Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

VUI BUỒN NỘI TRÚ SPQN


Khoảng thời gian gần đây, khi có trang Face book thịnh hành, những bạn bè cũ từ từ liên lạc được với nhau nên mừng lắm, không kể trời Đông hay trời Tây, dẫu rằng trước đó có những kỳ ‘đại hội’, nhưng chỉ quy tụ được một số ít người tham gia, lại không có nhiều bạn cùng khóa. Và rồi chuyện ‘nghìn trùng xa cách’ được rút ngắn khi có những cuộc hội ngộ vượt đại dương, thôi thì bạn bè nhận được tin của nhau, ngoài chuyện…mừng húm, ‘chuyện cũ tích xưa’ huyên thuyên kể gần như không dứt. Kỷ niệm cứ hiện về đâu đó, dù rằng đời sống với chuỗi dài đến mấy mươi năm, qua bao thăng trầm với đủ mọi biến chuyển gắn  liền với cuộc đời dài mút mắt.
Trong sinh hoạt thường nhật của một người…có tuổi, chuyện quên lãng vẫn thường xảy ra, nhiều lúc cái mắt kính vắt ngay trên đầu mà lục lọi tìm tòi khắp chỗ, cái chìa khóa cầm trên tay mà đi kiếm lung tung, thậm chí cái phone đang cầm để nói chuyện mà bảo người đầu dây bên kia…chờ chút để tìm cái phone, huhuhu….Nhưng hễ nhắc đến trường xưa, bạn cũ thì hầu như có bức tranh sống động đang sờ sờ hiện ra trước mặt, nhất là những ngày tháng học tại trường Sư phạm Quy Nhơn, nơi ngả rẽ của tuổi học trò và thời gian tập làm ‘người lớn’, đáng kể nhất phải là những ngày sống trong NỘI TRÚ mới đúng là ‘chuyện bây giờ mới kể’!.

            Ngày đó…,
Chỉ vài tháng ‘tá túc’ nội trú cũ, với một phòng có hơn ba mươi nữ giáo sinh vừa cũ vừa mới của hai khóa bảy và tám. Với lính mới tò te của mấy nàng khóa tám như tôi, vẫn có sự rụt rè e ngại của khóa đàn em, nên dù đông, nhưng chưa cảm thấy có gì vui, đôi lúc còn cảm thấy hụt hẫng vì hoàn cảnh sống mới. Mãi đến gần hai tháng sau, khi nội trú mới xây xong, tất cả giáo sinh của nội trú cũ được vinh hạnh ‘khánh thành’ nội trú mới, và giáo sinh khóa nào được chọn phòng ở theo khóa đó, lớp đó. Chim nhỏ sổ lồng, mới là những ngày vui trọn vẹn vì được chọn bạn theo ý muốn, cứ một phòng bốn người cùng lớp, có đủ giường tầng, bàn học và tủ để vật dụng riêng tư. Nội trú Nam bên trái và Nữ bên phải theo cái nhìn từ cổng chính đi vào, và những dãy nhà giữa giờ đã thành phòng học, và phòng dành cho Giáo sư trú ngụ, cũng như một cái nhà ăn và ‘căng tin’ để bán nhu cầu thực phẩm cho giáo sinh và khách thăm viếng.

