẫn không ngủ được hả chị?
Vừa nói Vân vừa xê dịch lại chỗ cây đèn, kê sát mặt chiếc đồng hồ…hai cửa sổ vào vùng ánh sáng.

-Còn 7 phút nữa tới giao thừa!

-Năm nay bà con mình chắc ít đốt pháo để đón giao thừa?

Đáp lời cô Tâm là những tiếng nổ lẹc đẹc, lẹc đẹc, hai cô giáo trở lại ngồi hẳn trên thành cửa sổ, nhìn lơ đãng vào đêm đen với những ý nghĩ riêng mình. Có nhiều tiếng pháo nổ rộn hơn, dòn dã hơn từ mọi hướng.
-Hễ còn tiếng pháo nổ là còn người cúng kiến, làm sao bắt dân mình trở thành tam vô được! Chị Tâm nói trống không.

Đùng! Tiếng nổ chát chúa, inh tai làm chị Tâm giật thót người, hai tay níu chặt lấy vai Vân, rồi tiếng thứ hai kế tiếp. Lại một tiếng nữa, sau đó là một tràng tiếng nổ nhỏ hơn, dòn hơn.

-Tiếng gì vậy mấy chị? Súng nổ phải không?

 -Rõ ràng là tiếng mìn hay lựu đạn gì đó với lại tiếng súng nữa, đâu phải tiếng pháo tống. Cô Minh cũng chen vô.

-Chắc có mấy người phục quốc quân ra tay đêm nay rồi. Lạy trời! Chị Tâm chắp tay cầu nguyện.

-Minh nghe hình như nổ ở hướng bên đồn công an biên phòng Vân nhỉ?

-Vân không chắc, nhưng hy vọng đúng, vì tiếng nổ rất gần mình.

-Nếu đúng bên đó thì đêm nay sẽ có rất nhiều tên về chầu “Lê-nin với Bác”. Minh nghe nói có tên thượng tá, đại tá gì đó mà.

-Hôm 28 Tết, bên đồn công an có mời ban chấp hành trường mình sang dự tiệc tất niên, Vân thấy nhiều tên mang “quân hàm”, cấp bực lớn lắm cỡ thượng tá, trung tá tùm lum. Mấy ‘ ngài’’ đó nói về đây ăn tết cho an toàn.

Đêm tối mênh mang, đêm tối vô cùng nào ai thấy được đôi mắt thật buồn của cô giáo Vân, nàng đang hình dung lại  phòng hội nơi bọn công an đầu sỏ đang tụ tập ăn uống, đánh bài trong đêm nay. “Kẻ chiến thắng” nào rồi cũng dẫn đến con đường ăn trên ngồi tróc, nhất là những kẻ có nhiều thế lắm quyền, họ tuyên truyền “cách mạng-giải phóng” nhưng mấy đứa học trò nhỏ nó còn biết hát mấy câu vè: “Chế độ Thiệu -Kỳ mua gì cũng có, Chính phủ Hồ chí Minh tới cái đinh cũng không còn” thì làm sao người dân sống nổi, nhất là khi người ta lại dùng “bạo lực cách mạng” để đàn áp nhân dân, mà hễ còn đàn áp là còn có đấu tranh, đêm nay…, cô giáo Vân bỏ lửng suy tư, chìm vào nỗi buồn vô tận.    

Thời gian lại chầm chậm trôi qua trong im ắng, không còn cả tiếng pháo, mãi đến một lúc sau ngoài đường có tiếng chân người.

-Đừng nói chuyện gì hết nghe mấy vị! Hình như có người đang đi vào cổng. Cô Vân nhắc các bạn.

Tiếng chân người đến gần hơn, rồi có tiếng hỏi với vào:
-Đêm nay cô giáo nào trực vậy? Tụi tôi ở bên đồn công an đây!

-‘Đồng chí’ nào đó? Có việc gì xảy ra vậy? Vân cũng hỏi thật lớn.

-Lân, Vĩnh đây! Nãy giờ mấy cô vẫn còn thức chứ, có mở cửa và thấy gì không?

-Tối thùi lùi mà thấy cái gì! À mà đồng chí Lân, hình như có tiếng nổ lớn ở đâu đó phải không?

- "Bọn phản động" thừa cơ đêm giao thừa mình ít tập trung đề cao cảnh giác nên vào đánh phá đó mà! Chúng quăng lựu đạn vào bên phòng hội làm tử thương một số đồng chí ta.

-Dữ vậy sao, bọn nào mà gan quá vậy? Có bắt được tên nào không? Vân hỏi để dò tin.

-Khi nãy chúng tôi có mặt ở đó coi như ta có chết, còn bị thương thì cả khối, nhưng bọn phản động lại lẩn mất rồi. Bọn tôi đang đi lục soát nên vào trường thông báo để cho các cô canh gác cẩn thận hơn!.
-Cám ơn mấy “đồng chí” đã báo cáo cho biết. À mà hình như có tiếng súng nhỏ “của ta” nữa phải không?

-Đúng vậy, khi phát hiện ra bọn chúng, ta đã bắn theo, nhưng bọn chúng đã nhanh chân tẩu thoát mất, hình như có tên đã bị trúng đạn của ta. Thôi chào các cô chúng tôi tiếp tục đi làm phận sự đây!

 Hú hồn! Vân thở phào nhẹ nhõm. Hai tên công an đã đi xa rồi, đêm trở về yên lặng. Các cô giáo lại về chỗ ngủ. Chờ cho Minh, Thuận thở đều đều, Vân rủ chị Tâm:

-Đi nhà vệ sinh với em không?

-Lấy đèn mang theo

Tâm và Vân chầm chậm đi qua hai dãy phòng dài, rẽ sang phải hết một đoạn rồi đi về hướng nhà vệ sinh.

-Sao không có con ma nào ngồi học trong phòng để mình vào dạy nó nhỉ? Vân nói khẽ.

 -Con khỉ! Đã tối thui mà còn nhắc ma.

- Đùa cho vui chứ ma cỏ gì lúc này mà chị sợ!

Đột nhiên chị Tâm níu Vân dừng bước, chị đang lắng tai nghe  hình như có tiếng rên khe khẽ trong phòng tiểu.

-Vân, Em có nghe gì không?

 Cô Vân  ôm chặt lấy người bạn, nhưng cũng bạo gan lên tiếng hỏi khẽ:

-Ai trong đó?

 Có tiếng sột soạt nhẹ bên trong, chặp sau có tiếng thều thào:

-Thưa mấy cô, em là thằng Don đây mà!

Vân xô cánh cửa phòng, cùng lúc đưa ngọn đèn vào nơi bóng đen vừa lên tiếng.

Chỉ vào vết thương nhỏ nơi chân đang rỉ máu, Don nhăn mặt:

-Em bị trúng một viên, chỉ xướt qua, không nặng lắm, nhưng đi xa sợ ra nhiều máu thì phiền, nên em lẻn vào đây.

Vân đã hiểu! Thì ra “bọn phản động” trong đêm giao thừa này là người thiếu niên mặt mày đen đúa, tóc quăn quăn, chỉ có hàm răng và đôi mắt sáng trắng đối chọi với làn da, đang ngồi co ro trong góc phòng nhà vệ sinh, rất cần đến sự giúp đỡ của bọn nàng. Đưa Tâm cây đèn bão, Vân dặn:
-Em đi lấy vật dụng cứu thương, chị ở đây với Don nghe. Cho em hộp diêm.

-Ừ nhanh lên.

Hòa nhịp với bước chân trong đêm vắng, dòng tư tưởng Vân bắt đầu làm việc. Don đó, thằng bé lai hai dòng máu. Mẹ nó là một người đàn bà Việt nam, không hiểu bà được sinh ra và lớn lên ở đâu?  một chốn thôn quê hẻo lánh hay nơi đô thị phồn hoa? Chỉ biết rằng mẹ nó làm nghề “kết thân” với lính Mỹ, người lính viễn chinh xa nhà rất cần những người đàn bà như mẹ nó. Và mẹ nó đã gặp cha nó - một người lính da đen, tóc quăn, môi trề. Họ gặp nhau một đêm? một tháng? Làm sao thằng Don biết được. Chỉ biết rằng nó được sinh ra đời và lại giống cha như đúc (?)

Những ngày sau tháng tư năm 1975, khi mới đổi về trường này, một hôm trong giờ chơi, Vân đi dọc trên hiên trường, Vân đã bắt gặp thằng bé đứng khóc trong góc phòng lớp sáu 2  (lớp của cô N.A, người miền  Bắc chủ nhiệm),Vân dỗ dành mãi, thằng bé mới chịu nói:  
-Tụi nó cứ theo đánh em rồi chửi em là đồ “Đế quốc Mỹ” phải cút ngay về nước! Nhưng em về đâu hả cô? Ai dẫn em đi? Ba em là ai em đâu có biết? Má em cũng đâu  có biết ba em là người nào, hiện ở đâu?

Bọn học trò ngoài A(miền Bắc) vào vẫn có thái độ và hành động như thế, không riêng gì với thằng Don mà là đối với tất cả những đứa trẻ lai khác, không phân biệt trắng  hay đen. Vân không thể trách được chúng nó. Tất cũng chỉ vì sự đầu độc của người lớn, một bầy “Cháu của Bác” vẫn u mê, mồm thì oang oang chưởi Mỹ, nhưng cứ đi tìm mua những hàng hóa của Mỹ còn sót lại. Bởi đó, Vân thấy thương thằng Don, thằng bé nạn nhân của thời cuộc. Và kể từ bữa đó, Vân đã thành chỗ dựa, là mái ấm tinh thần cho những đứa học trò lai, dù Mỹ trắng hay đen, hoặc Đại hàn hay Phi Luật Tân, có cả Thái Lan v..v..mỗi lúc đến trường. Mãi cho đến khi thằng Don có tên trong danh sách học sinh lên lớp tám, lớp do Vân làm chủ nhiệm, thì Vân không còn thấy bóng dáng nó nữa. Cho đến hôm nay...
Vân lau sạch vết thương, đắp lên đó một miếng bông gòn chấm thêm thuốc đỏ quốc doanh, rồi lấy miếng băng quấn chặt lại. Dụng cụ cứu thương chỉ có thế nhưng cũng làm thằng Don thấy dễ chịu (?) nên nó thôi xuýt xoa.

-Em cảm thấy thế nào? Don!

-Thưa cô! giờ em đi về đến nơi được mà không lo bị ra máu nữa.

 -Lâu nay không thấy em đến trường, cô tưởng em đã vào Sài gòn chuẩn bị đi Mỹ theo diện con lai rồi chứ.

 -Từ lúc rời trường là em theo mẹ đi vùng kinh tế mới. Don trầm giọng. Nhưng chỉ một năm sau là em trở lại thành phố vì mẹ em bị sốt rét chết mất rồi. Nếu không vì đi kinh tế mới, mẹ em đâu có chết, em đâu phải bơ vơ. Em thù lắm!

 -Tội em quá! Cô đâu hay biết gì.

 -Em về Saigon sống lang thang vất vưởng ngoài hè phố, cho đến một hôm em theo bạn “đi ăn hàng” trên tàu lửa, may mắn gặp  anh Nhơn, ảnh dắt em về lại đây. Đã có gia đình kia nhờ vào em để làm giấy tờ đi Mỹ, nhưng chưa biết ra sao, giờ thì cô biết rồi đó!


Vân cố nhìn lại thằng Don lần nữa dưới ngọn đèn bão mù mờ, nhìn kỹ vào khuôn mặt, mái tóc khác người của Don, ánh sáng leo lét của ngọn đèn cũng đủ làm cho Vân thấy rõ ánh mắt rực sáng, cương quyết của Don, Vân có cảm tưởng như nhìn thấy được dòng máu đỏ đang chảy cuồn cuộn về tim mang theo cả sự căm hờn và lòng dũng cảm trong con người tuổi trẻ mang hai dòng máu đó.

 -Em trốn vào đây cũng là nhờ hồi trước học trường này nên em rành đường đi. Cơ sở cho biết đêm nay có mấy cô trực trường nên em vững tinh thần lắm. Cám ơn mấy cô đã lo cho em!

-Bây giờ em ở đây, hễ không còn nghe động tịnh bên ngoài thì cố tìm cách thoát về, các cô không tiện ở lại đây. Em nhớ cẩn thận nghe Don, vì bọn chúng còn đang lục soát kỹ lắm đó. 


Từ trong xóm vang lại tiếng gà gáy sáng, Vân rời chỗ nằm đứng dậy vươn vai làm vài động tác thể dục, nàng đi lại mở toang hai cánh cửa sổ, ánh sáng mờ mờ bên ngoài cho Vân biết trời đã sắp sáng. Ngoài đường đã có người qua lại. Vân dọn dẹp mùng mền và nghĩ đến thằng Don. Vân biết chắc giờ này nó đang nằm dưỡng thương ở một nhà nào đó. Lạy trời cho nó được chóng bình phục...

 -Ê! Dậy đi về nhà xông đất đầu năm chứ các bạn.


Các cô giáo lại một phen khiêng bàn ghế, dọn dẹp mùng mền và cột chặt vào sau ba ga xe, một luồng gió ban mai nhẹ thổi vào phòng làm tất cả cảm thấy khoan khoái dễ chịu.

-Rồi cũng qua một phiên trực đêm giao thừa! Cô Minh còn nhừa nhựa.

Bỗng không hẹn mà các cô cùng cất tiếng: “Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông…”

Lê thị Hoài Niệm.


Không có nhận xét nào: