Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

NGƯỜI HÀNG XÓM

 


Tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu như vừa phạm phải một lỗi lầm lớn, còn tự trách mình sao lại cho hắn địa chỉ nhà làm chi, liệu hắn có làm phiền chúng tôi khi lại nhà thăm viếng?

Tôi không ngờ hắn cũng về đây dự buổi họp mặt mừng Xuân của hội đồng hương. Lẫn trong những tiếng reo vui mừng rỡ, những tiếng chào hỏi tíu tít, những lời hỏi thăm ân cần của những người bạn cũ gặp nhau, là tiếng hét gọi tên tôi thật lớn của hắn khi tôi vừa rời bàn đứng dậy. Phải mất mấy giây đồng hồ sau tôi mới nhận ra người đàn ông có khuôn mặt bành bạnh, dáng người phục phịch, cái bụng to phì như thùng nước lèo của mấy chú Ba Tàu Chợ Lớn kia là ... hắn! Thấy hắn vồn vã hỏi lung tung mọi chuyện, mọi người, tôi cũng quên bẵng chuyện ngày xưa, dù gì hắn cũng từng là người hàng xóm.

Từ thuở nhỏ, Má tôi há chẳng thường hay nói: “Bà con xa không bằng xóm láng giềng gần” đó sao? Lại nữa từ ngày lưu lạc đến xứ Mỹ này, lâu lâu tìm gặp được một người quen sơ sơ ngày ấy cũng đã mừng lắm rồi, huống chi đối với tôi, hắn có quá nhiều chuyện để nhắc nhở, để ôn lại kỷ niệm một thời. Hy vọng lần gặp gỡ sau nhiều năm xa xứ, hắn sẽ có nhiều thay đổi tốt đẹp hơn những ngày tháng cũ mà tôi biết.


Hắn là con trai lớn trong bốn người con của ông bà Mẫn, chuyên làm nghề thầu đổ xe rác Mỹ, nên trong xóm tôi, nhà hắn giàu nhất chẳng làm ai ngạc nhiên. Ông Mẫn cất một lúc hai căn nhà đúc, chiều dài đến cả ba chục thước, với hai tầng lầu cao, để một khoảng rộng trên sân thượng trưng bày vô số cây kiểng quí, và cũng là chỗ cho ông quí tử chiều chiều ngồi trên đó nhìn xuống đường chọc phá bà con. Bởi nhà giàu nên hắn đi học với chiếc Honda 90 phân khối còn mới toanh, cứ tha hồ lạng lên lạng xuống, lạng tới lạng lui trước cổng trường con gái, và cũng bởi nhà hắn ở đầu đường, còn nhà tôi ở cuối xóm, nên chi mỗi buổi đi học về, tôi đều phải đi ngang qua nhà hắn, thỉnh thoảng tôi thấy hắn ôm cây đàn Guitar ngồi ngất ngưởng trên ban-công đập rầm rầm, như báo động cho bà con biết ta đây cũng biết đờn như ai, còn thường thì hắn tụ tập cả một đám con trai cỡ phá làng phá xóm như hắn, bọn chúng núp trong cánh cửa sắt, chờ bọn học trò con gái chúng tôi đi qua, là bắt đầu đếm một-hai-ba, rồi tha hồ phát ngôn bậy bạ, chọc phá nhiều câu nham nhở, nên bọn con gái trong xóm tôi chẳng đứa nào ưa hắn, nhất là nhỏ Thúy Diệp, con nhỏ đi học ưa mặc cái rupe ngắn, chỉ đến chừng đầu gối, hở cả đôi chân ra ngoài. Thế là bọn chúng cứ khen con nhỏ có đôi chân “thảo bình” rồi cười một cách khả ố. Con nhỏ nghi ngờ về hỏi lại ba nó, được ông Chính giải thích: thảo là cỏ; bình là bằng, cỏ bằng là... cẳng bò chứ có đẹp đẽ chi đâu. Từ đó Thúy Diệp thù hắn dữ lắm, hễ có dịp là tìm cách trả thù.

Cả nhỏ Hoa con bà Bảy Quới cũng vậy, nhà Hoa cách nhà hắn độ mười căn, hắn mê nhỏ Hoa hầu như cả xóm đều biết, nhưng nhỏ coi hắn như pha. Có lần nhỏ tâm sự với tôi:

-Ngân à, bồ nghĩ sao về tên Lưu Manh, con ông Mẫn hả? Cái tên mặt gà mái đó coi thật khó ưa, vậy mà nó cứ đeo theo Hoa như đỉa, thật bực mình hết sức, nhưng không lẽ cứ chửi vào mặt nó hoài, xóm láng giềng gần mà cứ chửi rủa mãi bà con họ nghe được, lại nghĩ Hoa giống bà già thì kẹt quá phải không bồ?

Cũng lạ, không biết tự bao giờ người trong xóm tôi lại đổi tên cho hắn, thật ra tên hắn là Lưu văn Minh mà! rồi còn gán cho hắn danh hiệu “mặt gà mái”.

Trông tướng hắn cũng cao ráo, mặt mày sáng sủa, không mắt hí, mũi tẹt, môi dày, chỉ hơi bành ra ở hai bên gò má và cái trán trẹt lét vậy thôi. Nhưng tại sao lại là mặt gà mái? Có lần bà Mười quán nổi sùng vì câu thắc mắc của tôi.

-Cái con Ngân này thiệt! Cái thằng đó mặt gà mái tại vì nó giống... gà mái chớ sao!
Ơ hay! Mặt gà mái là tại vì giống gà mái, không giống gà cồ, phải chăng vì bản mặt của hắn như vậy nên tính tình cũng ảnh hưởng, hắn ưa bươi móc chuyện người ta và cũng chưa bao giờ bà con ở xóm tôi thấy ở hắn có một cử chỉ hào hiệp, hay cái uy dũng của giống gà cồ.

Gần tới mùa bãi trường năm đó, vì nghĩ đến chuyện sau kỳ thi tú tài một sẽ có kẻ đậu người rớt, bạn bè sẽ phân tán, nên bọn con gái chúng tôi mới lăng xăng trao cho nhau cuốn tập để viết... lưu bút ngày xanh, tặng nhau tấm hình làm kỷ niệm, không ngờ tên Minh mặt gà mái cũng bày trò như con gái.
Hắn chận tôi ngay trước cửa nhà hắn, vốn đã không ưa nên tôi hỏi gắt:

-Nè, làm gì chận tôi ngay giữa đường vậy? Bộ bữa nay mới nghĩ ra trò chọc phá khác nữa hả?
Hắn cười cười, một tay đưa lên gãi tai, một tay cầm quyển vở bìa cứng đưa ra trước:

-Tôi đâu có phá Ngân, Ngân làm ơn giúp dùm tôi một lần này đi! Tôi...
-Mà giúp cái gì mới được chớ? Tôi còn giọng gắt gỏng tiếp:
-Đừng có biểu tôi trao gì cho Hoa nghe, tôi không làm đâu! Tôi nói vậy vì hắn vẫn chận bọn trẻ trong xóm nhờ đem thư cho Hoa hoài đó.
-Không phải vậy đâu, tôi nhờ Ngân viết dùm trang đầu trong quyển lưu bút của tôi vậy mà! Tôi biết Ngân làm văn hay, lại viết báo ở trường bển nên tôi mới nhờ!

Tuy có ngạc nhiên, nhưng nhìn hắn nói năng chậm rãi, có vẻ quan trọng nên tôi hỏi trổng:
-Viết cái gì bây giờ?
-Thì Ngân viết sao hay hay để bọn bạn tôi đọc rồi lấy ý viết cho tôi vậy mà. Chắc cuối năm nay tôi không còn có dịp đi học nữa, thi rớt phải đi lính là cái chắc rồi!

Tôi lại nhìn kỹ hắn lần nữa. Nét mặt hắn có vẻ trang nghiêm lại buồn buồn, chả bù với mọi lần, hắn ngồi vẹo nẻo trên chiếc Honda phóng một cái vút qua mặt bọn con gái chúng tôi đang đi bộ trên lề đường Nguyễn Hoàng, rồi thắng lại một cái rét, quay đầu bánh xe trước đủ 360 độ, lại rề rề chạy theo, nói năng vài ba câu chẳng ra hồn, rồi phóng vụt đi, vọng lại chuỗi cười ha hả khó ưa.

Có khi tôi gặp hắn ngồi trên chiếc xe dzíp với ông Mỹ to tướng, chạy chậm chậm qua cổng trường của con gái lúc tan học, đã vậy hắn còn dạy ông Mỹ nói những câu tiếng Việt vô duyên, để hắn có dịp cười thích chí.

Nhưng bữa nay, hắn có vẻ tội nghiệp thật, biết đâu lời hắn nói là đúng. Dù gì hắn cũng lớn tuổi quá rồi mà, học lại lớp mãi được sao, dù là học trường tư thục “Kim Yến”. Thấy tôi còn do dự, hắn xuống giọng nài nỉ:

-Ngân nhận viết dùm đi, chắc mai mốt tôi không còn dịp phá các bạn nữa đâu!
Trao quyển sổ cho tôi xong, hắn vui ra mặt. Nhưng khi tôi vừa quay lưng bỏ đi thì cùng lúc hắn cũng đi vào nhà, và cất giọng oang oang:

“Rớt tú tài anh đi... trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ sinh con
Một mai tan việc nước non ,
Anh về anh có... Mỹ con anh bồng!”


Tôi khựng người lại, giận vô cùng, tôi muốn quăng trả lại quyển sổ cho hắn, nhưng cánh cửa sắt sau lưng đã kéo kín lại rồi. Đứng một chập nghĩ kỹ hơn, tôi bỗng bật cười thành tiếng và bước vội về nhà, vì thật ra mấy câu hát vừa rồi đâu phải hắn là tác giả. Chẳng qua hắn cũng bắt chước mấy đứa con nít trong xóm tôi, chuyên môn chạy theo sau mấy cái xe nhà binh Mỹ, rồi hát chọc mấy “Chị Em ta” vậy mà.

Nhà tôi ở thuộc khóm “Phù Đổng Thiên Vương”, nhưng không hiểu có phải vì ngài Thánh Gióng đã bay mất về Trời(?) nên đám con cháu ở lại trần thế quên mất chuyện gìn nòi giữ giống? Kể từ ngày có phong trào lính ngoại bang tràn vào thành phố, thì tất cả những căn nhà hai bên đường phố đã đổi khác. Nhà trệt thì xây lên lầu cao, nhiều nhà có sân chơi rộng rãi, từng là sân vũ cầu của bọn trẻ, mỗi chiều rủ nhau ra quần thảo hơn thua, bỗng chốc mọc lên những căn phòng vuông vức như những chuồng cu, trước cổng rào bỏ thêm chữ Mỹ “Room For Rent” hay “House For Rent” mà khách hàng không ai xa lạ, lại chính là chị Bảy gánh nước mướn, cô Chính người làm của Bà Tư v.v...và những người tình của các “Chị Em ta”, những người lính viễn chinh Mỹ, Đại hàn, Phi v.v…

Bởi thế; chính tôi cũng nghe bọn con nít nhai đi nhai lại câu hát trên đến mòn cả lỗ nhĩ.

Nhưng rồi mùa Thu năm ấy, những người cùng tuổi hắn không có tên trên bảng vàng, đã phải vội vã xếp bút nghiên lên đường vào “Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm nhụt chí nam nhi...." thì hắn, dù không đậu, cũng chẳng thấy hắn buồn phiền, hay chuẩn bị đi lính tráng gì ráo, hắn vẫn phây phây, nhởn nhơ phóng xe Honda lạng tới lạng lui. Để rồi một hôm tình cờ tôi gặp hắn từ trong quân y viện Nguyễn Huệ đi ra, khi tôi vào thăm người nhà bị thương vừa đưa vào nhập viện. Thấy tôi, hắn dừng xe cất tiếng:

-Ngân đi đâu vào đây vậy?
-Tôi đi thăm người cậu bị thương, còn ông đi đâu đây?
Do dự một chút, hắn nói nho nhỏ:
-Tôi đi tái khám để ra hội đồng giám định y khoa lấy giấy hoãn dịch!
-Cái gì? Ông bị gì mà xin giấy hoãn dịch?Tôi ngạc nhiên ngó châm bẩm vào mặt hắn.

Tướng tá hắn như con voi mà bị bịnh gì đây trời? Chả lẽ? Tôi thầm nghĩ và cười một mình.

-Cái chân của tôi! Hắn vừa nói vừa đưa cao cái chân mặt phía bên kia chiếc xe. Lúc ấy tôi mới để ý đến cái bàn chân đang quấn băng trắng của hắn.
-Ủa! Bị thương hồi nào mà cả xóm mình không ai biết hết vậy? Có nặng lắm không?
-Cũng mới bị đây thôi, chả có gì nặng lắm, có điều phải đi tái khám hoài mới lấy giấy hoãn dịch được. Thôi tôi đi trước nghe.

Tôi tò mò muốn hỏi hắn về cái vụ giấy hoãn dịch gì đó, nhưng hắn đã phóng xe một cái vù, để lại cho tôi một lớp bụi mù và một lô thắc mắc về cái chân của hắn.Tôi muốn hỏi bà Mười quán, trung tâm tin tức của cả xóm, về tai nạn của tên Minh, thời may Má tôi lại sai xách thùng đi mua dầu lửa.

-Dì Mười ơi! Con ông Mẫn bị thương hồi nào, mà sao phải vào quân y viện xin giấy hoãn dịch vậy? Dì có biết không?

-Sao mày biết? Dì Mười có vẻ ngạc nhiên.
-Cháu vừa gặp hắn trong quân y viện Nguyễn Huệ.
Dì Mười kề tai tôi hỏi nhỏ:
-Bộ nó nói gì cho mầy nghe hả?
-Có nói sơ sơ, nhưng cháu chưa hiểu.
Bỗng dì Mười phất tay một cái, giọng chê bai:
-Ý dà! Cái thứ làm giấy tờ bịnh… giả để khỏi bị đi lính đó mà, mầy để ý thắc mắc làm chi!
-Bộ Dì biết tên đó định trốn lính thiệt hả?
-Chớ lớn tồng ngồng rồi, hai-ba lần làm giấy khai sanh lại, đi thi tới thi lui, có cái bằng tú tài cũng không đậu. Năm nay ông Mẫn đổi cách, không làm khai sanh lại nữa, mà mua bằng cho nó, nếu có bị đi lính thì cũng làm được Sĩ quan như người ta, nhưng chạy sao đó lại chật chìa mầy ơi! Tiền mất mà... tật mang, bởi vậy ổng mới nghĩ ra cách khác đó chớ!
-Vậy Dì biết hắn bị thương làm sao mà khỏi phải đi lính vậy? Tôi lại tò mò thêm.
-Thì... chặt đại một ngón chân cái ở bàn chân phải đó, nghe mấy ông lính nói: mất ngón chân cái rồi thì làm sao mang giầy lính mà chạy nhanh được! Mà lỡ có bị đi lính thì cũng khỏi ra trận quýnh giặc như người ta. Bởi vậy nó mới phải vào quân y viện. Đồ thứ tiền... rác Mỹ mà cháu, nghe nói ba má nó chạy chọt tốn đâu cỡ triệu mấy chớ có nhiều nhỏi gì đâu cháu ơi! Bà Mười kéo dài giọng rồi xì một cái trong lúc đi đong dầu cho tôi.
Tôi sững sờ trong nỗi kinh ngạc lẫn ghê sợ. Kể ra tên Minh cũng thuộc loại gan gốc cùng mình, hay ai đó đã chặt dùm cho hắn cũng vậy. Eo ơi! Tôi lại nhắm mắt và tưởng tượng một ngón chân tự nhiên rời ra khỏi bàn chân năm ngón, máu chảy linh láng, rồi gì gì nữa..., chỉ vì không muốn đi lính cầm súng đánh giặc như muôn ngàn thanh niên khác khi đến tuổi. Tự nhiên tôi rùng mình, tự nghĩ: hóa ra hắn là một tên hèn, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vốn đã ghét tôi lại càng khinh ghét thêm.


Cuối năm sau đó tôi phải đi học xa, cả năm tôi chỉ được về nhà vào dịp tết và nghỉ hè. Mùa hè năm đó, mỗi lần qua nhà hắn, lỗ tai tôi như muốn bùng ra vì tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng kèn v.v.v. thật ồn ào từ trong nhà phát ra. Thì ra hắn đã chiêu mộ được một đám đờn sĩ và lập ra ban nhạc “Sao Xẹt” mà không phải là sao băng, sao xanh, sao đỏ như những ban nhạc nổi tiếng khác, và hiện đang ra quân hàng đêm ở “Club Mỹ” trong thành phố (nhà hắn quen với Mỹ nhiều lắm mà!) Không biết tài đờn địch hiện giờ của hắn đã đạt tới mức nào rồi, cứ như cái giọng ếch nhái, ễnh ương của hắn mà cất lên thì chỉ có người Mỹ mới nghe nổi, chứ người mình thì chắc phải đầu hàng.

Ấy vậy mà tôi đã phải ngồi nghe hắn hát một lúc mấy bài mới là đau.Số là ông bà Bảy Quới gả cô Hoa cho chàng Trung úy không quân hào hoa, đám cưới tổ chức tại nhà, cũng rình rang xôm tụ lắm. Và muốn cho mọi người nể mặt, cũng để cho con-cháu, bạn bè, bà con cô bác có một đêm vui trọn vẹn. Ông Bảy Quới có ý nhờ một ban nhạc về giúp vui. Nghe được tin đó, hắn liền ngỏ lời tình nguyện chơi nhạc mà không nhận thù lao, dù sao thì cũng là tình hàng xóm láng giềng mà. Ông bà Bảy sau khi suy nghĩ kỹ thấy cũng tiện và…lợi nên vui vẻ nhận lời và cảm ơn hắn rối rít. Sau cái mục ăn uống no nê là phần giúp vui của ban nhạc.

Mở đầu ban nhạc chơi vài bản nhạc Mỹ rộn rã, vui tươi, bà con nghe lấy làm khoái chí lắm. Tiệc vui là phải vui chứ! Bỗng từ phía mi-cờ-rô, dõng dạc lời tuyên bố của hắn:

-Mở đầu chương trình nhạc Việt để giúp vui đêm nay, tôi: ca sĩ Hùng Minh, trưởng ban nhạc Sao Xẹt, sẽ trình bày nhạc phẩm... (Ngưng lại một chút để lấy giọng) kính thưa quí vị: đó là nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” của Dzũng Chinh!

-Chết! sao đám cưới mà hát hò gì kỳ vậy? Nhiều người bắt đầu bàn tán khi nghe tên bản nhạc.
Điệu nhạc trổi lên, bà con bên dưới, ngay cả cô dâu chú rể, hầu như đều ngồi chết trân, có kẻ há mồm, trợn mắt ngó về phía sân khấu (nhà có sân rộng, làm lều có sân khấu đàng hoàng), hình như chưa bao giờ có một số đông khán giả ngồi im thin thít để nghe ca sĩ trình diễn đến như vậy, ngoại trừ một vài ca sĩ thượng thặng hát những bài độc đáo.
Thời gian trôi, bầu không khí bắt đầu xôn xao, lời qua tiếng lại:
-Sao đám cưới mà hát hò gì cà chớn vậy?
-Bộ nó... khùng hả ?
-Hát tiếng Mỹ riết rồi quên hết ý nghĩa trong bài hát tiếngViệt sao?
-Nó tức con Hoa nên trù ẻo không chừng!
Thôi thì có muôn ngàn lý do thắc mắc nêu ra, nhưng tiếng nhạc vẫn cứ xập xình, và giọng hắn vẫn oang oang :
“Nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương...”

Rồi hắn cũng phải chấm dứt bản nhạc. Có nhiều tiếng hét từ đám ăn cưới:
-Thôi đi cha nội! Hát gì kỳ vậy, không chừng chả còn hát “Đồi thông hai mộ” nữa bây giờ.
-Thôi đi! Thôi đi!
Nhưng nhạc lại trổi lên, và không hiểu vì không nghe được hết lời than phiền của người nghe, hay hắn đã có chủ tâm, nên hắn dõng dạc nói tiếp:
-Dạ cám ơn quí vị, thể theo lời yêu cầu của quí vị, sau đây Hùng Minh xin trình bày nhạc phẩm “THÔI” của nhạc sĩ Y-Vân :“... Thôi em đừng khóc, em đừng khóc đừng khóc nữa, mà làm gì, giọt lệ sầu...”
Hắn rên rỉ trong khi ban nhạc cứ đập điệu cha-cha-cha rầm rầm nghe điếc cả lỗ tai. Có nhiều bà con tức cười quá, nhịn không được bèn cười hô hố, hích hích...

Thấy hắn hát hết bản nhạc, bà con thở dài nhẹ nhỏm, không ngờ hắn ôm mi-cờ-rô hỏi vọng xuống:
-Bà con còn yêu cầu Hùng Minh hát bài gì nữa không?
-Không! Không! Không! Có quá nhiều tiếng phát ra cùng một lúc.
-Dạ! Xin đa tạ tấm thạnh tình của quí vị, một lần nữa, thể theo lời yêu cầu tha thiết của quí vị, Hùng Minh xin hân hạnh trình bày bản “KHÔNG” của Nguyễn Ánh Chín: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi....'"

Thế là bà con bên dưới tha hồ cười, mạnh ai nấy cười, cười hô hố, cười ha hả, cười hích hích, cười ngã nghiêng, cười ngặt nghẽo, cười chảy cả nước mắt, chỉ trừ có gia đình cô dâu chú rể là méo mặt.