            Phòng chúng tôi gồm bốn đứa ở ba phương trời cách biệt, đang học cùng lớp Hai, khóa Tám: Thu Mai là con vị quan đầu tỉnh ở tận vùng địa đầu giới tuyến, Nguyễn Yến là người Bắc di cư chính tông trú quán Nha trang, Như Thuận người địa phương xứ nẫu, và tôi đến từ vùng biển đẹp Nha trang với Yến. Vậy mà bộ tứ đã liên kết chặt chẽ thành một gia đình nhỏ trong một đại gia đình lớn nội trú mới vừa khánh thành, chúng tôi thân thương nhau không khác chi chị em trong nhà lúc đó. Thu Mai cứ nhận mình là ‘mẹ chồng’ dù chẳng thấy ‘thằng con quý tử’ ở tận nơi mô, cho Yến nhóc tì làm con dâu, tôi với chị Như Thuận làm …em chồng của Mai, và đi đâu cũng xưng hô như vậy, làm nhiều người cứ tò mò ngó sững, rồi tụi tôi cười ha hả, đúng là bọn …tào lao! Nhưng nhờ vậy mới có chuyện để phân chia công tác trong phòng, lúc nào cũng sạch sẽ, khỏi lo sợ khi ban giám thị đi khám phòng bất thình lình (và thường như vậy trong suốt hai năm nội trú). Chị Như Thuận hiền như …cục bột, ai nói gì cũng cười hết, nhưng có tài…coi bói số dzách (hồi đó cả bọn cả tin, nhưng bây giờ chưa chắc), nên mỗi bữa chiều đi nhà ăn về, là tụi tui xìa tay cho chị Thuận xem quẻ, rồi bàn tán để cười nắc nẻ.
Một bữa kia, thấy chị Thuận nhận một lúc mấy bức thư, mà chị ấy đọc tới đọc lui hoài, thỉnh thoảng mỉm cười…khoái chí, xong rồi cất thư dưới gối. Thế là ba đứa chúng tôi ‘họp kín’, đợi lúc chị ấy đi ra ngoài, bèn “ăn cắp” thư ra xem thử, đến đoạn người yêu của chị ấy viết: “… Anh nghĩ Em sẽ rất vui và sẽ chúc mừng cho Anh, vì Anh sắp cho ra đời một đứa con, đứa con mà Anh đã nâng nui ấp ủ từ bao lâu nay…” ba đứa đọc thư trộm của chúng tôi vừa đọc tới đó đã không tin vào mắt mình, thôi hí hửng cười vui, đứa nọ đưa mắt hỏi đứa kia, và len lén cất thư lại chỗ cũ không thèm đọc tiếp với tâm trạng bất bình, thắc mắc đủ chuyện.
            Bọn tôi thương chị Thuận bao nhiêu thì ghét tác giả bức thư  bấy nhiêu, nên khi chị ấy trở về nội trú là ba đứa thay phiên nhau “canh chừng”, kẻo chị ấy làm điều không hay như một vài chị khóa trước đã làm vì bị “tình phụ”. Sáng, trưa, chiều, tối  vẫn thấy chị Thuận tỉnh bơ, đã vậy chị còn cười vui chứ chẳng thấy âu sầu, áo não hay thậm chí khóc thầm, nên bọn điệp viên bèn lộ ngay chân tướng để phỏng vấn đương sự vì sao mà mặt mũi cứ chơn chơn, không thấy buồn thấy khóc? Ban đầu chị ấy ngơ ngác chẳng hiểu ba đứa nói chuyện gì, đến chừng Thu Mai nhịn không nổi bèn hỏi chị cớ sao Anh Th. sắp “có con” mà chị không buồn? Thế là cả bọn bị chị rượt chạy trối chết vì cái tội đọc trộm thư, chị vừa chạy vừa cười chảy cả nước mắt, trong khi bọn tôi thì ngớ ra, lại nghĩ thầm chắc chị ấy buồn quá hóa…khùng!
            Thì ra người yêu của chị là một Nhà thơ quân đội, và đứa con anh sắp cho ra đời chỉ là một…Tập thơ !.

            Hình như những người lính trẻ của các binh chủng thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa lúc đó, nếu có cơ hội ghé đến trường Sư phạm Q.N, đều thích được làm quen với các cô giáo tương lai, nên chi phòng Tiếp tân của nội trú những ngày cuối tuần từ sáng đến chiều không lúc nào vắng bóng người hùng đến viếng, và  chúng tôi thì hay kéo cả đám đi quanh hành lang, vừa đi vừa hát lớn: “…một đàn Sư phạm đi qua, chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu, ố tang tình tang, ố tang tình tình…”, một hình thức nhắn gửi rằng thì là quí vị hãy để yên cho chúng tôi học hành, chúng tôi chẳng cần gì cả ngoài chuyện chờ đến tháng Mẹ gửi chút tiền để ăn quà vặt ở căng-tin.

Ngoài chị Thuận là người Qui Nhơn, cuối tuần chị hay xuất trú, còn Yến thì có người cậu bên phía biển thuộc khu gia binh …, cuối tuần hai bạn thường ra ngoài. Còn hai đứa tôi chẳng có bà con thân thích gì bên ngoài, nên chỉ đi chợ khu sáu, khu hai, thỉnh thoảng theo các chị khóa bảy hay bạn phòng khác đi thăm …ghềnh Ráng, nơi có mộ Hàn Mặc Tử, thời gian còn lại nằm nhà…ca vọng cổ, móc áo gối hay đan áo cho người nhà, lâu lâu chờ ‘thân mẫu’ của Thu Mai vào thăm, mang quà cho TM và mấy ứa được ‘ăn ké’. Vì rảnh rỗi như vậy nên tôi thích đi trực dưới phòng tiếp tân, để vừa nhìn thiên hạ ra vô và chạy đi tìm người thân cho khách, vui lắm.

Tôi vẫn thích “trực ban” cuối tuần dù ngày nắng hay mưa, được nhìn đủ mọi hạng người, được biết tên những người bạn mới trong nội trú, được chứng kiến những cuộc hội ngộ kỳ thú, những buổi gặp gỡ gia đình rất cảm động, bất ngờ. Thường thì khi vào gọi được thân nhân, thì họ cùng nhau ‘xuất trú’. Luật nội trú là khi có thân nhân vào thăm, phải ghi tên cho người trực biết, xuất trú khi nào và khi về lại cũng phải ghi chú. Chỉ có những trường hợp hai bên có sự…bất hòa sao đó, người được khách tìm không chịu bước qua cổng, ngồi lại tại phòng TIẾP TÂN, và màn ‘khẩu chiến’ sẽ xảy ra, nhất là những chàng bên nội trú nam sang tìm người “cộng chỉ số”, để ‘thanh toán món nợ tình’ mà chàng nghe phong phanh nàng sắp sửa đưa thuyền sang bến khác(?). Phải công nhận là khóa bảy có quá nhiều người đẹp nổi tiếng, nên ôi thôi có hằng hà sa số LÍNH TRẬN MIỀN XA vô nội trú tìm gặp, tụi tôi cứ phải chạy thục mạng để tìm người đẹp cho qúy ông, nhiều khi thấy các bạn đứng dọc theo ban công, thế là có màn gọi…tiếp hơi, cứ lầu này gọi phóng lên lầu trên, gọi vang nội trú, trực ban khỏi chạy. Có lúc vài ông lính chơi bạo bước vào bên trong sân, khi bọn “trực ban” chúng tôi đang bận chạy lên lầu tìm người, là đề tài để mấy bạn đang đứng ở ban-công tha hồ la hét đòi “bắt trụng nước sôi”, khiến mấy chàng tá hỏa tam tinh, vừa phóng trở ra vừa than phiền: sao nội trú có quá nhiều…cờ tam tài bay phất phới trên ban công vậy? sao mà các cô n giáo sinh dữ quá? (quần áo giặt phải phơi trên mấy chấn song, dẫu biết rằng ‘mất thẩm mỹ’ nội trú, nhưng đành phải vậy).
Hồi đó tôi cũng có mấy người bạn là Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân trong quân trường Nha trang, mỗi dịp tàu cặp bến Qui Nhơn là nhào vô nội trú tìm tôi để …tán gẫu, may ra tôi có thể giới thiệu cho một cô ‘ý hợp tâm đầu’ ?. Mấy cái ông Lính này cũng quỷ lắm, ổng bảo mình ‘giới thiệu’ bạn để làm quen, nhưng ra điều kiện: ‘bà giới thiệu cho tụi tui, làm ơn đừng giới thiệu mấy cô người Quảng, dù họ có đẹp (?), nhưng nghe họ nói chuyện, chắc tui tui…không thể hiểu gì đâu, có gì bà làm ơn …thông dịch lại nghen’ hahaha….(Xin lỗi các bạn chuyện bây giờ mới kể, vì mấy ông bạn quý này người miền Nam, họ không thể nghe và hiểu giọng Quảng của mình, lý do vì tôi thường nhờ họ mang kẹo mạch nha, kẹo gương, đặc sản của Quảng ngãi, nhờ các bạn xứ Quảng mua dùm để gửi về cho ba má, nên họ nghĩ chắc tui chỉ có bạn là người…Quảng, mà không biết có nhiều bạn khác từ khắp miền Trung về đây !).

 Có một lần một chị bạn khóa bảy, có ‘quen’ một ‘Lính trận miền xa’ qua mục ‘Tìm bạn bốn phương’(sau này nghe kể lại), thư từ qua lại thắm đượm tình nồng(?) nhưng chưa ‘giới thiệu dung nhan’ của nhau. Bữa đó anh đột ngột đến tìm mà không báo trước cho chị, có lẽ anh muốn tạo sự ngạc nhiên?. Nhưng khổ nỗi, tuần đó chị đang làm lại…răng, mấy răng cửa bị hư nên phải nhổ hết để làm lại răng mới, nên khi tui lên phòng tìm, thì chị quýnh quáng, vì không muốn anh nhìn chị  là ‘người đẹp hăng rết’, mất đi hình ảnh mà người hùng đang…mơ tưởng, mà ‘nói láo’ chị ra ngoài rồi là không xong, vì chị luôn tỉ tê với anh rằng cuối tuần chị…không hề xuất trú. Cuối cùng thì một chị trong phòng…thế thân xuống gặp, nhận  là người …tình thư, và câu chuyện tình thình lình bị đứt cái rụp, vì người đẹp thế thân cứ trả lời…trớt quớt những chuyện mà chàng và nàng thường tâm sự qua thư. Xù !

Năm nhị niên, khóa tám được thăng thiên, nên ngự tít lầu ba. Phòng chúng tôi nằm ngay góc trái, nhìn được mọi hướng, thấy cả đường vào nội trú, nhìn thấy cả căng tin bên dưới, và nhìn thấy cả phòng quý Thầy trú ngụ phía bên kia thuộc dãy lầu phòng học. Bây giờ bốn đứa đều đi từ Nha trang, ngoài tôi và Yến, còn có Tuyết Trần và chị Tuyết Nguyễn, người được mệnh danh là ‘Tuyết Mông rô’. Không hiểu ai đã đặt cho chị cái tên này, có lẽ vì mái tóc của chị lúc nào cũng búi cao lên, giống tài tử Marylin Mông rô chăng? Và chị hát rất hay, nhưng khổ nỗi, mỗi lần chị đi phòng tắm là cả góc nội trú đều phải nghe ‘tiếng hát át tiếng than!’. Chị đã có ý trung nhân là một phi công ở Nha trang, nên chị sinh hoạt khác bọn tôi, thường thì anh ra tìm chị mỗi chủ nhật và họ đi ra ngoài, và tính chị ‘rất kỹ’ nên ít khi chia xẻ những gì chị có cho ba đứa…đàn em, nên chúng tôi cũng chơi trò ‘trả đũa’ cho phải phép. Yến Bắc thì hay ra nhà cậu, dù thỉnh thoảng có rủ tụi tui ra ‘ăn cơm chực’, nhưng thường thì chỉ còn Tuyết Trần và tôi. Bọn tôi hai đứa ngồi xe lam ngang qua khu ‘eo nín thở’ để ra chợ tha hồ mua thức ăn về, vì ngày chủ nhật không ăn dưới nhà bàn, được bác Thành trả lại cho mỗi đứa 60 đồng lúc bấy giờ (đóng tiền ăn 1800/tháng). Không hiểu sao hồi đó…ăn chi mà nhiều quá, vừa mua khoai lang của bà bán hàng…quen, vừa mua bánh mì thịt, họ thường bỏ thêm vào cái trứng hột vịt, kiểu ăn của người…Qui Nhơn (?), lại mua mỗi đứa một ký…bánh ướt với chai xì dầu hiệu con mèo, mèn ơi ăn xong…no quá không biết làm sao, cứ vừa đi vừa đếm một hai cho nó.... xuống, vừa thở hơi ra…
Nội trú có luật mười giờ đêm phải tắt đèn, và dĩ nhiên tivi cũng tắt luôn, thế là cả bọn phóng lên phòng để học bài, phòng thì giường đôi, đứa nào nằm dưới thì đỡ, chứ nằm trên như tôi và Yến…leo lên cũng mệt và để đèn dầu học cũng khó khăn, lớ ngớ là đèn dầu đổ…cháy mùng, và có lần phòng bên KT sắp bị cháy vì …ngủ quên nên quơ tay đổ đèn dầu. Hú viá. Có một lần nghe tiếng pháo kích nổ đâu gần trường lúc nửa đêm, chỉ phóng một cái là tụi tôi ngồi dưới đất rồi, khỏi cần…leo xuống chi cho lâu.
Phòng tôi tếu thật, bốn nàng đều…khác tính nhau: một chị Tuyết Mông rô thì lúc nào cũng hát hò vui đáo để, nhưng tính...kẹo kéo, còn Tuyết Trần thì hiền khô, luôn u uẩn một trời sầu, Yến bắc thì lanh chanh, có ‘người yêu’ đang học bay bên Mỹ, nên suốt ngày chờ nhận và viết thư tình. Còn tôi thì …vui là chính, ‘buồn mà chi em !’ vừa học vừa ‘luyện’ viết văn, nên là một trong những tên nhận nhiều thư nhất trong nội trú hằng kỳ. Vậy mà cả bọn ở chung, sinh hoạt chung chẳng có chuyện gì …khó xử, vả lại chẳng có người nào …nấu ăn trộm trong phòng nên không gây khó cho bạn ở chung, chỉ thỉnh thoảng có thêm các bạn phòng khác…nhào tới tán gẫu cho dzui rồi cười thoải mái…
Hồi đó lớp nhị ba có Thu Hằng hát hay lắm, thỉnh thoảng T.H. qua phòng tôi vào lúc…nửa đêm về sáng và ngồi hát, phải nói là giọng Thu Hằng rất ngọt ngào, truyền cảm, nên tên giáo sinh nào còn thức cũng lắng nghe. Bữa nọ, tôi đợi Thu Hằng hát xong, hai đứa bèn lấy cái tấm ra giường màu trắng, chạy u xuống sân nội trú phủ lên mấy hòn đá giữa sân tối thui tối thùi, đợi một lúc thật lâu, chắc chắn có người nào còn thức, hay đi…nhà vệ sinh(?) đã nhìn thấy màu trắng xuất hiện, rồi tụi tôi rón rén đi xuống xếp tấm ra lại đem về phòng. Sáng hôm sau có tin đồn nội trú…có ma. Hahahaha (chờ chị Hậu, chị Nghi Trinh- giám thị nội trú ngủ rồi mới dám phá, chứ mấy chị mà biết là ăn đòn, trừ điểm ‘hạnh kiểm’ như chơi. Thương và cảm phục hai chị phải cực nhọc và thật uyển chuyển, mới cai quản nổi một bầy mấy trăm đứa con gái mà nhiều tên nghịch như …quỷ của hai khóa liên tiếp mỗi năm)…
