Chỉ là giấc mơ.
Ông nghe có tiếng chuông gọi cửa, muốn
nhờ bà vợ ra cửa xem ai đến,
vì ông
đang lỡ ngồi
sắp xếp lại mấy quyển sách, nhưng nhìn tới nhìn lui thấy vắng bóng bà, ông uể
oải đứng dậy từ từ ra phía cửa.
Cánh cửa được mở toang, sự ngạc nhiên đến
tận cùng làm ông muốn ngã quị xuống. Trước mặt ông, một người đàn ông trung niên,
tuy ốm, nhưng có vẻ rắn chắc với hàm râu lởm chởm nơi cằm, đang có vẻ hồi hộp như
chờ đợi ông mở lời để được bước vô nhà, nhưng ông thì cứ đứng sững và không nói
được tiếng nào. Cuối cùng thì chính người đàn ông lên tiếng dè dặt sau khi để
cái túi xách trên vai xuống:
-Ba cho con vô nhà nghen ba.
Ông giựt mình và đứng né sang một bên
nhưng đầu óc vẫn còn ở đâu đâu, ông ấp a ấp úng:
-Vô! vô đi con, con về…?
Ông bỏ lửng câu nói trong khi người đàn ông
lách mình bước vào phòng khách, Anh nhìn quanh quất như muốn tìm kiếm một điều thân
quen nào đó trong căn nhà xa lạ này.
Ông bước theo sau người đàn ông với vẻ lảo
đảo, những giọt nước mắt mừng vui đang cấu thành trong đôi mắt già của ông, ông
muốn đến thật gần người đàn ông và ôm anh ta vào lòng thật chặt, ông ôm giọt máu
của chính mình sau bao nhiêu năm dài ông rất muốn mà chưa bao giờ có cơ hội,
nhưng rồi ông đến gần và chỉ vào cái ghế :
-Con ngồi xuống nghỉ đi, con ..,con..,
con có mệt không? sao con về mà không báo cho ba má biết?
Cố gắng lắm ông mới hỏi một câu thật dài
và chờ đợi câu trả lời từ ngưòi đàn ông trẻ
-Con muốn cho ba má sự ngạc nhiên, vả lại
ở đó sáng nay người ta mới đọc tên con mà!
-Ba mừng quá, cuối cùng thì ngày tháng
ba má chờ đợi cũng đã tới, Cảm tạ ơn Chúa cho con về với gia đình.
Người đàn ông trẻ lên tiếng hỏi:
-Má đâu? hồi nãy giờ con ngóng tìm mà
không thấy?
Ông quay vào trong gọi lớn:
-Mình ơi mình, ra đây xem ai về đây nè.
Có tiếng dép từ từ đi ra và có tiếng đàn
bà:
-Có khách nào đến mà mình réo dữ vậy?
Nhưng khi bà bước đến gần cái sopha, và
nhìn thấy người đàn ông trẻ vừa đứng dậy khiến bà từ từ khuỵu xuống:
-Má! Má ! Má có sao không?
-Mình! Mình có sao không? Những tiếng hỏi
hốt hoảng lo lắng từ hai người đàn ông giúp bà thở mạnh ra và gượng đứng dậy
theo cánh tay rắn chắc của người đàn ông trẻ.
-Sao con về mà không báo tin cho ba má
biết để đi đón con? Bà cũng lập lại câu hỏi của người chồng lúc sớm.
-Họ cho con về bất thình lình, nên không
cho mình biết trước. Con theo xe họ đưa về thành phố rồi lấy taxi về nhà sớm
cho ba má ...mừng.
Chữ mừng người đàn ông bỏ nhỏ, như có điều
gì e ngại.
Bây giờ người đàn bà mới đến gần người đàn
ông trẻ và bà sờ mó khắp người, hai tay bà ôm vòng người đàn ông trẻ mà nước mắt
đoanh tròng, bà vuốt ve trìu mến, xoa xoa mái tóc ngắn cũn cỡn trên đầu rồi xiết
thật mạnh, người đàn ông trẻ cứ thút thít mà không khóc thành tiếng, trong khi ông
già thì cứ xuýt xoa:
-Ba cảm tạ ơn Chúa, cuối cùng thì con cũng
được về nhà.
Người đàn bà buông người đàn ông trẻ và
nắm tay dắt đi:
-Con vô tắm rửa cho sạch sẽ đi, để má …vô
bếp kiếm cái gì cho con ăn, chắc con đói rồi. Con có…quần áo gì không? Ba má không
biết con về nên chưa đi sắm sửa…Hay con lấy quần áo của ba mặc đỡ nhen. Bà nói
một hơi không cho người được hỏi có cơ hội trả lời.
Xoay qua ông chồng bà cầu cứu:
-Mình đi lấy cho con bộ đồ nào mặc trong
nhà cho nó thay, cho nó thoải mái một chút.
-Dạ con chưa đói lắm, Ba khỏi lấy đồ,
con cũng có đem về ít quần áo mà ba má đã
đem vào cho con mỗi lần lên thăm đó, còn nhiêu con để lại trong đó cho mấy bạn…
Trong khi người đàn bà dắt con trai đi vào
nhà trong, ông ngồi thừ người ra ghế sopha và bao nhiêu hình ảnh cứ hiện ra mồn
một trước mắt.
****
Tiếng máy tiện chạy ầm ầm nhưng ông vẫn
nghe được tiếng nói của người leader:
-Anh lên văn phòng đi, có tin khẩn gì từ
ty cảnh sát báo cho anh đó.
-Chú nói gì? Cái gì mà có ty cảnh sát trỏng?
tui đâu có …uống rượu lái xe ẩu hồi nào..?
-Ai mà biết, thằng Sherman nó bảo em đi
gọi anh lên nhận tin chứ em đâu có biết gì.
-Đùa với chú mày thôi. Ông vừa nói và cũng
vừa kéo tắt nguồn máy đang chạy rồi xếp lại mấy dụng cụ cho gọn gàng và gửi lời
cảm ơn người đã báo tin cho ông biết.
Đường lên văn phòng phải qua hai khu vực
nhà máy, rồi đi qua một dãy hành lang dài của bộ phận lấp ráp, cuối cùng mới đến
văn phòng chính của hãng.
Thấy ông bước vào, Bà trưởng phòng Cindy
người Mỹ trắng, niềm nỡ chào hỏi và mời ông ngồi.
Như có điều gì bất ổn, ông có linh cảm
như vậy khi thấy bà suýt xoa chấp hít vài tiếng trước khi từ tốn nói với ông:
-Tôi rất lấy làm tiếc mà phải cho Tom biết
tin này, tin từ ty cảnh sát mới gọi đến. Ngừng một lát bà mới tiếp:
-Thành thật chia buồn với Tom và gia đình,
tôi…, Bà ngập ngừng rồi nuốt nước bọt như để lấy thêm can đảm và ngồi thẳng người
lên nhìn vào ông mà chậm rãi từng tiếng:
-Con trai của Tom vừa bị cảnh sát vào
trường bắt đi, vì tình nghi liên can tới một vụ…gì đó. Bà Cindy cố làm nhẹ vụ
việc dù bà được cảnh sát báo trực tiếp cho biết là con ông đã liên can đến một
vụ “cướp của giết người”, nên họ mới đến tận trường học mà bắt rồi còng tay dẫn
đi.
Như sét đánh ngang tai, ông chồm tới trước
và lắp bắp hỏi lại :
-Bà nói sao? Con trai tôi vừa bị cảnh sát
vào trường học bắt đi, nhưng họ có nói nó có tội gì không?
Bà Cindy ngập ngừng thương cảm người nhân
viên hiền lành đang ngồi trước mặt, mà đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nghiệt
ngã.
Bà ân cần nhỏ nhẹ:
-Chuyện đâu rồi còn có đó, tôi khuyên
Tom hãy nhờ luật sư can thiệp cho cháu, Cháu đang tuổi vị thành niên, có sai lầm
gì rồi cũng có thể cải huấn được.
Bà nói rồi đứng lên lại gần và vỗ nhẹ lên
vai ông.
-Tom thu xếp về nhà sớm đi, báo tin cho
người nhà biết mà còn lo liệu cho cháu, chúc Tom và gia đình vượt qua cơn khủng
hoảng này. God bless you!
Ông đứng dậy, cảm ơn Bà Cindy và lảo đảo
bước đi như người say rượu với bao nhiêu thắc mắc đang chạy lung tung trong đầu
của ông. Thằng Davis bị tội gì? Nó đang đi học mà sao cảnh sát lại vào trường bắt
dẫn đi? Nó ở nhà hiền lành lắm mà, nó đã chơi với những bạn bè nào thì ông cũng
đã từng biết, nhưng nó gây sự với ai? Bao giờ? mà sao vợ chồng ông không hề hay
biết…? hay là vợ ông biết mà dấu nhẹm không cho ông hay…?
Những người bạn làm cùng phòng thấy ông
trở về với vẻ mặt thất thần, buồn bã, họ muốn hỏi đã xảy ra điều gì cho ông, nhưng
thấy ông cứ cúi đầu im lặng và dọn dẹp đồ nghề rồi lẳng lặng ra về, nên họ cũng
lảng xa và ai về chỗ nấy mà chưa có lời hỏi han hay có lời an ủi đến với ông.
Và con ông đã vào tù khi tuổi vừa mười tám.
Bị kêu án “chung thân”. Tội con ông quá nặng, dù lúc xảy ra án mạng, con ông chỉ
là “tòng phạm” đang còn tuổi vị thành niên.
Trại tù nằm rất xa thành phố. Nhưng đã mấy
chục năm trôi qua, vợ chồng ông cũng đã lặn lội đến thăm vào những ngày chủ nhật.
Nhìn con ông lớn dần trong tù, ông đau xé ruột gan. Nhiều lần ông tự hỏi chính
mình tại sao con ông ra nông nỗi? Ông bà đem con vượt thoát trong những ngày
đau buồn của cả nước, khi con ông vừa mới lên ba tuổi. Những ngày đó ông phải
trực bay trong đơn vị, vợ ông ẵm đứa con đầu lòng theo đoàn người di tản ra Côn
đảo, và ngày cuối cùng khi Tổng thống Dưong Văn Minh đầu hàng giặc, vợ ông đã rất
cực nhọc ẵm thằng con trai ba tuổi lội bì bõm vượt lên những cơn sóng bạc đầu,
cố leo lên con tàu buôn há mồm đang ra tay cứu giúp những con người, đa số là đàn
bà và con trẻ đang kẹt cứng trên vùng đất côn đảo này. Và may mắn gia đình ông
được ‘đoàn tụ” ngay trên đệ thất hạm đội, rồi được sang đảo Guam.
Sau mấy tháng trong trại fort Chaffe, vợ
chồng ông được bảo trợ về tiểu bang miền Nam nắng ấm. Tại đây vợ chồng ông cũng
gắng sức đi làm để cho con có những gì chúng cần trong cuộc sống mới. Rồi gia đình
ông cũng thêm người, cuối cùng thì bốn đứa con có trai có gái, bạn bè nói gia đình
ông có phúc, và thằng Davis là đứa con lớn nhất đang còn năm cuối là vào đại học
rồi. Ông cố gắng chăm lo cho mấy đứa con thật đầy đủ từ tinh thần đến vật chất
trong điều kiện có thể. Cuối tuần ông cũng chất cả gia đình lên chiếc xe van rồi
chở đi chỗ nọ chỗ kia, hay đi xem hát xiệc, movie nếu không phải làm overtime.
Nhưng khổ nỗi, đám con ông thì càng ngày
càng lớn, nhiều lúc chỉ muốn đi chơi riêng với bạn bè chứ không muốn gần cha mẹ,
nhất là thằng con lớn Davis, nó chưa có bạn gái nhưng bạn bè cùng cỡ thì nhiều,
có lúc ông gặp bọn nó đến nhà chơi, mấy đứa nhỏ mới nhìn qua cũng thấy hiền lành,
nên ông tin tưởng vào con mình cũng ngoan ngoãn như ông nghĩ. Có đôi lần vợ ông
nói hớ rằng con ông chơi với đám bạn biết hút thuốc và xài đồ hiệu, bà biết nhưng
cứ nghĩ… không sao, vì bà là chủ tiệm rượu có tiền, cứ cho nó là xong, vì đối với
bà, tiền là trên hết. Và nó, thỉnh thoảng bà cũng thấy nó có nhiều tiền, có lần
bà tò mò hỏi nó tiền ở đâu con có? Nó cứ cười cười và nói nó làm thêm và bà tin
điều nó nói. Lần đó, khi ông biết bà giấu ông về chuyện bà cứ cho con tiền để nó
xài hoang phí, ông giận bà một thời gian, nhưng rồi tình nghĩa vợ chồng khi bà
khóc lóc năn nỉ, ông đành bỏ qua.
Nhưng rồi con ông đã sa ngã và đi vào tù
tội, dù ông đã cố gắng nhờ luật sư can thiệp, nhưng tội rành rành làm sao thoát
được.
Để rồi mỗi lần vào nhà tù thăm con, hình
như con trai ông không mặn mà gì với mẹ nó.
Và hôm nay một người đàn ông trung niên đã
về ngồi đây, nỗi mừng vui của ông bùng vỡ.
Con ông đã thoát hẳn cảnh tù tội, dù đã mấy mươi năm rồi còn gì? Nhờ những ngày
trong tù, con ông biết...tu tỉnh học hành, cũng lấy được tấm bằng luật sư, và
biết giúp đỡ những bạn tù, nói chung là một tù nhân gương mẫu nên được giảm án.
Rồi nó sẽ sống ở đây với ông bà, ông bà sẽ chăm lo đời sống cho khoảng đời còn
lại của nó, thay vì nó lo cho ông bà lúc về già, và nó sẽ tìm việc để làm,
và biết đâu ông sẽ đi tìm và cưới vợ cho nó nữa.
Bà làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để chào
mừng ngày con trai lớn trở về đoàn tụ với gia đình. Đáng lẽ đi ra nhà hàng, nhưng
ông bảo ở nhà ấm cúng hơn, mấy đứa con khác của ông cũng muốn như vậy.
Người đầu tiên đến là con Jannice và chồng,
chúng nó đem đến cho anh nó một lô quần áo hàng hiệu, thằng Davis cầm túi đồ mà
rưng rưng nước mắt, nó nghĩ em nó cũng thương nó nhiều lắm nên đã bỏ công đi sắm
sửa quần áo cho nó.
Bác sĩ Henry và vợ vừa vào cửa là hỏi đủ
chuyện về anh nó, về hồi nào? cuộc sống ra sao? Có học được một ngành nghề gì lúc
còn ở trong tù không? Rồi tương lai anh có dự định làm gì? một lô câu hỏi dồn dập
khiến Davis không biết trả lời câu nào trước câu nào sau đành im tiếng, nhưng có
một nỗi buồn thoáng qua, dù được Henry tặng cho một máy computer mới toanh. .
Người cuối cùng là con Brenda. Nó đến với
hai đứa con nhỏ, nó bảo chồng nó bận đi làm overtime nên không đến được, nó có
mua quà cho anh nó một cái Iphone mới nhất, và trao ngay cho Davis mà không cần
biết
anh nó có muốn nhận hay không?
Cuộc trùng phùng vui vẻ trong một không
gian ấm cúng của gia đình, đã cho ông một niềm vui không kể xiết. Ông ngồi nhìn
anh em chúng nó nói chuyện thăm hỏi nhau như chưa có một lần chia cách khiến ông
mừng quá đỗi. Phải vậy chứ, dù gì thì Davis vẫn là thằng con lớn nhất trong nhà,
dù thằng Henry có là bác sĩ, dù con Jennice có giàu tiền muôn bạc triệu với cái
nghề buôn bán nhà cửa và có cái shopping riêng, dù con Brenda có hai ba tiệm
nail, thì chúng nó vẫn là em của Davis, vẫn phải nể mặt anh nó theo thứ tự
trong gia đình.
Thằng Davis được ông bà cho chiếc xe cũ,
dù đó là chiếc Lexus mà bà thích nhất, được mua từ lúc bà bán tiệm, nghỉ làm, để
hai ông bà đi du lịch đó đây cho rộng rãi, thoải mái, chứ ông vẫn lái chiếc xe
cũ hằng ngày. Ông bà cũng đi mở cho thằng con một account ngân hàng cho nó có
tiền đổ xăng và xài vặt.
Bữa cả nhà ông ngồi lại để bàn và hoạch định
tương lai cho thằng Davis, con Jennice và Henry chẳng biết góp ý như thế nào, dù
anh nó có cho biết là trong tù cũng có học thêm và có bằng luật, dĩ nhiên tiếng
Mỹ thì nó rành quá rồi, vì coi như là ngôn ngữ chính của nó mà, từ trường học hồi
trước và cả trong tù đều dùng tiếng Mỹ nên không còn trở ngại gì trong cuộc sống,
và tiếng Việt nó cũng rất khá, tuy giọng nói có hơi cứng một chút, vì được học
từ một người bạn lớn tuổi trong tù, ông nguyên là một thầy giáo hồi còn bên nhà,
nhưng bị tội “giết vợ” nên ở tù chắc không có ngày ra.
Cuối cùng nghe con Brenda bảo anh nó đi
học làm…nail tạm thời, và cố gắng đi thi để lấy cái bằng, rồi vào tiệm của nó mà
làm, vì công việc có sẵn mà coi bộ nhẹ nhàng hơn là đi làm công ty hay hãng xưởng,
với lại tiệm của nó làm chủ thì anh nó cũng được đối xử đàng hoàng hơn là đi làm
bên ngoài, với lý lịch từng ở tù vì tội hình sự mới được thả ra, người ta sẽ nhìn
với đôi mắt không được thiện cảm.
Ông bà ngồi nhìn các con sắp xếp và bàn
định tương lai cho đứa con trai lớn đâu vào đó, thấy mừng rỡ trong lòng. Ít ra
gần cuối đời, gia đình không còn cảnh ly tán nữa, rồi đây ông bà sẽ tìm mối mai
để tìm vợ cho Davis, nếu đến cùng mà không có cô gái nào ở Mỹ, ông bà sẽ đưa nó
về…Việt Nam, vì bạn bè ông bà cũng còn nhiều bên đó, nhờ họ tìm dùm một cô gái
để cưới cho con chắc cũng không khó khăn gì, vì con gái VN bây giờ, người nào cũng
muốn sang Mỹ mà. Bạn bè của ông cũng đã có nhiều đám cưới vợ từ VN vậy, nhưng có
người hên gặp cô con dâu tốt, biết tình nghĩa, ăn ở phải đạo với chồng và gia đình
chồng, nhưng cũng có cô sang được Mỹ rồi là bắt đầu tung tăng bay nhảy và…nhảy
luôn ra khỏi gia đình nhà chồng mà không lời từ giã. Nhưng đó là phước đức của
mỗi gia đình, hy vọng con ông sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc đời còn lại.
Ông lắc lắc cái đầu, vì mình đã nghĩ quá
xa về cuộc sống hiện tại của đứa con trai lớn, trong khi chưa biết nó quyết định
thế nào.
Thằng Davis nãy giờ ngồi im lặng lắng
nghe các em của nó góp ý và lên kế hoạch tương lai của đời nó, nó cảm động rơm
rớm nước mắt, nó không ngờ ngày trở về của nó lại ấm cúng thế này. Những ngày còn
trong tù, nó sống cho qua ngày tháng với những bạn bè đồng cảnh ngộ với nó, cũng
có một số người Việt Nam, tụi nó…hung tợn lắm, xâm tay xâm khắp mình mẩy, mới
nhìn đã thấy ớn lạnh. Tụi nó mỗi lần nói
chuyện là văng tục, vì chúng bất cần đờì, có đứa còn không muốn ra ngoài, vì bọn
nó không còn gia đình nên sợ ra tù làm sao mà sống nổi. Nhưng cũng có nhiều đứa
hiền lành, qua một thời gian dài bị…hành hạ cực khổ của người tù, đã thuần thục
và rất biết điều, chỉ sống chờ ngày trở về đời sống hiền lương, chính trực.
Ông ngồi nhìn con và cố đọc suy nghĩ của
nó, ông biết nó rất tủi thân khi trở về phải…thua xa em út, tuy mỗi lần ông bà đi
thăm, vẫn cho nó biết các em nó sống ra sao. Nhưng khi gặp thực tế, nó sẽ có sự
so sánh và rồi sinh ra tự ti mặc cảm, bất mãn rồi buông xuôi, đó là điều ông lo
sợ mà không dám tỏ bày với ai.
******
Thằng Davis đi đến tiệm của con Brenda thử
việc được mấy bữa, nhưng rồi bữa nay nó về sớm với nét mặt buồn buồn. Ông vặn hỏi
nó mãi, nó mới tâm sự rằng nơi đó không hợp với nó, rằng chỗ đó nhiều đàn bà và
họ cũng nhiều chuyện nữa. Họ không tế nhị như nó nghĩ, mà họ ăn nói bạt mạng, họ
tò mò về đời tư của nó, họ nói bóng nói gió sau lưng rồi cưòi cợt làm nó vô cùng
khó chịu, nên nó …không muốn tập tành làm ở đó nữa nên bỏ về sớm.
Bữa cơm chiều nay có món cá chiên dầm nước
mắm gừng mà nó rất thích từ lúc xưa còn ở nhà, với canh rau thập tàng nấu tôm tươi
chung với mấy trái mướp sau vườn, bữa cơm đơn sơ nhưng thằng Davis coi bộ thích
lắm, nó ăn nhiều thật nhiều như chưa bao giờ được ăn, bà vợ ông cứ ép cho nó ăn
thêm. Nói chung vợ chồng ông cố gắng hết sức để cho thằng con đỡ thấy tủi thân,
không cảm thấy cô đơn, tẻ lạnh khi trở về nhà.
Bữa cơm chưa xong thì có tiếng gọi cửa, ông
thư thả ra mở cửa trong khi con Brenda ào vào nhà và la toáng lên:
-Anh làm gì mà giận dỗi bỏ về vậy? Mấy đứa
nó hỏi đùa một chút có chết ai đâu?
-Nhưng anh không thích họ đùa cợt như vậy?
-Làm tàng vừa thôi, anh mới ở tù về thì
tụi nó tò mò hỏi cảnh trong tù thôi, chứ có làm gì đâu?
-Nhưng anh…
Thằng Davis bỏ lửng câu nói, ngồi im,
trong khi con Brenda lên giọng người chủ tiệm làm thầy đời với anh nó, nó kể tội
anh nó… làm tàng, nào là mới ở tù ra mà làm bộ nghiêm trang, đứng đắn, tụi nó hỏi
trong tù đã có bồ bịch gì không mà cũng khó chịu? nào là có bằng luật sư trong
tù thì đã sao? Ra ngoài đi làm ai mà mướn? Nó nói liên miên cả hai thứ tiếng, có
lúc còn hỏi anh nó: you think who you are? mà ông bà thì cứ ngồi chết trân, ngó
sững vào cô con gái mà chưa biết phản ứng như thế nào. Nhưng rồi ông tức quá, ông
đứng phắc dậy và muốn trấn áp những lời nói khó nghe của con Brenda dành cho
anh nó, ông đập bàn và cố hét thật to:
-Mày có im đi không! Im đi! Im đi! Shut
up!
-Mình ơi! dậy đi! dậy đi! làm gì mà la hét
thật to còn quơ tay lung tung vậy.?
Bị bà vợ lay lay người và cố đánh thức ông,
ông mở mắt ra vẫn thấy mình đang nằm trên giường, trong khi bà vợ không ngừng hỏi
tới:
-Nằm mơ thấy gì mà mình hét to quá vậy?
cả tiếng Mỹ nữa, mình có sao không?
Ông ngồi dậy, lấy hai tay dụi mắt và thẫn
thờ trong lúc nhìn lên trần nhà với cái quạt máy đang từ từ quay chậm. Ông thở
dài trong tiếc nuối.
-Mình vừa đánh tan giấc mơ dài của tôi.
-Thì em đâu có biết mình mơ gì, chỉ nghe
mình la hét quá rồi quơ tay làm em giựt mình tỉnh giấc, lay người cho mình tỉnh
lại thôi, mà mình mơ thấy gì vậy? ác mộng hả?
Ông không trả lời bà, chỉ lẩm bẩm tự hỏi:
-Chỉ là giấc mơ? Chỉ là giấc mơ?
Ông buông xuôi thở dài và đi tìm nước uống
để nghĩ về đứa con trai đang ở trong tù, vừa trở về trong giấc mơ dài của ông,
nhưng chưa biết ngày nào được về trong cuộc sống..?
Lê thị Hoài Niệm.