Mấy tháng trước chúng tôi nhận được tin Ông bị bệnh nặng phải
vào nằm bệnh viện cả tuần lễ mới được về nhà, nhưng chỉ điện thoại thăm hỏi mà không thể nào đến thăm được
vì tôi còn bệnh …nặng hơn ông và đang trong thời kỳ chữa trị cam go cực khổ.
Và nhân mùa lễ Tạ ơn, chúng tôi phải đi thăm ông, cũng là
ngày “đoàn tụ gia đình” hằng năm mà đã bao năm qua, vẫn là một thông lệ của gia
đình chúng tôi..
Từ
Houston chạy về Lampasas mất gần 4 giờ lái xe. Nhà ông bà không ở ngay thành phố,
cũng không ở ven đô, mà là một khu trang trại rộng mười lăm mẫu tây trong khu rừng
đầy heo, nai, mễnh, thú…
Đi hết một đoạn đường 183, rẽ phải chạy khoảng mười lăm phút
là đến trang trại. Đường nhỏ hẹp, thỉnh thoảng nai chạy ngang đường nên vận tốc
chỉ 10 cây số giờ, đủ thì giờ để người ngồi trên xe nhìn phong cảnh hữu tình của
cây rừng, gió núi
Đón chúng tôi ở cửa, ông bà cười thật vui vẻ, nhìn ông có
chút mệt mỏi nhưng cũng đã lấy lại được một phần “phong độ” của một cựu Đại tá
không quân của quân lực Hoa Kỳ.
Biết ông bà thích ăn món chả giò của người Việt nam, nên tôi
cũng cố gắng làm hơn trăm cái đã chiên sơ qua, rồi để đông lạnh, để khi nào ông
bà “thích ăn” cứ bỏ vào lò hâm nóng là có sẵn. Còn có thêm cơm chiên, mì xào để
phụ vào bữa ăn “Gà Tây truyền thống” của người bản xứ vào ngày lễ mà ông bà cũng
rất “enjoy”.
Ông là “Thầy dạy bay” của chồng tôi vào những
năm 1970, khi anh là SVSQKQ sang Mỹ “du học” về ngành lái phi cơ trực thăng. Không
biết ông …thương anh ở điểm nào mà trong số những người sinh viên cùng do ông
hướng dẫn, ông chỉ dạy anh rất cặn kẽ, và còn đưa anh về nhà giới thiệu với gia
đình ông, gồm người vợ trẻ và hai người em một trai một gái. Cha mẹ ông cũng có
mặt vì hôm đó là ngày “Thanks Giving”.
Chồng tôi kể lại là cả nhà ông, tất cả đều mến thương anh,
nhất là cha mẹ ông, hai “ông bà cụ” lúc đó còn trẻ, đã thương chồng tôi như con
cái của họ, họ tìm cách giúp đỡ mọi điều, hễ có ngày lễ gì của xứ Mỹ trong thời
gian anh thụ huấn, là ông bà gửi cho anh quà, có lẽ người ta thấy anh là một
người Việt nam xa nhà, một đất nước xa xôi nhỏ bé nhưng đang bị chiến tranh xâm
lược triền miên, nơi mà người con trai ông bà, là “Thầy dạy bay” của chồng tôi,
đã hai lần sang Việt nam tham chiến, thi hành nghĩa vụ một pilot trực thăng, đơn
vị đóng ở Tây ninh, quê hương của chồng tôi.
Ngày đi “du học” tưởng là ngon lành lắm(?), nhưng chồng
tôi nói lại là suốt bao nhiêu tháng trời cứ sống trong “quân trường” ở trong rừng,
chứ có biết phố phường đô hội gì đâu. Bởi thế, nên người nào có gia đình “bảo lãnh”
ra ngoài những ngày lễ là coi như hưởng Đặc ân của “Trời” cho, nhất là ngày “lễ
Tạ ơn” truyền thống sum họp gia đình của người Mỹ, và anh đã biết “ăn Gà Tây” từ
ngày tháng đó.
Từ ngày trở lại quê hương chiến đấu cam go, mấy lần bị đạn
thù thăm hỏi nhưng chồng tôi vẫn may mắn sống còn đến ngày “tàn chiến cuộc”. Giờ
phút tổng thống đương nhiệm DVM đọc lời “hiệu triệu” kêu gọi tất cả chiến sĩ buông
súng đầu hàng “quân giải phóng”, là lúc anh đang ngồi ở phòng hành quân chờ để…thi
hành phi vụ của ngày hôm đó (?).
Phóng chạy! chạy đi đâu không cần biết nhưng phải chạy. Dĩ
nhiên những chiếc trực thăng là điểm tựa cuối cùng của những người đã gắn liền
đời sống cam go, cực khổ và vô cùng nguy hiểm với nó. Nhưng đâu phải người phi
công nào cũng có…phi cơ riêng đâu, nên phải chạy đi tìm kiếm lấy. May quá, anh
nói lúc đó ..mạnh ai nấy chạy, nhanh chân thì còn, chậm chân …ở lại. Và trên
chiếc trực thăng đầy người đó, may mà còn…xăng, anh đã lái nó bay ra Côn đảo,
sau một thời gian dài “đấu tranh tư tưởng” là nên về với gia đình hay ra đi mãi
mãi mà không biết về đâu.
Cũng như bao nhiêu người Pilot khác, anh cũng “đáp” được
chiếc trực thăng trên hạm đội của Mỹ, và cũng “vẫy tay vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời” với chiếc
trực thăng ơn nghĩa đó trước khi nó được xô xuống lòng biển sâu vĩnh viễn.
Ngày đến trại tị nạn, khi làm hồ sơ để xin định cư, tên của
“Thầy Rushing” được chồng tôi ghi trước nhất qua hội Hồng Thập tự. Những tưởng
“ghi để mà ghi” vì từ khi về nước tham gia trận chiến trong 5 năm trời, anh chỉ
viết thư thăm hỏi có mấy lần, anh cũng có nhận thư của họ, nhưng sau nhiều lần
anh đổi đơn vị và Thầy anh cũng rời Lính trở về đời sống dân sự làm Giáo sư dạy
học, nên họ bặt tin nhau.
Một buổi chiều lang thang trong trại, anh được gọi tên có
người tìm. Ông là một Thiếu tá người Mỹ trong đơn vị “National guard”. Mừng vui
quá đổi khi nhìn trên chiếc xe Jeep là một Thiếu Tá pilot Mỹ oai hùng, chồng tôi
lúc đó ngạc nhiên lắm lắm, không ngờ “Thầy” đã vô tận trại tị nạn để tìm anh chỉ
sau hai ngày anh nhờ hội HTT tìm giúp.
Anh rời trại rất sớm trên chiếc xe Jeep nhà binh với ngài Thiếu
tá không quân người Mỹ bản xứ đó.
Khu vực Irving TX là nhà của họ. Chồng tôi được họ nuôi ăn ở
trong nhà hơn nửa năm trời, mỗi chiều sau khi bà vợ ông đi dạy về là chở anh vào
trường học tiếng Anh, trường tư dạy ít người nên anh có cơ hội học biết nhanh hơn,
nhưng lại buồn vì không có người đồng hương để ..nói tiếng mẹ đẻ của mình, và
suốt ngày cứ ngồi không nếu không phải…lau nhà thì…tắm chó, không có chuyện chi
để làm. Biết anh buồn vì nhớ nhà, nhớ bè bạn nhớ quê hương vừa mới từ giã ra đi chẳng bao lâu, ông bà đưa anh đến
nhà thờ Mỹ có người Việt nam giúp việc ở đó, mà họ vừa tìm biết. Cũng từ một ít người Việt vừa rời trại đó, anh mới liên lạc được
một số bạn bè và có cơ may ra đi làm và đi học tiếp, dù ông bà cứ muốn anh ở lại
với họ.
Ngày tôi từ trại tị nạn Philippine đến Mỹ, ông bà hay tin cũng mừng lắm, nhất là ông
bà thân sinh của họ, những người mà ngày tháng sau này chúng tôi thường gọi là
MíMì và PáPà.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông bà cụ thân sinh của Thầy chồng
tôi cũng vào ngày Thanksgiving hai năm sau đó với đứa con gái nhỏ đầu lòng. Hôm
đó cả đại gia đình nhà họ đều sum họp, có gia đình Thầy và gia đình hai người
em. Bà cụ không khác chi một người mẹ VN, bà làm tất cả thức ăn cho một buổi lễ
Thanks giving thật hoàn mỹ, bà còn đan những “con Turkey” bằng chỉ màu cho con
gái nhỏ của chúng tôi nữa. Thường ngày bà làm đủ mọi việc trong nhà, quán xuyến
nhà cửa trong khi ông đi làm xa bên ngoài cả tuần mới về nhà một lần. Bà có ngón
đàn piano thật tuyệt. Cứ tối tối, là bạn bè của bà tập trung tại nhà, họ nấu cà
phê, đem theo bánh ngọt và nhàn nhã thưởng thức tiếng đàn điêu luyện của Bà. Bà
rất thân thiện và tử tế với mọi người, còn ông thì rất vui vẻ, luôn cười nói và
“chọc cười” con tôi khi chúng tôi về thăm. Cả gia đình họ đều thương chúng tôi,
đến cái chìa khóa nhà ở “khu nghỉ dưỡng” vùng Tyler (phía Bắc TX) ông bà cũng
cho chúng tôi cầm lấy khi đến đó mà không có mặt họ. Những món ăn phụ đi kèm
theo với Turkey trong ngày lễ ở nhà tôi sau này, đều là do bà “truyền thụ” lại.
Nhờ vậy mà hằng năm, những ngày không đi về nhà Thầy, nhà chúng tôi cũng có được
những món ăn không thua gì mua từ các tiệm ăn của Mỹ.
Và sau bốn mươi năm chồng tôi định cư trên đất Mỹ, gia đình
nhỏ của chúng tôi vẫn có một “đại gia đình” thân thương bảo trợ để “về nhà” như
hôm nay. Dù bây giờ ông bà cụ thân sinh của Thầy đã qui
tiên, mà ngày đám tang của họ, gia đình nhỏ của chúng tôi cũng là một trong những
người thân được “phát biểu cảm tưởng” về tình cảm gia đình dành cho người quá vãng trước tất cả
thân bằng quyến thuộc gần xa và bạn bè thân thương của gia đình họ.
Dù Đông hay Tây, dù văn hóa có khác biệt, dù màu da không
giống nhau, dù đạo giáo có khác nơi thờ
phượng, dù ngôn ngữ không đồng nhất, dù là người cho và kẻ nhận (người bảo trợ),
dù là “Thầy và trò”, dù và dù gì đi nữa thì cũng do con tim và dòng máu đỏ len
lỏi vào từng mạch máu chảy khắp châu thân vun đắp thành khối TÌNH NGƯỜI. Cảm ơn
đất nước Mỹ và người Mỹ cũng vì tình người mà đã “bảo trợ” hằng triệu người tị
nạn khốn khó vào sinh sống ở đất nước này, cho họ một đời sống tự do và no ấm.
(Khi đã giàu sang sung sướng không biết có bao nhiêu người nhớ đến người bảo trợ?).
Cảm ơn gia đình “Thầy” đã vì thương mến mà bảo trợ cho chồng tôi. Và cảm ơn đại
gia đình nhà Rushing đã vì tình người mà chúng tôi có được một đại gia đình quí
mến để về bất cứ lúc nào không chỉ là ngày Tạ Ơn!.
Lê thị Hoài Niệm .