Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011
Bạn tôi ơi! .....
Thành phố hiền hoà, không ồn ào náo nhiệt, không vênh váo kiêu căng. Thành phố nằm ép mình bên triền dốc núi Nhạn, vươn tay mơn nhẹ mặt nước sông Đà Rằng đổ dài ra biển lớn. Thành phố tuy nhỏ nhưng không đến nỗi “đi dăm phút trở về chốn cũ” như Pleiku phố núi miền cao.
Thành phố có con đường dài từ quốc lộ một chạy giáp tới mặt biển đông, nếu đi bộ chắc cả tiếng đồng hồ, và đạp xe thì cũng phải ngồi thở dốc khi đến đích. Thành phố Tuy Hoà quê tôi đó. Và ở đó có ngôi trường trung học công lập mang tên vị anh hùng bách chiến bách thắng: Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Đã có điều thắc mắc nêu ra: tại sao trường học ở Tuy Hoà lại mang danh Nguyễn Huệ, mà tại Qui Nhơn, xứ sở của Ngài lại mang tên gọi Cường Để, là cháu của vua Gia Long, kẻ thù “không đội trời chung”?
Dù rằng hai ngôi trường cùng thành lập cùng năm 1955. Nhưng thắc mắc chỉ để …thắc mắc vậy thôi, chứ mỗi khi có ai hỏi: em học trường nào? chắc hẳn mỗi một học sinh của Nguyễn Huệ đều tự hào và hãnh diện khi được nhắc đến tên trường mình. Và tôi, cũng không ngoại lệ.
Thi đậu vào đệ thất trường công là một may mắn lớn và là niềm hãnh diện cho gia đình thời đó. (nên có hai trường tư thục dành cho các bạn không may: Bồ Đề: cho những người học sinh theo Phật, và Đặng Đức Tuấn: con của Chúa) Tôi lớn dần lên theo với thời gian và bạn học chung lớp. Từ môt con bé nhà quê chuyện gì cũng sợ, sợ ngay những bạn cùng lớp nhưng thuộc loại đại cồ như anh Phương (Sủn), anh Muộn, anh Bộ, anh Hiền…dù quí anh đâu có người nào nỡ …ăn hiếp tôi đâu, nói chi đến chuyện sợ Thầy, nhất là Thầy Tổng giám Thị ba Tê (Tr.T.T), chuyên đè học trò ra đét đít bất kể gái trai, hay Thầy Gạch cứ thẳng tay đuổi nữ sinh lỡ mặc quần đen đến trường ra khỏi lớp học ngay tức khắc…v..v.
Cho đến một ngày tôi xa rời thành phố xuôi nam theo gia đình lánh nạn Cộng sản, tránh xa cuộc chiến đến gần. Tôi bỏ trường xưa bỏ cả bạn bè và những thân tình một thuở. Ngày đó, có phải do “vô tâm” hay biến chuyển của thời cuộc đưa đẩy, mà khi ra đi, tôi đã không còn một liên lạc với bạn bè nào. Ngay cả Thanh, cô bạn thân nhất, ngồi cạnh nhau trong từng ấy năm dài, hay Cẩm Lưu, Trịnh Điểu, vẫn thường hay chung bước đến trường, như chị Kim Loan, người đã dắt tôi chun vô quận Hiếu Xương, nơi ký giấy khai sinh năm nào của tôi, và hiện có ông quận trưởng Châu, có người em trai …thích chị Loan nhiều lắm, để xin giấy miễn tuổi cho tôi đi thi Trung học, nên chẳng phải chờ đợi đã có ngay tờ giấy tôi cần. Nơi có những Quốc Khánh, Minh Chính, Huy Hùng, Minh Xuân, …những “cậu bé” cũng ngồi bàn đầu phía bên kia… ranh giới.
Cuộc sống cứ phải đi tới, và tôi chưa một lần trở lại để biết bạn bè xưa đã có thay đổi đến đâu. Rồi một buổi sáng, vừa mở cửa ra đường, thấy một chiếc xích lô trờ tới, một người Lính Pháo binh nhảy xuống và hỏi: nhớ tôi không? Trời: Nguyễn Văn Đổng! làm sao không nhớ anh bạn…lí lắc, quậy phá tưng bừng, anh bạn đã bao lần làm cho tôi …dở khóc dở cười vị bị Chú Thiếm chủ nhà tôi la rầy (oan) cái tội …học không lo mà quen bạn trai để hắn tới nhà tìm hoài. Anh Đ. giờ đang ở đâu, có nghe lời tôi nhắc?
Và ở đó, tôi đã gặp anh Trần V. Thảo nhiều lần, người bạn chung lớp từ đệ tam, đã nhiều lần đến nhà tôi mượn …vở, dù anh là học sinh giỏi, đâu cần mượn vở của ai. Bấy giờ anh đã là một Đại úy, làm trưởng phòng nhân viên ở Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn. Oai lắm!. Nhưng bao nhiêu lần anh ghé lại Nha trang, đều có anh trai tôi …đi kèm, anh tôi cùng làm chung đơn vị, ở cùng phòng, phòng có đầy lon sữa …Guigo của chàng Đại uý. Anh tôi …chê con trai gì mà cứ như…con gái.
Một lần, ngoài bãi biển Nha Trang, câu trả lời của tôi đã khiến anh buồn. Tôi xin lỗi. Bây giờ, sau ba chục năm dư, nhiều thay đổi trong đời, gia đình anh có được an bình, hạnh phúc?
Ở đó, một đôi lần Trần Ngọc Phước đến thăm tôi. Anh đã là một “Hiền tài” của Cao đài Giáo, tá túc trong Thánh thất Cao Đài tỉnh Tây Ninh. Anh nói nhiều chuyện, tâm sự lắm điều, nhưng tôi biết anh… không muốn đi lính phụng sự quốc gia, và thánh thất là nơi an toàn trốn tránh nghĩa vụ. Nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi khỏi cần …trốn tránh nữa. Bây giờ, nơi chốn xa xôi nào đó, lời gọi bạn xưa có muộn màng?
Một nén nhang khấn nguyện cho linh hồn anh Đặng Hoành Sơn. Anh Nguyễn Xu cho biết tin buồn này. Anh vào đệ tam B năm ấy, trong khi tôi học ban A. Vậy mà anh lại biết tôi. Vì bạn chung trường hay mỗi sáng đầu tuần chào cờ trước sân cỏ, từ lớp bên kia anh đã có dịp nhìn sang bên này, nhìn thấy con bé con đứng xếp đầu hàng, nhìn riết rồi quen, quen rồi thì nhớ ? Đã có bao buổi tan trường, trên lối về nhà trọ, hình như có đôi mắt ai đó nhìn theo.Tình học trò bay bay theo gió, ngỡ rằng đến đó rồi tan.
Nhưng không, khi anh vào Thủ Đức, rồi ra lại Đồng Đế, đến khi làm Đại đội trưởng một đơn vị Điạ phương Quân ở Phan Rang. Một bức thư của anh gửi về, đã làm tôi buồn không ít. Hình như súyt nữa thì mạng sống của anh đi đong trong một đêm dẫn quân đi kích, vì tên cộng quân đang rình chờ cơ hội anh lơ đễnh để tặng anh viên đạn đồng hầu ghi thêm chiến tích, anh thoát chết nhờ người lính Truyền Tin nhanh tay xô anh ngã xuống. Anh buồn vì sự "từ chối" của tôi đã khiến anh không còn muốn sống(?)và anh đã khóc vì bức thư đã nhạt nhòe nét chữ (?). Nhưng biết làm sao hơn. Và cuối cùng anh vẫn có một gia đình đông vui. Anh vẫn là bạn của tôi!
Người đi thì đã ra đi vĩnh viễn như anh Trịnh Ngọc Phương, Trần Khánh Phụng, anh Đặng Ngọc Tú, Nguyễn Hữu Anh…vẫn là những tin biết muộn màng. Và những ngày qua, khi một nhóm quí anh chị em bên Cali thành lập hội Nguyễn Huệ-Tuy Hoà, những người bạn năm xưa từ từ xuất hiện, để cho tôi có cơ hội nhận diện lại từng người. Những người bạn con nít năm nào giờ đã là những Tiến sĩ, Bác sĩ , Kỹ sư, Giáo sư nếu năm xưa không đi tòng quân nhập ngũ. Và các chị đều là những...thống tướng cả rồi. Từ Thanh-18 gian, mà anh Phạm Đức Hiền cứ bỏ thêm vào chữ ác, chị Trần Tấm, anh Hoàng Trọng Nghĩa đã bặt tin khá lâu, anh Quốc Khánh hiên ngang xuất hiện, rồi anh Chính, anh Tịnh, anh Khuê, anh Xu, anh Khóa anh Lợi. Chị Thu Cẩm và em là Phạm Minh Xuân.
Mới đây thêm anh Muộn chị Gái, chị Trịnh Điểu cũng đã gọi thăm, có chị Trịnh Vũ Hoàng Mai yêu đời vui vẻ, chị Kim Loan đang ẩn dật ở Cali, mới nghe thêm có Minh (Hồng Châu) đang ở Canada, chị Thanh (Trường) đang ở Cali (Phải kể thêm quí anh chị chưa có cơ hội xuất ngoại như chị Ngọc Lý, anh Trần Huy Hùng, anh Trần Văn Nghĩa, chị Hạnh, Cẩm Lưu, chị Phê…) Rồi một người bạn học nữa xuất hiện, mới nghe tên tôi đã bảo sao giống tên của tài tử…Hồng Kông. Nhưng anh đính chính rằng có một dạo nhà anh ở bên... hông Chợ Lớn, và anh có tên Tống Phước Cường! (cũng phải có họ hàng thân thích, không gần thì cũng xa xa mí lị …Tống Lê Chân, Tống Mỹ Linh, Tống Khánh Linh bên Tàu..?) Nếu khen anh là một hoạ sĩ đa tài thì tôi sẽ là dân trú ngụ tại kho đạn Long Bình hay Cát lái chứ chẳng phải gốc Phú Yên.
Thôi thì cứ chờ đợi, hôm nào đẹp trời, nhìn anh vẽ dung nhan cho một đám bạn con nít ngày nào, dù bây giờ tóc có bạc, da có nhăn nheo, mắt có mờ, tai có điếc, răng có rụng, bụng có to, thân hình có co ro, cút rút vì đau nhức kinh niên , thì …bạn tôi ơi! Các anh chị hãy hồi tưởng lại những ngày còn trẻ, mắt còn sáng, tai còn thính, tay chân còn nhanh nhẹn, để khi gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nhìn nhau mà cười sảng khoái….Sắp đến ngày Đại hội Nguyễn Huệ Kỳ 2.
Trước hết xin có lời cảm ơn quí anh chị trong BAN TỔ CHỨC, đã không quản ngại công lao khó nhọc, đem vai ra gánh vác việc trường. Ngày vui còn lại bao lâu nhỉ? Các anh chị bạn cùng trường không và chưa quen đã thu xếp về tham dự đông chưa? Và riêng CÁC BẠN TÔI ƠI! lời gọi có muộn màng của con bé con đen đủi năm nào, bây giờ đã là bà già rồi đó. Nhưng sao trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, cứ ngỡ mình còn …trẻ lắm, và đang chuẩn bị tham dự một trò chơi lớn đông vui với Thầy và bạn. Có phải vậy không ?????
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét