Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

THƠ:GIẤY CHỨNG NHẬN ....CON NGƯỜI.

Lê thị Hoài niệm chuyển thành thơ từ một câu chuyện kể, đăng trên internet mà không tìm thấy tên tác giả.

Trên đoàn tàu có tên “Thống Nhất”
Xuyên miền Trung ra Bắc ưu tiên
Hành khách tìm chỗ chưa yên
Cô soát vé mắt láo liên. Môi hồng.

Đứng trước người đàn ông lớn tuổi,
Mặt đăm đăm, trụi lủi: vé đâu?
Ông lục túi xách hồi lâu
Run run, sợ hãi, lo âu ….mất rồi.

Cô soát vé liên hồi quát tháo:
Đã dặn rồi cầm vé trên tay
Hễ kiểm soát đến đưa ngay
Mất thời gian lắm, ông này, rõ chưa!”

Dấu tấm vé đã mua từ trước
Tay run run, không muốn đưa ra
Thoáng nhìn cô soát vé la:
Ông đã người lớn, vé là..trẻ em?”

Ông lớn tuổi hom hem lí nhí:
Tôi phế nhân nên chẳng nhiều tiền
Trẻ em, tàn tật ưu tiên
Nên tôi mua nó cảm phiền nhé cô!”

Cô soát vé nhìn vô chăm bẳm
Khắp thân người thê thảm, giọng khinh:
Hãy đem cái giấy chứng minh
Rằng ông tàn tật ra trình, rõ không!”

“Làm sao có! miệng ông lắp bắp:
Khi tôi mua không giấy chứng minh
Dù cô bán vé bảo trình,
Trẻ em mua thế chắc mình được đi.”

Cô soát vé lầm lì gằn giọng:
Người bày trò cho giống phế nhân?”
Đây này….còn nửa bàn chân
Cô vẫn quay mặt chẳng cần cảm thông.

Tôi đã bảo rằng ông phải có
Sổ chứng minh dấu đỏ đóng vô
Của hội tàn tật cấp cho
Cái đó mới đúng giấy tờ chứng minh!”

Ông trưởng tàu thình lình xuất hiện
Cũng bảo đưa quyển sổ ra trình
Ông già nhìn xuống chân mình
Thuật lại câu chuyện bịnh tình trước sau.

Nhưng khổ nỗi trưởng tàu cũng quyết:
Duyệt giấy tờ chớ chẳng xem người
Mau mau lấy đủ tiền tươi
Mua cho đủ vé của người lớn thôi!”

Người tàn tật coi mòi đau khổ
Lục khắp người, túi đổ ra moi
Năm mươi ngàn, có nhiêu thôi
Tiền đâu mua đủ vé người lớn đây?

Ông cầu khẩn trưởng tàu, soát vé
Họ lạnh lùng mắt chẳng ghé qua
Ông ta bỗng bật khóc òa
Rằng ông nghèo lắm xin tha phen này!

Ông kể lại cái ngày thảm hại
Nửa bàn chân bị máy cắt đôi
Ông không làm được nữa rồi
Sinh hoạt khốn khổ, cuộc đời thảm thương!

Muốn thăm lại quê hương ngoài đó
Nhưng vé tàu không có tiền mua
Vé này của đồng hương lo
Quí ngài thông cảm xét cho đi nhờ!

Tên trưởng tàu cứng đờ cương quyết
Tôi nói không! ông điếc? rõ chưa?”
Ông già ngồi ịch khóc, thưa:
Tiền tôi không đủ, xin đưa việc làm?”

Cô soát vé tham lam góp tiếng:
Hãy đưa ông lên trước toa tàu
Xúc than! Nghĩa vụ làm mau”
Nghe qua có lý, trưởng tàu….gật lia.

Ông khách ngồi bên kia đứng dậy
Nỗi bất bình nhìn thấy đôi co,
Ông hỏi trưởng tàu thật to:
Đàn ông có phải!”xin cho chứng từ?

Tên trưởng tàu bị người vặn hỏi
Hơi ngỡ ngàng nhưng đối đáp lanh:
Tôi Đàn ông! đứng rành rành
Cớ sao ông hỏi loanh quanh làm gì?

Là đàn ông? Sao tôi nghi quá!
Có giấy tờ …phường xã chứng minh?
Nếu muốn chứng nhận được mình
Đàn ông đích thị hãy trình giấy ra!”

Tên trưởng tàu nghe qua tím mặt
Giận run người long mắt xoay đầu
Hành khách trên cả toa tàu
Cùng cười ha hả: giấy đâu trình làng?

Hắn cố gượng nghênh ngang chống nạnh:
Tôi thế này, rất mạnh…đàn ông!”
“Chúng tôi xem giấy chính tông
Xem người sao biết, nếu không…giấy tờ?”

Tên trưởng tàu cứng đờ lắp bắp
Cố tìm lời đối đáp cho qua
Bỗng cô soát vé nhào ra:
Tôi đây chắc chắn đàn bà, nói đi!

Ánh mắt nhìn khinh khi ngoảnh lại:
Chắc cô đây không phải là người?”
Cô ta giận đỏ con ngươi:
Không là người? chắc đười ươi hiện hình?

Ông khách vẫn nghinh nghinh, ranh mãnh:
Nếu là người có giấy chứng minh.
Nếu không chứng nhận được mình
Từ nay xin chớ vô tình, khắt khe!”

Đám hành khách lắng nghe cười ngất
Hai người đi lật đật, lầm bầm
Ông già lau mắt ướt đầm
Cảm ơn người đã giúp ông an toàn

Trong cuộc sống vô vàn khốn khó
Nếu làm người chớ có vô tâm
Một lời nóí, nỗi cảm thông
Mưu cầu HẠNH PHÚC chắc không khó tìm…
Hn.

Internet:
Trên đoàn tàu, cô soát vé xinh đẹp nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi đi làm thuê. Cô nói cộc lốc:
“Soát vé!”
Người đàn ông vội vàng lục khắp người từ trên xuống dưới một hồi lâu với vẻ mặt lo lắng. Cô soát vé bực tức quát:
“Đã dặn là cầm sẵn vé để soát cho nhanh rồi. Ông làm mất nhiều thời gian của tôi quá rồi đó.”
Cuối cùng ông cũng tìm thấy vé, nhưng đôi tay cứ run run không muốn đưa ra. Cô soát vé liếc nhìn rồi lại lớn tiếng:
“Ðây là vé trẻ em.”
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, lí nhí nói:
“Tôi là người tàn tật. Vì vé trẻ em bằng giá vé người tàn tật nên tôi đã mua nó.”
Cô nhìn người đàn ông với ánh mắt soi xét hồi lâu rồi hỏi:
“Anh là người tàn tật sao? Yêu cầu anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.”
Người đàn ông có vẻ căng thẳng, ông lắp bắp:
“Tôi… không có giấy tờ. Lúc tôi đi mua vé, cô bán vé cũng bảo tôi phải đưa giấy chứng nhận tàn tật. Tôi không biết phải làm thế nào nên đã mua vé trẻ em.”
Cô soát vé gằn mặt xuống :
“Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được ông là người tàn tật?”
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, ông lặng lẽ cúi xuống vén ống quần lên: ông chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn với vẻ mặt lạnh lùng rồi nói tiếp:
“Cái tôi cần xem là chứng từ, tức là quyển sổ có in chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, đóng con dấu đỏ của Hội người tàn tật, chứ không phải thứ này.”

Ông Trưởng tàu xuất hiện cũng lên tiếng: 
“Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người”.
Mắt đỏ hoe, ông run run chỉ cho vị trưởng tàu bàn chân của mình và thuật lại câu chuyện một lần nữa. Vị trưởng tàu trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật thì mới là người tàn tật. Phải có giấy này mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Ông hãy mau mau mua vé bổ sung.”
Người đàn ông bỗng thẫn thờ, ông lục khắp lượt các túi trên người và hành lý gom góp tiền rồi cẩn thận đếm từng tờ. Tất cả chỉ có vẻn vẹn hơn 50 ngàn đồng, không đủ mua vé bổ sung. Ông đưa mắt nhìn vị trưởng tàu và cô gái, vẻ mặt họ vẫn lạnh như băng. Ông bật khóc: “Sau khi bàn chân bị máy cán đứt một nửa, tôi không đi làm được nữa. Không có tiền, ngay cả về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng là do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm. Xin ông hãy mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.”
Trưởng tàu vẫn kiên quyết nói: “Không được.” Người đàn ông bất lực ngồi phục xuống, những giọt nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt nhăn nheo rám nắng, người ông rung lên theo những tiếng nấc tức tưởi, mếu máo nói: “Tôi thực sự không còn cách nào nữa. Tiền cũng không đủ. Bây giờ ông muốn tôi làm gì cũng được.”
Thừa dịp đó, cô soát vé nói:
“Hay là bắt ông ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.”
Nghĩ một lát, trưởng tàu gật đầu đồng ý:
“Cũng được.”
Ông lão ngồi đối diện đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện, cảm thấy vô cùng bất bình. Ông đứng lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
“Anh có phải đàn ông không?”
Vị trưởng tàu tỏ ra khó hiểu, hỏi lại:
“Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?”
“Anh hãy trả lời đi. Anh có phải đàn ông hay không?” Ông lão kiên quyết.
“Ðương nhiên tôi là đàn ông rồi.”
“Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh hãy đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem.”
Mọi người chung quanh cười rộ lên. Người trưởng tàu thẫn mặt, giận đến tía tai, nói lớn:
Một người đàn ông cao lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là giả?”
Ông lão lắc đầu, ôn tồn nói :
Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người. Nếu anh có giấy chứng nhận đàn ông thì là đàn ông, không có thì không phải.”
Vị trưởng tàu cứng lưỡi không biết ứng phó ra sao. Ông ta cứ lắp bắp mãi không nói nên được câu nào. Thấy vậy, cô soát vé vội đứng ra giải vây, cô nói với ông lão:
Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì thì ông cứ nói với tôi.”
Ông lão thành chỉ thẳng vào mặt cô ta:
“Cô hoàn toàn không phải người!”
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành rồi hét lên:
“Tôi yêu cầu ông ăn nói tử tế một chút. Tôi không là người thì là gì?”
Ông lão vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh và nói:
“Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận làm người của cô ra xem nào.”


Mọi người lại cười ầm lên một lần nữa. Cô soát vé và trưởng tàu đỏ mặt không nói được lời nào, quay lưng đi thẳng. Người đàn ông cúi xuống, lau vội những giọt nước mắt đang đầm đìa trên khuôn mặt.
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều bộn bề, lo toan, khiến tâm hồn con người trở nên cằn cỗi. Họ ít lắng nghe và dành nhiều thời gian để yêu cầu người khác. Họ ít đồng cảm và dành nhiều quan tâm cho những nguyên tắc khô khan, cứng nhắc. Để bảo vệ chính mình và những lợi ích cá nhân, nhiều người không ngại ngùng làm tổn thương người khác, họ hoàn toàn trở nên ích kỷ một cách khó chấp nhận. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục như vậy, cuộc đời còn điều gì là ý nghĩa? Chẳng phải chúng ta sống là tìm kiếm hạnh phúc sao? Với một trái tim vô cảm, liệu có thể tìm thấy được nó chăng?

Không có nhận xét nào: