Từ khi tay cầm tờ “lược giải cá nhân” ở tuổi mười lăm
cho tới khi thành người lính, tôi chưa hề
để ý qua chứ đừng nói biết ít nhiều về tỉnh Phú yên, dù có thấy tên nằm ở miền
Trung trên bản đồ chữ S. Không phải tôi “dốt” địa lý, bằng chứng là 21 tỉnh Nam
phần tôi thuộc nằm lòng:
Gia- Châu- Hà- Rạch –Trà-Sa- Bến
Long –Tân- Sóc- Thủ- Tây- Biên- Mỹ
Bà -Chợ- Vĩnh- Giò- Cần- Bạc- Vũng*
Tôi
thuộc, bởi tôi là dân “nam kỳ lục tỉnh”
chính hiệu con nai vàng ( không ngơ ngác), mặc dù không thuộc dạng phát âm “con
cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột” của miền sông Hậu hay ngược lại miệt sông Tiền thì
: “con cá dzô nằm trong dzỏ kêu dzột dzột”!
Mãi đến khi vào Lính, nơi tập trung những
người trai nước Việt (tứ xứ), nơi có quá nhiều giọng nói khác nhau, nhiều lúc
nghe mà …chẳng hiểu họ nói cái gì.
Quân trường! nơi mà những người dù đã trưởng
thành, đã vào tuổi đôi mươi, vẫn phải học lại từ đầu, như học đi ( một-hai-ba-bốn), học đứng (nghiêm-nghỉ) học nhảy( nhảy
xổm) học chạy ( vừa chạy vừa ca). Sai bị phạt , đúng cũng bị…. phạt, phạt xong
rồi phải nói tiếng “cảm ơn!” thật to như hét vào tai mấy ông…cán bộ -huynh trưởng.
Từ quân trường, tôi nghe nói đến từ “nẫu!”, nào là xứ nẫu, dân nẫu, nẫu
núi hay nẫu biển?” nghe thì nghe vậy chứ có biết họ nói cái chi chi. Lại nữa, cả
giọng nói cũng thật lạ tai với bọn nam kỳ chúng tôi. Người bạn ở cùng phòng (giường đôi), mỗi lần hắn nói chuyện là tôi cứ phải chăm
chú nhìn vào …miệng hắn, xem hắn nói chuyện chi, vừa tức cười lại có…trời mà hiểu!
Một hôm
, hắn bị cán bộ phạt, câu đầu tiên phải xướng danh: KSDBSQ Trần thiên Ấn, mà hắn
cứ ‘Trèn thiên Én-số quân séo tém - …ba bốn bữa không tém…!” làm bọn tôi tức cười
mà phải cố nín, có tên chịu hết nổi cứ cười lên khùng khục- khùng khục- cán bộ
cũng muốn cười nhưng cố gượng mà làm oai, nói hắn …ở dơ, không chịu tắm, phải bị
phạt nhảy xổm hai mươi cái….
Đồng
đội kháo nhau hắn là dân Nẫu! nhưng hắn nói: “không phoải, hén là dân Quoảng”!
Trời
xui đất khiến tôi đã gặp “Nẫu”thứ thiệt.
Đêm Noel năm 71, trong lúc đơn vị tôi đóng quân tại phi trường Nha Trang, tôi đến nhà trọ người
bạn chí thân cùng phi đoàn dân Đà lạt, định rủ nó đi lang thang vì là …“ lính
trận miền xa con bà phước”, nhằm lúc “con ngựa trời” của tôi giở chứng hết xăng,
nó bảo tôi để xe đó, theo nó đi ăn Nô-ên . Nó là thằng “ăn chực có giấy mời” còn
tôi chỉ là ..tháp tùng theo! (follow me).
Căn nhà
chúng tôi đến đông ơi là đông, nam thanh nữ tú đầy
nhà, có mấy người cũng được giới thiệu là Lính như bọn tôi, nhưng “nữ thịnh nam suy”! Về sau biết được là mấy cô
hàng xóm, và bạn học của chủ nhà đến chung vui đêm “mừng Chúa ra đời”.
Có lẽ vì dân Nam kỳ lục tỉnh, giọng nói có
khác chăng, mà tôi được “chào đón hơi kỹ” nên cũng lấy lại được tinh thần, dù
trước đó “mặt ngoài bình tĩnh, tự nhiên,
mà trong bụng cứ đánh lô-tô”. Câu đầu tiên được hỏi: - Anh là người Sài
Gòn? Tôi gật đầu mà trong bụng tức anh ách, vì người miền Nam rất ngại khi nghe
người khác nói mình “dân Sài gòn”-Vì ba chữ “dân Sài gòn” thường ám chỉ mấy tay…anh chị dân chơi hay bọn hảo hớn thứ thiệt..
Đêm
vui qua mau, kéo theo những ngày dài sau đó tôi trở thành bạn của gia đình..Nẫu!,
mà nếu nẫu không nói nẫu là dân ..nẫu,
không cách chi tôi biết được nẫu là nẫu, không thể phân biệt đâu là người Nha
trang, đâu là …nẫu , vì tất cả đều nói giọng giông giống nhau(ở nhà này)
Thì ra: Ở đất Phú Yên( Bình Định ?) Nẫu là
người khác, là nó, là chúng nó, là họ…., là đại danh từ ngôi thứ ba cả số ít lẫn
số nhiều. Nhờ “nẫu” tôi cũng giải toả được thắc mắc “nẫu núi hay nẫu biển” từ
những ngày còn ở quân trường.
Có ngồi
chung những bữa cơm gia đình, hay tới nhà bất thình lình vào những lúc xế trưa,
mới phát hiện được những thực đơn, biết
được nguồn “ẩm thực” của dân nẫu Tuy Hoà –Phú yên khác lạ với dân Nam kỳ tôi biết
chừng nào, những thực đơn “đặc thù” mà nẫu nói là của đa số dân nẫu…
Lấy bánh
tráng ( bự tổ chảng) nhúng nước, cuốn hột vịt luộc (hồng đào) bẻ đôi,
chấm nước mắm. Đổ bánh xèo thì dùng
cái khuôn có bằng bàn tay, hèn chi tôì nghe nói có người ăn một lúc …năm chục cái,(
chả bù với miền Nam tôi bánh xèo đổ chảo
to bằng cái mâm, chỉ ăn một cái là bá thở),
đã vậy, còn lấy bánh tráng cuốn bánh xèo
vào trong trời ạ. Bánh tráng nướng đem nhúng nước, cuốn bên trong bánh tráng (
cũng nhúng nước) cái nào cái nấy to như cái gối ôm. Ăn canh thập tàn thì phải ăn
với …muối é(ta) mới thơm ngon đúng điệu,
Bánh căn (không) thì ăn với nước cá nục kho…ngon hết sảy!?..
Tôi vốn là người Lính mượn không gian làm Tổ quốc, “…phi đạo chạy dài anh chúi mũi( nhổng đít)
bay lên”- máy bay chuồn chuồn mà!, nên từ khi quen biết “nẫu”, tôi mới để ý
nhiều đến đặc sản xứ…nẫu, những nơi chốn
tôi thường bay qua: khô nai Củng sơn, tôm hùm Sông Cầu, Cá “ồ” Tuy hoà cuốn bánh tráng nhúng nước ( lại
bánh tráng) ngon khỏi chê, nhưng ăn không quen sẽ bị…phù mỏ.
Nói chuyện với “nẫu của tôi” thì không
phải điều tiết lỗ tai. Nhưng khi về thăm lại Tuy hoà, nghe mấy anh chị, cháu của
nẫu, họ nói chuyện với nhau líu lo như…chim hót, tôi chi có nước ngồi cười trừ,
chẳng hiểu gì hết, gần giống như năm xưa
trong quân trường, tôi nghe anh bạn người Quảng nói chuyện. Bọn nhỏ lúc nào cũng
nói giọng đi lên, chữ ôi phát âm không.. nẩu: “thâu rầu còn chi đâu anh ơi! Có còn lại chăng dư âm thâu…!” “phia rầu không đi ngủ, còn ngầu chi đó?”
lại dùng toàn dấu hỏi, mà có nhiều từ
nghe chẳng hiểu cái chi chi “me chay ơi!
dẩy na!” “ở bển , chẳng dượng hổng có….ngầy mấy em na?”! May quá, nhờ có nẫu
của tôi …thông dịch, nếu không có nẫu, chắc tôi cũng…”bó tay chấm cơm!”
Hên thật, tôi không nằm trong hai câu thơ xứ
nẫu:
“Thương chi cho uổng tấm tình
Nẫu dià xứ nẫu bỏ mình bơ dơ!”
Mà lúc nào cũng có “nẫu của tôi’ bên cạnh, người con gái Phú Yên biết lo cho chồng con mọi
thứ, nẫu của tôi vừa là người bạn, vừa là người vợ, vừa là mẹ của hai đứa con
ngoan. Nẫu của tôi không hổ danh là người học trò tốt của trường tiểu học Hoà Đồng,
trường trung học Nguyễn Huệ, người con ngoan của đất Phú yên hiền hoà, bình dị.
Cảm ơn
gia đình, cảm ơn xứ nẫu Phú Yên!
*Chữ đầu của các tỉnh Nam phần:
Gia
định-Châu đốc-Hà Tiên-Rạch giá -Trà Vinh -Sa đéc-Bến tre
Long an--Tân an-
-Sóc Trăng- Thủ dầu một-Tây ninh-Biên hòa-Mỹ Tho
Bà rịa- Chợ lớn- Vĩnh long-
Gò công-Cần thơ-Bạc liêu-Vũng tàu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét