Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

PHÂN ƯU


Xem trước


          

Chồng chị bạn thân đã “mãn phần” sau một cơn bạo bệnh. Dẫu biết rằng đời người trước sau gì rồi  cũng đến lúc phải ra đi, nhưng nỗi xúc động khó mà kềm giữ nổi để những giọt nước mắt tiếc thương không vương trên vầng mắt. Thành thật “phân ưu” cùng Chị và gia đình, chứ nỗi buồn mất chồng, mất cha ai mà “chia” nổi.

Lúc này ở Houston, người giã biệt dương trần nhiều quá, già có, trung niên có và trẻ cũng có. Nhà quàn nhiều khi không “đủ chỗ” để gia đình tang quyến tổ chức tang lễ cho người quá cố, phải đợi những người nằm trước …dời đi, mới có phòng trống mà đặt quan tài.

Đám tang của chồng chị bạn tôi “đông vui quá!” Vì hôm nay là  ngày thứ bảy, nhiều người được nghỉ việc nên đến viếng đám tang đông? Không! Không phải vậy đâu, vì dẫu là ngày nghỉ, nhưng bình thường nếu người “nằm đó” không quen biết, làm việc chung, giao thiệp rộng với nhiều người, thì làm sao có nhiều người đến viếng?

Hình như mỗi một người khi sinh ra đều có một vận mệnh gắn liền với đời sống nơi dương thế? Nếu người có số  “làm Tổng Thống”, thì dẫu sinh ra ở đâu và làm nghề gì rồi cũng sẽ có ngày được …làm Tổng thống!. và cuộc đời của người Chồng chị bạn tôi cũng có “sao quan lộ” chiếu mệnh trong nhiều tháng năm dài, đến khi tan hàng rã đám, đó là lý do anh có nhiều người quen biết…thân, sơ….

Anh nguyên là một sĩ quan trong binh chủng LLĐB từ khi ra trường khóa 12 Thủ Đức, và đơn vị đóng ở Nha trang, anh cũng đã nhiều lần “nhảy toán” sang vùng ba biên giới, có khi sang tận .. đất Lào. Là một người hùng trong quân đội, và anh đã gặp vợ anh- bạn tôi ở NT, trước khi được đổi về làm ở “Phủ Tổng Thống” sau tết Mậu Thân.

Một số những người bạn thân quen mà chúng tôi biết hầu như có mặt để “phân ưu” cùng gia đình tang quyến. Quan tài Anh đặt nằm ngay dưới một Thánh Giá treo trên tường. Nghe nói lúc sáng, trước khi vị MS đến làm lễ, trên bàn thờ, nơi đặt di ảnh của Anh, hình mặc quân phục một quân nhân QLVNCH, đã có “một bát nhang” và những món cơm cúng. Nhưng khi vị MS đến, thì tất cả đã …dẹp đi, không hiểu là “lệnh hay ..kỵ”?

Vị mục sư làm “lễ nhập quan” cũng đơn giản, ông giảng về đạo Chúa, ngườì sống tin chúa thì khi mất đã “nằm trong tay Chúa”, như vậy là đã về nước Chúa. Cũng mừng!. Rồi nguyên cả ban hát của nhà thờ lên hát. Đám tang mà có hát hò không vui sao được, nhất là những bài hát cao vút, lời như Thánh kinh, khi nghe hát ai có tâm trạng buồn đâu mà khóc? ( nghe nói bây giờ bên trong nước VN, khi gia đình có người mất , có “ca sĩ chuyên môn hát đám tang” đến giúp vui, hát đủ loại nhạc, làm không khí tang lễ vô cùng vui vẻ?). Có vậy người chết mới không quyến luyến mà siêu thoát sớm. Cũng như bên đạo Phật, Khi vị Sư làm lễ, cũng giảng như thế, nhưng vì nhiều vị “kinh kệ” quá, mà đâm ra buồn não, khó mà cầm được nước mắt tiếc thương.

 Thì ra, gia đình Anh trước đây vẫn thường đi Chùa, có lẽ gần gũi với đạo “thờ cúng Ông bà”, chứ chưa hẳn anh đã qui y ( nếu đã qui y, thì không được theo… “tồn hữu ác đảng”), nên những ngày gần cuối đời, trước khi biết mình không qua khỏi cơn bạo bệnh, gia đình đã tìm cho Anh một …hướng đi, vì các con của Anh, những người trẻ…không rành nhiều tiếng Việt, đã theo đạo TL, vì vị MS đã giảng đạo cho họ nghe bằng tiếng Mỹ. Đạo nào cũng tốt cả! cũng hướng dẫn cho con người làm lành lánh dữ khi sống, nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, khi hồn lìa khỏi xác, thì xác thân kia cũng sẽ trở về với cát bụi dù chôn xuống mồ hay hỏa táng. Còn linh hồn thì nào ai biết sẽ về đâu, người Phật giáo phải cầu nguyện nhiều lắm, “hy vọng” sẽ về Niết bàn, tiên giới (nhưng có nhiều người thường nói: về dưới đông vui hơn, về trên thượng giới buồn tẻ lắm, chán ngắt, vì suốt ngày chỉ thấy tiên nữ bay phất phơ, tiên ông ngồi đánh cờ thật nghiêm trang chẳng thèm mở miệng nói chuyện..) trong khi đạo Chúa, vị MS giảng “chắc chắn” đã về với Chúa! Càng tốt. Chúa hay Phật cũng là niềm tin mà con người phải tìm đến trong đời sống, nếu muốn!. Nhưng tiếc thay, nghe đâu có một ít bạn bè cùng sinh hoạt trong những khi đến Chùa với AC, đã không đến viếng thăm và giã biệt Anh lần cuối, vì đã không cùng “Tôn giáo” vào giờ phút cuối. Có nên “chấp nhất” như vậy không? Sống thoải mái, hài hòa và bao dung có lẽ sẽ thoải mái hơn nhiều?

Buổi “lễ phủ kỳ VNCH” thật trang nghiêm và cảm động. Thật ra, đây cũng là phần “tinh thần” còn sót lại, chứ đâu có còn binh chủng, quân chủng, ban chung sự hay ban ban gì đâu để có “đủ thẩm quyền” mà ban phát, mà khen thưởng, mà thực hành lễ nghi quân cách.. Nhìn những người “bồng súng” đi hàng đầu của ban phủ cờ,  hay lúc đứng "hầu" quan tài, tôi chạnh lòng thoáng nghĩ: rồi một mai, chính những vị kia “nằm xuống” thì ai sẽ là người bồng súng đứng "hầu" quan tài của họ nhỉ? Vì họ cũng đã lớn tuổi quá rồi, người thì bịnh, kẻ thì đau, thậm chí có người còn đi khập khiễng. Một nỗi buồn xót xa. Coi bộ những người đi …sau cùng sẽ là những người…thiệt thòi nhất. Xứ Người  có “quân đội”, người ta có cựu với tân, còn quân đội VNCH làm sao mà có lớp trẻ tiến lên thay thế lớp già????

Nhưng dẫu gì thì chị bạn tôi vẫn còn cầm được trên tay một lá cờ VNCH đưọc xếp lại gọn gàng do những người “Lính Cũ” trao tận tay chị, sau khi quan tài được đẩy vào nơi hoả táng. ( chỉ có lúc này mới nghe được những tiếng khóc tiếc thương người quá vãng) Cũng là một hãnh diện và kỷ niệm sau cùng trong cuộc  đời người tị nạn của Gia đình một người Lính.

LT Hoài Niệm


                                


Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Gửi Anh





Xem trước




Gửi Anh gửi trọn tâm tình
Gửi Anh nắng ấm bình minh đầu ngày
Gửi Anh một khối tình say
Gửi Anh hương vị men cay thơm nồng
Gửi anh triệu đoá hoa hồng
Gửi Anh xanh thẳm bềnh bồng mây trôi
Gửi Anh đậm nét son môi
Gửi Anh lóng lánh sáng ngời mắt trong
Gửi Anh điệp khúc tơ lòng
Gửi Anh ráng đẹp cầu vòng chiều mưa
Gửi Anh thoáng mát gió trưa
Gửi Anh nguyên cả lũy thừa tình chung
Lê thị Hoài Niệm
                                                  



 
Xem trước