  nội trú thỉnh thoäng cũng có chuyện không hay xảy ra mà. Từ khóa bảy năm trước cũng có chuyện buồn xảy ra từ một chị …ngoại trú vào ở ké với bạn. Đến nỗi khi đi qua căn phòng gần cầu thang bên dãy lớp học mỗi tối khi có việc, tụi tui cứ phải chạy thục mạng lúc mới xảy ra chuyện chết chóc của hài nhi, và khi ngủ mỗi đứa phải để một cái dao sét dưới gối để…trừ ma. Tin có ma là chuyện thường, nhất là ‘Cây hoa sứ trong sân trường’ là nơi ma thường…trú ẩn (?) mà tôi cũng là tên ‘bắt ma’ dùm cho bạn cả một thời gian…huhuhu,
Phòng chúng tôi liền lạc với phòng của Kim Thoa, bên này một Yến bị…lạnh cóng cẳng vì có tới ba Tuyết kềm kẹp, còn Kim Yến, em của Kim Thoa phòng bên thì lại có mùa xuân, vì có hai bạn tên Xuân ở cùng. Tám đứa tụi tôi cũng hay nói chuyện leo mỗi khi lên giường buổi tối, đứa nào có tin gì cũng phải khai…chút chút. Bữa kia P X nhận được một bức thư của một người…lính huấn luyện viên từ quân trường Đ Đ Nha Trang gửi đến, qua sự ‘giới thiệu’ của người cô, thế là tụi tôi có… việc làm, bàn tán phải viết làm sao cho hợp tình hợp cảnh, cho có ‘tình thương mến thương’ của ‘em hậu phương dành cho anh trai tiền tuyến’(sến hết cỡ), và không hiểu uýnh tù tì kiểu gì, cuối cùng thì tôi là người…phụ trách viết thư theo góp ý của cả bọn. Thư đi thư lại đâu được mấy lần gì đó, bữa nọ PX nhận được thư của người cô, bị bà…dũa cho một trận nát nước, rằng thì là bị ông lính phát giác không phải nét chữ của PX, đã than phiền rằng …cháu coi thường ổng, vì thấy thư cho cô có nét chữ khác. Và đây cũng là lần thứ hai, cái tội tôi viết thư dùm, lần trước cho nàng Yến, để ‘trả lời một câu hỏi’ của ông thầy K dưới thư viện, khi ông bắt gặp chữ viết của Yến không phải là nét chữ trong …tình thư. Ông quạt cho nàng một trận nên thân. Hú ba hồn chín vía, dẹp luôn mục viết thư dùm.
Có một lần nội trú lên cơn sốt, vì có bạn Q lớp nhị 5, lãnh đạo một phong trào gì đó chống lại chính quyền (?). Buổi sáng, họ mặc quần áo toàn màu đen, cả một nhóm đóng quân ngay cửa nội trú, cấm không cho giáo sinh đến lớp học. Nhiều bạn sợ quá chui vô lại phòng, nhưng mấy tụi tôi không muốn mất bài học ngang xương, hôm đó là giờ cộng đồng của Thầy Tháo, nên lén lút đi cửa hậu, xin vào nhà Thầy nơi góc nội trú, hình như nhà thầy Toản (tôi không nhớ rõ?), có lối ra cửa sau để đến trường. Và hôm ấy vào lớp học, tụi tui vẫn còn run, đúng là bị ‘trên đe dưới búa’, mà giáo sinh là nạn nhân, vì bên trường ‘đe’ giáo sinh nào không đi học là bị phạt, và bị ‘búa’ dọa là đứa nào ra cổng sẽ bị…( ?) Chẳng tên nào dám ra lối cổng nên không biết có ai bị gì không…?

Nội trú là một nơi chốn xem ra …an toàn nhất cho những nữ giáo sinh sống xa nhà và đang tìm một nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống, theo ước muốn của gia đình mà có khi không là của chính đương sự ở thời buổi chiến tranh giặc giã lan tràn trên khắp quê hương. Dù có lúc buồn phiền, hay vui, có nghịch ngợm, phá phách ngầm, cũng chỉ là trong khuôn khổ của tuổi ‘học trò làm cô giáo’. Việc học vẫn là chính yếu, dù bạn có tham gia bất cứ một sinh hoạt nào của trường, có vào ban hợp xướng, để mỗi kỳ văn nghệ phải đi tập khan cổ họng mỗi đêm với sự hướng dẫn của ‘Thầy Phan bá Chức’, nam giáo sinh cùng khóa nhưng bạn rất giỏi về nhạc lý. Dù bạn có tham dự văn nghệ của lớp riêng, có tập dợt mỗi đêm từ hát, múa, đến kịch như tụi tôi, thì không bao giờ bị giờ giấc di chuyển chi phối. Cứ tới giờ là có trưởng ban, trưởng toán gì đó…réo gọi là a la xô cả bọn chạy theo, không sót tên nào. Rồi những bữa cơm nhà bàn, gọi nhau đi chung, ăn xong rồi cả đám thả bộ dưới sân trường, có dịp ‘chuyện vãn’ với nam giáo sinh bên nội trú Nam cũng đang tản bộ…xem hoa như  mình, cũng có vài lúc hát thật to bài ‘Bông cỏ may’ nghịch phá đổi lời,  hoặc rống thật to…‘một đàn sư phạm đi qua….’. Nhờ những sinh hoạt như vậy, mà bạn bè gần gũi nhau, kỷ niệm đong đầy mãi đến khi …tan trường mới…rã đám.
          Nhớ lúc đó các bạn có viết ‘lưu bút ngày xanh’, hình như bên nam giáo sinh cũng có ‘luân lưu’ sang bên nữ, bạn nào cũng có một cuốn để làm…kỷ niệm. Nhưng rất tiếc, vì chiến tranh giặc giã và thế sự đổi thay, lưu bút của tôi đã đi vào quá khứ. Riêng bạn Đàm Ái Mỹ, cô bạn hiền lành, cẩn thận, dễ thương, thật mộc mạc chân quê nên được chúng tôi tặng cho ‘mỹ danh Mẹ Việt Nam!’, và đúng với tính cẩn thận đó, bạn đã giữ lại quyển lưu bút năm nào, nên khi chúng tôi về họp mặt, bạn đã ‘tặng’ lại cho mấy hàng chữ viết năm nào, với tôi, dù lúc đó viết vội cho bạn địa chỉ nhà mình bằng ngòi bút lông khô khốc, vẫn là một kỷ niệm vô vàn đáng yêu của những ngày…nội trú. Cảm ơn Mẹ Việt Nam Đàm Ái Mỹ của tôi.
Ngày trở lại trường Sư phạm để chọn nơi ra quân gõ đầu trẻ, cá nhân tôi lại không có dịp gặp hết các bạn để nói lời từ giã, để biết các bạn mình sẽ đi dạy nơi đâu, một sự thờ ơ đáng trách.
 Cũng vì trong danh sách ra trường tôi có vị trí…chín nút, được chọn chỗ sớm theo ý muốn, mừng hết…lớn, nên khi cầm được tờ ‘sự vụ lệnh’ trong tay, phóng ngay ra cổng, leo lên xe lam chạy về hướng phi trường, lên máy bay để bay về lại Nha trang cho gia đình mừng mà….quên bạn! Mãi đến hôm đi nhận nhiệm sở tại Ty tiểu học tỉnh KHÁNH HÒA, mới biết được một số bạn cùng về chung Tỉnh với mình….
Nếu không có gì trở ngại, hy vọng năm tới, ngày kỷ niệm 50 năm ra trường (1971-2021), Giáo sinh khóa Tám sẽ có cơ hội gặp lại nhau tại …ngôi trường cũ, để nhìn lại nội trú xưa. Có thể trường đã thay tên, nhưng đâu đó vẫn đong đầy kỷ niệm. Người còn, kỷ niệm không bao giờ vơi!

Lê thị Hoài Niệm-Phan Tuyết.


Không có nhận xét nào: