Sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tị nạn tại thành phố Houston nhộn nhịp hẳn lên nhờ những cuộc vui “hội chợ” do nhà Thờ, nhà Chùa tổ chức cả vài tuần nay, cũng như các buổi họp mặt của vô số các hội đồng hương. Các cửa hàng chợ cũng trưng bày la liệt các loại bánh mứt, người đi chợ cũng đông vui hơn. Vì dù xa xôi với quê hương đến nửa vòng trái đất, đến ngày tư ngày tết ai cũng chạnh lòng nhớ tới quê nhà, nhất là những người đã có quá nhiều kỷ niệm trên những vùng đất đã từng đặt chân qua.
Chiều nay, chị bạn đến nhà chơi, mang theo biếu một hộp mứt me, do người nhà mang từ VN sang, chị nói:
- Thương lắm chị mới mang sang cho, chứ cái này thuộc loại “hiếm quí” của nhà làm, rất…sạch sẽ, nhìn thấy nó là tuyến nước bọt cứ làm việc liên miên, có điều bây giờ mình ở xa nhà nên không có me dốt dốt (vừa chin tới), chứ hồi nhỏ chị thích nhất là ăn me hơi dốt dốt mà ngâm nước đường vào những ngày tết, trời! sao mà nó ngon chi ngon lạ ngon lùng, ngoài những lúc mình ăn me xanh chấm muối ớt. .
-Chị kể làm em cũng bắt thèm , ừ lâu quá rồi mình chưa có dịp ăn lại những trái me ngâm nước đường trắng phau phau chị nhỉ?
-Có đâu mà ăn, bên này mình có thấy ai bán me trái xanh nguyên đâu , mà phải vừa dốt dốt, mình mới lột vỏ, xẻ tách hột ra, để nguyên cái cuống ngâm vào trong nước đường chứ!
-Em cảm ơn chị cho hộp me này, nhìn ngon thật, nhưng phải chi có trái me ngâm nước đường, lấy từ trong thẩu ra, bỏ vào miệng cắn một cái, chất ngọt của đường quyện với chất chua chua của trái me, thêm cái dòn rụm của thịt me vừa chín tới, chị à, nước miếng mình không cầm được đó.
-Bởi biết em thích me, nên chị mới dặn người nhà gửi sang đó, ăn mứt me này thế đỡ me ngâm.
-Ừ mà sao hồi đó mình ăn uống cũng cầu kỳ quá há, nhất là món me ngâm nước đường mà chị em mình thích đó, mà chắc có đàn bà con gái thích thôi chị há, làm cực thấy bà đi, từ cái chuyện lựa me, phải lựa những trái me vừa thẳng, vừa tròn, vừa không xanh lắm, thịt me không được mềm, còn nguyên cả cái cuống. Xong rồi phải ngồi lột vỏ, lột cho thật khéo đừng để chạm vào thịt me, rồi phải nhẹ tay tách trái me lấy hột ra, sau đó ngâm sơ qua chút nước muối cho trắng và hết chất chát, rồi ngâm lại nước lạnh cho hết chất muối, cùng lúc nấu nước đường để nguội, ngâm me vào, cứ vài ngày là thay nước đường khác, đến lần thứ ba, khi mà hũ me ngâm nước đường không còn thấy sủi bọt, trái me nhìn trắng phau phau..
-Con khỉ đừng kể nữa, chị thèm quá rồi nè, nước miếng cứ ứa ra….
Chị từ giã ra về sau năm bảy câu chuyện nhắc nhở về những ngày xưa thân ái cũ, mà hễ đến ngày tết, hầu như ít có người quên.
Chị đi rồi, tôi cầm hộp me nhìn lại, những trái me cong cong, được ngào với đường đã nấu thật tới, thành những trái mứt me màu vàng óng ánh, nhìn thật hấp dẫn, chắc người làm ra nó cũng bỏ nhiều công phu, không biết nguồn gốc những trái me này ở đâu, bỗng dưng tôi lại nhớ về những cây me ở làng Phong Ấp- Ninh hoà, cả những cây thật lớn ngay trước cổng trường tiểu học P.A, nơi nhiệm sở đầu tiên tôi nhận việc sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Q N, không biết bây giờ nơi đó có còn không?
Chiếc xe đò ngừng ngay trên lối rẽ về làng, bên kia đường là quán cà phê mang một tên độc nhất “cà phê HẠ”. Điểm dừng rất dễ nhớ để chú lơ xe mỗi buổi sáng hét to cho người tài xế ngừng xe cho tôi xuống.
Lần đầu tiên bước xuống khỏi chiếc xe ở nơi này, tôi đâm ra luống cuống, vì có quá nhiều tiếng huýt sáo phát ra từ những người Lính ngồi trong quán. “Cô giáo trẻ” về làng. Tôi men theo con đường làng với tà áo dài nhẹ bay trong gió sớm trên chân đi đôi guốc nhọn, một chút hãnh diện ngầm cộng với nỗi lo, đi trình diện làm nghề gõ đầu trẻ, không biết ông hiệu trưởng thế nào, học trò ra sao?....
Trường học chỉ có một dãy lớp nằm ngang gồm 5 phòng học, và một văn phòng dành cho Hiệu trưởng và Thầy Cô giáo hội họp nằm ngay chính giữa, chỉ có mười lớp học theo hai xuất sáng-chiều. Thầy Hiệu trưởng N. V. Ngô đã lớn tuổi, trông thật hiền hòa, sau khi giới thiệu Cô giáo mới đến nhận nhiệm sở với các đồng nghiệp, Thầy đưa tôi đến ngay lớp năm nằm cuối dãy nhà, mà tôi phải phụ trách, thế cho chị Minh Châu vừa rời khỏi để đổi về nhiệm sở mới ở Nha trang.
Sự thật gần đúng với sự tưởng tượng của tôi, và trong những sách giáo khoa mà tôi từng có dịp đọc về một lớp học ở làng quê. Những em học sinh ở đây lớn nhỏ đều có đủ cỡ, có vài em đã đứng ..ngang bằng cô giáo, dù cô không thuộc loại thấp người, những nét mặt tuy đen đúa, không mấy sáng sủa ở nhiều em, nhưng nét thật thà chân chất hiện rõ trên từng khuôn mặt. Tôi bỗng trở thành một phần tử của lớp học mà có nhiều học sinh còn đi chân đất đến trường.
Đường đi từ quốc lộ vào trường cũng xa thăm thẳm, nhưng nhờ sáng nào cũng có nhiều em học sinh cùng đi, nên xa cũng hoá gần, nhất là có nhiều cây cổ thụ với tàn thật lớn, xoải ngọn ra đường, làm rợp bóng đường làng vô vàn thơ mộng, chưa kể hai bên đường, nhiều căn nhà có vườn rộng thênh thang, cây ăn quả trĩu cành sà ngọn, nhất là những cây Me thật lớn, chia làm hai hàng thẳng đứng như cố ý làm dàn chào từ ngoài lộ vào đến cổng trường, hình như có cả chục cây chứ không ít hơn được .
Trường làng, nên sinh hoạt Cô trò rất gần gũi, thân mật. Nhiều bữa trên đường đến trường, Cô giáo bị học trò nhát … Đỉa, cô sợ gần muốn khóc, nhất là sau những cơn mưa lớn, những ruộng lúa hai bên đường có nhiều lạch nước chảy qua, những con đỉa trâu sẵn sàng bám trụ vào bất kỳ chỗ nào trên thân thể người ta mà chúng gặp phải khi lội tung tăng trong dòng nước, không bao giờ chịu nhả ra (dai như điả) nếu chưa no bụng máu, nhất là những đôi chân trần. Vì muốn lội qua lạch nước, Cô giáo phải vén áo dài lên, xoắn quần thật cao, và tay xách guốc mới mong qua bên kia mà không bị ướt. Những lúc biết có đỉa lội, tôi thường phải đứng lại chờ bất kỳ một chiếc xe Honda nào trờ tới, quá giang qua vũng nước, kỷ niệm không bao giờ quên.
Đứa học trò thường nhát đỉa cho Cô giáo sợ, lại là đứa gần gũi cô giáo thường xuyên. Trái cây của Hỷ, tên em, mang đến …tiếp tế cho cô giáo thông thường là Vú sữa, những trái vú sữa xanh mộng , mướt rượt, chỉ cần vo tròn vài lần cho trái vú sữa mềm một chút là có quyền bỏ vào miệng bóp… ăn từ từ.
Nhưng trái hấp dẫn cô trò vào giờ chơi vẫn là những trái me dốt, có khi ăn không , nhiều bữa xuống nhà ông cai trường xin… muối ớt. Nếu không mang được me từ nhà, thì chúng lấy cây sào, đợi giờ ra chơi, chạy u đến hàng me trước cổng trường mà …chọc cho me rớt xuống..
Gần tới tết năm đó, trước hôm Cô trò giã từ để ở nhà ăn tết, khỏi phải đến trường trong mấy ngày xuân. Buổi sáng đến trường, trên bàn tôi có đến mấy bao cát (loại bao của quân đội đựng cát để đắp xây tường ngăn đạn) nặng chịch, khi tôi mở ra thì toàn là ME. Trời đất, bộ mấy đứa học trò này tưởng tôi là chúa ăn …chua sao, mà vác me đến tặng quá trời. Nhưng không, chúng tâm sự sao mà dễ thương đến lạ lùng , mãi mãi tôi không bao giờ quên. Cả bọn cùng chung ý tưởng rằng cha mẹ chúng biết Cô giáo ở thành phố về, mà ở thành phố vào dịp tết nhất chắc không thiếu thứ gì, ngay cả những loại trái cây ngon nhất, nhưng những chùm me chúng đem tặng, là những trái ngon nhất, vừa dốt dốt, không chín lắm mà không còn xanh cứng, trái lại thẳng, no tròn, đẹp đẽ, cha mẹ chúng quí Cô giáo, và biết cô thế nào cũng thích, nên đã tuyển lựa rất kỹ để tặng Cô, đem về làm mứt me ngâm nước đường cát trắng, đó là tất cả tấm lòng của cha mẹ các em…
Những ngày xuân năm đó, khách đến nhà tôi, dù đàn ông hay đàn bà, cả con nít nhỏ, đều được mời ăn mứt me ngâm nước đường, ai cũng rối rít khen dòn, khen ngọt, khen ngon, có người còn tò mò hỏi mua me ở đâu, sao họ ra chợ tìm không thấy những trái me đẹp như vậy.
Tìm thấy làm sao được, khi mà tình thân nghĩa trọng giữa cô trò chúng tôi quyện vào nhau, làm cho những trái me thêm no tròn, óng mượt, tăng vẻ đẹp, ngon bội phần..
Bây giờ, nơi đây , sau mấy mươi năm xa cách, không biết những người học trò nhỏ năm xưa của trường tiểu học Phong Ấp-Ninh Hoà, nơi có hai hàng me cao ngọn rợp mát trước cổng trường, vẫn còn ở làng cũ hay đã lưu lạc phương nào, các em có còn nhớ đến những chùm me dốt thẳng trái đựng trong những bao cát nhỏ mang đến cho cô làm quà tết?
Dù Me có chua, nhưng quyện trong nước đường ngọt, nó vẫn ngọt ngào như tình nghiã Cô trò thật ngọt ngào khắng khít đã được ghi lại trong tấm ảnh lưu niệm mà tôi luôn cất giữ từ đó đến nay..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét