TÌNH CHA CON.
Lê Thị Hoài Niệm.
Ông Brown ngồi trên chiếc ghế dựa trước
hiên nhà, nhìn lơ đãng lên hàng thông phía trước, nơi có con chim cu bé tí xíu
đang gật gà gật gù trong cái tổ nhỏ xíu được kết bám vào cành thông, hình như
nó đang đói bụng và chờ thức ăn. Ông nhìn mãi con chim ốm yếu run rẩy trong cơn
gió, cái đầu nó gục xuống, nó cất tiếng kêu rúc rúc, lát sau có con chim lớn xà
lại, mớm thức ăn trong miệng nó vào mỏ con chim con, con chim con nuốt vội có vẻ
hả hê sung sướng lắm. Hình ảnh đầm ấm dễ thương quá, ông cứ nhìn mãi nhìn mãi đến
khi con chim mồi hết thức ăn trong miệng vào mỏ con chim con và bay đi. Con
chim con no nê nên không còn kêu la nữa, nó soải hai cánh tập bay, nhưng chưa đủ
sức và rớt cái bịch xuống đất rồi đập đập cánh tập bay tiếp…
Một con gió lạnh thổi qua, làm ông rùng
mình và thấy mắt mình cay cay. Ông hình dung lại dáng vẻ của đứa con gái hồi
chiều trong bệnh viện tâm thần của thành phố, nó ngơ ngơ ngác ngác lấm lét ngó
ông rồi ôm đầu ngồi thụp xuống đất trong trạng thái sợ hãi. Ông chỉ biết đứng
nhìn trân trân vào nó, vào cái chân đang băng bó và bộ đồ short trên người chắc
má nó đem vô. Ông xót lắm nhưng không thể mở miệng an ủi hay nói một câu gì với
nó ngoài vài câu thăm hỏi người vợ cũ đang ngồi buồn xo trước cửa. Căn phòng nó nằm trống trơn ngoài
4 bức tường trắng xóa và cái giường twin size phủ chiếc ra trắng bóc, ngoài chiếc
gối và cái mền đắp, không có bất cứ vật dụng gì. Ông đứng một lát rồi lại ra về
trong xót xa. Ông muốn khóc nhưng những giọt nước mắt bị chẹn ngang đâu đó, chỉ
thấy hai con mắt đỏ hoe để những người nhân viên trong bệnh viện nhìn ông thông
cảm, vì những phòng chung quanh, cũng có những con người ngơ ngơ ngáo ngáo, những
người cũng đi tới đi lui trong âm thầm, lặng lẽ.
Đã bao nhiêu năm rồi ông ít quan tâm tới
đứa con gái này, vì cuộc sống gia đình mới bận rộn quá hay là ông đã quên? Ngoài
giờ đi làm ở một công ty bào chế thuốc, ông cứ phải phụ với bà vợ lo cho hai đứa
con trai từ lúc nhỏ đến nay đang ở gần cuối bậc trung học, chúng có quá nhiều
sinh hoạt, nhất là thành viên của ban nhạc ở trong trường, nên ông và vợ cứ
thay nhau đưa đón tụi nhỏ cũng hết giờ, cuối tuần thì dành cho bạn bè, thân quyến
tiệc tùng, cuộc vui, đưa mấy đứa nhỏ đi tham dự những trận football, basket
ball,..v..v.., Giờ ngẫm lại ông cảm thấy vô cùng hối hận, ước gì thời gian trở
lại nhiều năm về trước, ông chịu nghe lời
vợ cũ mà quan tâm chăm sóc đứa con gái đang trong tuổi vừa mới lớn, chắc con bé
không vướng vào băng nhóm tội lỗi, để gặp tình trạng tội nghiệp như bây giờ…
Sinh nhằm thời chinh chiến, ở vào tuổi bị
động viên, vừa học xong trung học, đâu biết nhiều về cuộc sống bên ngoài đối với
cậu bé quê làng như ông. Nhưng rồi cũng như những thanh niên cùng trang lứa,
ông lên
đường nhập ngũ mà không biết cuộc đời rồi sẽ ra sao ngày sau. Qua một thời
gian huấn luyện, đơn vị ông được đưa sang Việt Nam, một quốc gia hoàn toàn xa lạ
từ tên gọi, điạ lý và giống dân, ông chưa bao giờ nhìn thấy qua một lần trên bản
đồ, đừng nói chi đến gặp gỡ và trò chuyện với người dân nơi đó.
Một buổi sáng mùa đông, từ địa phương
ông ở khí hậu lạnh cắt da, tuyết phủ đầy đường, thì nơi ông đến, mồ hôi nhỏ giọt
trên từng khuôn mặt, trên lưng của tất cả mọi người. Những vạt nắng như đâm bổ
vào người, như thách thức sự hứng chịu của đoàn quân viễn chinh vừa mới đến. Những
ngỡ ngàng xa lạ với quang cảnh chung quanh, những con người, tiếng nói, đến những
sinh hoạt tầm thường, nơi ăn chốn ở cũng là những xoay sở khó khăn mà ông và những
đồng đội đang gánh chịu. Đã vậy, chỉ sau vài ngày ngắn ngủi ở nơi đổ quân ven
thành phố, đơn vị ông đã được đưa về vùng nông thôn hẻo lánh. Nơi đó, những con
đường đất lầy lội, có đoạn được trải đá xanh nhưng cũng lồi lõm bởi dấu chân
xe, chân ngựa. Những mảnh vườn nghèo nàn, khô khốc với dăm ba cây ăn trái miền
nhiệt đới. Người dân thì đen đúa, quần áo trông nghèo nàn với quần đùi, áo cánh.
Có người đứng xa xa chấp hai tay sau lưng mà nhìn, có người chạy vội vào nhà
khép hờ cánh cửa ngó ra, chỉ có những đứa trẻ là chạy theo đoàn xe và xin ..kẹo,
ông đoán thế, vì các bạn ông đã “quăng” những thỏi sewingum xuống và bọn trẻ
nhào đến chụp lấy chụp để rồi cười hắc hắc không ngại đất đá dơ bẩn trên đường…
Đơn vị ông không tác chiến trong rừng
sâu, mà là đơn vị công binh đi làm đường, bắt cầu, sửa sang những căn cứ quân sự,
trường học địa phương…, nên căn cứ đóng quân ở ven đô của một tỉnh miền đông
nam phần.
Người Lính viễn chinh vui ít buồn nhiều,
dù là một đơn vị không tác chiến, nhưng không vì thế mà được sống an toàn, vì
đâu đâu cũng được “tình báo” báo cáo coi chừng có giặc từ những xóm nhà chung
quanh, xóm nhà này nguyên là “ấp tân sinh” của những người…tị nạn cộng sản lúc
trước. Đối với ông và các bạn, người dân xứ sở này sao nghèo quá, nhà cửa thì
có chút xíu, thỉnh thoảng mới có căn nhà đúc lợp mái ngói, trông bên ngoài có vẻ
đồ sộ nhưng bên trong thì cũng chẳng có phòng ốc gì nhiều, còn thì nhiều nhà chỉ
có vách đất, mái lợp tranh, hoặc những tấm phên tre che chắn, hay những tấm tôn
vá chùm vá đụp chồng lên nhau để che nắng che mưa, khiến ông không khỏi chạnh lòng.
Đâu có giống như quê ông, dù ở một làng
quê nhỏ, chung quanh là những ruộng bắp ngút ngàn, nhưng người dân sống rất thoải
mái. Những ngày còn đi học, mùa hè ông cũng giúp gia đình ra ruộng, nhưng ngồi
trên những chiếc máy cày xới đất, chỉ điều khiển cái máy cho chạy suốt buổi là
xong. Đời
sống người dân quê của ông dễ thở lắm, nhà cửa cũng đầy đủ những tiện nghi cần
thiết, nhiều khi còn rộng rãi hơn nhà ở thành phố, cũng có xe hơi hai ba chiếc,
chiếc đi phố chợ khác với chiếc truck ra đồng. Những đứa bạn ông cũng đẹp trai đẹp
gái, đa số cũng học tại ngôi trường tiểu hoc, rồi trung học rất khang trang ở
trong làng. Chúng nó mặc jean cưỡi ngựa mỗi khi có dịp, ăn uống thì đa số là chất
tươi ngon, chứ đâu có thấy thiếu thốn như vùng quê xứ sở này.
Đơn vị ông được sắp xếp sống trong những
căn nhà tiền chế, cũng đầy đủ những điều kiện cơ bản tối thiếu, nên rất cần những
người địa phương vào phụ việc.
Trong nhóm người vào làm việc trong căn
cứ của ông, một số làm văn phòng, thông dịch viên đa số là đàn ông, còn lại những
người nấu ăn, giặt quần áo, quét dọn phòng ốc..v..v.. là những người con gái mới
lớn, trông họ quê mùa chân chất, nhưng rất siêng năng. Ở đó ông gặp bà Chinh.
Thời gian đầu bà không dám lại gần ông. Người
con gái VN nhỏ thó, có cặp mắt đen lay láy và mái tóc dài nhung mượt, lúc nào
cũng cười dù ngôn ngữ …bất đồng, Bà không biết một chữ tiếng Mỹ còn ông thì bù
trất tiếng địa phương. Nhiều bữa ông muốn đến gần cầm tay bà khi bà vào dọn
phòng và ông còn ở đó, nhưng ông không biết nói thế nào cho bà hiểu rằng ông
thích bà lắm, chỉ sợ bà hiểu lầm rồi la lối um sùm lên thì phiền. Nhưng sau nhiều
buổi gặp gỡ, ông tìm cách “tặng” bà những mòn quà từ xứ sở Mỹ quốc của ông như
cái ly thủy tinh, bình thủy đựng nước nóng, cái quần jean, áo thun màu, những gói
kẹo chocolate…., được ông mua từ hôm xuống PX dưới thành phố Sài Gòn với mấy
người bạn cùng đơn vị. Cuối cùng ông đã lấy được tình cảm của bà, khi bà cứ cười
cười, hình như cũng đã thích ông, người Lính Mỹ trẻ tuổi đẹp trai và tràn đầy sức
sống.
Ông đến thăm nhà bà vào một buổi trưa
ngày chủ nhật, cứ như là một lần “dạm hỏi”. Từ khi hai người “thân nhau”, Bà
cũng học được vài tiếng Mỹ nơi ông và nhờ người thông dịch viên chỉ giúp, nên
bà cũng hiểu được chút chút những điều ông tâm sự, cũng hiểu sơ sơ những ý thích
của một người Lính trẻ, vì tuổi tác của họ không chênh lệch gì nhiều...
Nhà bà nghèo quá, một căn nhà thật nhỏ
trong một khoảng sân cằn cỗi, ở phía cuối sân sau là vài cây gì đó đang có quả,
trong nhà không phòng ốc riêng tư gì cả có làm ông ngạc nhiên, khi mà gia đình
bà ngoài cha mẹ, còn một lô em út đến chừng sáu đứa. Buổi trưa nắng mà bốn đứa
con trai chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, thân hình ốm nhom, mặt mũi đen đúa, mồ hôi
nhễ nhại như vừa đi …tập trận ngoài nắng trở về nên ngửi có mùi khét nắng, hai đứa
em gái thì lén lút đứng dưới bếp nhìn lên. Những hộp kẹo ông mang đến tặng, những
hộp bút chì sáp, những thỏi sewing gum và một lô quần áo thun từ nước Mỹ, là những
món quà được mẹ ông gửi sang theo “đơn đặt hàng” của ông để tặng cho gia đình
nhà bà. Ban đầu, cha mẹ bà có hơi ngần ngừ, và họ chỉ cười cười chứ cũng chẳng
biết ông nói cái chi chi mà trả lời trả vốn hay nói tiếng cảm ơn…
Lần thứ hai ông đến cũng là lúc đơn vị
ông tổ chức đám cưới cho ông bà. Một buổi tiệc đơn sơ có thông dịch viên và chỉ
huy trực tiếp của ông tham dự, cũng có làm gia đình của bà “nở mày nở mặt” với
hàng xóm. Ông thấy rất nhiều người đứng lố nhố dưới nhà bếp, một số đứng thập
thò ngoài cửa rồi chỉ chỏ nói cười, như một lời chia vui với gia đình nhà vợ ông?,
mà theo quan niệm những người Việt nam nông thôn ngày đó, người nào “lấy chồng
Mỹ” không những không được coi trọng mà
còn bị dè biểu khinh khi. Người thông dịch viên bảo thế chứ bà Chinh làm sao có
thể nói cho ông biết, ngoài một vài từ ngữ thông thường để trao đổi hàng ngày.
Từ khi ông cưới được bà Chinh, căn phòng
thuê ngoài con phố nhỏ là “tổ ấm” của ông bà. Nhưng căn nhà của cha mẹ bà cũng
được ông xin đơn vị công binh chở đến một số vật dụng xây cất cần thiết để sửa
chữa, nên căn nhà được rộng rãi, thoáng mát hơn.
Bà Chinh bây gìờ là là bà Brown chính
danh sau nhiều thủ tục “điều tra” an ninh khó khăn và cần thiết.
Bà theo chồng sang Mỹ, khi ông được trở
về cố quốc sau một năm thi hành nghĩa vụ. Ông được giải ngũ và về sống tại một làng
nhỏ tên Harward, ngoại ô thành phố Chicago, chủ yếu là trồng bắp và đậu. Ngày về
của họ cũng “trăm cay ngàn đắng”, khi mà nạn phản chiến có mặt khắp nơi và người
Lính Mỹ trở về bị “hất hủi”. Nhưng nhờ gia đình che chở cho vợ chồng ông, nên mấy
mẫu đất trồng bắp, ông được tiếp tục canh tác. Đời sống của họ cũng ổn định,
khi mà mẹ ông rất thương bà Chinh, người con gái nhỏ Việt nam xa nhà, sống nơi
đất lạ một mình mà ngôn ngữ thì bất đồng, phong tục thì lạ hoắc, thức ăn đồ uống
đều khác biệt. Rồi nhà họ có thêm hai đứa bé con thật dễ thương: một trai, một
gái và được ông bà nội nâng niu, chiều chuộng, thương quý hết mực.
Gần cuối năm 1974, vì bà nhớ nhà lắm lắm nên
xin gia đình cha mẹ và ông cho bà về thăm, trong lúc ông vừa vào thành phố xin
làm việc trong hãng bào chế thuốc nên không thể đi được cùng bà. Hai đứa con mới
ngoài ba bốn tuổi cùng đi với mẹ về quê ngoại thăm viếng.
Nhưng rồi biến cố mùa Xuân đau thương đổ
ập xuống miền Nam, Bà loay hoay với hoàn cảnh gia đình cha mẹ anh em, đi không
nỡ mà ở không đành, và cuối cùng bà kẹt lại để thấm thía với cuộc sống ăn độn
bo bo vào mỗi bữa cơm, để hai đứa bé Mỹ lai còn nhỏ xíu bơ vơ, ngơ ngác không
biết tại sao chúng phải sống với hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ như thế.
Ông Brown tìm mọi cách liên lạc với vợ
sau một thời gian, nhưng tất cả tin thư đều im bặt, Mẹ ông cũng cuống cuồng lo cho
hai đứa cháu nội của Bà. Lúc này tòa đại sứ Mỹ chưa làm việc thì biết nhờ cậy
vào ai..
Sau vài năm tin thư của vợ không có, ông
Brown đã tìm đến người bạn gái ngày xưa học cùng lớp để tìm an ủi, và cuối cùng
họ kết hôn với nhau sau khi ông ly dị đơn phương với bà Chinh. Và ông có cuộc sống
mới từ đó.
Bà Chinh sống tại VN thời gian nước nhà bị
“giải phóng”, bà bị chính quyền địa phương mới hành hạ đủ điều vì bà lấy …đế quốc
Mỹ và có con với Mỹ. Dù ở quê, nhưng căn nhà trước kia ông xây cho gia đình bà
rất khang trang so với người địa phương, nên là điểm chú ý của họ, gia đình bà bị
đuổi ra khỏi nhà để đi đến một nơi khác xây dựng lại cuộc đời, đó là lý do tại
sao gia đình ông Brown liên lạc bằng thư từ mãi không được.
Khi đã ổn định chỗ ở mới gần thành phố,
bà Chinh tìm mọi cách liên lạc với gia đình bên Mỹ, cũng là lúc bà biết tin ông
Brown xây tổ uyên ương với chính người bạn gái đồng chủng của ông. Bà buồn và
lo sợ lắm, nhưng với bản tính chất phác, hiền lành của người dân quê, bà nhờ
người viết thư “năn nỉ” ông bảo lãnh cho gia đình bà về lại Mỹ, dù gì hai đứa
con của bà cũng là con cháu của họ, là công dân Mỹ hẳn hoi, và lại cha mẹ chồng
của bà cũng rất thương cháu nội.
Và chính mẹ chồng bà là người đứng ra
lãnh ba mẹ con bà về Mỹ vào khoảng đầu thập niên 80, vì họ là người Mỹ mà!
được trở về
nước thôi. Còn ông đã có vợ mới nên không bảo lãnh cho bà được nữa.
Bà Chinh được sự giúp đỡ của nhà chồng để
tạo dựng lại cuộc đời mới. Bà đi làm tạp dịch trong chợ K-Mark thời đó để nuôi
hai đứa con với sự trợ giúp thêm của chính phủ với người có thu nhập thấp, có
housing để ở. Thằng Travis, con Trish lớn lên theo ngày tháng với mẹ, có ông bà
nội ở gần, nhưng cha thì đang ở với gia đình mới trong thành phố nên chỉ có những
ngày lễ lớn mới có dịp gặp cha.
Travis lớn lên trong tình yêu thương của
mẹ và bà nội sau khi ông nội mất, cậu chăm chỉ học hành đàng hoàng và sắp ra
trường sau bốn năm đại học.
Nhưng Trish thì không theo bước chân của
anh trai, cô càng lớn càng có nét đẹp dịu dàng của một người con gái mang hai dòng
máu Việt -Mỹ, đôi mắt hơi ngã màu hạt dẻ nhưng mái tóc thì đen tuyền giống như
mẹ, mũi miệng rất xinh, mỗi khi cô cười thật có duyên nên có rất nhiều bạn trai
theo đuổi. Cô chưng diện nhiều hơn, theo bạn bè bỏ học đi chơi nhiều hơn thời
gian đến trường nên không tốt nghiệp được bậc trung học. Bà Chinh dù rất thương
con, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng, bà không đủ từ ngữ để hiểu hết những gì con nói,
còn bà nói thì con không hiểu vì bà chưa có thì giờ để dạy nhiều tiếng Việt cho
con. Nhiều lúc hai mẹ con gặp nhau, bà chỉ nói vài câu ngắn thì Trish đã vùng vằng
bỏ đi mất, còn nói vọng lại là bà “talk too much”!. Mẹ chồng bà dù thương cháu
đấy, nhưng cũng đâu có gần gũi cháu nhiều, nhất là từ khi Trish bỏ làng nhỏ để
vào thành phố lớn, thì mẹ và bà không còn kiểm soát được con cháu, và cũng không
biết nó ở đâu mà tìm, nếu nó không gọi về cho hay. Cũng khó báo cảnh sát vì Trish
đã trên mười tám tuổi, không còn tuổi vị thành niên. Bà có gọi báo cho ông
Brown biết tin về Trish khi được giấy báo từ trường học gửi về là Trish không tốt
nghiệp được lớp 12. Bà muốn ông cố gắng về thăm con và tìm cách nói chuyện khuyên
răn nó. Nhưng rồi ông cứ hẹn lần hẹn lửa từ tuần này qua tuần khác với đủ mọi lý
do.
Để rồi một hôm, từ ty cảnh sát gọi đến
nhà cho bà Chinh rằng Trish Brown đã bị thương nơi chân, nhưng vết thương không
nặng lắm. Có điều cô ta bị khủng hoảng nặng về tinh thần, rất cần sự có mặt của
người thân bên cạnh.
Bà Chinh đã hốt hoảng tìm đến bà mẹ chồng
nhờ cùng đi vào nhà thương tận trong thành phố. Hai người đàn bà một Mỹ một Việt
được cảnh sát đưa đến căn phòng có người canh giữ, để thấy một Trish đang ôm đầu
sợ hãi thu mình trong một góc giường, dù chân trái đang bị băng bó, nhưng cô cứ
khóc thét lên rồi thu mình lại, rồi ôm đầu run rẩy, mặt lơ láo, mắt lấm lét né
tránh mọi người, hỏi gì cũng không chịu nói.
Bao nhiêu nước mắt bà Chinh đổ dồn vào
cho con gái, bà ở ngày ở đêm với nó, có bác sĩ chăm sóc, ngay cả bác sĩ tâm lý.
Nhưng tình trạng thần kinh của Trish vẫn không ổn định, để cuối cùng người ta
phải chuyển vào bệnh viện tâm thần của thành phố, nơi có đủ “chuyên môn” để chữa
cho những người vừa trải quan một cú sốc quá nặng và rơi vào tình trạng mất kiểm
soát tinh thần.
Thì ra, trong những ngày Trish bỏ nhà đi,
đã bị lôi cuốn vào một đám bạn …găng tơ, theo lời cảnh sát điều tra hôm xảy ra
tai nạn, là hai băng đảng thanh toán nhau, người yêu của Trish đã bị bắn chết tại
chỗ, với hai người khác nữa, Trish kịp thời lao xuống xe nên đạn chỉ xướt qua ống
chân.
Và hôm nay, biết tin con gái được đưa vào
bệnh viện tâm thần, ông đã đến thăm con. Dù thế nào nó cũng là giọt máu chính thức
của ông, ông đã từng bế con lúc nó còn đỏ hỏn đến khi nó biết cười biết nói.
Ngày đó, thỉnh thoảng ông chở hai anh em nó trên xe truck chạy ra ngoài ruộng để
nhìn chúng đi lẫm đẫm bỏ mấy hột bắp giống xuống mấy luống đất ông đã cày xong.
Hai anh em nó cách nhau có một tuổi nên đứa này bưng bình sữa thì đứa kia giật
lấy, thường thì con em ăn hiếp thằng anh, làm ông bà cứ phải bế hai đứa chạy ra
hai nơi mới êm chuyện mà cười vui thích thú.
Con bé đi lẫm đẫm năm nào giờ đang ở trong
căn phòng kín của bệnh viện tâm thần với vẻ mặt ngơ ngáo, tinh thần hoảng loạn đó
sao?. Làm sao, làm sao, làm cách nào để ông giúp được con gái ông cho nó trở về
đời sống của người bình thường xưa cũ? Ông ôm đầu tự trách chính ông, ông đã không làm tròn
bổn phận người cha, ông đã phớt lờ lời van xin của vợ cũ, ông đã bỏ rơi con gái!
Ông ước gì thời gian trở lại và con gái ông vẫn còn nhỏ, để ông hết lòng gần gũi
nó, thương yêu trìu mến, dạy dỗ và săn sóc nó như những ngày nó còn bé. Nhưng bây
giờ đã trễ? chưa biết con gái ông có bằng lòng cho ông chuộc lại những lỗi lầm
trong những tháng năm qua? Nếu ông quan tâm chăm sóc con gái, chắc gì tình trạng
như hôm nay đã xảy ra. Không biết nỗi dằn vặt này có theo ông suốt những tháng
năm còn lại?.
Chiều xuống lâu rồi, hình như có ánh đèn
cửa từ căn nhà hàng xóm đối diện chiếu sang. Ông Brown vẫn ngồi bất động trên
ghế, mãi đến khi có bàn tay của vợ ông đặt lên vai lay gọi ông vào dùng bữa tối,
ông mới uể
oải đứng lên đi vào nhà, nhưng trong đầu vẫn lởn vởn hình ảnh đứa con gái ban
chiều. Thở một hơi dài,
ông lại lẩm bẩm: mình từng làm trong hãng bào chế thuốc, nhưng sao chưa nghe ai
nói có loại thuốc mang tên “hối hận” bao giờ.
Lê Thị Hoài Niệm.