Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022
Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022
Tình Thầy Trò.
Sau mấy giờ con gái lớn
lái xe rồi cũng vào con đường đất đỏ, hai bên đường hầu hết là những cây cao bóng
cả, có vài nơi thì trơ gốc, xác xơ, nhưng bên trong là cả một cánh rừng rậm,
nên nai, mểnh cũng thường ra đứng bên đường như đón chờ khách đến thăm
chơi. Phía xa xa là dòng suối nhỏ, mấy kỳ
trước thấy có nước chảy trong veo vì mùa hè, bây giờ khô cạn. Lúc này trời vào
đông nên một số cây lá cũng có vẻ sầu, buồn rũ, vài cây có lá chuyển màu vàng sẫm,
nhưng hầu hết vẫn là màu xanh cố hữu.
Xe dừng bên hông nhà,
không có garage phía trước như những căn nhà ở phố. Nhưng đâu cần gì, khoảng
sân rộng và khu vườn hơn chục mẫu đất tha hồ mà đậu xe. Chúng tôi bước vào phía
cửa trước theo sự hướng dẫn của “Cô”(vợ Thầy nên gọi vậy, chứ người Mỹ thì cứ gọi
thẳng tên và xưng tôi) đã ra ngoài đón khách. Khách hơi ngỡ ngàng vì ngay trước
cổng, lối vào nhà, ngoài những bụi hoa nho nhỏ có màu vàng èo uột, một tấm bảng
nhỏ hơi méo mó cắm trên đất đập vào mắt với biểu ngữ tiếng Mỹ “ủng hộ phá thai,
và black life matter” đã phai màu nằm xeo xéo lối vào. Mấy đứa nhỏ hầu như chẳng
quan tâm, nhưng tôi thấy nó sao mà lộ liễu quá. Từ lâu tôi vẫn biết Cô ủng hộ đảng
Dân chủ, còn đi cầm cờ biểu tình la ó trên thủ phủ, nhưng trêu ngươi trước mắt Thầy
mà ông chịu được mới là chuyện đáng nói. Chuyện chính trị và tôn giáo hình như
là điều “cấm kỵ” khi những nguời quen gặp nhau ở đất nước này, nên chúng tôi cũng
tảng lờ coi như không thấy, dù trong đầu vẫn thắc mắc tại sao Cô có hai người
con và có cháu mà lại đi ủng hộ phá thai, lại ủng hộ cái đám người phá làng phá
xóm kia dù ông bà không có chút màu da nào dính tới họ? Thiệt hết biết trong
khi Ông là cựu quân nhân mà, từng là “Thầy dạy bay” cho chồng tôi gần cả năm thụ
huấn trên đất Mỹ hồi xa xưa đó, Thầy phục vụ trong quân ngũ đã mấy chục năm đến
khi giải ngũ, dù lúc sau này chuyển qua làm “Vệ binh quốc gia”. Ông và bà là
hai thái cực nhưng họ vẫn bên nhau đã hơn năm chục năm rồi, hay thật!
Cửa mở, ông tươi cười mừng
rỡ khi thấy chúng tôi vào, Bà thì vẫn phốp pháp, tốt tướng, nhưng ông có vẻ yếu
và suốt ngày cứ ngồi trên ghế xích đu để xem TV, theo lời ông.
Sự gặp gỡ sau nhiều năm,
mấy người trẻ tía lia với hai ông bà vì ngôn ngữ chính của họ. Ông thì thích
nói chuyện với người con gái lớn chúng tôi, vì họ cũng từng mặc áo Lính. Ông là
Lính trên trời, từng phục vụ tại Việt Nam một năm và sau đó xin trở lại lần
hai. Con gái tôi là Lính dưới nước, hai người đều “lái” hai phương tiện hành quân
khác nhau của Mỹ xưa và nay, nên có nhiều chuyện để trao đổi. Ôi thôi họ hỏi
thăm đủ chuyện, đã vậy ông còn bắt cô lớn kể chuyện những ngày ra khơi, 6 tháng
lênh đênh trên biển cả có cảm nghĩ gì? Dù bây giờ cô đã từ giã con tàu nhiều
năm và có công việc khác ổn định. Bà thì hỏi thăm cô nhỏ hơn về gia đình và những
con.. chó đi qua đời họ. Hình như chuyện chó mèo cũng là đề tài quan trọng khi
những người lâu năm gặp nhau, cứ như là chuyện con cái trong gia đình. Ừ thì
con chó cũng là thành viên trong gia đình mà, được cưng yêu, được nâng niu như
con dại, di chuyển bằng phi cơ cũng phải mang theo trả tiền giá vé con người nếu
là chó nhỏ.(chó lớn cũng được lên máy bay nếu là chó nghiệp vụ, hay chó giúp
người khiếm thị, đau yếu và được huấn luyện hẳn hoi).
Bữa ăn được dọn lên với
những thực đơn Mỹ quốc do bà làm, những món ăn này bà được truyền lại từ người
Mẹ chồng mà chúng tôi vẫn gọi Bà cụ là Mimi và ông cụ là PaPa. Ông bà cụ cũng dành
nhiều cảm tình cho chồng tôi trong thời gian chàng ở Mỹ. Ngày đó ông Thầy thấy
cậu lính trẻ xa nhà mà chịu khó học, chịu nghe lời ông và cố gắng tối đa làm
theo những gì ông chỉ dẫn. Ông tin tưởng và dành rất nhiều ưu ái cho người học
trò khác chủng tộc đó. Ông cảm thương hoàn cảnh xa nhà và cô đơn trong những ngày
lễ tết, nên ông đưa cậu về nhà và giới thiệu với cha mẹ anh em. Ông Bà cụ thân
sinh rất hiền từ nên thương cậu trẻ. Người em kế của ông, Larry cũng là một thầy
giáo trẻ nên mỗi lần gặp nhau, Larry là người hay chỉ dạy thêm cho cậu Lính phát
âm tiếng Mỹ, và người em gái rất đẹp của ông tên Helen, cũng hay làm bánh
cookie và gửỉ cho cậu Lính mang về căn cứ. Bà cụ là người đàn bà Mỹ
đảm đang, thích nấu ăn cho chồng con, bởi vậy chồng tôi cũng được nhờ, dĩ nhiên
là thức ăn Mỹ. Ngay cả những ngày tôi mới đến Mỹ, cũng về “trình diện” ông bà cụ. Bà cũng truyền thụ cho tôi cách làm
bánh cookie, hay những món mặn để ăn trong những ngày lễ lớn. Bà đan những áo
len, những món đồ chơi xinh xinh nho nhỏ cho mấy đứa con tôi từ khi chúng còn
nhỏ xíu. Có lần lên nhà ông bà cụ nhằm
ngày Easter, đúng lúc ông được nghỉ ở nhà, vì ông là tài xế xe truck xuyên bang
nên ít khi được nghở nhà lâu. kỳ đó suốt ngày ông cụ bồng bế con bé lớn nhà tôi,
ông đùa với nó khiến nó cười hắc hắc như chưa từng cười như vậy nên ông rất thích.
Họ dễ mến vô cùng, buổi tối bà còn đánh đàn piano, những bài nhạc của Mozart, Beethoven,
và những điệu nhạc vui Noel qua những ngón tay điêu luyện của bà cụ trở nên réo
rắt, khiến khách của ông bà cụ, những người đàn bà, đàn ông Mỹ sang cả, lịch sự,
mặc trang phục rực rỡ trong mùa tết đến nhà chơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi,
chỉ có chúng tôi là những người Á đông xa lạ, lại ốm tong ốm teo như bị đói ăn
tự lâu ngày là ngồi vỗ tay mà…ít hiểu.
Gia đình của Thầy ai cũng
thương quý chúng tôi, nên khi ông bà cụ có căn nhà nghỉ mát ở ven bờ hồ trên vùng
Tyler, cũng cho chúng tôi chìa khóa để đến nghỉ ngơi khi nào muốn. Nhưng những
năm tháng còn bận bịu nhiều công việc nên ít có về nơi đó. Có ngày nào nghỉ thì
vợ chồng con cái thường lên xe chạy u ra ngoài biển, mở thùng xe, đốt lò nướng
thịt đem theo từ nhà, rồi cả nhà đi bắt cua. Có vacation thì phải để dành để về
lại VN thăm cha mẹ già đau bệnh. Mãi đến khi cha mẹ qua đời hết cũng là lúc ông
cụ cũng qui tiên. Ngày ông đi, chúng tôi cũng đổ đường xa về dự tang lễ, nhớ ông
thật nhiều nên mấy đứa nhỏ khóc huhu, ngay cả khi chồng tôi lên nói lời “tri ân”
với người quá cố giữa nhóm bạn bè người Mỹ của Ông, chàng cũng…khóc. Ông hiền lành
thân thiện không “kỳ thị Á-Mỹ” như một số người Mỹ trắng “redneck” khác.
Ông
để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm những ngày về thăm chơi. Sáng chưa bảnh mắt,
ông bà đã dậy nấu sẵn thức ăn và những
người khách chúng tôi được tiếp đãi thịnh soạn sau khi bước xuống giường súc miệng
đánh răng, cứ y như là từ nhà hàng Pancake house delivery tới vậy. Rồi dắt chúng
tôi đến giới thiệu với những bạn thân của gia đình họ, cứ như chúng tôi là con
cái trong nhà.
Bà buồn khi mất ông, chúng
tôi cũng thường hay thăm viếng để bà vui với mấy đứa nhỏ, nhưng khi Bà có ông cụ
mới về chung sống, thì hình như tình cảm có vơi đi phần nào vì cả nhà Thầy tôi
cũng không ai…thích gì người mới, họ bảo ông cụ mới chẳng thương thật tình bà cụ
mà muốn về…đào mỏ, nhất là cô Helen ghét ông ra mặt. Hóa ra Á Mỹ gì đều giống
nhau với một quan niệm gia đình, khi về già, người ở lại nếu có tiền, không dễ
tìm được người yêu thương từ trái tim thực sự mà chỉ là sự tính toán, lợi dụng ..(?)
Khi bà cụ quy tiên, cô
Helen cũng buồn rồi ra đi về bên kia thế giới sau khi ly dị chồng, thì gia đình
người Thầy dọn nhà về trang trại này đây. Xa ôi là xa thành phố, thậm chí mua báo
tháng họ không chịu đưa tới nhà, đường nước dùng phải tự lo lấy. Trong rừng mà.
Ông Thầy “góp ý” với chúng tôi nên “mua” khoảng đất gần nhà ông, họ đang rao bán
khoảng mươi mẫu mà không đắt lắm. Trời! tôi mà sinh sống nơi đây chắc về…dưới sớm,
tôi nói với ông bà rằng nếu ai….cho tôi mà thêm chục cây vàng loại 24 kara nữa
chắc tôi cũng không lấy vì nó buồn như chấu cắn. Ngày xưa hổng hiểu sao ông bà
ta có quan niệm: “Bần cư náo thị vô nhân đáo, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”,
nhưng đối với gia đình chúng tôi, hình như bị đảo ngược, rằng thì là “bần cư náo
thị ĐA nhân đáo”! Tôi ở giữa chốn bụi trần không nhà to cửa rộng mà lúc nào cũng
có bạn bè đến thăm dù trời nắng hay trời mưa. Còn ở đây, chắc không…ma nào lai
vãng. Không ham đâu. Ngay cả mộ của ông bà cụ cũng chôn cất giữa phố mà, chúng
tôi về viếng mộ cũng dễ dàng đâu phải vào tận chốn hoang vu, vắng vẻ.
Trời vào đông đã lạnh,
mà buổi chiều mặt trời đi ngủ sớm nên vẻ quạnh hiu bủa vây trang trại. Mấy chú
nai vàng vừa được chủ nhà cho ăn xong đã kéo bầy đàn vào rừng trốn tiệt, không
còn cây lá nào cho chúng gặm cả, nên đất thì nhiều mà ông bà không trồng được cây
cảnh, rau cỏ gì ngoài cây pecan to tổ chảng phủ chụp phía sau hiên nhà. Mấy chú
Công đứng xa xa phía ngoài hàng rào cũng kéo nhau đi mất rồi. Sự vắng vẻ, tối
thùi lùi bên ngoài hình như không mấy ảnh hưởng, họ quen rồi? người ngồi trong nhà
thấy ấm cúng vì lò sưởi củi được đốt lên. Trận football hấp dẫn nên khách và chủ
hăm hở vừa xem TV vừa la ó khi đội tuyển phe mình “chọn” vừa được “touchdown”.
Ông thầy già và ông học
trò cũng già, mái tóc trên đầu của hai người muối nhiều hơn tiêu minh chứng thời
gian không đứng lại. Nhưng kỷ niệm ngày xưa hơn 50 năm hình như khó phai mờ
trong ký ức của họ. Họ nhắc cho nhau nghe những chuyến bay nguy hiểm lúc hành
quân trong chiến tranh tại VN, và những đứa con cũng ngồi nghe hai người già nói
chuyện rồi góp tiếng…thắc mắc. Mấy đứa con của Thầy về trễ khi chiều cũng tranh
nhau hỏi tới với nhiều ngạc nhiên thích thú, đứa nhỏ con tôi thì trầm hơn chỉ
cười cười rồi xin đi ngủ sớm, sau bữa ăn chiều do mấy món thức ăn Việt Nam tôi
làm sẵn rồi mang đến chỉ việc hâm nóng là xong.
Đêm chìm sâu vào yên lặng
khi mấy đứa con đi tìm chỗ ngủ qua đêm. Vợ chồng tôi cùng ngồi với ông bà vì chưa
ai muốn đi ngủ. Ông tâm sự lúc này yếu quá, dù ông mổ tim đã ba năm qua rồi, ông
rất vui vì gia đình chúng tôi vẫn nhớ ông,
rằng năm xưa ông cũng truyền thụ kiến thức cho nhiều Sinh Viên Sĩ Quan Việt Nam
qua rất nhiều khóa, nhưng hầu như ít người…nhớ đến ông! Học trò thì nhiều nhưng Thầy đâu có mấy người,
làm sao họ không nhớ? Nhưng chồng tôi luôn nhớ đến vì chính Thầy, lúc đó đang
mang lon Trung tá, là người đã vào tận trại tị nạn đón chàng ra trước nhiều đôi
mắt ngạc nhiên, thán phục, mừng dùm của những người bạn tị nạn đang bơ vơ nơi đất
khách. Nửa năm trời vợ chồng Thầy đã nuôi nấng chồng tôi, rồi
chở đi học tiếng Mỹ. Chỉ cần một bữa ăn lúc khó khăn cũng đã là ân tình, huống
chi nửa năm trời dài đằng đẵng. Tình Thầy trò, nghĩa bảo trợ, lòng yêu thương
quý mến gắn chặt hai gia đình chúng tôi, nên hễ có dịp là chúng tôi về thăm gia
đình Thầy, những đứa con tôi cũng nhớ hoài rất nhiều kỷ niệm lúc chúng còn nhỏ
về sinh hoạt với gia đình Thầy và Ông Bà Cụ. Những đứa con của hai gia đình, dù
sống những tiểu bang khác nhau, nhưng chúng vẫn liên lạc, trao đổi tin tức thường
xuyên như anh chị em trong một nhà. Ngày nào còn sống, còn về thăm nhau được, là
những ngày hạnh phúc từ đây cho đến cuối đời…
NỬA THẾ KỶ QUA, VẪN NHỚ ĐẾN NGƯỜI
(Lê Thị Hoài Niệm viết theo lời “tâm sự” của chị Nguyễn Thị H. Tr.)
Anh ạ!
Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyển thành màu vàng tuyệt đẹp, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đổ dài trên những tàng cây tạo thành bức thanh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.
Và anh, cũng không có để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình mà dệt mộng…
Còn gì nữa đâu, đã hơn năm mươi năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi nợ duyên đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền, anh nỡ bỏ em ra đi biền biệt khi em vừa tròn hai mươi tuổi!.
Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone của một ngưòi, qua sự quen biết của ngưòi bạn cũ cùng quê, người ấy cho biết khoá … sĩ quan Trừ bị Thủ Đức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này, em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh và bây giờ đã bạc, nhưng mãi mãi không thể có anh. Em tưởng mình không còn nước mắt để khóc nữa vì phải trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ, khóc thật nhiều như ngày nào em nhận được tin anh đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền Nam.
Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em, lại cùng anh nhập ngũ một ngày, để rồi anh X.. của em và anh vào cùng khoá …SQTB Thủ Đức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã sẻ chia từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buổi thăm nuôi của gia đình. Đến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại…theo anh của em chọn đơn vị về Địa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Đại Ngãi-Sóc Trăng.
Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ những ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khoá, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết giữa hai người bạn và cô em gái nhỏ của bạn đã không còn ngăn trở được tình cảm trong anh. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường Trung học công lập Kiến Hòa đã có người Lính lẽo đẽo theo sau làm.. bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng vì biết anh đã để ý thương em, cô em út của người bạn đồng ngũ của mình, ngay cả ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một Thiếu Úy tốt nghiệp từ trường Thủ Đức về tỉnh, đâu phải là chuyện dễ!
Thật tình Ba Má em không muốn em lấy chồng là Lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có những tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian này, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rể.
Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rể dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghiã quân Hưng Điền. Lần nầy hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau dù là huấn luyện viên cho lính.
Nhưng anh lại bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ sức bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Và anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Đêm ấy, đêm 23 tháng …., với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện với hơn chục vị Sĩ quan huấn luyện và nhiều khoá sinh, chỉ còn sống sót một người vì vắng mặt.
Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa, những tiếng khóc đã tắt nghẹn từ lâu. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống con người một cách vô lý.
Để hôm nay, năm mươi năm có lẻ, em ngồi đây nghĩ về anh trong ngấn lệ, về anh Cố trung úy NGUYỄN TẤN…, người yêu tuổi nhỏ và người chồng chỉ có trọn hai năm. Anh đã yên phần anh trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, tên anh thôi lởn vởn trong đầu em, có chăng, ngày em xuôi tay nhắm mắt. Nếu có kiếp sau, không biết mình có còn gặp lại.?