Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

CÂY HOA SỨ TRONG SÂN TRƯỜNG

đi cộng đồng với lớp nhị 7
















“Một đàn sư phạm đi qua chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu, ố tang tình tang , ồ tang tình tình” Đó là đoạn hát mở đầu được sửa lời từ một bài dân ca của n/s P.D. mà bọn tôi cứ nghêu ngao mỗi lúc đi rong chơi trước sân nội trú sau khi ăn cơm ở nhà bàn về, hễ đám này cất lên là nhóm khác hát hòa theo, vừa vỗ tay vừa đánh nhịp cười vui vẻ. Nhưng hôm nào có nhiều quân nhân, thân nhân đến viếng thăm người nhà, ngồi trong phòng đợi, thì cả đám im lặng thầm thì cứ như là những cô nữ giáo sinh hiền lành ngây thơ vô…số tội.  


Cuộc sống nội trú của  những giáo sinh sư phạm từ khi có được nội trú mới, (2 tháng sau khi bắt đầu niên học khóa 8) mỗi phòng 4 người với đủ giường nệm, bàn học, tủ đựng vật dụng riêng thì huy hoàng thoải mái không thể tưởng. Cứ bốn người hợp nhau thì chọn vào một phòng, và hai phòng kề thì chung vách thấp, nhìn nhau chung trần nhà, đám bên kia nhìn thấy người nằm giường tầng bên này, tha hồ nói chuyện tâm sự giải bày hay…đấu láo, nhất là phòng chúng tôi ở tầng lầu ba, nhìn thấy hết cả những người ra vô dưới hành lang nội trú, nhìn thấy cả bên “căng-tin”, nhìn thấy luôn căn phòng ở của quí Thầy bên  kia dãy phòng học. Và ở phòng chung vách với tôi, cô bạn X. là người đẹp nhất trong tám đứa, theo tôi. 

Chưa có khoảng thời gian nào vui thú như thời gian vào trường Sư phạm. Cứ như ta là những người đã lớn, sắp bước chân vào ngưỡng cửa đường đời, rời xa sự dắt dìu chỉ dạy của cha mẹ, sẽ một mình đứng vững được trên đôi chân truớc cuộc sống mới khi ra trường, nhưng bên trong vẫn còn một chút ngại ngần của đứa trẻ, vẫn còn những sợ sệt vu vơ. Sự mâu thuẫn vẫn ẩn hiện đâu đó, nhưng nhờ cuộc sống tập thể, bạn bè chung quanh, cuộc sống cứ đi tới, đẩy lùi qua nhanh những lo âu sợ hãi đang chờ trước mắt, nhất là nhờ cuộc sống nội trú, chung quanh là những người đồng trang lứa, dễ dàng xẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, và những nghịch ngợm, phá phách cũng được kết bè sinh sôi nảy nở. Vui nhất là những buổi “trực nội trú”, ngoài việc được chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa những thân tình gia đình rất cảm động, còn được cơ hội “chọc phá” những người trẻ mặc quân phục vào trường tìm nữ giáo sinh, mà không cần biết….bạn bè hay bồ bịch? hoặc nhìn thấy những giận hờn giữa những đôi tình nhân dự định “cộng chỉ số”, vừa mới cãi nhau chí chóe, sau đó lại lo lắng sợ mất nhau….  


 Thế rồi một buổi chiều gần cuối năm học nhị niên, thời gian sắp sửa thi bộ môn “thực hành” cho kỳ tốt nghiệp, kỳ thi vô cùng quan trọng cho đời làm thầy cô giáo. Trong lúc tôi, Tr.T và Y trở lại phòng từ nhà ăn, chưa đến cửa nội trú, đã nghe nhiều tiếng chộn rộn xôn xao, có những tiếng trao đổi từ các bạn ra vô nội trú ( nhiều người không ăn cơm nhà bàn), rằng có “người điên”! Ai điên và tại sao điên khi mà tiếng đồn phát ra từ căn phòng ở lầu ba của chúng tôi?. Cả mấy đứa chạy băng lên cầu thang, vào phòng mình, gặp ngay chị Ng.TT, chị nói X bị điên. Cái gì? Và chị chỉ sang căn phòng trống bên dãy đối diện, nơi X mới được đưa vào, sau khi mấy nam giáo sinh khiêng về một cái giường cho bạn nằm, chúng tôi bèn chạy ùa vào, phòng đầy người và đúng lúc bạn đang lên cơn(?):
-Chị Lan đó! chị rủ X đi với chị ấy! để X đi với chĩ.  
Hình như có ai đó lên tiếng hỏi:
- Chị Lan là ai? ở đâu và rủ X đi đâu?
-Chị ở trong cây hoa sứ trước sân trường đó, chị ấy ở đó đó, chị đang đi ra đó.. Tôi và đám bạn nhớn nhác, hoài nghi, chưa nghĩ đến chuyện ma quỉ gì, nhưng cũng nhìn theo tay X chỉ, may ra thấy người nào đó đi tới.

Lúc này thì chị H., giám thị nội trú, Thầy T. tổng giám thị bên trường, Thầy Lh. cố vấn, thầy H. ở phòng bên cũng đã có mặt, có mấy bạn đang ôm cứng giữ X lại không cho cô phóng lên nóc giuờng đôi mà không leo bình thường bằng cái thang, nhưng X mạnh lắm, cỡ 4 hay năm người níu chân tay nhưng cũng không níu nổi, và X cứ bung đạp đá những người chung quanh rồi làm thao tác leo lên nhảy xuống đến mấy lần, có lẽ các Thầy Cô sợ X té xuống gây thương tích, nên cứ xoay qua lại hỏi xem ai có cách gì giữ dùm X. lại, căn phòng ồn ào chộn rộn không thể tả,  lúc đó mấy anh bên nội trú nam cũng chạy qua đông lắm, đứng nửa ngoài nửa trong, nhưng chưa ai nghĩ ra cách gì giữ cho X ngồi yên, cứ  nhao nhao rồi bàn ra tán vào, nên căn phòng đã ồn ào càng thêm náo nhiệt.   Không biết có động cơ nào thúc đẩy, bỗng dưng tôi đi lại gần níu chân X. và lên tiếng nói:
-X ! có gì thì từ từ mà nói, đừng có leo lên trên đó nữa, té xuống gẫy chân tay đó.  
X. nghe xong quay lại nhìn tôi, lúc này tôi mới nhìn rõ bạn, nét mặt ngơ ngác, đôi mắt ngây dại, thất thần, X ngó tôi, rồi nhìn những người chung quanh, ngó người này rồi người khác, rồi nhoẻn miệng cười vu vơ thấy rất…sợ, tự nhiên X rụt người lại, làm ra vẻ sợ hãi, rồi lên tiếng:
- Phải mày là con T? T thấy chị Lan không? chị đang đi tới đó, có thấy chị đẹp không, chị từ trong cây hoa sứ đi đến với X đó.
Tôi thấy hơi gai gai lạnh ở sống lưng, nhưng chung quanh tôi có rất nhiều người, mà X lại nhận ra tôi, nên tôi đánh bạo hỏi lại để thử X: 
-Chị Lan nào ở trong cây sứ? cây sứ ở đâu? 
- Dưới sân trường đó, cây sứ có rất nhiều hoa thơm đó, chị Lan nói chị ở trong đó đó, chị rủ X. đi chơi với chị.

Thôi thì mọi người trong phòng mặc sức mà bàn tán, kẻ nói qua, người bàn lại rằng chắc chắn có… ma, mấy cô yếu bóng vía thì phản ứng rùng mình le lưỡi, lùi lại phía sau, quí Thầy Cô thì phân vân chưa biết giải quyết thế nào, nhưng thấy X không còn leo lên nhảy xuống thì coi bộ yên tâm, nhưng tôi lại là người …lãnh đủ khi X lên tiếng :
-T ơi! đi chơi với X với chị Lan nghe. 
Trời đất! tôi điếng hồn khi nghe cô bạn …điên lên tiếng rủ đi chơi với …ma. 

Ở nội trú trong thời gian qua có quá nhiều chuyện làm đám nữ giáo sinh sợ xanh mặt, nhiều khi ban đêm, đến giờ cúp điện, thậm chí đi vào phòng vệ sinh chẳng dám đi một mình, phải rủ hai hay ba người cùng đi cho đỡ sợ, tối ngủ có  đứa lấy “dao” đặt dưới gối trên đầu giường để “trừ ma”. Cũng bắt nguồn từ khi một chị nhị niên năm trước, mặc dù chị ở bên ngoài, nhưng lại vào nội trú ở chơi với bạn cùng lớp, rồi sanh con ngay trong phòng vệ sinh, đứa bé bất hạnh bị chị bỏ vào cái bồn nước và định giựt cho ..trôi(?) . Trời đất quỉ thần ơi, lúc đó có một chị đi vào, thấy sao có nước màu đỏ tràn lan, chị  la lên…

Thế là từ đó, nội trú cứ bị ám ảnh những oan hồn uổng tử xuất hiện, khiến cho mấy nữ giáo sinh chẳng dám ra khỏi phòng lúc đêm về. Nhưng bữa nay lại có người “điên” vì có ma nhập?   Mọi người trong phòng hình như đã trút được gánh nặng khi có một tên bị lôi ra thế mạng, thế là họ cùng đồng thanh:
-Ừ con T nên ở với con X đi! T nói nó nghe, ở đây với nó là đúng rồi.
Hồn vía tôi lúc này đã lên gần tới chín từng mây, tự nhiên cô bạn phát điên, mạnh hơn …voi, mỗi khi lên cơn năm bảy người kéo còn không muốn lại, còn tôi, ốm tong teo nấu chưa ngọt nồi nước xúp, nó mà khùng lên cầm tôi quăng một cái chắc là toi mạng, nghĩ vậy tôi lên tiếng:
-Thưa chị H. Thưa quí Thầy Cô, làm sao em dám ở đây một mình với X?.                                                         

 Lúc này thầy Lh., Thầy cố vấn lớp chúng tôi, mới từ từ lên tiếng giọng Bắc thật rành rọt:
-Thầy thấy em ở lại đây với X  tối nay là hợp lý, vì X đã biết nghe lời em nói nên đã chịu ngồi yên, hình như X thích em, thôi thì em hãy vì bạn mà giúp bạn, không phải chỉ mình em đâu, sẽ có các bạn khác thỉnh thoảng vào đây canh chừng X với em.

Thiên địa quỉ thần ơi! cái đàn sư phạm đi qua, chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tiền tiêu  mà mỗi chiều vẫn nghêu ngao dưới sân chắc phải vắng bóng tôi rồi, nếu mà đêm nay có chuyện gì xảy ra chắc là tôi cũng đi thẳng, vì thân tôi đã bị bạn của ma chọn ở với nó.
Mà tôi cũng phải khen tôi đầy lòng …can đảm, một cô bạn bị…ma nhập, cả nội trú bàn tán xôn xao sợ sệt như vậy, nhưng tôi lại chẳng dám phản kháng mạnh khi được đề nghị ở lại, chẳng bù với những lúc có ngày nghỉ lễ, cả đám bạn cứ rủ nhau đi thăm tỉnh này, tỉnh khác, nào là Huế, Đà Nẵng rồi phố núi Pleiku đi dăm phút trở về chốn cũ…., trong khi tôi chẳng dám tháp tùng bọn chúng, chỉ ngại khi đang ngồi trên xe vượt quãng đường dài, tự nhiên có tiếng nổ cái bùm, chiếc xe tung lên rồi…tan xác, “thành tích diệt địch của quân giải phóng ta”.

