Bà Tá ngồi dựa mình trên Sofa, hai chân
duỗi thẳng một cách thoải mái, chiếc quạt máy có chân đứng dựng ở góc phòng
quay vù vù, đưa luồng gió thổi mát vào nơi bà đang ngồi, quạt đi những …ám khí,
nóng bức mà từ sáng đến giờ bà đã hứng chịu. “Mát! mát quá!” bà xuýt xoa, rồi
còn đưa hai tay ra lùa thêm gió vào người nữa chứ, rồi nhắm nghiền đôi mắt nghĩ
vu vơ...
Được
hưởng những giờ phút an nhàn trong căn nhà của chính mình dù lớn hay nhỏ, tâm hồn
thanh thản là những điều mong ước của nhiều người, ngay chính những người bạn của
bà cũng vẫn hay so sánh cuộc sống của hai vợ chồng bà với gia đình họ. Mỗi lần
như thế bà vẫn cười ha hả, có gì đâu! Ai muốn mà chả được? Chỉ có điều họ còn lấn
cấn …nợ nần nhà to cửa lớn, nhiều thứ sang trọng nên phải…bù đầu làm việc (xin
miễn nói đến những người còn nợ nần nhiều với gia đình bên kia nơi “quê hương bỏ
lại”), thêm cái mục giữ cháu cũng là điều mà họ than phiền. Vui thì có nhưng
…khó cũng nhiều. Thôi thì “được cái này thì mất cái khác” đòi hỏi hoàn toàn quá
làm sao mà có được, “to thuyền thì lớn sóng” chứ, nhà to cửa rộng sang trọng đẹp
đẽ thì chịu khó lau chùi và trả biêu (bill) chứ than thở nỗi gì.
Tuy
tiếng Việt thật là hay ho, nhưng nhiều khi cũng sinh rắc rối, chỉ nói đến cái nhà
thôi mà cũng có đủ loại tên gọi như cái nhà bà đang ở, mà ngay trong nhà ở cũng
phân biệt một lô nào là nhà trên, nhà dưới, nhà trong, nhà ngoài, nhà bếp, nhà
kho, nhà cầu (chưa thấy ai gọi…phòng cầu trong khi gọi phòng ăn, phòng ngủ, phòng
tắm…)
Ngoài cái nhà ở thì có thêm đủ loại
nhà, nào là: nhà băng, nhà bảo sanh, nhà chùa, nhà chúa, nhà …chứa, nhà đèn, nhà
đòn, nhà ga, nhà hàng, nhà hát, nhà hộ sinh, nhà in, nhà khách, nhà lá, nhà
lao, nhà làng, nhà lồng, nhà máy, nhà mát, nhà mồ, nhà ngủ, nhà sách, nhà sàn,
nhà tù, nhà thuốc, “nhà…thơ”, nhà thờ, nhà thương, nhà …thổ, nhà từ đường, nhà
tù, nhà trường, nhà trọ, nhà xe, nhà xí, nhà xác, nhà quàn …v..v…Mà một đời người
sống thọ, những cái nhà nêu trên chắc đã…bước qua một số rồi…
Tự nhiên bà Tá ngồi bật dậy lẩm bẩm:
“Hết nhà hàng rồi tới nhà quàn!”. Mới tối hôm qua bà đi nhà hàng dự lễ cưới của
hai người bạn…cỡ bà, cũng
đông vui lắm. Những người khách được mời tham dự đa số là…có tuổi, nhưng có nhiều
bà ăn bận cũng “xếch xy” không thua gì đám trẻ. Thời buổi a còng mà, tuổi tác
không còn là vấn đề quan trọng. Ngày xưa thời còn …phong kiến, giá trị gia đình
còn nằm trong tay người đàn ông gia trưởng, quí bà cứ phải chịu lép vế, suốt ngày
cứ ru rú trong nhà lo phần nội trợ, lo cho chồng cho con, mà không hề biết chi
nhiều ở bên ngoài xã hội ngoài cái… chợ. Nên mới chừng năm mươi tuổi đã thành một
bà lão, áo quần thì phải đậm màu, đầu tóc búi cao thành một cục, nếu không thì
cũng “phi-dê”quắn tít, có người còn nhai trầu mồm miệng đỏ lòm con nít nhìn vào
la oái oái, có bà còn ngồi vấn thuốc rê rồi xỉa xỉa, chèn vào giữa hai hàm răng
trông chẳng thẩm mỹ tí nào. Còn bây giờ chung quanh bà, lứa tuổi của bà nhiều
người trông thật trẻ trung và sinh hoạt thật linh động cứ như ngày
em… hai mươi tuổi, nên chi có người còn hát ví:
“Năm mươi tuổi mới vào xuân,
Sáu mươi tuổi vẫn tưng bừng hát ca,
Bảy
mươi chưa phải là già,
Tám mươi như thể trên đà …tiến quân…”
Thấy người đi dự đám cưới chúc tụng cô dâu chú rể sống
với nhau đến…..răng long đầu bạc (răng giả mà long sao được, đầu tóc nhuộm đều
đều mà bạc nỗi gì), ông bà cũng chúc tụng họ “trăm năm hạnh phúc”!. Không biết
họ còn được bao nhiêu năm sống trên cõi đời này, khi “chú rể” thì có bà vợ vừa
“giã từ gác trọ”, còn “cô dâu” thì gia cảnh vỡ đôi từ lâu. Tuy người trong tiệc
không còn trẻ trung gì nữa, nhưng tiệc cưới vẫn vui nhộn, ca hát tưng bừng, ca
sĩ hầu như tranh nhau để hát (vì sợ hát cuối cùng người tham dự đi về hết nên hát
chẳng ai nghe ngoài mấy cái ghế) nhảy đầm mệt…không nghỉ đến khuya lắc khuya
lơ, khi bạn bè ra về ông bà mới về theo, cũng vì nể sự níu kéo của “hai họ” nên
ngồi lại cho vui..
Nhắc
đến chuyện ca hát ở đám cưới chắc nhiều người cũng cười ra nước mắt. Không biết
những người “ca sĩ” họ có hiểu là ở đám cưới phải hát những bài có nội dung vui
tươi, sum họp, hạnh phúc….hay không? hay họ chỉ cần lên sân khấu rồi thuộc “tủ”
bài nào là cứ tha hồ xổ bài đó. Có một dạo bài hát “Những đồi hoa sim” thịnh hành,
nên trong đám cưới thế nào rồi cũng có ca sĩ rên rỉ ỉ ôi cho khán giả nghe. Rồi
thì “Mùa thu lá bay”, mèn ơi cái bài hát có nội dung từ chết tới bị thương mà
ca sĩ cứ tha hồ lên giọng ngân nga nghe mà rầu thúi ruột, thậm chí có người đùa
rằng chỉ thiếu “Đồi thông hai mộ” là ca sĩ chưa thuộc bài nên chưa hát.
Và trong đám cưới tối qua, có lẽ hai họ
“quen biết” với nhiều người trong cộng đồng, nhất là những người hay đi sinh hoạt
hội hè, đình đám, nên chi “ca sĩ” giúp vui đông lắm, trẻ có, sồn sồn cũng có và
lão ông lão bà cũng có luôn. Mở đầu ban nhạc cũng đập rầm rầm cho thêm phần sôi
động. Mục này bà Tá hay …theo dõi lắm, nghe hát hay cũng có mà …cười vui cũng
không thiếu. Mèn ơi, bà kia đâu cỡ sồn sồn mà được mc giới thiệu hát bài duyên
đưa duyên phận gì đó, bà Tá nghe cái gì mà “…Phận làm con gái, chưa một lần yêu ai…” Bà chưa kịp hả họng để cười
vì…già chát mà than….phận con gái chưa yêu ai sao nghe kỳ quá! thì một giọng
đàn ông bàn phía sau xướng lên nghe rõ mồn một: Bà này yêu chắc 101 lần rồi thì có chứ chưa yêu ai nỗi gì trời? vài
tiếng cười nho nhỏ làm bà muốn cười theo, khiến bà nhớ lại một bài hát từ hồi
năm nẳm, vì cả đám bạn của bà cứ muốn “chọc phá” một cô bạn bị gia đình “ép
duyên” mà thuộc vanh vách bài hát “Thân phận của Lê Mộng Bảo” có những câu rất…vui:
“Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu
cau, cha mẹ…đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu, em nằm em khóc biết bao
nhiêu, nhớ anh và thương anh thật nhiều ….
đk:
me thương em đến bên giường nằm, hôn trán em thì thầm: “con nhỏ này dại ghê, mẹ
chọn nơi quyền quý, người ta thế mà chê? Nhà họ sang giàu lắm, một bước lên xe
hơi, con khỏi….phí cuộc đời ( mà đám bạn của bà hát là …PHÍ CỦA GIỜI!
hahahaha…)…
Mèn ơi bà mẹ này …tính toán kỹ quá
mạng, lấy …xe hơi so sánh, để con khỏi…phí cuộc đời (phí của Giời trời ạ!), mà
quên con mình có được hạnh phúc hay không? Bà chưa kịp nín cười vì ý nghĩ vẩn vơ
thì mc giới
thiệu một ca sĩ nam trình bày nhạc phẩm: “Đắp mộ cuộc tình..”Trời đất! hết ý luôn cho ca sĩ
hát nhạc trong đám cưới…
Đám cưới của “người về hưu” cũng có khác với đám cưới
của bọn trẻ thời nay. Đám cưới bọn trẻ thường thì đông lắm, nhất là những gia đình
mà cha mẹ quen biết nhiều, nhiều lúc con cái…chẳng muốn làm rình rang mà cha mẹ
thì cứ “ơn qua nghĩa lại”. Mình đi đám cưới của nhà người ta, khi nhà mình có
tiệc vui thì mời lại cũng là điều đương nhiên. Chỉ có những người muốn làm đám
cho thật lớn, cho thiên hạ...nể nang, nhưng bạn bè thì giới hạn, nên gặp người
vừa mới quen cũng mời họ dự đám cưới, mới làm …phiền hàng xóm. Thường thì bọn trẻ
và cha mẹ cô dâu chú rể phải đi “chào bàn”, cũng có nghĩa là “thu hụi” nên phải
gặp gỡ để thêm tình thân mật. Còn đám cưới người về hưu thì khỏi, vì quí cụ …ngại
đi tới đi lui, gặp buổi xui té xụm ba chè thì vô cùng phiền phức. Thôi thì mong
bạn bè thông cảm.
Sáng nay ông bà lại đi đến nhà…quàn để tiễn đưa người
quen phủi tay chùi chân về trển tìm chỗ ngồi cho thanh thản (nhiều người vẫn
tin tưởng như vậy tùy theo tín ngưỡng của mình.).
Nhà nào cũng là nhà, nhưng coi bộ đó là “hai phương
trời cách biệt”. Chính ông bà đây cũng sắp sửa đến thời kỳ nộp đơn làm “hội
viên hội Quàn gia”! Dù bây giờ cũng đang là thành viên của hội “ACCC”, đọc một
dọc xì xì cho nó oai giống ngày xưa có hội USCC, thực ra đó cũng chỉ là hội… Ăn
Chơi Chờ Chết vậy thôi, nên lâu
nay ông bà vào nơi đó thăm viếng hội viên bạn hơi nhiều. Đi cho quen đường thuận
lối cũng có, mà vì nhiều người quen biết cứ “vẫy tay vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời”. Có điều
bà thấy ở nhà quàn người ta rất…lịch sự., mỗi khi có người đến viếng, đều có
người im lặng…nằm sẵn chào đón, chả phải đợi chờ giờ khai mạc, kéo giờ dây thun
làm phiền người khác. Và vì lịch sự nên tới giờ tốt để đi thì đi ngay, không phải
chờ cho đông đủ số người tham dự. Có lẽ người đi thẳng không sợ, mà những người
nhà đưa tiễn lại sợ trễ giờ tốt thì sẽ bị kẹt, ở trển hoặc ở dưới (chưa ai biết
đích xác mình sẽ về đâu?) nếu không có người mở cửa cho vào, rồi không có chỗ
trú ngụ, lang thang trở về để trở thành homeless, hậu quả thật khó lường. Có lẽ
vì những hoàn cảnh đó đã xảy ra, mà nhiều khi đi ngang cây đa lâu đời người ta
cứ ngỡ có ma đang đu đưa, hoặc hồn ma bóng quế đang sống vất vưởng nơi cuối bãi
đầu ghềnh nhát thiên hạ sợ chơi…
Hồi sáng, trước khi tới nhà quàn, bà
có đem theo xấp giấy klenex, vì bà có tật hay mủi lòng, thấy ai khóc lóc, kể lể
khóc than là bà cầm lòng không đậu cũng khóc hùa theo, dù chẳng có lời...yêu cầu
hay xin xỏ của ai cả. Ấy vậy mà bữa
nay bà đã tiết kiệm được mớ giấy, vì không thấy thân nhân nào sụt sùi rơi lệ cả
(không biết họ có…khóc thầm chăng?) Người ra đi chưa đủ điều kiện làm “hội viên
hội quàn gia”, có lẽ vì bị …lầm lẫn sao đó, mà một buổi tối trời đầy trăng sao,
trên đường lái xe về nhà từ một sòng bài xa thành phố cỡ hơn hai tiếng, không
hiểu có phải ông…đóng tiền điện cho sòng bài hơi nhiều, ông bị...thua liểng xiểng,
thua tận mạng mà rầu rĩ nên lo ra, lái xe không cẩn thận, hay tại người tài xế
xe ngược chiều đang cãi lộn với vợ qua điện thoại hay sao đó, mà xe hai ông đâm
sầm vào nhau, quay tít mấy vòng, hai xe bẹp dúm, và hai ông đi thẳng mà chẳng hề
chào hỏi gì nhau cho phải đạo. Vì là chỗ quen biết với gia đình, nên ông bà
cũng đến chia buồn cho phải phép và góp lời cầu nguyện cho người đi được nhẹ
nhàng, sớm được về nước Chúa. Lúc đi đến nhà quàn, bà nghe qua đài phát thanh địa
phương, người ta đọc những tin buồn đã đành, cả lời cảm ơn từ tang quyến của một
gia đình có người vừa về nước Chúa, có câu gì mà “… sẽ trả công bội hậu”. Trời
đất, Chúa Phật làm công việc đáng làm, chứ quí Ngài đâu có “quỡn” mà ngồi đó
tính sổ từng người đến viếng tang rồi trả công, mà bà đi đám tang là đến chia ...buồn
cùng tang quyến chứ đâu có muốn ai mang ơn nghĩa gì, người ta đến là vì những
thân tình trong những ngày “người chết” còn sống, hay là chỗ quen biết với người
thân hay họ hàng trong gia đình, đến để chia xẻ bớt nỗi buồn, để gia đình vừa
có người ra đi bớt cô quạnh, thấy ấm cúng, nhiều người còn lấy “đám tang” để
đánh giá sự quen biết giao tình lúc còn sinh tiền của đương sự nữa là khác.
Bây giờ có nhiều người nghĩ thoáng
hơn, vì “chết là hết”!, cát buị thì trở về cát bụi nên không cần phải đám tang
rình rang, chỉ cần từ nhà thương đi thẳng ra nhà quàn đưa lên giàn hỏa rồi đưa
tro về Chùa hoặc gia đình thờ cúng chờ ngày theo Thầy (hay gia đình) đưa ra biển
thả là xong, mà không hề sợ…nóng. Có người còn hiến cả thân xác cho y học
nữa kìa- quí hóa thay! Chứ không như gia đình người bạn nhà sui gia của bà, người
vợ trước khi giã từ dương thế còn trăn trối chồng con phải đem quan tài về chôn
tận…quê nhà, xây mồ cho bự, vì dù gì “sống
có cái nhà, chết có cái mồ!” làm mấy đứa con cũng vất vả vô cùng. Đã vậy, hằng
năm ông chồng còn bắt đám con về lại VN để làm đám giỗ. Sau vài năm thì con cái
gì cũng …nản quá, hết muốn đi nữa, ông chồng cám cảnh nghĩ đến phận mình, đến một
ngày “mồ mả” không ai lo nếu đem về…quê hương, bèn “bàn” với mấy đứa con chờ hốt
cốt mộ mẹ chúng rồi đem tro trở về…Mỹ! thiện tai!.
Ở
đám tang này tuy không đông người nhưng…vui, vì người đi viếng tang ngồi ở dưới
nhà ăn bàn tán và “so sánh” người đi với nhiều đám tang khác, rằng “người ra đi”
vậy mà sướng, đi chơi thả ga, xài tiền…sướng tay, vì cuối tuần nào cũng ..xả sì
trét ở sòng bài, thường thì “đóng tiền đèn” cho khổ chủ, lâu lâu mới thắng được
một lần, vậy mà sao họ mê thích không cách chi người nhà cản nổi, nhiều lúc còn
là “con nợ” của hàng lố rờ- đít-ca, mai này người nhà cứ phải trả hoài mà không
biết bao giờ hết nợ? Chỗ sòng bài nó cũng ác ôn lắm, nó “dụ khị” người ta rất tài
tình, hễ đến được một lần cứ y như rằng không thể không đến tiếp, cứ như có keo
dán dính vào người khó mà gỡ ra nổi. Ban đầu thì đi chơi…cho biết với người ta,
hôm sau thì đến “thử thời vận”, và rồi cứ thử thời vận mãi, số hên đâu không thấy
cứ bị thua te tua, mà hễ càng thua thì càng muốn gỡ. Hôm nào ăn được một chầu
kha khá, thì chúng nó cho hưởng những đặc ân như ông hoàng bà chúa chốn trần
gian, thậm chí chúng còn đem ...máy bay nhỏ đến tận nhà để đón đi sòng bài giải trí nữa đó, còn thua mãi không tiền…trả nợ thì chúng đem quăng xác ngoài rừng cho chó
tha beo gặm nếu lỡ bị đánh chết..
Bà lại nhớ cả thời gian xa lắc xa lơ ở một phương trời
nào đó, có ông ca sĩ “kích động nhạc” nổi tiếng một thời, ngày đám tang của ông
“đông vui hết biết”. Chẳng có giống đám tang chút nào, vì chung quanh toàn là
ca sĩ với nghệ sĩ. Người ta “phát thanh” những bài nhạc kích động mà một thời
đã đưa tên tuổi của ông lên đài danh vọng, và hầu như ai cũng…thích. Nếu thật sự
ông “về trển” mà đem theo những bài nhạc kích động, nhảy tuýt, biết đâu cũng
làm “thay đổi” bộ mặt của Thiên đình từ trước đến nay cứ buồn…tàn thu. Tiên ông
ngồi “nghiêm mà buồn”, đi đứng thì từ từ, chậm chạp, Tiên bà thì từng bước từng
bước thâm, chứ không dám bước nhanh,
mặt mũi thì khó đăm đăm, tìm 7 ngày chưa thấy hé môi cười, sợ bị…quở là “chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười” giống
nơi trần thế. Còn tiên nữ thì cứ quơ quơ, ẻo lả điệu múa nghê thường, múa suốt
buổi mà chưa thấy đổ mồ hôi, không như nơi trần thế chỉ cần giựt tuýt một chút
xíu là “burn” không biết bao nhiêu calori.
Rồi lỡ ông có xuống dưới, hối lộ cho mấy tên “đầu trâu
mặt ngựa” vài CD nhạc nghe chơi, thì chúng cũng chỉ thêm cái màn nhún nhảy, giật
giật, chứ cái mục canh cửa ngục không bị ảnh hưởng. Chỉ có loại nhạc rên rỉ, ỉ
ôi, từ chết tới bị thương nghe nản quá, chúng ..ngủ gục hết, nên cửa ngục không
kiểm soát được, bọn “tội đồ” có cơ hội
thoát thân, trở về dương gian làm ma nhát người mới là phiền phức.
Ở nhà quàn còn có “dịch vụ sửa sắc đẹp”
mới là hay. Người nào vào đó nằm cũng được “tô son điểm phấn” trang hoàng dung
nhan lại cho đẹp. Nhiều đám tang mà người đi “viếng tang” còn không nhận ra người
nằm trong quan tài là người quen của mình nữa đó, họ trang điểm rất kỹ càng,
dẫu rằng người nằm trong quan tài vừa bị tai nạn …mặt mày rách nát. Ừ thì đẹp đến
giờ cuối cũng là điều nên làm, nhưng cái gì vừa vừa phải phải cũng là hay nhất.
Mà cũng đâu phải chỉ nơi bà ở là có đám tang …vui. Bây
giờ ở trên quê hương xa lắc xa lơ của bà kia, mỗi khi có người ra đi vĩnh viễn,
gia chủ còn mướn cả một đám kèn trống rình rang, chơi nhạc giựt gân rầm trời,
chứ không còn những điệu kèn lê thê ai oán nữa, rồi còn mướn thêm một lô “ca sĩ”
nam không ra nam, nữ không ra nữ múa hát inh ỏi, nhảy nhót tưng bừng, nhiều khi
nhảy tung cả…lưng quần mà người nhảy thì cứ nhảy, cứ cười nói râm ran, rồi khi
khóc cũng càng dữ tợn. Đám tang còn được quay phim, nếu có người thân ở nước
ngoài, vì dù gì cũng có…việt kiều chi địa.
Bà Tá già đứng dậy đi…nấu cơm mà miệng còn lẩm bẩm:
thôi thì nhà nào cũng là nhà, mỗi cái nhà đều có giá trị riêng của nó, từ nhà băng
đến nhà thương, từ nhà hộ sinh cho đến nhà trường, từ nhà ga cho đến nhà máy, từ
nhà …tù cho đến nhà Chùa, nhà Chúa, v…v…. mỗi nơi đều “phục vụ” cho đời sống
con người một cách thiết thực chứ đâu phải chỉ có nhà hàng và nhà quàn mới có
chuyện để bàn tán cho vui.…
Lê thị hoài niệm.(2019)