Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Cảm ơn

Cảm ơn Anh nhà thơ…không có tuổi!
Suốt một đời theo đuổi những vần thơ 
 Xin lỗi Anh vì đã phải…đợi chờ
Tôi không nghĩ làm …buồn Anh đến thế! 


Kính thưa Anh, cũng vì thư đến …trễ 
Làm Anh mong,  Anh đợi chút hồi âm 
Nhận thư Anh tôi cảm động vô cùng 
Nhưng ..ngại quá chậm vần thư đáp lễ.
 
Đứng trước Anh tôi thấy mình nhỏ bé 
Anh một thời thật uy vũ hiên ngang  
Từng kiên gan điều khiển cánh Đại bàng  
 Gương chói lọi bao người trai thế hệ



Dòng thơ Anh dễ làm người…rơi lệ 
Dù đêm buồn, trăn trở với thời gian 
Tâm hồn Anh vẫn lan toả mênh mang 
Đâu vì tiếng mưa khuya buồn chắn lối(?)


Cảm ơn Anh với lời thư thăm hỏi 
Ân tình này làm.. bối rối xốn xang
Dẫu mai kia khi bấc lụn đèn tàn 
Vẫn chấp nhận kiếp người trong vũ trụ!

Nhớ nhé Anh đừng…..âu sầu ủ rũ (?)
Cứ an nhiên đi cho trọn kiếp này 
Vẫn thơ tình bay bổng giữa trời mây 
Vui sống khỏe ! người anh hùng một thuở!!!!
lthn
  

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Thơ xướng -họa


Thương Tiếc Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng

 
Thương nhớ một người gương sáng ngời
Tiếc thay Anh đã biệt trần đời!
Hùng tâm chống cộng, bầy ma quỷ
Dũng trí trừ gian, lũ bọ giòi
Yên ấm tuổi thơ cha bế ẵm
Ngủ say đêm vắng mẹ ru hời
Thiên Thần an nghỉ trong lòng đất
Thu, Hạ, Đông qua lặng lẽ trôi.

 Song Hồ
12/2013
- Hùng Dũng là tên thật của ca nhạc sĩ Việt Dzũng



Tiếc thương Việt Dzũng

Thương lắm Dzũng ơi! tâm rạng ngời
Tiếc người tài giỏi sớm lìa đời
Hùng anh đảm khí trừ quân Cộng
Dũng lược hiêng ngang loại đám giòi
Yên giấc mộng làm bao khúc hát
Ngủ đêm mơ viết lắm câu hời
Thiên niên Tiên cảnh an vui nhé
Thu biệt Dzũng buồn , lệ cứ trôi.
Hoài Niệm 12/13



Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

thế cũng đành!

Bài xướng:

Đông buồn

Đông về như gợi nỗi buồn thương?
Áo lạnh đài trang điểm phố phường.
Đỉnh tháp chim nằm im giấu mỏ,
Bìa rừng cây lặng đứng giơ xương.
Hành nhân bước vội trên thiên lý...
Hoa tuyết rơi nhanh các nẻo đường...
Chiều xuống đất trời thêm héo hắt,
Cho lòng chạnh nhớ đến quê hương.


Vinh Hồ

ảnh internet

bài hoạ :
Thế cũng đành











Có nhớ hôm mình viết chữ thương
Trên căn gác nhỏ bên hông phường?
 Vân vê tà áo e sờn chỉ
Nắm chặt cổ tay ngại buốt xương
Gần gũi chúng mình chung lối ngõ
Xa nhau mỗi kẻ một con đường
Dù tình lạnh nhạt theo năm tháng
Cố giữ sao đừng nhiễm xú hương.!

lthn

 

Nhớ Giáng sinh xưa

 

 
NOEL XƯA

(Xướng)
Giáo đường văng vẳng những hồi chuông 
Mừng Đấng Kitô vạn nẻo đường  
Vui đón Noel trên đất khách
Buồn sầu Christmas tại quê hương  
Xưa kia đi lễ cùng em nguyện    
Hiện tại vào đền khấn Chúa thương  
Vẫn cố đi tìm Chân Thiện Mỹ
 Cuộc đời lẻ bước chốn tha phương
JohnThuy 
 Melbourne  





 

 bài họa
Nhớ Giáng sinh xưa  


Thúc giục ngân dài vọng tiếng chuông
Nam thanh nữ tú dạo quanh đường
Cây thông thiên sứ lung linh sắc
Máng cỏ hài đồng ngát toả hương
Khấn nguyện Bề Trên ban hạnh phúc
Cầu xin Thượng đế giúp tình thương
Mong người dương thế an vui sống
Vượt bể trầm luân Chúa định phương
 
HNiệm.12/13

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Đêm không ngủ

Đêm nằm chưa ngủ, mơ màng
Chuyện xưa tích cũ chàng ràng bên tai
Hít-Thở - đếm mãi một hai
Đếm đi đếm lại cũng hoài công thôi
Sữa nóng, ly đầy uống rồi
Chuối chin cả trái cũng xơi như thường
Lăn qua trở lại trên giường
Cặp mắt thao láo hết đường ngủ nghê
Thức dậy pha ly cà phê
Thêm vào muỗng sữa không..chê chỗ nào
Bưng ly cà phê uống vào
 Trời đà gần sáng thức ...chào bình minh!!!!!
HN.
internet


ảnh internet


ảnh internet

 




Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

MÌNH ƠI! ( viết từ năm 1999-thế kỷ trước )

 
“  Chúng tôi vô cùng xúc động và tiếc thương khi nhận được hung tin JFK.Jr và vợ là Carylyn B Kennedy cùng chị vợ là Lauren Bessette đã đồng loạt được “Chúa gọi về” lúc 9 gờ 30 tối ngày 16 tháng 7 năm 1999 tại Hoa Kỳ, và được thủy táng ngày 22 tháng 7 năm 1999 , hưỏng dương 38, 33 và 35 tuổi.
Thay mặt gia đình Việt nam tị nạn Cộng sản, gồm vợ và các con cháu, xin thành kính chia buồn cùng hai họ Kennedy và Bessette. Nguyện cầu hương hồn ba vị sớm được về Hưởng Nhan Thánh Chúa.!”
 
Ông Tá gìa đọc đi đọc lại mấy lần lời “phân ưu” trước khi gửi đăng lên đài truyền thanh, truyền hình và báo chí VN cho phải phép. Cũng quá đầy đủ và y chang những lời phân ưu ông đã từng nghe các xướng ngôn viên đọc trên đài và đăng nhan nhản trên mặt báo. Dĩ nhiên phải khác xa hẳn lời phân ưu của cựu đại tướng xưởng đẻ V.N.G. của VC, cứ làm như anh chàng JFK Jr là con của người bạn thân thiết của mình vậy, đã chia buồn còn kể lể mối “thâm tình” trước sau nghe mà phát ớn.

Nhưng ông Tá già vẫn đang phân vân, sợ có tên ganh tị nào đó, nghe đài hoặc đọc được lời phân ưu của ông, lại chỏ mồm vào mắng: “Thấy người sang bắt quàng làm họ” thì khốn. Nhưng thây kệ, “nghĩa tử là nghĩa tận mà”! Nhân danh người tị nạn CSVN sống trên đất Mỹ, có gửi lời phân ưu cũng chính đáng thôi, vì ông Kennedy con là con trai độc nhất của ông TT cũ JFK cha mà, và ông TT Mỹ K thì chắc cả thế giới đều biết, dù kẻ ấy là dân ngu khu đen tận bên xứ Ma rốc cốc keng(?) huống chi là người VN có liên hệ thâm sâu với người Mỹ từ những năm đầu thập niên 60. Cái đám  người cố vấn Mỹ đầu tiên có mặt trên xứ Giao chỉ là bắt nguồn từ thời ông TT này mà (?) . Và người ta đồn rằng- chỉ là lời đồn thôi chứ không có chứng cớ gì hẳn hòi, ráo trọi, rằng thì là chính ngài TT này đã “đưa” Cụ Diệm và Cố Nhu về nghỉ phép bên kia thế giới chứ Chúa chưa có gọi.
 
Và xét theo tam đoạn luận kiểu củ mì, giá sống, rau muống rặc chăm phần chăm, thì gia đình Kennedy cách đây 150 năm là dân tị nạn đến sống trên đất Mỹ, nhưng người hồi đó không chính danh “tị nạn Cộng sản” như người VN bây giờ, vậy mà ngài K được làm TT xứ Hoa kỳ, vậy thì người Việt tị nạn cộng sản hẳn hoi, dù mới chỉ có 24 năm, nhưng biết đâu sau này cũng sẽ có người lên làm TT Mỹ.(?)
 
 Đúng là “đồng hội đồng thuyền” rồi, đồng bệnh tương lân, cũng cùng cảnh ngộ nên có lời chia buồn cũng rất ư là phải đạo. Nhưng ông Tá giật mình dán mắt vào tờ giấy lần nữa, hình như có điều gì không ổn. Tại sao được “Chúa gọi về” mà lại đi chia buồn, phân ưu? Chúa có để mắt tới, có ban hồng ân đến cho người nào là một vinh dự lớn lao cho người đó. Khi Chúa gọi thì mới có người …mở cổng thiên đường cho vào để gặp Ngài, nếu không sẽ phải…bơ vơ giữa trời phiêu lãng làm cô hồn, các đẳng, bóng quế, ma trơi. Vậy thì tại sao khi biết tin John John ra đi theo lời Chúa gọi, thì cả nước Mỹ, hầu như cả thế giới đều bàng hoàng xúc động, thương tiếc. Truyền hình Mỹ bỏ cả ngày trời dõi ống kính theo toán cấp cứu ra khơi tìm thi thể, và hôn lễ của người em họ phải lặng lẽ dời ngày? Rõ ràng là ai cũng buồn hết ráo, và ngay cả chính đương sự cũng chưa chắc thích đuợc “Chúa gọi về” bất tử giữa tuổi thanh xuân, tràn trề nhưa sống, tình yêu dâng đầy.
 
Nhưng biết đâu vì lời “yêu cầu” của Ông bà Kennedy mà cậu JJ phải đưa vợ  về trển sớm để…đoàn tụ gia đình? Bà mẹ Jacqueline khi làm giấy tờ đoàn tụ với chồng, hình như có gặp trở ngại gì đó, có lẽ không chịu “đút lót” nên mãi đến 31 năm sau (1994) mới được gặp lại chồng cũ (chồng mới không nói tới) . Và bây giờ thời đại văn minh hơn, hệ thống điện toán tin học nhan nhản, nên chỉ có 5 năm theo diện mẹ con là đã được ra đi, nếu là …công dân Mỹ! Vậy đáng lý ra phải chúc mừng cho họ, cả thế giới phải đốt pháo góp vui với họ, sao lại buồn rầu, thương tiếc?
 
Nhưng ở đời, từ cổ chí kim, có bao giờ thấy có người chết mà người sống lại vỗ tay cười vui hớn hở? (có một vài giống người ở châu Phi là vui cười ca hát khi có người nằm nín thở trong quan tài ?)  họa chăng chỉ có…thằng điên vùng bến Hạ, và những kẻ thù không đội trời chung, mới “trù ẻo” cho con mẹ cà chớn hay thằng cha cà giựt chết sớm cho khuất mắt. (Hồi xưa ở xứ VN xa lắc bên kia bờ đại dương, có một bọn người chuyên môn đi đặt mìn cho cầu sập, đào đường chôn mìn hay quăng lựu đạn cho người chết, chết càng nhiều “thành tích” càng cao.)
Làm gì mà ủ rủ buồn rầu như nhà có đám tang vậy?” là câu hỏi đầu tiên khi thấy mặt em buồn, mắt em ướt. Ngày nàng công nương Diana đi “chơi đêm”  với người tình giàu Ả rập, chẳng may bị lật xe chết tuốt, trên thế giới có quá nhiều người khóc, có bà ôm bó hoa đứng khóc tồ tồ, có khi khóc còn hơn chính mẹ bà ta bị ..chết. Giờ đến lượt chàng John John, biết bao nhiêu là hoa đem đổ sông đổ biển.
Người ta buồn thương tiếc rẻ bao nhiêu thì khối óc lại nảy sinh ra nhiều câu hỏi tại sao và tại sao? ( không ai  còn để ý đến chuyện được Chúa gọi nữa rồi) Họ thắc mắc có phải vì cái “huông” của dòng họ? vì “chữ tài liền với chữ tai một vần”? Vì “hồn ma bóng quế” của nàng Kiều nữ Mary-linh mông rô? Hay vì tính mạo hiểm nhưng lại bất cẩn xem thường mạng sống v.v.v.? Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra và chưa ai cầu được hồn của John John lên để có câu trả lời thỏa đáng.
 
 Nhưng đó là người Mỹ hỏi, còn ông Tá thì nghĩ khác, chắc tại tuổi của chàng John gặp ngày kỵ, hay là năm tuổi, xuất hành không chịu coi hướng, nhằm “ngày Tam nương” mà không chịu cúng sao, giải hạn cúng cam  nho chuối táo chè xôi, để đến nỗi ba bà đói bụng phải đi kiếm ăn, đang vân du ở giữa lưng trời, mắt mờ ( bị bịnh xấu đói, trời mờ sương đêm), chợt nhìn vào bên trong chiếc máy bay con, thấy chàng đẹp giai, con nhà quyền quí, lại ngồi kề đến những hai người đẹp, chút máu ..sản hậu nổi lên, ba bà bèn vung cây phất trần lên, phất một phất thật mạnh, nếu thiên lôi bay ngang còn bị té chổng gọng, huống gì chiếc máy bay nhỏ xíu có mấy chỗ ngồi..
 
Người Việt ta kỵ con số 3 lắm, con số cho là xui xẻo. Gia đình nào có 3 người thì đành chịu, miễn bàn, chớ bạn bè ít có ai thò 3 cái đầu chụm nhau để chụp một tấm hình làm kỷ niệm, xui tận mạng (?), nếu không đi xa thì cũng bị …tai trời ách nước dành cho một trong ba, chẳng vì dzậy mà hồi năm nẳm thời VNCH có ông nhạc sĩ làm bài hát mới vô câu đầu “Mình ba đứa hôm nay gặp nhau” ổng bèn phán tiếp câu “ …chia tay rồi đây mỗi người đi một đường, chuyện tâm tình thôi đành dở dang, siết tay nhau một lần kết chặt tình bạn thân (Ly cà phê cuối cùng ). Thấy chưa, hễ 3 người là xui xẻo lắm, mới gặp là đã chia tay. Còn có “Chuyện 3 người” mới tức cười : “một người đi với một người, một người ngáp ngáp một người ngất ngư, người kia chẳng biết làm sao, thôi ta đứng lại buồn hiu đứng nhìn” rõ ràng là xui tận mạng, vô thêm làm chi cho khổ.
 
Hiện tại ở xứ Mỹ này cũng dzậy, có ngài Tông Tông đó, nếu có hai ông bà thì đâu có chuyện gì xảy ra, tự nhiên ông …bò què bột quẹt thêm một nàng Pola làm chi để bị đưa ra 3 toà quan lớn kiện tụng lung tung. Sau khi tưởng êm chuyện, ông bèn rớ thêm em Monica nên mới ồn ào cả thế giới đều để ý. Đấy là chưa kể tới chuyện nàng  Kiều ngày xưa, nếu chàng Thúc sinh ở yên với Hoạn Thư, đừng  ôm thêm nàng Kiều, thì đâu có chuyện uýnh ghen thần sầu quỉ khốc, Rồi chuyện ngài TT của nước An nam xưa, có thêm nàng …ca sĩ làm chi cho bà lớn tức giận …tống cho đi chỗ khác chơi. Đã bảo số 3 xui tận mạng mà. Chuyện “một ông hai bà cửa nhà đổ nát “ là vậy. Nhưng mà một bà hai ông thì chỉ có nước thành …táo quân may ra mới tồn tại với đời. Nói cho tận cùng thì số 3 thật xui. Dù đứng riêng lẻ hay đứng kèm với một số nào cũng thấy xui, như “thứ sáu mười ba”, còn có câu “mồng năm mười bốn hăm ba, đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn, về tuổi tác thì “31 chưa qua 33 đã tới”, cũng là nói về chuyện xui xẻo, chết sớm chắc chưa tới phiên Chúa gọi..
 
 Mèn ơi bà vợ ông JJ lại có tới hai số 3 lận, 33 tuổi đó, rõ ràng là tới số mà, nằm trong số 33 đã tới! Còn người chị vợ cũng chỉ mới ba lăm, và anh J cũng chỉ mới ba tám. Tòan là số xui không hà, một số 3 đã ngóc đầu lên không nổi, ở đây lại tới 3 lần 3 thì không chìm lỉm ở độ sâu 35 thước dưới biển sao được ? Nhưng dù gì thì người chết cũng đã chết rồi, không hiểu khi còn sống anh ta có lần nào đọc thơ của thi sĩ họ Du không : khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển?”, nên bây giờ đã nằm yên dưới biển.
 
Người thanh niên đẹp giai xứ Mỹ đã không thể nào sống lại để nghe những người sống bàn loạn lung tung, nhất là những người Việt Nam tị nạn Cộng sản đang ở trên xứ sở của anh, họ đem so sánh loạn xà ngầu. Những phi công lái máy bay chiến đấu bị hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc sao lại…giống anh chàng công tử lái máy bay chở vợ đi ăn cưới? Một chàng play boy chưa hề nghe nói cho dân khốn khổ một tì sao lại giống công nương Diana, người đã bỏ khoảng thời gian dài lo giúp cho người cùng khổ, bịnh tật, đau khổ vì mìn.
 
Và điều làm ông Tá để ý là vào một buổi sáng tinh mơ, trong lúc đang làm ..vệ sinh cá nhân, vô tình ông nghe qua làn sóng điện la-dô, một “xướng ngôn ..nam chuyên nghiệp” hỏi một “xướng ngôn …nam  chuyên nghiệp” khác, từng là một “phóng viên chiến trường xưa” rằng thì là: “tại sao anh chàng JJ lái máy bay thì bị rớt chết, còn bạn có thể sống sót được với mạng lưới lửa đạn  phòng không của địch từ dưới bắn lên tua tủa?” Lạy Chúa tôi! Ông tá nghe mà muốn ..nín t..... Đã tự nhận là “truyền thông chuyên nghiệp” mà đặt một câu hỏi xem ra không chuyên nghiệp tí nào, lại “vô duyên-lãng xẹt”, trong khi người được …hỏi chỉ …cười, không chịu "đinh chính", làm như mình là một trong“chuyên viên tổ lái”(từ ngữ VC) .
 
Anh chàng JJ là tay phi công non nớt, cầm lái chiếc máy bay dân sự chỉ mới học bay và có 160 giờ bay, đã vậy lại còn làm “một chuyến bay đêm” trong trời tối, sương mù, gió lay mất cao độ đường bay nên rơi tùm xuống biển, sống sao nổi? Còn mấy ngài phóng viên chiến trường năm xưa làm gì có…quyền rờ mó tới cần lái máy bay nhỉ?, có chăng quí ngài chỉ là những THÁP TÙNG TỬ, nói nôm na là là …chết theo vậy thôi. Và đối với phương tiện di chuyển bằng máy bay chiến đấu, nhất là trực thăng, họ chỉ là những …hành khách bất đắc dĩ, có nghĩa là mấy quan ngài tài xế máy bay trực thăng cho họ…đu theo, thì họ được leo lên ngồi thùng. Và thường thì họ đi …theo phái đoàn quan lớn để thị sát chiến trường lúc trận chiến…sắp tàn..

ảnh internet

 
 Vậy những người được quan tâm, hỏi tới và vinh danh họ phải là những...tài xế máy bay chiến đấu, nhất là trực thăng! Chính những người hùng không gian đó mới là những anh hùng gan dạ, dũng cảm, can cường. Kinh nghiệm bay bổng của họ có thừa mới lèo lái con tàu vượt qua giàn lửa đạn phòng không tua tủa của địch. Họ không than vãn “Đi không ai tìm xác rơi” để mang từng bịch gạo sấy, lon thịt hộp, thùng nước uống tiếp tế cho những đơn vị bạn từ cao nguyên thăm thẳm, đồi trọc hoang sơ, hay vùng đồng bằng sông rạch lẻ loi, bị quân địch vây hãm. Hoặc đem những thương bệnh binh về quân y viện để cứu chữa kịp thời, hay chở từng đơn vị bạn ra chiến trường diệt địch… Vậy thì, xin thay mặt gia đình nhà Tá, gồm vợ và các con cháu, xin hân hạnh VINH DANH những anh hùng tài xế máy bay đã không dễ dàng để bị TỬ, nên các ngài tháp tùng tử khỏi TỬ,  và cũng xin chúc mừng các ngài tháp tùng tử đã không bị TỬ theo. Hỏi mà làm chi cho má nó khi cho ba nó buồn vậy?!
 
 Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì anh biết không?  Để tránh nghi nan, đừng có vu oan
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì anh biết không? để biết yêu nhau, dẹp bớt thương đau
Sống trong đời sống cần có người thật thà để làm gì anh biết không? để bớt chướng tai, đừng có bịp ai..”

 
_-Mình ơi mình à, mình đang hát bài ca của nhạc sĩ họ Trịnh hả? nhưng mình hát sai lời rồi. Ông Tá gọi bà vợ đang nghịch ngợm ngọng nghịu với lời ca lạ tai.
-Em hát bài của ông ta hồi nào, câu này ai không nói được, bài hát của ông ta chỉ để…GIÓ cuốn đi, vậy thì có tấm lòng để làm gì, em có chủ đích đàng hoàng à nhen..
-Ừ vậy thì được, tui nghe cũng có lý lắm, ít ra mình làm cái gì cũng phải thật thà, có tấm lòng tốt cũng phải thể hiện cái tốt của mình. Việc gì mình làm được tốt hôm nay không nên để ngày mai, và ố là là mình ơi mình à, sống trong đời sống cần có một tấm lòng để vợ chồng biết yêu nhau…… đi đi đi theo tui!!!!!!!!!
Lê thị Hoài Niệm

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Houston gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão Haiyan tại Phi Luật Tân



Phóng sự của VOA - Phát thanh thứ Tư, 27-11-2013

Nguyễn Phục Hưng thực hiện


Trận cuồng phong Haiyan, hay còn gọi là Hải Yến theo tiếng Việt, được coi như một cơn bão lớn nhất trong lịch sử địa cầu, đã đánh vào Phi Luật Tân ngày 8 tháng 11 năm 2013. Tính đến nay, trên năm ngàn (5000) người đã thiệt mạng, hàng ngàn người vẫn còn mất tích và khoảng nửa triệu người dân Phi đang sống cảnh màn trời chiếu đất, đói lạnh và bệnh tật. Thảm cảnh ập xuống người dân Phi Luật Tân đã gây xúc động cho toàn thế giới, đặc biệt cho cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ. Cùng với cộng đồng thế giới, người Việt tại Houston đang nỗ lực quyên góp, để giúp cứu trợ các nạn nhân tại Phi Luật Tân.
Ngược thời gian gần 40 năm trước, người dân và chính phủ Phi Luật Tân đã cưu mang hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi tị nạn Cộng sản, sau biến cố 1975 và cả vài thập niên sau đó. Người Việt tị nạn Cộng sản luôn luôn ghi nhớ và mang ơn dân tộc Phi Luật Tân.  Rất nhiều nguời cảm thấy có trách nhiệm, cần phải tích cực và khẩn trương trợ giúp cho nạn nhân bão Haiyan trong cơn hoạn nạn này.  Chiều Chủ nhật, ngày 17 tháng 11, một buổi văn nghệ  gây quỹ được cấp tốc tổ chức tại Trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Houston và Vùng Phụ cận, để quyên góp từ các đồng hương, trong khi các cuộc gây quỹ qui mô hơn đang được tổ chức tại Houston.

 

Mở đầu buổi văn nghệ gây quỹ tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, Luật sư Teresa Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng, kêu gọi đồng hương nỗ lực đóng góp giúp các nạn nhân và Cô hứa sẽ "đóng góp tương xứng" với tổng số tiền do đồng hương đóng góp:

“Cá nhân chúng tôi sẽ match, hôm nay, thí dụ quí vị cho 10 ngàn (dollars), chúng tôi sẽ match với cộng đồng.”
Cô Phan Dụy, Ủy viên Ngoại giao trong Hội Đồng đại diện Cộng Đồng, thì cho rằng, ngoài lòng biết ơn Phi Luật Tân đã giúp đỡ người Việt trên bước đường tị nạn, người Việt cần phải yểm trợ nạn nhân bão lụt Phi Luật Tân vì họ còn là đồng minh của Việt Nam trong nỗ lực chống lại sự xâm lăng của Trung quốc trên biển Đông:
“Phải nói rằng là những người Việt Nam trên đường tìm kiếm Tự Do đã phải mang ơn nước Phillipines rất là nhiều. Ở đó không những là có trại ti nạn, mà đó cũng là nơi mà trước khi chúng ta tới các nước tự do khác. Phillipines cũng có những sự  tranh đấu chống lại người Tầu, giống như Việt Nam, mà mình cũng mang ơn họ nữa cho nên rất là nặng nợ. Kỳ này chắc chắn mình phải tỏ lòng biết ơn và giúp đỡ...”
Một đồng hương hiện diện là Ông Lê Phát Minh cũng đồng ý là người Việt tị nạn có nhiều liên hệ với dân Phi Luật Tân và hai dân tộc cần có sự hỗ trợ lẫn nhau vì tình người và ân nghĩa:
“Người Việt Nam tị nạn ở đây, ít nhiều cũng có liên hệ với Phi Luật Tân, nhiều người đã từng ở trại tị nạn nhiều năm, cũng như chuyển tiếp, chẳng hạn năm 1975 tới Mỹ đây thì cũng đã có chuyển tiếp tại Phi Luật Tân. Tôi nghĩ giữa hai dân tộc có sự liên hệ cần phải  hỗ trợ, trước đây có nhiều quốc gia khác bị thiên tai, thì chúng ta đều giúp, huống gì đối với Phi Luật Tân, thì khi nghe tin tôi phải đến đây để yểm trợ đóng góp phần nào cho sự đau thương của người dân Phi Luật Tân.”
Một đồng hương khác là ông Mạnh Xuân Thái cũng cho rằng những người tị nạn cần phải bày tỏ lòng biết ơn với dân Phi Luật Tân:
“Người tị nạn chúng ta cần phải giúp (các nạn nhân bão Haiyan) để cho nhân dân Phi Luật Tân hiểu được là chúng ta không quên sự giúp đỡ từ chính phủ và nhân dân Phillipines.”
Nhà văn Hoài Niệm tâm sự là trên đường vượt biển tìm tự do, thuyền của bà lâm nạn và đã được thuyền chài Phi cứu giúp. Bà chia sẻ:
“Là một người đã từng ở Phillipines, được người dân Phi cứu giúp, cho nên bây giờ tôi muốn đền đáp chút nghĩa ân đó đến tất cả những nạn nhân của cơn bão.”
Mặc dù tổ chức gấp rút, buổi gây quỹ của Ban đại diện Cộng Đồng, cùng với sự đóng góp tương xứng của Luật sư Teresa Hoàng, cũng thu được hơn 20 ngàn Mỹ Kim. Số tiền này sẽ chuyển đến tòa Lãnh Sự Phi Luật Tân tại Houston.  Ngoài buổi gây quỹ tại Trụ sở Cộng Đồng, còn có cuộc gây quỹ quy mô hơn, kéo dài vài tuần lễ tại Houston để yểm trợ nạn nhân bão lụt Haiyan do Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Phi Luật Tân tổ chức. Ủy ban này có sự góp mặt của nhiều tổ chức thiện nguyện và hội đoàn từ thiện, tôn giáo, các cơ quan truyền thông, văn hóa người Việt tại Houston.  Nhân mùa Lễ Tạ Ơn, các thành viên thiện nguyện trong Ủy Ban đi gây quỹ tại hầu hết các khu thương mại lớn có đông người Việt cư ngụ. Ngoài ra, vào Chủ nhật, ngày 1 tháng 12, Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Phi Luật Tân còn có một cuộc đi bộ để gây quỹ.  
 
Sáng Chủ nhật ngày 24 tháng 11, tại khu chợ Hồng Kông, ông Hoàng Xuân Lý, một thành viên trong Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Phi Luật Tân, đang kêu gọi đồng hương cứu trợ nạn nhân bão Hải Yến. Ông  cho biết là cộng đồng người Việt Houston hưởng ứng nồng nhiệt công tác cứu trợ và số tiền do Ủy Ban quyên góp tại Houston đã vượt quá ngân khoản mà Trung Quốc và nhà nước Việt Nam  trợ giúp các nạn nhân Phi Luật Tân:
“Tính cho tới chiều ngày hôm qua, tức là ngày thứ Bảy, là chúng tôi đã thu được trên 115 ngàn.”
Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay đối với người Việt tị nạn Cộng sản có một ý nghĩa đặc biệt.  Đa số họ đang hướng về các nạn nhân bão lụt Phi Luật Tân, nhớ lại những ân tình chan chứa trên bước đường đi tìm tự do và mong muốn làm một chút gì để ấm lòng những nạn nhân bão lụt mà cũng là ân nhân của họ năm nào.  Xin mượn những lời thơ của nhà văn Lê thị Hoài Niệm, do chính tác giả đọc, trong ngày gây quỹ để diễn tả tâm tư này:
"Tôi thương em! với tấm lòng tha thiết
Kêu gọi Người để đền đáp nghĩa ân
Nhớ ngày nào đi tìm chốn dung thân
Trốn Cộng sản, Phi luật Tân tạm trú
Bao nhiêu năm tự do, tiền có đủ
Chắc nhiều người muốn cứu trợ “ân nhân”?
Nước mắt rơi trước cảnh tượng thương tâm
Nhanh tay nhé! Giúp nạn nhân cơn bão!!!"

Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas.

 

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Nắng đã lên rồi





ảnh internet


        Thế là “thuyền đã ra cửa biển”! Và bây giờ tôi đang ngồi trên chiếc ghe con dài không quá 12 thước, trôi 1ênh đênh trên mặt đại dương, chung quanh là trời và nước mênh mông, mặt nước màu xanh đậm hơn mây trời và có lúc gần như tím sẫm. Mới đó mà đã sáu ngày rồi kể từ buổi chiều tôi từ giã cha mẹ để ra đi. Mẹ tôi đã không nén được tiếng khóc và gần như muốn xỉu, cố nuốt ngược nước mắt vào lòng, còn ba tôi chỉ lẳng lặng thở dài nhìn con và cháu dắt xe đạp ra khỏi cổng. Và cũng từ lúc chiếc xe lam dừng lại đón khách ở cạnh Tháp Bà rồi đưa chúng tôi đi về hướng Ninh Hòa, mãi cho đến khi chiếc xe thắng gấp lại và một giọng nói đàn ông thật nhỏ nhưng sắc lạnh trong đêm tối thùi lùi làm tôi nổi da gà:

             -Đ.M.! Đến nơi rồi không chịu xuống cho lẹ, bộ chờ bị bắt hết cả đám hả?

            Thế là nhào xuống xe. Xe ngừng bên con dốc, nhìn xuống dưới chẳng thấy gì, nhưng mặc kệ, mạnh ai nấy tuột, xuống được chân dốc rồi, trong khi ngồi trốn tránh công an, nhìn ngược 1ên đường cái, gặp lúc có chiếc xe đò chạy ngang qua le lói ánh đèn mới thấy mọi người quá can đảm, vượt biết bao nhiêu chướng ngại vật: cành cây, gai nhọn, đá sỏi v.v.v, nhưng không thấy người nào kêu đau, ngay cả thằng cháu tôi vừa 1ên sáu tuổi. Rồi đoàn người phải di chuyển thật lặng lẽ từng bước, từng bước đạp đúng theo dấu chân người dẫn đường lội qua hết một đám sình lầy cao đến tận đầu gối để đi về hướng bờ đầm, và tiếp tục ngồi thuyền thúng, thuyền con để họ chèo đi gần suốt cả đêm mới tới được một đảo hoang và ở đó chờ ghe lớn tới. Chờ hơn hai ngày trên đảo nhưng tôi có cảm tưởng dài hơn hai tháng. Sự hồi hộp, lo lắng, nôn nao, sợ sệt, hình như mọi từ ngữ để diễn tả tâm trạng bất ổn của con người đều có ở trong tôi lúc đó. Một tiếng động cỏn con trên cành cây cũng làm tôi giật thót người, tiếng máy bay nghe từ đâu đó cũng cứ tưởng nó đang bay dò tìm người vượt biên, rồi đi báo cho công an bắt mình về tra tấn.

            Cuối cùng thì chiếc ghe mọi người mong đợi đã xuất hiện. Đêm tối mò, nước biển lạnh ngắt nhưng ai cũng cố lội để được leo lên ghe. Ồ, mà sao người ở đâu lại đông thế ? Đám người đi trốn của chúng tôi hơn ba chục mà sao giờ này đông thật là đông vậy. Người ta còn la hét, kêu réo, rủ rê nhau bỏ ghe con để leo lên ghe lớn. À, thì ra dân làng ở đó biết chỗ này có chuyến ra khơi nên kéo ra đi cho có bạn. Đi vượt biên mà họ cứ ngỡ là một chuyến đi chơi xa (?). Bởi vậy mà ghe đầy ắp, tôi kiếm được một chỗ ngồi trên khoang gần phòng máy, bỏ tay ra khỏi be ghe là đụng nước. “Đi kiểu này chắc chết, ở trong đầm thì không sao, chứ ra ngoài có một đợt sóng nhỏ là chìm liền, ghe quá sức nặng, chắc đi không nổi đâu !”. Tiếng ai đó phàn nàn, mọi người xôn xao bàn tán:

            -Như vậy làm sao đi được, đi chết là cái chắc!

            Tôi cũng âu lo như mọi người. Nhưng ai cũng muốn đi, có ai chịu leo xuống để cho ghe nhẹ bớt? Tôi lại đưa mắt nhìn đám người ồn ào trên ghe, có ba người thanh niên làm tôi chú ý. Họ mang súng trên người và đang từ mui ghe bước qua đám người nằm ngồi ngổn ngang đi về hướng phòng máy. Họ leo vào trong đó hồi lâu, tôi lại tò mò nhìn theo và cố ý lắng tai nghe họ nói chuyện nhưng nào có nghe được gì vì cái đám đàn bà, con nít quanh tôi đang cãi nhau vì một chỗ ... nằm. Tôi ngồi sát vào tấm ván gỗ phòng máy, ôm trọn thằng cháu vào lòng, nhường một chỗ nhỏ cho thằng em trai, nhưng càng lúc nỗi lo sợ càng ùn ùn kéo tới.

            -Đi không được, họ trở vào chắc mình chết mất! có người lên tiếng than phiền.

            Chiếc ghe vẫn trôi nhè nhẹ trên mặt nước và đến gần một điểm sáng. “Cướp ghe!” Tiếng ai đó vừa phát ra âm thanh ngắn gọn như một lệnh truyền nghe sao rờn rợn.   

            -“Tội chết đi, ghe người ta làm ăn mà!” Tiếng phàn nàn chưa dứt đã bị tiếng nói ban nãy át đi.

            -Ai nói đó có im mồm đi không? Bộ muốn chết hết cả đám hả? Ghe là ghe quốc doanh, ghe nhà nước chứ ghe gì của họ!

            Im lặng trong chốc lát, chợt điểm sáng mất tiêu. Có lẽ chiếc ghe kia đã đoán được tai nạn sắp xảy đến cho mình nên tắt đèn chạy trốn? Tôi nghĩ thầm như vậy nhưng đôi mắt cứ mở trừng trừng nhìn xuyên vào màn đêm, một nỗi lo sợ khác lại ùn kéo đến. Nghĩ đến tiếng cướp ghe của ai đó vừa rồi tôi lại rùng mình. “Vì tìm con đường sống mình cũng đồng lõa với tội phạm?” Lý trí, lương tâm, bản năng sinh tồn đang dằn co dữ dội trong tôi, dù tôi không là kẻ khởi xướng. “Nếu họ cướp ghe thật, những người dân chài lưới kia rồi sẽ ra sao? Cuộc sống bình thường vốn dĩ đã quá đói khổ rồi, giờ lại mất phương tiện làm ăn...”

            Lại một điểm sáng le lói phía xa xa, chiếc ghe chạy chầm chậm về hướng đó. Như một phim trinh thám. Chiếc ghe tôi ngồi bèn tắt máy, cặp sát vào ghe lạ và ba người mang súng khi nãy nhảy phóc sang:

            -Có dầu không cho xin một ít đi coi?

            Không nghe tiếng trả lời. “Rắc, rắc, rắc”. Nòng súng lên đạn nghe lạnh người. “Xạch, xạch, xạch”, ba cái thuyền thúng đen thui vừa được liệng xuống nổi 1ềnh bềnh trên mặt biển đen ngòm.

            -Đi không? Đi thì ở lại, không thì nhảy xuống nước lẹ 1ên!

            Có tiếng nói gì đó tôi không nghe rõ, chỉ thấy ba bóng người phóng xuống nước ùm ùm. Có tiếng la vói:

            -Tội quá mấy ông ơi! Ghe tụi tui làm ăn mà, mấy ông lấy đi rồi lấy gì tụi tui đánh cá để nuôi vợ con?

           Tiếng máy ghe nổ làm át tiếng la bên dưới. Thời gian trôi không quá năm phút. Tôi chợt thấy mắt mình cay cay, rùng mình một cái vì lạnh (?). Rồi tôi nghe thấy có tiếng nói từ cõi xa xăm vọng về càng lúc càng rõ:

            -Phải có thêm ghe đó cứu lấy bao nhiêu mạng người trên chiếc ghe này. Đừng lo lắng cho họ, rồi họ sẽ được cứu. Đừng buồn nữa!

            Và rồi những người có súng đi lùa người sang bên chiếc ghe vừa cướp được:

            -Tất cả những người đàn ông con trai đều phải nhảy sang bớt bên kia.

            Một người đàn ông truyền 1ệnh. Nhưng mọi người trên ghe như còn đang bàng hoàng, sửng sốt nên vẫn ngồi bất động. Sau một màn hò hét, dọa nạt liệng xuống biển nên tất cả những người có thể nhảy được đều đã nhảy sang ghe mới kể cả người em trai tôi và người dẫn mối. Hai chiếc ghe chạy liền nhau khởi đầu một chuyến vượt biển.

         Tiếng máy ghe nổ xành xạch và chiếc ghe vẫn lướt nhẹ sóng đi về giữa lòng đại dương xanh thẳm. Một chuyến viễn du có phải? Không! Đoàn người đang mạo hiểm đi tìm sự sống bên trong nỗi chết mà! Đâu phải ra khơi để biết mặt trùng dương, biết trời bao la như tâm hồn của người nhạc sĩ trong nhạc phẩm Viễn du. Biết gì đây với sự trốn chui trốn nhủi, với nỗi lo âu, nào công an biên phòng, nào hải tặc, ghe chết máy, đói, khát và những trận ói mửa thấu tới mật xanh, mật vàng, với cái nóng cháy da ban ngày và sự lạnh buốt ban đêm. Chung quanh tôi những khuôn mặt ngày đầu xa lạ giờ cũng đã quen, dù sao thì một đám đàn bà, con gái không thôi nên dễ bề bắt chuyện làm quen, nhưng chỗ ngồi ai nấy giữ, ai dám đi tới đi lui trên chiếc ghe con chòng chành trôi giữa biển khơi? Ngoại trừ hai chú phụ lái kiêm thêm công việc phát nước và cái ông tên Thân kia, chắc ông ta tuổi con Khỉ, không những có cái bản mặt loắt choắt thật khó nhìn, còn bị té thùng đinh nữa (mặt rỗ) nên càng tăng thêm vẻ... xấu, đã vậy ông ta thỉnh thoảng ló mặt ra khỏi phòng máy hò hét người này, kẻ nọ, nếu họ muốn xin thêm miếng nước uống. Không biết ông ta làm chức gì trên chiếc ghe con này, nhưng có một điều chắc chắn tôi biết vì qua giọng nói, chính ông ta là người phát ra lệnh cướp ghe từ cái đêm hôm ấy. Và bữa nay, cũng chính ông ta ban lệnh: “Nước uống gần hết, mỗi người chỉ được uống hai lần trong ngày, mỗi lần một nắp bi đông thôi!”. Có còn hơn không. Chỉ còn độ vài ba ngày nữa là sẽ đến đất Phi. Ông ta bảo thế.

            Nắng dịu dần, chiều đã xuống, ráng đỏ của mặt trời như trái banh tròn khổng lồ nhìn đâu cũng thấy, bỗng chốc lẩn khuất ở xa tít tận đâu đâu, nhường chỗ cho bóng đêm lù lù đi tới. Khí trời mát hẳn lại với những cơn gió nhẹ lướt qua. Chiếc ghe con vẫn lướt đều trên biển nước mênh mông vô tận, mặt biển phẳng lặng như mặt hồ lúc đứng gió, phản ảnh lên một màu tím sẫm loang loáng như gương, mờ mờ ảo ảo trong không gian, tôi tưởng mình có thể nhoài người ra khỏi be ghe để đếm xem có bao nhiêu con cá heo đang đùa giỡn rượt nhau bên dưới, đàn cá đuối đang lượn lờ bơi lội cạnh chiếc ghe, và cả những con cá chuồn - tôi đoán thế, với cái mỏ nhọn hoắc dài cả thước, đang lội lờ đờ, bỗng phóng mình bay vút lên thật cao rồi đánh ùm xuống nước, không một tí bọt nước văng lên. Tôi lại nghĩ dại, lỡ có kẻ nào bị nó phóng trúng chắc bị lòi ruột, tiêu đời. Và còn bao nhiêu loài cá nữa đang tự do bơi lội, đùa giỡn giữa biển khơi? Chúng mày có biết chăng những con người khốn khổ đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, từ bỏ cả cha mẹ, người thân yêu để ra đi, dù biết rằng cái chết đến gần hơn sự sống  nhưng vẫn phải đi vì hai chữ Tự Do, vì không muốn làm nô lệ cho loài quỷ đỏ.

          Trăng lên cao muôn hoa sóng giăng đầy, tàu lắc lư làm sao viết thư tình, trăng đại dương không đủ viết thư đêm...” Tiếng hát của Nam ở đằng trước mũi ghe đã gây cho tôi sự chú ý, dù giọng hát có trật tông, sai nhịp vài chỗ. Ồ, sao đêm nay tự dưng cậu ta lại chọn những bài hát hợp tình hợp cảnh quá vậy? Mấy đêm rồi trời yên biển lặng, chuyến hành trình của chúng tôi đi không gặp một trở ngại lớn nào, nên hầu như mọi người quên đi chuyện ghe tàu, và ai ai cũng lấy làm “phấn khởi” dệt nhiều mơ ước cho riêng mình, trong đó có Nam.

            Cậu ta vui vẻ nên mỗi lúc đêm xuống trăng lên, gió vờn nhè nhẹ cũng là lúc cậu ta ngồi trước mũi ghe hát hết bài này sang bài khác, có lúc trật đầu lộn đuôi, nhưng đám thính giả bắt đắc dĩ cứ vỗ tay đôm đốp làm cậu ta khoái chí hát hoài cho đến khi… mệt không thèm hát nữa.

            Nhưng những bài hát của những đêm qua không gây nhiều xúc cảm trong tôi như đêm nay. Kể ra thì Nam cũng nhớ dai thật, cậu biết được rất nhiều bài hát, và tôi cũng biết nhiều về Nam vì cậu ta thường ngồi sà xuống cạnh chỗ tôi mở bầu tâm sự:

            -Chị biết hồi trước em làm nghề gì không? Đi bụi đời đó! Hì! Hì! Hồi đó nhỏ ngu bỏ mẹ, cứ tưởng thoát ra được khỏi nhà là tự do làm theo ý muốn, đến chừng xài hết tiền, tiền ăn cắp của ba má đó, bị đói, úi chu choa cái đói nó hành mới ngất ngư luôn, hết tiền rồi thì đâu có bạn nào chịu chứa, thế là đói quá phải đi kiếm ăn, bạ đâu kiếm đó, bất cứ thứ gì, tối lại ngủ ở vỉa hè hay chui trong sạp chợ. Chật! Nhiều bữa nó lạnh rút xương nhưng đâu dám dìa lại nhà, sợ ông già ổng đánh. Thế là lỡ, cho lỡ luôn, bèn xin đi nhập bọn tụi nó, rồi được huấn luyện để làm ăn. Ồ cái gì chứ ba cái thứ đồng hồ, giây chuyền v.v.v., em chỉ cần đưa tay bấm một cái là vật đó đã nằm gọn trong tay em rồi, hì hì, nhưng lâu lâu cũng bị cớm chụp, lúc đó thì ráng mà lãnh đòn. Nhưng sau đó tụi nó rủ em vào Cam Ranh, đổi nghề làm ăn. Chị biết em làm nghề gì không? Đổi nước cho mấy chỉ! Nè, chị đừng có nhăn mặt được không. Đó là em kể cho chị nghe chuyện hồi nhỏ em ngu như vậy mà. À! Mà chị phải biết là hồi đó em làm nhiều tiền lắm à nghe. Cái bọn Mỹ to đầu mà ngu bỏ mẹ đi, nhất là mấy tên Mỹ Hải Quân, mình đã... móc túi nó gần hết tiền mà nó còn cho mình tiền thưởng nữa chứ. Hì, hì, bởi vậy nên tụi em rất thích Mỹ, mà bị bọn CS chiếm thì làm sao mà ở được. Hồi đó đành phải về nhà đi làm rẫy nhưng cứ vái trời Mỹ trở lại, dù phải đi cầm súng quánh tụi VC em cũng ham nữa, còn đỡ hơn là phải đi nghĩa vụ quân sự qua bên Miên chết uổng mạng. Rồi có bữa kia, em gặp thằng bạn nó rủ em: “muốn vô phục quốc không? có tổ chức lớn lắm, có người chỉ huy để đánh lại bọn CS, chừng nào bọn CS chết hết thì Mỹ mới trở lại lận!” Em mừng quá theo liền, nhưng không có vô núi ở, chỉ ở loanh quanh trong làng thôi, vậy mà tụi em cũng cứa cổ được mấy thằng công an hống hách, nhưng xui quá, bị tụi nó đi lùng tóm được em. Ồ, em bị tụi nó tẩn cho mấy trận chết lên chết xuống, bắt em nhận tội phản động nhưng em đâu có nhận, tại có mình em bị bắt thôi nên chúng đâu có đem ra tòa xử, vậy rồi nó bắt em giam tùm lum trại hết, cuối cùng nó mới đưa em về Trần Phú, em biết mình gần được thả nên mới rủ anh Hùng, anh Khương ra ngoài tổ chức chuyến đi đó chớ...”

           Lỗ tai tôi đã quen với những mẫu chuyện của Nam, chỉ ừ hữ cho qua câu chuyện, nhưng đêm nay tôi thật sự muốn nghe Nam hát, và ở đằng trước mũi ghe kia Nam như đang thả hồn trôi theo những lời hát trữ tình, những lời “Tâm Sự của loài Chim Biển .. lênh đênh đi giữa muôn trùng, nhiều khi chợt anh nhớ em, chiều nay sao trên trời đi vắng, gió nhiều nhưng mây buồn không bay...” từng chữ, từng lời trong bài hát đã gieo vào lòng tôi một nỗi buồn man mác, cứ như là tác giả đã thấu hiểu được tâm sự  riêng tôi. Tự nhiên, tôi nghĩ đến An thật nhiều, tôi còn lại gì nơi anh? Ngay cả những lời thư anh viết từ những chuyến hải hành ngày nào (anh cũng lênh đênh đi giữa muôn trùng như tôi đêm nay?) mà tôi đã nâng niu cất giữ như một báu vật, cũng đã theo làn khói tan loãng vào không gian khi tôi cố tình đốt hết để chuẩn bị ra đi. Tôi thở dài nhắm mắt, và hồn tôi lại lảng đảng xuôi về những ngày tháng xa xăm.

           
Biển nha trang
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  Chú Nhân vò đầu tôi nói như năn nỉ:

            -Đi đi mà! Có Dương đi, Thanh nó mới chịu đi, giúp chú kỳ này rồi mai mốt muốn gì cũng được hết!

            -Chú hứa thiệt há! Chú nuốt lời là có chuyện à nha.

            Tôi bắt bí thêm ông chú với giọng nói kéo dài lê thê:

            -Thiệt tình cháu hổng muốn đi chút nào hết á!

            -Chú biết mà! Kỳ này coi như cháu … hy sinh vì chú có được không?

            -Để cháu tính lại xem. Tôi vẫn còn làm nư với ông chú .

            -Chỉ còn một tuần nữa thôi, chú  phải đưa thiệp mời sang nhà Thanh nữa! Nói “đi” đi cho chú nhờ coi cô nhỏ!

            Tôi cười hì hì, chú Nhân đã biết ý nên mừng quýnh, dắt xe chạy ra cổng. “Phải đi thôi!” Nhìn thấy ông chú hí hửng thế kia tôi bỗng thấy mình có giá dữ! Nhỏ Thanh đã tuyên bố với tôi từ bữa trước, khi biết chú Nhân có ý định mời nó đi “ball” Hải Quân kỳ này:

            -Dương không đi là mình không đi đâu, vô mấy chỗ đó đông đảo ồn ào Thanh ngán lắm!

            Nhỏ Thanh ngán chứ tôi đâu có ngán. Tôi không đi là tại vì tôi không thích nhìn mấy ông lính Hải Quân chút nào hết, lại càng không muốn làm quen, nhất là mấy ông Lính quân trường. Tôi chán cái cảnh mỗi cuối tuần, chàng trong bộ lễ phục trắng tinh, mũ, giày láng cón, đeo giây tòn teng, đi giung giăng giung giẻ cùng nàng (nàng ăn mặc phải đẹp rồi) trên hè phố Độc Lập rồi ghé vào rạp xinê, rồi đưa nhau vào quán uống nước giải khát, có bữa rộng thì giờ hơn thì đưa nhau đi chơi xa đâu đó như Hòn Chồng, Tháp Bà để ngắm cảnh trời mây nước bao la, đến chiều về, nàng lại tiễn chàng ra tận bến xe lam, đưa chàng lên xe trở về quân trường cạnh nhà đèn CHỤT.

            Sự hiểu biết về họ rồi cũng chỉ ngần ấy thôi, khi ra trường rồi thì họ đi phương trời nào làm sao biết được, có chàng còn ca bài “xê dô, xê ra” không chút luyến lưu, nếu còn một chút gì để nhớ thì họ bèn an ủi: Tàu dzìa bến anh hẹn mình dạo phố...! Đâu có dễ vậy được. Cái gì chứ quanh năm suốt tháng cứ phải tính xem khi nào chàng về bến để chuẩn bị đón rước là không có tôi trong đó rồi à!

            Tôi lại nhớ chuyện Thu Thảo kể cho nghe về người yêu của chị Thuận làm tôi cứ tức anh ách: “Anh Chi, vị hôn phu của chị Thuận, khi anh ra trường phải đi thăm viếng kinh rạch đâu tận trong Nam. Bữa kia chị Thuận lót tót khăn gói vô thăm, tay xách nách mang nhiều quà không kể xiết. Bến Đồng Tâm, nơi con tàu anh Chi cập bến chị tìm cũng dễ dàng. Nhưng khi đến nơi, thay vì chị đem đến cho anh sự ngạc nhiên thích thú thì... trời đất ơi! mắt chị hoa lên, trời đất quay cuồng, chân tay chị bủn rủn, người chị mềm èo đứng không muốn vững nữa. Trước mắt chị, trên cầu tàu, người yêu  của chị đang ôm eo ếch một nàng (tàu dzìa bến anh hẹn nàng dạo phố là cái chắc?). Họ vừa đi vào bờ vừa ghé tai thì thầm to nhỏ, nụ cười tình của họ làm chị điếng tim, đến khi chị quăng hết quà cáp, giỏ xách ù té chạy, họ mới phát giác ra sự hiện hữu của chị. Rồi chị Thuận từ hôn, tuyên bố không thèm chờ..tàu về bến nữa”.

            Ai dám bào mình sẵn sàng chia xẻ tình yêu cho kẻ khác? Càng yêu nhiều, càng ghen bạo và càng lo sợ dữ. Cứ tưởng tượng mỗi một bến tàu người yêu mình cập đến là có cảnh tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm là lạnh gáy rồi. Ơ! Mà sao tôi lại vô duyên đến thế nhỉ? Tự nhiên lại đi lo nghĩ ba cái chuyện viễn vông, xa vời. Bộ cứ đi vào trường Hải Quân là phải yêu lính Hải Quân sao? Cứ đi chen lấn, nhìn đường biển Duy Tân thơ mộng về đêm dập dìu tài tử giai nhân xuôi ngược thì đã sao nào.

            -Xin lỗi! Tôi được hân hạnh mời cô bản này chứ?

            Hình như có tiếng người nói bên tai tôi. Vì mãi nghe Giao Linh với Sao Rơi Trên Biển” nên tôi đâu để ý đến ai. Quay mặt lại thấy một ông bận đồ trắng đã gắn “quai chảo” rồi. Chắc là khóa đàn anh của chú Nhân?

            -Rất tiếc tôi không biết! Mắt tôi nhìn thẳng vào anh ta.

            Ngạc nhiên trong khóe mắt, người lính nhìn lại tôi nhếch môi, lắc đầu:

            -Tôi không tin là cô không biết nhảy, hầu hết các cô vào đây đều có đôi chân rất dẻo mà!

            Bị chạm tự ái, tôi trợn mắt nhìn lại. A! anh chàng này dám quơ đủa cả nắm rồi đây, bộ hắn tưởng tất cả con gái ngồi xe lam vào đây đều là dân ngứa chân muốn... nhảy? Lầm to rồi ông ạ. Tôi phản pháo vì tưng tức:

            -Ai nói với ông tôi không biết nhảy?

            -Thì cô vừa nói!

            -Tôi nói tôi không biết là không biết đi theo tiếng nhạc tiếng trống kia kìa, và tôi cũng không thích ôm xà nẹo như họ, chứ còn nhảy đầm, nhảy mương, nhảy lò cò, nhảy dây, nhảy cao, nhảy xa v.v.v. sao tôi không biết chứ?

            Có lẽ cái vênh mặt và câu trả lời của tôi làm anh chàng thích thú, anh ta bèn ngồi vào chỗ ghế trống và quên luôn mục nhảy ở đàng kia.

            -Cô nói chuyện vui quá. Tôi rất muốn được hầu chuyện với cô. Tôi xin tự giới thiệu. Tôi tên An, Lê Bình An, khóa…

           Tôi nhìn thẳng vào mắt An, vì lúc này nhạc ngưng, đèn sáng. Hứ! Dương Ngưu, Bắc Giải, Hổ Cáp… thứ gì gì tôi đâu cần biết, bộ muốn làm quen hả? Chà! đã giới thiệu tên rồi chắc sắp tới cái màn điều tra lý lịch tôi đây.

            -Xin lỗi, người như cô chắc tên phải đẹp?

            -Thùy Dương! Muốn biết địa chỉ nữa không?Tôi hỏi móc.

            -Nếu cô cho phép tôi xin được đến thăm cô vào mỗi cuối tuần và xin cô làm hướng đạo cho.

            Tôi cười thầm trong bụng, muốn nói với anh ta: “Cái màn này xưa như trái đất rồi ông ơi! Người ta đã đi lên tận cung trăng rồi...” Tôi muốn phá anh ta, định cho anh ta địa chỉ nhà…Chùa Linh Thứu, nhưng, lại chữ nhưng, càng nhìn anh ta chờ đợi, tôi lại không thể nói láo được câu nào. Anh chàng lại tán tiếp:

            -Mới thoạt nhìn cô, tôi đã đoán biết cô phải là người có nhiều liên hệ đến... biển cả!

            -Bộ ông có học nghề bói toán nữa sao?

            -Chưa học, nhưng sẽ học, học xong rồi chỉ bói cho một người thôi.

            -Chà, người nào đó chắc phải có số tốt dữ há?

            -Cô đó!

            -Tôi! Ông lầm rồi, tôi đâu có tin bói toán “bói ra ma quét nhà ra rác mà”!

            -Nhưng cô cứ tin lời tôi đi, chuyện gì còn sai chứ chuyện nợ duyên là phải có số mạng à nha! Mà đã có số thì phải có người xem số mạng mình sẽ gặp ai. Biết đâu vì tôi với cô có số trời định nên hôm nay ông Trời xui khiến tôi lại chỗ này để được gặp cô...

            Tôi lại nhìn sững anh chàng. Chưa chi mà đã tán sát rạt, không biết tôi là người thứ mấy có số với anh chàng đây? Với “khuôn mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua” thêm đôi mắt sáng và nhứt là nụ cười. Ồ nụ cười này tôi đã gặp ở đâu rồi nhỉ? Tôi thích nụ cười này lắm mà! Sực nhớ ra tôi muốn bật cười thành tiếng, nụ cười anh ta giống như của tài tử phim kiếm hiệp Tàu Khương Đại Vệ! Cũng tại tôi mê đi xem phim quyền cước nên mê luôn nụ cười? Nhưng nhìn lại anh chàng Lính Hải Quân, tôi muốn mời anh ta đi chỗ khác chơi.

            Nhưng anh chàng cứ như cục sắt và tôi là thỏi nam châm. Hình như suốt buổi tối hôm đó An đã tiếp tôi thật chu đáo cho đến khi chú Nhân đưa tôi và nhỏ Thanh lên xe lam trở về nhà.

           Không cần hỏi địa chỉ, An cũng đến được nhà tôi. Chú Nhân, ông chú Út của tôi đã đưa đường dẫn lối cho ông niên trưởng đến thăm nhà. Và An đã là “khách thường trực” của cả gia đình tôi, ngoại trừ tôi. Đã bảo tôi không thích lính Hải Quân mà, cũng như tôi đã “phản đối” khi chú Nhân đầu quân vào ngành lính biển, nhưng chú vẫn vào vì chú… yêu mộng hải hồ (cải lương quá!) hay tại nhỏ Thanh thích nhìn hoa biển? Bởi vậy mỗi lần An đến nhà tôi là tôi tìm cách đi chỗ khác chơi. Nhưng An đã không hề nản chí. Thứ bảy, rồi Chủ Nhật có khi một tuần hai lần An đến rồi lại đi. Có lúc bất chợt tôi nhìn thấy “nụ cười Khương Đại Vệ” đưa mắt nhìn tôi rất thiết tha, tình tứ. An yêu tôi thật sự rồi chăng? Nếu không tại sao An phải “o bế” chú Nhân và chìu đám con trai nhà tôi dữ vậy? Cho đến một sáng thứ bảy kia An không đến, tôi tự dưng thấy bồn chồn hồi hộp, ngồi đứng không yên, cứ đi ra rồi đi vào ngóng tới ngó lui nên bị chú Nhân về bất ngờ bắt gặp. Chú ấn tôi ngồi xuống ghế rồi nhỏ nhẹ nói bên tai tôi:

            -Tại chú thấy Dương thờ ơ với thằng An nên chú không tiện nói. An yêu cháu dữ lắm rồi đó, trong đó đứa nào cũng biết An đang mắc bệnh tương tư. Bữa hôm trước không hiểu tên nào chơi khăm vẽ hình thằng An đang ôm hôn người con gái, có phụ đề tên cháu, dĩ nhiên là không giống rồi vì tên đó chưa gặp cháu là cái chắc, rồi nó dán ngay trên đầu giường thằng An, chẳng may bị Sĩ quan Kỷ luật bắt gặp. Vậy mà thằng An đứng ra nhận hình đó nó vẽ. Nó còn tâm sự với chú: Nó hãnh diện vì được yêu cháu.

            Làm sao tôi trả lời được “tại sao tôi yêu An?” chỉ biết rằng giọng nói, nụ cười, hình bóng của An đã luôn luôn ẩn hiện trước mắt tôi, những giờ phút có An bên cạnh là lúc tôi vui, tôi yêu đời nhất. Vắng An suốt một tuần lễ là lúc tôi bồn chồn, nôn nóng mong cho ngày chóng đi qua. Gần tới ngày An ra trường là khoảng thời gian tôi nôn nao, hồi hộp, buồn vui lẫn lộn.

            -Anh về đơn vị rồi lo xong đâu đó, sẽ về thưa cùng Ba Má đi hỏi cưới Dương, “Cưới vợ phải cưới liền tay” phải không cô bé?. An ưa dí ngón tay trỏ vào mũi tôi như một cử chỉ trìu mến...

           

 

Thanh dựng xe đạp ngoài cổng rào, chạy a lại chỗ tôi đang đứng tưới nước cho đám hoa huệ vừa nhú những búp non, vừa nói vừa thở dốc:

            -Ê Dương! Tên Lê Bất Ổn hôm qua có ra không?

            -Không! Có chuyện gì mà nói không kịp thở vậy? Còn bày đặt đổi tên họ của người ta nữa chứ! Tôi lại cà rỡn hỏi tiếp trong khi Thanh vò lỗ tai.

            -Bộ mới đua xe đạp nước rút về hả?

            -Thanh đã nói là bất ổn mà, không biết Dương có đủ bình tĩnh đi với Thanh không?

            -Mà đi đâu mới được chứ? Làm gì úp úp, mở mở vậy?

            -Thanh đi xuống chợ sớm, lúc về trên đường thì thấy hắn!

            -Thấy ai? Nói vậy có trời mà hiểu!

            -Thì tên Bình An, bất ổn đó chứ còn ai vào đây nữa, mà hắn có nói cho Dương biết tại sao tuần này hắn không ra nhà không?

            -Ảnh có nhắn với anh Tín là ảnh bận trực dùm cho người bạn nào đó, có thể hôm nay anh ấy ra nhưng chưa biết lúc nào, ảnh dặn Dương phải ở nhà chờ ảnh!

             -Xí! Trực gì mà trực, lại còn gạt người ta ở nhà nữa! Rồi Thanh lên giọng tiếp.

            -Hắn ra phố rồi đó, nhưng hắn sẽ không đến đây đâu, đừng ngồi đó mà chờ!

            -Bộ Thanh gặp ảnh thật hả? Găp ở đâu? Tôi hỏi dồn.           

            -Dưới phố! Nếu muốn chứng kiến tận mắt thì lẹ lẹ lên đi theo Thanh.

           Thanh nói cái gì thật tình tôi đâu có hiểu hết, nhưng tôi vẫn chạy vào nhà thay quần áo thật lẹ rồi đi theo bạn, có lẽ vì tò mò thì đúng hơn.

            Mỗi đứa một chiếc xe đạp, tôi đạp theo Thanh gần hụt hơi mới đến được phố Độc Lập, những giọt mồ hôi đã xuất hiện trên trán, hai bên thái dương dù rằng mới tảng sáng, không khí dịu nhẹ, lại có gió hiu hiu. Hai bên đường phố, mấy gian hàng đã mở toang cửa, đèn đuốc bên trong còn sáng trưng, nhưng trên vỉa hè, từng tốp; từng tốp sinh viên sĩ quan nào Không Quân, nào Hải Quân, áo trắng chen lẫn áo vàng đang ngược xuôi 1ên xuống. Thanh bảo tôi đạp xe rẽ về hướng Phan Bội Châu và dừng lại bên hông một tiệm sách. Thanh đưa mắt hất mặt bảo tôi hãy nhìn vào bên trong tiệm.

            -Hả? Cái gì vậy?

           Tôi giật nẩy mình, miệng há hốc, mắt mở thật lớn nhìn trừng trừng vào trong tiệm. Trước mắt tôi, bên cái tủ kính đựng đầy những vật kỷ niệm kia là chàng sinh viên sĩ quan Hải Quân của tôi. Chàng đứng cạnh một người con gái nhỏ thó, đang chỉ chỏ bàn tán gì đó, rồi cô ta cầm lấy gói giấy từ tay người bán hàng, chàng trả tiền, hai người cười với nhau, cô ta đưa bàn tay cầm lấy tay chàng giục giục mấy cái, chàng cười gật đầu rồi cả hai nắm tay nhau đi ra khỏi tiệm. Cô ta mặt mũi ra làm sao nhỉ? Tôi đâu còn đủ bình tĩnh để mà quan sát, mắt tôi hình như bị ai lấy tấm màn che lại, chân tay tôi cứng ngắt, ngực tôi nhói đau, tôi muốn ù té chạy, nhưng vướng chiếc xe đạp ngã cái rầm, và tôi thấy hình như An quay lại, phản ứng chàng ra sao làm sao tôi biết được? Vì Thanh đã lẹ làng dựng lại chiếc xe đạp cho tôi và tôi chỉ có biết ngồi lên yên xe mà đạp mặc cho những giọt nước mắt từ từ làm hoen ướt bờ môi.

           

 

-An nó nói với chú, nó không hề yêu người con gái đó, nó chỉ coi cô ấy như người em gái vì hai gia đình quen biết đã từ lâu, mặc dù ba má nó đã thúc hối nó bao nhiêu lần nhưng nó vẫn có lý do để từ chối cưới cô ấy. Đến khi gặp cháu, nó thật lòng yêu cháu và nó định khi ra trường rồi sẽ về xin phép Ba má nó đi hỏi cưới cháu. Chú nghĩ đó là những lời rất thật của nó. Nó buồn lắm, nó mong cháu cho nó gặp mặt một lần, đừng lẫn tránh nó nữa. Chỉ còn một tuần lễ nữa là nó mãn khóa rồi...

            Chú Nhân còn nói nhiều lắm nhưng tôi nghe tai nọ bỏ tai kia. Tôi có tự ái của người con gái mới lớn và tôi nghĩ đến cô gái kia. Cô ta có tội gì ngoài tội yêu An nên đã lặn lội đường xa ra đến tận nơi này thăm viếng. Tôi phải trả An về cho cô ấy, dù tôi có phải buồn đến nẫu người ra.

            Tôi không có tên trên bảng vàng ở cuối kỳ thi để được nôn nao, hồi hộp khăn gói về thủ đô ghi tên vào các phân khoa đại học như chúng bạn. Tôi phải ngồi nhà nhìn ngày tháng trôi mà gậm nhấm nỗi buồn (dù rằng tôi tự chuốc lấy).

            -Cháu muốn đi làm!

            Tôi nài nỉ chú Hảo mãi, nên chú bèn “gửi gấm” tôi vào làm cô Ký trong Ty Xã Hội. Tôi muốn bận rộn với bất cứ công việc gì để tim tôi không có thì giờ thổn thúc, trí tôi không mãi vướng bận hình ảnh người tôi yêu mà tôi vừa cố tình đánh mất. Dù gắng vui nhưng chắc cái bản mặt tôi cứ u sầu nên chú Vĩnh có cớ đến gần an ủi.

            Là bạn của chú Hảo, cùng ra trường một lượt, giờ chú Vĩnh đã là Thanh Tra vùng, làm xếp trên cả xếp của tôi nên chú có quyền hành dữ lắm, hầu như chú muốn gì có nấy, ngoại trừ tôi. Làm sao tôi có thể “cảm” được chú Vĩnh khi biết chú “độc thân nhưng không vui tính”. Chú giống như ông cụ (non) dù mới ngoài ba mươi tuổi, lại thêm cái kính cận với hai tròng kính dày như hai cái… đít chai. Sau giờ làm việc thường thì chú chỉ đọc sách, mà sách của chú mỗi khi tôi nhìn vào cứ muốn nổ đom đóm mắt, chẳng có gì hấp dẫn cho tôi nhớ tên những quyển sách dày cộm ấy. Chú Vĩnh cũng không thể đưa tôi đi xem một trận đá banh sôi nổi vì chú không cần biết cầu thủ nào ở hàng tiền đạo, hậu vệ hay trung phong? Chú là con nhà giàu, từ nhỏ đã học trường Tây, nên chú đâu có những tháng ngày tuổi nhỏ mặc quần xà lỏn chạy đá banh trên vỉa hè cùng chúng bạn. Vậy mà chú lại âm thầm yêu cô cháu gái của bạn. Tôi bắt đầu lánh chú Vĩnh khi chú Hảo cho tôi hay:

            -Thằng Vĩnh nó muốn tính chuyện lâu dài với cháu, cháu nghĩ sao?

           Nghĩ sao nữa! Nghỉ làm chỗ chú ấy chứ nghĩ sao! Thế là tôi bèn từ giã cái Ty Xã Hội mà không chút luyến lưu, nếu thỉnh thoảng chú Vĩnh có đến nhà tôi chơi thì cũng không có nhiều cơ hội để bắt tôi gọi chú bằng… Anh!

         

 Ba má tôi lại lo sợ tôi phải làm “gái già, gõ ra bột” như lời bọn nhóc Quân vẫn chọc chị Ái - người chị bà con, nên ông bà bắt tôi phải lấy chồng và chàng rể tương lai là anh Nhật.

            -“Dù gì ba má nó cũng là chỗ thân tình với nhà mình, nên chuyện làm dâu má nghĩ con không còn lo nữa. Vả lại, nó đi lính ở dưới này thì cũng tiện cho con ở dưới này luôn, thằng Nhật nó thương con nên nó về năn nỉ ba má nó. Và ba con đã bằng lòng cho ba má nó lo liệu”.

            Lại rắc rối cuộc đời! Nhật yêu tôi từ lúc nào sao tôi không để ý nhỉ? Có phải từ lâu tôi chỉ xem anh như một người anh trai! Anh có nhiều “đào” lắm mà! Anh vẫn thường kể cho tôi nghe về họ. Một chị Ánh tóc dài ưa mặc áo tím than như cô gái Huế, một chị Hồng nhí nhảnh lại chịu chơi nữa. Sao anh không chọn họ? Bộ anh không coi tôi là cô em gái, tại sao anh vẫn thích đệm đàn cho tôi hát bài “Người Em Nhỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền hoài vậy? Không! Tôi không thể nhận lời làm vợ anh được, khi tôi vẫn còn yêu An, An vẫn đều đặn đến với tôi bằng những lá thư nồng nàn tình cảm, mặc dù tôi vì tự ái, không hề hồi âm thư chàng. An còn quả quyết:

            -Anh sẽ không bao giờ cưới Quyên cho đến khi nào Dương thực sự không còn yêu anh nữa.

            Và An vẫn đợi chờ một ngày tôi đổi ý để chàng đeo nhẫn cưới vào tay tôi.

            Tôi suýt trả lời thư cho An và kể lể với anh rằng: “Tôi vẫn yêu anh tha thiết, chính anh mới là hơi thở, là nguồn sống  của tôi, tôi không thể tự đánh mất tình yêu của tôi vì bất cứ một lý do gì, và tôi sẽ chuẩn bị để đón anh ngày tàu anh về bến” Nếu buổi sáng hôm ấy tôi không nhận được thư của chú Nhân:

            “... Có lẽ cháu với An có duyên mà không có nợ. Tín vừa cho chú hay một tin buồn. Cô Quyên uống thuốc tự tử, may mà người nhà cô ấy hay kịp nên đưa ngay vào bệnh viện cứu cấp. Dù cô ấy an toàn nhưng ba má thằng An bắt nó phải làm đám cưới với cô ấy nếu không muốn trở thành đứa con bất hiếu.”

            Tôi không khóc nhưng sao nước mắt cứ rơi. Cô Quyên là người vô tội mà. Suýt chút nữa tôi lại là người mang trọng tội.                      

           

Nghe theo lời cha mẹ, tôi bằng lòng làm vợ anh Nhật. Nhỏ Thanh vẫn hay đùa:

            -Trung Úy Không Quân chớ bộ... đồ bỏ sao?

            Còn bọn Trúc, Hà thì ưa xúi:

            -Nhà ngươi không lái được thủy thủ thì lái phi công cũng được vậy!

            Thôi thì đành chấp nhận cái vòng lẩn quẩn của số kiếp con người. Nhưng số tôi xui hay kiếp trước tôi vụng đường tu? Anh Nhật cũng bỏ tôi mà đi thật xa, mãi mãi không về, trước khi đến nhà tôi xin lễ hỏi vào hai tuần sau đó. Người anh cháy đen, co rút lại, nhiều chỗ da thịt nứt nẻ, tôi không thể tưởng tượng đó là hình hài anh. Cuộc chiến tranh này sao quá tàn ác, đến cái chết cũng không được toàn thây. Bây giờ anh đang nằm kia, trong cái hộc tủ có tràn hơi lạnh. Vì không phải là thi sĩ nên tôi không thể “say đi để thấy mình không là mình” (thơ L ê Thỵ Ý). Tôi phải thật tỉnh táo để phụ lo việc tẩm liệm cho anh, nhưng khi nhìn những người lính Chung Sự bỏ xác thân anh vào chiếc quan tài bọc kẽm, rồi họ đè xuống để đậy được nắp quan tài vào, tôi chợt thấy bủn rủn tay chân, mắt mờ dần và không còn biết gì nữa...







            Người ta đã đưa anh về trên chiếc trực thăng sơn màu tang trắng”. Trời Đà Lạt đã vào xuân, chắc đang có muôn ngàn loài hoa khoe sắc thắm, nhưng nào tôi có nhìn thấy gì đâu.Tôi lặng lẽ đi theo đoàn người đưa anh về nghĩa trang, chỉ có chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, và những người Lính cùng đơn vị mà không có đoàn quân nhạc tiễn đưa. Có lẽ lúc này người chết nhiều quá (chỗ nào cũng nghe nói có VC tấn công), nên người ta không cần đưa tiễn rình rang (?).

            Tôi đi giữa những tiếng khóc than kể lể của người nhà anh nhưng tôi lại không khóc được như họ. Làm sao tôi có thể phân biệt được giọt nước mắt nào tôi khóc cho anh và giọt nào cho chính bản thân tôi? Anh từ giã tất cả để ngủ yên giấc đời đời là đã yên phần anh. Nhưng còn những người ở lại thì sao? Tự nhiên tôi thấy rùng mình, và lạnh quá. Hình như có ai vừa bưng thau nước đổ chụp lên người tôi? Tôi ướt hết người và càng lúc càng lạnh...

         

 

Tôi giật mình, mở bừng mắt vì sự chao nghiêng của chiếc ghe, nước biển văng cao tung toé chụp vào người tôi. Tôi hốt hoảng kéo cái tấm vải nhựa đã che cho thằng cháu ngủ từ chập tối. Nam đã ngưng hát tự lúc nào và vầng trăng mười ba mới sáng vằng vặc đó giờ đã trốn mất phương nào rồi, thế vào đó là đám mây đen lù lù, hình thù quái dị càng lúc càng phủ chụp xuống mặt biển đen ngòm, biến chung quanh thành một màu đen đặc, lùa theo cơn gió chuyển nhanh, sóng vỗ vào mạn ghe càng lúc càng mạnh, những bạn đồng hành của tôi cũng hốt hoảng, lo sợ không kém, nhiều tiếng nói phát ra cùng lúc:

            -Chắc bị bão rồi!

            Gió thổi càng lúc càng mạnh, chiếc ghe con lại lắc lư theo cơn gió và những đợt sóng dâng lên cao rồi đập xuống cái ầm.

            -Xuống hết dưới hầm ghe, đóng kín nắp hầm lại.

            Có mấy tiếng người la to từ phía phòng máy cũng là lúc bà con láo nháo. Chui xuống hầm? Cái hầm ghe nhỏ chút xíu dùng để chứa đồ mà đủ sức chứa bao nhiêu con người đây sao? Nhưng rồi ai cũng bò mà leo xuống. Cô cháu tôi xuống sau cùng và nắp hầm sụp xuống. Đen thùi lùi, lại toàn một màu đen. Mùi tanh, mùi nước tiểu, mùi mồ hôi người, mùi áo quần ẩm ướt v.v.v., tôi lại muốn nôn mửa.

            Tôi ngồi co rút lại ôm gọn thằng cháu vào lòng như một động tác che chở. Có bao nhiêu diện tích cho một con người? Như cá sắp trong rổ, nhưng rổ cá lại dồn qua, dồn lại, đè lên nhau và vẫn còn khoảng trống mỗi khi chiếc ghe nghiêng qua, ngã lại. Tới phiên ruột gan tôi bắt đầu lộn xộn. Bão đã tới bên trên? Sao chiếc ghe cứ như là lên dốc rồi tuột dốc thật nhanh vậy? Bây giờ thì tôi không còn nghe được tiếng sóng hay tiếng mưa rơi vì chung quanh tôi đã có quá nhiều tiếng khóc, tiếng khóc thút thít của người lớn, rồi tiếng khóc ré của đám con nít, rồi tới khóc ồ, khóc bù lu bù loa.

            -Má ơi! Con biết đi gặp bão như dầy, con đâu có đi làm chi. Chắc kỳ này bị chết quá rồi. Má ơi! Hu, hu, hu…Cái cô Mùi mập là người sợ chết trước nhất.

            -Cũng tại thằng cha Tăng mà! Tui đã không chịu đi mà thằng chả cứ biểu đi, hu hu hu, chả nói qua được bên Mỹ, bên Tây, sướng lắm! Sướng đâu chưa thấy giờ thấy chết tới nơi rồi!

            Tiếng nói của chị Tăng bị đứt quãng vì sự trồi lên hụp xuống của chiếc ghe.

            Có quá nhiều tiếng than khóc, chửi bới, rồi lại những đợt khóc ré lên của đám con nít. Như cơn bệnh dịch, một đứa khóc là cả bầy cùng khóc theo, rồi người lớn khóc. Đã nói chiếc ghe chở toàn là đàn bà, con nít mà! Hình như chị Thương bực mình nên chị nói như hét:

            -Sao mấy bà chỉ biết khóc lóc, than thở, chửi bới không vậy? Có sức đi thì phải có sức chịu chớ. Chửi chồng, trách cha, rồi cơn bão nó có chịu tránh đi chỗ khác không hả?.

             Họ có thể cãi nhau dù trong cảnh ngộ hiểm nghèo nhất. Sao lại không? Tại sao tôi không giúp họ khơi dậy niềm tin dù mỏng manh. Cho họ hay cho tôi? Tất cả đều cùng chung số phận mà! Tôi cũng cố hét lớn:

            -Nè! Mấy chị em đừng than khóc nữa, không có ích gì đâu mà còn tăng thêm phần sợ hãi, mình đọc kinh cầu nguyện đi, ai biết kinh gì đọc kinh nấy, nhắm mắt lại đọc kinh đi.

            Nhiều tiếng lầm rầm phát ra, bọn con nít bắt đầu nín khóc bớt, rồi có những tiếng đọc thật lớn như cố át đi nỗi sợ. Hình như kinh Chúa, kinh Phật gì cũng có. Tôi cũng cố đọc kinh Quan Thế Âm và đọc liên hồi...

              -Nước vô buồng máy nhiều quá rồi, tui tát không nổi nữa, ở dưới đó có còn người đàn ông nào không? leo lên tát phụ coi, nếu không chắc đành phải chịu chết hết.

            Tiếng của Nam hét thật to trên nắp hầm vọng xuống

            -Còn ông Tăng đâu? Ông Thân đâu?

            Chị Tăng nhỏm người hét với lên.

            -Hồi chiều cặp ghe, mấy chả phóng hết qua bên kia để nghe chuyện tiếu lâm rồi.

            -Mẹ! Có chuyện gì đành chịu chết sao? Tiếng Nam lại hét lớn rồi càu nhàu lẫn trong tiếng mưa, tiếng sóng.

            Làm sao đây? Không lẽ ngồi co rút ở đây đọc kinh để chịu chết chìm sao? Tại sao không là tôi đi phụ tát nước? Bao nhiêu năm nếm mùi lao động vinh quang nên tôi đâu còn là cô tiểu thư chân yếu tay mềm nữa. Nhưng nghĩ tới việc leo 1ên trên kia, chiếc ghe nhào qua, nghiêng lại, trồi lên, hụp xuống, Lỡ tụt tay lọt ùm xuống biển thì sao? Trời vừa mưa, vừa gió với những ngọn sóng cao vòi vọi...! Tôi rùng mình khi nghĩ đến cái chết.

            Hình như Nam vẫn còn nằm dài trên boong ghe hét vọng xuống:

            -Bà nào có thể tát nước được leo 1ên đây tôi dắt qua buồng máy, chứ mấy bà ở phía sau ngất ngư nằm bẹp hết rồi!

            Im lặng trong hầm ghe, vì tối thui nên tôi đâu có thể nhìn được phản ứng của mọi người. Không thể chần chờ tôi giao thằng cháu vào lòng chị Thương và vịn đứng dậy, nhưng lại ngã nhào trở xuống đè lên mấy người nào đó, kêu chí choé, lại vịn đứng dậy, lại ngã. Cuối cùng tôi cũng hé được nắp hầm tàu, nước văng tứ tung, nhìn chung quanh một màu đen thùi lùi, nước và nước, trên nước, dưới nước, bốn bề nước. Tôi run run:

            -Làm sao qua được bển hả Nam?

            -Chị Dương hả? Đừng sợ, tôi đã cột dây từ bên buồng máy vào người tôi rồi, khúc này chị cột chặt vào bụng chị đi, níu theo chân tôi mà bò qua, nằm sát dưới mặt ván ghe, không sao đâu!

            Tôi cột tấm nhựa quanh người, buộc chặt sợi dây rồi theo đà kéo của Nam leo 1ên, bò theo chân Nam nhưng mắt mở trừng trừng, người run cầm cập. Vì lạnh? Vì sợ? Tôi bị đùa nghiêng qua bên phải rồi bên trái, mỗi lần chiếc ghe nghiêng, nhưng nhờ người lái tàu rất giỏi và mấy tấm ván be ghe khá cao nên không lọt xuống nước.

            Một tay vịn chặt vào thành gỗ, một tay múc nước đưa cho Nam đổ ra ngoài. Chiếc gàu nhựa này mọi hôm ở nhà múc nước từ giếng lên tôi thấy nhẹ hẫng, nhưng sao bây giờ...! Tôi múc không được đầy gàu, lại còn bị văng tung toé, tự nhiên thấy nặng quá, đã vậy, Nam cứ hối:

            -Lẹ lẹ lên chị, ráng một chút đi chị, nước mà vào đây, ngập máy một cái thì hết chạy được, chỉ còn chờ chết.

            Tôi đã múc được bao nhiêu hạt nước mưa, nước biển? Và tôi đã múc trong bao lâu? Hình như gió đã nhẹ bớt, những giọt nước mưa thôi không còn đập vào miếng tôn che phòng lái, chiếc ghe đã bớt lắc lư nhưng người tôi bắt đầu chao đảo, mắt tôi đổ hào quang, tôi quỵ xuống và hồn tôi lâng lâng...

            Tôi đang ở đâu đây? Thiên đàng ư? Sao lại là một khoảng tối mênh mông? Sao không có động hoa vàng, không có một tiên ông nào ngồi đánh cờ trên bàn đá vậy? Lại cũng chẳng thấy bầy tiên nữ xiêm y lộng lẫy, múa hát đờn ca? Bộ nhà trời, ban đêm cũng có cúp điện nữa hả? Mà chốn thiên đình sao lại có nhiều tiếng động, tiếng ồn ào quá vậy? Chắc không phải rồi. Vậy là địa ngục. Và tôi đang ở từng thứ mấy? Người đời thường bảo có “chín tầng địa ngục” lận mà! Tội càng nặng thì có số càng lớn. Ủa mà sao từ lúc đến đây tôi cũng chẳng thấy một tên đầu trâu mặt ngựa nào hết vậy? Bộ quỷ sứ bữa nay cũng đi nghỉ phép rồi sao? Mà sao cũng không có một tội nhân nào bị hình phạt chung quanh tôi vậy? Loài người tội lỗi nhiều lắm mà, nhất là mấy tên thuộc lớp “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Bọn chúng chết phải đày xuống địa ngục là cái chắc. Nghe nói địa ngục toàn là dầu sôi, lửa bỏng, phải là nóng lắm, nhưng sao tôi cảm thấy mát rượi vậy? Tôi lại nghe loáng thoáng có tiếng nói chuyện, ủa, sao lại là tiếng nói của thằng cháu tôi, bộ nó cũng bị xuống với tôi sao.

            -Cô ơi! Cô đừng có chết nghe cô. Hích, hích, hu hu... Rồi có tiếng ai đó vỗ về nó:

            -Cô không bị…chết đâu. Một lát cô sẽ…,cháu nằm xuống…           

            Tôi không nghe rõ hết. Rồi lại có tiếng thằng em tôi, tiếng được tiếng mất:

            -Anh hỏi… bác sĩ, thuốc... , chừng nào tỉnh?

            Thần trí tôi bắt đầu làm việc lại rồi, óc tôi chạy lên chạy xuống lung tung trong đầu tôi. Tôi nhớ tôi đang múc nước mà, múc mỏi tay quá, miệng khô môi cứng, mắt mở không 1ên, rồi tôi qụy xuống. Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Hình như tôi còn sống và đang ở đâu vậy? Chỗ tôi nằm sao giống cái giường vậy? Tôi cố mở mắt, cựa quậy, nhưng toàn thân ê ẩm, miệng khô đắng:

            -Nước!

            -Cô ấy đã tỉnh lại rồi. Giọng ai đó reo vui.

            -Chị Dương, chị tỉnh rồi. Em sợ…. Nước nè, uống đi!

           Có người đỡ đầu tôi lên, tôi cố giương đôi mắt nhưng chỉ thấy một vùng sáng mờ mờ, tôi muốn biết đây là đâu, nhưng mí mắt tôi lại sụp xuống, tôi khó thở quá, lại có tiếng ai đó vang bên tai tôi:

            -Thùy Dương! Hãy cố mở mắt ra, em đã thoát qua cơn nguy hiểm rồi!

            Tiếng nói của ai đó sao tôi nghe quen qúa, giong miền Bắc thật ấm, có một chút vỗ về. Giọng nói của ai? Ai đã gọi tên tôi?

            Ráng hết sức mình, tôi cố giương đôi mắt mệt mỏi nhìn một lượt chung quanh tôi lần nữa. Trong căn phòng nhỏ có cháu tôi, em tôi và hai người đàn ông xa lạ, tôi đang nằm trên giường, còn chiếc ghe con đâu? Tôi gắng sức thều thào:

            -Đây là đâu?

            Thằng em tôi cầm lấy tay tôi nói thật chậm, nhưng tôi không nghe rõ hết:

            -Mình được tàu cứu, hết bão, ghe của chị đi bị hư máy, lạc ghe của em, phải tìm…, chị bất tỉnh... ,lo sửa máy, kéo ghe, gặp được tàu vớt...

           Tôi loáng thoáng hiểu. Bọn tôi đã được tàu cứu. Tàu nào mà nhân đạo quá vậy. Suốt cả tuần lễ đi trên biển, ghe tôi đã gặp không biết bao nhiêu con tàu, đủ mọi sắc cờ, nhưng đã có chiếc nào chịu dừng lại cho xin một ít nước uống, mặc dù có lúc ghe tôi đã đến gần tàu lớn, đã thấy được đám thủy thủ trên tàu. Lại giọng nói ban nãy nhưng lần này tôi nghe rõ:

            -Hãy nằm dưỡng sức cho khoẻ lại đi, rồi anh kể hết cho nghe. Có biết ai đang nói chuyện không?

            -Ai vậy?  Tôi không đủ sức để hỏi nhiều hơn.

            -Anh An, Chị Dương ơi! Mình gặp được tàu  anh An. Con tàu “Vớt Người Biển Đông” đó. Mình hên quá!

            An! An! Sao anh lại ở đây, trên con tàu nhân đạo này, bao nhiêu năm rồi anh ở đâu, chắc đã con đàn con đống? và sao ông trời lại chơi khăm khiến đoàn người đi vớt chúng tôi lại có anh trong đó, phải chi anh vớt được luôn phần hồn của tôi, có lẽ tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng mà… tôi thở dài mệt nhọc:

            -Lâu nay anh vẫn khỏe? Còn... ?

            Như đoán được ý tôi, An rót nhẹ vào tai tôi những vỗ về kín đáo:

            -Ai bảo với Dương là anh cưới vợ? Anh đã nói anh chỉ yêu có em thôi. Cô ấy lấy chồng rồi. Anh muốn về lại tìm em, nhưng thành phố mất, không thể liên lạc được, anh vẫn hằng mong gặp lại em. Như Doctor Jivago nhìn thấy người yêu một lần cuối, ngã ra chết cũng toại nguyện. Nhưng, anh chưa già, không đau tim, sao chết được hả. Anh đã nói rồi mà… , mình có duyên số, đã tin anh chưa?

            Hình như An cười, tôi cũng cố nhoẻn miệng cười nhưng chắc khó coi lắm.

            Tôi lại thiếp đi, rồi tỉnh lại. Hơi thở tôi nhẹ dần, người tôi có thể cựa quậy được. An vẫn cầm tay tôi và truyền hơi ấm cho tôi. Hiện tại, tôi là người hạnh phúc nhất? Tôi thoát chết, cả phần xác lẫn phần hồn! Tôi mở mắt, qua khung cửa kính, những vệt nắng rọi vào làm mắt tôi phải nhíu lại:

            -Hình như nắng đã lên rồi phải không anh?

            An cúi xuống, vòng tay ôm choàng qua người tôi, thì thầm:

-Ừ! nắng đã lên rồi! Lên thật rồi mà lại còn đẹp nữa!










Chị Hoài Niệm ơi, đọc truyện “Nắng đã lên rồi”, đến chỗ nhân vật nữ lo việc tẩm liệm xác của người chồng sắp cưới, em đã không cầm được nước mắt!!!  Người con gái trong truyện đó có phải là chị thuở xưa không?  Nếu không sao chị lại có thể tả được rõ ràng tâm lý và viết thật rõ chi li, chi tiết của câu chuyện đến như thế??!

Chị HN viết vui, viết dí dỏm làm cho người đọc không thể không phì cười mà viết để cho người ta rơi nước mắt cũng thật là tài. Em rất phục!

Em cảm ơn chị đã tặng cho em 1 quyển truyện gồm toàn những truyện ngắn thật hay.  Cảm ơn thật nhiều, rất là appreciated chị, cảm kích lắm lắm, chị Hoài Niệm mến thương ơi!

***Cho phép em “quảng cáo” với bạn bè emails quyển truyện hay này của chị nha.
nn