 Cha mẹ ơi, chết thẳng cẳng thì buồn thật nhưng không sao, cái màn cụt tay, mù mắt thành phế nhân, để rồi “ ngày về! ngày về em đã chụt chân…” báo hại cha mẹ thì tội chết. Nhưng hôm nay thì khác, thôi thì một liều ba bảy cũng liều, mình có …oai nên ma mới cần đến, với lại chung quanh tôi cả một bầy con gái, ngoài giờ học là chúng kéo vào nói chuyện râm ran, bày đủ trò phá phách, có cô bạn H. còn dám ngồi trước quyển sách cộng đồng của Thầy B. mà viết thêm chữ …lừa vào đó để nói lái chơi, Thầy dạy kinh tế chúng cũng không chừa cứ viết thêm chữ ..lò vào sau chữ Tôn đó, nhưng khi bị Thầy vào bắt gặp, bọn chúng chối biến và nói vừa xem truyện con nít của nhà văn Duyên Anh nên thuận tay viết xuống. Cười, hết ý. 

Nhờ vậy tôi không thấy buồn, và bọn tôi  cứ gợi chuyện với X. cho bạn nói, vì khi bạn nói, bạn không muốn leo trèo nữa, mãi đến khi mọi người đi vào giấc ngủ. 

Đã mấy đêm như vậy trôi qua, căn phòng tạm của chúng tôi không ngớt các giáo sinh vào viếng, nhiều lúc nhìn X nằm ngủ, chúng tôi cứ đưa mắt nhìn nhau và hỏi không biết bạn bị bệnh gì, vì khi X ngủ, cả khuôn mặt trông ngây thơ, thánh thiện lắm. Vậy mà chỉ có cây hoa sứ trong sân trường, đã làm bạn lên cơn hung bạo, la hét và đòi đi theo chị Lan vào cây hoa sứ (?). 

 Câu chuyện “Tái ông mất ngựa” coi bộ cũng hơi đúng đúng với trường hợp của tôi. Cái hôm bị trúng số ở với “người điên trong nội trú”, tôi cứ ngỡ đời mình kỳ này tàn trong ngõ cụt, vì căn phòng lúc nào cũng ồn ào kẻ ra người vào thăm viếng, ban đêm không có chỗ riêng để soạn bài đi dạy môn thực hành, và cũng chẳng có thì giờ đi …mượn người vẽ tranh minh họa để dạy, cái mục ác ôn mà tôi sợ nhất.

Nhưng có lẽ vì cảm cái tình bạn gan lì của tôi dành cho X, thầy giáo cố vấn đã nhờ các bạn khác liên lạc bên trường Sư phạm thực hành bốc thăm lấy môn dạy, rồi mấy bạn nào đó đã soạn bài dùm, vẽ tranh minh hoạ và đem  sang chỗ tôi, tôi chỉ cần nhìn vào xem kỹ và đi thi. Những giờ tôi rời khỏi X để đi thi đứng lớp dạy, có nhiều bạn không có giờ học đến canh chừng, nên cũng đỡ, vì lúc sau X đã…..hiền lại rồi.

Không biết có phải nhờ “ma” phụ trợ hay không, mà kỳ thi thực hành tôi toàn có điểm tối đa tất cả các môn, nhất là lớp bốn của Thầy Cứ ở sư phạm thực hành, ông Thầy mà giáo sinh nào cũng… ngán. Bốc thăm trúng lớp của Thầy, xem như đi vào cửa tử! nên người nào cũng …xanh mặt, nhưng kỳ đó tôi đã dạy nhằm môn “hoạt động thanh niên” ngoài trời mà được điểm tối đa. Chuyện hiếm có mà vẫn xảy ra. Chắc Thầy đã nghe chuyện và cảm thông, hay nhờ …ma giúp sức mà tôi dạy hay vượt bực(?) Dù sao vẫn cảm ơn Thầy đã cho điểm tối đa!  Và cũng cảm ơn các bạn đã soạn dùm bài. 

 Rồi thì gia đình X cũng ra thăm. Ba của X lúc đó làm lớn ở ty tiểu học P.Y. , Bác là người văn minh, nhưng thấy con gái mình trong cảnh ngộ như vậy, Bác cũng đành tin theo bùa ngãi. Bác xin ở đâu một lố “lá bùa” và Bác lập bàn hương án, khấn vái tứ tung, cuối cùng bác đốt lấy nước cho X uống. Dù tôi không mấy tin, nhưng gặp cảnh ngộ nan giải, “còn nước còn tát”, đành nhìn cô bạn uống nước lá bùa và cầu mong bạn khỏi bệnh. Ba X muốn đem con về nhà chữa trị, nhưng X cứ vùng vằng không chịu theo, cuối cùng nhà trường để X ở lại chờ qua cơn bệnh.

Thời gian đi qua cỡ hơn hai tuần, dần dần X trở lại bình thường. Chiều chiều, Thầy Dz., quản đốc bên nội trú nam, cứ lấy xe hơi của nhà trường, chở X ra bến tàu, bãi biển …giải khuây, may ra nhìn phong cảnh hữu tình thơ mộng mà dứt hẳn cơn bệnh, và tôi có bổn phận theo sát nút để canh chừng bạn lỡ lên cơn trở lại, thế là tôi được ngồi xe hơi đi chơi khơi khơi cả mấy buổi chiều liền. Xui mà hên….

 Sau ngày mãn khóa tan trường về để chờ đợi kết quả, trước khi về lại nhà ở NT, tôi đã được gia đình X mời ghé lại T.H. thăm nhà một chuyến và chơi với bạn vài bữa, tôi được gia đình bạn “thết đãi” rất trọng thể, điều mà tôi chẳng muốn chút nào, nhưng dầu sao đó cũng là tấm lòng thành của gia đình bạn với người đã chịu chia sẻ sự khó khăn trước cơn đau ngặt nghèo của con mình. 

 Rồi thì ngày thực sự lìa ngôi trường Sư phạm thân yêu cũng đến, tất cả về lại trường để chọn nhiệm sở và lãnh sự vụ lệnh …đi làm Thầy cô giáo.  Vì tôi được xếp vị thứ chín, nên mới sáng tinh mơ đã từ giã sân trường, mừng rỡ lẫn nôn nóng giã từ tất cả mà ra bến xe trở lại nhà, chẳng có thời gian ngồi lại “chờ đợi” xem bạn nào chọn nhiệm sở nơi đâu, trong đó có X.

 Mãi đến mấy năm sau, một lần ghé lại Nha Trang thăm tôi từ Quảng Đức, một nơi đèo heo hút gió biên giới xa vời, nơi mà ngôi trường học X nhận làm cô giáo, học trò chỉ dăm bảy đứa lớn nhỏ không đều, bữa học bữa không, Thầy Cô giáo thì chỉ dạy dăm bữa nửa tháng, trở về thành phố phải đi nhờ …trực thăng của Lính, và từ đó X đã gặp người thương, quên đi qúa khứ đau buồn chỉ vì “thương Thầy” mà sinh bệnh, căn bệnh tâm thần quái ác. 
Thì ra, khi tình cảm bị đè nén lâu ngày, sự ẩn ức vì yêu không thể nói nên lời cũng dễ phát sinh cơn bệnh kinh khiếp thật.  

Chẳng có ma quỉ gì trong cây hoa sứ cả, cây hoa sứ thì muôn đời chỉ là cây hoa sứ, có phận sự làm đẹp, đem niềm vui đến cho người khi hoa nở và chờ đến một ngày hoa tàn, rũ chết. Không biết bây giờ cây hoa sứ trong sân trường sư phạm QN còn đó, hay đã bị bứng gốc quăng đi, như những giáo sinh năm nào đã bị …bứng ra xa nguồn cội mà chưa có cơ hội tìm về thăm chốn cũ, để tìm gặp lại Thầy Cô xưa mà nói lời cảm ơn chân thành, và ngôi trường thân yêu với vô vàn kỷ niệm……..

Không có nhận xét nào: