|
ảnh internet |
Người má tôi hơi ốm, bà mặc chiếc áo dài màu lam. Má tôi đứng giữa những dãy nhà, có cái đã cất xong, cái đang lợp tranh dang dở, trên một khoảng đất rộng nhưng mờ mờ ẩn hiện như giữa vùng đồi núi cây cối xanh tươi. Má tôi đứng giống như người “cai” đang coi thợ làm việc, nhưng tôi chỉ thấy một mình má tôi và bốn bề thật yên tĩnh, thinh lặng. Tôi mừng lắm, muốn chạy đếm ôm lấy má, nhưng như có một bức màn vô hình ngăn cản nên vẫn đứng xa Người, chỉ cất tiếng hỏi:
-Má có khoẻ không? Sao má cất nhà để làm gì? má tôi cười vui vẻ trả lời:
-Ừ, thì má cất nhà sẵn để mai mốt cô Năm, thiếm Hai, thiếm Thông đến có mà ở ...
Giật mình, giấc mơ tan biến, nhưng lời nói của má tôi như còn văng vẳng đâu đây. Má cất nhà! Mà cất nhà sẵn để những người bà con, hàng xóm, bạn bè của má tôi đến có chỗ để ở ? Tự nhiên tôi bật khóc, những giọt nước mắt nhớ thương má vô cùng.
Má tôi mất lâu rồi, được chôn cất trên một ngọn đồi ở Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hoà. Mặt quay nhìn về hướng biển, và chung quanh là trùng trùng cây cối, dốc đồi còn hoang vu chưa khai phá. Má tôi nằm yên nghỉ nơi đó mấy năm rồi, mỗi lần về thăm nhà, mộ má là nơi chúng tôi đến viếng đầu tiên, và vẫn cầu nguyện linh hồn má sớm được siêu thoát về chốn vĩnh hằng, nhưng nơi ấy, má vẫn còn lo cho nhiều người khác như những ngày Bà còn ở thế gian sao? Dòng hồi ức tôi bỗng chạy ngược về những ngày tháng cũ..
Nhà Ngoại tôi có đến chín người con, vì dì Út tôi được gọi dì Mười. Khi chúng tôi góp mặt với đời thì không bao giờ thấy ông bà Ngoại nữa. Má tôi kể quãng đời niên thiếu của bà sao vô cùng khổ sở, dù ông Ngoại hồi sinh tiền cũng có làm chức hương xã gì đó. Ông bà tôi mất sớm, nhà cũng không có nhiều ruộng vườn, nên những người con gái không được thừa hưởng gì hết. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”! Tư tưởng phong kiến trọng nam-khinh nữ đâm chồi nẩy lộc ăn sâu bám rễ vào đầu óc những người dân quê không có bao nhiêu chữ nghĩa. Má tôi là chị lớn, nên phải bương chải kiếm ăn và phụ nuôi mấy người em. Những lá trầu xanh, trầu vàng đem nguồn vui đến cho người già mỗi chiều mỗi sáng, hay trong những dịp hỏi cưới, đình đám trong làng, mà mỗi lần đi về xa hơn mươi cây số đường quê cũng là nghề nuôi sống má và các dì trong tuổi ấu thơ, mãi đến khi các dì có gia đình riêng má tôi mới gặp được ba lớn tôi, đang làm chủ một tiệm buôn. Và một thời gian sau thì ba lớn tôi mất, má tôi đã đi thêm bước dài với ba tôi, cũng đã mất vợ vì cơn bạo bệnh. Tôi có được hai người chị từ hai nguồn khác nhau.
Khi tôi chập chững đi vào mẫu giáo là những năm vừa đình chiến ở miền Trung.
Trong chiến tranh chống Pháp, người dân quê là những người luôn luôn phải hứng chịu nhiều tai ương, thảm họa, dù là những người dân lương thiện chí thú làm ăn. Một khi có giặc Tây đi lùng, nhất là những tên “Tây mặt gạch”. Chúng thường bắt đàn bà hãm hiếp, đàn ông thì chúng giết không nương tay, người dân quê phải gồng gánh dắt díu nhau chạy vào tận hang cùng núi hiểm để trốn. Vẫn lời má tôi kể, ngày đó khổ sở vô cùng tận, đi họp chợ phải họp ban đêm, lúc này má tôi đổi qua nghề bán vải, gánh vải kẽo kẹt trên vai với ngọn đèn dầu leo lét phải băng đồng đi trong đêm tối để đến chợ, tờ mờ sáng phải dọn cho nhanh để về nhà coi sóc con cái và chuẩn bị chạy giặc.
Lần đó, trước ngày “đình chiến” không bao lâu, nghe tin giặc Tây sắp đi lùng, dân làng bèn rủ nhau chạy vào núi trốn, nhưng má tôi thân bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh đứa em trai áp út, ba tôi sợ đường rừng má tôi không cách nào đi nổi, bèn chạy đại đến bến sông Ba, may ra sang được bên kia bờ giặc sẽ không đi lùng tới kịp. Nhưng bến sông ngày thường vắng vẻ bao nhiêu, thì lúc này, màn đêm đã buông xuống từ lâu, ấy vậy mà người với người đen nghẹt, tìm được một chiếc ghe con để sang sông thiếu điều muốn đánh nhau, nhưng cuối cùng cả nhà tôi cũng được ngồi trên ghe như ý, nhưng khi vừa đẩy ghe rời bến thì trời hỡi, ba tôi kể lại là chiếc ghe như sắp muốn chìm. Ba tôi và người cậu họ đã nhảy xuống ghe, hai người ra sức bơi để kéo chiếc ghe con trở lại bờ, tránh được những cái chết oan khiên vì có nhiều chuyến ghe bị chìm bởi đêm đen mà dòng sông nước chảy xiết.
Khi đã vào bờ, ba má tôi bèn gồng gánh bồng bế lũ con và cùng một nhóm dân làng chạy ngược vào núi, nhờ cậu họ tôi bỏ hai đứa cháu nhỏ vào hai đầu thúng mà gánh, nên bọn trẻ tôi không bị thất lạc. Xóm nhà gần dốc núi cũng che chở cho chúng tôi một thời gian ngắn chờ má tôi sinh nở, những người dân nghèo nhưng rất có tình người, lo lắng, giúp đỡ cho các gia đình chạy loạn trong khả năng cơm độn, mắm kho và bắp hột rang, đem giã nhuyễn thành món ăn gọi là “lớ”. Nhưng khi nghe giặc Tây lên sát quá cũng phải bỏ nhà cửa chạy vô núi sâu mà trốn (có lần tôi đã về tìm được một người ơn của gia đình tôi, dì sống trong một hoàn cảnh vô cùng cơ cực dưới mái tranh xiêu, dù trước đó gia đình dì cũng “có công với cách mạng”, dì nói nhiều lần muốn ra nằm ngoài sân rồi uống thuốc độc cho chết, nhưng số phận nghiệt ngã cứ bắt phải sống lầm than, tôi giúp cho dì một số tiền, dì cầm tiền trên tay mà nước mắt chảy ròng, nói lần đầu trong đời cầm số tiền quá lớn.)
Đêm đó má tôi suýt bị cọp vồ vì treo cái võng nằm ru em nhỏ mới sanh cạnh bờ suối, gặp lúc con cọp mò ra uống nước. Nhìn hai con mắt đỏ ngầu của nó, má tôi điếng hồn, cứng họng không la nổi tiếng nào, may nhờ có người bà con đi cùng nhìn thấy, họ bèn la lên và bao nhiêu thứ vật dụng có thể gây nên tiếng động là họ đánh ầm ĩ lên. Cọp bỏ chạy vô rừng sâu biệt dạng. Má tôi thoát nạn và luôn nhớ ơn những người cứu mạng.
Người dân quê mừng vui khi nghe tin đã đình chiến (1954). họ chạy ra bờ suối rồi chờ nhau để về nhà, cũng lời ba tôi kể lại, trong lúc dân làng tụ lại thì "máy bay bà già" của Tây xẹt ngang thả một tràng bom, cô gái mới mười bảy tuổi con bác Ba Sâm trúng đạn chết ngay tại chỗ, ngày vui trở thành một ngày tang thương, không riêng gì nhà Bác Ba, mà mọi người phải cùng góp sức đóng hòm gỗ, rồi đi đào huyệt để chôn cô gái nội trong ngày, sợ “máy bay bà già Tây” trở lại thả bom lần nữa.
Đến vài ngày sau Ba Má tôi mới lần mò trở lại nhà, lúc ấy gọi là “hồi cư”. Vì nhà tôi rộng rãi, nên ba má tôi đã cho một gia đình người quen ở nhờ, họ cũng là những người đi tản cư, lánh giặc từ thôn ngoài. Nhưng không ai ngờ, “máy bay bà già Tây” bay trở lại làng quê tôi để ném bom lần cuối trước khi rút đi. Khi còi báo động có máy bay đến, mấy người nhà này ỷ lại không chịu chạy ra hầm trú ẩn ở xa theo lời gọi của ba tôi, họ chui trú ngay căn hầm dưới nhà, nơi, theo lời ba tôi nói là chỉ để trú đạn …mọt chê của lính Pháp từ đồn bắn lên. Nên khi nhà bị trúng bom cháy, cả vợ chồng và ba người con bị nhũn ra như những con bún vừa mới bắt ra khay còn nóng hổi, người chồng bị nóng quá, chạy thoát ra khỏi hầm, chạy băng ra cổng và chạy chui vào cái ống mương nước (dân quê gọi là “lù”) bằng xi măng ở cạnh nhà để trốn, nhưng khi máy bay đi xa rồi, thì không thể nào chui ra được, vì thân thể đã đàn hồi trở lại dạng bình thường, mà ống mương nước thì quá nhỏ, đám dân làng phải hè nhau kéo ông ta ra nên cả người bị tróc da, may mà không bị thiêu sống như bà vú già nhà tôi chậm chân, vì tiếc dở bữa ăn. Người Bà đã cháy đen, nứt nẻ, cong lên như con heo quay già lửa, lời ba tôi kể lại, chứ đám con nít chẳng có đứa nào được phép về nhà để nhìn bà vú lần cuối. Và đó là bữa ăn cuối cùng của bà. Má tôi khóc quá trời đất, vừa thương người vú già thân tín bao nhiêu năm, đã bị chết một cách thảm thương, vừa tiếc của, vì tất cả tiền bạc (hằng mấy bao bố tiền “cụ Hồ”), tài sản gầy dựng cực khổ sau mấy lần bị máy bay của Pháp thả bom, cuối cùng cũng lại bay lả tả trong gió, bay tấp đến tận cánh đồng làng, mà người nhặt được không phải là ba má tôi.
Nhưng nhờ bà con giúp đỡ, ba má tôi dựng lại căn nhà, dù bằng vách đất sét và lợp tranh, nhưng rộng rãi, thoáng mát. Sập vải ngoài chợ là nguồn sinh kế để má nuôi cả gia đình phụ với ba tôi coi ngó mấy mảnh ruộng của ông nội tôi chia cho. Nhưng không bao lâu sau đó, trong thời gian tranh tối tranh sáng chưa có chính phủ rõ ràng, trong lúc có một số người theo Việt cộng đi tập kết ra Bắc, một số người ngoài Bắc lánh nạn Cộng sản đi vào Nam, thì ông Nội tôi đã bị bọn chúng bắt đi vì bị liệt vào thành phần “địa chủ, phú nông” và chết mất xác trên đường đi ra Bắc trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” của Việt Cộng...
Vừa nuôi bầy con sáu đứa, vừa cưu mang cả một gia đình bạn đang trong tình trạng dưỡng thương. Má tôi luôn lo lắng cho người khác trong nhiều tháng liền sau đó.
Những tháng ngày có vẻ bình yên đến với người dân quê sau khi có chính phủ mới.
Bọn trẻ tôi lớn lên trong khung cảnh thanh bình của làng quê. Buổi sáng, má tôi gánh hàng lên chợ lúc mặt trời chưa mọc ở hướng đông, bà phải đi hết một cánh đồng, qua vài ngôi nhà cất cheo leo giữa đồng, mà nhà nào cũng trồng đầy cây cao, bóng rậm, khiến người yếu bóng vía nhìn vào những cành lá đong đưa với những hình thù quái gỡ, cứ tưởng đám ma trơi đang đánh đu trên cành cây nhát mình, nên có bữa má tôi chạy trối chết, tới chợ rồi má vẫn không thở ra hơi. Chỉ nghe má tôi kể lại mà mấy lần theo má đi chợ khuya, nhất là mùa tết, có thêm mấy người phụ má gánh hàng lên chợ, tôi cứ vừa chạy mà thót lạnh sống lưng, như có..ma đang chạy sau mình nên cứ chen chạy giữa.
Ba tôi coi sóc ruộng vườn và cái máy xay lúa, dù đã có thợ chuyên môn đứng máy. Chúng tôi lại chuẩn bị cắp sách vào trường làng. Thời đó, làng quê tôi còn thưa thớt người, đi đâu cũng thấy vườn tược rộng thênh thang và ruộng lúa ngút ngàn, nên đi trên đường cứ thấy xa mút mắt, nhất là những cánh rừng hoang, nhiều khi có cọp về trốn để sanh nở, dù làng quê tôi không có gần núi, khiến dân làng phải tụ tập nhau đi đánh đuổi cọp.
Có năm được mùa, hương chức làng tôi mướn nguyên một gánh hát bội về làng, người ta cất một cái rạp thật to trên những mảnh đất ruộng đã gặt xong, rồi họ đi cùng làng khắp xóm gõ mõ đánh trống, kêu gọi bà con về xem hát. Những lúc đó, làng tôi vui không tưởng, nhứt là đám con nít tụi tôi, được đi xem hát bội tự do, được nhìn Lữ Bố phóng ngựa như bay bằng cái …chổi lông gà trên sân khấu, để kịp giờ đến nhà Điêu Thuyền đẹp lộng lẫy đang bị Đổng Trác cha bụng bự đòi cưới làm vợ. Bọn con nít cứ thấy chỗ nào trống là len vào xem thả cửa, vỗ tay, la hét inh ỏi, không cần phải chờ gần mãn tuồng mới được vào coi cọp như mấy lần đoàn về hát lấy tiền..
Thỉnh thoảng mấy anh chị lớn trong làng, cũng được Má tôi “bảo trợ” để tập tành làm những đêm văn nghệ có thi-ca-múa-hát cũng hay đáo để. Tôi vẫn nhớ chị Năm Kiểng, người có vóc dáng thanh tú nhất làng, đã đóng vai Kim Liên trong một vở kịch gì đó mà tôi không nhớ tên, và anh Hai Lỡ, chắc hồi đó anh đẹp trai lắm, đóng vai Đinh Lăng. Tuy còn nhỏ, nhưng không hiểu sao tôi lại nhớ mấy câu chị Kim Liên than thở khi không tìm thấy anh Đinh Lăng : "Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ? Anh của em yêu quí nhất đời. Anh đi mù mịt xa khơi, Chim trời tung cánh phương trời mãi bay…" trong khi một anh nữa đóng vai Kỳ Lân, người có quyền thế bắt chị về làm thiếp, mà anh đóng vai ác làm bọn trẻ chúng tôi rất ghét, đến nỗi gặp anh chỗ nào là chúng tôi la lên “ Kỳ lân thổi lửa cửa đình, cho xin nhúm lửa kẻo sình nồi cơm!”
Ngôi trường làng của chúng tôi chỉ có một gian và một ông Thầy giáo già dạy dỗ, nên lớn bé gì cũng được sắp chung vào, tùy trình độ Thầy Tư cho bài khác nhau, vậy mà con bé tôi lại vượt qua được người anh lẫn chị lớn, để nghiễm nhiên vào trường tiểu học của xã có chia năm phòng cho năm lớp học đàng hoàng. Trường học rất xa nhà, phải băng qua một cánh đồng rộng, một cái “gò mả” với những cây đa to đến ba người ôm cũng không xuể, rễ cây leo chằng chịt, và ở nơi đó, con bé tôi nhiều lần vừa khóc vừa chạy trối chết, vì nghĩ là có ma theo bắt mình. Nhưng về sau mới biết là bọn trẻ chăn bò “ghét” mấy đứa học trò được cắp sách đến trường, nên lấy vải trắng quấn quanh gốc cây nhát ma để phá chơi. Và cũng trên con đường này, anh em tôi cũng nhiều phen chạy thục mạng, vì mấy người “Chiêm thành” bán thuốc dạo, họ đi thoăn thoắt, đi nhanh vô cùng, với bộ quần áo nhiều màu sặc sỡ, đeo dây nhợ chằng chịt, trên đầu lại đội cái rổ chẳng có cột cài gì hết, cứ hai tay đánh đàng xa tiến tới, mà chúng tôi ngỡ là họ rượt theo bắt mình, nên nhiều lần về nhà khóc với ba má tôi, xin cho nghỉ học vì sợ quá. May thay, ba má tôi chẳng chìu con vì chuyện không đâu.
Má tôi lại bắt bọn trẻ chúng tôi phải đến Chùa cúng bái mỗi rằm hay mồng một. Ban đầu thì đi chùa của Thầy Bốn. Ngôi chùa ở xóm trên, nơi có con mương dẫn thủy nhập điền chảy qua làm hai lối rẽ gọi là “ga”. Nơi đó, “Thầy Bốn trụ trì” đã có vợ con hẳn hòi, đứa lớn nhất cỡ tuổi của anh tôi, Thầy ở chung với mẹ vợ và cô em vợ rất xinh, má tôi nói thế. Nhưng khi vợ Thầy mất bị bạo bịnh, thì mẹ vợ của Thầy lại…gả cô em vợ cho Thầy luôn, nên má tôi không còn đi chùa đó nữa, và cũng không còn cho chúng tôi đến để Thầy dạy kèm học chữ nữa.
|
gốc cây thị |
Thế là đổi Chùa. Ngôi chùa xóm dưới rộng thênh thang, do Thầy Mười coi sóc, bọn trẻ tôi thích nhất là trước chùa có cây thị thật lớn, tàn cây che mát cả sân chùa, trái thị lủng lẳng trên cây vàng hườm trông thật đẹp mắt lại thơm nức mũi, nên mỗi trưa, bọn trẻ hay ngồi dưới gốc và “hú thị rớt bị bà già” mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, rồi cả bọn ù chạy đi lượm trái chín, nâng nui mơn trớn đem về cứ lâu lâu lấy ra vuốt ve rồi hít lấy hít để,
|
trái thị |
rồi tưởng tượng đến chuyện nàng Tấm trong trái thị bước ra để …nấu cơm cho Hoàng Tử ăn, như trong chuyện Tấm Cám được má tôi vẫn kể cho nghe.
Dù má tôi không biết nhiều về chữ Việt, nhưng không biết từ đâu, bà lại thuộc rất nhiều chuyện dân gian như Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh khố chuối, Chàng Nhái kiễng tiên, Con chó đá, Tấm Cám, Thạch Sanh-Lý Thông, Ngưu lang Chức Nữ, Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa v…vv….mà mỗi buổi trưa, khi chúng tôi ngồi nhổ tóc ngứa cho ông bà, thì bà kể chuyện. Lớn lên một chút, khi đã biết đọc, thì ngược lại, tôi phải đọc cho ba má tôi nghe những chuyện đăng trên nhựt trình thời bấy giờ như chuyện Tam quốc Chí, Phong thần, Thủy Hử, Tây du ký hay chuyện trinh thám như Bàn Tay máu, Con tàu ma, ….., chuyện cổ tích Ba-Tư như Hoàng tử Alibaba và công chúa Bạch Mai, Cây đèn thần,…, chuyện dã sử như Lửa cháy thành Phiên Ngung, Loạn đảng Đại La thành v..v.., Thời gian tuổi nhỏ sao mà đẹp quá!
Từ lúc đến chùa này, má tôi thành “Mạnh thường quân”- từ ngữ bây giờ họ thường dùng để chỉ những người bỏ tiền của giúp đỡ một việc làm có ích nào đó, chứ hồi đó má tôi chỉ thường đem gạo, nếp hay nhang đèn đến chùa để cúng. Khi có lễ lạc gì thì bà đem bánh cớm nếp, bánh in, bánh ú, bánh tro hay bánh ít lá gai do chính bà chỉ cho mấy chị tôi làm, để nhà Chùa phát cho con nít trong làng. Bởi đó, mỗi mùa Trung thu đến, dưới ánh trăng ngà, nhà chùa hay tập trung con nít lại, xếp thành nhiều hàng dọc để nhận quà bánh, thường là bánh ít lá gai, bánh in đậu xanh, v..vv.. thì con bé lanh chanh tôi, vừa nhận xong ở hàng này, đã chui vào hàng khác đứng tiếp, mà mấy chị lớn chẳng có …la rầy như mấy đứa bé kia. Có sự “thiên vị”?
Căn nhà lợp tranh nhưng rất rộng rãi của gia đình tôi lúc ấy, nằm ở một vị trí rất thuận tiện, trên một mẫu đất rộng, phía trước mặt là con hương lộ, phía Bắc là con mương dẫn thủy nhập điền, nơi bọn trẻ chúng tôi vẫn nhào xuống bơi lội mùa nước nổi, đứa nào chưa biết bơi thì ôm nguyên một khúc cây chuối cho nổi trên mặt nước, chứ không dại nghe lời xúi bậy cho chuồn chuồn cắn rún sẽ biết bơi, nơi có cây cầu lớn bắt ngang qua, để tối tối vào những đêm trăng sáng, trai thanh gái lịch tập trung lại, ngồi trên thành cầu chuyện vãn, hát ca. Bên hông nhà là con mương nhỏ, chi nhánh từ 5 “cái lù” chảy qua, với dòng nước quanh năm suốt tháng đó, Ba tôi đã đào hai cái ao cá thật to trong vườn nhà, cá lội vào không biết cơ man nào là cá, nơi chúng tôi vẫn làm …ngư ông thả cần câu mà không cần chờ đợi, cá vẫn cắn câu ào ào, nơi mà Ba tôi trồng rất nhiều cây ăn trái, nào mận, nào mít, nào ổi, những trái ổi no tròn, chín mọng, mà có đêm, mấy tên con trai phá phách trong làng, muốn trèo mương vào hái trộm ổi, bị chúng tôi rình liệng đá ra, khiến chúng bỏ chạy nên lọt ũm xuống mương ướt như chuột lột. Nơi mà có lần người sĩ quan chỉ huy đơn vị Lính Địa phương quân qua làng, nhìn những trái ổi no tròn, trắng mọng, rồi nhìn con mương Ba tôi đào dẫn nước chạy quanh trong vườn, đã hỏi con bé lúc đó vừa bước chân vào bậc trung học có biết “dòng sông Thanh Thủy” không? Người Lính đó về sau vẫn lui tới nhà tôi ở thành phố…
Có nhiều đêm sân nhà tôi là chỗ tập trung con nít và bà con lớn bé, trai tráng trong làng, thường thì ba tôi thắp ngọn đèn “măng xông”, sáng cả một khoảng sân rộng, và trên nền sân xi măng, má tôi trải chiếu cho bọn con nít nằm nghe những người lớn kể chuyện đời xưa, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những chuyện ma, chuyện ma kéo gỗ qua làng, chuyện ngựa rung lục lạc nửa đêm với hằng ngàn quân di chuyển, chuyện ma da kéo người thay thế khi lội qua suối và cả chuyện ma cà rồng hút máu người…., dù sợ, nhưng không hiểu sao mấy đứa con nít vẫn cứ thích nghe kể, đến nỗi khi nghe xong không dám về nhà.
Những người Lính dân vệ, sau gọi là Nghĩa quân, cũng chọn nhà tôi làm “bản doanh” vì có sự lo lắng của má tôi. Bà thường “tiếp tế” cho họ nay cái áo, mai vài ký gạo đem về nhà phụ giúp gia đình vì lương lính quá ít ỏi, nhiều lúc với đàn vịt cả ngàn con, được cậu họ tôi chăn ngoài ruộng, cũng được chiếu cố thường xuyên, Nhiều lần những người Lính địa phương quân về làng công tác, cây đờn ghi-ta và cái sân rộng của nhà tôi cũng là nơi thu hút bọn con nít, ngay cả những anh chị lớn gần có gia đình, họ đến để nghe những người Lính hát và tập cho họ những bài ca như Tình lúa duyên trăng, Trăng rụng xuống cầu, Chuyến đò vĩ tuyến, Trăng thanh bình, Tình tự tin v..v. và những bài hát có những lời hát đơn sơ mộc mạc nhưng gói ghém tình cảm của người dân quê mà đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Chiều hôm nay có bàn tay lại nắm bàn tay, hứa cùng nhau chung sức vai gầy, bên luống cày chàng ca em cấy…”( tôi không nhớ tựa đề và của nhạc sĩ nào) hay “…quê em có sông Hồng thì quê anh cũng có dòng sông An phú đông, ôi An phú đông! Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng..”, hoặc “Anh đi về đâu mà chiều vàng vương trên mái tóc, anh đi về đâu mà nụ cười vẫn thắm trên môi …” Ngay cả lính trung đoàn khi về làng, nhà tôi cũng thành một phần trạm tiếp liên của họ, lúc nào cũng “Bắc bình, anh dũng, đống đa, tư tưởng, lê lai, non nước, …” những mật mã truyền tin kêu vang trong máy PRC10, thời gian chúng tôi chưa đủ lớn để biết sợ khi “Mặt trận giải phóng miền Nam” đã xuất hiện ở làng trong.
Một buổi sáng má tôi đi chợ sớm đã phải hốt hoảng trở về và cấm mọi đứa nhỏ không được đến trường tiểu học vì có “lính giải phóng” đi bắt người, nghe nói họ tập trung trong trường. Những người đi chợ sau ngang qua con lộ chính nhà tôi nghe tin dữ đều ngưng lại, má tôi lại phải trả lời những thắc mắc của họ. “Lính giải phóng” chỉ là những “thằng Chín”, “con Mận”, “chú Năm An”, “chị Bảy”, họ cũng là những …người làng, nhưng vì “bất mãn chế độ”(?), hay có cha mẹ, anh em bị bắt vì ngày trước đi KHÁNG CHIẾN CHỐNG TÂY rồi theo Việt minh. Ngay cả ba tôi cũng từng là “tù nhân” của chế độ mới sau khi có Thủ tướng NĐD. Lúc đó má tôi vừa lo buôn bán, vừa nuôi em nhỏ, lại lo lắng cơm nước cho ba tôi ở trong tù, vì nhiều khi nhà tù xã đông quá, nên người nhà phải “tiếp tế” thức ăn, và thuốc men để chữa trị khi bệnh hoạn. Và tôi, đứa con nít thường được má giao công tác “chòi” xe đạp ( chưa đủ lớn để ngồi lên yên xe, nên phải luồn chân qua đòn ngang mà đạp) đem cơm vào nhà tù cho ba. Nhưng một thời gian sau ba tôi được thả ra, vì không có tham gia với Việt minh Cộng sản. Ba tôi nói không theo VM, vì ông biết bọn CS không ưa gì những người có chữ nghĩa và thuộc thành phần địa chủ - phú nông, trong khi những người khác có liên hệ với những người đi tập kết, lại bị những người của chính phủ mới có danh hiệu “cần lao nhân vị” gì đó lùng sục bắt bớ nên tạo thêm lằn ranh quốc cộng ở miền quê, từ đó(?).
Ba tôi rời khỏi làng quê vào thành phố rất sớm, sau khi bị “quân giải phóng” bắt vào rừng vì tội “nuôi dưỡng lính quốc gia”, và được thả sau một tháng "học tập" . Dù biết rằng ba tôi đi, má tôi phải vất vả nhiều lắm, nhưng bà không cam lòng để ba tôi chịu khổ có khi chết oan uổng vì đám giặc nằm vùng. Ba tôi đi là làng tôi mất đi một người đắc lực giúp làng, từ việc nhỏ đến việc lớn, nhất là mỗi lúc có đám ma chay, thì má tôi lo vải, ba tôi may áo tang, lo tẩm liệm cho người chết. Có lần bảy người Lính cùng hy sinh trong một trận đánh lớn, họ đem xác về làng, và ba má tôi cùng dân làng đã lo tẩm liệm thật chu đáo để những người Lính có trách nhiệm đưa những quan tài trở về nguyên quán, một an ủi cho gia đình có con hy sinh ngoài trận mạc (ở làng quê lúc đó làm gì có Ban Chung sự).
Những đêm đen hãi hùng mà bọn trẻ nhỏ chúng tôi phải chứng kiến, khi mà những người mệnh danh “Mặt trận giải phóng miền Nam” xuất hiện. Hằng đêm, khi họ về làng, kéo theo những tiếng chó sủa vang rân, tiếng mõ, phèng la đánh inh trời, rồi tiếng loa rợn người trong đêm vắng “đồng bào thức dậy, mở cửa, thắp đèn lên”. Có những đêm họ đi lùng bắt những người mà họ cho là “có tội với nhân dân”, và đem đi xử bắn với một “bản cáo trạng” thật dài. Lần đó, cả nhà chúng tôi gần như chết điếng hết, khi họ đem “phạm nhân” đến “xử tử” ngay cây cầu trước nhà tôi, cây cầu đúc mà một thời gian trước đó, là chỗ hội họp của nhiều người từ già đến trẻ, chỗ có tiếng cười đùa vui, có tiếng đờn, giọng hát, và nay trở thành “pháp trường” cho họ xử tử người dân..
Đó là ông Năm thợ rèn, người dân làng độc nhất theo đạo Thiên chúa, nên mỗi chúa nhật ông phải đạp xe xuống nhà thờ lớn dưới thành phố đi lễ. Thế là họ ghép tội ông đi làm Việt gian báo cáo tình hình cho “địch”. Chẳng may đêm đó ông chưa kịp "đi ngủ" ( thường khi đêm xuống, những người đàn ông, trai trẻ bất kể trai hay gái trong làng phải đi đến nơi nào có lính đóng quân, có an ninh mà ngủ nhờ nhà dân ở đó) thì bị bắt và bị đem “xử tử”. Khi họ đọc xong bản cáo trạng thật dài, mà chúng tôi ở trong nhà nghe tiếng được tiếng mất, là một tràng tiếng súng nổ lạnh người, tiếng hét ông Năm chỉ thoáng nghe rồi im bặt. Thời gian ngắn sau đó họ đến gõ cửa nhà tôi, và má tôi là người đi mở cửa, má tôi luôn “đứng mũi chịu sào” che chở đám con như con gà mẹ sẵn sàng giương đôi cánh để che cho lũ gà con, vì anh chị em chúng tôi sợ quá rúc lại với nhau. Khi không tìm thấy người họ muốn bắt là ba tôi, họ thẳng thắn đòi tiền “ủng hộ”, một hình thức đóng thuế thân cho ba tôi. Và sáng hôm sau, những người dân đi chợ ngang qua cầu, đã hãi hùng khi nhìn thấy một xác người đã bị mất nhiều phần thân thể (bị chó ăn) cạnh vũng máu thẫm khô.
Và trước đó không lâu, nhờ ba tôi “say rượu” nên cả nhà tôi thoát chết. Chẳng qua là ngày giỗ của ông tôi, nên ba má tôi đã mời bà con trong xóm, đơn vị lính và có nhiều vị chức sắc trong làng đến ăn giỗ. Đêm đến họ muốn ở lại chơi, nhưng má tôi từ chối, vì toán lính nghĩa quân đã đưa lính đi “kích” từ chập tối, và vì ba tôi đã uống rượu nhiều nên say quá không thể tiếp khách được nữa, thế là nhóm người kéo qua nhà cậu Bảy bên cạnh.
Đêm tối trời, trong không gian thinh lặng của khoảng thời gian ngắn sau đó, một tiếng nổ thật lớn, kèm theo những tiếng súng và tiếng la khóc đến rợn người. Thì ra bọn du kích nằm vùng đã theo dõi và biết các chức sắc làng đang ở trong nhà cậu, nên quăng lựu đạn và nổ súng để giết những người trong căn nhà đó. Những người khách chạy thoát được ra phía sau vườn, nhưng em Bình con cậu Bảy đã chết một cách tức tưởi, oan khiên. Sự sống và cái chết đến liền trong tích tắc, mà người chết chưa kịp biết vì sao mình phải chết.
Có những đêm hai bên đánh nhau ở làng trong, nhà tôi cũng bị dính vào trong cuộc, khi mà dụng cụ, quần áo của các anh lính nghĩa quân luôn có trong nhà. Má tôi đã phải cùng mấy chị em tôi dấu vào lẫm lúa cho thật nhanh. Lúc những người lính nghĩa quân thất thế chạy về qua nhà, ghé vào giếng lấy nước uống, vì hấp tấp nên bỏ rơi vãi vài vật dụng trong sân nhà tôi, và chính con bé tôi, vì mùa hè nghỉ học về nhà, đã phải “cầm đèn bão” đi trước, đàng sau là họng súng dí vào gáy với con người mặc bộ bà ba đen, đằng đằng sát khí, bắt tôi dẫn ra vườn để tìm kiếm những người NQ vừa bị thương chắc đang lẩn trốn đâu đây. Lúc đó hồn vía tôi lên chín từng mây, sau lưng là họng súng lạnh băng, đằng trước là khu vườn cây lá sum suê, bóng tối dày đặc, không biết có người Lính nào lỡ núp trong đó, bị phát hiện rồi họ bắn nhau, chắc tôi là người phải hứng trọn những băng đạn nghiệt ngã. Tội nghiệp má tôi khóc lóc, năn nỉ họ để má tôi đi thế, nhìn bà thiếu điều quì lạy van xin họ tha cho tôi, tôi muốn nhào tới ôm lấy bà, ôm thật chặt má tôi, rồi ra sao thì ra, nhưng họ cứ dí súng vào lưng tôi bắt dẫn đi, may quá họ không tìm ra người Lính nào núp lại.
Lũy tre làng, con đường quê, bờ ruộng, con mương, con bò hay gánh lúa là những hình ảnh gắn chặt với đời sống người dân quê, nhưng cũng là chỗ tựa của những người mệnh danh “mặt trận giải phóng”. Họ cứ ẩn nấp làng này, hay đào hầm dưới đất, hễ có lính đi tuần thì họ chui xuống trốn, lính qua làng khác thì họ trồi lên, ban đêm đi phá rối, ngay vách tường nhà cô Ba Vân, người có căn lầu hai từng mới cất, vách dựng màu xanh đẹp mắt, thế mà ban đêm mấy ông "mặt trận" nhào ra viết nguyệch ngoạc: “Mỹ thua Mỹ rút về Mỹ, anh em binh sĩ thua rút về đâu?” . Họ có “học tập chính trị”, có chính sách đi tuyên truyền rõ ràng, trong khi vài chú Lính quốc gia thì cứ khơi khơi trước mặt bọn con nít viết lên bậy bạ: “Đi về chơi đ. khỏi trả tiền..” làm sao mà thu phục được hết lòng dân, nhất là những người có dây mơ rễ má với cộng sản?
Và cuối cùng tôi phải xa hẳn ngôi nhà thân yêu lên ở luôn thành phố, cũng để tránh luôn cái cảnh chiều chiều, lúc toán Lính vừa đi kích đâu đó, là mấy chị “giao liên” lẫn “nằm vùng” xuất hiện, đi khắp xóm lùa mấy đứa con nít tụi tui lại, rồi dạy mấy bài hát “cách mạng” nào là “chiến thắng vừa qua C3 ta đánh một đại đội địch tan xác tan hồn…” những lời hát nghe đầy ắp căm thù, giết chóc, chứ không giống những bài hát “Tía em Má em..” được Thầy dạy trong trường học hằng ngày. Nhưng khi nghe có ai đó la lên: có Lính tới! thế là mấy người đó phóng như sóc, biệt dạng, để những đứa nhỏ chúng tôi ngơ ngác vừa chạy về nhà, vừa khóc.
Những ngày ba tôi xa nhà và đám con ở thành phố vào bậc trung học ở tỉnh là những ngày má tôi phải sống trong kinh hoàng hằng đêm, dù có hay không còn ấp chiến lược, ấp tân sinh. Cứ tối trời, phía “bên kia” về tụ họp dân làng bắt phải đi đào đường, lập giao thông hào là má tôi phải đi. Sáng ngày lính quốc gia lên kêu dân đi …lấp lại đường rồi mới ra ruộng hay chợ búa, thì má tôi cũng vác cuốc đi lấp. Má tôi là người đàn bà thật can đảm, tình thương dành cho chồng con quá bao la, mênh mông như trời biển, nên cứ gồng mình sống bám làng vì ruộng vườn còn đó, thóc lúa cần có để nuôi sống chồng con trong những ngày lánh nạn CS mà chưa có việc làm, chưa tự túc được cái ăn. Gánh hàng má không còn lo nổi, vì bị “sưu cao thuế nặng” từ những người mệnh danh “giải phóng”, dù …con nợ của má tôi còn quá nhiều, nhưng cũng đành buông bỏ.
Rồi vẫn theo lời má tôi kể lại, thêm một buổi tối hãi hùng kinh khiếp, khi đám người mệnh danh “giải phóng” đó lập nên “toà án nhân dân” để xử bắn đến ba người một lúc. Họ kết tội những người dân làng tôi đã "ngoắc” máy bay đến bắn phá sào huyệt của họ, vì thông thường thì họ ở chen lẫn với dân, dùng nhà những người có thân nhân đi tập kết hoặc lên núi làm bản doanh, và cũng chính những người này, ban ngày là nông dân bình thường, làm ruộng làm rẫy, buổi tối thành những “du kích” đi đặt mìn, chỉ huy dân phá đường đắp mô, và cũng chính họ, đã đào những hầm trú ẩn, để dấu những cán bộ nòng cốt của “Mặt trận giải phóng miền Nam”, mà nếu Lính Quốc gia có đi hành quân lùng sục, hạ sát một vài người, thì chúng la làng lên là giết dân lành, mà thực chất, là những người có “dây mơ rễ má” với bọn giặc cộng như anh Bốn A, anh Bảy K, cậu Ba M…..
Má tôi kể đêm đó thật tối trời, họ bắt loa kêu gọi tất cả dân làng phải tập trung ở giữa một đám ruộng thật to của ông Ch. trước đồng trống, và ở đó có sẵn một mớ đèn dầu leo lét, vài cây đuốc ánh sáng lập lòe trông thật ma quái, trên một “khán đài” có 3 cây cột, họ cột 3 người dân làng là ông Bảy T, anh Ba H, cậu Chín, là những người “có tội với nhân dân”! Một bản cáo trạng dài đọc hoài không thấy hết, với nhiều từ ngữ lạ hoắc má tôi không tài nào hiểu và nhớ, chỉ biết họ qui tội 3 người này đã dám “ngoắc” máy bay địch đến bắn phá, tiêu diệt “cơ sở cách mạng” của họ. Và sau đó là những tiếng cắc bùm chỉa vào đầu từng người một, từng cái đầu ngoẹo xuống với tiếng la hét đớn đau ngắn ngủn ớn lạnh giữa đêm trường, dù chung quanh người là người, nhưng má tôi nói giống như cảnh âm hồn địa phủ với một lũ quỉ âm binh đầu trâu mặt ngựa đang vờn tới vờn lui phun ra mùi tử khí làm lạnh dọc sống lưng, tứ chi người bị tê liệt. Họ “xử tử” người mà chẳng cần bịt mắt, người xem cũng chẳng dám hé môi, có hãi hùng kinh khiếp thì cũng ráng mà bụm miệng lại và khóc thầm, má tôi cũng trong số những người đó.
Cuối cùng thì má tôi cũng đã bỏ làng trốn đi trong đêm tối, khi mà ở làng ngoài có tổ chức một đêm văn nghệ với đám “văn công “ của “Bộ đội”. Má tôi lấy cớ đi xem văn nghệ và trốn luôn vào thành phố ở, bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa, thóc lúa và cái máy xay gạo nằm trơ vơ không ai coi sóc. Một lần “lánh nạn Cộng sản” cũng qúa khó khăn không thua gì những người miền Bắc di cư năm 54(?). Gần mười năm sau đó, một lần nữa, ba má tôi không còn nước mắt để khóc khi thằng con trai Lính vào tù, thằng con mà má tôi thương nhất, bà không những nuôi con là Lính trong những ngày tháng trước 75, mà còn nuôi cả đám bạn Lính của con bằng những bữa cơm đầy, khi đám Lính có những ngày nghỉ phép từ Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn-Dục Mỹ.
Chỉ hai tháng sau tháng 4/75, người cháu gọi má bằng Dì, đã bị giặc bắt đem chém đầu làm gương vì tội “chống phá cách mạng” vì trước đó anh là một người cán bộ “Xây dựng nông thôn”, và dù Má tôi đã cản anh đừng về, khi anh vào nhà tôi ở thành phố tạm trú, nhưng anh vẫn về lại nhà vì được gia đình réo gọi với lời hứa sẽ được "cách mạng khoan hồng". Và cũng chính Má là người đã lặn lội đi vào các trại tù từ Cà Tum, Trảng lớn, Bù Gia Mập để thăm nuôi thằng con trai Lính...ngụy đang bị "tù cải tạo". Để rồi cuối cùng, những đứa con lần lượt xuống thuyền vượt biển, mặc cho gió to sóng cả, sống chết chưa biết ra sao. Má tôi cắn răng nuốt ngược nước mắt vào lòng đưa từng đứa con ra chỗ hẹn, thế cho ba tôi đang bị đám cán bộ khóm phường cứ dòm ngó, theo dõi. May mà phước đức nhà tôi còn đầy, nên đám con của má đã đến được bến tự do an toàn.
Bây giờ, mỗi lần con tôi ở xa về thăm nhà, khi chúng rời đi, tôi buồn khóc nhớ con đến quặn lòng, mặc dù biết rõ con đi về đâu, có điện thoại gọi từng giờ. Càng thương nhớ con, tôi lại nhớ và thương má tôi quay quắt, thắt ruột. Tôi cứ nghĩ đến cảnh bà phải chịu đựng sự xa các con, cứ từng đứa con lần lượt rời nhà ra đi mà chưa biết trôi giạt về đâu, có khi chết mất xác ngoài biển khơi không chừng, những ngày ấy má tôi buồn biết chừng nào, nhưng bà vẫn cam tâm chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, cũng không đủ mặt đàn con trong giờ phút ngậm ngùi tiễn biệt..
Tiếc rằng chúng tôi, những đứa con- cháu của má, chẳng có ai huởng được hết những đức tính của bà. Má tôi, một người đàn bà bình thường, ít chữ nghĩa, nhưng sao lại có quá nhiều từ tâm, sự hy sinh tột bực và lòng can đảm cũng như sức chịu đựng vô biên.
|
ảnh internet |
Thơ NHỚ MẸ
Nha trang, Phù đổng con về,
Tưởng nhìn dáng Mẹ đứng chờ bên hiên
Trong vòng tay ấm Mẹ hiền,
Con miên man kể nỗi niềm nhớ thương,
Từ ngày con bỏ quê hương,
Từ giã Cha Mẹ xuống thuyền ra khơi
Mẹ buồn , ngăn giọt lệ rơi
Từ trong ánh mắt vạn lời yêu thương
Tim gan quặn thắt, tình vương
Vì đâu con - Mẹ hai đường chia xa
Thu tàn, đông đến, xuân qua
Ngần ấy năm tháng Mẹ già đơn côi
Mẹ đau . Ruột đứt gan rời.
Hay tin con vội qui hồi chốn quê
Nhưng con đau đớn thẫn thờ
Sao Mẹ nỡ bỏ đi về cõi nao?
Nhìn di ảnh Mẹ trên cao
Nén hương khấn nguyện mắt trào lệ rơi.
Con về đây Mẹ thương ơi!
Nghìn thu vĩnh biệt không lời từ ly
Nguyện cầu Phật tổ từ bi.
Phóng quang tiếp độ, hộ trì Mẹ con !!!
Lê thị Hoài Niệm