Cũng may, đến ngày tan cuộc năm 75, con gái và chàng rể cưng của bà Bảy Quới không hề hấn gì, cả nhà bà ấy còn đeo được cánh trực thăng của chàng rời khỏi thành phố, rồi sang tận bên Mỹ. Nếu có chuyện gì xảy ra, bà già đã... cào nhà tên Minh lâu rồi, bà đã tuyên bố với cả xóm từ sau bữa đám cưới lận. Ở trong xóm tôi ai mà không biết bà Bảy dữ như sư tử cái, bà chửi rủa được xếp hàng thượng thừa, mà mỗi khi bà sắp sửa xung trận, đối phương vẫn thường nghe câu mào đầu: “Bữa nay tao mà không...ăn chay, tao sẽ đào mồ, cuốc mả ba đời, chín kiếp thằng cha con gái mẹ bay ra...” nghe hãi lắm.


Đầu năm 73, tên Minh đem ban nhạc ra làm ăn ngoài Đà Nẵng, và một thời gian ngắn đã thấy người nhà hắn đem trầu cau đi hỏi vợ cho hắn. Vợ hắn là cô giáo Tường Vi, giáo sư ban lý hóa trung hoc đệ nhất cấp. Nghe đâu tiệc cưới làm lớn lắm, có lọng che, kiệu rước cô dâu từ nhà gái về đến khách sạn hắn thuê. Còn mẹ của cô dâu thì vui mừng hớn hở, khoe khoang cùng khắp bà con, làng nước chung quanh rằng thì là : “Con rể bà là con nhà giàu, lại có nghề nghiệp hái ra tiền, và nhất là khỏi bị đi lính!” Sau đó ít lâu, hắn đem vợ con về lại xóm tôi, và mua lại căn nhà ông Năm Thìn cũng gần nhà hắn.

Với chiếc La- Da-lat, hắn lái chạy ào ào, cũng là lúc bà con bắt đầu lo lắng, hốt hoảng vì có tin bọn giặc Cộng bắt đầu tấn công ở nhiều nơi...Rồi việc gì đến cũng đã đến, không hiểu vì lý do gì, với phương tiện xe cộ sẵn có mà hắn lại không chịu chạy, mặc dù nguyên gia đình ông Mẫn đã di cư từ nửa tháng trước và ngày thành phố Nha-Trang bị bỏ ngõ, là ngày hắn bắt đầu lập công với “Chính Phủ Cách Mạng”. Hắn đem xe hơi có cắm cờ nửa xanh, nửa đỏ (cờ của bọn Giải Phóng Miền Nam), chạy tít ra tận đèo Rù-Rì để đón “đoàn quân chiến thắng” (theo hắn). Hắn hô hào, rồi hăm doạ, bắt dân xóm tôi phải đi cùng với hắn để đón tiếp “cách mạng”, vì đã “giải phóng” cho mọi người khỏi làm nô lệ cho Mỹ Ngụy (cha hắn làm nô lệ đi đổ rác Mỹ và hắn phải phục vụ cho Mỹ hàng đêm). Hắn “hồ hởi, phấn khởi” tham gia mọi công tác của “ban quân quản” đề ra.

Mọi người trong xóm tôi bắt đầu sợ hắn ra mặt. Rồi hắn được giữ chức “Đoàn Trường Đoàn thanh niên” băng đỏ, có quyền sanh sát trong tay, hắn muốn xông vào nhà ai thì vào, muốn tịch thu tài sản của ai thì cứ tự tiện lấy. Hắn làm việc gắn bó với tên “Phường trưởng”, nguyên là trung sĩ Không quân của Việt Nam Cộng Hòa và là một tên Cộng sản nằm vùng vừa... đứng dậy. Tên này ngày trước nghe nói chuyên môn đi biểu tình, xuống đường, đả đảo chính phủ, rồi trốn chui trốn nhủi, vô công rỗi nghề, không biết cơ duyên nào, đã được một ngài Quận trưởng của một quận miền duyên hải bao che, rồi gả cho hắn nàng con gái đẹp như... Chung-Vô-Diệm. Tên đó lại về đầu quân làm lính Không quân, được phân phối gác cổng Long Vân, lần mò cũng lên tới chức Trung sĩ.

Giờ đây bọn hắn hợp tác chặt chẽ để làm khổ bà con trong xóm tôi. Bà Tuân có con chạy ra nước ngoài, bị gọi lên phường làm tờ khai báo hàng ngày, con ông Tám Chơn là “cảnh sát chìm có tội với nhân dân”; nhà ông Thịnh là tư sản mại bản, nhà ông Tư Cầu làm tay sai cho Mỹ ( ngoại trừ gia đình hắn). Và công to lớn nhất của hắn là đem bọn công an phường đến bắt trọn ổ nhà chị Thanh đem nhốt với tội danh giữ ‘lá cờ Ngụy’. Tội nghiệp anh Thanh, mới được thả về từ miền Bắc sau nhiều năm bị giam cầm, kể từ khi thất thủ trận Hạ Lào. Thành tích hắn càng đầy, thì người dân trong xóm tôi càng khinh bỉ hắn, ghê tởm hắn. Họ chửi thầm, chửi lén, không dám chống đối công khai sợ cái đầu đi thẳng, rồi cũng đến tai cô Tường Vi, cô giáo rất bực mình nhưng không làm gì được hắn. Cho đến một ngày « cách mạng » của hắn giải phóng luôn cái xe hơi La-Da-Lat. Hắn làm chủ tập thể được, chứ không làm chủ được cái xe hơi.

Hắn bực mình, bất mãn và bỏ phường nhào ra chợ trời chạy mánh.Trong khi mọi người khốn đốn, gia đình ly tán, bữa ăn chỉ là cơm độn, mì sợi thì hắn vẫn nhởn nhơ ra vào nhà hàng, quán nước (hình như có tiền Mỹ gửi về). Và cô giáo Tường Vi vẫn phải bù đầu với mớ giáo án và những giờ lên lớp cực nhọc, kèm theo việc chăm lo ba đứa con gái sinh năm một, thế nhưng lâu lâu hắn lại về nhà khảo tiền cô Vi, Cô không chịu đưa, thế là có một màn đấu khẩu, chửi bới thậm tệ, nhiều lúc cô Vi bị hắn rượt đánh, bọn học trò núp hàng rào coi trộm, nhưng cũng chẳng giúp gì được cho Cô. Tin cô giáo bị chồng rượt đánh đi nhanh hơn gió, cả làng nước đều hay khiến cô Vi xấu hổ, ngượng ngùng và cuối cùng cô quyết định nạp đơn lên “tòa án nhân dân” tỉnh để xin ly dị hắn. Ba đứa con được mẹ nuôi, nên căn nhà cô Vi cũng được quyền giữ. Người ta lại biết hắn trở nghề chạy mánh vượt biên.

Thì ra người như hắn trở nghề như người ta trở bàn tay vậy. Những người xóm tôi thì không ai dại gì mà nghe theo lời hắn. Vậy mà hắn cũng lọt được sang đất Phi, dắt theo cô thâu ngân quán nước ở đường Hoàng Tử Cảnh, cùng hai đứa con nhỏ của cô ta, trong khi ba đứa con của hắn không hề biết gì về chuyện cha chúng nó đã vượt biên.



Tôi cầu trời cho hắn làm rớt địa chỉ nhà tôi. Ở tiểu bang khác tới, hắn đâu dễ quen đường biết lối thành phố này, vậy mà hắn lại đến đúng lúc tôi chẳng mong chút nào.

-Ngân biết mà! Hồi đó qua tới đảo là phái đoàn Mỹ nhận tôi liền, vì tôi có thời gian làm việc cho Mỹ mà. Có mấy thằng Mỹ quen, tôi còn giữ địa chỉ của nó nữa đó!
-Ủa, hồi Cộng sản mới vô, ông hô hào “chống Mỹ cứu nước” dữ lắm mà! Tôi không thể nào đổi cách xưng hô với hắn.
Hắn cười đểu cáng:
-Thì mình cũng phải tùy cơ ứng biến chớ!
-Nếu ai cũng như ông thì dân miền Nam có lẽ không còn ai sống sót đến ngày nay. À! Mà vụ bà Kim Hương, ông dẫn đi hồi đó nay ra sao rồi?
-Rõ là đồ đàn bà khốn nạn! Tôi lo cho nó đủ điều, vậy mà ...
-Sao ông chửi dữ vậy? Bộ bà ta cho ông dze rồi hả?
-Vừa qua đến Mỹ, học nói bập bẹ được năm bảy tiếng Mỹ là nó đã phản bội tôi đi theo thằng khác!
-Kể ra bà ấy coi vậy mà khôn dữ há. Tôi nói móc.
-Thứ đàn bà cà chớn, chứ khôn con mẹ gì!
-Rồi bao nhiêu năm nay chắc Ông đã làm ăn khấm khá, có trở lại nghề đờn địch không? Xứ này nghệ sĩ nổi lắm mà. Chắc ông cũng đã có gia đình mới? Đã làm đơn bảo lãnh cho mấy đứa nhỏ sang chưa?
-Ối! Chúng nó theo mẹ, đâu coi tôi ra gì, để cho chúng nó theo bả luôn đi, bảo lãnh làm gì? Hiện tôi cũng đang sống chung với một vài bà. Hề hề, vừa là một nghệ sĩ, lại làm thương mại giỏi như tôi, lại có tiếng sinh hoạt chống Cộng hăng say trong cộng đồng, nhiều người biết tiếng, có khối bà muốn vô, nhưng kỳ này tôi quyết chí về Việt Nam kiếm bà trẻ thích hơn!
-Anh nói sao? Chồng tôi khó chịu hỏi giật ngược.
-Có khó gì đâu ông! Hề hề, sồn sồn cỡ như tụi mình bây giờ về bển là có gái mười bảy hầu hạ ông ơi!Tôi đã về mấy lần rồi, nhưng bận làm áp phe, nên chỉ đi du hí thôi , chứ chưa có tính chuyện lâu dài được
-Ủa, ông đã về Việt nam nhiều lần rồi hả? Tôi hỏi là hỏi vậy thôi, chứ người như hắn chắc là phải về trước hơn ai hết.
-Dại gì không về, “nhà nước” đã mở cửa rồi, ở bển bây giờ ăn chơi bạo lắm, gái ghiếc đầy dẫy, có tiền mua tiên cũng được, huống hồ gái tơ! Chồng tôi đã bắt đầu nóng mặt:
-Tôi có nghe nhà tôi kể qua về anh, tôi cứ tưởng sau nhiều năm sống ở xứ sở này, học được văn minh của người, và thấm thía thân phận của người tị nạn, anh sẽ có ít nhiều thay đổi, nhưng…
-Ối! ông bà sao còn hũ lậu quá, mình sống là phải biết liệu gió phất cờ chớ! Gió chiều nào mình xoay theo chiều đó mới là kẻ thức thời. Ông bà coi, nhiều ông Tướng, ông Tá còn về bển ăn chơi hà rầm, huống gì tui. Nhưng ông nên về Việt nam một chuyến đi, có quá nhiều cảnh “nhất dạ đế vương”, ăn uống còn có người ngồi cạnh…đút cho ăn nữa kìa, cái gì người ta cũng dành sẵn cho Việt kiều hồi hương hết đó ông ơi!

Mặt chồng tôi đỏ rần, có lẽ cơn giận dành cho người khách không chờ mà đến đã lên cao đến tột đỉnh:
-Xin lỗi ông Minh! Nể tình ông là người hàng xóm ngày trước của vợ tôi, nên nãy giờ tôi cố gắng ngồi tiếp chuyện với ông. Nếu ông còn một chút liêm sỉ, còn một chút tư cách của một người tị nạn Cộng sản, thì ông không nên tuyên truyền ba cái trò hưởng thụ tồi bại đó. Ai lại không có lòng tưởng nhớ quê hương? muốn về thăm lại một lần, nhất là thăm những thân tình, ruột thịt. Nhưng vể để hưởng thụ, để dẫm đạp lên nỗi đau khổ của đồng bào mình, thì xin lỗi ông, may mà những người như ông trong cộng đồng người tị nạn ở đây không có là bao. Tôi mong rằng lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp mặt ông.

Và thật đúng như ý muốn chồng tôi, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp hắn, tôi vừa nghe tin hắn chết một cách thảm thương trong lần về thăm Việt nam vào dịp tết vừa rồi.
Thư Ba tôi viết từ bên nhà sang, có đoạn:…“Thằng Minh con ông Mẫn bị bắn hai phát đạn vào đầu, rồi bị liệng xác sát đường rầy xe lửa, gần Khu Máy Nước. Khi người ta phát giác ra, thì một phần tay chân bị chó tha mất rồi. Nó mới về lại Nha-Trang đâu được tuần lễ, không biết ai giết nó? nó chết cũng vừa rồi, chỉ tội con vợ cũ của nó và mấy đứa con, lúc nó sống sung sướng ở Mỹ không giúp gì cho tụi nhỏ hết, nay chết rồi phải lãnh xác về chôn. Ba đứa nhỏ cứ hy vọng có ngày ba nó hồi tâm làm đơn bảo lãnh sang Mỹ, nhưng bây giờ thi không còn gì để hy vọng nữa…"

Không có nhận xét nào: